VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Lê Thị Huệ Qua Đèo Ngang Ớ Đang Nghèo


  Lấy ở địa chỉ
bài ký này nằm ở chương chót trong cuốn Văn hóa trì trệ nhìn từ Hà Nội đầu thế kỷ 21( 2001) 
 của nhà văn Lê Thị Huệ, gồm những ghi chép của tác giả trong một chuyến đi từ Hà Nội đến Huế năm 2000. Tôi xin mạn phép tác giả  giới thiệu lại đầy đủ bài ký (chỉ  không mang vào được hình ảnh ảnh minh họa) vì nó cho thấy những xúc cảm rất gần gũi với chúng tôi. 
Trong lúc chưa giới thiệu được cả cuốn sách Văn hóa trì trệ nhìn từ Hà Nội đầu thế kỷ 21 tôi thấy bài ký này cũng đã bộc lộ được phần nào những độc đáo trong ngòi bút của Tác giả 
Về nhà văn Lê Thị Huệ mời độc giả tra cứu thêm trên mạng nhất là vào trang Gió o mà tác giả chủ trương

 Trước ngày thống nhất 1975, tôi lớn dậy ở Miền Nam Cọng Hòa. Tuy trong thời chiến tranh và tuy là con gái nhưng tôi may mắn, là trong hai mươi năm 1955-1975 ấy, được đi khá nhiều các tỉnh châu thổ Miền Nam. Từ Cửa Việt Quảng Trị địa đầu vĩ tuyến chia đôi hai miền đất nước, lên Cao Nguyên bụi đỏ Phú Bổn Pleiku.  Ghé ngang miền trầm quế Châu Ổ Quảng Ngãi,  về đùa với cát biển Ninh Chữ Phan Rang.  Vùng đồng bằng Nam Bộ tôi đã la cà từ Toà Thánh Tây Ninh  qua đến Bến Ninh Kiều Cần Thơ.  Đất nước chiến tranh lửa đạn tơi bời hoa lá mà tôi như bông huệ nhỏ vô tư lạo xạo đi khắp bốn vùng chiến thuật thiệt là đã.

 Khi từ Mỹ về thăm Miền Bắc năm 1992, với mười chuyến về Việt Nam từ đó, và một năm 1999-2000 sống và nghiên cứu ở Hà Nội, tôi đã lục soạn khắp mọi ngóc ngách ngoài Bắc. Đi tàu lửa lên Cao Bằng Lạng Sơn.  Đi xe Tây Ba Lô qua Sa Pa Lai Châu Điện Biên Phủ. Từ Bắc Ninh Bắc Giang tôi thích thú khám phá ra Phú Thọ Sơn Tây. Xuống Thái Bình ghé Nam Định Phát Diệm. Rồi ra Hải Phòng ngỡ ngàng với phố ghềnh Hòn Gai eo biển đa tình tuyệt vời

 Trong suốt thời gian gần muời năm thập thò Bắc Nam này, có một cung đường tôi đã lầm lũi đi qua nhiều lần nhưng nào dám đi thọc mạnh thọc sâu vào. Đó là đoạn Huế - Nghệ An. Đoạn đường có rẻo quê hương xứ sở của cái tiếng nói  rất riêng tư hồi môn cha mẹ để lại cho tôi: Tiếng Hà Tịnh. Tôi đã làm vài chuyến đi ra Hà Nội rồi đi vô Sài Gòn, mỗi lần đi ngang Hà Tịnh tôi nhìn ra cửa xe và thấy cái xứ gì mà nghèo tả tơi, nghèo xơ xác, nghèo kiết lỵ, nghèo văn hóa, nghèo không còn chỗ nào để mà nghèo hơn, tôi bỗng đâm sợ qúa co rúm người lại.  Cúi đầu mở quyển sách địa phương chí ra đọc thấy tả cảnh nghèo đã sợ xanh con mắt. Đi ngang đó ngẩng mặt nhòm ra cửa sổ xe thấy người cày thay máy nghèo thắt vàng ruột non nghèo tím luộc ruột già. Nên tôi sợ. Lòng còn run lập cập chưa bình tĩnh đủ để trở về thăm quê hương tiền nhân. Tôi trì hoãn. Tôi cò cưa. Tôi bảo tôi: Khi nào về Hà Tĩnh thì phải chuẩn bị một lớp biểu bì nội soi gồ ghề ghê lắm chớ không là dám chết đứng như Từ Hải của Nguyễn Du.

 Cuối tiết Xuân Phân năm 2000, tôi rời Hà Nội để vào Sài Gòn làm tiếp công việc nghiên cứu, tôi quyết định đi chầm chậm từ Hà Nội vô Sài Gòn. Tôi muốn có thể dừng lại bất cứ nơi nào và ở vài ngày tùy thích. Tôi biết là tôi chỉ muốn dừng lại nhiều hơn ở cái khúc đường từ Hà Nội vô Huế. Chớ đoạn đường từ Huế vào Sài Gòn thì tôi như loài ong cái đã tỏ đường đi lối về

 Rời Hà Nội một sáng mưa phùn gió bấc. Tôi đã sống trọn vẹn một mùa thu và mùa đông ở Hà Nội. Hoàn tất niềm mong ước. Tôi từ giã Hà Nội khi trời đất sắp sửa bước vào tiết Thanh Minh.  Lúc mưa xuân còn lất phất trên những cánh đồng ngoại ô miền quê Thanh Trì, tôi kéo kín cửa xe lên để khỏi lạnh hai con đang ngái ngủ cạnh mẹ. Trầm tư nhớ lại những ngày ở Hà Nội đạp xe đạp từ Hồ Hoàn Kiếm lên tít tận chợ Hà Đông. Đôi giò hai mươi lăm năm được nuôi bằng sữa lotion, vớ ni lông đen, và thực phẩm chọn lọc của Mỹ Quốc thật là ngoan. Tôi đạp xe đạp khoẻ ru vèo vèo qua khắp mọi ngả đường Hà Thành.  Từ Hồ Gươm tôi đạp xe lên đê Yên Phụ dừng lại bên ghế đá  đường Thanh Niên ngó Hồ Tây chiều xuống. Từ Ngọc Sơn đạp cho được đoạn đường ngang cổng trường nổi tiếng Chu Văn An vòng qua chợ Bưởi về  Hoàng Hoa Thám ghé vào Vườn Bách Thảo.

 Tôi bỗng rùng mình.

 Tôi đã sống trọn vẹn nhiều điều qua với đời sống này. Bây giờ ngoái cổ lại nhìn, tôi đã gần hoàn tất được khá nhiều ước vọng, nhưng tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác rùng mình. Rùng mình tức là quay đầu nhìn lại mà thấy ớn óc. Khi nhìn lại nhiều điều mình đã thâu tóm trong đời sống này, tôi thường kiêu hãnh mãn nguyện vừa phải. Còn buổi sớm mai này khi bỏ xa kinh thành ánh sáng của người Tràng An, tôi bỗng rùng mình.

 Từ nhỏ đến lớn tôi khoẻ mạnh như văm. Cả đời tôi chỉ biết dùng hai thứ thuốc trị nhức đầu là Aspirine và trị cảm cúm là Dimetapp.  Vậy mà ở Hà Nội một thời gian tôi đã phải vào phòng cấp cứu địa chỉ 31 Hai Bà Trưng. Ngày 23 tháng chạp năm 1999, tôi bay từ Hà Nội về San Francisco, T. đón tôi từ phi trường chở thẳng tôi đến nhà thương. Tôi nằm ở nhà thương suốt những đêm Noel cuối thế kỷ. Tôi rời bệnh viện và khi tôi nói phải đi lại Hà Nội gấp, hai ông bạn là ông bác sĩ đào hoa Chu Anh Quế và ông bác sĩ chính trị gia Nguyễn Xuân Ngãi nói: Đừng có đi nữa. Không hợp. Bệnh rán chịu. Nhưng tôi vẫn quyết chí ra đi.  Phần xác thì như thế. Còn phần hồn thì tê buốt giá lạnh kiệt lực trống vắng hoang tàn đổ nát sau một mùa đông dài ở Hà Nội. Tôi rùng mình khi liên tưởng đến những người lính HO gặp ở Hoa Kỳ. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao dù đeo cả đống bệnh tật trên người và biết dù sống chẳng còn bao nhiêu nữa mà những người cựu tù nhân  HO này vẫn cương quyết rời bỏ quê hương gông cùm công an trị để đi tìm chút bình an cho tâm hồn vào những ngày cuối của đời người.

 Tự do! Ôi tự do đã là huyết mạch kinh kỳ trong mọi ngả đường trí óc tim ruột của chúng tôi và của những ai đã biết giá trị của nó.

 Bây giờ Phượng Thành phút tiễn biệt, Hà Nội không còn là miền xa lạ trong tôi. Những con vi rút bốc lên từ cái ống cống ngõ Bảo Khánh hình như đang lúc nhúc trong bao tử tôi. Những cơn gió ô uế đầy khói xăng chì ở Ngã Tư Sở đang nhào lộn trong hai lá phổi ốm o của tôi. Tòa soạn báo Nhân Dân ở 71 Phố Hàng Trống mỗi ngày tôi đi ngang một bận, như cái nhà tù trí thức khổng lồ làm cho tôi kinh hãi. Những món ăn mặn kiêu ngạo và những thùng bia ngoại trong những mâm cỗ ở ngôi chùa Bồ Đề bên Gia Lâm làm cho tôi phát lợm.  Khi lòng lãng mạn đã căng đầy và rơi rụng bởi nỗi sầu héo của một sự từ chối khốc liệt của thân xác, khi linh hồn đã thấm đẫm đau thương tuyệt vọng về một câu hỏi không bao giờ có câu trả lời, là lúc con người ta bỗng rùng mình.  Đấy chính là cái trạng thái tôi có với Hà Nội về những tháng ngày chung sống và sau đó đã khám phá ra.

 À có.  Tôi có nhớ tiếng chào hỏi mời mọc của các chị bán buôn ở chợ Hàng Bè, rộn rã trong từng ngón tay nhặt những hạt đậu hòa lan cho vào túi ni lông hay thái từng miếng thịt bê non ướp gừng sả gia vị các thứ cho tôi. Những tiếng nói ủ đầy lòng phố Hà Nội tỏa ra một sức lôi cuốn như tiếng nói của bất cứ lòng chợ nào ở Việt Nam. Về Việt Nam tôi chỉ ghiền ra chợ và lắng nghe những âm thanh. Đứng giữa lòng chợ Việt Nam nghe ra nhiều điều của thế giới ta bà, là thế giới nơi tôi sanh ra và thế giới đàn bà Việt Nam. Tôi cũng nhớ những sớm mai và hoàng hôn thu Hà Nội đi dạo quanh Hồ Gươm và đạp xe từ phố Hàng Trống qua phố Nguyễn Du để ngửi mùi hoa sữa thơm thơm rất Hà Nội. Khi nhớ về Hà Nội có lẽ tôi nhớ nhiều đến mùi rêu phong cổ tích của nó. Cái mùi mà tôi có thể giao tiếp giữa người Hà Nội sống và người Hà Nội chết . Và tôi muốn vẩy sạch xoá đi cái bóng người Hà Nội Cọng Sản không đáng yêu chút nào ở chính giữa.

 Giã từ Hà Nội!  Dẹp luôn giấc mơ dự định mua một mảnh đất hay một căn phố để dành cho hươu sao.

 Chiếc xe thường chuyên chở hai mươi mấy người nay chất đầy thức ăn, nước uống, bốn chúng tôi, và người tài xế.

 Người tài xế gốc Hà Nội bằng tuổi tôi mở đầu câu chuyện từ Hà Nội đến Ninh Bình với thời chiến tranh anh phải đi học và đi lính như thế nào.  Tôi lãng đãng cho đến khi anh tả lại cảm giác anh đã xúc động và khóc lúc nghe tin  ông Hồ Chí Minh chết.

 Tôi chặn ngang câu chuyện và hỏi, bộ hồi đó anh khóc thiệt hả. Trong câu chuyện tôi tố cáo sự tà ma ngạ qủy của những người cọng sản đã tôn thờ ông Hồ Chí Minh lên như thế nào. Tôi muốn tìm hiểu xem bao nhiêu phần trăm chân thật trong điều anh nói. Và tôi tin là anh nói thật. Anh bảo lúc đó cả nhà anh cùng khóc. Còn anh, cậu bé tiểu học mỗi khi nghe câu thơ Bầm Ơi của Tố Hữu là thấy dậy lên trong lòng những tình yêu quê hương ngút ngàn.  Anh đã tin không có ông Hồ Chí Minh thì làm sao giải phóng Miền Nam. Anh nói thuở nhỏ anh được nuôi dạy trong một không khí rằng lòng yêu nước là yêu Hồ Chí Minh. Lúc đó anh  chỉ muốn lớn nhanh như thổi để đi lính cụ Hồ vào Nam giải phóng đất nước!

 Tôi rùng mình. Nhớ lại những sớm mai đi xe bus vào đại học Hà Nội lắng nghe những bài giảng về xã hội chủ nghĩa. Là một nhà nghiên cứu, tôi soạn ra chương trình học của mình và yêu cầu được nghe giảng về sự nghiệp của Đảng Việt Cọng, về những đề tài văn hóa và xã hội Việt Nam dưới chế độ Cọng Sản.

Về hai chuyên mục Văn Học Việt Nam mà tôi yêu cầu. Họ thu xếp cho tôi học với hai cây bút có tiếng trong giới phê bình Văn Học Miền Bắc. Một cây bút nữ giảng cho tôi nghe về Văn Học Phụ Nữ Việt Nam Hiện Đại . Một nhà nghiên cứu nam khá sắc sảo giảng cho tôi nghe về các khuynh hướng Văn Học Việt Nam từ 1945 cho đến nay. Họ tặng tôi những quyển sách họ đã xuất bản và say sưa phân tích cho tôi nghe văn hóa Việt Nam. Họ nghĩ tôi  là Việt Kiều trí thức xa quê đã lâu, nay muốn về tìm hiểu đất nước thời đương đại.  Điều khá bất ngờ là tôi được nghe và nhận được nhiều giúp đỡ từ những vị giáo sư ngoài ngành văn chương hơn. Chẳng hạn như khi ghi học môn Đảng Cọng Sản Việt Nam, tôi lại nhận được những bài học thẳng thắn rất hào hứng của một vị giáo sư bên chuyên ban soạn thảo Tư Tưởng Đảng.

 Có người biết chuyện, nói với tôi là họ biết cả đấy, đừng có mà tưởng bở. Tôi vui nói who cares! Bao lâu tôi làm được điều tôi muốn làm và họ làm theo lời tôi yêu cầu, thì ai biết ai ra sao cũng chả có nghĩa lý gì.

 Nhà nghiên cứu nam đã bị tôi vặn hỏi tỉnh bơ rằng sao anh không nói gì về văn học Miền Nam từ 1955-1975 vậy. Anh viện lý do là thiếu tài liệu.  Tôi đề nghị tặng vị giáo sư này bộ biên khảo 25 Năm Văn Học Miền Nam của nhà văn Võ Phiến. Nhưng anh đã tìm cách tránh né lời đề nghị của tôi vào cuối những ngày bế giảng.

 Về đề tài Thơ Văn Các Cây Bút Nữ tôi hỏi ngay người viết phê bình văn học là tại sao chị nói về các cây bút nữ từ 1975 đến nay mà tôi chỉ nghe về các cây bút Miền Bắc. Không thấy chị nhắc gì đến các cây bút nữ Miền Nam hết dzậy. Tôi đề nghị hợp tác để viết về một số đề tài của văn chương phụ nữ Việt Nam. Chờ cho đến những ngày cuối cùng của khóa học, chị gọi điện thoại và từ chối nói là không thuận tiện.

 Các giảng sư đại học đều là những người tử tế. Họ nói là vì những lý do "tế nhị" của chính trị nên họ không thể nói về chúng. Và họ cũng nhận đó cũng là một thiếu sót của nền văn học mà họ đang phải sống và phục vụ.


Bỏ lại Hà Nội không luyến lưu, tôi cố nuốt những cục nghẹn con mắt khi đi qua những cánh đồng lạnh chì chiết lốm đốm những người đàn bà xắn quần chân trần còng lưng cúi xuống trên những thửa ruộng.  Rất nhiều những cánh đồng như thế này ở Việt Nam. Ai mỏng tim, đi Việt Nam một chuyến kiểu này thì rất dễ bị tăng áp huyết.

 Đi ngang Ninh Bình dấu vết thực dân Pháp để lại trên vô số nhà thờ công giáo. Những ngôi nhà thờ kiến trúc rất ư Tây Thuộc Địa với những lô gô La Tinh còn khoe lưỡi gươm đế quốc của chúa blời. Ngôi nhà thờ Phát Diệm gác mái nửa đường cong Renaissance trộn với nửa lá Mít ốm o. Các tín đồ gà trống gà mái cục cục tác đẻ ra kiến trúc kiểu văn hiến nào đây. Tôi vào trong nhà thờ và được nghe một ông trùm họ đạo nói là kiến trúc nhà thờ Phát Diệm chỉ  đứng sau  lăng Ta kiểu Tào ở Huế. Vậy mà lúc ngồi uống cà phê ở Queen Cafe phố Hàng Bạc, tôi nghe mấy anh chị Ta ở cái cái tua chở khách Tây, kêu đi thăm nhà thờ Phát Diệm để coi kiến trúc lẫy lừng,  là Tây nhất định không ai chịu đi.  Lần đầu tiên đi xem vô số nhà thờ quanh vùng Phát Diệm, tôi thấy giông giống như những nhà thờ đạo của người Mê Hi Cô ở biên giới buồn và nghèo Tijuana . Ghé ngang quầy bán hàng lưu niệm trước nhà thờ Phát Diệm. Thấy bày bán mấy cái hình thánh nữ hàng ngoại Therese De Lisieux và Maria De Goretti sì tai từ cái đời tảo thiên lập địa nào mà bây giờ còn bọc nhựa dú kín bùa chú. Có con chiên mua xong thì cầm ảnh tượng bọc nhựa thánh nữ Theresa đứng ép vào lồng ngực cầu nguyện ngay trước mặt tôi. (Cô bé này chả bao giờ biết tôi đã từng bị gọi là “con thánh” Theresa.) Vậy mà rẻo váy lót bà Thanh Hải Thượng Sư made in hàng nội Quảng Nghĩa nghe nói phân phát cho tín đồ lấy thảo thì bị ruồng bố bị bắt bị đăng làm nhiều kỳ lôi cuốn và hấp dẫn trên báo An Ninh Thế Giới của mấy ông công an nhà nước. Thiệt là kỳ thị xưa sau. Kỳ thị đồng trinh nạ dòng. Kỳ thị chủng tộc. Kỳ thị chúa nam và chúa nữ.

 Ninh Bình có một núi thơ rất đặc sản Việt Nam. Chỉ tội đã để cho hoang tàn xâm chiếm, và đã không biết phát tướng tiềm năng du lịch của nó. Núi Dục Thúy của Trương Hán Siêu khắc rất nhiều thơ cổ vào vách đá. Là bảo tàng viện thơ sống.  Tiếc là toàn thơ Hán Nôm cổ tích. Phải chi có chút lục bát khắc vào thì đẹp biết bao.  Cảnh trí rất hợp tình hợp cảnh với tâm hồn lục bát Việt Nam. Nơi đáng cho hậu sinh sửa soạn lại thành Đàn Nam Giao Văn Chương tôn vinh dân tộc sính thơ này. Thơ của những người ham làm thơ từ Trương Hán Siêu cho đến Lê Thánh Tôn, Thiệu Trị, Tự Đức, Ngô Thì Nhậm, cho đến Từ Đạm, Tản Đà... Bốn mươi bài thơ trên núi thơ thì có giới hạn nhưng có lẽ không đáng nói cho bằng những huyền thọai chung quanh những dấu ấn trên đó. Ví dụ nhà thơ Tản Đà khi thấy Từ Đạm dùng tiền và quyền để tạc thơ và tạc dấu chân mình trên giải non sông của thi ca đó thì rất "bực mình, đã thuê thợ, cho khắc bài thơ của mình cạnh bài thơ Từ Đạm như sau:" (1)

    Năm ngoái năm xưa đục mấy vần
    Năm nay quan lại đục hai chân
    Khen cho đá cũng bền gan thật
    Đứng mãi cho quan đục mấy lần


Lê Qúy Đôn, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu... cũng đều để lại thơ khi qua núi Dục Thúy.  Một bài thơ của Nguyen Khuyến hương vị Nôm thế này:

    Chom chỏm trên sông đá một hòn
    Nước trôi sóng vỗ biết bao mòn?
    Phơ đầu đã tự đời Bàn Cổ
    Bia miệng còn đeo tiếng trẻ con
    Rừng cú Tiền triều trơ mốc thếch
    Hòn câu Thái phó tảng rêu tròn
    Trải bao trăng gío xuân già dặn
    Trời dẫu già, nhưng núi vẫn non (2)

 Vào Thanh Hóa tôi hỏi mua một món quà địa phương. Người bán hàng chỉ cho chúng tôi lên thắp nhang trên đền thờ Bà Triệu nhưng nói Thanh Hóa không có quà gì lưu niệm cả cô ơi. Thảm thiết! Thanh Hóa là vùng đất Lam có làng cổ Đông Sơn, khoe nghìn năm xưa là đất sản xuất ra Ba Vua (Bà Triệu, Lê Lợi, Lê Đại Hành),  Hai Chúa (Chúa Trịnh và chúa Nguyễn),  là tỉnh lớn nhất nước, nhưng đặc sản thì không có một miếng ngon để khoe miểng !
 Đến thành phố Vinh tôi đi lùng một ngôi chùa và một nhà thờ để viếng nhưng không tìm ra nổi niết bàn hay thiên đàng hạ giới ở quê Bác.  Tôi lấy làm lạ và lò mò đi hỏi cho ra lẽ. Hỏi ở đâu thì ai cũng bảo rằng ở đây không có chùa không có nhà thờ nào cả.
 

 Ở Vinh,  siêu thị Maximark và khách sạn tôi ở đều có thang máy bé tí. Ở Hà Nội rất khó tìm thấy cầu thang máy trong các khách sạn nhỏ. Thế mà Vinh lại có những trang bị văn minh này. Thành phố quê hương Hồ Chí Minh bị bom Mỹ phá tan trong thời kỳ chiến tranh. Sau chiến tranh thành phố Vinh được xây dựng lại hoàn tòan mới. Thị trấn bỗng trở thành một địa danh biểu tượng một chế độ vô thần.  Khi có cơ hội xây dựng phố Vinh mới, chế độ cộng sản đã không cho xây dựng lại, không cho trùng tu bất cứ một tụ điểm tôn giáo nào. Không chùa không nhà thờ.  Tôi còn tò mò đi vào các nhà người dân để xem bàn thờ họ có thờ phật hay không. Cũng không nốt. Nhà nào có bàn thờ thì đó là bàn thờ gia tiên hoặc là bàn thờ họ.

 Vinh lanh lẹ và đổi mới bao nhiêu thì Hà Tịnh tách mình co cụm bấy nhiêu. Hà Tịnh và Bắc Ninh là hai tỉnh nghèo một cách đáng chú ý trong số các tỉnh dưới chế độ Cọng Sản Miền Bắc. Bắc Ninh là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống Miền Bắc nhưng vẫn không ngoi lên nổi dưới chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hà Tịnh nằm ngay quốc lộ 1, cũng trên đường đi sang Lào, cũng gần cửa bể giống như Nghệ An và Quảng Bình. Nhưng trong khi hai tỉnh Nghệ An và Quảng Bình chắc là giỏi buôn lậu nên bốc lên rõ ràng sau đợt đổi mới 1989, thì Hà Tịnh không thoắn thoắt nhà cao tầng phố mới xây như Vinh và Đồng Hới.

 Hà Tịnh với sông núi đất nước ưa nhìn giống Huế. Và hình như bảo thủ cũng giống Huế rứa.  Tôi yêu cầu được đến thăm đền Nguyễn Du. Anh tài xế phải hỏi lòng vòng về địa chỉ này. Anh nói đã làm nghề chuyên chở du khách cho các quan lớn, ngoại quốc, việt kiều, và đã đi qua vùng này bao nhiêu chuyến nhưng chưa ai yêu cầu chở đến thăm đền nhà thơ Nguyễn Du này.
 Từ ngoài quốc lộ qua cầu Bến Thủy rẽ trái vào làng Tiên Điền, tôi thấy nhiều ngôi đền cổ nho nhỏ còn góp mặt với đời, chứ không mất sạch dấu vết như Nghệ An.  Đến một khu đất cạnh những thửa ruộng, như bao thửa ruộng truyền thống của những làng quê Việt Nam, là một con đường quê nho nhỏ rẽ mặt. Con đường thon thả eo cong, có dãy cây cao vút thơ mộng. Con đường quê nho nhỏ nhưng lại được chăm chút trải nhựa để xe ô tô có thể đi vào. Tôi bị mê hoặc bởi con đường với hàng cây cao nghiêng mình trên bầu trời rộng thoáng của một vùng đất rất quê nhà Việt Nam. Xe đi hết đọan đường quê, rẽ vào sân, đậu cái kịch. Tôi nhìn lên thấy hàng chữ Nguyễn Du. À té ra thửa đất và hàng cây cao tôi đang mê man  hít thở không khí thơ mộng của nó là tài sản thuộc về khu đền thờ Nguyễn Du. Tôi bỡ ngỡ và ngầm khóai tỉ. A thì ra nơi thờ nhà đại thi hào đất Hà Tịnh này cũng đáng mặt lắm đấy chứ nhỉ
 Một người con gái nho nhỏ tuổi ngoài hai mươi dẫn tôi đi giới thiệu các ngôi nhà trong Khu Lưu Niệm Nguyễn Du. Cô chỉ những nơi ngày xưa ông Nguyễn Nghiễm thân phụ Nguyễn Du cư ngụ, trước mặt có gốc cây để ông buộc những con ngựa.
Những dấu tích của cả giòng họ Nguyễn còn giữ lại trong khu đất này.  Những ngôi nhà thờ nho nhỏ. Những tấm bia xinh xinh. Chữ Nôm qúa chời chời. Cô nhỏ đọc vanh vách và giải thích từng hàng chữ dọc. Trong một ngôi nhà thờ nhỏ, tôi nhìn lên, chỉ thấy và nhớ ra mỗi chữ Tâm to tổ bố. Nghe cô nhỏ đọc chữ Nôm vanh vách tôi nhớ lại ngày trước cha tôi di cư từ Hà Tịnh vào Nam mang theo những rương sách lá bổi chữ Nôm qúa nhiều. Tôi đã theo cha tôi học văn chương Hán Nôm nhưng tôi đã không làm được điều cha tôi mong muốn. Những giờ chữ Hán của người giáo sư đáng yêu Trần Trọng San và những giờ chữ Nôm của giáo sư Lê Hữu Mục ở Viện Đại Học Đà Lạt là những giờ tôi thấy tù túng. Tôi hỏi cô nhỏ, em học Hán Nôm với ai mà hay qúa vậy. Cô nhỏ nói, học với các thầy đồ  trong làng Tiên Điền này. Trời đất ơi, tôi nói, giờ này mà có làng còn thầy dạy Hán Nôm. Và có nơi còn bậc hậu sinh theo học chữ Việt cổ này thì thiệt đúng là chuyện chỉ có thể xảy ra ở quê hương Hà Tịnh của tôi và của đại thi hào Nguyễn Du

 Tôi đứng trước một căn nhà cũ mà bùi ngùi. Những hàng cây trong này sao trìu mến qúa đỗi. Những lối đi rêu phong nơi này sao thân thế Hà Tịnh quá. Mùi đất nơi này sao nhà quê Việt Nam vô cùng. Căn nhà nhỏ bé chứa đựng cả nhân dáng thi ca sừng sững của Việt Nam. Tôi bỗng chợt nhớ đến ngôi nhà cũng nho nhỏ bên bờ biển của nhà văn dâm đãng Henry Miller ở Monterey California tôi đã dừng ngang chơi mấy lần. Ngôi nhà hoang dã cạnh vách đá biển. Đọc sách nghe kể ngày xưa Henry Miller đã lạc thú ở đó với tháng ngày không quần áo. Thích là ở truồng từ trong căn nhà nhỏ băng qua đường ra biển tắm.  Tôi đứng nơi này mà nghe máu thịt tràn lên những cảm tưởng nhân sinh lồng lộng về hai người đàn ông Đông Tây hai phương trời cách biệt. 
 Nhà chính của khu lưu niệm Nguyễn Du là căn nhà thu hút nhất nước Việt Nam, so với bao nhiêu ngôi nhà thờ phượng mà tôi đã đặt chân đến.  Ở ngoài Bắc tôi đã được dẫn cho đến viếng bao nhiêu nơi gọi là đền thờ những bậc tiền nhân nổi tiếng, từ nhà thờ Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi, Ý Lan, v...v...  Chỗ nào cũng có cái bàn thờ to tổ bố hương khói bốc nghi ngút. Vái lạy và thờ phượng là  bệnh trĩ thần thánh của con cháu Việt Nam. Căn nhà Nguyễn Du  này không giống như những nơi kể trên. Nó mang linh hồn thi ca chất ngất trong từng hơi thở của đất, lá, cây, kèo nhà, của Nguyễn Du tách riêng trong cái chung của Việt tính.  Căn nhà nhỏ bé chỉ chưng bày những kỷ vật và sách vở liên hệ đến Nguyễn Du. Giống như một cái thư viện nhỏ.  Cúng kiếng thờ phượng hương khói mịt mù đi chỗ khác chơi. Tôi tằn mằn vân vê tập bưu ảnh và khám phá ra hàng chữ Khu Lưu Niệm Nguyễn Du. A cái tên nghe cũng đã chữ nghĩa chính danh. “Khu Lưu Niệm” chứ không phải “Khu Đền Thờ” giống như các nơi khác. 
 Cuối miền Hà Tịnh với Đền Ông Mười là con mộc đóng dấu văn hiến suy tôn Ba Bà Chúa. Trong các chùa đền ngoài Bắc có cái bàn thờ khác trong Nam. Chùa đền miền Bắc ở chính điện ông Phật không phải là trọng tâm đẹp nhất. Mà bàn thờ Ba Bà Chúa mới là cái trung tâm lôi cuốn kiến trúc, hương hoa, lời khấn nguyện, tiền bạc,... Đền Cậu Mười là điểm chia đôi văn hóa Việt Mường và Việt Chàm. Bỏ Hà Tịnh bước qua Quảng Bình là hết còn thấy văn hóa đàn bà vấn khăn mỏ quạ. Kiến trúc từ Quảng Bình trở vô trong Nam đã Chàm mầu sắc Việt. Đền Cậu Mười là một cái đền cạnh sông nước hữu duyên không thua Phủ Tây Hồ ở Hà Nội hay điện Hòn Chén ở Huế.

 Đất Quảng Bình ngày nào nghèo kiết xác. Nghèo qúa đến độ không ai buồn ghé ngang hay dừng lại. Bây giờ trỗi dậy với thành phố Đồng Hới cao ốc đua nhau mọc. Tôi dừng lại dọc con sông Nhật Lệ. Đứng dưới dấu vết cửa nhà thờ Tam Toà đổ nát vì bom đạn Mỹ nay chỉ còn là mảng linh hồn cũ mốc rêu xanh. Nhớ ngày nào còn học trung học Đà Nẵng có ba đứa con gái lấy ba cái tên, Phan Thị Trà Kiệu, Lê Thị Cẩm Xuyên và Nhật Lệ Giang. Ba đứa con gái thi đua làm thơ viết văn học trò nhưng mỗi đứa lấy một tên quê hương cha mẹ bên kia Vĩ Tuyến 17 để làm bút hiệu.  Bây giờ đứng bên giòng sông Nhật Lệ, bên kia cồn cát nhà cửa xây cất tường màu nằm xen kẽ giữa những hàng cây xanh. Bên này xóm công giáo Tam Tòa đã biến mất trên bản đồ, tôi chợt nhớ thời ba đứa chúng tôi còn nhỏ mà đã tưởng nhớ đến quê hương không thấy mặt dữ dội đến thế sao. Không phải là một cái bút hiệu quê hương mà đến ba bút hiệu của ba đứa con nít mười ba mừời bốn tuổi. Thế mới hay người Việt Nam yêu quê hương dữ ha.

 Bây giờ tôi có dịp đi lại ba miền quê trên để thấy gì. Thấy Trà Kiệu  Quảng Nam nghèo vẫn hoàn nghèo. Cẩm Xuyên quê hương Hà Tịnh của tôi nghèo không còn chỗ nào để nghèo hơn. Nhật Lệ Giang, con sông khá thơ mộng của Quảng Bình. Ôi những con sông thơ mộng mà tôi đã đi qua. Thuở nhỏ tôi chỉ thấy thơ mộng mà có thể quên miếng ăn. Bây giờ hễ thấy nơi nào trên quê hương còn nghèo đói thì liền lập tức những khúc sông thơ mộng trong tôi làm như cụt lưỡi trí tưởng.

 Tôi đứng bắt chuyện với ba bốn thanh thiếu nữ đang trông coi một cái vựa cá. Tôi muốn đi thăm một cái chùa. Tôi hỏi đây có cái chùa nào không mấy em. Dạ không. Một cô gái đáp. Không có chùa lớn chùa nhỏ nào cả sao. Dạ không. Mấy người con trai con gái đồng loạt đáp dịu dàng.  Vậy rồi tết nhất mồng một mười lăm ai muốn đi chùa lễ phật thì làm sao. Tôi hỏi. Dạ ở đây không ai đi chùa hết. Một cậu trai đáp. Thế ở đây có mừng lễ lạc này nọ không. Lễ lạc ở đây mà người ta mừng là những ngày nào? Tôi hỏi tiếp. Dạ là mùng 2 tháng 9, một cô gái đáp.  Dạ là ngày 30.4. cậu trai đáp.
 Nhà thờ Tam Toà Nhật Lệ. Bom đạn chiến tranh đã xóa nhoà dấu tích của những người Pháp mang đến biến những xóm nghèo cạnh biển thành những làng công giáo. Các xóm công giáo này đã di cư vào Nam năm 1954 và ở Đà Nẵng lại có một xóm đạo Tam Toà mới. Nhưng đứng ở đây nơi chốn này vào một buổi chiều hiu hiu gió từ sông Nhật Lệ thổi vào, tôi mới thấy thành tích của chế độ vô thần cọng sản ảnh hưởng lên trên vùng đất nghèo miền Trung này. Tôn giáo bị xóa nhoà sạch tan. Tôi muốn trở lại hai địa điểm Vinh và Nhật Lệ vào một thời điểm trong tương lai để xem sau khi chế độ cọng sản sụp đổ, những nơi chốn này sẽ đổi ra màu sắc phương hướng nào.
 Đi gần cuối tỉnh Quảng Bình, người tài xế giới thiệu cho chúng tôi một di tích mà anh bảo là chỉ mới khám phá ra gần đây thôi. Tôi cười nói. Cái vùng đất từ Thanh Hóa vào đến Quảng Bình chắc là còn nhiều địa điểm chưa được "khám phá". Vì vùng này nghèo qúa là nghèo nên ai đi ngang đây cũng chỉ đi qua mà không muốn dừng lại để mà thăm viếng nghỉ chân chơi nhởi gì ráo.
 Địa điểm mà anh chỉ cho chúng tôi là một cửa đại đứng chót vót trên một đỉnh đồi dọc quốc lộ 1. Anh nói đây là dấu tích ngày trước là Cửa Thành Nhà Mạc đóng dấu cho biết ranh giới của Việt Nam đến đây. Cửa thành cũ kỹ có ba cái nóc đá, đã phai mờ hoàng tàn dấu vết, hơi từa tựa như một tháp Chiêm Thành cũ. Chúng tôi leo lên những tam cấp đổ nát và thấy đúng là lối đi lên cửa tháp này chỉ vừa mới được khai quang cây cỏ gần đây thôi. Leo lên đến cửa thành, trời xế xẩm hoàng hôn, không khí hoang vu rờn rợn. Tôi đọc thấy hai câu thơ nguệch ngoạc viết lên tường:

  "Đèo Ngang" ở đây không có nghĩa là "Đang Nghèo".
  Cố vươn vai lên, đất nước sẽ giàu mạnh" .

Tôi ngậm ngùi. Ai xa nơi này, bao nhiêu năm trời khi nhắc đến Đèo Ngang cũng chỉ nhớ tới những câu thơ phơn phớt lam xanh sương chiều của Bà Huyện Thanh Quan:

  Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà.
  Cỏ cây chen đá lá chen hoa
  Lom khom dưới núi tiều vài chú
  Lác đác bên sông rợ mấy nhà ...

  Còn tôi kẻ hậu sinh đến đây trong buổi chiều hoàng hôn này,  suốt tứ chi đang đau buốt vì cơn cảm xúc nghèo thọc loét bao nhiêu đởm lược tôi đã lưu trữ mấy chục năm trời làm người Việt Nam. Nghèo chi mà nghèo qúa xá. Nghèo chi mà nghèo tận mạng. Bước đến đâu cũng chỉ thấy nghèo. Tôi chưa thấy nơi nào nghèo hơn khúc ruột Miền Trung này.

Không biết mấy trăm năm xưa Bà Huyện Thanh Quan có ngờ được rằng mấy trăm năm sau Đèo Ngang năm 2000 vẫn như cũ.  Khác chăng là không còn nhiều tiều phu gánh củi. Khác chăng là sau này Tây sang xây thêm cho được con đường đèo xe chạy.  Còn thì sông nước người ngợm chợ búa vẫn thô sơ như cũ.  Trời ơi bao thế kỷ đã trôi qua mà sao con người và xứ sở này không hề tưởng tơ đến ánh sáng văn minh của nhân loại hở trời ???
Tôi đã hí hửng tưởng đây là di tích mới khám phá ra của nhà Mạc. Té ra khi về đến Huế, nằm trong khách sạn bên bờ sông Hương đọc  quyển Di Tích Danh Thắng Hà Tĩnh thì mới biết đây là Hoành Sơn Quan được vua Minh Mạng cho xây vào năm 1833. (3)

 Xuống khỏi Đèo Ngang lòng còn ngổn ngang vì câu viết nhoè trên bờ tường rêu ô uế. Đi sâu vào tỉnh Quảng Trị, ghé vào La Vang xem nhà thờ công giáo cổ đã đổi thay đến đâu. Chúa mẹ ơi vừa dừng xe lại là một phái đoàn bà già con nít thanh niên xúm lại tưởng chúng tôi là người nhà trời hiện về, bu quanh mời mọc đủ thứ. Mua tượng đi cô. Mua hoa đi cô. Chụp ảnh đi cô. Thấy cảnh tượng như những lông nhím tự nhiên mọc tua tuả lên từ thánh địa, ai cũng ớn không muốn xuống xe.

Một mình tôi làm thánh nữ xuống xe đi băng băng về hướng cung thánh.  Tôi chú ý thấy rất nhiều nhi đồng các thánh áo quần rách rưới phần phật theo gió chạy theo tôi, cầm những bịch cao su dơ bẩn vàng sì bên trong chứa những chiếc lá khô queo gió Lào. Tôi vừa hỏi em bán cái lá gì trong đó vậy. Thế là cả bầy thiên sứ nhao nhao lên đồng thanh: lá chỗ Đức Mẹ La Vang hiện ra. Lá này uống vào chữa bá bệnh. Hay lắm cô. Cô mua dùm cho em đi cô...  Những người con Quảng Trị đứng bâu quanh tôi là những bà già ốm o mặt đen đúa xoè năm ngón tay hoa ra van vái: Cô cho xin vài đồng đi cô. Là những đưá bé trai bé gái đi chân trần áo quần rách rưới ngửa cong bàn tay năn nỉ: Cô cho em xin ít đồng đi cô. Cảnh tượng còn thảm thê hơn đoàn quân ăn mày Chùa Hương ở Hà Tây ngày nào tôi đến.  Dù sao ăn mày Chùa Hương còn có vẻ gì đó chuyên nghiệp truyền thống trân tráo.  Còn ăn mày La Vang Quảng Trị sao mà nó hiện thực cọng sản chủ nghĩa mới mẻ qúa đi. Trong đời tôi chưa bao giờ thấy một lực lượng ăn xin người Việt Nam hùng dũng tận đáy bần cùng như lần này.

 Mắt tôi bỗng dưng mờ. Tai tôi bỗng ù. Chân tôi không còn đứng vững. Tôi cố dạt hết bọn người cái bang ra và đi trở lại chỗ xe đậu phía ngoài kia. Đám quần thần nghèo khó bám theo chân tôi reo hò không bỏ cuộc. Tôi leo lên xe và bảo người tài xế chạy. Tôi mở ví mở rương ra và vơ vét hết tất cả những xấp bạc 200, 500 mang theo dự trữ cho chuyến đi dự tính từ Bắc vô Nam. Tôi làm một chuyện tôi chưa bao giờ làm trong đời: tôi thả tung tóe theo gió những xấp giấy bạc qua cửa kiếng xe. Điều làm tức khắc này khiến tôi liên tưởng đến cảnh những thánh cô thánh cậu lên đồng ở Phủ Giầy Nam Định.  Những người lên đồng ở những buổi hầu đồng lúc họ phát lộc, họ vứt tiền, vứt trái cây, vứt tung xoè mọi thứ ra một cách hỉ hả. Họ uống tí rượu. Họ ngậm tí trầu. Họ say thần thánh. Họ tươi say trong tiếng nhã nhạc. Còn tôi trong phút giây này thì đau trào nước mắt.  Nước mắt tôi nhạt nhoè theo tiếng kêu lên thảng thốt của đứa con trai nhỏ, mẹ, mẹ sao mẹ làm cái gì dzậy.

 Chiều xế, xe về đến Huế. Cái bảng quảng cáo xốn mắt treo to lớn ngay ngã ba đường vào cố đô: Hue Festival 2000. Có cái lô gô hãnh diện là một trong những quốc gia nói Tiếng Pháp treo tòng teng ở dưới. Áo trắng Đồng Khánh ngày nào bay rợp trời lả nắng Hương sông bây giờ biền biệt.  Khuya, người đàn bà làm giường ở khách sạn tìm cách ghé sát vào lỗ tai tôi và nói: Tui ngày xưa là nữ sinh Đồng Khánh đây cô nì. Tôi hỏi lương bổng và so ra ở Sài Gòn một nữ nhân công lau dọn khách sạn một tháng lãnh được tám trăm nghìn, ở Hà Nội được năm trăm nghìn, nhưng ở Huế chỉ có ba trăm năm chục nghìn. 350.000 đồng tiền Việt Nam lúc này chỉ tương đương với hai mươi mốt đô la. Nghĩa là chỉ bằng tiền mua một đôi giày hạng bét Shoes For Less của đứa con trai tôi đang học lớp bốn ở Huê Kỳ.

Về Huế tra cứu lại tôi mới biết thứ lá mà các thiên sứ theo bán buôn ngoài thánh địa Quảng Trị được gọi là Lá Vằng.  Từ Lá Vằng  này các ông Tây thuộc địa mới đọc ra là La Vang.  Tên La Vang  xuất hiện từ đó.

 Nằm ốm bệnh vì những con bọ nghèo lúc nhúc trong người. Ở Huế hai tuần le tôi không bước nổi ra đến chợ Đông Ba.  Tôi cạn kiệt sức lực vì loài vi khuẩn thổ tả khốn khó của quê hương. Tôi phải lấy vé máy bay bay về Sài Gòn thôi.  Tôi bỏ cuộc, bỏ dở tuyến xe đường bộ của nửa đoạn đường còn lại.

5/2000

(1) trang 47, Lã Đăng Bật, Núi Dục Thúy, Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội 1998.
(2) sách đã dẫn, trang 92.
(3) trang 274, Trần Tấn Thành, Di Tích Danh Thắng Hà Tĩnh, Cơ Sở Văn Hóa Thông Tin Hà Tĩnh, 1997.







Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn