VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký văn nghệ 1995 (2)

Ngày nay tôi không còn nghĩ như những điều tôi ghi từ gần ba chục năm trước. 
Và cũng như mọi người tôi đành bất lực không kiểm chứng được
 những sự kiện mà tôi đã đề cập tới. 
Nhưng  đến bây giờ tôi vẫn nhớ rằng khi ghi những dòng dưới đây, 
lòng tôi trong sáng  và chỉ viết ra để làm tài liệu cho mình 
chứ không hề nghĩ là có lúc sẽ được chia sẻ.
  Mong được các đồng nghiệp  và bạn đọc thân mến 
coi đây như những tài liệu tham khảo

2-7
Đọc bài của Phan Ngọc viết về Trần Đình Hượu trên Văn nghệ thấy đó không phải là ông Hượu như tôi biết, mà đó là ông Hượu của Phan Ngọc, cái phía giống như Phan Ngọc của Hượu. Mà qua đấy, cũng cho thấy một quan niệm về trí thức của Phan Ngọc.

 Nhân đây, thử phác hoạ chân dung một loại trí thức.
Do những nguyên cớ như thế nào đó, họ cũng không được nhà nước trọng dụng (không hẳn đã là vì tư tưởng, mà có khi chỉ vì đố kị hoặc nói chung, một thứ tai nạn nào đó). Quay về riêng tư, họ xây dựng một thứ triều đình riêng, tự phong tước cho mình. Nhân danh kẻ thất bại - mà lại kẻ thất bại có tài - họ trở nên nghiệt ngã: ta mới là kẻ nắm chân lý. Đôi khi, thao tác của họ rất đơn giản, chỉ đại khái tôi đã đọc được một ngàn quyển sách, vậy thì dứt khoát tôi phải hơn anh kẻ mới đọc đâu có năm trăm quyển.
Thế mà cũng gọi là kẻ trí thức “đúng nghĩa” ư? Riêng  cho chưa chắc. Người trí thức chỉ nghĩ đến sự hoàn thiện mình, cái điều mình nghĩ chưa ra, cái điều mình chưa nhận thức nổi, chứ không nghĩ nhiều đến sự "hơn hẳn người khác" "tìm ra cách đi cách làm việc khôn ngoan khéo léo hơn người khác", và do đó, “đến lúc nào đó sẽ được giá hơn người khác".

4-7
Bữa nọ, nhân ngày 21-6, một phóng viên hỏi: những đổi mới của báo chí bắt đầu từ đâu? Tôi cho là bắt đầu từ chỗ báo ra nhiều hơn. Có sự cạnh tranh. Từng tờ báo có nhu cầu làm hay hơn, người ta mới mua.
Tuy nhiên, cũng chính chuyện số lượng lại là ám ảnh lớn nhất về văn hoá -- chúng ta chỉ có một nền văn hoá số lượng. Cũng như sách. Sách ra có nhiều hơn trước, nhưng không có quyển nào đọng lại được lâu trong tâm trí độc giả. Không có gì buồn bằng thấy những quyển sách bìa đẹp, giấy trắng, in ấn hiện đại, mà bên trong đầy lỗi về câu chữ, và đọc vài trang lại phải nhăn mặt vì thấy tác giả viết ẩu.
Lại càng buồn hơn, nếu thấy cùng một lúc trong cửa hàng thấy bày mấy quyển sách của tác giả mình đang ngán đó, và trông vào bảng kê cùng một tác giả, thấy ông ta đã cho in ra tới vài chục đầu sách.
Cái nét chính của văn hóa hiện nay là pha tạp, thiếu sự thuần khiết.
Tôi nhớ không nguôi những năm tháng thanh bình ở Hà Nội từ sau 1954-1965, cái thời mà mọi thứ nền nếp, bát phở ra bát phở, trang báo ra trang báo, và -- trong sự cổ lỗ của kỹ thuật lúc ấy  --, người ta yêu cầu rất cao về nhau.
Lùi về xa nữa, lại nhớ nếp sống của các gia đình Hà Nội thời xưa - bát nước luộc rau có váng tí mỡ là không được, ra đường không tề chỉnh là không đuợc. Ai đó viết về bà cả Tam: ăn uống thanh đạm nhưng rất kỹ. Còn phải là cơm chín tới, dưa muối phải ngấu, cà phải trắng lại phải dòn. Thời bây giờ thêm ra bao thứ tiện nghi, nhưng con người không bao giờ biết sống kỹ, và trọng cái sự kỹ lưỡng như xưa. Mà đó lại chính là văn hoá.

6-7
Thỉnh thoảng đến thư viện, thấy có người hí húi đọc sách viết bằng chữ Hán. Mà nhìn kỹ lại là những cô cậu ăn mặc rất mô đen, tôi cứ ngạc nhiên. Trong tiềm thức, chỉ nghĩ chữ Hán, là thuộc về những cụ già, như ông Bùi Hạnh Cẩn kia. Suốt một thời lớn lên, từ khoảng 1966-68 đến nay, không ai học Trung văn. Phần thì tại bên Bắc Kinh có chuyện cách mạng văn hoá. Phần thì, về sau hai nước không trao đổi sách báo với nhau. Chữ Hán trở thành xa lạ ngay trước mắt, và kéo dài suốt cả một thời trai trẻ của tôi.
Ngạc nhiên xong, thấy hơi buồn. Trước hết là buồn cho bản thân. Lúc đi học, tôi khá Trung văn. Năm ấy, giá biết rằng không đỗ vào đại học Tổng hợp văn, thì  đã xin đi học Trung văn từ đầu.Với ai, tôi cũng bảo: Người Việt Nam mà học ngoại ngữ, chính ra cứ học Trung văn là dễ nhất. Nhưng trước hết nó rất cần. Để ta hiểu ta. Để ta  - qua sự trung gian của Trung Hoa - hiểu thế giới.
Kể ra, cũng có một sự kiện khác đang an ủi  tôi: hầu như trên T.V. luôn có phim Tàu. Không của Đài truyền hình TW thì của Đài Hà Nội. Và vợ con tôi hết mê mẩn Khát vọng, Người Bắc Kinh ở New York lại say sưa bàn nhau về Võ Tắc Thiên với Phong lưu hoàng hậu.
Cái bi đát của dân mình là ở chỗ, vừa là Tàu, vừa không phải là Tàu. Mà cái vui cũng là ở đấy.

10-7
Buổi sáng như thường lệ, đến cơ quan, nhưng hôm nay khốn khổ, tôi không biết tìm đâu ra một chỗ của mình.
 Ở phòng này Phan Cự Đệ nói chuyện với Hách ở phòng kia, ngồi một tí, thì Hoàng Ngọc Hiến đến.
Phan Cự Đệ mới đi Anh về, đến tìm Thái Bá Tân không gặp, nên nói chuyện với Hách. Cái điều cuối cùng mà Hách kể với mình là ông Đệ bảo bọn Anh nó bảo thủ lắm, ở khách sạn 20 ngày, thì nó cho mình ăn 20 bữa ăn sáng y hệt nhau.
Hoàng Ngọc Hiến đến, để hỏi hộ cô Nguyệt Cầm về một bản dịch.  Cầm sắp theo chồng đi Mỹ. Và thế là  mấy người sắp đi Mỹ, gặp nhau ở đây, cả Hoàng Ngọc Hiến và Lê Minh Khuê. Anh Hiến được một tờ tạp chí là Việt Nam génétration mời. Hiến bảo bọn này hay lắm. Có đi thì giữa tháng chín. Còn Khuê được một nhà xuất bản ở Mỹ mời, hứa hẹn là sẽ cho Khuê đi khắp nước Mỹ. Hình như là lần trước Khuê có gặp Trương Vũ, Hiến hỏi. Vâng em đã gặp rồi, anh Trương Vũ dễ chịu lắm, Khuê xác nhận, em đã ăn cơm ở nhà anh ấy. Một người Việt Nam rất dễ chịu đấy, anh ấy đã gọi điện thoại cho tôi dù chúng tôi chưa gặp nhau, Hiến nói thêm.
Đến khi Khuê nói rằng sang Mỹ tốn kém lắm, chỉ được đi chơi chứ không được tiền gì cả, thì may quá, có người gọi tôi. Ông Phú bảo tôi biên tập hộ cuốn Đền Hùng. Tưởng là thoát. Ai ngờ lúc đứng gần bàn Phú, lại thấy có lá thư của Đại sứ quán Pháp. Ngày 14-7 sắp tới rồi, chắc là giấy mời Phú đến gặp mặt ở Đại sứ quán Pháp. Tôi buồn bã mà nghĩ rằng bên cái thế giới tiền nong ở gia đình, cái thế giới quan chức của  Hữu Thỉnh bên kia, thì đây lại là cái thế giới khác, thế giới của phương Tây, nhiều bè bạn và người tôi quen đang bước ra thế giới này. Mà tôi, ở cả hai, tôi đều không tìm thấy chỗ đứng. Lòng không khỏi có chút xót xa. Người ta đi hội cả, còn mình, mình như cô Tấm phải ngồi nhặt thóc với sỏi ở nhà, bảo sao không buồn cho được.
12-7
Hôm nay, ngày Hà Nội tiễn đưa tác giả Tiến quân ca. Đám ma ai cũng bảo to chưa từng có, 900 vòng hoa (có số liệu 700).
Ông Văn Cao, mất đâu  sáng 10-7. Tối hôm ấy, tôi đã gọi điện cho Hữu Vinh, bảo là nên chuẩn bị bài đi. HV nhờ Dương Tường, không được, nhờ Thái Bá Vân cũng không được  các ông đã có nơi đặt bài cả. Sáng 11-7, đến toà soạn TTVH,  đã thấy có mấy người đưa bài và đưa ảnh đến, Hữu Vinh bồn chồn phần vì lắm bài quá, phần không có bài ưng ý. Mấy ngày này nắng dữ, vậy mà vẫn như dự đoán,  đám ma to lắm.
Không phải lo làm tin cho TTVH, tôi tự thấy không việc gì phải đến viếng Văn Cao cả. Bởi đương thời đâu có quen ông, nào đã một lần nói chuyện riêng với ông. Mà một lẽ nữa, lại được nghe quá nhiều chuyện không hay về  ông già khôn ngoan này. Mười năm trở lại đây, trong số những người được phục hồi (sau Nhân văn) có lẽ Văn Cao là loại kiếm bẫm nhất. Nước ngoài có, Việt kiều có, rất nhiều người cung đốn ông như một thứ lương tâm thời đại. Song , chỉ một Hoàng Cầm thôi, đã kể bao chuyện nhảm về Văn Cao. Văn Cao xoay lùng đô la ở cánh Việt kiều. Văn Cao xin từng cái cát - xét. Lê Đạt thì kể rằng Văn Cao đâu có biết chơi pianô, ảnh chụp tác giả Sông Lô lụ khụ bên pianô chỉ là làm dáng. Sáng  qua 11-7 tôi đã phải hỏi lại cái sự lộ bem này. Lê Đạt gật gù:
- Đúng thế chứ còn gì nữa, không biết đánh pianô, còn dùng pianô để nghe lại một vài âm thì không nói làm gì.
- Còn chuyện anh từ ông ta?
- Nó là do bà Băng. Bà Băng nói với ai đó, rằng Trần Dần, Lê Đạt cứ tụ bạ quanh quẩn ở chỗ Văn Cao, chứ anh Văn đâu có chơi với họ. Thế là hôm ấy, mình phải bảo: "Hôm nay có mặt cả anh chị đây, tôi phải nói cho rành rọt. Năm ấy anh Văn Cao đâu có nổi tiếng bằng chúng tôi, chẳng qua chúng tôi thương anh ấy mà đi lên. Bây giờ chị đã bảo thế, thì tôi cũng nói luôn: Bao giờ Văn Cao mất, thì tôi, Lê Đạt, sẽ đi đưa ma. Còn từ nay thì thôi không đến đây nữa…”
Bản thân tôi (VTN) có lần được chứng kiến một cảnh không ra sao cả. Ông Lê Bá Đảng ở Pháp về, gặp mặt một số anh em tại nhà Nguyễn Hào Hải. Loại như tôi, hoặc Lê Xuân Sơn, thì chả nói làm gì. Nhưng buổi đó còn có cả Hoàng Cầm. Vậy mà, ở cái bàn chính của gia đình Nguyễn Hào Hải, Văn Cao cứ ngồi nói chuyện tay đôi với Lê Bá Đảng, bên cạnh có bà vợ, còn Hoàng Cầm cứ chầu rìa ở hàng ngoài, bên cánh nhọ đít chúng tôi. Có chút gì không phải, bạn bè với nhau sao lại làm thế, giá như người khác thì phải bảo vợ né ra mà mời Hoàng Cầm ngồi cạnh cùng bàn về nghề, như thế mới hợp lẽ chứ. Theo tôi lần ấy, Văn Cao cư xử thiếu hẳn cái thứ lễ nghĩa tối thiểu mà ông cha ta vẫn dạy bảo vợ con ở nhà, chứ đừng nói là văn hoá Tây Tàu gì nữa. Nhiều lần người ta đã kêu cách cư xử khó chịu của bà Băng, vợ Văn Cao. Nhưng cả Hoàng Cầm và Lê Đạt đều nói:
- Thằng Văn Cao nó phải cho phép, chứ không thì bố bảo, vợ nó cũng không dám làm.
Theo Lê Đạt, về con người Văn Cao chỉ được cái mũi quí tướng. Còn Vũ Cao VNQĐ -- tôi nhớ Vũ Cao đâu người cùng quê với Văn Cao - đã nói với tôi một câu như gọi ra cái thần con người Văn Cao: "Đấy đúng là một nghệ sĩ Việt Nam tiêu biểu. Không cái gì đến nơi đến chốn, nhưng gì cũng biết một tí, mà làm gì, cũng mang được sắc thái riêng của mình vào cũng có – một cái gì đó, làm cho người ta nhớ mãi".
Phần tôi, nếu phải viết về Văn Cao, tôi sẽ nói rằng ông mang văn hoá Việt Nam trong thế kỷ này, bao gồm cả hai chặng đường, chặng đầu là cuộc biến đổi về chất (Âu hoá) và chặng sau, là một cơn bột phát (cách mạng). Nhưng trong cả hai sự biến đổi đó, người nghệ sĩ Việt Nam chỉ là một thứ sản phẩm của hoàn cảnh, chứ không phải kẻ góp phần thay đổi hoàn cảnh. Chắc là thế, không đúng cả cũng đúng một phần.

20-7
Một vài chuyện vặt.
Ông Nguyên Ngọc đi làm phim Tây Nguyên, Đất nước đứng lên. Nghe nói là ông rất hào hứng, và vẫn mê Tây Nguyên như thường. Ông còn có cả một triển lãm ảnh về phong cảnh và con người Tây Nguyên nữa.
Tôi thì  nghĩ: giá nhân dịp này, ông ta soát xét lại mình. Ngọc hay bảo là hôm qua ông ta mê muội, chứ thực tế, nó đâu có phải như ông đã viết. Nhưng cái ông ta làm hôm nay lại không hề thoát sự mê muội ấy.
Có một mẩu chuyện vui vui, một  đạo diễn phim, giữa đợt công tác, đi mò gái, bị làng bắt, họ định trị tội nặng lắm. Nguyên Ngọc phải nhờ anh hùng Núp xin cho, mua một con trâu, mời cả làng đến xin lỗi mới thôi.

Nhiều lần, Nguyễn Kiên tâm sự, trông ông Tô Hoài viết  Cát bụi chân ai mà tức, mình cũng một bồ truyện, mà sao không viết ra nổi.
Lần này, nhân trò chuyện việc Kiên về hưu, tôi bảo:
- Ông đừng tính chuyện viết về thời bây giờ, nào lại giám đốc ngủ với con mẹ kế toán ra sao, nào ăn cướp ăn cắp ra sao. Khải còn viết tàm tạm được, vì ở lão ấy còn có lòng căm hờn. Chứ anh không có. Theo tôi, tốt hơn hết, bây giờ anh nên viết lại chuyện hồi ấy hợp tác đánh kẻng đi làm ra sao, chia thóc ra sao, không cần chửi bới cứ nói năng cho mạch lạc rõ ràng là có truyện rồi.

Nhưng mà cả một người như Lê Đạt, đọc nhiều thế, hoạn nạn thế, khoẻ thế, cũng có cái vớ vẩn của nó.
Từ lâu rồi, 1-2 năm nay, thấy Lê Đạt được cánh Hữu Mai sử dụng, tôi đã có ý nghi ngờ, khéo Lê Đạt làm một thứ van xì cho cơ chế cũ.
Thì đây, Dương Thu Hương cũng nói thế.
Nguyên là lâu nay, Lê Đạt cứ tỏ cho mình thấy Lê Đạt đang là một thứ huấn luyện viên của H. một thứ người có thể hướng dẫn cho nghề văn của H. Khi tôi vừa bảo H. bây giờ nên viết hồi ký, thì Lê Đạt nói ngay, viết rồi còn gì . Tuyệt lắm,  Lê Đạt nói thêm, với ngụ ý mình đã bảo H. chứ còn ai khác.
Ngồi bên H. ở quán cà phê, H. xổ ra với tôi một thôi một hồi đủ các thứ chuyện, trong đó có cái chuyện nói trên.
- Hôm Đại hội nhà văn, tôi đã bảo ông ấy rồi, anh làm gì mà dạy dỗ to mồm thế. Anh cũng đi với cánh thằng Thỉnh, nó phải đưa xe đến đón anh, thế nghĩa là anh ăn lộc của nó rồi, thì anh còn dương dương tự đắc, dạy bảo mấy người ở đây làm gì?

25-7
Nhân sự kiện Văn Cao qua đời, báo chí hầu như tờ nào cũng có bài viết về ông, và rất nhiều bài có cái ý đáng đọc. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy nói chung bài viết ngay sau khi một người qua đời, là những bài xưng tụng. Ít ai nói được thực chất của con người ấy. Người ta lấy cái không khí trước mắt, để che đậy cho cái phần dễ dãi không dám đối mặt với sự thực của mình, không dám tiếp tục đào sâu vào ý nghĩa thật của kiếp nhân sinh.
Những huyền thoại được hình thành và luân chuyển từ cửa miệng này sang cửa miệng khác đại khái như thế.
Thế còn giải những huyền thoại ấy chăng? Ai làm bây giờ? Huyền thoại chỉ được hình thành một cách ngẫu nhiên, chả ai định, mỗi người góp một đôi câu, như mỗi người góp một viên gạch, cứ thế mà thành. Còn giải huyền thoại là công việc của từng cá nhân, mỗi người đơn độc trong công việc của mình. Như những nỗ lực mà tôi bỏ ra khi đi tìm bộ mặt thật của NguyễnTuân, của Xuân Diệu bây giờ. Có khi là chết, mà vẫn chưa tổ chức được ý nghĩ của mình thành một thực thể trọn vẹn đủ sức thuyết phục cái đám đông nông nổi và cuồng tín kia.
Trong khi đó thì huyền thoại vẫn hình thành từng ngày một. Đây là trường hợp Vũ Cao là người tôi từng làm việc dưới quyền gần ba chục năm .
Liên tục hai lần, chủ nhật 16-7 va thứ hai 24-7, trên  chương trình TV có chiếu hai bộ phim về Vũ Cao. Và người ta dành cho ông những lời lẽ tốt đẹp nhất trong khi, gần như chỉ có một bài thơ được nhắc lại, là bài Núi Đôi.
Từ lâu, đã có ý nghĩ sau, và càng ngày, tôi càng tin rằng mình nghĩ đúng: với tất cả sự kính trọng, tôi vẫn cho rằng Vũ Cao chưa phải là một nghệ sĩ theo nghĩa hiện đại của chữ ấy. Đó mang phần nhiều những nét lãng tử nghệ nhân, ngoài công việc chính của một cán bộ chính trị, làm ít bài thơ cho vui. Thứ thơ này dễ dàng gần như dễ dãi. Nó nằm ngoài quy luật của văn học chuyên nghiệp. Bản thân Vũ Cao cũng lạ, một mặt là một trí thức trung thực, ham đọc sách, mặt khác là một kẻ thích dong chơi, và có phần lạc bước vào nghệ thuật. Vậy mà bao giờ cái sự thật ấy về Vũ Cao mới được nói ra rành mạch? Xa xôi quá!

19/9
Dạo này, cuộc sống văn học có cái gì đó, chịu không nổi. “Nó” có tiền.  “Nó” làm ầm ĩ những chuyện như giải thưởng, trong khi đó, không hề bàn tới văn học thực sự.
Lúc nào cũng chỉ nói tới phong trào này phong trào nọ.
Nhà văn gì mà, không bao giờ thấy nói tới tác phẩm, không biết viết gì, chỉ thấy chức vụ.
Đầu tháng 6, hội thảo 50 năm học Việt Nam sau cách mạng tháng 8, hình như không được vui vẻ cho lắm.
Có bài của Ân, làm cho họ cảnh giác, hình như tổ chức không được chặt chẽ.
Lần này, họp kín, họp hở, bàn nhau rất kỹ, là sẽ cho ai viết và ai không viết, ai được lên diễn đàn, và ai không được lên.

23-9
Nói sợ hãi thì cũng hơi quá. Song đôi lúc tôi vẫn không hiểu sao thời gian đi nhanh đến vậy. Năm nay, đã là năm 1995, còn 5 năm nữa, đến năm 2000. Và vào những ngày này, đất nước vừa kỷ niệm 50 năm cách mạng. Ghê thật! Nếu tính từ lúc tôi biết đến nay, thì thời điểm đáng nhớ nhất là năm 1960.
Khi đó, tôi 18 tuổi. Khi đó, bọn tôi đã chứng kiến nước Việt Nam dân chủ cộng hoà 15 tuổi, đã sống trong cái không khí thanh bình của một xã hội thịnh vượng. Và tưởng là muôn đời vẫn vậy.
35 năm qua, nói là có cũng đúng, mà nói là không cũng đúng.
Có 35 năm ấy thật chứ. Có cuộc kháng chiến chống Mỹ mà tôi đã trải qua. Trong văn học, có một thứ sáng tác mà người ta chưa biết. Có lớp người  chúng tôi mà người ta gọi là thế hệ trẻ.
Với tôi, có sự gặp gỡ với các bạn văn, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Bằng Việt... người nào trong bọn ấy bây giờ cũng đã có sự nghiệp riêng, và gia đình đề huề .
Đã có những ngày đi chơi dông dài.
Đã có cãi vã.
Đã có những vui buồn, khi quá đáng, lúc tầm thường.
Và đã có cả những cái chết nữa.
Nhưng thử nghĩ lại xem, bọn tôi đã có gì là hơn, có gì gọi là sống? Chưa có gì cả.
Như thế này mà là sống ư? Toàn là những lê lết mà đi, ngán ngẩm mà xúc động, buồn bã mà nghĩ lại mọi chuyện.
Người thì đông lên, mà cái chất người thì lại sút giảm.
Cũng như văn chương, lúc này đây, người ta làm ra bao nhiêu thứ, mà tôi vẫn cảm thấy như đang sống trong hoang mạc, không có gì khiến tôi yêu mến bằng một tình yêu lâu dài cả.
Mấy hôm nữa (ngày kia 26-9?) đã hội nghị 50 năm văn học cách mạng. Tôi định không đi, bởi đi mà làm gì, chả có báo cáo nào nên hồn, chả có ai nổi lên xuất sắc.
Có lẽ là tại tôi chăng? Chẳng có gì làm tôi ngạc nhiên, nghĩa là tôi đã bị tê cứng, bị chai sạn đi? Đồng ý, tôi nhận cái phần già đi của mình.
Nhưng hình như, một phần khác làm tôi ngán ngẩm vô chừng. Ấy là tình trạng mọi thứ ngưng đọng, mọi thứ nhàu nát bụi bậm, mọi thứ không đến đầu đến đũa, và không mang lại cho tôi niềm ngạc nhiên, cùng sự hứng khởi.

8/10
Tự nhiên, những ngày này 13-9, 20-9, 27-9 Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh có hàng loạt bài phỏng vấn vụ Bảo Ninh, để các giám khảo cũ sám hối. Và người ta cứ nói, sưng sưng đại loại (như Nguyễn Quang Sáng) “thế là chúng tôi bị ăn đòn của nhân dân.” Nhưng làm gì có nhân dân nào ở đây, mà chỉ có bộ máy thống trị.
Lạ một điều trước cuộc hội thảo Nửa thế kỷ văn học người ta lúc nào cũng sợ là có nhiều ý kiến ngược.
Nhưng đến khi xem lại bài vở, thì lại giật mình là các ý kiến giống nhau quá, không có màu sắc riêng. Khốn nạn, vừa thích ổn định thống nhất , vừa ra cái điều dân chủ, thì còn ra làm sao nữa.
Người đi nước ngoài khá rôm rả:
- Ý Nhi, Vàng Anh đi Pháp.
- Nguyễn Duy, Chu Lai, Cao Tiến Lê đi Mỹ.
- Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái đi Mỹ.
- Sắp tới Bảo Ninh đi Đan Mạch
- Nguyễn Khải, Lê Lựu, Ma Văn Kháng có giấy mời của ... Đại học Provence.
Người ta không thể nghĩ trước những chuyện này quá nhiều, vì người ta biết rằng, trong thời buổi này có những chuyện hỗn hào “thuở trời đất nổi cơn gió bụi”, thôi cứ kệ nó, đến đâu thì đến.

4/11
Ông Tế Hanh kể ông Nguyễn Đình Thi, được bầu làm chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam đang dựng ê kíp.  “Cách” các chức sắc lâu nay vẫn làm là Vũ Duy Thông (tờ Diễn đàn văn nghệ) đưa Hồ Phương về thay làm tổng biên tập. Con Nguyễn Đình Thi là Nguyễn Đình Chính về làm phó Tổng biên tập, kiêm thư ký toà soạn.
Định lập ra cả nhà xuất bản của Hội liên hiệp. Cái ông Thi này bao giờ cũng như vậy. Mới thì hăng lắm. Sau lại thôi, kệ mọi chuyện.
 Sau khi Văn Cao chết nghe Dương Phương Vinh kể là Nguyễn Thuỵ Kha lại tổ chức đêm thơ vợ Văn Cao
Đoàn Phú Tứ, sau mấy năm chết, không ai biết, giờ được ông Văn Tâm đưa lên, như một nhân vật của thời đại. Rồi trên báo Lao động, Thuỵ Kha lại ca ngợi Đoàn Phú Tứ như một tấm gương tiền chiến.
Tôi thấy hơi buồn cười. Người ta không thể nghĩ ra cách quan hệ khác đi giữa người và người hay sao?
Người ta không thể đặt đúng địa vị một người hay sao?
 Ông Tô Hoài kể về Đoàn Phú Tứ rằng ai có muốn thuê người đòi nợ, cứ đến tìm Đoàn Phú Tứ, ông ta có khả năng nằm lì ở nhà người khác, đến bao giờ đòi được nợ mới thôi.
Tế Hanh kể, ông ta thường hay xin tiền mọi người.
Sau giải phóng Sài Gòn, ông ta vào thăm bà con bạn bè song bao nhiêu lần người ta đưa tiền cho ông mua vé, ông đều tiêu hết rồi ở lại. Phải nghĩ ra cách mua vé cho ông và đèo ông thẳng từ nhà ra ga rồi tất cả công kênh ông vào toa, chờ tàu chạy mới thôi. Về sáng tác theo Tế Hanh, kịch Trở về không phải là của Đoàn Phú Tứ mà là của Lê Ngọc Cầu. Ông này đi học lớp văn nghệ Thanh Hoá, sáng tác xong thì vào khu V kịch bản rơi vào tay Đoàn Phú Tứ, Tứ nhận là của mình. Sau Lê Ngọc Cầu có kiện.
Một người như Nguyễn Xuân Sanh có biết, song thường hay lảng đi, “bảo vệ” bạn.
Tôi nghĩ đến một lớp VNS nói chung, tài hoa, nhưng  trong đó có những người hèn hạ, nhếch nhác, người ở lẫn vào cây cỏ.

Những mẩu chuyện của Nguyễn Đình Nghi
- Các anh cứ bảo ông Thi kiêu nhưng gặp tôi, ông ấy không kiêu. Một người viết được Nguyễn Trãi có cái ghê lắm chứ. Thời gian dựng thường ông ấy ngồi bàn với tôi từng ý một. Anh có biết, theo ý ông Thi, thì cái gì làm nên chiến thắng của Lê Lợi - Nguyễn Trãi không. Nó là ở cái ý này: Nếu mà lần này mất nước nữa, thì tức là lại mất nghìn năm bắc thuộc nữa.
Đấy, cái khác của Nguyễn Trãi với mọi người là ở chỗ ấy. Là ở chỗ ông ta chú ý đến văn hoá, nhìn dân tộc ta như một dân tộc có văn hoá.
(Nên nhớ, đến triều Minh mới có chuyện quân xâm lược đập phá các bia đá, các hoành phi câu đối, và tất cả những gì có chữ Hán).
-Về Phan Ngọc. Ông thử tưởng tượng một người tài như thế, thông minh như thế mà bị đòn đau như thế. Người ta phải nghĩ ra kế để tồn tại. Không tội gì mà dây với lửa nữa. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Thế là từ đó ông ấy sinh ra ăn nói như thế, trong khi vẫn phải làm như điên mà sống, vẫn phải suy nghĩ.
Bây giờ ông Ngọc nói thế này tài quá còn gì. Nói văn hoá văn nghệ như văn hoá xe đạp, ta chẳng nghĩ ra điều gì, nhưng ta hiểu hết tác dụng của nó, ta dùng nó để chuyên chở hàng tạ gạo, đến mức thế giới nó phải kinh ngạc.
21-11
 Có giấy mời đi họp: ngày mai tạp chí Văn học nước ngoài của Hội trình bày những gì mà họ định in trong số một.
Không biết tôi có thể làm gì cho họ. Lâu nay tôi đã quá bận về những vấn đề văn học trong nước.Tuy nhiên, trong bụng cứ bồn chồn bởi những điều hiển nhiên, mà lẽ ra ai cũng thấy và lẩn tránh. Và ẩn đằng sau đó, là một bi quan, tuyệt vọng.
Mỗi lần nhớ tới Nguyễn Minh Châu, tôi thường nghĩ ngay đến quyển Tấc đất mà ông giấu trong ngăn bàn, và thỉnh thoảng lại giở ra xem, lấy hơi, khi viết Dấu chân người lính. Đã có một thời, bọn tôi sống chui sống nhủi vậy đấy. Sợ tất cả những gì ở bên ngoài người ta viết. Phải cố tách ra, không muốn giống mọi người. Để làm gì ư? Để còn yên lòng mà đánh nhau.
Trong hoàn cảnh ấy, để có thể làm nghề được, tôi đã phải học tiếng Nga, tự bồi bổ thêm kiến thức, mà cũng là trổ một cái cửa, để nhìn thế giới.
Còn nhớ một lần, được ông Thi gọi ra, ý muốn giao cho tôi dịch một ít tài liệu văn học. Tôi đã sướng rơn lên khiến lúc trở về, ông Khải chế giễu mãi.
Nhưng cái ông Thi ấy, đã phản bội chúng tôi, phản bội cả thế hệ tôi. Mỗi lần, nghe có người đề nghị là phải làm văn học nước ngoài, Nguyễn Đình Thi lại gạt đi, là bây giờ chưa đến lúc cần đặt những vấn đề như thế.
Kết quả là sao? Kết quả là người viết văn Việt Nam, mấy chục năm qua, lơ mơ tự mình kéo mình đi trong đêm tối. Văn học Pháp, văn học Tây Âu không biết đã đành, ngay văn học Xô viết, chúng ta cũng không biết được đến nơi đến chốn, vì để tiếp xúc với nước ngoài một cách bình thường, cái tâm thế của chúng ta đã sai, bản lĩnh chúng ta không có, nhiều người làm nghề của chúng ta thiếu đi cái sáng suốt và tự trọng, và tự mình là mình, đáng lẽ phải có.
 Ở đây, còn một khía cạnh nữa. Phải nói tới, là sự khinh rẻ phê bình  -- khinh rẻ lý trí  -- nó khiến cho càng ngày người ta càng chơi vơi trong một cuộc đuổi bắt tuyệt vọng.
Đấy, trong một hoàn cảnh như thế, tạp chí Văn học nước ngoài của Hội, sẽ ra số đầu tiên vào 1996 . Rồi họ sẽ bơi trên cái biển bao la này, sẽ chết đắm chết chìm trong những việc chả đâu vào đâu. Mặc dù đấy là công việc lâu nay mọi người vẫn yêu cầu làm, và đấu tranh mãi mới được làm. Có gì lạ đâu công việc đã không được làm đúng lúc. Tự chúng ta đã lữa ra, thì còn tiếp nhận được gì ở ngoài, một điều mà  mọi cơ thể sống khác, không thể từ chối.

27/11
 Điều tôi tự nhủ hàng ngày:
- Hãy tu giữa cõi đời. Hãy sống theo điều mình tin tưởng.
- Điều quan trọng bây giờ không phải là mở rộng thêm nữa, mà là vun quén đời mình lại.
- Không phải là chửi bới ai hay khen ai, mà là trình bày mình trước cuộc đời thiên hạ.
30/11
Xem Trao cao đèn lồng đỏCúc đậu: Bất cứ vấn đề gì của con người cũng là thú vị và đáng quan tâm.
Con người và hoàn cảnh:
- Con người và cái xấu cái tốt của mình
- ý nghĩ của sự sống cái chết.
- Người có phải tai vạ của người?
Phụ nữ và đời sống:
- Ai có khả năng thay đổi?
- Thay đổi để làm gì!
Lâu nay, mình quen hiểu văn nghệ là tư tưởng. Nay, những hoá ra là tự nhiên mới lại là kỳ vĩ choáng ngợp.
9/12
Sắp hết 95 rồi.
Gặp A Sokolov và day dứt trở lại
Hãy viết: Người nước ngoài có thể tìm thấy gì ở văn hóa Việt Nam.
Cái khó khăn, mà cũng là cái buồn cười của mình bây giờ là cái gì cũng có thể mở rộng ra được, càng có thể viết ra khác mọi người được, cũng có thể đi sâu được .
Và cái gì, mình cũng thấy có một phần cuộc đời mình trong đó, từ Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu đến Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính, các vấn đề văn học cổ, các vấn đề quan hệ với nước ngoài.
Tưởng có thể sống đến vài chục năm nữa, cũng không làm hết việc
16/12
Kỷ niệm 10 năm ngày mất của Xuân Diệu, người ta lại hùa nhau ca ngợi Xuân Diệu. Một đầu đề trong chương trình kỷ niệm. Nguyễn Đình Thi - Xuân Diệu, một nhân cách lớn.  Tuy nhiên, người nghĩ ra cái đầu đề ấy, lại là Phạm Tiến Duật.  Lúc này ông Thi đang ở Sài Gòn.
Hai chục năm trước gì đấy ông Bregnev có quyển Đất nhỏ đất hoang gì đấy, Liên Xô cần tuyên truyền, báo Nhân Dân đến đặt ông Nguyễn Đình Thi viết bài khen, Thi không viết, Tô Hoài thì nhận viết và còn đi nói chuyện nữa.
Giờ đây, mở ra vụ Bảo Ninh, sau khi thuyết cho Nguyễn Khải, Vũ Tú Nam, Ngọc Tú nói, báo Công An TP HCM mời đến Tô Hoài đưa 500 ngàn trước, rồi đặt viết, ông Tô Hoài cầm tiền về sau mang trả lại, đại ý ông chỉ bảo rằng, truyện này bây giờ cũ rồi, ai người ta còn đọc nữa.
Nhưng Nguyễn Đình Thi thì nhận viết, trên báo Công an TP (hay là trả lời phỏng vấn gì đấy)
Mình nghĩ: Lão Tô Hoài khốn nạn, nhưng là khốn nạn lúc trẻ, về già bướng, dám làm mình hơn.
Còn như Nguyễn Đình Thi, hình như lúc trẻ lão kiêu căng hơn về già cảm thấy bất lực, nên mới đổ đốn như vậy.
Trong thời gian này, còn có mấy vụ lặt vặt.
- Báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, có bài phê phán một quyển sách của NXB Văn học, là lấy ra toàn những bài có tư tưởng chống cộng.
- Nhiều bài ở TPHCM phê phán Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Lập là viết về các vấn đề dơ bẩn.
- Trước đây khoảng 2 tháng phim Xích lô bị kêu là độc hại, vì trong đó nói nhiều đến cái ác của con người (mặc dù phim này được nhiều giải thưởng quốc tế)

- Ngày 5/12
 ông Hà Sĩ Phu tức Nguyễn Xuân Tụ bị bắt vì dang lưu truyền một tài liệu trong đó có nhiều không đồng ý với ông Đỗ Mười.
Nhưng truớc đó, (theo Ngô Văn Phú kể) Hà Sĩ Phu có trả lời đài UPI
- CNCS đã lỗi thời
- Mỹ không nên bán cho Việt Nam hàng hóa theo quy chế tối huệ quốc, chừng nào ở Việt Nam chưa thực hiện vấn đề nhân quyền.
Đến ngày hôm nay, có tin có 2 tác phẩm in ra năm 94 được giải thưỏng của hội đồng (năm 95) .Văn xuôi: Trăng soi sân nhỏ của Ma Văn Kháng. Thơ: Thư mùa đông của Hữu Thỉnh. Nhưng quyển Trăng soi sân nhỏ vẫn khiến nhiều người dè dặt: Ông Anh Đức, ông Nguyễn Quang Sáng, điện ra nói rằng đọc Ma Văn Kháng thấy con người Hà Nội sao mà ác thế. Còn Tô Nhuận Vỹ thì lưu ý rằng có một truyện nói đến người tù, làm như thế, rất dễ gây ra hiểu lầm.
29/12
Hôm nay có cuộc hội thảo Cao Xuân Huy 95 năm ngày sinh  mà tôi không đi được. Trước đó, 14/12 đã có hội thảo thơ Thanh Thảo, Nguyễn Duy trong sự tìm tòi thơ hiện nay, dưới góc độ bản sắc dân tộc. Tôi chỉ gửi đến một bản báo cáo.
Tự nghĩ, một số hội thảo không cần dự vì không báo cáo nào quan trọng. Một số khác, như hôm nay cũng được, nhưng thôi để đọc trên báo vậy.
Tối chủ nhật 17/12 Thuỵ Khuê từ Paris gọi điện về ý muốn phỏng vấn về tình hình phê bình hiện nay.
Cùng thời gian có Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Đặng Anh Đào (Sử do Ân đề nghị, bà Đào do tôi đề nghị). Trước đó, Thuỵ Khuê đã nói chuyện với Hoàng Ngọc Hiến khi Hiến qua Mỹ. Tối 31/12 sẽ phát. Thuỵ Khuê chỉ nói với Đặng Anh Đào một nhận xét là tôi có vẻ bi quan quá, trong khi bà Đào đỡ hơn, vui hơn. Có tin cả Lữ Phương cũng bị bắt nữa (?) Bùi Hoà (cơ quan) đi học chính trị về chỉ nói có mấy nổi tiếng nhất là Mác Angghen Hồ Chí Minh và Hà Sĩ Phu)
27/12
  Hội văn học nghệ thuật Hà Nội đang khủng hoảng cán bộ lãnh đạo.  Người ta lại đành  lại bầu Bằng Việt làm chủ tịch. Ông Tô Hoài tưởng làm chủ tịch danh dự, nhưng cũng thôi. Bà Hoàng Ngọc Hà làm Phó chủ tịch Hội văn nghệ, Chủ tịch Hội văn học, như vậy là nắm hết quyền hành của Hội.
Nghĩ cũng buồn. Có một lần bọn tôi ngồi họp, không biết làm gì, mới mang thơ Bằng Việt ra đọc. Ôi chao, thấy dở quá, nhiều bài được, trong bài nhiều câu độn, nhiều chữ đưa đẩy để bắt vần.Trong một bài viết về lực lượng sáng tác, Ngô Thảo cố nhét bằng được cái ý nói là Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt nay trở lại tình trạng nghiệp dư. Hồi trước Bằng Việt đã bị đánh bật khỏi Hội văn nghệ, sau lơ vơ sang làm bên Hội Liên hiệp (báo Diễn đàn văn nghệ) sau lại chuyển sang ngạch cán bộ chính trị, làm Phó chủ tịch HDND thành phố Hà Nội. Giờ lại tái hồi Kim Trọng. Mọi chuyện còn đang chờ.
Tôi nghĩ: ở một nước như nước Nga, bọn văn nghệ sĩ ở thủ đô có thể làm loạn được (tờ Moscva văn học nổi đình đám một thời). Còn ở Việt Nam, thủ đô toàn hạng hai, tức là đầu thừa đuôi thẹo của trung ương.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn