VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thói hư tật xấu người viết văn viết báo thời tiền chiến dưới mắt Thạch Lam


Điểm việc
                                         VU CÁO
Trên mặt tờ báo ở bên ta - và cả ở bên Pháp - những việc làm báo hèn nhát mượn ngòi bút để nói xấu và vu khống một người thù, đã là một sự quá thường chúng ta thấy hàng ngày. Tuy vậy, mỗi lần có sự đó, ta vẫn không khỏi lợm, vì sự vu khống trên mặt báo, sự bịa đặt những điều vu vơ để hại người, vẫn là một công việc xấu xa và bẩn thỉu nhất mà một người viết báo có thể phạm được.

Huống chi lại đối với một người đàn bà! Sự cố ý ở đây còn hèn nhát một bực nữa.
Một tờ báo chữ Pháp, trước đây đã hân hạnh có một người chủ nổi tiếng trong báo giới, và gần đây chủ trương bởi một người đang lo lập lại địa vị mình, tờ báo ấy đã làm cái việc nhát sợ là đi nói xấu và vu cáo một người đàn bà. Kẻ trợ bút trẻ tuổi ký tên dưới bài đó, có lẽ không biết cái năng lực của bài viết; kẻ đó có lẽ chỉ nhắm mắt vâng lời ông chủ, hoặc muốn làm thoả hộ cái lòng ghen tức của một vài người bạn riêng. Nhưng người chủ báo kia hẳn có nhiều cớ để làm cái việc nhỏ nhen ấy, mà cái cớ chính nghe đâu cũng không khác là muốn lấy lòng một người quyền thế có tư hiềm với người bị nói xấu, một người quyền thế mà ông chủ kia phải cần đến sự giúp đỡ ngay trong địa hạt cai trị của người ta.
Biết rõ những mánh khoé đáng bỉ ấy, việc làm của tờ báo kia càng đáng khinh; nhưng bất cứ nguyên cớ nào, sự vu cáo bao giờ cũng là việc xấu nhất trong đời một người viết báo. Ở đây, công việc ấy thêm hèn nhát và lẩn lút, vì họ biết rằng người đàn bà, trong nhiều trường hợp và nhất trường hợp này, không đáng sợ. Nên họ đã không ngần ngại gì mà dùng hết cách để mua lòng người có thể giúp họ, trong khi họ đã không dám dùng những khí giới đó, vốn quen rồi, để đối phó với người kình địch tranh giành địa vị. Nhưng tôi phải nói thêm rằng trong cái hạt mà họ đã chọn ấy, họ không có kình địch nào cả.
Ta phải lo sợ lúc nghĩ đến tư cách con người ấy. Khi mà chỉ muốn tranh một địa vị chẳng lấy gì làm quan trọng, họ đã dùng đến những phương pháp như thế, thì đến lúc tranh cái địa vị cao hơn, còn có việc xấu gì nữa mà họ từ? Với lại chúng ta cũng đã quen nhưng cách hành động ám muội của bọn này rồi.
Làng báo ta đã bị khinh rẻ và vị chỉ trích nhiều rồi, không nên có những sự xấu xa thêm nữa. Mà làng báo ta có bị khinh rẻ chính cũng bởi những kẻ không lương tâm đã làm mất tiếng. Đến bao giờ sự thẳng thắn chính trực và trong sạch mới được để chân trong tâm hồn họ?
Chúng ta chắc cũng không còn chỗ nữa.
Số 117 3-7-1938

                                           BÀN QUYỀN TÁC GIẢ         
Người đánh cắp văn
Trên tờ báo này, tôi đã kể cho các bạn nghe câu chuyện may đã xảy đến cho tác giả bài Titine, mà Charlot đã hát trong phim Les temps Modernes.
Nguyên bài Titine là một bài ca rất xoàng, được người ta hát đến một độ. Tác giả bài ấy là một nghệ sĩ nghèo nàn, cứ tháng tháng đến hội sở các nhà nhạc sĩ và kịch sĩ (Société des Compositeurs et Auteurs dramatiques) lĩnh một số tiền nhỏ mọn độ vài quan, là tiền bản quyền của bài hát kia. Ở bên Pháp, mà khi người ta hát đến bài ca nào, lại phải trả tiền bản quyền tác giả. Nhưng, như trên đã nói, bài Titine rất xoàng, không còn mấy ai hát đến nữa. Bởi vậy tác giả chỉ được vài quan thôi.
Nhưng một hôm đến hội sở, nhà nghệ sĩ hết sức ngạc nhiên và sung sướng khi thấy người ta đưa cho số tiền 20.000 quan. (2000p. Thì ra Charlot đã hát bài đó trong cuốn phim tuyệt tác kia, và cứ mỗi bận đem chiếu, tác giả Titine lại được một số tiền.
Đó là chuyện ở bên Âu-Mỹ.
*
Ở nước ta, các nhà nghệ sĩ trái lại là hạng người bị bóc lột nhất. Chúng ta chẳng còn lạ gì những cách buôn bán của các nhà xuất bản, đã làm giàu bằng  buôn rẻ tác phẩm của nhà văn. Trong khi ông này bệ vệ trên ô tô, thì nhà văn mà họ thí cho số tiền một hai chục bạc, vẫn nghèo nàn khổ sở.
Tôi đã được người ta nói chuyện một nhà văn kia, vì cần tiền mua thuốc cho mẹ ốm, phải gạ bán một tác phẩm cho nhà xuất bản. Ông này lợi dụng cơ hội hết sức dìm giá. Nhà văn đành phải gạt nước mắt mà chịu và khi ký tên dưới bản hợp đồng, đã phải thốt ra câu này với nhà xuất bản:
- Vậy mà trước kia ông cũng đã là một nhà văn!
Không biết cái bụng béo của nhà xuất bản đó có rung động tý nào khi nghe câu nói chua chát ấy không?
*
Ở đây, hình như người ta không bao giờ nghĩ đến tác giả, và coi tác giả như không có quyền lợi gì về tác phẩm của mình.
Biết bao nhiêu ban kịch đã diễn, và còn diễn, những vở kịch của các kịch sĩ, mà không chú ý gì đến tác giả. Họ cứ tự tiện mang các vở kịch ra diễn, nhiều khi không bảo cho tác giả biết nữa. Tiền thu được bao nhiêu ban kịch bỏ túi riêng với nhau.
Ấy là những ban kịch diễn lấy tiền cho mình. Còn nhiều khi diễn vì việc nghĩa, họ như cho rằng tác giả không có quyền lấy tiền. Tại sao?
Tác giả không phải là người cần sống ư? Tác giả nhịn đói viết văn ư? Với lại lấy tiền hay không là quyền của tác giả, ban kịch có quyền định đoạt gì về việc ấy?
Những kịch của Khái Hưng, của Tú Mỡ, và nhiều của kịch sĩ khác, người ta diễn đi diễn lại nhiều lần số thu kể cũng khá. Vậy mà tác giả không được gì. Người ta hoặc im lặng, hoặc tìm cách nói đãi bôi cho xong chuyện.
Không, phải trả tiền bản quyền cho các tác giả. Không thể để họ ăn cắp mãi được. Một kịch sĩ nói trên sẽ nhờ pháp luật can thiệp để đòi lại quyền lợi của mình.
Người ta bảo có tác giả không cần lấy tiền bản quyền ư? Không, một nhà văn không có quyền từ chối cái quyền lợi ấy; nếu nhà văn giàu, không cần tiền, nhà văn đó cũng phải làm cho người ta trọng cái bản quyền tác giả. Vì còn nhiều nhà văn khác, và cái bản quyền ấy phải được người ta coi là một quyền lợi không thể xâm phạm được.
*
Trong Cánh đồng Ma, một vai trò có hát mấy câu; những câu đó ở một bài ca mà Xuân Diệu làm từ năm 1931, khi còn là cậu học trò ở  Quy Nhơn.
... Đêm nay cái đêm gì?
Mai ta ngồi mỗi nơi
Thương thay lúc phân kỳ
Vì ai lệ nhỏ rơi?
Trông bóng trăng trong vắt
Lòng ta đau như cắt.
*
Vậy mà họ đã dùng bài ca ấy như một vật bắt được giữa đường vậy. Ngay đến tác giả Xuân Diệu cũng không biết là người ta đã dùng bài ca của mình, đến khi có một người bạn bảo cho hay.
*
Kết luận: Các nhà văn phải họp nhau lại để bảo vệ quyền lợi chung và riêng của mọi người Không thể cho bọn lợi dụng lấy công khó nhọc của nhà văn làm cái lợi của mình nữa. Không để cho các nhà xuất bản vô lương tâm xây nhà và tậu ô tô bằng văn phẩm của những nghệ sĩ nghèo nàn nữa.
Mỗi khi có buổi diễn kịch, bình văn lấy tiền, hay hoà nhạc, người ta phải nhớ đến bản quyền của tác giả. Một bài văn, hay một bản đàn, lúc nào cũng là vật sở hữu của người đã tạo nên. Không ai được quên điều đó, nhất là trong khi thu lợi riêng cho mình.
Số 133 22-10-38

                          PHẬN SỰ
Gần đây, mấy tờ báo hằng ngày đều có tường thuật buổi hội đền Và ở Sơn Tây. Nhưng không đăng ảnh. Vì ở hội Và, người ta cấm chụp một cách rất chặt chẽ, và phũ phàng nữa (Năm ngoái có vài nhà nhiếp ảnh bị đánh). Mấy phóng viên của các báo kia nói tới sự cấm đó để giải nghĩa sự không có ảnh trên báo.
Nhưng sao thế nhỉ? Bổn phận một nhà phóng viên chính là phải chụp được ảnh những nơi không ai chụp được. Sự cấm đoán càng nghiêm khắc bao nhiêu, sự khó khăn càng lớn bao nhiêu, người phóng viên lại càng phải cố mà chụp được: họ để danh dự của mình trong việc ấy, tự bắt buộc phải vượt qua hết những khó khăn và trở ngại. Chứ không thú sự bất lực của mình một cách rụt rè như thế.
Ở bên Mỹ, trong các vụ án quan trọng, các buổi hội họp bí mật về chính trị, buổi xử tử một tội nhân, người ta đều cấm chụp, và ta có thể đoán sự nghiêm cấm sẽ cẩn thận chặt chẽ thế nào. Vậy mà các phóng viên Mỹ vẫn chụp được như thường. Họ tìm hết cách để làm được phận sự: giấu máy ảnh sau ca vát, trong ghi-lê hay trong ống quần. Không có mưu mẹo gì mà họ không thi hành để cố chụp ảnh cho bằng được.
Ở bên ta, đi phóng sự ở Lạng Sơn, hay Sài Gòn trở về, nhà phóng viên đã lôi thôi kể công với độc giả: nào đường sá lặn lội (!), giãi gió rầu mưa, cơm hàng, quán chợ, v.v... Nếu sợ khó nhọc thế thì làm báo làm quái gì. Nên ở nhà!
Thiện Sĩ


                        "CÁC" [THẺ] NHÀ BÁO
Ở bên ta, nhà báo không được coi trọng, và tấm "các" nhà báo không có giá trị gì đối với nhiều người. Sự ấy ta không nên trách ai. Bởi chính người làm báo không giữ giá trị mình, không coi trọng bổn phận mình, và nhiều lúc lạm dụng tấm "các" của nhà báo phát cho. Những việc đáng tiếc xảy ra nhiều lần.
Ở đây, câu cách ngôn này đúng hơn ở đâu hết: Phải kính trọng mình trước, rồi người ta mới kính trọng mình sau.
Trong một tối diễn của ban kịch Gil Roland, chính ông này đã phàn nàn:
- Có nhiều người chỉ có một cái giấy mời, hay một cái "các" nhà báo, mà kéo vào rạp đến bốn, năm người khác. Tại làm sao lại có sự thế nhỉ?
Tại làm sao? Tôi đành chịu không thể trả lời.
T.L.
Số 153 – 18-3-39


Điểm báo
                                THÓI GANH GHÉT XẤU XA [S.H]

Trong nguyên bản, bài này cũng như
bài dưới có cái tên như trong [..].
 Chúng tôi mạn phép đặt tên lại

Nhà văn Pháp Lucien Descaves, một hội viên của hội các người viết văn, vừa rồi có hô hào mọi người trong nước Pháp nên đeo cái dấu hiệu S.H.
S.H. là Sans Haine.
Ông L. Descaves thấy trong xã hội Pháp, bất cứ văn giới hay chính giới, người ta không giữ được cái hoà khí nữa. Những sự ghen ghét, đố kỵ, ganh tị, chia rẽ và làm mờ ám lòng người. Bổn phận của một nhà văn - một người theo nghĩa thường, đứng trên những cái nhỏ nhen - là phải tự mình làm gương và tìm cách dìm bỏ những ganh ghét xấu xa đi.
Ở bên Pháp, một nhà văn hô hào thế là phải rồi. Nhưng giá đem cái dấu hiệu ấy sang bên ta? Phiền một nỗi, lại chính trong bọn làng văn bên ta có nhiều ghen ghét hơn đâu cả.
Ở đây, đầy rẫy những cái nhỏ nhen, ganh tị. Một nhà văn, một tờ báo được hoan nghênh, có lắm kẻ thù lắm. Người ta không tha thứ cho anh đã nổi tiếng, người ta giấu cái ghen ghét dưới những công việc mà người ta bảo làm vì nghệ thuật, vì nhân sinh, vì gì gì nữa cũng được, miễn là không phải vì người ta.
Tuy nhiên, sự hô hào của Descaves đáng cho ta ngẫm nghĩ. Tôi thương những người chỉ ghen ghét kẻ khác, vì tức là họ tự làm khổ mình trước tiên: sự ganh tị, đố kỵ khiến cho người ấy khó ăn, mất ngủ.

                    MÌNH LẠI NỊNH MÌNH  [T.C.T.]
Ở bên ta, có một cách làm vừa lòng mọi người: cái dấu hiệu T.C.T. = Tôi Có Tài! Hai nhà văn gập nhau cùng giơ dấu hiệu:
- Anh có tài!
- Anh cũng có tài.
Rồi hai nhà văn ấy, vui vẻ bắt tay nhau: À, thế ra hai ta cùng có tài.
Không có gì giữ chặt hai người bằng những lời chúc tụng nhau.
Số 107, 1938

Mới hơn Cũ hơn