Trở
lại với những trang ghi chép
45 năm trước
Trong những ngày qua tôi
bị tai biến liệt cả bàn tay phải. Không viết được gì mới, tôi tính việc hoàn
chỉnh những tài liệu đã viết cũ để gọi là có bài trên blog. May mà càng làm tôi
càng thấy hứng thú và cảm thấy có lẽ phải coi đây là công việc chủ yếu trong những
ngày tới. Trước mắt, tôi chỉnh lý lại các ghi chép hồi tôi ở độ tuổi 25-30.
Nhật ký của tôi gồm có
hai loại:
-
Một là nhật ký văn nghệ ghi chép những cuộc
chuyện trò với các nhà văn và các sinh hoạt văn học tôi đã tham dự.
-
Hai là nhật ký ghi trên đường đi công tác ở
các đơn vị quân đội và các địa phương trong thời gian chiến tranh.
Hôm nay chỉ xin nói về mảng
thứ hai.
Tôi được điều về Văn Nghệ
Quân Đội tháng 3 năm 1968. Mặc dù biên chế ở tổ lý luận phê bình, nhưng do hay
chơi với các bạn sáng tác, nên tôi thường thích cái gọi là đi thực tế hễ có dịp
là xin đi vào các đơn vị phía trong. Từ 68 đến 75 tôi đã có mấy chuyến đi vào
khu 4 và Quảng Bình Vĩnh Linh. Cụ thể là:
-
Tháng 5 năm 1968, cùng với Phạm Tiến Duật
vào khu vực binh trạm X, gồm các đơn vị giao liên, vận tải, hoạt động quanh khu
vực Nam Đàn Can Lộc, dọc hai bờ sông Lam.
-
Tháng 6 năm 1969, vẫn cùng Phạm Tiến Duật
vào binh trạm 20 của đoàn 500, hoạt động ở miền tây Quảng Bình. Tại binh trạm
này tôi theo đoàn xe vượt cửa khẩu hoặc dừng lại ỏ các đơn vị thanh
niên xung phong lo mở đường sửa đường.
-
Từ tháng 5 đến tháng 9 – 1970, tôi tới một
trung đoàn ở miền đông Quảng Bình, sau đó theo trung đoàn vượt Bến Hải, sang hoạt
động tại B5,phía tây Trị Thiên.
-
Khoảng từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1972, tôi đi cùng với
các anh Doãn Nho, Thu Bồn, Liên Nam vào đến thành Quảng Trị khi quân ta còn
đang làm chủ thành cổ. Tiếp đó, khi địch bắt đầu phản công tái chiếm Quảng Trị
thì chúng tôi được lệnh quay ra. Từ Vĩnh Linh đến Hà Nội, trên quãng đường mà
ngày nay người ta chỉ cần vài tiếng đồng hồ để vượt qua tôi đã đi bộ trong suốt
một tháng ròng, cảm thấy mình đã qua mấy nước khác nhau, nào nước Quảng Bình,
nước Hà Tĩnh, nước Nghệ An,...cuối cùng mới về đến nước Hà Nội
-
Từ tháng 7 đến tháng 9 – 1973 tôi lại có dịp
vào vùng giải phóng Quảng Trị, được hình thành sau hiệp định Paris đầu 73. Tại
đây. tôi được nghe kể chuyện lại hoạt động của bộ đội hồi 1972 khi địch tái chiếm Qảng Trị.
Cũng
tại đây tôi đã chứng kiến cảnh lính tráng hai bên dàn mặt nhau giữa ban ngày.
Noi theo cách làm việc của
bậc đàn anh hết sức thân thiết với tôi lúc ấy là Nguyễn Minh Châu, đi đến đâu
tôi cũng ghi chép liên tục, bao gồm ghi chuyện về người và việc mà mình đã gặp
và thêm vào đó không quên ghi những cảm xúc của chính mình trước thực tế .
Từ hai chục năm trước tôi
đã nhờ một bạn chuyên đánh máy ở Hội nhà văn đánh máy lại các cuốn sổ . Tôi dự
định sẽ làm dần dần các tập nhật ký đó đưa trên blog. Phần hoàn thành đầu tiên là những
trang nhật ký Quảng Trị 72 rồi tiếp ngay vào Hà Nội 72-75. Nhưng những chủ đề thời sự và lâu dài đã lôi kéo tôi vào nhiều công việc mới mẻ và nhiều trang nhật ký đã viết vẫn
chỉ nằm trong máy. Nay trong cảnh bệnh tật, tôi lại thấy nó là cần thiết nhất,
phải làm ngay.
Sở dĩ tôi dám đưa các
trang nhật ký ấy lên blog vì quả thật là khi đọc lại tôi vẫn còn cảm thấy bị hấp
dẫn bởi ghi chép của chính mình. nhất là cảm thấy các trang tư liệu của tôi
có được cách nhìn nhận về chiến tranh mà đến nay sau hơn 40 năm, vẫn không bị lạc hậu.
Tôi xin bảo đảm rằng các trang nhật ký của tôi được viết ngay từ những ngày ấy,
bây giờ tôi chỉ sửa sang cắt cúp cho gọn ghẽ và xóa bỏ những gì mà tôi cảm thấy
không cần thiết.
Tôi cũng không tính chuyện
sắp xếp lại các trang nhật ký này vì quả thật việc ấy đòi hỏi rất nhiều công sức.
Nhưng tôi tin là các trang nhật ký của tôi không phải đầu ngô mình sở, mà là có
sự liên tục trong tư tưởng. Ngay cả sự phân biệt đâu là giọng người ghi nhật
ký, đâu là giọng các nhân vật ngoài đời tôi cũng không đủ thời giờ để làm công
việc phân biệt, nhưng tôi tin là các bạn vẫn có thể đón nhận được đầy đủ.
Có hai điều cần nói thêm
là:
-
Tên đất tên người đưa trong văn bản là
chép theo văn bản tôi ghi từ ngày ấy và nay không có điều kiện kiểm tra lại.
-
Do nhật ký được ghi tại trận, nên tôi vẫn
giữ nguyên chúng như đã ghi 40 năm trước. Tinh thần những suy nghĩ, những lời
nói của các nhân vật được ghi 40 năm trước mà không phải của tôi, hơn nữa ngay
những ý nghĩ của tôi cũng là thuộc về 40 năm trước chứ không phải của con người
tôi hôm nay. Chỉ có dôi khi thấy cần thiết tôi có thêm vào những đầu đề nhỏ để
bạn đọc dễ theo dõi và trước tiên là tôi dễ theo dõi trong lúc làm công việc
biên soạn.
Khuê kể
29 âm lịch cũng là 30 tết. Sáng,
chờ ém ở bờ sông. Giở cơm ra ăn, không ăn được. Giao thừa; nghe một loạt pháo ở
bờ bắc, một loạt của địch - chúng tôi gọi nhau dậy - che ny lông lên hầm, đỡ
một ít mưa. Sáng, ăn cơm, nhiều cậu không ăn, lo đào hầm. Tôi ăn với muối mỳ
chính. B trưởng gọi lên nhận quà: mỗi người 2 bao thuốc, 1 nắm xôi. Hôm ấy
ngừng bắn, hái rau dại - một cậu hay hái rau, đặt ba lô là lúi húi đi hái rau.
Rau dền thái nhỏ - rau má muối ăn cơm
đàng hoàng. Đang tính đào hầm ăn, thì pháo bắn. Bấy giờ là 6g chiều.
Sáng mồng 2, 9 giờ đánh nhau. Đồng
chí Kinh C phó vừa đánh vừa gọi hàng. 2 g chiều, 1 ca hy sinh. Mấy cậu trẻ đi
khênh. Tôi mai táng. Cầm tăng, bó - mấy
anh em trẻ không biết làm. Tôi nghĩ: coi như sửa soạn cho nó một chỗ ngủ. Tôi
bảo ngẩng đầu lên, mình kê lại cho M giấc ngủ". Tôi cứ lầm bầm vậy. Tay
chân lạnh, tôi vuốt lại, bó cho dễ, sờ đầu cứ lợp rợp lạo rạo.
A tôi, a cơ động. Công nấu cơm,
nước sông cho vào bao ny lông, cho vào ba lô, gánh về. Ngoài Công, một thằng
trực, cả 2 nấu, mang đi các nơi. Có ngày, pháo bắn tan cả bếp. (Không có Hoàng
Cầm đâu chỉ bếp đào thấp xuống mặt đất.)
Nhiệm vụ thứ hai chúng tôi - tải
đạn. Công đi thu nhặt. Công là một cậu rất buồn cười. Hay sợ khi đi một mình.
Nhưng khi đi có độ 2 người, thì khá gan!
Sau này khi hoà bình, gặp được, thì cái cậu
lầm lì ấy có lúc lại nói phét.
--Các anh uống nước đâu?
- Nước sông Thạch Hãn ngọt như nước
đường
- Các anh thổi cơm sao không thấy
khói?
- Chúng tôi thổi bằng điện chứ!
Chuyện dân hôm qua
Mỗi vụ đóng trên 25-30 tấn gạo cho
giải phóng. Gạo bán riêng, gạo thuế - nuôi quân riêng gạo hũ giành riêng cho
anh em địa phương. Hàng trăm người đi vận tải. Thuyền chở, xe kéo. Đèn đuốc, đi
về động Ông Gio. Trâu bò, rau cỏ, bộ đội lên.
1969 mang gạo khó: vùi vào trong
phân, để trong những thùng đại liên, chôn ở ngoài đồng. Gặp ác ôn. Bảo cái nhà
cháy, gánh lên cho bà con. Mang gạo bằng những ấm nước.
Đang đi làm, nghe bảo an chuyển
chỗ, về đi tiếp tế. 5 lon gạo cũng trút, 1/2 bao bột ngọt cũng trút.
Buộc lựu đạn đeo trong bõ con bò.
Địch bắt được. Ta bảo: Bộ đội hay ăn cây nhà người ta, ai đó thù hắn buộc lựu
đạn, báo thù. Nhặt đạn không nổ của hắn, tập trung lại.
Địch đóng trong nhà, rất sợ bị mất
lựu đạn, mất mìn định hướng.
Vừa trò chuyện, vừa tiếp tục choảng nhau
Lời Mậu.
28/1, C quán triệt: sang Như Lệ, địch vận, gặp nguỵ, nói chuyện.
Qua sông thấy cờ địch, 1 cờ mình bị pháo kích không trúng. Địch kích, dùng pháo khoan, nghe đánh ục.
Hồi đó chưa có hàng rào. Nó đi lại. Chúng tôi chạy tới: trông bẩn tướng,
đen trũi, cởi trần. Nó kêu: Các anh đừng
có đi lại nhiều, Mỹ phải về nước, bây giờ chỉ có tôi + anh. Sửa soạn hầm mà ngủ
cho tốt, sau hoà hợp sống chung.
Nó rút thuốc lá ra mời. Tôi có bao Điện Biên trong túi, 2 bên trao
đổi, chuyện trò về gia đình.
Tối hôm đó, chúng gọi pháo về. Bảo: sao anh gọi pháo bắn vào chúng tôi. Nó
bắn rát R15. Ta cho 1 B đánh bật ra khỏi chốt. Chiếm được chốt, lại có lệnh
chuyển về Tích Tường, ra bờ bắc, rồi lại vào bờ nam. Sang Tích Tường pháo u ú,
pháo nổ, tiếng rất đanh. Pháo khoan đất rung, ngồi như đưa võng. Hôm nay bao
nhiêu rồi, à, 30 tết.
Pháo bắn xuống sông, cột nước dâng rất cao. Pháo bắn ngồi xuống.
Tết, anh em lại thấy bắn riết hơn ngày 28-1.
ở rệ sông, đại đội bảo: nói nhỏ thôi, địch nghe tiếng. Vừa móc được hầm, trên
chốt. Có hầm sẵn, hầm không ra gì. Bọn nguỵ ở cũ, hầm bằng 3 người 1, chúng tôi
sửa hầm, tạm chống được 105 (1 cảnh giới, 2 sửa).
Mai E phó thuộc từng gốc tre. Hoá
ra, khi hoà bình ra nhìn, thấy địa hình hẹp hơn vẫn nghĩ.
Ngày mùng 1, nó nghỉ, định lên cao
điểm 25. Tết, mấy anh em hỏi nhau về gia đình, nhà cửa. Chúng tôi ra nhìn, cây
cối, cọc cầu, nhẵn nhụi, trơ đất đỏ.
Từ hầm nhìn ra, thấy địch khoác ba
lô xuống. Chúng tôi chốt. Tôi giữ đạn B41 cũng ra. Địch đi rất nhanh, theo
đường tăng, hiện ra, lô nhô mũ sắt. Mấy cậu có súng cứ đòm đòm, bắn tỉa. Tôi
không có, bảo đứa nào cho tao tỉa 1 phát. Anh em không cho. Địch mồm mép, hô
xung phong mà chả thằng nào lên. Cả mũi tỉa chết 3 người. Chúng tôi về hầm.
- Tao lúc ấy mất bình tĩnh, bắn
khéo nó chỉ bị thương.
- Tao có súng, thì đã ăn ngon rồi.
Sáng hôm sau chờ đợi. Địch ra 3 thằng khiêng
xác. Tôi tỉa 1 phát. 1 thằng ngã, 2 chạy vào lại. Mình đứng thò ngực khỏi hào,
chẳng thấy nó bắn. Nghe cộc một cái, 1 cậu bảo, khéo cối cá nhân. Đoành,
cối nổ. Mấy đứa cười rúc rích.
Phát hiện bên kia, lỗ thông hơi của
lô cốt địch. Tôi xin bắn. Lắp đạn B41, rất bình tĩnh - xé 1 nóc hầm của nó. 1
phát nữa, không trúng - ù đặc tai.
Đêm, không được bắn. Hôm sau, nó
đánh chốt B2. Tôi thấy sao không nổ súng. Cách 3-5m, 1 lúc nghe tằng tằng AK.
Nó rút. Trước chỉ sợ mất chốt .Đêm trước, 1 vọng tiền tiêu của ta lơ là, để nó
chiếm. Cả ngày hôm sau, đánh. Công đưa cơm lên không biết, gần chốt, còn thổi
sáo. Thấy mũ sắt, bỏ chạy.
Đến lượt chúng tôi lên chốt. Chúng tôi nhặt được
4 khẩu M72.
Chốt địch: mái bằng, nông hoèn.
Tăng võng rách, gạo sấy vứt ra, nhặt 3 ba lô. Để sau ăn. 1 thằng chết cắm đầu
xuống, chúng tôi dùng xẻng lấp đi.
Hầm địch mùi hôi hám. Bùn bụi tới
mắt cá chân. Tăng địch mỏng, rải trên hầm, lòng nhà lùng lùng, sủi bọt bẩn.
Thối vết máu. Chúng tôi phải dọn bùn, trải tăng ta dày ra. Cũng chỉ ở tạm, sau
làm hầm kèo, không bôi bác như nguỵ. Hào địch hẹp, khoác bao đồ là không đi
được. Đêm công binh lên gỡ mìn.
Chúng tôi luôn luôn bảo: hoà bình
rồi, không đánh nhau nữa.
Địch - ừ hoà bình rồi. Đi hái rau,
rửa mặt trên hào.
Nhưng đêm, địch cũng mò lên, ném
lựu đạn. Chúng tôi ném trả. Đồng chí Tám phụt B40, 3 thằng chết. Lúc ấy mờ mờ
sáng. Đêm, đến lượt chúng tôi mò lên, lấy lựu đạn mỏ vịt. Quả nào có vệt xanh
dùng được. Có điểm trắng thì nổ tức thì.
Xuân Quảng Trị trời không rét, đêm
không đắp chăn. Vừa đánh nhau, vừa địch vận. Ông Thắng viết thư cho chỉ huy,
cho Tám cầm ra. Bắc loa gọi D11. Các anh binh sĩ quân đội Sài Gòn... Có thư
chúng tôi gửi cho các anh. Có cả quà của đồng bào (mấy bức ảnh)
Tám lên hẳn trên hào, đội mũ giải
phóng. Lính địch cụm lại 1 chỗ, bàn tán. Những thằng dưới nhấp nhổm - không
được lệnh chỉ huy, chúng em không lên. Tám xuống. Địch lại bắn cối cá nhân, cộc
cộc bắn sang. Tối, chúng tôi mang biển cắm trên hào: khu vực quân giải
phóng, kẻ nào xâm phạm xẽ bị tiêu diệt.
Địch lại cối cá nhân. Bấy giờ ở gần
nhau, nói chuyện thường bên kia nghe tiếng. Càng dũi, càng tránh được pháo. Vẫn
bắc loa gọi (ống nhựa, đựng đạn B40)
- Các anh đừng gọi pháo nữa.
- Chúng tôi không gọi, nó ở đâu nó
bắn đến đấy.
Hôm sau, nó đưa Thủy Quân Lục Chiến
đến. Thay ban ngày đàng hòang. Chúng tôi thấy dù xếp ba lô.
TQLC vừa đến, cắm biển: TQLC tôn
trọng lệnh ngừng bắn và hoà bình- Chào các bạn
Cách 1 m lại 1 biển. Viết bằng gạch
non. Chúng tôi bò lên xem, lấy về. Hai bên bắt đầu rào gai.
Những cuộc đối
thoại
Mạn kể chuyện một phiên gác
- Tên là gì
- Thông Thông
- (hất hàm) Có vợ chưa.
- Có rồi
- Sang đây hút thuốc lá
- chỉ hầm chỉ huy
- ra hiệu bò
- (túm tóc, tát,-- ra hiệu chỉ huy đánh)
- vứt thuốc sang
Lên hái rau:
- Anh giải phóng ơi cho tôi lên lấy
đồ (về làm hầm)
- Không được lên đâu, lên đây,
chúng tôi không bảo vệ an toàn.
Chúng tôi vác xẻng lên đào hào. Nó
cũng vác đào. Cách nhau 3 m. Mình đào nhanh, lưỡi xẻng xồn xột. Nó đào chậm, cuốc, lại đào.
- Để chúng tôi sang đào cùng với
các anh cho vui
- Chỉ huy chúng tôi không cho phép.
- (Mình đào xong) Thôi trưa, nghỉ
- Không chỉ huy đã giao, trưa không
dám nghỉ.
Xong chúng tôi lên đồi, ngồi nhìn.
Thằng kia xuống hố bom, tắm rửa
- Bên kia có xà phòng không?
- Có
- Cho xin một ít tắm
- (đưa 1/2 bánh) Bên tôi hết, không
tiếc đâu
- Tôi chỉ gội đầu thôi.
- Xà phòng bên chúng tôi thế nào
- Tốt lắm.
Rào? Ta rào một lượt. Địch lại trùm
lên chốc. Trông gần, địch đen. Thỉnh thoảng 1 thằng mặc quần áo rách. Bên
ta lành, mới
- Sao không được bổ sung
- Bên này năm 2 bộ, rách cởi chuồng.
- Thôi đi về, vợ nó khâu cho.
- Cấp trên không cho chỉ về.
Ngồi 2 hàng rào. Ta hát. Hát chửi Mỹ ( bài Quả bom câm...)
- Bên anh nhiều nhân tài lắm, xuất khẩu thành thơ
- Chúng tôi hát về Mỹ các anh không bằng lòng
- Không việc gì đến tôi.
Nó mang ghi ta ra hát nhạc vàng. Ta khuyên
- Bên tôi toàn bài tình cảm, không hùng tráng như các anh.
Tôi quen mấy thằng. Hạnh.Thông. lính ta đi dép. Nó đi giày, khi nóng,
đi chân đất, rón rén. Sợ mảnh pháo kích.
- Anh Cộng ơi, anh có dép cho tôi một đôi.
- Cũng không nhiều, nhưng để kiếm đã.
Đi kiếm cho 1 đôi dép cũ. Rửa rạch. Bọc báo quân đội, giấy xi măng.
Viết kèm một lá thư. Nó mang đi khoe. Mấy thằng khác xin. Tôi tìm được 1 đôi
dép nữa. Sau, thấy tôi đâu, nó gọi. Tôi hút thuốc lào, nó xin, tôi cho thuốc
(lấy ống pháo sáng) lấy lòng súng chống tăng, làm ca. Nó xin. Tôi để chữ hoà
hợp dân tộc. Anh phải đề QGP kỷ niệm vào. Không đề không lấy.
Nó lấy cưa sắt, cưa.
Cả trung uý Phượng ra, một tay nói rất dịu dàng.
- Anh Phượng này, hoà hợp dân tộc, 2 bên quân đội ta sát nhập lại, thì
không kẻ nào vào được.
- Đúng rồi, ý kiến anh hay quá ta, anh tên gì đó ta.
Nó đưa chè.
Tôi đưa báo 1/5 duyệt binh, nó xem. Sau này tôi cũng về Hà Nội, nó bảo
vậy
- Bên anh được anh Phượng C trưởng cũng hiền nhỉ.
- Sao anh lại biết.
... Tôi đi 3 năm, chưa bắn ai.
- Anh nói thế. Hồi Mỹ ở đây, các anh chẳng đánh gớm các anh còn tuyên
truyền chúng tôi có đuôi.
- Bên nào chẳng tuyên truyền? Đó là việc của người nhớn.
- Người nhớn các anh cũng nghe.
- ...
- Tôi nghe có chuyện Tấm Cám, anh có biết không. Bên anh có sách gì.
Tôi đưa quyển Lê Nin. Tặng 1 phong bì.
Viết thêm Kỷ niệm anh Thông trong quân đội Sài Gòn. Hoà
hợp dân tộc. Thêm 1 tem. Cu cậu cất ngay vào sổ
...
- Hôm nay các anh thay quân (ba lô để lên hào)
- (cười)
- Quen biết nhau, làm gì phải dấu. Đôi mắt chúng tôi như cửa sổ ấy chứ?
Dù về thay TQLC . Chúng anh đi đâu cũng giữ được hoà bình! Đừng có như dù, cứ
cối cá nhân ca sang tôi luôn thế này.
Bọn sau về. Nói chuyện. Nó cứ xua xua
- Tự mình là chính chứ anh. Hiệp định Pa ri quy định dự to dân chủ, tự
do đi lại
- Nó oánh đấy
- Oánh lại vi phạm. Bên tôi đánh người bị tội đấy. Cứ nói chứ. Đánh
nhau bao lâu, bây giờ mới được dịp nói chuyện, lại cứ lùi lủi đi
Nó bò ra chỗ bãi cỏ. Chúng tôi cũng bò khom ra.
- Bên anh có tuyên truyền hiệp định không? Bên tôi có sẵn đây, tặng các
anh.