VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Khả năng tiên tri của nhà trí thức



NHỮNG LỜI TIÊN TRI CỦA NGUYỄN VĂN TỐ
VỀ TÌNH HÌNH ĐẤT NƯỚC SAU 19/12/46
Trong một số trang Fb đầu tháng 7/2019  có nhắc đến mấy ý kiến của  Nguyễn Văn Tố về kháng chiến mà  Nguyễn Thiệu Lâu đã ghi lại khi gặp cụ khoảng tháng 4, tháng 5 1947 ở một làng công giáo tên gọi là làng Thụt, Tuyên Quang.

Nhân có cuốn Quốc Sử Tạp Lục (Khai Trí Sài Gòn – 1973) của Nguyễn Thiệu Lâu trong tay - từng do nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan phtocopy giúp từ tủ sách gia đình - tôi xin chép lại ở đây cả đoạn từ cuối trang 72 tới đầu trang 74.
Ngồi dưới gốc cây đa cổ thụ, nhìn nước sông Lô đỏ ngầu những phù sa, cuồn cuộn chảy xuôi, nghe tiếng thác ầm ầm gần đây nhìn lên thượng nguồn thấy núi non trùng trùng điệp điệp, trên trời lơ lửng mây đen mây trắng, hai chúng tôi, một già một trẻ ngồi lặng yên suy nghĩ.
Hồi lâu, tôi lên tiếng :
- Ý kiến cụ về cuộc kháng chiến này của ta như thế nào?
- Ấy tôi cũng định hỏi ý kiến của ông.
Chúng tôi lại ngồi im, mãi cụ mới nói :
- Cuộc kháng chiến này sẽ kéo dài lâu lắm vì thực dân Pháp ngu. Dân ta sẽ khốn khổ với chúng, nhưng chúng sẽ không tái lập được cuộc đô hộ đâu. Nước họ đã kiệt quệ vì cuộc chiến tranh với Đức, họ sẽ chết vì chiến tranh ở thuộc địa. Rồi ông xem nước Pháp sẽ tụt xuống hàng nước Y-Pha-Nho. Á Châu sẽ mạnh. Trung Hoa và Ấn Độ sẽ phục hưng một cách nhanh chóng.
- Thế còn Nhật?
- Nhật sẽ phục hưng được nhưng không một dân tộc Á Châu nào ưa họ đâu. Họ thâm độc lắm.
- Còn nước ta?
- Ấy, quan tha thời ma bắt, chúng ta sẽ độc lập bề ngoài mà thôi. Quốc tế sẽ công nhận sự độc lập ấy, Nhưng trong nước sẽ lục đục, có thể bị chia đôi. Ông có nhớ mấy khoản của hiệp ước Postdam không? Gây ra Nam – Bắc phân tranh mới rầy đấy. Nước nhà sẽ kiệt quệ, người Việt sẽ giết người Việt như ngóe ấy. Chỉ khổ cho lũ trẻ mà thôi. Lắm lúc tôi nghĩ, buồn lắm. Suốt đời ăn hại. Chẳng biết chết rồi, về gặp ông bà ông vải, tôi biết ăn nói làm sao với các cụ? Nhưng thôi, nghĩ vẩn nghĩ vơ làm gì. Đời tôi thời bỏ đi rồi. Ông trẻ, cố mà sống.... .. Thôi, anh em chúng ta về.
-------------
Không có điều kiện phân tích tỉ mỉ, tôi chỉ xin gợi ý đây là những lời tiên tri rất xác đáng, đúng cho tình hình đất nước ngay từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp cho tới tận 30 tháng 4 năm 1975.
Đáng đọc đi đọc lại nhiều lần là câu “Ấy, quan tha thời ma bắt, chúng ta sẽ độc lập bề ngoài mà thôi. Quốc tế sẽ công nhận sự độc lập ấy, Nhưng trong nước sẽ lục đục, có thể bị chia đôi. Ông có nhớ mấy khoản của hiệp ước Postdam không? Gây ra Nam – Bắc phân tranh mới rầy đấy. Nước nhà sẽ kiệt quệ, người Việt sẽ giết người Việt như ngóe ấy. Chỉ khổ cho lũ trẻ mà thôi”.
Ở đây có hai ý rất bất ngờ mà cũng rất chính xác, một là
CHÚNG TA SẼ ĐỘC LẬP BỀ NGOÀI MÀ THÔI
và hai là

NƯỚC NHÀ SẼ KIỆT QUỆ, NGƯỜI VIỆT SẼ GIẾT NGƯỜI VIỆT NHƯ NGÓE ẤY. CHỈ KHỔ CHO LŨ TRẺ
Dựa vào văn cảnh chung, tôi còn muốn đoán thêm nhà tri thức hình như băt đầu cảm thấy rằng trong khi mải nghĩ đến những nguyên nhân ngoại cuộc, thì rồi chúng ta - những người đóng vai tác nhân lịch sử -- lại chính là nguyên nhân mọi nỗi thống khổ của dân ta trong tương lai.
--
Nhìn chung cả đoạn tôi thấy cảm phục vô cùng cái khả năng nhìn xa trông rộng của một người như cụ Tố.
Trước các khúc quanh lịch sử các biến động long trời lở đất, chỉ những trí thức đứng ngoài mọi phe phái -- nghĩa là không định trở thành “bên thắng cuộc” -- mới có thể có được những tiên đoán và cả những dự cảm đau xót cho số phận nhân dân như đã dẫn ở trên.

Nhân đây tôi nhớ lại một lời tiên tri của Nguyễn Văn Vĩnh mà Nguyễn Văn Tố đã dẫn ra trong một bài viết sau khi ông Vĩnh mất.


MỘT DỰ BÁO CHÓI SÁNG CỦA NGUYỄN VĂN VĨNH
VỀ HƯỚNG VẬN ĐỘNG CỦA  XÃ HỘI VIỆT NAM
Trong cuốn “Nguyễn Văn Vĩnh là ai ?”  do Nguyễn Lân Bình tuyển chọn. tôi đặc biệt chú ý tới bài “Sự nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh” của Nguyễn Văn Tố viết bằng tiếng Pháp năm 1936, kéo từ trang 139 tới trang 211.
Ở chú thích số 14 tr. 209 sách trên , Nguyễn Văn Tố đã dẫn một ý của Nguyễn Văn Vĩnh  nói về tầm quan trọng của công việc giáo dục “các đồng bào trẻ tuổi chúng ta”
”Nếu hơn bao giờ hết giáo dục phải lôi cuốn công việc hội Tương tế Giáo dục chúng ta, thì lý do của điều đó là sự du nhập vào nước ta dần dần từng bước và rồi sẽ hiện diện khắp nơi một điều mới lạ về chính trị có tên gọi là “đầu phiếu phổ thông và bình đẳng”.
 Nguyễn Văn Vĩnh  giải thích thêm:
"Theo nội dung của thiết chế này, quần chúng đông đảo cùng làm chủ các việc công.
Thế nhưng quần chúng đông đảo cũng lại là bộ phận dốt nát nhất của mọi xã hội, và cũng có nghĩa là bộ phận nhiều đam mê hơn cả và dễ bị đánh lừa hơn cả bởi những nhà hoạt động quần chúng đôi khi thành thực song bản thân họ cũng dốt nát và cũng bị đánh lừa bới những kẻ lắm tham vọng, những kẻ ngụy biện và mỵ dân.
Như vật là rất có khả năng đẩy xã hội quay về với lộn xộn và hỗn loạn.
Cảnh man rợ lại hiện ra vì vẫn chờ đợi trong dạng tiềm năng.
Tất cả mọi người đều phải quan tâm ngăn chặn mối nguy đó, không chỉ các tầng lớp bên trên, mà ngay cả quần chúng đông đảo, tất cả những ai khát khao sống hạnh phúc, sống có nhân phẩm, sống trong tự do.
Ấy thế nhưng, không có trật tự thì làm sao có hạnh phúc, lấy đâu ra nhân phẩm khi không có sự tôn trọng chính mình và tôn trọng kẻ khác, lấy đâu ra tự do nếu không có giáo dưỡng trí tuệ và đạo lý.
Vậy nên, quần chúng đông đảo phải được đặt ngang tầm sứ mệnh của họ. Muốn cứu vãn xã hội thì phải làm như vậy”.
Hiển nhiên, đây là một chương trình giáo dục sáng láng và thực dụng mang màu sắc chủ nghĩa xã hội duy lý mà chắc là không một đầu óc ngay thẳng nào sẽ từ chối công việc chuẩn bị cho nó thành hiện thực.
---
Các ý quan trọng được tác giả nêu lên lần lượt là
Trong sự vận động của lịch sử QUẦN CHÚNG là nhân tố chủ động
Nhưng QUẦN CHÚNG lại  DỐT NÁT  DỄ BỊ ĐÁNH LỪA  bởi một bọn trung gian. Bọn trung gian này  cũng dốt nát và dễ bị đánh lừa bởi một bọn người trên cùng lắm THAM  VỌNG  và giỏi MỴ  DÂN
XÃ HỘI QUAY VỀ CẢNH LỘN XỘN  VÀ HỖN LOẠN’
 Chỉ cần lùi xa một chút chúng ta đủ thấy sự khái quát  này chính xác đến mức nào

Nếu lời tiên tri nói trên  của  Nguyễn Văn Tố thiên về về việc đoán nhận hiện tượng sẽ tới qua kinh nghiệm bản thân thì Nguyễn Văn Vĩnh nêu ra những nhận xét của mình về tương lai dưới dạng một thứ khái quát do đã  nghiên cứu sách vở Chắc là ông đã đi tới những khái quát này từ việc  tiếp nhận các khoa học xã hội hiện đại
Cả hai lời tiên tri hiếm hoi này cho hậu thế thấy là đầu thế kỉ XX xã hội Việt Nam đã có những người trí thức có tầm nhìn chính trị hiện đại và dự đoán hết sức chính xác về tình hình mấy chục năm sau, gần một thế kỷ sau.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn