VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Vài đoạn ghi chép về LQ Vũ - kỳ 2


        

             GIỮA CÁC BẠN THƠ

1/
Nguyễn Minh Châu điểm mặt từng người: Tôi vẫn thích 2 thằng Đỗ Chu và thằng Vũ. Hai thằng ấy nó có cái gì đã nói ra , nói đến nơi đến chốn. Cái loại như Bằng Việt chóng cạn lắm.
Xuân Quỳnh: Những ông như ông Vũ, ông Bằng có phần gì được đề cao hơn là chính ông ấy chứ không phải là thực lực như thế.


 Vũ  mới có tập chép tayTrước biển và những ngọn gió khác nhiều các tập trước.
Vũ Quần Phương: Nghe đọc mấy bài của Vũ mình thấy có những câu vô trách nhiệm “Viên đạn hôm nay trong bao xe, mai rơi vào ngực ai
Còn nếu Vũ nói: cái cùm lạnh, những đàn đom đóm lập loè, thì là Vũ không đáng nói.
Nhàn: Vũ chỉ là người tàng hình giỏi, biến mình vào tất cả các bài thơ cũng một ý đó mà nhân lên. Chính là Vũ lại rất ít xao động.
 Ông Châu bênh: Người ta có thể sống vạ vật, và có thể nói những điều lớn lao. Có lý! Nhưng tôi còn xem xem có đúng là Vũ thế không đã.
Vũ Quần Phương: Sự vạ vật ấy có cần thiết không, có phải chỉ là vạ vật bề ngoài không hay là vạ vật vì lười biếng, ngại khổ.
Nhàn: ông Vũ chính là một người vô chính phủ. Ông ấy phá đi, nhưng ông ấy chẳng xây gì cả, hay là cái xây của ông ấy rất mơ hồ, rất không tưởng.
Xuân Quỳnh: Chính tôi đã bảo Vũ nó chẳng rõ gì cả. Mình có phản động thì cũng phải rõ ra là phản động thì mới được.
Vũ Quần Phương: Đúng, Vũ trong đời sống nó biết cái tốt cái đẹp (một cách mơ hồ), nó muốn làm thơ vươn tới cái đó, nhưng nó lại muốn đi tới một cách dễ nhất. Ông ấy muốn mua một cách rẻ hơn người.
Nhàn: Con đường ấy, con đường dễ dãi nhất, bao giờ cũng là con đường xa. Trong đời sống, có những  con đường gian khổ, mình phải đi vào, cắn răng mà đi, nhưng đó lại là con đường ngắn nhất.
Vũ Quần Phương: Nhưng dẫu sao, phải nhận lối làm thơ của Vũ nó được nhiều, và nó có cái vẻ cụ thể của nó.
Nhàn: Ở Vũ, nó có nhiều câu như bắt được, chứ không phải nghĩ sẵn. Phải chuẩn bị cho mình sao để bắt được nhiều những câu như thế. Nó cũng là cái tài đấy.
Bằng Việt: Nó ở sự liên tưởng.

2/
Lưu Quang Vũ đã đi một quãng đường thật dài hay thật ngắn? Hình như trong đời sống là ngắn, mà trong văn thơ là dài. Trong đời sống, Vũ không khác những Nghiêm Đa Văn,Thi Hoàng là bao, dù Vũ tài hơn rất nhiều.  Bởi vậy lúc này Vũ có quyền nói “Bằng Việt bây giờ giống hệt tao mấy năm về trước”
Tôi hay nói Vũ là một thứ nghệ sĩ cũ lạc vào đây. Vậy thì nghệ sĩ cũ ấy bao gồm những điểm gì?
Hôm nọ, nói chuyện với Xuân Quỳnh: Trong bạn bè ta, liệu ai là người có một lối sống mới, lối sống đại diện cho những thanh niên từ nay về sau: Đỗ Chu trai làng, Phạm Tiến Duật phố huyện. Lưu Quang Vũ đô thị nhưng già quá (Xuân Quỳnh: Nó chỉ khác ông Thuận là ông Thuận rụng răng, mà nó còn răng). Bằng Việt thì cứng quá không nhạy bén, không chủ động trước những công việc của đời sống. Vậy thì ai, ai? Có ai làm thơ mà đã mang được nếp sống mơi của thời đại vào thơ.
Chưa có.
Sự khác nhau giữa Lưu Quang Vũ và Nguyễn Khắc Phục ở đâu? Nó cũng giống như sự khác nhau giữa Đỗ Chu và Bùi Bình Thi chăng? Không phải. Kia là giữa một người có tài và một người bất tài. Còn đây là một người hành động và không hành động.
Tôi cảm thấy Nguyễn Khắc Phục hành động hơn là Vũ. Vũ bao giờ cũng tìm những con đường khôn ngoan, dễ dãi mà đi (như trong cách kiếm việc làm hiện nay cũng vậy).Vũ nói ra nhiều điểm mà người ta cảm thấy vay mượn: cuộc đời Vũ không cho phép Vũ  nói những điểm đó.
Lại nhớ có lần Xuân Sách nói về Ngô Văn Phú: Phú nó nói nhiều câu quan trọng mà những người quan trọng hơn đáng nói, có mặt ngồi đấy mà không nói.
Tôi đã nói nhờ Vũ mà tôi yêu Aragon. Nhưng Lưu Quang Vũ cứ  thó của người khác từng câu một. “Mặt trời nhiều mây quá” là những câu kiểu Aragon, nhiều lần tôi nghĩ giá dịch Aragon nhiều nữa, thì Vũ sẽ biến báo được nhiều hơn.
Lưu Quang Vũ  nói Đỗ Chu xoay sở, ý nói Chu  cũ rồi. Đỗ Chu nói bọn Nguyễn Khắc Phục cũng nhảm. Nguyễn Khắc Phục, Hoàng Hưng lại nhận định khác về Đỗ Chu. Hoàng Hưng rất khen Đỗ Chu. Thực tế thế nào?
Tôi cảm thấy người nào trong chúng tôi cũng không phải. Người nào cũng biểu hiện một khía cạnh của thực tế, mà lại có một mặt không đúng của thực tế.
Nhưng làm gì có con người lý tưởng?
Bây giờ mọi người có vẻ san bằng quá, anh nào cũng đi như thế, cũng đọc như thế. Phải có anh chẳng cần đọc gì cả, chỉ đi. Lại có anh chẳng cần đi gì cả, chỉ đọc, mà nó vẫn làm ăn được thì mới khác nhau được.

3/
Vũ nói về Nguyễn Khắc Phục.  Tôi gặp ai đó một lần thôi, tôi có thể biết ai có tài không? Tôi gặp thằng Phục trước, rồi đọcHoa cúc biển sau.
 Đọc Hoa cúc biển thì thấy ít có tài hơn.
Nó là một người có tài thật, dù những cái nó viết hiện nay còn ngổn ngang chưa đâu vào đâu (Cái Biển và bãi lầy cũng không thật ghê đâu!) Nhưng mình vẫn tin là nó làm được.
- Đó là một người cẩn thận chứ không phải không đâu. Nó đến nhà tôi nó lấy quần áo của tôi mặc, vì nó biết rằng tôi có thể xoay quần áo người khác. Chứ không phải làm liều. Nếu biết tôi không xoay được thì nó sẽ không lấy. Gặp thằng Chu thường thấy nó ra vẻ lễ phép bưng nước cẩn thận, nhưng người ta không tin, vàChu không thế thật. Còn Phục, nếu mọi người ăn cơm ở một nhà, nó tìm cách xoay cho thằng kia phiếu gạo... Nó gửi tiền cho những thằng bạn nghèo... Bề trong, nó nhút nhát và rất sợ mất lòng mọi người.
Chu hay nói lếu láo về Đảng, về Trung uơng, về ông Đồng... Còn Phục, không bao giờ Phục nói về những cái ấy cả. Nó vẫn thấy thiêng liêng lắm.
- Tôi là một thằng làm thơ, tôi hay vứt thơ mỗi chỗ một tí. Thằng Phục cũng vậy. nó vứt cái nó viết mỗi chỗ một tí. Đang ngủ, nó xin tôi điếu thuốc, và dậy viết được một truyện vừa - viết không ráp gì hết. Hôm qua lên, nó giao cho tôi tất cả bản thảo, và dặn là phải rất cẩn thận.
Đọc văn Nguyễn Khắc Phục  có thể cảm thấy không hay, nhưng không bao giờ cảm thấy nó có những đoạn xoen xoét ra, như trong văn thằng Chu.
Tôi thường tự hỏi tại sao Lưu Quang Vũ thân với Nguyễn Khắc Phục. Vũ vốn khinh bạc, nhưng có thể chiều chuộng Phục, đến thăm Phục rất nhiều. Phục cũng vậy, về đến Hà Nội là về nhà Lưu Quang Vũ.
Tại sao, hay chỉ là vì hai cặp có tài (Lưu Quang Vũ + Nguyễn Khắc Phục = Đỗ Chu + Phạm Tiến Duật)
Ngày Phục đi, Vũ làm thơ tặng, Vũ ra tiễn và khóc.
Trông Vũ khóc thảm thiết, tôi ngờ rằng chính là Vũ khóc cho Vũ nữa. Hai người có những phần gần nhau, rất đặc biệt. Hơn nữa, đó là hai khả năng của một kiểu tài năng. Vũ thừa biết rằng mình mà dám đi, thì mình còn làm được nhiều thứ hơn tất cả những người khác. Vũ bạc nhược nên không làm được mà thôi. Một người nghệ sĩ cũ khóc vì sự không hợp thời của mình, mà không sao thay đổi được. Vũ khóc cho chính Vũ, đúng vậy. Phục cũng phải nhận: Mỗi đứa đã có một phần của nhau rồi.
Phục đi B, Vũ như mất một chỗ dựa về tinh thần của mình. Trong chúng tôi, có thể nhiều người hiểu Phục, nhưng không ai thông cảm và yêu, tin Lưu Quang Vũ như Nguyễn Khắc Phục.

4/
Nhiều lúc tôi cũng lạ cho các anh em bạn của tôi. Lưu Quang Vũ bỏ bộ đội về. Phạm Tiến Duật thì lăn lộn ở 559, Nguyễn Khắc Phục ở tàu biển Hải Phòng lên. Nhưng cả hai người ấy, về Hà Nội là ríu rít với Lưu Quang Vũ. Tại sao? Phải đó là ý thức về người nghệ sĩ, còn như lòng họ còn hướng về cái đẹp.
Có cảm tưởng như tôi không vào được với Lưu Quang Vũ và Nguyễn Khắc Phục. Tại sao thế? Tôi cũng không hiểu lắm.
Phục có bài thơ Tưởng tượng về một tình yêu. Xuân Quỳnh: Thơ hay đấy. Nhàn: Điều lạ là thơ Vũ bây giờ có hơi thơ Phục rất rõ. Xuân Quỳnh: Nhưng mà Phục nó trí thức hơn chứ. Hoàng Hưng: Ông Vũ chỉ muốn nghe ông Phục bịa ra những chuyện về biển. Như người thuỷ thủ chết thì mang vứt xuống biển. Làm gì có. Chính thơ Vũ về biển không bắt trúng chất về biển.
Trong một buổi tào lao khác.
Nhàn: Phục nó có câu hay quá “Sẽ có ngày mọi người nói hết ra mọi chuyện”Không biết của nó hay của ai không biết.
Vũ: Của nó thôi, chứ Phục là thằng không thèm trích của người khác đâu.
Huân: Phục là người sống khôn hơn ông Chu. ông Chu dại, có gì nói ngay ra mồm. Ông Phục thì biết lấy lòng mọi người, nói cái gì cũng đo đắn, rất sợ mọi người hiểu nhầm về mình (Chính Phục cũng rất ít khi về nhà, cũng ngại gia đình chăm sóc, mẹ chăm sóc... không thích đâu! ) Nhưng khôn thế, trước sau rồi cũng lộ. Đối với con gái, Phục cũng ngạo mạn. Tưởng là người ta yêu mình, và mình chinh phục được người ta. Phục hay nói chuyện với cô Chiến một người cũng rất ngang - ngồi trong lớp, 2 người cứ viết thư cho nhau, toàn xé phong bì ra viết thư, viết vào các đoạn chéo của phong bì, thế mới vui.
Hoàng Hưng: Nhưng Phục cũng hay cà khịa với mọi người, hay gây sự với mọi người, làm cho mọi người không bằng lòng... Phục rất thông minh, đọc chữ cũng hiểu ít thôi, nhưng đoán ra được nhiều. Nhưng cũng lại điệu, thích dùng chữ Pháp một cách không cần thiết.
Tôi hay kêu Vũ trong quan hệ với Lâm: Không thể có lối chơi không bình đẳng như thế được. Ai lại cứ một người nói một người nghe, một người viết rất nhiều, một người không viết gì hết, mà đi đâu, ở Hà Nội hay đi các tỉnh khác, cũng đi với nhau.
 Phục có lần tán thành: Giá kể chúng mình ai cũng làm được những điều tử tế thì hay biết mấy.
Nhưng Phục lại có một người bạn kiểu Lâm là Trần Thông. Việc gì Phục cũng nhờ Trần Thông, khi ăn uống, khi chơi bời, rồi có lúc lại mặc kệ. “Trần Thông đang ăn cơm ở nhà mình nhưng mình bỏ đi chơi đấy chứ!”
Đấy cũng lại là một trường hợp, một lý do gần nhau của Phục và Vũ.

5/
Hoàng Hưng: Phải biết sống với cả thời đại. Ở dân tộc mình, có thể là đang vui, nhưng chung ở thời đại là buồn, thì nó càng buồn tợn.
Lưu Quang Vũ: Có một cái gì thuộc về cảm giác thời đại thật, đến lúc ấy thì người 22 cũng nghĩ như người 50 tuổi, dù cho có thể đó là hạnh phúc của người 22 và bất hạnh của người 50.
Những ông lớn nhất của thế giới, mình xem mình đều hiểu cả. Còn những ông vơ vẩn thì mới có lúc mình không hiểu.
Bằng Việt: Thơ bây giờ nhiều người nói dóc quá. Bà Quỳnh: Anh đi con đường này không anh là nói dóc. Ông Phương:Hoa tuổi trẻ công bằng và độ lượng là nói dóc. Tôi chán thế rồi.
Vũ: Nó cũng là sản phẩm của ông mà ra cả...
Rồi thêm dạo này bắt đầu thấy ông Phương, bà Quỳnh nói đến việc đưa chất liệu thực vào thơ. Nhưng làm được như thế, phải có bản lĩnh lắm. Ở bà Quỳnh, đã thấy nhạt, ông Phương làm càng nhạt hơn.
Cũng Vũ: Tôi cảm thấy trong chúng mình có những ông như ông Bằng Việt đã già rồi, và ông ấy yên tâm trong sự già của mình. Còn như bà Quỳnh thì cảm thấy già, sợ cho sự già ấy, mà không tránh được.
Trong những ngày qua, tôi thấy Lưu Quang Vũ lại trở lại với những say mê nghiêm chỉnh: phải sống hết lòng, phải nói những điều tốt đẹp nhất của mình, phải cởi mở, phải tôn trọng người đọc...

6/
Thơ trẻ đã phân hoá. Bằng Việt đi vào sự phục vụ cung đình một cách bắt buộc nhưng vẫn là cung đình. Lưu Quang Vũ từ bỏ cái ngọt ngào xưa, đi đến những cái quyết liệt. Xuân Quỳnh nói những chuyện cá nhân mình mà qua đó, nghe vang vọng những điều của xã hội nói chung.

Xuân Quỳnh tự tổng kết  phải sống cho hết mình, ông Phương sống không hết, ông Bằng không, Vũ sống hết những cái vơ vẩn thôi. Chả ai sống cho hết cả. XQ nói tiếp tôi đề ra phương châm sống của mình: phải biết tận dụng tất cả những thứ sẵn có, phải sống hết những vốn liếng có thể của mình và của mọi người. Có những câu thơ viết như bắt được.Phải chuẩn bị cho mình sao để bắt được nhiều những câu như thế. Nó cũng là cái tài đấy.Thứ hai là phải sống cho thật, và bắt mọi người sống cho thật. Tôi tưởng tượng nếu vì một lý do gì đó, tôi phải đứng trước mọi người cãi nhau với họ, thì tôi nói tuột hết mọi thứ. Tôi sẽ lôi mọi chuyện trong mọi gia đình ra, tôi nói hết cho mà xem.
Xuân Quỳnh: Bằng Việt bây giờ có quan niệm về thơ lạ lắm. Tôi cứ dở sổ tay, tôi chép ra thôi. Khối tài liệu. Bà cho tôi mượn sổ tay của bà, tôi cũng làm được.
Cái mà ông ấy nghĩ ngay được, thì người ta đã nghĩ từ lâu lắm rồi.
Còn ông Vũ bây giờ lúc nào cũng nói thơ có ích, có ích. Thì cũng là chuyện có từ lâu lắm. Chính nói chuyện với Vũ nhiều khi rất khó khăn. Khó nói vì nó chẳng biết gì cả, chỉ nói lại.

7/
Hoàng Hưng:
- Gọi là phân hoá thì cũng không hẳn. Bọn trẻ có gì mà phân hoá.
Có một số ông, tôi vẫn không coi là những nhà thơ. Gọi là nhà thơ thì phải có cái gì đó, rồi mới mong người ta nói tới mình được.
- Bây giờ những người như Bằng Việt, Xuân Quỳnh là cái loại tiêu biểu rồi. Họ rơi vào cái thế cưỡi hổ không viết không được, không nổi tiếng không được (Những ông như ông Vũ Quần Phương thì tôi chưa tin). Tức là họ phải chính thống.
Còn một loại thứ hai như Lưu Quang Vũ cứ đổ hết được mình ra như vậy cũng tốt. Tôi cũng không phản đối là ông ấy có thể làm thêm, những bài phát biểu, viết truyện cho thiếu nhi để kiếm sống.
Ai đó nói bây giờ Bằng Việt hết thời rồi, Duật thì chưa bao giờ được coi trọng. Lưu Quang Vũ là người còn được ưu ái. Chính Duật cũng là thuộc loại Xuân Quỳnh, Bằng Việt, nhưng bây giờ họ chưa chán.
    Vũ cũng nói
   - Tôi cảm thấy trong chúng mình có những ông như ông Bằng Việt đã già, và ông ấy yên tâm trong sự già của mình. Còn như bà Quỳnh thì cảm thấy già, sợ cho sự già ấy, mà không tránh được.

Trong những ngày qua, tôi thấy Lưu Quang Vũ lại trở lại với những say mê nghiêm chỉnh: phải sống hết lòng, phải nói những điều tốt đẹp nhất của mình, phải cởi mở, phải tôn trọng người đọc...
Nhiều vấn đề đặt ra trong đời sống hiện nay trở lại vị trí của nó trong cuộc sống của chúng tôi. Và bằng những con đường khác nhau, mà mọi người đều đi đến con đường đó.
Ví như lâu nay, tôi không trao đổi với Vũ về một số chuyện. Tưởng mỗi người một con đường. Thế nhưng khi gặp lại, điều chúng tôi nói tới lại giống như nhau. Cuộc sống đã bắt mọi người nói những điều giống nhau như vậy

8/
Một người tỏ ra “bản lĩnh” nhất trong những người không bản lĩnh - đó là XYZ người bạn rất chững chạc của bọn tôi. Còn một người tỏ ra không bản lĩnh nhất trong những người có bản lĩnh - đó là Lưu Quang Vũ.
Thơ Vũ thay đổi: mỗi lần Vũ đưa ra một cái gì, thì y như cái đó như là của thức thời nhất, mốt nhất rồi. Chỉ đến khi Vũ đưa những thứ khác nữa ra, thì mới rõ ràng là thứ cũ không phải như thế.
Xuân Quỳnh: Lũ chúng mình thật nhố nhăng.
Nhàn: Vì thế, mới không thể nào xa được Lưu Quang Vũ.
LQNgọc (về Vũ): Thằng này có một cái tội là rất hay giấu bạn bè. Không bao giờ nó nói hết những điều cần nói với bạn bè. Hôm nọ tao phải bảo: Mày nên nhớ rằng bạn bè không thông minh bằng mày thì cũng gần bằng mày...
Nhưng mà Vũ là thằng rất buồn. Nó cay đắng mà nghĩ rằng: Giá nó ơ địa vị như Phạm Tiến Tuật thì nó còn làm được nhiều hơn Phạm Tiến Duật nữa. Nó biết hiện nay nó mất thế lắm (Nhưng phải đến với Bằng Việt, Vũ mới nói một ít “thèm đăng” của mình, một cách rất chân thực, có thể là hơi nhục nhã nữa, nếu ai ở ngoài làm thế, chắc Vũ khinh phải biết)    

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn