26/10
Theo Phan Ngọc (ngôn ngữ học) muốn nghiên cứu
tiểu thuyết hiện đai, cứ nghiên cứu ông Tuân thì rõ. 1. ông Tuân viết rất
chuyên về cái tôi tuyệt đối 2. ông Tuân viết bao giờ cũng rất nhiều tư liệu,
đến những tay chuyên môn trong nghề, nó cũng không bịp được.
Nguyễn Khải bảo nhưng mà bây giờ
đọc lại Sông Đà, thì thấy ông ấy cũng không đều tay. Nhiều chỗ cũng vớ
vẩn. Trong Tuỳ bút kháng chiến cũng chỉ được từng mảng.
Xuân Quỳnh: Ông Tuân có mỗi ít chuyện, đi lần
nào với cụ, cụ cũng kể, sốt cả ruột.
Nhàn: Nghe nói ông Thi, ông Tô Hoài
lên gặp ông Tố Hữu quyết định nhiều chuyện lắm: xuất bản, Đảng Đoàn...
- Tôi nghe bao nhiêu lần rồi, chả
có chuyện gì cả đâu, ông Lành chuyên môn hứa hão thôi. Mà cái này, thì ông Tô
Hoài ông ấy có ý thức rất là đầy đủ.
Xuân Thiều kể sau khi đi Alma Ata
dự hội nghị nhà văn Á Phi. Vừa sang, ông Chế Lan Viên đã cho một câu: Tôi đã
bảo ở nhà, cử ông Xuân Thiêm đi cơ mà.
Về Chế Lan Viên:
- Nước ngoài họ nghe mình nói chiến
tranh là chuyện bình thường, họ ghê sợ lắm. Ông Chế lắm sự lại đòi rành rọt. Ông ấy bảo ở nước
chúng tôi, người ta không nói chiến tranh, mà là nói kháng chiến.
Nói nhiều đến nỗi tay Inna nó phải than thở: Không biết các đồng chí thế nào, chứ khi các đồng chí Lê Duẩn, đồng chí
Phạm Văn Đồng sang đây, các đồng chí ấy không chú ý chữ nghĩa lắm đâu.
- Trong hội nghị, nó không treo cờ
miền Nam Việt Nam. Ông Chế Lan Viên thắc mắc, làm om cả lên. Về nhà, hỏi đồng
chí Tô Hoài, ông ấy bảo: Không, xưa nay vẫn thế, nó có bao giờ nó treo đâu. Mà
ở nhà, coi như thả nào nó cũng treo rồi, cho nên cũng không hỏi. Những thằng
như thằng Phan Tứ nó khôn, nó cũng không nói.
Chỉ bây giờ, ông Chế ông ấy đi, ông
ấy mới thắc mắc thế thôi.
Khái: Nói chung, lão Chế lão ấy tin
ở cái lý của lão ấy thật, chứ không phải đùa đâu. Có lẽ là vì ngày trước, ông
ấy cũng thiếu lòng tin quá mức, cho nên bây giờ, lão ấy hung hăng.
Hôm nọ, tôi gặp ông ấy, tôi cũng
chỉ nói rất đơn giản như vẫn nói với ông. Bây giờ dân mình giáo dục sao cho con người sống gắn bó với nhau, tin cậy nhau, đã là rất khó.
Còn như những người khác đi nước
ngoài.
- Ô Bàng Sĩ Nguyên. Bao lâu nay đã
xung phong đi (Tôi đi tôi sẽ tích cực góp phần tuyên truyền văn học Việt Nam ra
thế giới).
Trước khi đi chỉ lo ở nhà, để va li bị bị mất.
Trước khi đi chỉ lo ở nhà, để va li bị bị mất.
Mấy đứa con rất thích sờ va li.
Thỉnh thoảng nó lại vừa sờ va li vừa reo lên “Bố ơi”, “Mẹ ơi”.
Hoặc gặp ông Khải
ở Hội Nhà văn, ông ấy chỉ hỏi kinh nghiệm: làm sao khỏi nôn trên máy nay.
Ng Khái: Ông cứ yên
chí, bao giờ người Việt Nam mình cũng đã lịch sự hơn người nước ngoài.
- Không tôi đã mang ít gừng.
- Các cậu yên chí - Nguyên Hồng làm ra vẻ kinh nghiệm - Chủ yếu là ăn ít mỡ
thôi, thì mọi việc sẽ rất đơn giản, không đau ốm gì cả.
Và thế là họ đi. Những ngày đầu
tiên, Bàn Tài Đoàn và Bằng Sĩ Nguyên toàn ăn lương khô và uống nước máy. Để
giành tiền mua đồ đạc mà.
- Hôm nay, tôi đã được ăn trứng
tráng. Một hôm, Nguyên Hồng mang khoe như vậy - Chính ông Hồng cũng là một ông
cỏ giả nhất.
Bà Mộng Sơn đi vào Deskimir, cái gì
cũng chúi mũi vào xem, cô phiên dịch cô ấy sốt cả ruột.
Xuân Sách: Càng đi nước ngoài càng
thấy không thể thoát khỏi hoàn cảnh nước mình. Ví như mình, thỉnh thoảng mình
cứ sờ tay vào túi một cách rất vô lý.
Đi festival, nhà văn các nước họ đi riêng. Xuân Sách ở trong đoàn Việt
Nam, rất nhếch nhác. Về Trung quốc giới thiệu, nó cứ tưởng một là nhà văn bị đi
cải tạo. Hoặc là CA cài vào đi làm công tác phản gián chẳng hạn
Sau khi cùng đi về, Kim Lân trách
Nguyễn Tuân là tiêu hoang phí quá, lạm cả vào tiền của Kim Lân. Quả là Nguyễn
Tuân có chơi ngông thật. Lại còn đến tặng hoa ở một cô phiên dịch nữa.
Ng Khái: cũng là một loại làm dáng.
18/12
Đối với một hội như thế này, đúng là cái chính phải là những chuyện
chính trị: những vấn đề phát ngôn chung.
Nhưng
từ ông Thi trở đi, không mấy ai lưu ý.
Theo
Khái, người cũng có những thói xấu như mọi người, cũng hay khoe tác phẩm in ở
nước ngoài, cũng thích đi nước ngoài, lại còn gái gẩm nữa, thế thì trên dùng
tiện quá rồi còn gì?
Ở NXb Lao động có tay Lê Phương.
Tay này không phải đảng viên, nhưng cũng quan hệ rộng lắm. Hôm nọ, Lê Phương
bảo: các ông ở Hội nhà văn cũng phải cẩn thận, không phải các ông làm cái gì,
người ta không biết đâu.
Nguyễn Thành Long: Khốn khổ, tôi
trông Hội toàn những mặt hèn cả, ông Nguyễn Đình Thi thì thế, ông Tô Hoài cũng
là một loại cá chìm, còn ông Chế Lan Viên thì là một thứ mặt hàng, nịnh ra mặt
rồi còn gì?
Lê Phương im lặng không nói gì.
Với Khái, Nguyễn Thành Long nói
đúng, Hội toàn tay hèn cả. Khái nói tiếp.
Ông
Tế Hanh hôm nọ lại bảo: để 1975 sẽ vào trong B. Năm 1974 còn phải lo ở nhà (đứa
con lớn đang học lớp 10). Nghe mà lộn ruột. Cái lão này cứ giả vờ giả vịt. Còn
như ông Bùi Hiển, ông này hồi trước cũng trong sáng lắm, cái gì cũng nghe ông
Thi. Gần đây, đang là tổ trưởng văn xuôi,cũng bắt buộc phải khác: trong giải thưởng cũng không đề nghị
sách ông Thi. Có lẽ ông Thi có cự gì ông đó, thế là bây giờ chán, muốn rũ đi
sáng tác, còn phải làm ngày nào, mặt cứ ngầm ngầm ngầm ngầm và cũng hách ra trò
đấy.
Chuyện
cấp trên đối với ông Thi, Chế Lan Viên.
Đây là một ví dụ rõ nhất. Có lúc
ông Hoàng Tùng đi nói chuyện, kêu ầm lên: Văn chương như văn chương ông Thi, cổ
lắm rồi. Quần chúng người ta đòi hỏi khác lắm rồi. Thế mà đi đâu cũng đòi hỏi
được khen thì khen làm sao.
Nhiều người nghĩ ràng phen này ông
Thi đổ. Chỉ không biết là ai thay thế được. Tìm được một người như ông Thi kể
cũng khó. Người bản lĩnh lắm.
Thế rồi gần đây, cái chuyện Học
tập đăng bài khen Vỡ bờ. Thế là mọi người lại nghĩ: Trên lại dùng
ông Thi rồi. Vì đánh ông Thi cũng là trên, mà bây giờ bàn chuyện khen, thì lại
là trên.
Nhị Ca nhận viết bài về thơ Nguyễn
Đình Thi cho Đài. Lý lẽ của ông ấy: ông Khái lúc nào cũng chê ông Thi. Nhưng
không đánh được ông Thi đâu.Trí thức cơ mà.
Còn mấy ông kia là lính tẩy, lính tẩy thôi.
Bài ấy định đọc trong 2 kỳ. Tự
nhiên bay xuống cái lệnh. Hãy dồn vào một kỳ.
Nhưng dồn không kịp, vẫn phải phát
cho như thường. Vũ Quần Phương bị cằn nhằn mãi.
Tin mới nhất. Ở Đức, ông Tố Hữu nói
với cán bộ đại sứ quán: Mọi vấn đề về tình hình văn hoá văn nghệ, ý kiến của
Trung ương thế nào, anh Thi sẽ truyền đạt. Như thế thì còn gì hơn nữa.
Khái: Phen này, ông Chế Lan Viên
lại bò ra mà khen ông Thi cho ma xem.
Báo Học tập cử người đến đó
hỏi Chế Lan Viên, xem những bài phê bình trên Học tập như thế nào? Chế
Lan Viên "công nhận" có 2 bài hay là bài của Nguyễn Hồng Phong (nói
về Chữ Nhàn trong tâm lý dân tộc, bài mà Tố Hữu bảo là đang mang
ra toà và bài Phan Cự Đệ viết về Nguyễn Đình Thi).
Ba người: Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài,
Chế Lan Viên được coi là cán bộ Trung ương, đi họp ở trên. Khái: Đúng là một cỗ
xe tam mã. Ba con ngựa đi, người ngồi trên xe là ông Tố Hữu, còn lão đánh xe là
ông Hoàng Trung Thông.
Cái ông Tô Hoài, vẫn viết như ma ám, các việc
trong cơ quan, chả để ý chuyện gì, mà cũng chả bỏ sót việc gì hết cả. Lại viết Đảo
hoang. Nguyễn Thành Long: chỉ được có chương đầu, đã đăng báo. Những chương
sau rất trẻ con. Tô Hoài bảo có thể viết được hàng nghìn trang. Nguyễn Thành
Long nghĩ bụng: Có viết được khối. Rồi một lúc nào đó, Tô Hoài trong lúc uống
rượu, nói ra câu nói thành thực: Đời Tô Hoài, cũng chỉ được có quyển Dế mèn
phiêu lưu ký.
Còn như sự nhút nhát của Chế Lan
Viên, tôi đã nói khi ghi về Khái,
Khái từng kể có lần doạ cho ông Chế một trận.
Nhưng hàng ngày người này cũng nghĩ
được nhiều điều sâu sắc lắm.
"Ngày xưa, một viên tri phủ, tri huyện,
ít ra nó cũng phải nể một vài người. Một vị cao tăng, một tên ăn cướp, một ông
đồ có những học trò nổi tiếng, một thày thuốc. Bây giờ, một tay bí thư huyện uỷ
không còn sợ ai -- Không sợ gì mê
tín -- Không sợ gì kẻ cướp -- có khi tự ông ấy
là một kể cướp lớn cũng nên. Còn như nếu ông ấy nói về văn nghệ, thì một nhà văn cỡ nhất
nước như Nguyên Hồng, nghe xong cũng có thể nói ngay rằng: Ối giời ôi, chân lý đơn giản thế,
mà trước đây, tôi không hay biết gì cả"
Ví dụ trên là do ông Chế đưa ra.
Tâm sự ông Chế, nói chung là tâm sự
của những người viết, thấy rõ nhất là trong một buổi họp gần đây ở tạp chí Tác
phẩm mới- họp về phê bình. Mọi người đều nói vể tình trạng chung của mỗi cá
nhân hiện nay: về nỗi cô đơn, về tình trạng sợ hãi, về tình trạng vô chủ, không
ai có thể biết được phương hướng rằng nên làm trò gì. Một nền văn học một năm
150 quyển sách đáng kken, nền văn học đó mới thật tuyệt.
- Có ông lãnh đạo lạ như ông Hoàng
Trung Thông, thỉnh thoảng lại thấy ông này kêu cái nọ, kêu cái kia. Gần đây lại
kêu về phần lý luận của tạp chí: viết thế này, lại tập hợp nhau lại mà in, ngày
trước Nhân văn Giai phẩm cũng bắt đầu như thế đấy.
Nhàn ( kể với Vũ Quần Phương) bảo ông
ấy viết cho báo tôi, ông ấy không viết. Ông ấy có cả một đống báo trong tay, mà
nhất là báo Nhân Dân to tướng đấy, ông ấy cũng không thèm viết. Đúng là
tình hình hiện nay vô nguyên tắc, nhưng biết làm thế nào. Giá kể muốn đánh, thì
lôi bài nào ra đánh cũng được. Nhưng người lãnh đạo có lỗi trước tiên chứ!
Người lãnh đạo phải chỉ đạo nhưng bây giờ chỉ đạo không nổi.
Ng Khái: Tội gì mà ông ấy viết
phương hướng. Viết phương hướng ra, sau này đâm khó xử, lúc đánh nó, nó căn cứ
vào phương hướng, nó bác lại, thì anh bỏ mẹ.Găp đâu nói đấy là nhất.