Mới đây, có tin cho hay bộ
Văn hóa Giáo dục và Thanh niên đã ra chỉ thị cấm các giáo sư vào lớp không được
ăn nói nham nhở với nữ sinh.
Cái sự nham nhở ấy được mô
tả như sau: có thầy cười cười gọi học trò là “Bà nội”; có thầy gọi là “má”; có thầy
còn đi xa hơn, gọi trò là “Bà” và tự xưng là “Tui”. Cứ thế cái cảnh “bà” với
“tui” ríu rít trong lớp học nữ sinh làm cho nhiều bậc phụ huynh đã phản ứng
mạnh mẽ, đòi Bộ phải lên tiếng.
Rồi cũng lại mới đây, trên
mục “Chuyện phiếm”, bạn đồng nghiệp Tiểu Xí Muội kể nhiều điều lý thú về mấy
ông thầy trẻ trung học đến Đại học của mình. Ông thì “điệu như con ghế”, cà rá
hột xoàn đầy tay, kim cương lấp lánh; ông thì vào lớp cười nửa miệng, nhún vai,
ố là là vui; ông thì có đôi mắt cú vọ v.v... Nhưng ông nào cũng giống ông nào ở
một điểm: là cứ đeo theo cô học trò Tiểu Xí Muội mà tán như điên.
“Chuyện phiếm” có thể viết
giỡn về một điều có thật, cũng có thể là chuyện không có thật. Trong trường hợp
thứ hai, lại càng nguy.
Bởi vì nếu ở đây cô Tiểu Xí
Muội đem chuyện sự thật đã xẩy đến cho mình ra nói đầu, thì chẳng qua là chuyện
cá nhân: người ta có thể nghĩ cái vận số không may nọ chỉ là của Xí Muội nhỏ
thôi. Còn nếu đây là chuyện thực sự “phiếm”, thì mới thật đáng lo: Người đọc sẽ
nghĩ rằng câu chuyện “sư phụ thời nay” đã thành một chuyện phổ biến trong xã
hội, là chuyện chung chung, có thể “chứng nghiệm” khắp nơi.
Dẫu sao, về thái độ nham
nhở trong quan hệ thầy trò, đã có chỉ thị của bộ lại có chuyện phiếm của trò.
Có tiếng nói từ phía lãnh đạo, lại có tiếng nói từ phía quần chúng. Từ hai phía
dồn lại, cùng một điều xác nhận: nham nhở.
Còn nhớ mấy năm trước qua
những xáo trộn của đất nước, người ta từng lắng nhận thấy học sinh thừa phong
trào đấu tranh, hoạt động chính trị, mà có vẻ lộng hành, coi nhẹ vai trò của
ông thầy.
Có nhiều người từng kêu gọi
“khôi phục truyền thống học đường”, có vị từng đề nghị đặt ra một ngày “nhớ ơn
thầy” để hàng năm nhắc nhở học trò nhớ lại phận trò; cũng có vị từng trao các
giải thưởng lớn đến khuyến khích học sinh giữ phép tắc cung kính trong trường
....
Tóm lại, đã có lúc, sự lo
lắng của dư luận hướng về phía thái độ của người học trò. Rồi gần đây, sự lo
lắng đang hướng ra hẳn là thầy.
Điều ấy Đức Khổng Tử không
bằng lòng. “Quân quân, thần thần v.v..”, do đó phải “Sư sư, đệ đệ” mới được.
Nhưng cái truyền thống sư
đệ theo quan niệm Khổng Mạnh liệu có cách nào khôi phục được như xưa chăng ?
*
Sự thực tổ chức học đường
ngày ngay đã không giống tổ chức học đường ngày xưa, tinh thần giáo dục ngày
nay đã không giống với tinh thần giáo dục ngày xưa; cho nên thầy trò ngày nay
khó lòng giống với thày trò ngày xưa.
Xưa kia, một ông thầy dạy
học trò thuở chúng còn để chỏm, ê a “thiên trời địa đất” cho tới khi chúng thi
hương thi hội, đậu cử nhân, tiến sĩ. Lúc nào cũng có thể là một thầy ấy. Tổ
chức học đường ngày xưa không chia biệt từng loại trường tiểu học, trung học,
đại học. Một ông thầy có thể chịu trách nhiệm từ đầu tới cuối về tất cả vốn
liếng trí thức của đám môn sinh; ông thầy ấy là tất cả nguồn gốc cuộc sống tinh
thần của người học trò. Ơn ấy làm sao không sâu ?
Bây giờ đối với học trò
tiểu học, mỗi năm là một thầy, ở Trung học Đại học, mỗi giờ là một thầy. Có
người thày dạy tính toán có người thầy dạy văn chương, cũng có người thầy miệng
ngậm tu huýt dạy thể dục, lại cũng có người thầy cầm kim dạy nữ công, cầm thìa
dạy gia chánh v.v...Ơn thầy bị chia năm sẻ bảy, phân tán tơi bời.
Xưa kia, ông thầy là tất cả
trí thức, lại cũng là một chỉ nam về tư cách đạo đức của học trò. Thầy không
những dạy chữ nghĩa mà còn dạy cả về nết na, phép tắc xử thế cho học trò.
Vì vậy, học trò lớn lên,
cưới vợ, nếu trò ăn ở tàn nhẫn với vợ, người vợ thường lễ mễ bưng rượu đến
trình xin ông thầy xét xử về chồng mình. Cũng vì vậy, học trò lớn lên, đậu đạt
ra làm quan, mà nếu trò tham nhũng hà khắc, dư luận trong quần chúng có quyền
chê trách đến ông thầy. (Có thế ông Chu Văn An ngày xưa mới quở mắng và đánh
đòn những học trò cũ đã hiển đạt của mình).
Tóm lại, xưa kia, ông thầy
phải chịu trách nhiệm về cuộc sống đạo đức của môn sinh. Ông thầy gần như một
ông cha đẻ về mặt tinh thần và đạo lý. Nghĩa ấy làm sao mà không nặng cho được?
Bây giờ, cô giáo dạy gia
chánh, thầy giáo dạy thể dục, âm nhạc v.v.., không chịu trách nhiệm về đạo đức
của học trò. Thậm chí đến cả những vị thầy dạy các môn toán, môn sinh ngữ, môn
văn chương v.v..., hệ số ba, hệ số năm, quan trọng “tày trời”; mà cũng không
dính líu gì đến cuộc sống đạo lý của các người học trò. Lớn lên họ làm tướng
tham nhũng chăng ? họ làm chính khách xôi thịt chăng ? Dữ luận không mảy may
thắc mắc đặt ra câu hỏi: Họ là học trò cũ của những ai ?
Người thầy thời nay đã
thành một người chuyên viên. Người chuyên viên trước hết cốt cho giỏi; không
cốt rao giảng đạo lý.
*
Người thầy thời nay đã mất
cái địa vị làm cha đẻ tinh thần. Thế họ phải là gì của học trò đây? - Họ loay
hoay, lúng túng.
Làm người anh cả dìu dắt,
hướng dẫn đàn em bé chăng ? Làm người bạn lớn chăng? Các ông thày của Tiểu Xí
Muội thì có khuynh hướng muốn làm người bạn đời của học trò, làm chồng học trò
gái. Cũng có trường hợp thày chọn làm... vợ học trò trai.
Ba bốn năm trước, khi cô
giáo C.Russier bên Pháp gặp trở ngại trong sự ăn ở với cậu học trò, cô tự tử.
Dư luận báo chí nghiêng về cô. Và khi vị nguyên thủ quốc gia bị báo chí đặt ra
vấn đề này trong một cuộc họp báo, thì tổng thống Pompidou đã ngậm ngùi... ngâm
thơ tiếc thương.
Nghĩ rằng một cô giáo như
thế mà cũng là đồng nghiệp các cụ Chu Văn An, cụ Khổng Khâu ! Ôi, thời thế đổi
thay sâu xa quá.
*
Dĩ nhiên trước sự tình nham
nhở lố lăng, Bộ Giáo dục phải có chỉ thị can thiệp. Tuy vậy, một chỉ thị chưa
giải quyết được một vấn đề phức tạp. Truyền thống cũ không phục hồi được; quan
hệ mới không thể hỗn loạn. Có lẽ đã đến lúc nên có cuộc nghiên cứu đến nơi đến
chốn về câu chuyện thầy trò đời nay.