VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Hà Nội tháng 4 tháng 5 1974


Tiếp theo bài  Nhật ký chiến tranh Hà Nội đầu 1974 đưa ngày 15-3-2019
https://vuongtrinhan.blogspot.com/2019/03/nhat-ky-chien-tranh-ha-noi-au-1974.html

     12/4
   Ngày hè đầu tiên, là ngày hôm kia, mưa rào.
   Và ngày hôm nay, nắng rực rỡ, như suốt mùa hè qua, suốt những mùa đông qua...đã nắng. Hoa gạo bung ra đã được một tháng. Cây đại trước cửa phòng tôi đã lên những mầm thật mạnh. Suốt mấy ngày hôm nay, tôi có nhiều việc, lúc thật vui, thật buồn. Mùa rét qua, có những khi tôi làm việc được liên tục. Mùa xuân này, thì cái chính là tôi không còn an tâm để làm việc bình thường, tôi không thể chịu được tình trạng nhạt nhẽo, lối đi bước một.
   Tôi luôn luôn cảm thấy rằng mình thừa sức, nhưng lại không tìm ra việc đáng làm. Và rút cục, kết quả công việc gần như số không.


   Đọc lại một ít nhật ký những ngày 1967-68. Mấy năm nay, tôi khác đi bao nhiêu trong ý nghĩ, nhưng lại vẫn cô quạnh như thế trong tâm tư.
  Nhớ lại năm 1971, cái năm tôi gặp bao nhiêu người con gái, mà sao không giữ được ai dừng lại với tôi. Khi ấy tôi 28 tuổi. Những lớp học, những cuộc đi ngăn ngắn, và bài vở viết được khá nhiều. Cái năm 1971, lòng người, cái loại người  "cán bộ" mới vào đời như tôi, lòng còn đầy hy vọng, còn cảm thấy có thể thành tựu gì đấy về "giải phóng". Một năm sau, chiến tranh nổ ra dữ dội hơn bao giờ hết. Một năm sau nữa, hy vọng chỉ thành thất vọng, hoà bình thành ra sự tụt xuống cái nấc cuối cùng trong niềm tin của mỗi người. Và đến năm nay, vẫn cái nấc thang cuối cùng, cái mà năm ngoái tưởng đã là đáy, thì bây giờ ở trên đầu mình. Vậy thì mọi điều sẽ ra sao?
   Bây giờ là tháng tư 1974. Lại nhớ những khi tôi cố sống trong bom đạn. Bây giờ, bom đạn ở xa, nhưng cả xứ sở này vẫn là xứ sở chiến tranh. Cái luôn luôn đòi hỏi con người là sự nhẫn nại không chịu chết. Phải cố sống trong mọi hoàn cảnh.
... Hãy quan sát xem, cái sự tan rã về mọi phía của xã hội, nhất là sự tan rã của tư tưởng. Nó vẫn mang đầy đủ những nhân tố là cái vỏ cũ, nhưng lại tự mình huỷ hoại đi tan nát đi, một cách kỳ lạ.
   Một câu trong phim Waterloo mới xem bên Xưởng phim quân đội: Ngoại trừ thất bại không kể, thì cuộc chiến thắng nào cũng vẫn có nỗi buồn của nó.
   14/4
   Một đất nước của những tiếu lâm chính trị. Một đất nước lúc này đây là của vinh quang, của những cuộc viếng thăm, nhưng ngay đấy là nỗi khổ cực đến tê dại của mọi người dân bao gồm cả sự đầu độc tuyên truyền họ phải chịu. Một đất nước mà mọi nguyện vọng bình thường đều cảm thấy lạc lõng, người cầm quyền không cần đến cái bình thường đó.
  Trong khi ở đây không có tự do gì hết, thì cái đài, tờ báo tự nhận là vì dân xoen xoét thương tiếc cho những người nơi khác không có tự do.
  Lúc nào cũng thấy người ta phân ưu với các nơi lụt bão. Làm như ở đây sung sướng lắm.

   Không, tôi không sợ sống khổ sở, chiến tranh thì tránh sao khỏi khổ! Nhưng tôi đau đớn vì ngày mai, ngày kia, người ta còn bắt mọi người sống khổ sở. Tôi có đủ lý do để hoàn toàn thất vọng vì cái xã hội này, cách cai trị người dân ở đây. Nói một đằng thực tế một nẻo. Vơ vét để kiếm sống, ăn thịt nhau. Đó là cách sống của con người. 
  Có những lúc, tôi oán trách “những người anh em” không thương dân tộc tôi, không giúp chúng tôi đến cùng. Bây giờ tôi thấy họ có lý, họ không thể thương những kẻ đi phá của. Đất nước chỉ đào tạo những kẻ đi giết người. Ôi, thấy ghê rợn quá. Một bức ảnh phóng to đặt giữa đường phố lớn nhất của thủ đô - một đứa trẻ con cầm khẩu súng, vênh mặt.
... Sẽ sống làm sao đây, rồi sẽ ra sao nữa, tôi nguyền rủa những kẻ không tính gì đến số phận chung của cộng đồng, không tính đến tương lai của xứ sở.
   16/4
   Những buổi chiều cuối xuân đầu hè. Cảm giác mùa xuân muộn mằn, cảm giác về một quãng đời tốt đẹp đi qua (nó như mùa xuân), cảm giác về một ít thử thách sẽ tới (đáng sợ lắm, cái mùa hạ ấy). 
  Tôi, một người như tôi, một người lười biếng, đơn điệu, vậy mà tôi có bao nhiêu điều đã sống. 
  Tôi nhớ lại một ít quá khứ, một hai năm trước, năm mười năm trước. Tôi nghĩ tới hôm nay. 
   Cái đói ám ảnh bao nhiêu đời thường ngay ở chung quanh Hà Nội. Những nồng nóng trong không khí chính trị. Và cuộc đời thường, mà tôi thường mơ ước cho mình, như ao ước cho bao nhiêu người khác, bao giờ cuộc đời thường đó đến được? Và tôi phải làm gì cho nó, ở một người như tôi, tôi nên làm gì. Tôi không hiểu. 
   Ngay tôi cũng không biết chia sẻ với ai nữa. Có bao nhiêu nơi tôi cần đến, cần biết. Nhưng hình như chả có ai cần tôi. Đến gia đình nào, bạn bè hay họ hàng, tôi cũng thấy hoặc là người ta bận bịu, khổ sở, không còn hơi đâu gặp tôi, hoặc là họ lại nhạt nhẽo, vớ vẩn, khiến tôi không còn muốn nói  điều gì với họ. Tôi muốn chửi toáng lên, về cái trình độ thấp kém chung, nhưng tôi hiểu rằng như thế, trong cái đám ấy, tôi cũng đã rất thấp kém, tôi làm sao ra thoát mọi ràng buộc. Cuộc đời đáng yêu quá đi, cần phải sống quá, do đó mà phải bàn về cuộc sống,  nhưng biết là bàn được với ai.
   Đất nước của những khả năng.
   Một người ít nhạy bén về chính trị như tôi, cũng đã cảm nghe thấy rằng cần phải thay đổi, và đây đó, trong những người chung quanh, cũng có dấu hiệu muốn thay đổi.
....
   Chính là chiến tranh đã đến với Hà Nội chứ không phải ở nơi nào khác. Chính là chiến tranh ở đây, chiến tranh tàn phá, xâu xé tất cả, chiến tranh làm cho mọi thứ nát nhèo và rối tung cả lên, chiến tranh ăn rỗng mọi thân thể, phá hoại mọi linh hồn, không còn đâu là sự lương thiện, không còn đâu là niềm tin của con người.
  - Tôi kinh nhất sự nguỵ tạo, sự dối trá.
  - Ở đâu chẳng có dối trá? – một thằng tôi khác cãi lại.
  - Không, dối trá ở những nơi khác là như thế nào đó, in ít thôi, loáng thoáng thôi, người ta vẫn làm việc. Còn như ở chúng ta, sự dối trá là để phụ hoạ cho sự ích kỷ hèn hạ, sự lười biếng. Dối trá thường xuyên và dối trá nơi nơi.
  Ôi, cái đất nước người nào cũng nhạy bén, người nào cũng làm chính trị, rồi thì sẽ ra sao, có một cái thứ chính trị quan trọng nhất, là làm việc một cách bình thản thì người ta không ai thèm làm.
    7/5
   Khải: Chiến tranh vui vẻ thật, người ta lên tướng lên tá ầm ầm. Khi nhìn cái lon mới của mình thì chả ai nhớ chiến tranh cũng là khốn nạn cho biết bao nhiêu người.
     12/5
   Từ miền Nam ra, Triệu Bôn kể :
   Ở trong ấy, không nghĩ được gì nữa. Như một con bò, chỉ biết có gặm cỏ. Cách mạng miền Nam như một cơn mê ngủ, đến bây giờ cũng chưa ra khỏi cơn mơ đó. Mọi người nôn nao chờ một cái gì đó thay đổi, mà không có. Sống ở trong đó, chỉ có mấy anh em thân mật bàn bạc với nhau. Còn ra đám đông, cái khóc cái cười của người ta rất lạ, không biết rằng thật hay giả nữa.
   Có lúc, chúng tôi ngồi bàn nhau, hay là viết thư ra Trung ương. Nhưng rồi thôi, chả ai làm.
   Một cô gái hủ hoá với rất nhiều người, nhưng không lấy ai. Hỏi cô, cô bảo bức bách thì giải quyết sinh lý vậy. Chứ chả có ai đáng yêu.

     Tiếp tục ghi những tâm sự Triệu Bôn :
     - Cái mà tôi phải luôn luôn đấu tranh, đó là sự bất mãn. Mình phải tránh bất mãn. Nhiều lý do lắm! Có lúc, tôi thấy ghê sợ khi nhìn mặt người. Như một thứ bệnh sinh lý. Cái sức mạnh ghê gớm, lúc này lại càng hiểu được, tức là lý tưởng. Không có lý tưởng, chúng tôi đã rơi vào tình trạng như vậy.
   Ở chiến trường, người ta chỉ nói tới khôn dại. Không còn khái niệm đúng sai gì nữa. Người ta chiến đấu, bởi không biết làm một việc gì khác nữa. Nếu tới năm 1976, chúng ta không đánh, thì sẽ tan rã từng mảng.

    Thằng địch nó bảo: Tha hồ cho các anh đánh tôi. Chúng tôi là bán nước. Vâng! Chúng tôi là lính đánh thuê. Vâng! Chúng tôi là công cụ chủ nghĩa thực dân mới. Vâng! Nhưng nhất định là chúng tôi sẽ đánh thắng các anh.



    Cái chính của cuộc chiến tranh lúc này, là người dân đứng ngoài mọi chuyện. Ở Nam Bộ, có loại thanh niên, gọi là thanh niên bù trao. Họ không theo địch, khi địch đến thì họ chạy, cùng lắm thì họ mới đánh. Nhưng họ cũng không theo ta. Họ tụ tập với nhau, thành một đám người giữa đồng, cũng tăng võng như bộ đội, rồi đi buôn, đi tát cá. Kiếm ăn. Kiếm ăn và ngồi hát cải lương sầu tủi, nội dung cuộc sống chỉ còn như vậy. Toàn Nam Bộ, số người đi bù trao này tập họp cũng được vài sư đoàn.
26/5
Hình như tất cả các khu vực của đời sống đều là đang ở vào chung một tình trạng. Đi đâu cũng gặp những điều làm mình nản lòng,  mà những điều đó lại thật giống nhau, khiến người ta có cảm giác không sao thoát nổi. 
Như đối với tôi hôm nay. Tôi ghê tởm xã hội. Nhưng tôi cũng khó chịu ngán ngẩm mỗi khi về với gia đình, cũng sợ hãi chán chường khi nhận ra những manh nha thói xấu nẩy sinh trong ngay những người mà mình gần gũi và quý mến ở cái cơ quan tôi đang làm việc. Đi ra đường, tôi ghê sợ tai nạn, và tôi càng hiểu những tai nạn đó bao vây mình dày đặc trong đời sống, chỉ cần một chút không may nào đó, là nó va phải con người mình.

      Không có ai là trùng khít với ai cả, - tôi hiểu điều đó. Nhưng trong con người, sao chỉ thấy nẩy nòi lên những cái xấu, những cái dở, những cái dốt nát. Quá ít những người để cho mình yêu mình phục, đó là điều làm tôi đau khổ hơn cả. Hình như hôm nọ chính Nguyễn Khải có nói, lắm lúc trong người cứ dậy lên những điều hằn học, khinh ghét mọi người, không dám nhìn vào mặt ai, không dám gặp ai cả. Thế thì ý nghĩa đời sống, còn là chỗ nào? Chỗ nào bây giờ. Chịu.
Những tiếng trẻ con khóc, và cùng với nó là mũi dãi bẩn thỉu. Những đoạn đường nhênh nhang, nhếch nhác. Những lời chửi bới hằn học, những câu đùa nhạt nhẽo. Một câu nói tục gây phản cảm chẳng khác một câu nói chính trị suông. Bao nhiêu thứ hàng ngày dồn ép vây bủa lấy tôi, và tôi hiểu rằng chính nó lại là cái gì đời sống nhất, cái phần đời sống mà nếu tôi xa rời, thì cũng rất tiếc.
   27/5
   Những dấu hiệu của tình hình mới:
    - Đêm quan họ vẫn diễn như mọi năm, nay không hiểu sao làm nhiều người khó chịu. Chậm quá. Trong khi đó, trẻ con hát Oan ta mê la đầy đường. Một nhịp điệu mới đang len lỏi.
   - Những tổ chức như rã ra. Đội, Đoàn chỉ còn là  hình thức... Chính các thành viên trong các tổ chức đó rất biết điều đó.
   - Bất cứ cái gì mới nảy sinh, cũng gây phiền phức cho những người khác, cho những gì đã cũ. Trong khi đó, thì không có cách nào khác, là cuộc đời  phải có sự nảy sinh.
    - Cái lớn nhất của xã hội này, là sự di chuyển: chuyển từ một đạo quân sang một xã hội thật sự với những nguyên lý bình thường của nó. Những quy luật sẽ chi phối đại khái bao gồm: sống theo những quy luật giá trị, sống với nhau như những cá nhân, sống lật bài, mỗi người nói rõ mình...
   Cái thấy rõ nhất trong việc việc chuyển đổi, là những cái hôm qua ta tưởng nghịch lý, lại làm nên bản chất của hiện thực. Những trường hợp đột xuất lại biểu hiện đúng đắn quy luật. Những hiện tượng không bình thường, lại tiêu biểu cho cuộc sống bình thường.

   30/5
  Nóng bức. Cái nóng bức của thời tiết, cái nóng bức của những đòi hỏi riêng tư trong một người thanh niên như tôi. Nhưng còn là những nóng bức của tình hình xã hội.
  - Nhất định là phải tiếp tục đánh nhau. Cái đích vẫn là như cũ, không thể thay đổi.
  Mọi việc chuẩn bị xây dựng XHCN ở miền Bắc chỉ là tạm bợ. Để ổn định tình hình  trước mắt. Còn thì trông chờ ở những năm tới 1975, 1976.

   - Đất nước đã từng là một đạo quân, đang là một đạo quân - và sẽ còn là một đạo quân. Lính tráng được ưu tiên mọi mặt. Và người ta nắm lính tráng chắc số một. Anh có thể sai lầm, hư hỏng, nhưng anh không thể phản chiến.

   - Cho đến cái vốn của đất nước, để mang ra chào hàng trước thế giới, thì vẫn chỉ có chiến tranh. Hiện đang dồn sức tổng kết kinh nghiệm chiến tranh, rồi lấy vốn tổng kết đó, làm ngọn cờ tinh thần và cũng là một cách trấn an dân chúng.
  Ở phía bên kia, cũng như ở phía bên này, thì cái cách để ràng buộc con người vẫn chỉ là một. Vẫn chỉ là tổ chức + tư tưởng. Ràng buộc nhau, hành hạ nhau, xô đẩy con người ta theo công việc đánh nhau. Thật là khốn khổ cho dân tộc này.
   Bao giờ yên ổn? Không biết.
   Không biết người Việt Nam sẽ ra sao, nếu như không đánh nhau, không sao hình dung ra nổi.
  ... Nếu như tôi nói về người Việt Nam trong lúc này, thì ở Bắc cũng như ở Nam, tôi đều muốn nói trên lập trường dân đen. Nói trên vị trí của gia đình tôi, bè bạn tôi. Có thể, tôi hiểu biết nhiều chuyện hơn một người dân đen bình thường, nhưng tôi không thể tiến sang vị trí khác.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn