Bài đã đưa trên blog này 26-2-12
Nếu dùng văn hóa theo nghĩa rộng thì việc tổ
chức và quản lý xã hội là thuộc về văn hóa quyền lực.
Nhưng đây là khâu
các nhà cầm quyền chưa bao giờ đặt ra một cách bài bản. Trong việc tiếp nhận
văn hóa Trung Hoa, cái chúng ta chỉ thích học theo là thơ văn hoặc thi cử, còn
chính việc quản lý xã hội thì không để ý hoặc chỉ làm theo lối học tắt học lỏm.
Trong quá
trình ghi chép về Thói hư tật xấu người Việt trong con mắt các nhà trí thức
đầu thế kỷ XX, chúng tôi mới sưu tầm được một phần các nhận xét lẻ tẻ có
liên quan đến chủ đề trên. Nhưng tinh thần các nhận xét dưới đây theo
chúng tôi là khá chính xác, nó giúp chúng ta lý giải chính tình trạng xã hội
hiện nay.
Phần lớn các nhận
xét này dành để nói về việc quản lý làng xã. Nhưng chẳng phải như nhà sử học Hà
Văn Tấn đã nói, xã hội Việt là một thứ liên làng và siêu làng,
mọi quy luật chi phối việc tổ chức và quản lý làng xóm cũng là đúng trên cả
phạm vi rộng đó sao?
Pháp luật đơn sơ
Dân trí càng mở mang
thì pháp luật càng phải tinh tế. Luật lệ nước ta sơ sài hết sức. Những điều rõ
ràng thì hoặc là phiền toái vô dụng, hoặc là khe khắt quá khó lòng giữ đúng
(...) Những điều ta nói ta làm hàng ngày mà theo luật quy tội, thì sáng bị tội
đồ, tội lưu, chiều bị tội phạt trượng. Đến những điều đáng phải theo cũng không
thể theo được. Trên cũng như dưới đều mơ mơ màng màng, cơ hồ thành một nước
không có pháp luật. Dân không giữ chữ tín, trong dân gian người ta làm khế ước
với nhau, thường mực chưa khô đã bội ước. Quy tắc của trường học, kế hoạch của
công sở phần lớn nằm trên giấy, treo lên cho vui mắt, đọc lên cho vui tai mà
thôi. Trên dưới không tin nhau, mà mong giữ đúng pháp luật thì thật là khó
thay! Đã không giữ được thì thay đổi đi là hơn.
Quốc dân độc bản, tài
liệu của Đông Kinh nghĩa thục, 1907
Quan lại không biết cai trị
chỉ lo xoay sở kiếm ăn
Nước ta dùng người thì hoặc lựa
chọn ở trong bọn con quan hoặc lấy ở trong hàng khoa mục, mà mấy người khoa mục
bất quá văn hay chữ tốt thì đỗ, thế là làm quan. Bình sinh học tập chỉ mấy câu
trường ốc văn chương, lúc ra làm quan, thì hình như bổ vào mặt gì cũng giỏi,
tưởng quan lại bên châu Âu chưa có ai toàn tài được thế.
Cũng là một người lúc thì bổ giáo
chức làm một nhà giáo dục, lúc thì bổ chính chức làm một nhà chính trị, lúc thì
sung giám đốc công trường làm một nhà công nghệ, lúc thì sung chánh sứ đồn điền
làm một nhà thực nghiệp, lúc thì đi quân thứ làm một nhà tướng hiệu, mà hỏi ra
thì chẳng có một cái học thức chuyên khoa nào.
Quan nước ta như thế trách nào
mà chẳng mang tiếng bất tài.
Ngày 31 tháng năm 1917, báo Đông Kinh
có một đoạn rằng “một tên đầu đảng trộm cướp kiếm cả đời không bằng một ông
quan giỏi lấy tiền trong một năm “. Ngày 12 tháng bảy, báo Hải Phòng có
một đoạn rằng “cái căn tính ăn tiền của người An Nam di truyền từ tổ
tôn, không dễ kể năm kể tháng mà chữa ngay được “
Thân Trọng Huề
Con đường
tiến bộ của nước ta, Nam Phong, 1918
Quản lý làng xóm
theo kiểu gặp đâu hay đấy
Việc quản trị dân
xã là ở trong tay mấy người tổng lý, chánh phó lý cựu chánh phó tổng cựu, xã
tuần, phần thu. Bọn đó quanh năm trông vào khoán ước của làng mà đình mà đám mà
thu mà bổ, mà xà xẻo bớt đầu bớt ngọn, mà bắt vạ kẻ nọ kẻ kia.
Các khoán ước ít
khi biết tự đời nào để lại. Cũng có khi là do một chuyện mộng ảo huyền hồ (1)
mà lập nên. Cũng có khi là công nghiệp (2) của một người hách dịch một thời
nhân (3) lúc có thần thế mà đặt cho làng mình một lệ để lưu truyền mãi mãi.
Được lệ hay thì dân làng nghìn năm được nhờ thói tốt. Phải lệ dở thì dân làng
vạn đại phải noi (4) tục hủ, lụn bại phong tục đi.
(1) viển vông ngẫu
nhiên
(2) việc làm
(3) người đương thời
(4) tuân theo
Nguyễn Văn Vĩnh
Chỉnh đốn lại cách cai trị dân
xã, Đông dương tạp chí 1914
Kéo bè kéo cánh nắm giữ quyền lực
Xét cách bầu cử
tổng lý của ta khi xưa thật lắm phiền nhiễu mà phần nhiều dùng cách tư tình
(1), những người làm việc chẳng qua lại là con cháu họ hàng với những chức sắc
kỳ mục. Trừ ra những làng khó khăn không ai muốn làm không kể, còn về các làng
tốt bổng (2), con cái nhà có thế lực tranh nhau mà ra, có mấy khi lọt vào tay
người khác được. Vì thế lý dịch hay có bè đảng, mà nhất là hay a dua với hàng
kỳ mục (3) để dễ cho sự thầm vụng của mình.
(1) tức sử
dụng những mối quan hệ cá nhân
(2) có nhiều
quyền lợi
(3) kỳ
mục là những người có thế lực nói chung, còn lý dịch là những người đương làm
việc, đương nắm quyền
Phan Kế Bính
Việt Nam phong tục,
1915
Cường hào lý dịch gian xảo điêu ngoa
Công việc trong làng, trên
thì tiên chỉ không muốn nhìn đến, dưới thì phường lý dịch chẳng qua cũng là con
em đầy tớ các kỳ mục, há miệng mắc quai nón. Quyền hành của kỳ mục rất lớn, thế
lực rất to. Mà trong hạng này, một hai người phi tay cường hào hách dịch, thì
là tay gian xảo điêu ngoa. Còn nữa chẳng qua a dua với mấy người ấy mà thôi.
Phần nhiều ích kỷ, họ có thiết gì đến vận dân, chỉ động có chút lợi lộc thì xâu
xé nhau, hoặc dân đàn em hơi có chút gì lầm lỗi thì bới móc hạch lạc. Những
người có kiến thức, cho việc hương thôn là việc nhỏ nhặt, không thèm tưởng đến,
không mấy nơi cải lương được tục làng cho nên tục hay.
Phan Kế Bính
Việt
Nam phong tục, 1915
Sân khấu của một lũ hề
Tiếng gọi rằng trào đình của một
nước, song chính là sân khấu nhảy múa của một lũ hề.
Binh bộ thượng thư mà hỏi đến việc binh
không biết một chút gì.
Học bộ thượng thư mà không biết đến việc
học của dân.
Công bộ thượng thư mà quanh năm chỉ biết
tu tạo mấy cái lâu đài và lăng miếu của nhà vua.
Lễ bộ thượng thư ba năm mới có một lần
tế giao (1), cắm cúi vào những cái nghi tiết hão huyền, hủ lễ vô ích.
Lại bộ thượng thư, Hình bộ thượng
thư cũng vậy, mấy ông cụ lớn ấy chỉ biết ngày hai buổi chầu quỳ lạy ở sân rồng,
tan chầu trở về, quanh năm ngày tháng như một con lợn ỉ lẩn khuất ở trong
chuồng không biết một chút gì cả.
Vua đè ép các quan lớn. Các quan
lớn đè ép các quan nhỏ. Các quan nhỏ đè ép dân. Cái không khí áp chế chỗ nào
cũng nồng nặc khó chịu, xuống đến bậc dân thì không còn dân đạo (2) dân quyền
gì nữa.
Có miệng không được nói có tai
không được nghe, phần nào sưu thuế nặng nề, phần nào quan lại sách nhiễu, biết
chết mà không dám tránh, bị ép mà không dám than. Chốn thôn dã thì đường xá
khuất lấp, trộm cướp nổi lung tung. Ngoài thành thị một bầy quỷ sống, đua nhau
ăn thịt dân uống máu dân. Mỗi năm bão lụt, dân bị chết đói, mỗi năm tật dịch,
dân bị đau chết, không biết chừng nào.
(1)lễ tế trời của nhà vua
(2) đạo, nghĩa gốc là giáo lý, chủ
thuyết; dân đạo có thể hiểu là một quan niệm về người dân trong xã hội
Trần Huy Liệu
Một bầu tâm sự, 1927
Quan trường hư hỏng
Cũng có đôi khi
thay đổi một vài ông đại thần hoặc là thăng giáng một vài viên quan lại. Cái
người bị đuổi đi đã đành là không làm được việc, mà cái người thay chân ấy cũng
có phải là người làm được việc đâu?! Cái người bị cách (1), vẫn là gian tham mà
cái người được bổ cũng không phải là người liêm khiết!
Phương chi
hôm nay bị giáng, bị cách, ngày mai lại được thăng được thưởng; ở nơi này can
khoản (2) lại đổi đi nơi kia, thì tuy có phạm tội tham, mang tiếng xấu, cũng có
hại gì đâu. Lâu rồi quen đi, đứa càn rỡ lại càng càn rỡ, chỉ lo đem tiền đi mua
quan; đứa biếng lười lại càng biếng lười, chỉ biết khoá miệng cho yên việc.
Mũ áo thùng
thình, ngựa xe rộn rịp, hỏi quan chức thì ông này là đại thần trong triều, ông
kia là đại lại (3) các tỉnh, chỉ biết có một việc là ngày đi hội thương (4) hay
ra công đường xử kiện, còn hỏi đến việc lợi bệnh (5) trong nước hay là trong
một tỉnh thì mơ màng chẳng biết một chút gì.
Còn đến việc đút
lót người trên, sách nhiễu kẻ dưới thì không cứ là quan to quan nhỏ, đều công
nhiên cho là cái quyền lợi của người làm quan đáng được, dẫu có ai bàn nói đến
cũng không kể vào đâu.
(1) cách chức, ngược với bổ là
giao việc
(2) bị vướng vào một tội nào
(3) cũng nghĩa như chức quan lớn
(4) Ngày nay hay dùng hội họp
(5); từ cổ, nay ít dùng có cùng
nghĩa như lợi hại
Phan
Châu Trinh
Thư gửi chính phủ Pháp, 1906