VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký văn nghệ 1995 (1)

 21/1
Ngày 14/1 Thư viện Hội bị mang bán đồng nát.
Cái thư viện  ấy gồm ba loại sách :
- Sách trước 45
- Sách nước ngoài
- Sách ngay sau cách mạng
Phần sách trước 45 nhiều cuốn do các nhà văn lấy từ tủ sách riêng đóng góp. Nhiều cuốn có chữ ký riêng của tác giả. Như cuốn  Quê hương có chữ ký Nguyễn Tuân tặng Đồ Phồn.
Phần sách nước ngoài, có sách Pháp mà những Nguyên Đình Thi, Tế Hanh, Nguyễn Khải trước đây tự hào - nó là cái phần móc nối giữa đời sống văn học bị giam hãm của nước Việt Nam đang đánh nhau với thế giới.
Phần sách cách mạng, thì có những cuốn hiếm hoi in từ hồi kháng chiến.
Thế mà tất cả bị bán cân hết.

Trong lúc bọn tôi (Nhàn, Ân) loay hoay tìm lấy vài cuốn sách quý, thì Lê Minh Khuê gọi điện sang cho ông Nam bảo có chuyện đó, ông Nam còn bảo đâu có, toàn bịa.
Hôm sau Hà Phạm Phú chánh văn phòng Hội nhà văn sang đe nẹt: Anh nào bảo thư viện bán là vu cáo, tung tin nhảm.
Nhưng sau nhiều nguời nói quá ông Nam phải ra lệnh đình ngay việc bán. Còn bọn Hà Phạm Phú thì lại bảo đây là nhân viên thư viện tự ý, chứ văn phòng không biết.

Về kiểu đối ngoại hôm nay.
Lê Minh Khuê kể có giấy mời Mỹ nó mời, hẹn gặp ông Chính Hữu để làm việc mãi không xong. Cuối cùng, hôm họ cơ quan, tôi thấy Chính Hữu gọi Lê Minh Khuê ra, và hai người có vẻ nói hơi to với nhau.
Lê Minh Khuê nói thêm rằng ông ấy lại phê bình em là đặt Ban chấp hành vào hoàn cảnh khó khăn. Thì ra, ông ấy muốn trị mình, mình phải từ chối đi, chứ đưa cho ông ấy đâm khó xử ra.
Em mới bảo, thế bây giờ, em viết thư sang bên ấy, nói rằng cơ quan không cho đi nhé. Ông ấy nạt ngay, cô làm thế thì mất hết uy tín cơ quan, còn gì nữa.
Nhàn: Tóm lại, họ biết ta (ta đây là nhà nước) không đàng hoàng, nhưng họ không muốn trình cái đó ra nước ngoài.
Và họ muốn rằng tự ta, ta phải nhận lấy cái lỗi lầm, và tự hạn chế “hoạt động đối ngoại” của mình, chứ không nói ầm lên là người ta ngăn cấm.
*
Nhân đây, ghi chuyện Trần Thị Trường.
Trường kể, có một hôm, đâu thứ hai, tự nhiên nhận được điện ở Pháp xin phỏng vấn vào ngày thứ năm tới. Và họ nói thêm là nên suy tính cẩn thận và người phỏng vấn thường vẫn bị làm phiền.
Trường cúp máy với rất nhiều phân vân mà chắc phân vân lớn nhất là có nên báo cáo cho cơ quan biết không. Vừa muốn trả lời, lại vừa sợ, cái tâm lý của đứa con ngoan là không muốn làm bố mẹ mất lòng dĩ nhiên là tâm lý ấy ngự trị rồi, tự trong thâm tâm, muốn ao ước được hái trái cấm càng rất lớn.
Không đừng được, hôm sau đến cơ quan, Trường máy mồm báo cáo.
Lập tức, một sự hoảng loạn bao trùm cơ quan. Giống như trong một cuộc báo động, ông giám đốc (đây là tổng biên tập tờ Người công giáo yêu nước) huy động mọi công cụ, để: 1. báo cáo lên trên và 2. khống chế cô, chờ có lệnh trên thì xử lý theo. Thậm chí Trường không được đi đâu mà phải luôn luôn báo cáo sự có mặt của mình.
Đến ngày nước ngoài họ hẹn, chuông điện thoại reo. Trường nghe ở bên kia, có tiếng ông  gọi, thì lập tức sóng nhiễu. Rồi có, lúc lại mất tín hiệu và lúc sau có lại thì cũng nhiễu hơn. Cuộc nói chuyện coi như là thối.
Buồn cười là sau đó, Trường còn bị phê bình, hình như là trong lúc thấy điện nhiễu, cô hơi tỏ ra bực bội vì có ý cho là ở cái nước này, chả làm được gì, thế là cho kẻ địch biết rằng ở nước này chả có dân  chủ, kể ra cũng đã nặng tội lắm.

24/2
Ông Phùng Quán mất, 22-1. Báo Văn nghệ số đầu xuân ra thứ bảy 18/2, có in các bài của Hoàng Cầm, của Lê Đạt, Hoàng Cầm nói là Phùng Quán suốt đời yêu Đảng (và chỉ vì muốn Đảng trong sạch, nên mới chửi bới bọn phá Đảng) ông Đạt nói đại ý là đến những ngày cuối đời, Quán vẫn yêu thơ, thuộc loại những người hết lòng với thơ v.v.
Tôi nghe mà thấysốt ruột. Theo biết, những ngày cuối đời, ông Quán chỉ sống dông dài. Thơ không thể so sánh với Hoàng Cầm, Lê Đạt. Nổi tiếng nhất, chỉ có mấy bài báo móc máy, nhân cái chết của Trần Đức Thảo, hoặc ngày tết tới thăm Tố Hữu. Sau khi được khôi phục, Phùng Quán rất hay xuất hiện tại các cuộc họp có vẻ rất nghĩa khí, rất hào hiệp, nhưng có dáng dấp thành viên của một xa lông, nói chuyện chính trị, mà không thấy đâu khuôn mặt của một người làm văn học.
Chị  Đàm ở Thư viện cũng bảo tôi, giá kể ông Phùng Quán chết trong quên lãng thì còn nên đến đưa đám, bây giờ ông đã được bao người sùng bái rồi, đến làm gì!

Một vài nét chung của đời sống văn học.
Trong thời buổi thị trường, chẳng những các quan chức không thích văn nghệ nêu vấn đề, mà cả những người dân thường cũng không thích. Họ cần nghỉ ngơi, đùa bỡn. Họ không thích đặt vấn đề. Họ không thích ai động chạm đến cái ngày hôm nay đang kiếm sống của họ.
- Xuất hiện một loại người cố để có cái tiếng làm văn chương, sau đó, sử dụng cái danh tiếng đó vào việc kinh doanh, và vấn đề không phải là không nêu làm vấn đề là viết cũng chẳng ra gì, kinh doanh cũng gian dối.
Trong khi đó, bọn dó quyền ở các cơ quan văn nghệ “diều hâu hoá” biến thành một lũ quan chức thực thụ, vừa là thầu khoán kiếm ăn, vừa là trương tuần hống hách.

7/3 
Sắp đến ngày đại hội nhà văn. Trong khi loại cốt cán cũ lảng tránh, ông Nguyên Ngọc không về (đi làm phim) ông Khải cáo ốm không ra thì cánh mới lên xắn tay vào làm, mọi chuyện hối hả như ăn cướp.
Trước đại hội có 2 bài báo gây scandal, thì một là bài của Lại Nguyên Ân về việc bán sách vở ở thư viện, phần nữa là bài của Nguyễn Thuỵ Kha in trên Thanh niên thời đại chửi bới  Hội chỉ toàn làm nhà làm phim và bán đất mà chẳng tính gì đến chuyện văn học.
Lại có cái trò bỉ ổi: ông Chính Hữu ký công văn đi phản đối bài của Thuỵ Kha, đại khái cho đây là vu cáo - nội dung bài của Kha: Đi tìm một tổng thư ký, cho rằng lớp trẻ có tài có sức hơn mà chẳng được, chỉ vì cơ cấu.
 Đất ở Quảng Bá, chỉ giao cho BCH quản lý, chứ không có quyền sở hữu. Không nên dành nhiều ưu ái cho Hãng phim mang tên Hội. Cứ đà này, sẽ lập ra đoàn kịch Hội nhà văn, đoàn ca múa Hội nhà văn chứ chẳng vừa.
Giải thích của Hội trong buổi họp báo, khi có người hỏi về việc bán sách thư viện: Chúng tôi không muốn để mối lan đi  các thư viện khác. Chỉ bán số có mối. Chuyện bị thổi phồng lên là do mấy người bên 65 Nguyễn Du .

16/3
Diễn biến đại hội.
Tối thứ sáu 10-3 gặp ông Đỗ Mười. Ông Mười nói về tình hình chung. Không ai hiểu ý cụ thể là gì.
- Sáng 11 thứ bảy họp trù bị rất xuôn xẻ. Chủ tịch đoàn do BCH cũ giới thiệu, toàn những nhân vật thuộc giới quan chức, chủ tịch hoặc phó chủ tịch các hội văn nghệ địa phương. Ngoài ra là Nguyễn Khoa Điềm, Tú Nam, Nguyễn Quang Sáng.
Đến buổi chiều, 11/3 đi vào đề cử danh sách, đâu đến 245 người được đề cử.
Chưa có vẻ gì có thay đổi chung.
Sáng 12 /3 chính thức khai mạc, tôi bỏ ở nhà, vì nghĩ chắc lên đấy chỉ nghi thức với những bài đã viết sẵn. Sau nghe nói lại là ông Mười nói có vẻ rất mềm rất yêu chiều các nhà văn. Chiều 12/3 một số báo cáo của những đại biểu có cả Hà Phạm Phú, Trần Nhương. Tối 12/3 tưởng họp lại thôi không họp. Hoá ra, đó là tối BCH và chủ tịch đoàn lên gặp ông Mười + Ban Bí thư.
Xuân Sách ngẫu nhiên cũng đi theo đoàn ấy.
Xuân Sách kể: Mình lớ ngớ từ trên gác xuống, định đi chơi, thấy Hà Phạm Phú công bố một số người, chủ yếu là trưởng đoàn các địa phương, cùng lên gặp cấp trên với BCH. Nhưng gọi đến Hoàng Văn Bổn, thì Hoàng Văn Bổn không muốn đi. Xuân Sách nói một cách tự nhiên, nhưng không hề có ý gì “Cho mình đi với”. Hà Phạm Phú miễn cưỡng đề tên Xuân Sách vào đấy rồi gạch một cái gạch thật dài coi như xoá sổ.
Song, như Xuân Sách nghĩ, thì bọn nó (loại Hữu Mai) sẽ nghiền chết Hà Phạm Phú về cái việc đưa Xuân Sách đi đó.
Bởi ở cuộc họp này, khi Chính Hữu vừa nói là hội nghị thành công lắm, thì Xuân Sách phản bác lại ngay. Chính Hữu cũng đã quá lẫn mọi chuyện, hôm trước, trong công văn phản bác báo Thanh Niên thời đại, viết là báo cáo kính trình Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (đáng lẽ phải viết kính trình văn phòng Thủ tướng Chính phủ). Lần này, Chính Hữu lại lập cập: đại hội họp rất thành công. Anh em nhất trí đã bầu được 245 đại biểu. Mọi người phải đính chính đấy là danh sách đề cử BCH.
Đến lúc rồi, Xuân Sách thầm nghĩ và xin có ý kiến, Xuân Sách nói rằng sinh hoạt văn học được điều hành quá kém. Anh em rất tốt, Đảng rất thông cảm nhưng bộ phận trung gian là BCH hay sinh chuyện. Như ở đại hội này, bảo rằng tốt, e là không đúng. Anh em đang rất thắc mắc mọi chuyện, như chuyện nhà cửa. Lại nhiều phát biểu coi thường cấp trên, coi thường đại hội.
Nghe kể rằng hôm ấy cấp trên bực lắm, sau buổi họp ấy, chủ tịch đoàn + BCH  phải ở lại tới 12 giờ để họp với cánh Lê Phước Thọ, Nguyễn Đức Bình, Hà Đăng.
Hôm sau, trong chỉ đạo đại hội, chưa thấy gì rõ rệt. Nhưng dần dần trong danh sách đề cử, sau nhiều người khác, và chắc là do sức ép của trên,  Hữu Mai cũng xin rút lui.
Sáng thứ hai 13-3.  Bà Lê Minh lên phát biểu nói rằng thư viện không phải là tủ sách của văn phòng Hội, muốn bán lúc nào thì bán, rằng không phải BCH muốn cử ai ra trả lời cũng được.
Đề nghị lập Ban kiểm tra do đại hậu bầu ra, Lê Minh nói vậy trên cơ sở chiều hôm trước, hình như Xuân Cang ra ăn nói không đâu vào đâu.
Ấn tượng của tôi qua giọng nói và cách nói Lê Minh -- đấy là giọng của một bà chủ, con nhà lá ngọc cành vàng, tinh tế, sang trọng thật, và cái gì cũng biết.
 Tham luận của Nguyễn Thuỵ Kha tiếp tục công kích chuyện nhà cửa, đất đai, tiền nong và nói nên giải tán hết các thứ làm ăn vớ vẩn để làm lại sử hội, bảo tàng phim tư liệu.
Tham luận của Đào Hiếu, căm uất nói lên chuyện bị xét nhà, hỏi giấy, và có thể bị truy tố về vụ Nổi loạn. Rồi tấn công thẳng thắn Vũ Vũ Nam: Thưa đồng chí Tổng thư ký, khi tôi đang ngã mà có nguời còn đánh tôi thêm, thì người đó là một thằng hèn.
 Tham luận của một nhà văn trẻ mới càng đáo để. Cậu ta mở đầu bằng cách nói rằng BCH khóa trước do một nhà văn viết khá xoàng cầm đầu, nhà văn đó có một truyện ngắn đọc được, nhưng truyện ngắn không hơn gì so với những anh em trẻ. Nhưng ông lại không lo viết, mà chỉ toàn lo chuyên đối phó với cấp trên, và dung dưỡng cho một bộ sậu chỉ lo xây nhà, bán đất.
Tham luận nói với giọng quá khích đến mức, về sau, anh em vỗ tay đuổi xuống, và mặc dù lì lợm, cuối cùng người nói cũng phải xuống.
Cũng có một vài vấn đề khác, như chuyện Bùi Minh Quốc bị Lâm Đồng cắt toàn bộ lương. Người ta nói hội nên can thiệp.
 Tham luận có vẻ tập trung vào học thuật hơn cả, là  của Lê Đạt. Ông bảo rằng thời kỳ độc thoại đã qua, cung cách sống thời gian tới là đối thoại, đó phải là một thuần phong mỹ tục mới.
Ông Đạt dẫn ra nhiều khái niệm khoa học, những thuật ngữ triết học gì đấy, khiến bài tham luận khá sang trọng. Nhưng cách đọc lại quá hùng hồn, khiến cho một người như tôi cảm thấy diễn giả vẫn cái giọng đám người lãnh đạo kiểu cũ, đề cao đối thoại bằng cái giọng độc thoại. Sau này, Lê Đạt bảo với tôi là không đọc to lên, thì không ai nghe.
Bản tham luận của Lê Đạt bị phản ứng từ phía Hà Xuân Trường. Hà Xuân Trường cắt ngang lời đọc của Lê Đạt bằng một tràng vỗ tay và bỏ ra ngoài, nhưng không ai hưởng ứng. Có cảm tưởng là Hà Xuân Trường không được tỉnh bằng cánh Hữu Mai.
Ông Lê Đạt trong tay BCH khoá cuối, trở thành một thứ van xì hơi, người ta trông vào Lê Đạt để thấy rằng BCH này có vẻ cũng đổi mới. Tôi bảo với mọi người trước mặt Lê Đạt, rằng anh Đạt chỉ có một chỗ yếu, là không hớ bao giờ cả.
Lê Đạt trả lời ngay.
- Trong đấu tranh chính trị, người ta không thể sơ xuất. Sơ xuất thì chết.
        Tiếp tục chuyện đại hội.
Chiều 13/3 (thứ hai) đã bầu thử, nhưng tối hôm đó đến họp, thì thấy tuyên bố là không hợp lệ.
Trong danh sách đề cử, có Lò Ngân Sủn. Sủn không rút. Nhưng ban thư ký chép tên còn sót, Sủn bị gạt ra ngoài.
Nhưng theo sự mô tả của mọi người, đấy chỉ là chuyện phụ. Cái chính là bọn thư ký lười quá và không thạo việc, cứ để danh sách cho người ta bầu gồm hai khối lớn, khối trên 2 người tự ứng cử là Nguyễn Thuỵ Kha và Trúc Cương, khối sau là khoảng 70 người  đề cử. Mà các nhà văn của mình cũng có đi bầu bao giờ đâu, cứ chăm chăm vào đám người đề cử, mà để quên hai tay tự ứng cử. Kết quả là một số bầu 17 người (sai quy chế) số khác chiếu cố Trúc Cương, Thuỵ Kha một cách tự nhiên, nhờ vậy hai gã đạt hiệu quả cao nhất.
Bầu lại, vào sáng 14-3, trong sự ngao ngán của mọi người chỉ có bất ngờ là một số dự báo  lúc “bầu sai” giờ không đúng nữa. Chỉ đúng được có 5 người: Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh (Hữu Thỉnh cao hơn), Ma Văn Kháng, Nguyễn Trí Huân, và Lò Ngân Sủn.
Định đặt vấn đề bầu tiếp tục vì quả thật là cần thiết. Nhưng tất cả những tay phát biểu đều sắc sảo trong việc từ chối.
- Chúng tôi chỉ tín nhiệm có thế. Không có uỷ viên BCH loại 1 loại 2.
- Nay không phải lúc cần có đại diện Bắc Trung Nam, đến nay là cả nước thống nhất.
- Bầu như lần trước, người được bầu thêm toàn là hàng hỏng làm mất uy tín của BCH.
Đại khái những câu như thế giết chết BCH cũ. Cuối cùng, trong số hơn 400 nhà văn, chỉ có 71 người đồng ý bầu lại nên phải thôi. Đau nhất có lẽ là ông Nam. Vừa bị coi là hèn, đánh người khác, vừa bị cho là bất tài.Vậy mà trước đó ông vẫn tưởng ông trúng. Trên vẫn bảo: anh Điềm và anh Nam, ai trúng thì làm.
Ông Kiên kể hôm về ngồi cùng xe với ông Nam, tổng thư ký cũ thở phào: hay quá, tôi phải làm đến năm 2000 thì tôi chết.
Nguyễn Kiên nghĩ bụng thế sao ông không xin rút lui trong danh sách đề cử? (nghĩ vậy thôi, chứ Kiên cũng không dám nói).
Người thao túng BCH cũ là ông Hữu Mai. Thái Hà kể ông Mai, ông Hà Phạm Phú toàn doạ các vị ấy về nguyên tắc tài chính thế là các vị chịu. Nghe người ta phản ứng quá, trên ép ông Mai phải rút tên trong danh sách đề cử.
       Ông Tô Hoài bảo thằng ấy dơ, lúc trước đi đâu cũng bảo trên ép phải làm, bây giờ thì đi đâu cũng ấm ức là trên đã ép mình rút.
Gặp Xuân Sách, Hữu Mai văng:
- Cậu đúng là một thằng đểu.
 Xuân Sách chỉ cười không nói gì.
Tôi nghĩ Xuân Sách có thể đập lại:
- Còn ông thì đúng là một thằng khốn nạn.
Bàn luận của anh em:
- Đúng là năm anh em trên một chiếc xe tăng
- Tổng thư ký của Hội ta.
 Tướng công vốn có tên là Cu Tai

11/5
Sau đại hội 2 tháng người ta thấy gì.
- BCH mới vẫn chưa vào việc. Hầu hết không muốn chuyển về cơ quan Hội tức không muốn bỏ cương vị cũ, không muốn làm việc vất vả, mà chỉ muốn giữ cái tiếng BCH cho oai.
- BCH chỉ lo chuẩn bị cho giải thưởng trong khi nhiều người thấy nên tính lại cơ chế giải thưởng.
- Khi cấu tạo các Hội đồng, BCH đi hỏi lung tung trong khi một người như tôi cho rằng không thể trao quyền cho đám đông được. Kết quả, chỉ có 131 nhà văn có ý kiến về cái hội đồng đó.
 Nhưng hóa ra tôi nhầm, họ chỉ hỏi làm phép. Đến lúc dựng cái Hội đồng thì mới tởm. Nghĩa là toàn những người già. Dự định Bùi Hiển làm chủ tịch Hội đồng văn xuôi, Tế Hanh chủ tịch Hội đồng thơ, Hà Xuân Trường chủ tịch Hội đồng LLPB
Trong Hội đồng LLPB người ta dự kiến:
 - Hà Xuân Trường
- Hà Minh Đức
- Phương Lựu
- Mai Quốc Liên
- Nguyễn Đăng Mạnh
- Trần Đình Sử
- Vương Trí Nhàn
- Lê Thành Nghị
Tôi được gọi đến để tham khảo. Cố nhiên là tôi  không chịu. Nếu có Xuân Trường và Lê Thành Nghị, tôi sẽ không làm.
Nhìn chung, không thể hy vọng gì ở cái BCH này.
Người đã lên như Nguyễn Khoa Điềm có ham gì tham gia mấy cái tổ chức dân sự. Vậy mà, khốn khổ, kỳ này, ông bộ trưởng có chân trong cả BCH Hội Nhà báo, lẫn BCH Hội Nhà văn. Thái độ lạnh lùng của Điềm những khi đến NXB Hội Nhà văn khiến tôi không bao giờ tính chào hỏi ông ta trước.
Thỉnh thì khôn, nhờ lấy tiền báo Văn nghệ để phủ dụ đám hội viên các tỉnh, nên Thỉnh được ở lại. Tôi nghe về cách làm việc của hắn mà thấy xa lạ. Loại người như vậy không còn những tình cảm bình thường, không có yêu ghét cá nhân. Chỉ có cái gì có lợi cho sự nghiệp quan chức của hắn thì cái đó mới có ý nghĩa.
Tin cuối cùng cho biết:
- Nguyễn Khoa Điềm được trên can thiệp để giữ lại.
- Những người phụ trách ở trên định cho bổ sung thêm BCH bằng cách lấy Tổng thư ký các hội địa phương vào, ngoài ra, có thể có sự bổ sung chính thức như thế ra đời nhưng đều chưa quyết.
- Hội định làm những việc như phát không báo Văn nghệ và tạp chí Tác phẩm mới cho các hội viên. Vậy mà theo Thỉnh, chắc là lấy ý kiến ai đó, nói rằng Tác phẩm mới lúc này chỉ như tờ văn nghệ gấp lại, vì thế mới muốn cải tiến.
Nhưng cải tiến thế nào bây giờ, trước mắt, họ chỉ định đưa Nguyễn Khoa Điềm về làm tổng biên tập và sẽ kiếm một tay phụ thật giỏi.
Cái bản lĩnh của mình trong lúc này là phải từ chối, không để cho bọn này nó rây vào mình được.

18/6
 Hai ngày 16-17/6 Hội nghị công tác Hội 1995-2000 - căn bản, đây giống như một thứ Hội nghị BCH (mà BCH 5 người thì là thường vụ),  Hữu Thỉnh tỏ ý khoái chí là có thể triển khai công tác xôm trò lắm.
Nhưng theo tôi thấy, báo cáo BCH vẫn toàn là ảo tưởng, và những người phát biểu thì toàn đề cao công việc mình đang làm, hoặc đề cao bản thân mình. Hết Thuý Toàn lải nhải chuyện dịch văn học Nga, lại đến Phương Lựu tâm sự một cách vụng về về người làm phê bình.
Bài tham luận của tôi có vẻ được chú ý. Về nội dung, bài đả động tới một vấn đề cấp thiết. Tôi lại viết ra giấy và đọc rõ ràng thành thử, khi  đọc lên hầu như tất cả lắng nghe chứ không rào rào nói chuyện như khi những người khác nói vo.
Bài tham luận của tôi tập trung vào  câu hỏi trong hoàn cảnh hiện này, toàn bộ đời sống ta hướng ngoại thì văn học cũng nên cởi mở, thay vì trong khi lo phục vụ một công chúng đã thay đổi, lại cứ giữ nguyên như cũ và trở thành một thứ ghét - tô, một thứ xa lạ với xã hội.
Tôi cũng đề cập tới hiện tượng:  Sách dịchbị coi rẻ giới sáng tác không nghiên cứu tham khảo. Mặt khác sách Việt Nam được nước ngoài dịch, là mừng, tại sao lại coi là kiếm tiền, coi nhưcon chiên ghẻ.
Ngày hôm nay đã mấy người gọi điện tỏ ý hoan nghênh: Phong Lê, Văn Tâm.
Các báo như Tiền Phong, Tuổi Trẻ (bà Ý Nhi đại diện) đều ngỏ ý xin để làm tài liệu.
Về việc tham gia hội đồng LLPB, tôi nhận được nhiều ưu ái. Ma Văn Kháng nói một cách chân thành rằng chúng tôi vẫn trông vào những người như ông, như ông Mạnh để viết. Các ông phải vào cho anh em nhìn. Điềm nhắc lại bài tôi viết về thơ những năm chống Mỹ (cuối 1968) và tỏ ý trông chờ kinh nghiệm tôi sống ở  hội. Khi tôi từ chối thì ông bảo: “Ông làm tôi hoang mang”.
Nhưng không những tôi mà cả Lê Ngọc Trà Nguyễn Đăng Mạnh đều không muốn tham gia.
Nay thì các ông gọi cả tôi + ông Mạnh+ Trà đi họp hội nghi hai ngày này. Trà không ra, sợ nó buộc vào, không giãy được. Ông Mạnh, nghe Trà xúi cũng không đi. Tôi nghĩ, chả ai làm gì được mình, nên cứ đi. Nhưng lúc gọi đi họp hội đồng, thì tôi không tới.
Sau nghe kể, tại buổi họp đầu tiên của Ban lý luận phê bình ông Xuân Trường đòi cho Mai Liên làm Phó chủ tịch, sau khi đã cho Phương Lựu làm chủ tịch Hội đồng.
Điềm phải từ tốn mà cũng kiên quyết lắm, mới ngăn được việc đó. Đại khái Điềm nói rằng anh Nhàn, anh Trà, anh Mạnh không có mặt ở đây, ta không nên vội, đằng sau các anh ấy còn các anh Lại Nguyên Ân, Hoàng Ngọc Hiến và những người khác.
Mai Liên tức lắm, thốt ra những lời cay đắng: Tôi như con chó giữ nhà cho các anh, bây giờ các anh quyền cao chức trọng cả như thế này (chỉ Điềm), các anh còn cần gì nữa.
Tôi cho rằng Điềm tốt hơn bọn cũ, nhưng Mạnh bảo hắn phải thế thôi để giữ địa vị .
Sáng 19-6, ai đó (Nguyễn Kiên?) nói rằng Điềm đã xác định dứt khoát: thay ai trong Hội đồng phê bình cũng được, nhưng không thay Mai Liên!
 Hoá ra tôi vẫn còn ảo tưởng.

20-6
 Sau mấy ngày họp tôi thấy thanh thản hẳn, không có gì mà phải ân hận.
Tôi đã hiểu đúng hội và có được cách xử sự phải chăng. Giờ thì hãy trở về với những việc đáng làm, và  dồn sức vào đó.
Nói đùa với Ý Nhi:
- Về nhắn hộ với ông Nguyễn Khải là không có ông ấy, thì chúng ta ở ngoài này vẫn sống khá vui vẻ. Con chị nó đi con dì nó đến.
Ở Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, bầu bán cũng ngoài dự kiến, Văn Lê được phiếu cao, ông Nguyễn Quang Sáng tí mất chức.
- Một người như Nguyễn Nhật Ánh bảo: Anh bây giờ  không nên vào BCH Hội, vì nhiều người đã không bầu anh vào làm gì. Nguyễn Quang Sáng không biết trả lời thế nào, chỉ bảo mày ngu lắm, mày ngu lắm.
 Nghe nói, sau buổi họp chiều 17-6, lên xe Bùi Bình Thi văng ra đủ thứ, chửi VTN, Trà, Mạnh là mấy thằng kênh kiệu.
Một trong những chủ đề mà muốn tập trung nhất từ nay trở đi sự lạc hậu của nghề văn. Sự lạc hậu của nó so với xã hội.


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn