VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Làm và nghĩ. Bế tắc và lẩn trốn trong tuyệt vọng

TẤN KỊCH KÉO DÀI

CỦA TÌNH TRẠNG LÀM LIỀU MÀ KHÔNG HIỂU BIẾT

Sau ngày 30-4-75, nhiều cán bộ miền bắc được phân công vào miền nam làm việc, bên cạnh một số nhỏ thạo việc, thì một số hiện ra như những người quê mùa, thiển cận, không hiểu biết và do đó không thích ứng được với một Sài Gòn năng động.

Số người này ngày càng đông, họ nghĩ ra mọi lý lẽ tự biện hộ để tiếp tục làm liều rồi nhanh chóng sa đà trong cảnh ăn chơi hưởng thụ và trượt dài trong cuộc tham nhũng.

Có nhiều cách giải thích về chuyện này nhưng tôi nhớ hơn cả cái ý của nhà khoa học Trần Đại Nghĩa trong một buổi nói chuyện ở Thư viện quốc gia ở Hà Nội 1976:

-- Có gì lạ đâu. Hãy hình dung xã hội miền nam như một cỗ máy, nhiều anh em vào đấy mà không được chỉ dẫn trước rằng cỗ máy đó hoạt động ra sao, thành ra nhiều khi họ cho cả tay vào, vừa hỏng máy vừa hỏng người, nhưng khách quan mà xét không trách họ được. Tại chúng ta chỉ kéo họ làm mà không giúp cho họ suy nghĩ thậm chí cấm họ suy nghĩ.

Không chỉ đối với việc quản lý miền nam sau 75 mà hầu như trong mọi việc chúng ta làm từ sau 45 chúng ta đều rơi vào tình cảnh phải làm những công việc mà bản thân chẳng hiểu gì cả.

Làm liều làm ẩu nghe qua loa rồi bắt tay làm, tự mình gán cho công việc của mình những ý nghĩa sang trọng.

Rồi lại mang nhau mà khen thưởng và phong tặng cho nhau đủ loại danh hiệu và lấy làm bài học truyền lại cho thế hệ sau.

Một kết quả rõ rệt của lối làm ăn chỉ biết có nhiệt tình và nhắm mắt làm theo lệnh trên này là nó làm hỏng con người. Chống lại thì lại nẩy sinh những bi kịch mơí.

BẾ TẮC

Tôi không biết có một dân tộc nào mà lại khuyến khích người dân của mình uống bia uống rượu. Thời trước hễ có ai đến rủ những người đàn ông đi chè chén chơi bời, thì những người đàn bà trong gia đình có thể đến tận nhà người rủ chồng mình làm bậy kia mà chửi rủa và tất cả làng xóm đều đứng về phía người đàn bà đã sáng suốt bảo vệ chồng con mình, gia đình mình.

Còn ngày nay không còn những người đàn bà như vậy, và nếu có thì chị ta lại bị coi là không thức thời, không biết hưởng thụ cuộc đời. Nay là lúc con người hoàn toàn bất lực trước cái xấu. Các gia đình vốn có cấu trúc chặt chẽ trong xã hội cũ nay trở nên lỏng lẻo, không đủ sức giữ con người xa lánh cái xấu và khi đã xấu thì khó có dịp hối cải trở lại với sự lương thiện.

Tôi vốn cơ địa không cho phép mình uống rượu và bẩm sinh có chút khổ hạnh, nên có thể những lời bàn ở đây hơi cổ lỗ không thức thời.

Nhưng tôi vẫn thấy cần phải nói vì tôi đoán có nhiều người cũng nghĩ như tôi mà chưa tiện nói.

Tình cảnh quá nhiều người sa vào rươu chè quên đời như hiện nay là một tai vạ cho dân tộc.Bởi lẽ từ chỗ chơi bời trụy lạc sẽ sinh nhiều thói xấu khác.

Tuy nhiên cứ thấy thật ra ở đây phải có thái độ nước đôi, có cả phê phán nhưng cũng có thể nói là cần thông cảm.

Tôi tin nhiều người trong họ đã có lúc muốn sống tử tế, nhưng gặp nhiều chuyện bất lực nên tìm cách giải buồn rồi cứ thế không còn làm chủ được mình. Với những tình cảnh trụy lạc hư hỏng khác cũng vậy, cần thấy có nguyên nhân khách quan tác động. Khách quan không khuyên giải, khách quan còn đẩy người ta  xuống vực.

 Một xã hội đẩy rất nhiều người từ tốt sang xấu - dưới mọi hình thức - như ta đang thấy hiện nay phải gọi đích danh là một xã hội phi nhân bản.








Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn