VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tổ chức và quản lý xã hội ở nước ta thời trung đại ( phần 2 )



Bài đã đưa trên blog này 26-2-12

Việc quan hỗn hào lẫn lộn
   Các cụ ngày xưa quá tin vào sự nhiệm màu của đạo Khổng. Họ tưởng rằng lầu thuộc Tứ thư, Ngũ kinh, học hết mấy pho sử, làm được câu thơ bài phú là có đủ đức hạnh để dạy dỗ dân, đủ tài kinh luân để đưa dân đến cõi hạnh phúc. Họ tưởng rằng đã là sĩ phu, thì là một người hoàn toàn, một đấng thánh hiền, nên họ mới phó thác cho trách nhiệm quá nặng.
   Những quyền hành lớn ấy, từ xưa đến nay, quan trường vẫn nắm trong tay, tuy rằng cuộc sinh hoạt của dân chúng đã đổi thay nhiều lắm.
     Một ông huyện chẳng hạn, không biết rằng chức phận của mình là phải làm những việc gì nữa.
     Ông ta là một ông quan toà lúc xử việc kiện tụng, một ông cẩm (1) lúc coi sóc việc trị an, một viên chức sở lục lộ (2) lúc thúc dân hộ đê Đó là không kể cai trị là công việc chính của ông ta.
      Bấy nhiêu nhiệm vụ hỗn hào lẫn lộn là một điều khó khăn cho ông quan mà cũng là cái mầm cho sự lạm quyền. Và đối với những ông quan không theo đuổi một lý tưởng gì cao siêu, đó lại là một cái mầm cho sự ăn tiền.

(1)   cảnh sát
(2)    sở giao thông công chính
 Hoàng Đạo
 B ùn l ầy n ư ớc đ ọng, 1939

Quyền thế trong tay cường hào
    Về mặt quản trị làng xưa có một tệ hại. Là bao nhiêu quyền thế đều ở trong tay  cường hào cả. Những kỳ mục có của có thế lực có danh vọng đều là chúa  ở trong làng. Vì làng  tự trị một cách quá đáng, lệ làng đặt ra đến phép vua cũng không thay đổi được. Nếu kẻ cầm đầu trong làng là người khá, có kiến thức có công tâm  thì không kể làm chi; nhưng nếu là những người chỉ nghĩ đến lợi riêng, thì nhũng lạm xảy ra một cách dễ dàng và quá quắt. Một lối tổ chức có thể để những sự bất công như vậy xảy ra là một lối tổ chức không chu đáo,  tự mình lại làm tội mình.
                                                                                            Hoàng Đạo
                                                                           Làng xã, Ngày nay, 1940



Quân hồi vô phèng
     Làng ở xứ ta như một hội riêng của tư nhân. Nếu cái đặc tính của một pháp nhân cai trị(1) là quyền ban hành những nghị định có ý nghĩa cưỡng bách, buộc mọi người thi hành, thì làng xứ ta quả không phải là một pháp nhân cai trị.
   Muốn đắp một con đường ư? Quyết định năm nay, nhưng có nhẽ rồi một hai năm sau mới làm xong, mỗi họ mỗi thôn mỗi gia đình ung dung tiện lúc nào thì làm lúc ấy.
        Muốn đào một giếng nước ăn ư? Nếu người khởi xướng ra việc đó không can đảm đứng ra mà đốc thúc thì dân làng cứ chịu khó ăn nước ao mãi.
       Hội đồng làng xã đặt lệ cấm đổ rác ra đường cái ư? Nếu không có một mối hiềm thù riêng từ trước, thì không một chức dịch nào thấy mình có trách nhiệm là ngăn cản hay trừng phạt người làm trái lệ ấy.
    Thường thường những cuộc bàn cãi trong những buổi họp việc làng không dẫn đến một kết quả thiết thực gì cả.
     Biết bao nhiêu luật lệ của cơ quan cai trị đã bị xếp bỏ không thi hành được chỉ vì một vài người không muốn nghe theo.
   Chỉ cần một kẻ phản đối cũng đủ làm cho điều đề nghị hay đến đâu cũng phải gác bỏ. Mà ở làng nào cũng có vài viên kỳ mục, vài người bướng bỉnh, bao giờ cũng giữ thái độ phản đối: Hoặc vì họ thấy công việc sẽ làm không trực tiếp lợi cho họ, hoặc vì họ ghét người khởi xướng ra công việc ấy; hoặc vì họ nghĩ rằng người khởi xướng định bới việc ra để ăn -- điều nghi kỵ sau này tiếc thay, nhiều khi cũng đúng.

 (1) kẻ có tư cách pháp lý  

 Vũ Văn Hiền
 Mấy nhận xét nhỏ về dân quê Bắc kỳ, Thanh Nghị, 1944
Tinh thần gia tộc quá nặng

      Ta có thể thấy vì một mối tư thù, một viên lý trưởng phó lý hay trương tuần bắt trói trái phép một người họ khác đã trái lệ làng vì một việc cỏn con ; người ta không thể thấy những viên chức dịch ấy lập biên bản để đưa ra đình hay giải lên quan  một ông chú một người anh em họ bên nội hay bên ngoại, dẫu người đó đã phạm vào tội do hình luật trừng trị.
    Cái tinh thần đại gia tộc ở xứ này đã diệt mất hẳn tinh thần công dân. Tình họ hàng ở thôn quê  đã làm cho tê liệt  hẳn bộ máy cai trị  của làng vốn tự nó  đã không được khỏe gì.
  …  Nhờ có sức mạnh thói quen mà làng Việt Nam còn giữ được  những cổ lệ và  cái đời sống thụ động của mình. Nhưng hiện tình thì ta không thể coi nó là một công cụ  giúp vào việc tiến hóa của dân quê.
                    Vũ Văn Hiền  
 Mấy nhận xét nhỏ về dân quê Bắc kỳ, Thanh Nghị, 1944 


Đám đông dân chúng vô cảm và vô trách nhiệm
    Việc làng thường định vào những ngày tuần tiết, là những ngày ở đình có tế lễ và ăn uống. Khi nào có việc gì khêu gợi sự cạnh tranh và đụng chạm đến những quyền lợi có sẵn thì số người ra họp rất đông. Còn khi nào chỉ họp để dự định công việc mới mẻ nhưng chưa ai thấy lợi trực tiếp cho mình thì buổi họp rất vắng. Nhiều người chỉ ra tế lễ ăn uống rồi về; mà cũng chẳng có lề luật nào định phải có bao nhiêu người dự bàn mới là đủ.
 Vũ Văn Hiền
 Mấy nhận xét nhỏ về dân quê Bắc kỳ, Thanh nghị, 1944

Bất lực
     Những người cai trị chỉ có một thứ uy quyền thuộc về tinh thần; nếu mất đi cái uy quyền tinh thần ấy, nếu họ để mất thể diện (vì thua kiện hoặc bị người dưới phản kháng mà không làm gì nổi) thì sẽ không làm được việc gì nữa. Vì họ có đặt luật lệ hay đến đâu cũng không ai theo.
      Một phần lớn vì thiếu thứ uy quyền rất khó có và rất khó giữ đó, nên phần đông các chức dịch làng xã mỗi khi làm một việc gì cũng không dám tự quyết định lấy và phải do ý kiến của tất cả mọi người trong làng


 Vũ Văn Hiền 
 Mấy nhận xét nhỏ về dân quê Bắc kỳ, Thanh Nghị,1944


Không hình thành nổi
 một dư luận sáng suốt
     Ngoài tinh thần độc tôn bè đảng, còn một trở lực nữa ngăn cản mọi công việc cải cách ở thôn quê là dư luận trong làng, một thứ dư luận mạnh mẽ, ác nghiệt và mù quáng. Nhiều việc cải cách đã quyết định rồi đành bỏ dở chỉ vì người thừa hành sống trong làng xóm, không thể chịu đựng được những dị nghị chế giễu mà hàng chục hàng trăm người nhắc lại ở khắp đầu làng cuối ngõ.
     Đã không có quyền bắt mọi người im, lại sống luôn với những người đó, hương chức tránh sao nổi ảnh hưởng của dư luận; và sau vài ba tháng làm việc, người hăng hái đến đâu cũng đành “dĩ hoà vi quý “, bỏ hẳn những ý định của mình để sống theo nếp cũ.
 Vũ Văn Hiền
 Việc cai trị ở thôn quê, Thanh Nghị, 1945


Chưa đủ khả năng tự cai quản 
   Ở các làng quê đâu đâu cũng thấy một sự mê muội bướng bỉnh gian dối, đâu đâu cũng thấy những thói rượu chè cờ bạc khao vọng ma chay kiện cáo.
    Sự nghèo nàn về tinh thần và – từ khi nền học cũ đã tàn--  sự thiếu thốn về luân lý đã thêm vào sự đói rét và ốm đau để làm cho người dân quê Việt Nam cực kỳ khổ sở.
    Sở dĩ mọi cải cách thất bại vì dựa trên nguyên tắc không hợp thời “ các làng xã cần được hoàn toàn tự trị “.
      Khi giao việc cai trị trong làng cho những người sống trong làng (tức mỗi làng là một đơn vị tự túc về cai trị)  các làng càng trở nên cô lập, không chung sống với lân bang; mỗi làng thường không đủ năng lực làm việc gì cho to tát.
   Các chức vụ chỉ để thỏa mãn lòng  khát khao danh vọng của dân quê.
   Thật ít khi người ta thấy nhiều người phí phạm thời giờ và nghị lực vào những công việc hão huyền như trong một làng Việt Nam. Và thật khó lòng tìm ở một nơi nào khác  nhiều bộ phận vô ích như làng xứ ta.
Vũ Văn Hiền
Thanh nghị số đặc biệt Vài vấn đề Đông dương, 1945

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn