https://vuongtrinhan.blogspot.com/2013/01/cho-on-hiep-nghi-paris.html
Từ hôm nay tôi chỉ muốn bạn đọc chia sẻ lai những
cảm giác mà tôi đã sống trong nửa năm hòa bình đầu tiên.
24/1
Hoà bình ư?
Nhưng anh nên nhớ rằng tất cả mọi người chung quanh đều vẫn là những người cũ.
Đó là ý nghĩ đầu tiên của tôi về hoà bình, một trong những ý nghĩ thuộc loại
cay đắng.
Tôi đón
nghe tin hoà bình vào một buổi tối, tối 23/1. Tôi say say như vào một đêm giao
thừa. Tôi chịu không nổi, phải đi ra đường phố.
Hoà bình
rồi, các ông các bà ơi! Tôi muốn kêu lên như vậy, nhưng lại nghĩ mình thuộc
loại người điên mất, nên thôi.
Ra cầu Long
Biên. Đèn sáng. Giờ này, cầu vẫn hoạt động, ga vẫn hoạt động. Người ta đang
khôi phục đường sắt, tết này sẽ có 5 ngả thông đường. Đêm yên tĩnh. Một vài cái
xe kéo đi. Nguyễn Khải bảo sao mà xe chạy nháo nhác vậy!
Buổi trưa
hôm sau, gần trưa, tôi nghe tin ở vườn hoa Hàng Đậu.
Lâu nay
đường đã là của xe đạp và người đi bộ. Riêng phố tôi là phố của xe bò, trên
đường loét nhoét màu thẫm thẫm của phân mới. Mỗi lần gió quẩn, cũng đã thấy bốc
lên cái mùi khó chịu.
Nhiều người
đang đi xe đạp dừng lại. Có người dừng lại giữa đường. Trong khi đó, những
chiếc xe bò cứ chầm chậm mà đi. Người chủ của nó còn mải nghe chuyện gì đó.
Đài báo tin là
văn bản được ký tắt. Những người chiến thắng là những người quanh tôi, những
người này ư ? Một bà mẹ già nhăn nheo nét mặt. Những em bé nhếch nhác. Và một
cô gái đứng bên hiệu ảnh, vô can với mọi điều.
Cũng
như con người, phố xá đường đi lối lại chung quanh đã bẩn thỉu quá, đã nhem
nhuốc quá, đến nỗi phải nghĩ rằng một là chiến thắng kia thật tầm
thường, thật vơ vẩn, hai là cái chiến thắng đó thật to lớn, những
người này không xứng được hưởng.
Một chiếc xe bò
đi ngang phố Quan Thánh, trên xe, một tảng gỗ lớn, như tảng đá -- một thứ gốc
cây. Hoà bình như một tảng gỗ vậy chăng? Chúng ta mất bao nhiêu công chuyên chở
nó từ đâu về, và nó nằm ườn ra như thế. Nó mới là một khả năng, nó còn cần phải
cưa xẻ, phải thay hình đổi dạng. Nó đã là một cái gì đấy, mà lại chưa phải là
một cái gì cả. Và chắc là chúng ta còn phải vất vả với nó.
Tôi
lên tàu điện. Mấy người công nhân nói chuyện với nhau theo cái kiểu“bốc
phét”của người dân thường. Nó bảo - chữ ký của hai bên bằng cả nền kinh tế Nga
Xô. Rồi nó sang cho mà xem, Hà Nội sẽ đầy Mỹ. Phòng họp hôm ấy thế nọ thế
kia...
Cái vui vẻ
quá đáng của một người lâu mới được vui. Của một người chiến thắng cơ mà !
Mấy bà cụ
đã bắt đầu thương những gia đình có người chết.Tiếc quá, cuối tháng trước như
thế. Giá sống yên một tháng nữa thì hoà bình.
Đó cũng là
cái chất Việt Nam, như chúng ta nói!
Mấy ông kỹ
thuật ở nhà máy điện í ới gọi một người bạn:
- Này thôi,
không phải đi 100 cây số nữa chứ.
Một
ông già đứng ra đường, gọi một người quen:
- Này
hoà bình rồi.
Mấy
người công nhân sửa chữa đường đi qua.
- Thế hả bác, hoà bình rồi hả bác? Thế là chúng cháu khỏi phải đi lấp hố bom.
Một
bọn trẻ con cũng biết bảo nhau hoà bình rồi. Tết này tha hồ mà vui.
- Các cháu cũng biết hoà bình cơ à?
- Biết chứ.
Sao có một cái gì như
đặc tính của người Việt Nam hôm nay: thản nhiên, vô tâm, thích nghi với mọi
hoàn cảnh. Không tin rằng hoà bình đến sớm như vậy. Chỉ nghĩ đến một sự thoát
nạn.
25/1
Thế giới đều nói:
"Đây là một cuộc chiến tranh mà tất cả mọi người mong đợi kết thúc".
Không thể
nào nhớ hết con đường nhọc nhằn mà người ta đã qua...
Và là
người trong cuộc, tôi nghĩ đến sự nhọc nhằn của chính mình. Lẽ nào cuộc sống
không có một cách nào khác, ngoài cách sống khó nhọc như hiện nay.
Nguyễn Khải:
-- Thắng lợi của mình
đúng là gồm thắng lợi của một ý chí của dân tộc, kết hợp với một trí tuệ, như
Kissinger. Đấy đúng là, như ông Chu Ân Lai nói, một người biết nói tiếng nói
của cả 2 phe.
Còn ông Hữu Mai
kể hôm đầu tiên họp lại (8-1) mình không ra đón. Khi vào, mình bảo: Các ông vừa
ném bom chúng tôi, chúng tôi không thể ra đón được. Kissinger bảo các ông
làm như thế là đúng.
.. Đúng là một hàn
nho nhớ.
Trong cuộc
mặc cả này, chính là ông ta đã đứng vượt lên được cả hai phe.
Ông ta đã
phải thuyết phục chính Nixon.
Mỗi người
nói về sự kiện theo cách riêng của mình.
Khải kể
chính Kissinger nói công bằng nghĩa là không một bên nào được tất cả những điều
mình mong muốn - như thế là công bằng chứ còn gì?
Về đại cục,
theo Hân, Kissinger từng nói Mỹ không thắng ở Việt Nam tức Mỹ thua. Việt Nam
không thua Mỹ tức Việt Nam thắng.
Khải bổ sung:
--- Nói
rằng chúng ta có hoà bình, thì người ta dễ quên. Nhưng nói rằng chúng ta đã
chiến thắng thì người ta mới thấm thía lâu.
... Đối thoại với một tù binh SG :
- Chúng tôi sẽ thắng các ông.
- Vâng, chúng tôi sẽ thua. Nhưng rồi
chúng tôi sẽ mua các ông.
Cũng Nguyễn Khải: Tôi
chỉ không hiểu sao thằng Mỹ nó lại có thể ký một hiệp ước hòa bình với mình như
thế.
Hân: Có lẽ là nó muốn
thu phục mình. Trong quyển của D. Landau đã có cái ý Mỹ không tuyên bố chiến
tranh, cho nên cũng cứ rút ra một cách lặng lẽ. Sài Gòn không đổ ngay là được.
Còn sau đó, Sài Gòn đổ mặc kệ. Mỹ có thể bắt tay với mình. Vì mình là một tập
đoàn lãnh đạo mạnh hơn.
28/1
Ngày hoà
bình đầu tiên. Người ta đón hoà bình trên mảnh đất thân yêu với người ta. Tôi
đón hoà bình với Hà Nội -- mảnh đất mà tôi đã có những gắn bó suốt những năm
qua.
Cờ đỏ
trên cây xanh Hà Nội. Cờ đỏ trên những giàn dáo đã dựng.
“Hoà bình đã được lập lại trên hai miền. Chiến tranh đã chấm dứt hoàn
toàn.” Đó là một điều lâu nay ta đã nghĩ tới. Nhưng nghe vẫn tưởng như
trong mơ. Tưởng như những năm 60 còn kéo dài đến 2 năm đầu của những năm 70. Và
bây giờ chúng ta mới bước vào một kỷ nguyên mới .
Hà Nội trầm tĩnh, Hà Nội hớn hở ra mặt. Em bé ngồi trên gác ba ga
xe của mẹ run run. Những nhân viên bưu điện tươi cười đi giữa hai hàng người,
phát báo.
Những câu mọi khi nghe sáo rỗng nhất của đài, của báo, giờ đây cũng khiến
lòng người rưng rưng cảm động. Hôm nay, đài phát thanh phát nhiều lần một bài
ca về đất nước.
Mỗi dịp như thế này, chúng ta lại nghĩ đến đất nước. Có một cảm xúc là lạ sượng
sùng, như là đất nước mà nay chúng ta mới biết. Đất nước là những cảm xúc cũ
nhất, mà sao vẫn là những cảm xúc tươi mới nhất.
Sao
trong những ngày chiến tranh, lòng ta bình tĩnh, mà hôm nay lòng ta lại nôn
nao? Lòng ta rạo rực quá. Tôi biết có nhiều chiến sĩ, vào những lúc bom đạn, có
thể thản nhiên, nhưng có lúc nghe một tin xót xa về các đồng chí của mình mắt
cũng cay cay. Tất cả chúng tôi giờ đều như thế.
Tôi
trở lại bờ đê sông Hồng. Cờ đỏ trên phố nứa. Buổi sáng, người qua cầu phao
đông. Người ta đi đón con. Có những người muốn phá hết những hầm ở ven sông,
không muốn để những cái hầm này có mặt thêm một ngày nào nữa.
Với
tôi sông Hồng là con sông của lịch sử. Lúc cần nhớ đến lịch sử, tôi luôn luôn
nghĩ đến sông. Sao con sông lại có thể trở nên gần gũi như vậy. Hà Nội với
những vấn đề hiện đại luôn luôn tựa lưng vào lịch sử.
Trở lại phố phường. Những người công nhân Cục công trình vệ sinh công cộng dọn
một vườn hoa cạnh Nhà hát thành phố nơi hôm qua bùn đất nhoe nhoét, than xỉ bẩn
thỉu.
Những mầm
chuối đầu tiên đã mọc lên, trên mảnh đất Khâm Thiên. Màu cờ đỏ lồng lộng trên
đường phố như chỉ có trong những ngày lễ lớn. Tôi ước ao lúc này, có mặt ở mọi
nơi.
Giữa ban
ngày, phố xá Hà Nội đông người như chưa bao giờ vậy.
Trên một lều nhỏ
ven sông, mấy ông già ngồi trầm ngâm. Những thanh niên đứng trên những nóc nhà
cao nhất của những nhà gác Bờ Hồ. Có phải tất cả những người kia đều đang nghĩ
tới Hà Nội.
Trong
những ngày này - mỗi người như cảm thấy muốn tốt hơn với bạn bè, với đồng chí,
với những người vừa gặp.
Không
phải là hoà bình đã gắn với hạnh phúc. Nhưng quả thật, với nhiều người, hoà
bình đã là một thứ hạnh phúc.
Hà
Nội hôm nay thật nhiều quần áo mới.
Với hoà bình, cả cuộc sống như được sống lại. Tối 28-1, đi xem biểu diễn ở Nhà
Hát lớn. Những nền nếp cũ hiện ra vụng dại. Những nền nếp ấy nó là dấu hiệu của
một cuộc sống khác. Cả người biểu diễn lẫn người xem đều hơi loạc choạc. Nhưng
rồi lại quen ngay được.
Tiếp tục ra các khu xa trung tâm. An Dương, màu đỏ lá cờ nổi lên trên màu đỏ
của gạch ngói bị vỡ. Và tôi hiểu ý nghĩa của màu đỏ mà chúng ta thường thấy. Em
trai tôi kể: Qua Yên Viên, không còn nhận ra gì cả, chỉ thấy cờ đỏ. Cờ đỏ ở
trên cây. Cờ đỏ ở một ít nhà còn sót lại.
Một
người đàn ông phá hầm.
- Bác
phá cho tan luôn?
- Ăn chắc rồi, hoà bình ăn chắc rồi, tội gì mà chẳng phá.
Trong
khi người bố lật những mảnh xi măng từ chiếc hầm bị phá, em bé ngồi cạnh
đấy cũng lật lại mảnh hầm vỡ như nghịch một con ngựa gỗ ở các vườn hoa.
Hà Nội sẽ phải dọn tới 40 ngàn mét vuông mặt bằng.
29/1
Một chuyện
chả có gì dây dưa đến chiến tranh, một cô gái từ Moskva gửi một bức thư về toà
soạn VNQĐ một ít tư liệu về Napoleon, Hitler và thủ đô nước Nga. Có lúc
tôi nghi ngờ, làm gì có ai lúc này còn đọc sử. Nhưng rồi tôi thấy quý mến, nhìn
thấy ở đó một việc tôi cũng muốn làm. Lạ nữa, tôi mơ hồ cảm thấy ở đó có một
điều gì may mắn đối với nghề nghiệp của mình.
Một chuyện vui khác mà
tôi phải kể với nhiều người. Hôm qua, ngày hoà bình đầu tiên, đi đường, tôi
nhặt được 2 quả bóng hơi, thứ bóng trẻ con chơi. Tôi cầm bóng, lòng sung sướng
như người cha mang về cho đứa cho nhỏ ở gia đình. Có lẽ nào lại chẳng thấy đối
với mỗi người, cuộc sống thật là kỳ lạ. Bất cứ một vật gì bình thường, khi nó
thật sự là nó, thì người ngoài nhìn vào, cũng có thể tìm thấy một chút hào
hứng.
30/1
Một chi
tiết vui vui nó như dư âm cuối cùng của những ngày qua.
Kissinger
(sau khi ký xong hiệp nghị) bảo:
--Tôi không có gì để nói với
các bạn cả. Và đó quả thật là một điều kỳ lạ.
Cái chết của một người,
khi nó được khắc lên thời gian, không gian theo một cách nào đó (ví như cô bé
Tanhia, mà Nixon nhắc khi đến thm Nga) thì nó lại gây ấn tượng hơn cái chết của
số đông hàng vạn người khác.
Một tờ báo Sài
Gòn: Hòa bình như một cơn mơ đẹp. Nhưng có được cơn mơ đó, thì người ta đã phải
trải qua nhiều ác mộng.
Thế
nào là bản lĩnh? Thế nào là lòng tin? Tôi không thể tin dễ dãi quá, tôi đã tính
toán cẩn thận, vậy mà nhiều lúc tôi còn lầm lạc. Tôi đã bao lần bị lừa trong
khi trông đợi hoà bình.
Báo Mỹ: Những vấn đề chiến tranh sẽ không rời bỏ nước Mỹ một thời gian nữa,
không biết là đến bao giờ.
...
Chúng ta đã biến thành rác rưởi của cuộc chiến tranh này.
Chúng
ta không muốn ai dí mũi vào công việc của chúng ta. Và đó là cuộc chiến đấu vĩ
đại. Nhưng việc đó không hề bảo đảm rằng chúng ta sẽ biết sống với nhau.
David Landau: Những phong trào của châu Á quá chú ý tới những hư danh, hơn
là cái ý nghĩa thực. Trong cuộc chiến đấu của Việt Nam, người ta đòi bằng được
việc Mỹ rút về nước trên danh nghĩa mà không chú ý xem thực chất vấn đề này là
gì. Có những cách nào làm việc đó? Có cách nào làm cho Mỹ vừa đỡ mất mặt, vừa
được việc cho Việt Nam?
31/1
Những chiếc
xe bò đổ đất lấp hầm leo lên vỉa hè Hồ Gươm, sắp hàng dài. Tùng bê, đất đổ,
gạch đổ, cái hầm cá nhân kia đầy lên.
Ở khu vực
Láng Hạ, những người con gái đi ra lấp hố bom, bằng những cái cuốc, cái xẻng
nhỏ như cánh tay của họ.
Dân Đường
sắt kể nghe tin hoà bình, tàu hoả kéo còi một lúc lâu, người hai bên
đường cứ dạt ra.
Rất nhiều người
nghĩ ở một thủ đô khác, chắc là những ngày hoà bình mọi người đã nhảy cả
lên. Nhưng cách biểu hiện tình cảm của Hà Nội, của người Việt Nam là lặng lẽ.
Mọi người quên đi thật nhanh những gì vốn có mà ngày hôm qua, chính vì thế mà
họ cũng không reo lên.
Hay là đã e
rồi mai đây, chẳng có chuyện gì phải reo lên cả.
Anh có thấy Hà
Nội, trong những ngày này, thỉnh thoảng vẫn thoáng qua những bóng áo xanh bộ
đội. Anh bộ đội về phép đi qua thủ đô. Luôn luôn có một Hà Nội riêng của những
người không phải dân Hà Nội.
Đã đưa trên blog này ngày 27 thg 1, 2013
https://vuongtrinhan.blogspot.com/2013/01/nhung-ngay-hoa-binh-au-tien.html