Nguyên là bài Con
người và tư tưởng thời bao cấp đưa trên blog này ngày 15-7-2011
NHÂN CUỘC TRƯNG BÀY VỀ
Cuộc sống Hà Nội 1975-86
Một cách làm sử
Mặt
nghệt ra như mất sổ gạo. Một yêu anh có may ô -- Hai yêu anh có cá khô để dành
-- Ba yêu rửa mặt bằng khăn--- Bốn yêu anh có cái quần đùi hoa.
Những câu ca dao tục ngữ ấy
được dịch hẳn ra tiếng Anh rồi được
kẻ nắn nót cẩn thận trên những bức tường lớn, dưới đó là mấy gian trưng bày các
hiện vật theo một cách thức mà trong điều kiện ở Hà Nội này phải gọi là “hoành
tráng”.Đó là một căn hộ thu nhỏ với những vật dụng phổ biến một thời, kể cả cái
hố xí được ngăn lại để nuôi lợn. Đó là một cửa hàng gạo có kèm theo thông báo
tháng này bán gạo thế nào. Rồi một cửa hàng bách hóa với biển hiệu rỉ nát và những
bao thuốc cũ mèm, tưởng như sắp mốc đến nơi.
Bộ sưu tập Cuộc sống Hà
Nội thời bao cấp đã trình diện như thế tại bảo tàng có uy tín số một hiện
nay, Bảo tàng dân tộc học.
Một định hướng lớn của
bộ môn lịch sử - văn hóa thời hiện đại là đi vào những chuyện có vẻ không có gì
đặc biệt, nói theo nhà nghiên cứu F. Braudel, “những cấu trúc của sinh hoạt đời
thường”.
Một lần tôi đọc tờ báo
chuyên về điểm sách của Nga, được biết bên Moskva họ cho dịch cả những cuốn kể
chuyện nước Đức thời Hitler, người dân thường đọc sách gì, xem phim gì, đi làm
bằng phương tiện gì, học sinh học sử ở trường ra sao, mơ ước về tương lai ra
sao. Còn bản thân người Nga cũng làm những cuốn tương tự, trình bày riêng về từng
giai đoạn như các thập kỷ sáu mươi, bảy mươi thế kỷ XX.
Mà chẳng phải đến thế kỷ XX người
ta mới làm vậy. Trung quốc, ngoài các bộ chính sử kinh điển, lại sớm có từ lịch
sử ăn mày, lịch sử lưu manh, tới lịch sử trò chơi, lịch sử tuyển
chọn người đẹp tiến cung (bản tiếng Việt mấy cuốn này đều đã in ra từ mấy
năm trước).
Còn ở mình thì sao? Cách hiểu về sử
quá cổ lỗ. Lịch sử thường chỉ dành riêng cho những chuyện quen gọi là thiêng
liêng, và quá khứ thì cứ bị quấn vào hiện tại, để rồi người viết lúng túng như
gà mắc tóc, làm khoa học cũng cũng vật vờ mà làm chính trị cũng nửa vời kiểu ăn
theo, chẳng đâu vào đâu.
Giở lại cuốn Từ điển tiếng
Việt của Văn Tân do NXB Khoa học xã hội cho in năm 1977, thấy mặc dù đã
nói tới hiện tượng móc ngoặc đến những người chuyên nghề phe phẩy,
song hai chữ bao cấp vẫn chưa có mặt. Người ta cũng có thể quan sát thấy
tình trạng tương tự ở các từ điển từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài (chẳng hạn
từ điển Việt Hán) cùng xuất hiện trong thời gian trên. Mãi đến từ điển Hoàng
Phê mới thấy bao cấp được định nghĩa đầy đủ.
Từ nhiều năm nay trong
xã hội đang tồn tại một tình trạng sinh hoạt tinh thần có thực -- những vấn đề
có ý nghĩa nhận thức như “ta đang là gì”, “ở vào tình trạng như thế nào “ không
được xã hội xem trọng ; mỗi khi cần thay đổi, chỉ thích bàn nên làm thế này thế
nọ mà không chịu nghĩ lại xem bắt đầu từ đâu, dân mình đang có những chỗ hay chỗ
dở ra sao. Nói chung nhiều lúc thích sống về phía trước hơn là quay lại chuyện
cũ.Mà khi người ta không tự hiểu mình, không có sự đánh giá đúng đắn về quá khứ
thì mọi hành động lao tới phía trước rất dễ sai lệch.
Xét trên mặt bằng chung đó, phải nói phòng trưng bày Cuộc sống
Hà Nội thời bao cấp là một nỗ lực khai phá mở ra một hướng nhìn lại quá
khứ rất có triển vọng. Nhờ sự gợi ý và giúp đỡ của một số tổ chức quốc tế (1),
lần đầu tiên có một cách tổng kết lịch sử theo cung cách rất hiện đại. Nhân triển
lãm người ta có thể nghĩ lại về cách sống một thời, từ đó liên hệ với sự phát
triển của con người trong hoàn cảnh của nền kinh tế thị trường hôm nay.
Mọi chuyện có từ bao giờ
hay là một ít sự
kiện “đã thuộc về lịch sử”
Sẽ
là không thừa nếu “chính danh” một chút, tức tìm cách gọi đúng tên sự vật trước
khi bàn về sự vật đó.
Về mặt thời gian,
lẽ ra, cuộc trưng bày trên Bảo tàng dân tộc học phải mang cái tên là Cuộc
sống Hà Nội thời hậu chiến. Còn nếu muốn đi vào thực chất kiểu sống những
năm ấy, thay cho bao cấp, người ta có thể dùng những chứ khác như thời
trì trệ. Bề nào mà xét thì cũng phải có cái nhìn bao quát từ chiến tranh chống
Mỹ, và lùi lại cả giai đoạn từ sau 1954 trở đi.Trong cái mạch chung đó, giai đoạn
sau từ 1975 cho tới 1986 chỉ là một phân đoạn --- tuy là phân đoạn chín nhất, bộc
lộ một cách đầy đủ nhất bản chất của một giai đoạn phát triển xã hội.
Những ai từng đọc các bộ lịch
sử Liên xô cũ hẳn nhớ, chủ nghĩa Cộng sản thời chiến từng được giải thích khá kỹ
và tinh thần của nó còn chi phối tới khi nhà nước sụp đổ. Ở Trung quốc, những
quan niệm cơ bản đã được thể nghiệm từ thời Diên An để sau 1949 triển khai ra
toàn đại lục rộng lớn, kể cả Bắc Kinh Thượng Hải.
Còn đối với nhiều người dân
Hà Nội, thì đó là cả một câu chuyện khá dài.
Trong hồi ký Cát bụi
chân ai, Tô Hoài từng kể về không khí Thủ đô sau 1954:
“Chín năm ở rừng,
không có lương, quần áo phát theo mùa, xà phòng tắm và giặt cũng lấy ở kho từng
miếng, cơ quan sắm dao kéo húi đầu cho nhau. Trở lại thành phố, khó đâu chưa biết,
nhưng thức ăn hàng hóa ê hề. Chiều chiều, uống bia Đức chai lùn bên gốc liễu
nhà Thủy tạ. Nhà hàng Phú Gia vang đỏ vang hồng vang trắng vỏ còn dính rơm như
vừa lấy ở dưới hầm lên. Áo khoác da lông cừu Mông Cổ ấm rực, người ta mua về
phá ra làm đệm ghế. Hàng Trung quốc thôi thì thượng vàng hạ cám. Kim sào, kim
khâu, chỉ mầu, củ cải, ca la thầu sắng xấu mỳ chính xe đạp cái xe trâu cao ngồng.
Ca xi-rô ngọt pha vào bia cho những người mới tập tọng uống bia. Bắt đầu được
lĩnh lương tháng. Không nhớ bao nhiêu, nhưng tối nào cũng la cà hàng quán được.
Có cảm tưởng cả loài người tiến bộ đổ của đến mừng Việt Nam Điện Biên Phủ”(2)
Nhưng cái giai đoạn
thoải mái mà Tô Hoài tả đó chỉ ngắn ngủi chốc lát. Hàng hóa nhiều không phải vì
làm ra mà vì mới tiếp quản thành phố sẵn của kho đem bán. Nguồn hàng không phải
tự mình làm ra ấy cạn rất nhanh. Và cái câu mà một tờ báo lấy làm đầu để “màu
thời gian xám ngắt” (Tiền phong chủ nhật 17-6-06) bắt đầu từ đây.(3)
Trước tiên là sự
thiếu thốn.
Nhiều mặt hàng
thiết yếu sản xuất ra không đủ, phải bán nhỏ giọt mà là nhỏ giọt theo kiểu người
thời nay khó tưởng tượng được. Sách Kinh tế Việt nam 1945-2000 có
chụp lại thông báo của Sở thương nghiệp Hà Nội 11-1956, trong đó nói rõ
các đại lý diêm được “nâng mức bán lẻ từ một đến năm bao”, tức là mỗi người được
mua năm bao sau một lần xếp hàng. Đây nữa, một ít con số mà tôi “làm cái sái
nhì” lấy lại từ cuốn sách vừa dẫn. Trên công báo 1955, có ghi mỗi công nhân
viên về nguyên tắc mỗi năm được cấp 5-7 mét vải. Đầu 1955, sinh đẻ được cấp 5
mét diềm bâu khổ 70mm, 30 kg gạo; văn phòng phí gồm 1,5 thếp giấy /tháng / người.
Bình quân 10 người / tờ báo Nhân dân, một tờ Cứu quốc. Quạt điện
cấp cho các vị từ cấp Thường vụ Ban thường trực Quốc Hội, Bộ Thứ trưởng, các
chuyên gia nước ngoài, các đoàn ngoại giao. Cũng diện Bộ Thứ trưởng được dùng
điện đèn, điện quạt tùy yêu cầu (tr. 665).
Sự thiếu thốn này kéo
theo cả một quy trình sống mà người ta phải thích ứng. Khoảng trước sau 1960, bắt
đầu có chế độ sổ gạo áp dụng cho toàn dân. Rồi tiếp sau đó, dường như tất cả
nhu yếu phẩm đều có phiếu, như phiếu mua pin cho máy thu thanh –
mà hồi đó người Hà Nội quen gọi là đài --, phiếu mua phụ tùng xe đạp. Có hai điều
không cần phải nói ai cũng biết 1/ định lượng cung cấp cho đại bộ phận
các thành viên xã hội ngày mỗi giảm 2/ chất lượng các nhu yếu phẩm ngày một
kém. Điều này đã được một cán bộ thương nghiệp nhẩm thành bài vè Nhất gạo
nhì rau – Tam dầu tứ muối – Thịt thì đuôi đuối -- Cá biển mất mùa – Đậu
phụ chua chua – Nước chấm nhạt thếch -- Mì chính có đếch – Vải sợi chưa về --
Săm lớp thiếu ghê – Cái gì cũng thiếu (tr 412). Tất cả cứ thế mà trượt dài
cho đến giai đoạn hậu chiến.
Thích hợp nhưng để lại nhiều di lụy
Thời bao cấp (75-86) luôn được
biết đến như một thời gian khó với cơ chế quản lý kinh tế xã hội không thích hợp.
Trong bản giới thiệu trước khi dẫn vào Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp
có ghi như vậy. Xét theo lẽ phải thông thường, có thể thấy điều
đó là đúng. Làm sao mà quản lý xã hội kiểu đó là thích hợp được?
Nhưng nên nhớ điểm xuất phát
của chính sách này là hoàn cảnh “thời chiến”, một cuộc chiến tranh chúng ta
luôn luôn ở thế yếu và phải có những nỗ lực vượt bậc. Tất cả cho tiền tuyến.
Thóc không thiếu một cân – quân không thiếu một người. Những khẩu hiệu đó
được hiểu chính xác đến từng chữ. Người ở hậu phương lúc này như sống theo ăn
theo. Thế thì có thiếu cũng là bình thường!
Vả chăng, để tiến hành chiến tranh,
xã hội cần phải kết lại thành một khối rắn chắc, mà muốn thế, cần ghép mọi người
vào tổ chức, nói theo một danh từ của lịch sử, là “ đoàn ngũ hóa “ họ. Việc
phân phối theo kiểu bao cấp chỉ là kết quả của một quá trình lớn lao hơn: Tất cả
những gì thuộc về con người phải được quản lý.
Nếu nhìn nhận liền cả một quá trình
như thế thì có thể thấy rằng không phải cái cơ chế quản lý kinh tế mà ta gọi là
bao cấp ấy là không thích hợp, mà có thể nói nó là một cái gì hết sức
thích hợp mới đúng. Tương tự như câu chuyện hợp tác hóa. Chắc chắn là không
có hợp tác hóa không thể đánh Mỹ được.Tại sao vậy? Bởi có hợp tác hóa thì mới dễ
dàng huy động được những sản phẩm mà nông dân sản xuất được để tiếp tế cho chiến
trường. Có hợp tác hóa mới dễ đưa người đi bộ đội.
Đó không phải là một kiểu quản
lý khôn ngoan và có hiệu quả ư? Tất nhiên rồi. Nhưng không thể có cách nào
khác.
Ra đời trên cơ sở một cơ chế
sản xuất bị kìm hãm, quy trình bao cấp sau đó quay trở lại củng cố sự kìm hãm
đó, tức làm cho tình trạng trì trệ càng thêm trì trệ. Cái được rất nhiều, nhưng
cái mất còn lớn hơn nữa. Và cái đáng sợ nhất là không ít người coi cách quản lý
đó là duy nhất thích hợp nên không nghĩ đến chuyện làm khác đi, thậm chí hủy bỏ,
khi hoàn cảnh đã thay đổi. Bởi nó tiếp tục duy trì có tới cả chục năm sau chiến
tranh, nên cuộc trưng bày mới được khuôn vào quãng thời gian 75-86 nói trên.
Lúc này cái chế độ bao cấp đã đạt đến mức “ cổ điển” của nó. Người ta sống
trong đó như cá trong nước, nghĩa là tự nhiên thuần thục, và đành lòng chấp nhận
tất cả. Chỉ lấy ví dụ về lương, đây là con số đưa ra trong cuốn sách Kinh
tế Việt Nam1955-2000 cách tính toán mới phân tích mới (Trần Văn
Thọ chủ biên, nhà xuất bản Thống kê 2000): so với năm 1978, thì mức
lương năm1980 chỉ bằng 51,1% và năm 1984 chỉ còn 32,7%. (4) Sự vô lý đã
lên đến mức không cách gì bào chữa được nữa.
Những sự gậm nhấm thường trực
Tiếu lâm Việt Nam nổi tiếng với các
loại truyện có liên quan tới miếng ăn, từ thày đồ ăn vụng mật tới anh chàng
sang nhà bố vợ, nhờ con gà vướng dây mà gắp lia lịa. Với rất nhiều truyện ngắn
Nguyễn Công Hoan, với Đói của Thạch Lam hoặc Một bữa no
của Nam Cao … người ta đã thấy văn chương tiền chiến có nhiều tác phẩm cảm
động đi vào miêu tả những liên hệ của con người với miếng ăn. Hồi ký Từ bến
sông Thương của Anh Thơ kể hồi kháng chiến chống Pháp, có lần tác giả bắt
gặp Xuân Diệu đang trên đường vào Khu Bốn. Hỏi tại sao vào, mới biết ra ở
Việt Bắc thiếu cái ăn quá, tác giả Thơ thơ “du” Thanh Nghệ để tìm
cách cải thiện sức khỏe.
Mối quan hệ giữa con người và miếng
ăn vốn đặc trưng cho mỗi thời đại.
Tháng mười 1954, khi Hà Nội mới giải
phóng, tôi ở vào tuổi 12. Trong số những kỷ niệm liên quan tới sự kiện này, có
việc một hôm chính quyền bán theo giá rẻ gần như cho không mỗi hộ một kg đường.
Cả cái xóm nghèo Thụy Khuê chúng tôi háo hức chờ đợi. Và ở tuổi 12, tôi được
theo người lớn đi xếp hàng từ bốn giờ sáng. Quý lắm, hể hả lắm, mỗi lần nói tới
giải phóng Thủ đô lại nhớ cân đường mua rẻ.
Gần mười năm sau, mùa
hè 1963, trong những ngày học Đại học sư phạm Vinh, một lần lớp Văn II B của
tôi lên huyện miền núi Nghi Lộc giúp dân thu hoạch lúa. Để động viên, cấp trên
phát chúng tôi mỗi người một lạng đường gói vào tờ giấy báo. Xin phép gạt nỗi xấu
hổ ra một bên để thú thực là ngay trong buổi họp, nhiều sinh viên, trong đó có
tôi, đã giở cái gói mỏng teo đó ra, liếm sạch, vừa liếm vừa nhìn nhau cười, vì
không ai bảo ai mà ứng xử giống nhau thế!
Đúng như một trong những
câu ghi trên tường cuộc triển lãm này đã xác định, trong suốt cái thời gian khó
đó, có những lúc cái sự ăn trở thành tất cả đối với con người. Từ sáng đến
tối chỉ nghĩ chuyện ăn. Ăn là thiêng liêng. Ăn là dấu hiệu chứng tỏ mình đang
được sống. Thay cho câu “ tôi tư duy vậy tôi tồn tại “, điều tâm niệm của con
người lúc này là “tôi còn được ăn, vậy tôi tồn tại”.
Ngoài sự ăn,
trong may mặc, đi lại, và cả trong vui chơi giải trí nữa, con người lúc ấy
cũng ở vào tình trạng tương tự. Những câu nhại Kiều “Bắt ở trần
phải ở trần --- cho may ô mới được phần may ô” lan ra như cỏ dại,
câu này chết đi, câu khác lại được truyền tụng.
Nói rằng thiếu thốn còn quá
đơn giản, phải nói sự thiếu thốn lúc ấy đã lên đến mức vượt ra ngoài sự tưởng
tượng. Hơn nữa, sự thiếu thốn triền miên ấy đã in dấu vào tâm lý mọi người và
trở nên một cách nghĩ thường trực, nhìn bên ngoài có chút gì kỳ quái, thế mới
đáng sợ.
Lại nhớ Ngô Tất Tố có
bài tiểu phẩm kể Làm no hay là cái ăn trong những ngày nước ngập.
Trong số những người phát biểu cảm tưởng sau khi xem trưng bày Cuộc sống
Hà Nội thời bao cấp, cũng có người có cái ý nghĩ tương tự như nhân vật
Ngô Tất Tố, tức là nói đến khả năng vượt lên trên sự đói, với một chút tự hào.
Tuy nhiên, nếu có muốn cười thì thật ra nhiều người chúng ta thường đã phải giấu
đi những giọt nước mắt.
Vâng, làm sao khỏi ứa
nước mắt, khi nghĩ tới những sáng kiến hồi đó. Nuôi lợn ngay trong các căn hộ
20 mét của các chung cư. Lộn cổ áo sơ mi và “ tích kê “ những chỗ ống quần dễ
rách. Nhặt mảnh phim về kết thành làn. Thu góp từng cái ruột bút bi viết hết để
mang về bơm lại. Lộn trái phong bì để sử dụng thêm lần nữa … Nhiều chuyện lắm
và có những chuyện bây giờ phải diễn giải ngọn ngành mới hiểu nổi.
Bảo rằng đó là tiềm
năng sáng tạo được bộc lộ thì cũng đúng. Nhưng tôi cứ thấy tủi cho chữ sáng tạo
thế nào. Sáng tạo liều, sáng tạo quẩn, sáng tạo lấy được …, chắc còn có thể mệnh
danh cho sự sáng tạo ấy bằng nhiều chữ nghĩa xót xa khác.
Những thay đổi đã đến với con người
Nói như
ngôn ngữ thời nay,cái giá để duy trì sự nhất trí và do đó sự ổn định như vậy “
không rẻ “.Về mặt sản xuất,đã thấy chế độ bao cấp mang lại nhiều tai hại. Nó tước
đi của xã hội sự năng động và khả năng điều chỉnh tự nhiên. Nó kìm hãm sức làm
việc khiến cho toàn bộ sản xuất ngưng trệ thậm chí thụt lùi. Nhưng không chỉ có
thế. Tác động sâu xa mà nó để lại trong đời sống tâm lý và toàn bộ cách sống của
con người cũng là điều đáng để day dứt.
Tchekhov là một nhà văn Nga vốn
rất nhạy cảm với chủ đề nỗi khổ làm hại tới phẩm chất con người. Qua miệng một
nhân vật, ông từng khái quát “những kẻ đang chịu đau khổ thường ích kỷ, ác độc,
thiếu tỉnh táo nghiệt ngã, và ít khả năng hiểu người khác hơn cả những người đần
độn”.
Ông từng dựng lại một
nhân vật suốt đời lo kiếm sống và khi về già lấy việc được ngồi ngắm những trái
cây thu hoạch trong vườn mình làm điều mãn nguyện (Quả phúc bồn tử).
Bởi đã có lúc quá thiếu thốn, nên khi no đủ con người vẫn hiện ra bệ rạc đáng
thương.
Sự tha hóa con người ở
mọi thời đại không ra ngoài hai hướng mà Tchekhov đã khái quát ở trên.
Sau đây là một
trường hợp gần với chúng ta hơn, một cách ứng xử bề ngoài có vẻ như không có gì
quá đáng mà chỉ thoáng một chút kỳ dị, nhưng không vì thế mà bớt đi vẻ bi thảm.
Trong Chơi vơi trời chiều (5), nhà văn Trung quốc Thiết Ngưng từng
đưa ra một nhân vật rất lạ: do có thời gian bị đày xuống nông thôn và chịu cảnh
rét buốt thấu xương, bà dạy mẫu giáo ở một huyện nọ nảy sinh một thói quen là
lúc nào cũng lo rét sợ rét, và không đủ phương tiện chống rét ; thế là đi đâu,
tới cửa hàng bách hóa nào, bà cũng lùng sục để mua chăn bông, rồi về “ xếp cao
từ nền nhà lên tận trần”.
Những ngày thiếu thốn
cũng đã để lại trong tâm lý con người Việt Nam nhiều loại di lụy tương tự. Cái
hèn mà ta vốn khinh ghét, cái hèn đó ngấm ngầm ăn vào máu ta. Hèn theo nhiều
nghĩa. Lúc nào cũng lo lắng, sợ sệt. Và chỉ có những niềm vui tầm thường. Mua được
cân gạo không bị mốc, vui. Cưới cho con trai cô vợ làm ở cửa hàng lương thực
nên cả họ mua bán dễ dàng, quá vui. Đi bộ mấy cây để đến nghe nhờ đài ở một nhà
bạn, cũng đã vui lắm. Vui đấy rồi thấy mình sự khốn khổ của mình ngay đấy, và
ngày mai, lại vẫn tiếp tục cái tầm thường dễ thương đó.
Cũng theo những
cách thức rất từ tốn, sự xót xa đã đến, mà chỉ những lúc thật tĩnh trí người ta
mới nhận ra, nhưng nó cứ bám vào đầu óc ta mãi. Được giải thích kỹ lưỡng, ai
cũng hiểu hy sinh là cần. Nhưng vì sự hy sinh này đã kéo quá dài nên người dân
không khỏi sinh ra mệt mỏi. Nhiều sự uể oải diễn ra ngoài ý muốn. Và nguy hiểm
nhất, sự ngại ngùng khi nhìn về phía trước. Con người cảm thấy không bao giờ
mình có thể vươn tới những cái cao đẹp. Mình đã bị đánh mất. Nhắm mắt buông
xuôi, tự cho phép làm bất cứ điều gì khi thấy cần, miễn là tồn tại. Lòng tự trọng
kiểu nhân vật lão Hạc của Nam Cao không còn. Mà đến một chút phẫn uất của Chí
Phèo cũng không còn nốt.
Theo chỗ tôi biết,
trong thời gian gọi là ngưỡng cửa của công cuộc đổi mới (khoảng 1985-86), nhà
mác - xít Trường Chinh vốn người kiên định bỗng có một sự chuyển biến. Trước
đây, ông nghĩ rằng sự chịu đựng của nhân dân là không giới hạn. Tới lúc này thì
không phải thế nữa. Sự chịu đựng có thể xói mòn lương tâm và làm thoái hóa con
người. Bởi hiểu thế, ông nghiêng hẳn về cải cách.
Những mối quan hệ bị biến dạng
Đồng thời với
việc tác động vào tâm tính con người, những ngày bao cấp cũng mang lại cho mối
quan hệ giữa người với người những biến dạng. Sự biến dạng này mỗi ngày một ít,
đến mức người trong cuộc khó nhận ra, nhưng rồi cuối cùng vẫn hằn lên thành những
quy tắc rõ ràng, dù là quy tắc không ghi thành văn bản.
Bảo rằng mục tiêu của cả một thế hệ Việt Nam trong đêm trước đổi mới là “ sống và sống đẹp “ như gần đây một vài tờ báo đã viết thì không ai cãi lại được. Riêng những năm đầu chiến tranh thì quả là một thời kỳ Nghiêu Thuấn.
Ở Hà Nội, các nhà đi sơ tán chỉ khóa cửa bằng một cái khóa sơ sài. Ra đường, cánh bộ đội chúng tôi vẫy xe dễ dàng. Người nọ nghĩ về người kia với một niềm tin tự nhiên. Đẹp là đẹp theo nghĩa ấy!
Bảo rằng mục tiêu của cả một thế hệ Việt Nam trong đêm trước đổi mới là “ sống và sống đẹp “ như gần đây một vài tờ báo đã viết thì không ai cãi lại được. Riêng những năm đầu chiến tranh thì quả là một thời kỳ Nghiêu Thuấn.
Ở Hà Nội, các nhà đi sơ tán chỉ khóa cửa bằng một cái khóa sơ sài. Ra đường, cánh bộ đội chúng tôi vẫy xe dễ dàng. Người nọ nghĩ về người kia với một niềm tin tự nhiên. Đẹp là đẹp theo nghĩa ấy!
Song có một sự thực
là đến đầu những năm bảy mươi, mọi chuyện đã khác và từ sau 1975 thì càng khác.
Dễ thấy nhất là chuyện những chiếc xe đạp; ngoài khóa chính lại còn phải khóa thêm cái yên.
Tô Hoài kể trong Cát bụi chân ai: Ở một cửa hàng ăn rất sang hồi ấy, những chiếc đĩa đựng bánh ngọt phải bắt vít xuống mặt bàn. Một sự thực nhiều người tuổi tôi còn nhớ: các quán mậu dịch giải khát (kể cả cà phê) loại tầm tầm cũng “thống nhất” đục một lỗ thủng các thìa nhôm để đánh dấu.
Vì sao ư, đơn giản lắm, vì sợ ăn cắp. Chính sách em học đã thông -- Chỉ vì túng thiếu xin ông ít nhiều: Quả thật, càng ngày nạn ăn cắp càng phổ biến, dù chỉ là ăn cắp vặt. Ăn cắp bởi không có cách nào khác để sống. Và bởi nhiều ăn cắp quá nên không bị coi là việc xấu nữa.
Dễ thấy nhất là chuyện những chiếc xe đạp; ngoài khóa chính lại còn phải khóa thêm cái yên.
Tô Hoài kể trong Cát bụi chân ai: Ở một cửa hàng ăn rất sang hồi ấy, những chiếc đĩa đựng bánh ngọt phải bắt vít xuống mặt bàn. Một sự thực nhiều người tuổi tôi còn nhớ: các quán mậu dịch giải khát (kể cả cà phê) loại tầm tầm cũng “thống nhất” đục một lỗ thủng các thìa nhôm để đánh dấu.
Vì sao ư, đơn giản lắm, vì sợ ăn cắp. Chính sách em học đã thông -- Chỉ vì túng thiếu xin ông ít nhiều: Quả thật, càng ngày nạn ăn cắp càng phổ biến, dù chỉ là ăn cắp vặt. Ăn cắp bởi không có cách nào khác để sống. Và bởi nhiều ăn cắp quá nên không bị coi là việc xấu nữa.
Tương tự như thế là sự
dối trá. Hồi ấy báo chí ít lắm, mà từng tờ cũng it trang ít chữ, vậy mà có lần
trên báo Nhân dân (tôi nhớ đâu như 1974) có cuộc thảo luận về làm
ăn thật thà, điều đó chứng tỏ là lúc đó sự dối trá trong làm ăn đã lan ra rất rộng.
Không thật thà trong việc làm ra của cải. Nhất là không thật thà trong chuyện
phân phối.
Nếu
thời gian đầu, giữa người với người có sự chia ngọt sẻ bùi thì càng về sau (xin
nhấn mạnh một lần nữa: đặc biệt nhất từ 1975 trở đi), một xu thế ngược lại
ngày càng nổi lên và đóng vai trò chi phối: trong cảnh nghèo rỗi rãi, người ta
rất hay soi mói để ý đồng nghiệp và hàng xóm. Nghi ngờ xen lẫn ghen tị. Nghi ngờ:
“đói ăn vụng túng làm càn”, ai cũng một lần da đến ruột, ai cũng sẵn sàng làm bậy
như mình thôi. Và ghen tỵ, ghen tị một cách tự nhiên, thậm chí không biết rằng
đang làm một hành động độc ác. Cùng cảnh khổ với nhau, không lẽ gì có người hơn
kẻ kém. Vậy không ai được phép hơn mình. Không cho ai ngóc đầu lên cả. Cách gì
cũng có thể làm, miễn là kéo được nhau xuống.
Trên
nét lớn, nhiều người biện hộ: con người phải thay đổi như vậy để thích ứng với
hoàn cảnh. Tôi thấy cũng có lý, chỉ nói thêm, quá trình thích ứng này không nên
chỉ được xem như một cái gì đáng khen, đáng mừng mà thực ra là một quá trình
kép, tích cực có mà tiêu cực cũng có, tiêu cực rất nhiều nữa.
Trong một tài liệu mang tên
Xã hội học cá nhân, nhà tâm lý học người Nga I.X.Kon từng nêu mấy nhận
xét có tính chất lý luận. Kẻ lo thích nghi là kẻ trí tuệ kém phát triển hơn người
độc lập. Họ ít khả năng làm chủ bản thân trong những điều kiện căng thẳng. Họ
thường nghe ngóng dao động và rất dễ quay trở về với tình trạng vốn có, nói nôm
na là họ rất bảo thủ. Bởi họ không đủ lòng tự tin. So với những nhân cách độc lập,
và được phát triển trong điều kiện chính thường, thì quan niệm của họ về bản
thân phiến diện hơn hời hợt hơn. Đứng trước thực tế khách quan, năng lực phán
đoán của họ rất thấp. Với người chung quanh họ vừa thiếu tin tưởng vừa dễ bị lừa.
Nói chung là họ rất thụ động, hay đạo đức hóa các mối quan hệ và sợ xa rời tiêu
chuẩn.
Không cần gò ép chút
nào, cũng có thể thấy những đăc điểm đó của con người thích ứng
cũng là đặc điểm của chính chúng ta thời bao cấp, với cách biểu hiện khi tinh tế
hơn khi trắng trợn hơn, song loại nào cũng có.
Những quan niệm thô thiển về con người
và những thang bậc chặt chẽ
và những thang bậc chặt chẽ
Từ những hoạt động
lặp đi lặp lại, lẽ tự nhiên có sự hình thành những quan niệm.Trở lên, tôi đã
nói những tác động của quá trình đoàn ngũ hóa, hợp tác hóa cũng như sự bao cấp
nói chung tới quan niệm sống của mọi người dân thường, mọi công dân. Thế còn ảnh
hưởng của nó tới ngay người quản lý xã hội? Đây là cả một câu hỏi lớn, dưới đây
chúng tôi chỉ nói tới hai điểm nhỏ.
Thử đọc một cái lệnh về
quản lý lạc được ghi lại trong cuốn Kinh tế Việt Nam 1945-2000:
Không có thị trường
tự do về buôn bán cũng như về trao đổi các mặt hàng kể trên, cụ thể như lạc chỉ
để lại vừa đủ làm giống cho vụ sau tính toán cho sát. Người sản xuất không tiêu
dùng là tốt, người trồng lạc không ăn lạc không dùng lạc để làm kẹo hay luộc để
bán … Đối với nông sản dùng để chế biến thực phẩm cho nhân dân thì nhà nước phải
quản lý chặt chẽ trên thị trường, không để ai buôn bán kiếm lời.
Đằng sau những lời
lẽ cứng nhắc là một quan niệm khá thô thiển: người ta nghĩ rằng mỗi thành viên
xã hội không là gì cả, mỗi công dân không thuộc về chính mình mà trước tiên là
của cộng đồng. Cái gì cũng có thể và cần phải quản lý -- xã hội và con người chỉ
còn là một thứ đất sét, muốn nhào nặn thế nào cũng được. Đây chính là cái tư tưởng
làm nền cho sự quản lý.
Để biện hộ cho mình, một
thời gian dài, chúng ta khăng khăng cho rằng những biện pháp như trên là duy nhất
đúng và giá kể tiếp tục như thế mãi mãi thì làm gì cũng được. Đáng lẽ phải
hiểu rằng lối quản lý đó gây ra rất nhiều tai hại trong nếp sống cũng như tư tưởng
con người thì người ta lại lầm tưởng nó là cái mẫu lý tưởng nên theo, và sau
này chỉ bần cùng bất đắc dĩ mới từ bỏ.
Tư tưởng đó cố
nhiên chỉ có thể nảy sinh ở những người ít kinh nghiệm nhưng lại quá tự tin không
chịu rút kinh nghiệm. Không tính hết hậu quả các chính sách xã hội của mình. Dễ
cứng nhắc, thô bạo.
Còn một vấn đề nhức nhối nữa
thường ngự trị trong đầu óc mỗi người mỗi khi nhớ lại thời bao cấp (mà đến nay
cũng chưa chấm dứt được là), đó là cảm tưởng về một xã hội có sự phân chia theo
những thang bậc chặt chẽ.
Mọi chuyện cũng bắt
đầu từ kinh tế. Sự cung cấp được chia ra theo ngạch bậc. Cán bộ cao ăn
cung cấp – cán bộ thấp ăn chợ đen—Cán bộ quen ăn cổng hậu. Phải nói
ngay là cũng như toàn bộ chế độ bao cấp nói chung, việc phân chia theo ngạch bậc
là hoàn toàn tự nhiên, không thể làm khác.
Thế nhưng không
phải vì thế mà làm thế nào cũng được!
Đây là một số số liệu ghi
trong cuốn sách Kinh tế Việt nam 1945-2000: Trong
khi người dân thường mỗi tháng chỉ được 150 gram thịt, thì cán bộ cao cấp trên
được 6kg, tức là bốn chục lần lớn hơn. Và tính ra chênh lệch là 100 đồng. Ngoài
ra còn thuốc lá chè đường sữa len dạ, cũng tạo ra khoản chênh lệch khoảng 100 đồng
nữa.
Theo cách nhìn hiện đại
thì cái sự hơn kém giữa trên với dưới trên kia mô tả, kể cả những khoản giấu diếm
– cũng chả là bao. Nhưng đặt trong mặt bằng chung của thời chiến, đó đã là một
sự chênh lệch lớn. Bởi vậy những lời biện hộ cho rằng so với lương tối thiểu là
26 đồng thì lương bộ trưởng chỉ gấp tám lần (khoảng từ 200 đến 220 đồng) – lối
biện hộ ấy không thuyết phục được ai.
Vốn cũng từ dân nghèo
mà ra, người quản lý biết ngay rằng mình hưởng có phần quá. Lại do chỗ muốn an
lòng người dân, một khuynh hướng tìm cách che giấu hình thành. Ban đầu là tự
nhiên. Về sau là cố ý.
Từ đây nẩy sinh một ấn tượng,
thường in đậm trong đầu óc mọi người mỗi khi nhớ tới cái khoảng thời gian gọi
là thời bao cấp. Đó là hình ảnh một xã hội mang tính thang bậc chặt chẽ. Cái
này thì người dân thường Hà Nội trước sau 1975 cảm thấy rất rõ. Bởi hồi ấy, xe
ô-tô ở Hà Nội rất hiếm, nên chỉ cần nhìn một chiếc xe con đi qua, chúng tôi biết
ngay là đã có một vị cỡ nào vi hành. Xe Pobeda và sau này là Vonga đen ư? Cố
nhiên là bộ trưởng trở lên rồi. Các thứ trưởng và cấp tương đương đi những chiếc
nhỏ hơn và ít oai vệ hơn, tức là loại Moskovits. Một nhà văn hay ghi những chuyện
vặt là Tô Hoài còn kể ngay cách trang trí sau xe cũng có phân biệt. Như thế đấy,
một nếp sống đặc sệt chất quan liêu nảy sinh ngay trong thời buổi khó khăn và
con người tưởng là bình đẳng nhất.
Xưa nay nối tiếp
Các nhà kinh tế gần đây hay
nói tới cơ chế xin cho, nó là yếu tố cản trở tính năng động của xã hội.
Nhưng ngồi thử vân vi thì biết: Tác phong quan liêu cửa quyền. Thói quen luồn
lách, chỉ chực phá luật kiếm lợi riêng. Nhịp sống uể oải đến đâu hay đến
đấy. Lối suy nghĩ rập khuôn. Những đam mê đen tối. Niềm khao khát thường xuyên
muốn được tận hưởng những gì chỉ mới nghe mới thấy từ những xứ sở xa lạ …Bấy
nhiêu thói xấu mà hôm nay chúng ta khó chịu (cũng như bao thói khác chưa kể ở
đây), chẳng phải đều bắt nguồn từ cái quá khứ mà chúng ta muốn không bao giờ lặp
lại đó?!
Theo Từ điển Hoàng Phê, bao cấp
là “cấp phát phân phối, trả công bằng hiện vật và tiền mà không tính toán hoặc
không đòi hỏi hiệu quả kinh tế tương ứng”.
Cuộc trưng bày Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp là một minh họa đích đáng cho cái định nghĩa phổ thông đó và mở ra cho chúng ta một dịp để nghĩ lại mọi chuyện. Với việc không dùng tiền tệ để thanh toán, và đẩy hoạt động sản xuất về tình trạng tự cấp tự túc, cách phân phối ấy là một bước lùi trong tư duy kinh tế. Còn nhìn rộng ra các mặt khác thì xã hội lúc ấy là xa lạ với khái niệm xã hội dân sự. Bởi về đại thể, đó là một xã hội không bình thường, nên những cố gắng bình thường hóa nó trở lại của chúng ta hai chục năm gần đây mới khó khăn đến thế !
Cuộc trưng bày Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp là một minh họa đích đáng cho cái định nghĩa phổ thông đó và mở ra cho chúng ta một dịp để nghĩ lại mọi chuyện. Với việc không dùng tiền tệ để thanh toán, và đẩy hoạt động sản xuất về tình trạng tự cấp tự túc, cách phân phối ấy là một bước lùi trong tư duy kinh tế. Còn nhìn rộng ra các mặt khác thì xã hội lúc ấy là xa lạ với khái niệm xã hội dân sự. Bởi về đại thể, đó là một xã hội không bình thường, nên những cố gắng bình thường hóa nó trở lại của chúng ta hai chục năm gần đây mới khó khăn đến thế !
-------
(1) Cuộc trưng bày này
nằm trong chương trình tổng kết 20 năm đổi mới do UNDP và các quỹ khác như quỹ
Ford, quỹ Sida tài trợ. Mở cửa từ tháng sáu tới hết năm 2006.
(2) Điều thú vị là đoạn
này của Tô Hoài lại được sử dụng như là tài liệu minh họa tốt trong một cuốn
sách giáo khoa về kinh tế, cuốn Kinh tế Việt Nam 1945-2000, tập II
1955-1975 – Đặng Phong chủ biên Nhà xuất bản Khoa học xã hội –2005. Đây là một
công trình nghiên cứu có giá trị khoa học thực sự. Một số trích dẫn dưới đây có
ghi chú số trang là lấy từ bản in này
(3) Nhại một câu thơ của
Đoàn Phú Tứ Màu thời gian tím ngát, bài Hương thời gian
(4)
Dẫn lại từ Phạm Thị Quý chủ biên, Giáo trình lịch sử kinh tế Việt nam,
NXB Đại học kinh tế quốc dân,2006, tr 399.
(5) Bản dịch đã in ở NXB Hội nhà văn 2006
(5) Bản dịch đã in ở NXB Hội nhà văn 2006