VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Vài đoạn ghi chép về LQ Vũ - kỳ 3

1971

Những ngày dự hội nghị
những người viết trẻ.
Trước khi họp, Vũ nói nhiều điều nhưng tôi nhớ hơn cả là mấy câu về tôi, mà lại nói ngay với Chu
-- Họp mặt viết trẻ lại không có tao, không có Chu nữa, thì để toàn những người như thằng Nhàn thôi à.
... Ông Nhàn mở đầu bằng việc viết ca dao, và kết thúc bằng việc kết nạp đảng.
Mặc dù cay cay mũi tôi vẫn  chịu đựng được, chẳng phải là đã nhiều lần Vũ bốc tôi một cách quá đáng, nào tôi có phản ứng gì đâu.Vả lại trong thâm tâm tôi còn cảm thấy Vũ có quyền nói thế.

Tôi quen Vũ đầu 1967, khi đến chỗ anh Chính Hữu Phòng văn nghệ, rồi kéo nhau về nhà Vũ chơi. Dạo ấy nhà đi vắng cả. Tôi lại đang theo Đoàn Kịch Quân đội về sơ tán ở 18 Trần Hưng Đạo nên đi bộ sang rất tiện. Hai đứa nấu nướng ăn uống với nhau, Vũ luôn luôn khoe những chỗ mắm mà ông bố Vũ mang về: “Bố tôi dân khu 5, mẹ tôi mới chính là người Hà Nội.” Những buổi tối ngủ nhà Vũ, thức đến 2-3 giờ, hai đứa phanh ngực ra hứng gió, đến nhà ga uống cà phê. Những tối Đoàn kịch đi biểu diễn vắng, tôi gọi nó đến, lấy bánh cuốn lên ăn, chị Thức đi biểu diễn về, cười : “Hôm nay chỉ lo Nhàn ở nhà một mình buồn, có bạn đến chơi thích quá còn gì”.
Tôi tự hỏi có cái gì để đến với các bạn. Tài năng thì...chênh lệch quá. Nói ra chỉ tội nghiệp cho bản thân. Có lẽ chỉ còn lòng tốt. Nhưng hồi đó, sao thấy Vũ gần mình thế. Vũ kể chuyện một lần vào một ga nhỏ, thấy mấy thằng học sinh sơ tán ngồi ăn, trông nhếch nhác quá không chịu được. Phải bỏ đi ngay, không thì phát khóc mất.  Chúng tôi nói chuyện về những người đàn bà tội nghiệp ,về tình yêu đầu tiên, về những ngày đi học thanh bình. Đọc nhật ký của Vũ nữa, trong nhật ký toàn thấy chuyện đi chơi, chuyện học vẽ, chuyện buồn. Nhưng cũng thấy nổi lên là một cậu học trò ngỗ ngược. Mãi mới vào Đoàn, vì coi khinh mọi người, và có lý lẽ hẳn hoi rằng không phải mình không hoà vào họ, mà là mình cao hơn họ. Khinh ghét tất cả bọn cán bộ ở lớp... Rất thân với các cô con gái, khi học với các bạn ấy tự nhiên  chuyên cần hẳn lên. Chính Vũ còn cáu giận khi nghe một người bạn tỏ ý chán ghét tất cả mọi thứ chung quanh. Do Vũ còn nhớ rất nhiều những ngày kháng chiến trên Phú Thọ nên không bao giờ chấp nhận một thứ hoàn toàn hư vô chủ nghĩa như thế. Ngày máy bay Mỹ ném bom, cũng là ngày Vũ nghĩ mình phải đi bộ đội, chưa học hết chương trình phổ thông đã xin đi.
Tôi bảo Chu:
- Tao rất thích đọc nhật ký của nó.
 Quả thật, tôi đã mang những tập nhật ký đó lên Hương Ngải, lúc nào buồn lại dở ra đọc lại, nó như một lời thúc giục mình phải sống thẳng thắn, đàng hoàng. Chu bảo:
- Nhưng mà đéo thật đâu. Tao cũng viết nhật ký rồi tao biết, chẳng qua nó  là một thứ vuốt ve mình.
Tôi bắt gặp một cảm giác là lạ ở mình, một cảm giác như là thầm ghen với Vũ. Vũ nó được ấp ủ từ rất sớm trong một không khí văn nghệ thật sự. Nó viết được cũng là phải. Hình như khá nhiều anh em quen cũng bảo thế. Quả thực, trong Vũ có bao nhiêu kỷ niệm, Vũ là đại diện của những người nghệ sĩ cũ, giữa lớp thanh niên bây giờ, trong đó có cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Vũ kể chuyện ngày nhỏ có lần Vũ theo ông Tuân đi viết Sông Đà. Một hôm, trên một chiếc thuyền, ông Tuân chỉ ánh lửa trong rừng:
- Cháu có biết nó có cái chất gì không?
- Chất sơn dầu.
- Đúng, đúng, nó là cái chất sơn dầu.
Vũ kể ông Tuân đúng là một người rất thạo chuyện chuẩn bị đi xa, con người sống trên đường suốt đời đấy. Trong túi không bao giờ thiếu một cái gì cần cho các chuyến đi.
Vũ đã từng học vẽ ở ông Nguyễn Văn Tỵ, Mai Văn Hiến. Vũ đã có thơ đăng từ năm 10, 11 tuổi, thơ làm xong chép vào một quyển riêng, tự Vũ trình bày bìa. Và Vũ sớm biết uống trà, hút thuốc lá, pha cà phê phin. Vũ kể chuyện thì cứ lăn ra mà cười: Một gánh chèo ở địa phương lên diễn ở trên này, hát những bài hát cũ nhất: hội ca cầm là hội ca cầm, (theo điệu hành vân...), trong đó có những câu: chúc các cậu các mợ kiếm nhiều lời, mặc quần pijama , như quan ba quan tư... Rồi Vũ kể cả chuyện hồi người ta đấu nhân văn giai phẩm, ở cái phòng lớn  51 Trần Hưng Đạo. Vũ trèo cây ổi ngoài sân xem, thấy người ta cãi nhau loạn xị lên, hái được ổi không thèm cho những người đang thắng thế, mà mang cho những ông bị đấu kia...
Bây giờ đây, trong phòng của Vũ, còn thấy bầy những bức tranh Vũ học từ nhỏ, như học theo hoa huệ của Tô Ngọc Vân, như minh hoạ một công chúa Ấn Độ... Và cả những tranh hơi cũ một tí, tranh người đàn bà khoả thân, tranh nào gái ngực cũng xệ xuống, ngồi đánh dương cầm. Vũ vẫn còn thích những cái như thế lắm.
....
Ng Khải là một người trong ban tổ chức hội nghị những người viết trẻ. Sau hội nghị Khải kể: Tôi đề nghị bên Hội cho Vũ nó lên miền kinh tế mới. Về cuộc chiến đấu của dân tộc, thì đã có Duật. Chính là cái khâu đời sống miền Bắc, cũng cần có những tay viết tốt chứ.
Cũng Khải: Chính các ông là các ông cổ, các ông giống chúng tôi thôi.
Trong các ông, những tay như tay Hân tôi thấy rất dễ hỏng, rất dễ trở thành như ông Trọng Hứa. Nó biết nhiều quá đấy, nhưng lại toàn là những thứ không phải của nó, những từng trải không phải của nó, nó nghe người ta mà nói lại.
Thứ hai, tức là nó nhìn ai cũng ra những chỗ dở, những chỗ không đâu vào đâu của người ta. Rồi chính nó nhìn mình cũng vậy, thằng này viết ra thì cũng chỉ không băng lòng, chỉ chán, chỉ xé đi mà thôi.
Rất dễ hoá ra một thằng bông phèng, một thằng chán mình.
Bằng Việt: Thằng Hân nó biết nhiều quá, hoá ra khinh bạc, còn thằng Vũ nó không biết gì nên hoá ra kkinh bạc.Thằng Lâm tốt bụng, đến nỗi để người ta lợi dụng, và tốt quá, nên cho người ta phát chán
Thằng Vũ chả ai chơi với nó, nên nó quý thằng Lâm đấy thôi.
Quỳnh: Những thằng như  Vũ khinh bạc cho nên nó cũng nghèo chứ không giàu đâu.
 Quỳnh nói tiếp: Những người khinh bạc thường tự làm cho mình nghèo đi. Như tôi thấy thằng Vũ, nó nói rất thông minh, nhưng rồi loanh quanh cũng chỉ có một số món nhất định.

25/6
 Tôi có thành kiến với Lưu Quang Vũ không? Lại một lần nữa, tôi hỏi mình về Vũ như trước đây đã từng hỏi về Phạm Tiến Duật. Tại sao, tôi vẫn có cảm tưởng rồi mọi chuyện cũng thế thôi, Vũ cũng không thể nào đi xa được. Một người bình thường đã phải có những phẩm chất tối thiểu như trung thực, ham hiểu biết, không dối trá.Ở Vũ mọi chuyện đến đâu.

18/10
 Mức độ nổi tiếng của một người trong xã hội bây giờ được do bằng những tin đồn thất thiệt liên quan tới người đố. Có tin Vũ dinh tê. Chắc không phải, tôi không tin thế. Nhưng tin ấy rơi vào  Vũ, cũng có lý do của nó.
Phạm Tiến Duật: Mình về chán quá, chán mà sinh ra lấy vợ. Nhiều tin đồn nhảm thật... Nhưng mà làm việc như Nghiêm Đa Văn không được đâu, Nghiêm Đa Văn cứ phân tán sức lực của mình như vậy, rồi ai biết là sẽ đến đâu.
Vẫn Duật
Nói cho cùng mình không ưa Vũ. Vũ ác quá và Vũ là một thằng ích kỷ (và thứ ích kỷ cũ quá- Nhàn)
Nhàn: Có rất nhiều người bạn mà ta quý và phục hơn là ta mến thương- hôm qua ta tưởng như người bạn ấy nghĩ giống ta, hôm nay mới biết rằng ta nghĩ khác.
Lâm Quang Ngọc: Nguyễn Khắc Phục có cái phần bạt mạng của nó, có cái phần mà do không học hành gì, cho nên nó lại không bị kiềm chế bằng bất cứ cái gì.

Xuân Quỳnh: Tôi chán thật, lắm lúc cứ thấy xót ruột, như người nuốt phải dấm, cái cảm giác ấy thật là ghê sợ.
 Vũ là cái thằng khinh bạc, chửi mọi thứ, rồi lại làm theo những thứ đó. Nhưng Vũ  đã có triết lý sống của nó.
Còn tôi, tôi không có triết lý như thế, tôi chưa làm nổi. Nhưng tôi đau khổ vì chưa tìm ra triết lý của mình.

Riêng tôi tự nói với mình
 - Nếu như  Vũ cứ ngây thơ như hồi Hương cây, thì tôi lại cảm thấy dễ chịu. Tôi sẽ nhớ đến như một hồn thơ dịu dàng, nhẹ nhõm, nó an ủi tôi trong những thoáng buồn. Bao giờ một thứ Essênhin như thế cũng có chỗ đứng trong cuộc sống.
Nhưng Vũ lại đập vỡ mình theo cách những tập thơ sau này, như Ngọc nói, Vũ định làm một người mang những bi kịch của thời đại, một người u ám, một người rách xé, và cần thông cảm.
 Vậy thì Vũ sẽ đi đến đâu?
Người ta cũng có thể thay đổi, nhưng mà phải là thay đổi trong sự vươn lên.
Nếu như trong khi cho phép mình thay đổi, người ta lại thả lỏng mình, thì đó là một điều kinh khủng.

Những ngày sơ tán trở lại, tôi thấy phục những Tính yêu và báo động, Về Nghệ An thăm con của Bằng Việt
 Vũ: đó sẽ là những bài còn mãi khi nghĩ đến văn học những năm này.


 1972
Tháng 9, khi tôi vừ từ những làng xóm Triệu Phong Hải Lăng trở về, Vũ nhao đến ngay.
Vũ: Cái thu hoạch chính của ông trong một chuyến đi là cái gì? Người ta có thể tránh được cuộc chiến tranh này không?
Nhàn: Không thể tránh được. Ở miền Nam, tôi thấy thằng Mỹ khốn nạn. Tôi thấy cái nhục dân tộc, cái nhục ở cả hai miền Nam Bắc.
Tôi thấy bọn thanh niên miền Nam nó làm ăn cũng không phải là chuyện thường - vì thế, thanh niên mình ngoài này phải làm gì cho xứng đáng một chút.
 Vũ: Những tay viết truyện ngắn trong miền Nam viết bợm lắm, không kém gì thằng Chu ở ngoài này đâu, hơn nhiều là khác.

Xuân Quỳnh: Nhiều khi người ta thấy nhục mà phải chiến đấu. Tôi cũng thấy nhục, ở Thái Bình, máy bay Mỹ bay đi doạ mình, bay sạt nóc nhà, trẻ con khóc re cả lên.
...
Cũng Quỳnh cho biết gần đây, Vũ viết 3000 câu thơ về đất nước. Có nhiều câu cảm động, nhưng có nhiều chỗ cũng bốc quá, nói những chuyện mà Vũ không hiểu.
Vũ có nhiều quan niệm mà tôi thấy là sai, nhưng tôi không đủ lý lẽ để bẻ lại. Ví dụ như Vũ bảo: Làm thơ là luôn luôn thức tỉnh, làm cho người ta luôn luôn không thoả mãn, thế thôi. Hôm nay làm cho người ta không thoả mãn với hôm nay. Nhưng khi cái hôm nay đã thoả mãn, thì người thi sĩ lại gây cho người ta bất mãn, lại thức tỉnh người ta - và mọi điều cứ thế, tiếp tục không thôi.
Hoặc như là về cuộc đời này Vũ nói ra những điều mà chính tôi không dám nói.

Cũng Quỳnh: Tôi mất lòng tin nhiều quá. Còn Vũ lại bảo tôi chưa bao giờ có lòng tin để mà mất, lúc nào, Vũ cũng cảm thấy như bị khinh rẻ, như người ta sẽ mắng vào mặt mình, cảm thấy như bị chà đạp.
Cái tôi kinh nhất ở Vũ: Vũ không bao giờ cảm thấy ân hận, cảm thấy có lỗi trong một chuyện gì cả. Còn tôi, lúc nào tôi cũng cảm thấy một cảm giác rất ân hận.
Nhưng Vũ cũng không phải quá đáng như ông Nhàn tưởng đâu. Vũ cũng có chịu khó đọc. Những cái mà nó cần biết chẳng hạn.
... Tôi phục Vũ thật. nhưng tôi nghĩ có nhiều đề tài, tôi hiểu hơn Vũ và tôi có thể làm hơn Vũ.


Vẫn Quỳnh: Về thời sự tôi đã phải cãi nhau với Vũ mãi. Nghe Vũ nói, thì cứ như phải hoà bình luôn đi, hoà bình với bất cứ giá nào.
 Nhưng mà nó bắt bí mình không chịu được (Cũng như hồi trước, mình chụp một cái ảnh đặt súng trên vệ đê, nó cứ xoay đi xoay lại hỏi mình, nhục lắm.)

Vũ: Bà muốn người ta đánh nhau, để sau này  làm thơ chứ gì.
Quỳnh: Sao Vũ lại nói thế. Tôi không phải người đứng ngoài. Nếu người ta cần, tôi có thể làm được mọi chuyện hôm nay người ta cần.
Cánh trẻ bây giờ mới có những tay mà làm cho người ta mến và thấy bợm, vì sự bắt chước giỏi, chứ chưa phải đấy là sự phát hiện ra cái gì mới.

   Đọc thơ Vũ gần đây, Nguyễn Minh Châu bảo cái xô bồ cũng có phần đơn điệu.
  Hôm nay lại bảo:   Thằng này đúng là thằng tài hoa thôi, nhưng nghĩ lại thì cũng thấy nó nói lung tung không đâu vào đâu.
   Thơ căn bản là hình ảnh, nhưng mà cứ làm xiếc vậy thôi, rút lại thì chính hình ảnh không đủ.
   Tôi thấy nghe nó đọc cũng mệt, đọc bằng mắt còn mệt nhiều. Đọc bằng mắt phải dàn mặt với từng chữ một.
   Cứ thế này mà đọc 3000 câu thì chán lắm.
… Vũ sao lại so sánh với Evtuchenco được. Thằng kia nó thực sự cầu thị hơn chứ. Vũ không thực sự cầu thị lắm.
Trông thằng Đỗ Chu mình chả hiểu rồi nó sẽ ra sao. Về xưởng phim nữa, thì cũng thành ra lố bịch như mọi người. Chính hồi nó viết Phù sa, nó lại tĩnh trí hơn bây giờ.
 Bằng Việt trông nó cứ yểu yểu như thế nào đó. Từ hồi ông ấy đi Trường Sơn về đến giờ, thấy ông ấy càng nhảm.
Cái cô Quỳnh này, bây giờ nhiều bài đã lặp lại rồi, cái phần thực chất chỉ có thế.
Lưu Quang Vũ không chỉ tài hoa. Chính là Vũ nó đi hết được một cái gì đó, theo con đường của nó.

Đỗ Chu: Bây giờ thì tất cả hỏng hết rồi. Trách nhiệm ở tôi, ở anh, ở tất cả mọi người. B52 nó đánh hết đi cũng được. Không còn gì cả. Làm mọi thứ cho xong chuyện đi thôi.
Vũ: Anh nói thế để làm cho mình yên tâm và rũ bỏ trách nhiệm đi thôi. Anh vẫn phải nghĩ rằng anh có thể làm tốt hơn để anh có sức chứ. Nghĩ mọi thứ ù xoẹ đi, là có tội đấy. Tôi chỉ muốn thành thực. Còn tôi không nói về tài năng. Tôi cũng không nói về mức độ nói được chân lý ở mỗi người.

Nhàn: Theo ông đánh giá anh em mình thế nào
Hoàng Hưng: Tôi tin ở những người viết theo cách hiểu chân thành của mình. Khi một người viết chân thành, thì dù là họ đi theo ngả nào điều đó cũng đáng quý.
Xuân Quỳnh: Ông Bằng Việt là ông lúc nào cũng tìm được lý cho mình sống.
Viết ít “chậm nhưng mà chắc”
Viết nhiều - Mình cứ làm ào đi...
Không đi thực tế - “đi bây giờ là cái mốt” .
Rồi đi “Đi cũng nhiều chuyện cảm động lắm”.
Bằng Việt bao giờ cũng có một nét mặt thoả mãn, một tâm lý thoả mãn, cách nghĩ của một người thoả mãn. (Bây giờ anh ta đã hơi bề trên, đã tỏ ra thông cảm với những người không may!)
Tính thoả mãn hiếm hoi ngày nay, cũng đã có ở ngay những người làm thơ, làm văn nghệ?
Còn như Vũ, Vũ rất cần tình cảm, chẳng lúc nào thiếu tình cảm, nhưng lại chẳng thấy tình cảm nào là thiêng liêng. Vũ không coi trọng một cái gì hết, kể cả tình cảm đối với con nó đẻ ra (có lần thằng bé không ai đón, 9 giờ bà giữ trẻ mới dẫn về nhà).Kể cả tình cảm với mẹ Vũ (Bà Khánh nhịn quà sáng cho Vũ ăn. Vũ: Tôi biết đâu, thấy bà ấy để đấy thì tôi ăn chứ gì).
Giá kể Vũ thích một cái gì đó, thì có thể Vũ cũng làm được. Nhưng nó không thích một cái gì. Đó mới là điều đáng sợ. Đi giữa bạn bè cũng buồn. Trông nom hạnh phúc gia đình cũng buồn. Làm việc thì càng buồn rồi. Người đã đi hết mọi điều rồi. Ví dụ như bây giờ Vũ có thể lấy Hiền, nhưng một thời gian nữa, họ cũng đến bỏ nhau thôi .Người đàn bà nào cũng cần chỗ để thương yêu!

 Vũ: Tao đã để ý xem rồi, chả có điều gì đọc mà mình không hiểu. Xem một tay trí thức miền Nam, như tay Hoàng Phủ Ngọc Tường chẳng hạn. Nó có thể biết nhiều thứ hơn mình, nhưng chẳng thứ gì kỹ cả, bàn kỹ từng cái, mình vẫn được.
Xuân Quỳnh vẫn là tài năng nhất trong đám nhưng là một tài năng đàn bà.
Nhàn: Bà ấy luôn tỏ ra khao khát một cái gì đấy, nhưng khao khát gì thì không biết rõ.
... Chính là bà Quỳnh vẫn chỉ ăn ở một cái gì cũ: ăn ở sự xúc cảm.
Vũ: Và gu thì nhố nhăng lắm!
Còn Bằng Việt công chức và tĩnh (Có gói kẹo cơ quan bán cho, để từ đầu tháng, đến cuối tháng mới ăn hết. Mỗi ngày một cái).
Nhàn: Bằng Việt tỏ ra tri thức, và có tri thức thật, nhưng lại không luôn luôn được tiếp sức, không phải là một thứ được đầy lên thường xuyên.

Tôi nói vơi Vũ một điều mà tôi cảm thấy lờ mờ rằng rất quan trọng:
-- Loại người như  bà Quỳnh, ông Bằng có lẽ là một thứ con đẻ của xã hội này, có ai chọn được bố mẹ. Còn ông, ông thấy cần đặt  những vấn đề ở một vị thế khác thì tuỳ ông.
Vũ:
-- Ông nói thế thôi, chứ chính tôi cũng rất gắn bó với đất nước này chứ? Tôi còn đi đâu được?

Tôi nghĩ thêm, cái cách đóng góp của người viết bây giờ, nhiều khi cũng chỉ là đóng góp như kiểu Nguyễn Du ngày xưa.
Tức là anh nói về cái lầm lụi cay đắng của đời sống.
Anh nói về cái tình cảnh chung, và mong tìm được sự thông cảm.
Còn cách giải quyết, thì anh có biết gì đâu.
Nghĩ thế mà chịu không sao nói được rõ ràng với Vũ. Mà chắc gì Vũ đã nghe.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn