Trong các tài liệu liên quan đến tiểu sử, tôi khai quê ở Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh, nhưng lại khai nơi sinh ở Hà Nội. Đầu đuôi là thế này.
Trước 1945, ông bố tôi đã dời quê ra Hà Nội mua đất ở làng Bưởi, tên chữ là làng Yên Thái. Ở đấy, ông buôn giấy để mang về quê cho người làng làm tranh. Vì thế mới có chuyện tôi sinh ra ở Hà Nội. Khi nổ ra kháng chiến, gia đình tôi chạy lên Mỏ Thổ, Bắc Giang một thời gian rồi đến khoảng 47 – 48 thì quay về Hà Nội, ngụ cư tạm ở làng Đại Yên. Tới 1949, khi tôi 7 tuổi ta, gia đình xin cho tôi đi học ở trường tiểu học của Đại Yên. Rồi đến 1952, gia đình tôi lại chuyển sang đất Thụy Khuê và tôi cũng chuyển sang học hai năm lớp nhì, lớp nhất ở trường tiểu học Thụy Khuê.
Đại Yên là trường nhỏ, lúc đầu chỉ có mấy lớp năm, lớp tư, sau đến lớp ba, lớp hai và học trò học lẫn với nhau do thầy Vũ Đăng Mão dạy chung. Kỉ niệm nhớ nhất của tôi ở trường này là có một lần tôi được phần thưởng và không phải do nhà trường cấp mà lại do một trường đạo đóng ở địa điểm nay là Viện chống lao trung ương. Phần thưởng lần đó là một cuốn từ điển Pháp – Việt. Do chỗ ở tiểu học bọn tôi không học tiếng Pháp nên cuốn đó cũng không được sử dụng nhưng tôi vẫn cứ thế nhớ, vì nó gợi ra chuyện các trường phổ thông phải học ngoại ngữ mà đến bây giờ chúng ta vẫn không làm được.
Trường Thụy Khuê có quy mô lớn hơn trường Đại Yên, tuy nhiên nó cũng chỉ là một khu đình cũ. Dọc sân có hai dãy nhà mà tôi ngờ là tam quan. Ngoài cổng, còn có một cái giếng khơi, dùng tay để mà bơm nước lên, trên nặt giếng có hàng chữ Mỹ quốc viện trợ.
Cảm giác chính hình thành trong tôi, trong mấy năm đi học là cái gì rất thiêng liêng. Tôi nhìn các thầy giáo, cô giáo (hồi đó thầy giáo nhiều hơn các cô) như những vị thánh, và quả thật là các ông rất đáng cho chúng tôi kính trọng, cả về nghề nghiệp lẫn tư cách đạo đức. Thầy giáo mà tôi học năm lớp nhất chính là nhạc sĩ Nguyễn Văn Qùy. Ông chỉ dạy tôi năm lớp nhất, thì vừa đúng dịp giải phóng Thủ đô Trong phim Việt Nam trên đường thắng lợi thì ông chính là nhạc sĩ kéo đàn accorderon trong đoàn người đón các chiến sĩ từ Việt Bắc trở về. Nhưng đó là chuyện sau này tôi mới biết. Lúc đi học chỉ nhớ thầy Quỳ cũng là một nhà giáo đáng kính.
Khi từ Bắc Giang trở về Hà Nội, gia đình tôi sống khá nghèo, ông bố tôi làm nghề cắt tóc cầm cái hòm đi rong ở các làng xóm. Hồi đó, nhiều khi có đoàn quân Pháp đi càn ở các vùng nông thôn, quay trở về đóng quân ở đoạn Đường Thành (nay là đường Hoàng Hoa Thám), và ông bố tôi cũng mon men đến để cắt tóc cho Tây. Tai vạ xảy ra là khi bị nghi ngờ như thế nào đó, ông bị bắt, vào tù cũng gần tháng trời. Những chuyện đó thường xảy ra với người dân nghèo thành thị ở các vùng ngoại ô cũ của Hà Nội. Điều này liên quan đến chuyện đi học của tôi, nó gợi ra suy nghĩ phải cố học thế nào để có một bằng cấp lớn lên có thể đi làm thoát khỏi sự nghèo khổ và cuộc sống vật vờ của gia đình.
Sau tháng 10/1954, ông bố tôi chuyển từ nghề cắt tóc sang làm công nhân ở nhà máy da Thụy Khuê. Gia đình tôi vẫn nghèo như cũ. Trên báo chí khoảng 2010, tôi có đọc trên báo thấy dư luận xôn xao về chuyện một em bé nhịn ăn sáng để giúp đỡ cho bố mẹ. Theo tôi, thời nào những người học trò con nhà nghèo cũng đều có nhiều sự vượt khó như vậy. Những năm cấp II, lớp tôi có nhiều bạn sáng đi làm một việc gì đó, giúp cho gia đình kiếm sống, chiều mới đến lớp, tối mới có thể học bài. Mặc dầu vậy, chúng tôi đa số đều học khá, có những người như anh Dương Đức Niệm trước khi về hưu từng là hiệu phó của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, tôi đã nói rằng chính tuổi trẻ đau buồn đã làm cho tôi đến với văn học. Đau buồn ở chỗ tôi bị mồ côi mẹ từ sớm và gia đình ít anh chị em, vì thế chỉ lấy chuyện học làm vui. Rất nhiều lần gia đình cũng có ý muốn cho tôi thôi học nhưng chỉ may là vì tôi học được và việc học ngày trước cũng không tốn kém lấy. Vì thế, nên vẫn được tiếp tục.
Về chuyện gọi là “học được” của tôi, nhớ nhất là có lần tôi phải học với một anh rất là dốt mà luôn luôn phải xin chép các bài toán của tôi. Tôi thường yếu hơn anh ta rất nhiều, và mỗi khi trẻ con có gì cãi nhau thì chỉ có một cách là chửi nhau. Tôi buộc anh ta phải cho tôi biết tên bố anh để khi nào tôi chửi anh phải xót. Thế là bạn ấy đã phải chấm ngón tay vào nước viết tên ông bố mình cho tôi trên mặt bàn để đổi lại lấy các bài toán mà tôi giải giúp cho anh. Tai ác quá.
Sau khi giải phóng Thủ đô, các trường của Hà Nội sớm bắt tay vào việc khai giảng năm học mới và cái niên học 1955 – 1956 bắt đầu khai giảng từ giữa tháng 10. Năm đó, tôi vừa chuyển từ trường tiểu học lên trung học và tôi tham dự ngay vào đợt thi tuyển vào lớp đệ thất Chu Văn An. Nhưng buồn một nổi, năm đó học hành chểnh mảng thế nào mà tôi thi trượt. Sau một năm đi học tư, tới đầu niên học 1955-56, tôi mới đậu lại học để vào học trường Chu Văn An lúc này đã trở lại địa điểm trường Bưởi cũ, đầu phố Thụy Khuê.
Tôi chỉ được học một năm theo chế độ các trường trung học đệ nhất cấp, vì qua năm sau, từ niên khóa 1956-57 trở đi, hệ thống giáo dục Hà Nội cũ nhập vào hệ thống kháng chiến. Từ nay trung học có hai cấp, gọi là cấp 2, và cấp 3, mỗi cấp tách ra thành trường riêng, tuy vẫn học chung một địa điểm.
Có một cảm giác tôi thể nghiệm ngay từ hồi ấy, tôi đã cố lảng tránh mà nó cứ bám riết lấy đầu óc mình. Nói ra có vẻ là một cái gì tội lỗi, một cái gì trái khoáy khác thường, nôm na là một cái gì … phạm thượng, nhưng sao lạ quá, tôi không bao giờ quên nổi. Nền giáo dục mà tôi mới tiếp thu sau 1954 hình như có cái gì không phải như bọn tôi quan niệm, nền giáo dục này không có cái tinh thần mà chúng tôi tiếp nhận được hồi học ở trường tiểu học, mà cũng là thứ giáo dục tôi vẫn quen nghe từ miệng người trong gia đình giảng giải. Mãi sau này tôi mới gọi ra được, điều làm tôi khó chịu lúc ấy, nó là cái sự tầm thường mà tôi không cảm thấy ở nền giáo dục trước đó, cũng như nền giáo dục miền Nam.
Học cấp II, ngày trước gọi là Trung học đệ nhất cấp rồi, nhưng tôi vẫn sống trong cảnh một đứa con nhà nghèo, hàng ngày đi bộ từ ngõ 105 Thụy Khuê tức là phía trên sở xe điện ra trường Chu Văn An. Phần lớn thời gian tôi học cấp II, cấp III đều là học buổi chiều. Trưa 12h, tôi ra khỏi nhà, chiều khoảng 6h về đến nhà, tối mở vở ra trong ánh đèn dầu mờ đục, nhiều lần tôi ngủ gật và thường bị ông bố mắng chửi. Nhưng sáng hôm sau, chỉ cần một hai tiếng, là tôi đã làm hết các bài vở, sau đó thì lo việc cơm nước buổi trưa của gia đình. Những ngày đi học, tôi thèm đủ thứ, thèm tìm một đôi giày thấp cổ của bộ đội để đi cho ấm chân thay cho đôi dep lốp, cho đến thèm cái áo đại cán của bộ đội để mặc ngoài cho ấm.
Năm 1959, bà chị tôi lấy chồng, trong số những đồ mừng, tôi xin vội chị một quyển sổ, kích thước độ 12 15cm, thứ mà tôi ao ước mãi mới có được.
Xóm Ổi là tên xóm mà tôi ở. Vượt qua con đường nhựa sang bên kia là bờ Hồ Tây. Ngoài cái chuyện ra đó bơi nghịch, thì Hồ Tây còn là nơi để chúng tôi câu cá kiếm tiền thêm. Gọi là câu cá nhưng làm gì có cá mè cá chép mà chỉ là câu những con thầu dầu, cá bống. Thầu dầu ăn nổi lên ngay trên mặt nước, càng có người rửa rau vo gạo nó càng lăn vào. Dễ câu nhưng giá trị không bao, câu được mang về có khi còn bị mắng. Chỉ có bống thì đắt hơn. Cách câu bống cũng rất đơn giản, chỉ cần buộc mấy con giun vào đầu sợi chỉ thả xuống, khi con cá ăn mồi nhanh tay giật lên và đưa rổ ra đỡ. Có những lần bọn tôi câu bống xong, mang ra chợ bán, lấy tiền theo xe điện xuống chợ Đồng Xuân, lần ra mấy phố Hàng Chiếu, Hàng Buồm, ở đó có hai cái rạp chiếu bóng là rạp Kinh Đô và rạp Long Biên. Tôi nhớ là một lần tôi đã xem một phim Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài ở đấy. Còn trước đó, tôi chỉ được xem chiếu bóng ở trên Bãi Gai, phía sau nhà bia Ô mền. Đó là một cái bãi rộng, tháng tháng thì có những đoàn chiếu bóng lưu động ghé lại chiếu cho cả vùng vài xã vài phường. Đa số phim hồi ấy là phim Trung Quốc Bạch mao nữ Đổng Tồn Thụy, Dùng mưu chiếm Hoa Sơn, Đội du kích đường sắt, hoặc là phim Liên Xô mà tên chúng được bọn tôi bắt vần thành câu hát:
Khởi đầu mà đứng trên cao
Gặp cơn gió lốc thổi vào trái tim
Ngày mai anh sẽ đi tìm
Gặp người bốn mốt trong đêm giao thừa
Các đoàn chiếu phim mà tôi vừa nói thì đi lưu động qua các làng xóm. Máy móc của họ đều đặt trên những xe đạp, máy móc nói ở đây tức là máy chiếu phim, máy nổ và những tấm vải lớn màu trắng căn trên những cột tre. Các phim không được chiếu liên tục, hết một phim phải nghỉ, đổi sang máy khác mới được tiếp tục, tức nhiên đó là các rạp chiếu phim ngoài trời, người xem chúng tôi khi mua vé vào xem phải mang theo một cái ghế, gọi là ghế con để ngồi cho khỏi bẩn (cũng như ở trường Chu Văn An, khi làm lễ chào cờ xong, phải ngồi nghe nhà trường huấn thị, bọn tôi rút dép ra thay ghế con ngồi trên đất).
Hồi tưởng lại tất cả những chuyện đó, giờ đây tôi chỉ hơi ngạc nhiên là thế hệ của mình rất chăm chỉ học tập, và cảm thấy là việc được học tức là được sống, được mơ ước sẽ có lúc đổi đời, được có tiền để mà sống một cuộc sống sung túc nhưng mọi người.
Vào những năm đầu thế kỉ XXI, đi đâu tôi cũng nghe trẻ con lười học, không chịu học, lắm lúc tôi cũng chỉ giải thích là vì thế hệ trẻ hiện nay có nhiều thứ quá để mà chơi, để mà ham muốn, còn bọn tôi lúc đó chả có cái gì khác để lấp đầy đời sống tinh thần của mình.
Tôi muốn trở lại nói thêm về sự khác nhau trong quan niệm về việc đi học mà tôi cảm nhận thấy giữa Hà Nội trước 1954 và Hà Nội sau 1954. Bề ngoài thì sau khi giải phóng Thủ đô, việc học tập được đặc biệt nhấn mạnh, số học sinh đến tuổi đi học gần như là có chỗ học đầy đủ. Ngoài ra, trong nhân dân có phong trào Bình dân học vụ. Tôi nhớ hồi ấy cứ tối thứ 2, thứ 5 các lớp Bình dân học vụ được mở. Hồi cấp III, chúng tôi có đi dạy một số lớp như vậy. Chẳng hạn, tôi trở lại cái làng Bưởi của tôi, nơi tôi được phân công đến nhà dạy cho bà từ lúc không biết gì đến khi biết đọc biết viết.
Ở tuổi 60, trước lúc về hưu, tôi cứ nhìn các bạn trẻ vào các cơ quan với con mắt ngạc nhiên, tại sao các bạn lúc nào cũng chăm chú đến cái quần, cái áo hay các phương tiện mà trong những thời gian rỗi, không bao giờ tính chuyện cầm lấy quyển sách.
Còn thời của tôi, tức là những năm 60 trở về trước, chuyện học thêm đó trở thành công việc mà ai cũng tự nguyện chấp nhận.
Mặc dầu như vậy, nhưng tôi vẫn cứ cảm thấy rằng không khí nhà trường, không khí học thuật, không khí trí thức ở cái thời tôi lớn lên đó không thể so với thời kì trước 1954. Trước đó, người đi học có một cái gì rất tự hào và nếu mà trong xã hội, ai được gọi là người có học thì rất được xem trọng. Ở trên tôi đã nói là không khí ngay ở trường cấp I, có gì đó cũng rất là thiêng liêng, còn sau năm 1954, khi tôi học cấp II, cái thiêng liêng ấy tôi chỉ cảm thấy trong năm đầu tiên, khi học theo chương trình cũ của trường Chu Văn An. Tiếp đó, từ năm lớp 6 trở đi, chúng tôi được học trong thứ nhà trường XHCH mà ở đó thì việc học giống như là một công tác, một thứ công việc mà ai cũng phải làm và người có học trong xã hội hình như cảm thấy xấu hổ là mình chỉ ngồi lo học mà không biết làm những thứ lao động chân tay khác để trực tiếp làm ra của cải cho xã hội.
Suốt thời kì cấp III, là thời kì sau cuộc đấu tranh Nhân văn giai phẩm, cả miền Bắc chỗ nào cũng thấy nói đến pháo đài xã hội chủ nghĩa. Cũng như các nhà máy công trường, các nhà trường chúng tôi cũng là một thứ pháo đài như vậy. Việc học của chúng tôi luôn luôn bị đặt trong một thế sẵn sàng hi sinh vì những việc khác. Luôn luôn chúng tôi cảm thấy là hình như mình có lỗi với xã hội vì không trực tiếp tham gia vào việc làm ra của cải cho đời sống, và xa lạ với tầng lớp nông dân, công dân là lực lượng cơ bản của xã hội.
Nhà trường luôn luôn lo lắng sợ chúng tôi xa thực tế. Nhiều bài giảng văn lấy ngay từ trên các trang báo.
Một hướng khác của việc nhà trường gắn với đời sống.
Lớp 8 của tôi bắt đầu từ 9-1958, tôi nhớ là khoảng gần cuối tháng chạp âm lịch, bọn tôi xuống xã Phú Thượng để đi gặt với bà con, xuống xã hồi ấy, tức là bọn tôi phải mang quần áo, lương thực đi và đi bộ góc đường Quan Thánh, qua đường Quãng Ngư, và Yên Phụ rồi lên bãi tận Quãng An, Nhật Tân. Chúng tôi ở đó đến cả tuần liền.
Từ năm lớp 9, bọn tôi được tổ chức theo một số nhóm xuống mấy nhà máy để học thêm về nghề, gần gũi với công nhân. Ấy là không kể là hàng tuần, mỗi tuần hai buổi sáng, bọn tôi ra chở đất từ bờ sông Hồng, vượt qua dốc Yên Phụ để đổ xuống ven con đường Cổ Ngư mà tôi nói, nay là đường Thanh Niên. Ba bốn thanh niên chúng tôi làm một xe bò, đến những quãng sốc có thêm người đến bắt bánh để xe đi đúng tiến độ. Có khoảng thời gian, người ta tổ chức cả đường gòn chỉ có những anh em học sinh nào được ưu tiên lắm thì mới được đi theo.
Ở trên tôi đã nói, hồi ấy về nhà chúng tôi tự học rất ít nhưng không hiểu sao vẫn nắm được cái chương trình, và sau này đi học ở nước ngoài thì cũng không bị mang tiếng dốt. Tuy nhiên, tôi vẫn chỉ cảm thấy là người ta không định đào tạo chúng tôi thành những người trí thức, làm việc ở các cơ quan ở đô thị. Một ám ảnh của học sinh lúc đó là sau khi ra trường, phải có vài năm lăn lộn thực tế, có thể đi ra công tác tại các công trường, lâm trường và nếu có học hành gì thì cũng sau khi được thử thách xong mới trở về. Thuở ấy người Hà Nội trước 1954 luôn luôn là một thứ công dân hạng hai, xếp sau dân từ nông thôn mới lên. Còn trí thức thì xếp sau người lao động bình thường không ai muốn tự nhận là trí thức cả.