VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Chuyện quanh Hội nhà văn hồi trước 30-4-75 -- kỳ 5


Xem từ 4-8-2018

1973

6/1
Những ngày vừa rồi địch bắn phá miền Bắc.
Rồi tình hình hoà đàm. Vào lúc chính trị câm lặng, tự nhiên thơ được chờ đợi. Ví như Chế Lan Viên. Đã thành  một công lệ, là người ta chờ đợi thơ Chế. Năm ngoái , bài Hè 72 bình luận rất nổi tiếng. Gần đây,Tài liệu Tham Khảo đặc biệt có tin của một nhà báo Pháp "Báo Nhân Dân là tờ báo đọc buồn ngủ ở miền Bắc. Hè vừa rồi, người ta cho đăng một bài thơ của Chế Lan Viên. Đọc bài thơ ấy, ông Sérbakov đập bàn, nói rằng: Chúng ta đã làm cho họ rất nhiều. Vậy mà họ còn nói vỗ mặt chúng ta. Và đòi lên gặp thủ tướng Phạm Văn Đồng. Còn ông Vương Ấu Bình, đại sứ Trung quốc, một người hào hoa, thì nhắc cặp kính, cười mỉm: Đúng là họ có nói về chúng ta trên trang báo..."

Chế Lan Viên chắc chắn rất thú vị về việc đó. Những người nhắc tới đều biết cái ý này: chẳng qua, Chế Lan Viên "thi hoá" những ý của ông Hoàng Tùng. Một sự nhất trí giữa nhà văn và cán bộ Đảng.
Còn chuyện Liên Xô, Trung quốc gần đây khá rối rắm. Một người như ông Hoàng Trung Thông chửi rất nhiều. Một người như ông Tuân thì nói những câu mánh khoé. Bài  Chế Lan Viên "Tuyên ngôn của mỗi lòng người, khẩu súng, cành hoa" có những câu đại ý: có những kẻ cầm dao, và những kẻ chửi vết máu trên dao.
Gần đây nhất, Khải kể có lần gặp ông Chế. Mới đầu lại nhân vụ địch ném B52, ông bảo dân Hà Nội phấn khởi lắm, anh nào cũng muốn đánh nữa. Khải nghĩ lung: Thế là mình đành chịu rồi còn gì nữa. Nhưng không dám nói. Rồi ông ấy lại chửi Liên xô, Trung quốc. Một ý nghĩ táo tợn chợt lóe lên trong đầu Khải. Ông ấy mà nói nữa thì tôi phải cho một câu này: ông phải biết lúc hò hét chiến đấu, tôi cũng không phải là thằng hò hét xoàng đâu. Nhưng mà cái người, mới hôm qua ca ngợi Liên xô, Trung quốc rất ghê, hôm nay lại quay ra chửi, thì đó là một thằng xỏ lá.
Nhàn: Vì các ông ấy có lúc quá tin ở tình hữu nghị.
Khải: Đúng, đúng. Tôi cũng đã nói thế. Lúc trước, các ông ấy khen cho lắm vào cơ. Còn mình, thì lúc nào mình cũng nghĩ đây là việc của mình. Thế mới biết, đường lối Đảng thấm vào văn nghệ sĩ ghê gớm thật.
Phần tôi (Nhàn), tôi cũng vậy. Trong những ngày qua, tôi không trách ai cả. Tôi chỉ nghĩ về dân tộc mình, sao lại đến bước đường cơ nhỡ như thế này.

13/1
Lại còn phản ứng của các nhà văn, trước một cuộc chiến tranh khủng khiếp nữa.
Cũng lại Nguyễn Tuân và Chế Lan Viên. Nguyễn Tuân viết về Khâm Thiên, những nhà nào bị mất, tính mệnh những nhà hát ả đào xưa thế nào. Cái đó đã đành. Nhưng ở những bài chủ công vẫn chỉ thấy Nguyễn Tuân gọi Níxon là một sự bẩn, và nói nhiều đến tàn phá. Rồi lại chửi Trung quốc, chửi Liên xô (Ni Ki Tùng - Ni Khắc Tùng)
Về Chế Lan Viên, trong thư gửi nhà thơ R. Alberti, Chế Lan Viên bảo: chúng không phải chỉ giết người, mà còn giết nhân loại.
Các cụ toàn khai thác chuyện đạo đức.
Tôi mới thấy Nguyễn Tuân là nghèo nàn, và là vô duyên (lúc này còn chơi chữ). Tôi mới thấy Chế Lan Viên là hàm hồ, nói quá đi, nói lấy được. Một lần, Vũ Quần Phương nghe Chế Lan Viên bảo ở miền Bắc này, chúng ta cân tuốt, liền ghé tai Bằng Việt: ông Chế hơi cao bồi trong văn chương.
Đó cũng là cái  ý mà tôi nghe ai nói rằng các  ông thiếu chững chạc chăng.
Không hiểu sao, các ông nói quá nhiều đến sự khát máu, và hay sỉa sói mày tao.
Vẫn thuộc về một sự gì như là không tỉnh táo, không bình tĩnh chăng. Những người đứng ngoài ca tụng thời cuộc  Những người ăn nói cứ leo lẻo đi thôi.
Lại còn một cái gì đó, bất nhẫn trong thái độ nữa. Tôi bắt gặp một nét mặt ông Tuân hơi vênh vênh lên, trong bức ảnh chụp ông trước cảnh đổ nát ở Bệnh viện Bạch Mai. Người ta in ảnh ông kèm vào bài báo. Tôi nghĩ không nên như vậy. đó là cái ảnh mà mười năm sau hãy nên đăng. Đăng lên báo hôm nay, như là không phải với những người đã chết.

Tối 13/1
 Đi nghe ông Tuân nói ở Thư viện Hà Nội về chiến thắng B52, và cảm giác ngán ngẩm của tôi lại tăng. Ông nói rề rà quá, hay làm duyên quá. (Vũ Quần Phương: ông Diệu cũng hay làm duyên. Đọc thơ Hồ Xuân Hương, đít vắt ve, cũng ngoay ngoảy nửa thân mình)
Các cụ hay nói nhiều từ kiểu mẹ nó rất thô bỉ.
Tôi nhận thấy một ông Tuân khá lạ. Mũi rất to. Cái miệng của một người hơi toe toét, cái miệng hay ăn và hay tán. Cặp mắt thì hơi gian gian (tôi và Vũ Quần Phương giống nhau ở nhận xét này).
Trông giống như một ông chánh tổng. Trông cũng giống như một phù thủy. Có một chút gì man rợ của châu Á. Thật là kỳ lạ về những hiểu biết, của ông. Nhưng thật là vớ vẩn, vì dù thế nào, ông ấy vẫn lộ ra cái phần nghèo nàn.
         Phương Tây nói về Evtuchenko "người ta dùng ông ta làm một thứ con mồi". Chúng tôi cũng có những người chống đối như vậy. Ông Tuân cũng là một sự chống đối rất hợp pháp. Chống đối để khi cần thiết, tăng trọng lượng lời khẳng định. Tự ông đã có phần vơ vẩn từ trước cách mạng, nay lại hèn đi nữa.
Nguyễn Khải kể một lần ông Tuân bảo đối với cách mạng chỉ học được cái ý: cái gì cũng phải biến thành chủ động. Nhưng như thế, hoá ra một sự chiều đời rồi còn gì nữa.
Có một nhà sử học, tến là Trần Quốc Vượng ông ta viết một bài trên báo Nhân Dân: Hoa phong lan cũng đi sơ tán. Ông ta nói quá nhiều đến chuyện phó ban tuyên giáo Trung ương cho xe đến chở sách. Tôi nghi ngờ: đứng truớc một sự kiện như tháng chạp 1972, sao một nhà sử học chỉ biết có vậy. Tôi thất vọng vì những người lớp trước, trong cuộc chiến tranh này.

17/1
Khải lại nói về chuyện các nhà văn và giải thưởng chuyện 15 năm. Hôm nọ, các ông ấy ngồi, các ông bàn về đủ mặt. Nhân nói về Nguyễn Đình Thi: Cái ông ấy có biết gì về xã hội (trước cách mạng tháng 8) mà đòi viết, loại học sinh mặt trắng ấy mà. Hồi ấy có bao nhiêu là mẫu về những người đàn bà như cô Phượng, nào Trịnh Thục Oanh, nào Phủ Đình. Lão Thi này có khai thác ai đâu.
 Tôi mới hỏi lại, thế như bọn nhà văn trẻ chúng tôi viết thì sao.
- Thì các ông phải viết bằng tài liệu. Tài liệu phải đi nghe thật kỹ. Đằng này ông Thi không. Ông ấy lại muốn làm nhà tư tưởng, bao quát toàn bộ lịch sử.
Hồi ông Thi viết xong Vỡ bờ, ông Như Phong đọc
- Thế anh có cần Nxb góp ý kiến không.
- Thôi, để tôi xin chịu trách nhiệm.
 Thế là in.
Khải kể tiếp nhiều ông ở ngoài, ông nào cũng bảo ông Thi lạnh. Đến là giao việc. Như ông Tuân, cũng chỉ có việc.

Khải nói về Nam Cao: đó là một người cuộc đời khá nhạt. Nhưng được cái, ông ấy biết nói hết cái nhạt của mình.
Người ta kể chuyện những ông Tự lực văn đoàn: Căn bản là họ biết chỉ đường cho nhau. Như Nguyễn Tường Tam chỉ cho Thế Lữ viết trinh thám, rồi chỉ cho Tú Mỡ viết thơ trào phúng (thêm vào đó một ý nghĩa xã hội). Ngay như Khái Hưng cũng là một tay học sinh Nam Định,lúc đầu  viết vơ viết vẩn, nó bảo cho cách viết đấy chứ.
Ông Tuân nổi khá sớm thật. Trước còn viết một cái gì đó, rồi đến Nhúm cỏ tương tư. Và đến Vang bóng một thời thì là tuyệt bút.
Như Phong nói vào mặt tôi thế ông có biết là ông Tuân ông ấy có lúc cũng phản động không? Hồi 1945, ông ấy theo mình, nhưng vẫn viết báo cho bọn Quốc dân đảng chửi mình. Ông Tuân đả kích ta trong vụ trị cánh Ôn Như Hầu (Đi qua một khu vực sở CA, nhớ những cửa sổ của âm mưu)
Ông ấy viết một vở kịch Kinh Kha nhập Tần. Bao nhiêu lính hy sinh phục vụ cho mưu đồ của Kinh Kha, vậy thì anh có xứng với những cái đó không - một hồn ma hỏi Kinh Kha như vậy.
Tứ Mỡ cũng đẫm chất Tự lực lắm, đầu kháng chiến, chửi cả cụ Hồ, chửi kháng chiến. Ca dao: “Mang danh là đất quan đề, giặc đi không biết giặc về không hay.”


Hân nhân đây kể chính ông Tô Hoài cũng từng tâm sự: Các ông trên nhà mình già quá rồi.
... Hình như cái ông Tô Hoài ông ấy làm việc vì ông ấy chả tin ở cái gì nữa. Làm để mà làm!
 Dẫu sao, đó cũng là thái độ của một người lao động. Còn ông Chế Lan Viên mới buồn cười chứ, ông ấy cứ nhảy tâng tâng lên, ông ấy định làm một người trí thức sáng suốt.
Tôi thường cười những kẻ dùng lối tính toán  khôn dại để giải quyết một số vấn đề cụ thể! Thế nhưng khi tôi toan dùng trí tuệ, để tránh đi mọi sự phiền phức -  thì lại là một thứ ảo tưởng khác. Vả chăng trí tuệ cỡ tôi, thưc thà mà nói đang còn là con số không.
Tự nhận với Ng Khái:
-- Một người thanh niên mới lớn và đầy tâm huyết như tôi, lắm lúc tôi cũng thấy ghê rợn, không biết chui vào đâu trong cái đống phức tạp kia. Cái xã hội ta đang lì ra, không thu nhận mọi cái khác mình, bọn tôi chỉ có cách theo như lớp trước mà sống.

Nguyễn Khải: Thấy cụ Tuân mặc cái áo trắng mới, ra ra vào vào, người sắp đi quốc tế mà, hớn hở lắm. Thế là tôi lại chán, tôi chả muốn chào nữa. Người ta cho đi, thử không đi xem có to không nào?
- Anh thường nói quyền hành làm cho người ta rỉ đi, cũ đi. Thế ông Tuân có quyền lực gì đâu.
- Nhưng ông ấy tự xem mình có quyền lực về tinh thần. Tức là ở dưới đề cao, trên trị nhưng vẫn phải nể, tự ông ấy xem ông ấy như người cha của nền văn học.
Cái ông Thi thế mà lắm lúc còn trẻ con. Hôm nọ họp Thường vụ về giải thưởng, ông ấy lại nói : "Tôi đánh giá sơ khảo chỉ có 30%:" Chả danh sách sơ khảo không có người mà. Ông Xuân Trường phải bảo: Anh nói thế, có anh Như Phong ở đây, lại cãi nhau thôi.
Còn như Chế Lan Viên. Lắm lúc ngồi nghĩ: giá kể ông ấy không làm gì, cứ ngồi đấy cũng đã to lắm rồi. Thế mà còn loay hoay mãi.
 Nhưng một dịp khác nhân nói rằng ông Chế Lan Viên, bà Thường khôn, Khải lại cho một câu
- Người thế mà gọi là khôn thì tôi cũng chịu.

25/9
Tô Hoài viết kịch bản Kim Đồng. Nguyễn Minh Châu: Cái lão này vô liêm sỉ, có mỗi Kim Đồng mà nhai đi, nhai lại mãi.
Nước mình cả hội nhà văn có ông Tổng thư ký thì giỏi về viết đàn bà, Phó tổng thư ký thì giỏi về viết trẻ con, thì văn chương còn ra sao .
Ng Khái: ông Tố Hữu vừa đi vào Nam ra,  vợ chồng Chế Lan Viên lập tức đến chào, hỏi han xem có vấn đề văn nghệ gì để phổ biến.
Lắm lúc mình cũng lạ: Lão Chế Lan Viên cần gì nịnh ai nữa, cứ thế cũng đã to - sau Ánh sáng và phù sa có im đi, đã có một địa vị vững vàng rồi. Lại còn đánh chác. Ai đánh anh (Cái lão này mỗi tối, lão nghĩ ra cách nuốt một người).

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn