VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Võ Phiến: Đọc: “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta” (1974 )

Một số ghi nhận của Võ Phiến
 về đời sống văn học Sài Gòn 1974-1975

I/ Võ Phiến là một trong thứ sếp sòng, một thứ ông chủ không chính thức của đời sống văn học Sài Gòn trước 1954. Ngoài phần sáng tác ông thường xuyên có những bài viết nhìn lại tình hình văn học hàng năm, giới thiệu các tác giả mới, các hiện tượng mới  và gợi ý  cho các phương hướng phát triển của đời sống văn học đương thời.
Hãy thứ so ông với Nguyễn Đình Thi của văn học Hà Nội. Tầm ảnh hưởng của Võ Phiến không có tính chất chính thống. Võ Phiến không được ai giao trách nhiệm  không đươc ai bầu bán để  chuyên lo công việc xem xét chung về đời sống văn học. Nhưng nhờ vậy cách viết của ông thận trọng hơn, ông không bao giờ tự đặt mình như một người có quyền quan cách áp đặt mà chỉ -- khi nhẹ nhàng khi mỉa mai --  nêu nhận xét của mình. 
Và trước tiên ông phải làm việc nhiều hơn, sống với đời sống văn học đương thời mãnh liệt hơn, do đó ngòi bút của ông cũng hiệu quả và thuyết phục hơn.





Không phải ngẫu nhiên, sau 1975, khi sống ở hải ngoại, Võ Phiến là người làm sớm nhất và kỹ nhất công trình tổng kết văn học một thời, cái thời mà ông muốn thao túng và trong chừng mực nào đó đã thao túng được để rồi để lại những dấu ấn rõ rệt của mình. Ý tôi muốn nói đến cuốn "Tổng quan về văn học miền nam 1954-1975"  in năm 1987, một cuốn sách mà nhiều người than phiền, không ít người còn khó chịu, nhưng ai cũng phải nhận là đến nay chưa có công trình nào thay thế nổi.

 II/  Ban đầu khi mới được đọc các bài  viết về  đời sống văn học và nghề văn của Võ Phiến đăng ở Bách Khoa (tờ tạp chí mà tầm quan trọng --  theo thiển ý  cá nhân -- có lẽ gần bằng những Nam Phong, Thanh Nghị trong thời của họ)  tôi đã thấy .. "sợ".   Rồi càng đọc tôi càng  thấy nản hơn. Bởi Võ Phiến viết nhiều quá. Bên cạnh các bài về nghề văn  ông còn viết về cả các vấn đề văn hóa xã hội. Bên cạnh việc cộng tác với Văn, Vấn đề (nơi ông chia rải rác nhiều kỳ để sau này làm nên tập Chúng ta qua cách viết), ông còn viết cả trên Chính Luận một tờ báo chính trị.  Xuân Diệu từng có cái ý nhiều người phản đối, song nghĩ kỹ không phải là vô lý. Là trong những bài dở của các thi  sĩ có cá tính . Võ Phiến đã luyện được  một ngòi bút sắc sảo tới mức trong các bài báo viết hàng ngày này,  có bịt tên tác giả đi, người ta vân nhận ra ông, ít ra là ở cái điểm sự phong phú của tài liệu và một giọng văn không lẫn với ai khác.  Còn như về bút danh, trong khi phần lớn bài không phải sáng tác, các tạp văn tạp bút bình luận trên Bách Khoa, ký tên Tràng Thiên chỉ thỉnh thoảng mới ký Thu Thủy,  thì  các bài trên Chính luận 1974-75, đều ký là Thu Thủy.
Cả hai bút hiệu này của Võ Phiến đều là bắt nguồn từ hai câu thơ Đường:
Lạc hà dữ cô lộ tề phi
Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc

III /Tháng năm 1975,  vừa vào Sài Gòn, tôi đến tìm gặp anh Lê Ngộ Châu ở tòa soạn Bách Khoa và nhờ anh giới thiệu với Nguyễn Mộng Giác.
Tại sao lại là anh Giác, lý do đơn giản là qua báo chí Sài Gòn hồi ấy, tôi biết anh còn trẻ cỡ tuổi như mình mà viết lách cũng hiền hiền. Một lý do nữa, tôi biết anh Giác khá thân với nhiều nhà văn cùng mạch trí thức như Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến. Tôi lại chơi nhà anh Giác nhiều lần.
  Hơn một năm sau, khi tôi vào lại Sài Gòn và đến thăm anh Giác, thì xảy ra việc anh bị gọi đi học tập. Chị Giác sợ quá, nhà có bao nhiêu tài liệu ngờ là sẽ làm phiền anh, đều muốn  tẩu tán cho nhanh. Trong số chị đưa tôi hôm ấy, có một bức ảnh Võ Phiến Lê Ngộ Châu Vũ Hạnh Lê Phương Chi chụp ở tòa soạn Bách Khoa, một số Tin sách có bài Nguyễn Hiến Lê viết có nhắc tới  Võ Phiến, ông Lê đã ký ngoài bìa khi tặng Võ Phiến. Và dày dặn nhất là một tập  các bài Võ Phiến viết trên Chính Luận mà anh chỉ mới cắt ra từ nhiều số báo chứ chưa sắp xếp lại.
 Về chuyện Võ Phiễn viết tạp bút tạp luận thì ai cũng biết. Nhưng chùm vài chục bài Võ Phiến viết trên Chính luận này thì không hẳn. Trong một lần nói chuyện với Dương Nghiễm Mậu trước khi ông qua đời, khi tôi báo là có tập bài này trong tay, anh Mậu không tin.
Bởi vậy tôi nghĩ tốt nhất  là đưa lên mạng.
 Tôi đã có lỗi là không nhớ ra để báo lại cho anh Giác  biết về tập bài này, khi một lần anh chị ghé thăm Hà Nội, cũng như không báo cho nhà văn Võ Phiến được biết trước khi cả hai cây bút mà tôi quý trọng này qua đời. Nhưng tôi tin rằng ý nguyện của người đã khuất là đưa nó đến với độc giả. Khi rà lại bản thảo, tôi giữ nguyên như bài trên báo đã đăng, chỉ cố sửa lại - nhưng chắc là chưa hết -  cách dùng chữ in nghiêng để viết tên tác phẩm thay cho ngoặc kép.  Còn điều đáng tiếc khác  khi cắt các bài ra, anh Giác không ghi rõ đã đăng trên Chính luận ngày nào thì tôi không sao khắc phục nổi


Đọc: Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta

Tuyển tập truyện ngắn do nhà xuất bản Sóng vừa ấn hành mang tên là Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta”. Tác phẩm dày 790 trang, bán với giá 2.500đ, gồm 45 truyện ngắn của 45 tác giả thuộc giai đoạn 20 năm văn học 1954-1973 tại miền Nam Việt Nam.
Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi không thể giới thiệu - dù rất vắn tắt - tất cả 45 thiện truyện. Đã không giới thiệu được nội dung thì kể ra một loạt tựa đề của truyện có lẽ không ích lợi gì: vì vậy chuyện đó cũng đành bỏ qua.
Chỉ xin giới thiệu các tác giả đã được chọn lựa, xếp theo thứ tự a, b, c: Bình Nguyên Lộc, Cung Tích Biền, Doãn Quốc Sỹ, Du Tử Lê, Duy Lam, Duyên Anh, Dương Nghiễm Mẫu, Định Nguyên, Hồ Hữu Tường, Huỳnh Phan Anh, Lê Tất Điều, Mai Thảo, Mặc Đỗ, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Đông Ngạc, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Nhiệp Nhượng, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Sỹ Tế, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Nhất Hạnh, Nhật Tiến, Thanh Nam, Thái Lãng, Sơn Nam, Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường, Thế Phong, Thế Uyên, Tô Thùy Yên, Trần Thị Ng. H, Trần Tuấn Kiệt, Trùng Dương, Túy Hồng, Viên Linh, Võ Phiến, Vũ Hạnh, Vũ Khắc Khoan.
Mỗi tác giả được giới thiệu bằng một bản tiểu sử, một bức tranh ảnh do nhiếp ảnh gia Cao Lĩnh thực hiện: mỗi tác giả cũng được dành phần nói lên cái quan niệm của mình về truyện ngắn và về thiên truyện được chọn lựa.
Tuyển tập này, nhà xuất bản Sóng sẽ cho dịch ra ngoại ngữ để giới thiệu với độc giả các nước trên thế giới.
*
Trong những lời nói đầu, nhà xuất bản long trọng nói đến “những đóng góp một đời còn lại dành tặng quê hương”, đến “cái công việc phải bỏ cả đời mới hoàn thành được”, đến sự “đóng góp vào kho tàng văn hóa của nhân loại” v..v...
Sự thực, tuyển tập này quả là một công trình. Sách in đẹp, trình bày đẹp; chỉ nói riêng các bức ảnh chụp tác giả đã là kết quả một cố gắng kiên nhẫn suốt mười mấy năm trời của Cao Lĩnh rồi.
Vả lại còn cái nhan đề của tác phẩm, tưởng cũng nói lên một ý nghĩa: “Những truyện ngắn hay nhất” của nước nọ nước kia thì các nhà xuất bản đây đó thỉnh thoảng vẫn cho ấn hành. Lắm khi, có những tuyển tập còn nhằm một tham vọng cao hơn: năm 1952, nhà xuất bản Gallimard cho in một tuyển tập 56 truyện ngắn hay nhất của toàn cầu ! Như vậy, về cái lớn lao, cái qui mô, thì chúng ta không “ăn” nổi thiên hạ. Tuy nhiên, có một khía cạnh mà thiên hạ không chắc qua mặt ta được. Đó là cái khía cạnh biểu lộ trong nhan đề: “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta”.
“Của quê hương chúng ta”! Cách nói thật cảm động. Đây không phải chỉ là một công việc sưu tập, một công tác xuất bản, cũng không phải chỉ đơn thuần là một công trình văn học; mà là cả một tấc lòng đối với đất nước, dân tộc.
Người ta cũng có thể nói đó chẳng qua là một sự khéo léo “câu khách” của nhà xuất bản. Nhưng bảo rằng một thái độ chi chút, trìu mến như vậy chỉ là một mánh lời làm ăn buôn bán, e có phần bất nhẫn. Huống chi cái trìu mến đối với quê hương ấy không phải chỉ là chuyện chữ nghĩa, là danh từ suông, mà nó còn thể hiện ở một công trình cẩn trọng.
*
Năm 1962, nhà xuất bản Phù Sa có tuyển tập Hai mươi nhà văn hai mươi truyện ngắn. Năm 1966, nhà xuất bản Lá Bối có tuyển tập Ảo tưởng gồm 7 truyện ngắn.
Sự tuyển trạch của ba tác phẩm có một chỗ giống nhau: là tất cả đều nhằm vào giai đoạn văn học từ 1954 về sau, tại Nam Việt Nam. Sự tuyển trạch tất nhiên có những chỗ khác nhau: trong 7 tác giả được Lá Bối chọn, chỉ có 4 người được Sóng chọn lại, trong 4 người ấy chỉ có 1 người (Nhất Hạnh) đưa ra 1 truyện chung cho 2 tuyển tập; trong 20 tác giả do Phù Sa chọn chỉ có 10 tác giả được Sóng chọn lại, trong 10 người ấy không có 1 truyện nào chung cho 2 tuyển tập.
Nhưng nếu có ý so sánh ba tuyển tập truyện ngắn, thì đặc điểm của nhà xuất bản Sóng là cái ý định trình bày một công trình tổng hợp về một thể loại văn học của một giai đoạn. Một công trình tổng hợp như thế, hiện chúng ta đang thiếu.
Thật vậy, giai đoạn văn học “hậu chiến” của chúng ta không có những tác phẩm như Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan, như Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, như Tính số 30 năm văn học của Kiều Thanh Quế v.v... Từ 1954 đến nay, đã hai mươi năm qua: hai thập niên kỷ của thời đại này là cả một thời gian dài, dồn dập biết bao nhiêu thay đổi sâu xa. Vậy mà trong chúng ta chưa hề có ai đứng ra làm một cuộc “tính sổ” văn học ! Sự thiếu sót thật đáng trách.
Tuyển tập truyện ngắn vừa ra đời của Sóng chưa đáp ứng đầy đủ chỗ thiếu sót ấy. Nhà xuất bản đã thú nhận “Lẽ ra (...) phải viết bài tổng quan về truyện ngắn nói chung”... Dù sao thì tuyển tập cũng cho người đọc một ý niệm nhất lãm về cái tinh túy, về thành tích của một bộ môn văn nghệ trong giai đoạn hiện tại.
Nếu mỗi bộ môn riêng biệt có được những thực hiện như vậy, công việc tổng hợp sau này cũng sẽ được phần nào dễ dàng.
*
Thể thức chọn ra của nhà xuất bản Sóng có chỗ đáng nói: người chủ trương tuyển tập đã chọn tác giả thay vì chọn tác phẩm.
Nói cho rõ hơn, người chủ trương có lẽ đã chọn lựa một số nhà văn rồi yêu cầu mỗi nhà văn nọ tự ý chọn lựa thiên truyện ngắn hay và thích nhất của mình. Ngoài ra, đáp lời một câu phỏng vấn, nhà văn còn giải thích để “soi sáng thêm” sự chọn lựa.
Thể thức ấy không phải không có chỗ ưu điểm: nó phản ánh được quan điểm thẩm mỹ và sáng tác của mỗi tác giả. Tuy nhiên, hẳn nhà xuất bản cũng phải nhận thấy cái khuyết điểm của thể thức ấy: Người sáng tác có tài thường không phải là người có óc phê bình sắc bén; sự chọn lựa của họ không hẳn là sáng suốt, đáng tin cậy. Họ có thể đưa ra những truyện ngắn “ưng ý nhất” của họ, điều ấy không đáp ứng yêu cầu của tuyển tập, là “những truyện ngắn hay nhất”. Về điều này, tốt hơn cả, người chủ trương nên đứng ra nhận lãnh trách nhiệm đối với độc giả. Các nhà văn chỉ nên có một sự góp ý mà thôi.
Ở đây, người chủ trương không có trách nhiệm về các tác phẩm chọn lựa, nhưng đã có trách nhiệm đối với danh sách tác giả được chọn.
Trước hết, so với các tuyển tập ra đời trước nó, phải nhận rằng tuyển tập của Sóng trình bày một danh sách đầy đủ hơn nhiều. Đầy đủ không có nghĩa là có thể làm hài lòng mọi người, bởi vì sự thưởng ngoạn văn học nghệ thuật của mỗi người mỗi khác.
Tuy vậy vẫn có những điều vượt lên trên các thị hiếu cá nhân, các sở thích, xu hướng riêng biệt, những điều mà ai nấy có thể nêu ra để thảo luận chung.
Chẳng hạn sự vắng thiếu một số tên tuổi: Nhất Linh, Hoàng Ngọc Tuấn, Y Uyên, Nguyễn Mộng Giác v.v...
Về Nhất Linh, có thể bảo rằng ông không thuộc thế hệ 1954-1973 ?
Quả có thể. Nhưng tại sao Hồ Hữu Tường lại thuộc một thế hệ sau Nhất Linh? Nếu khảo về một thế hệ văn học 54-73 thì “quên” Nhất Linh là có lý. Nhưng ở đây chỉ là tổng kết thành quả một giai đoạn văn học; trong giai đoạn ấy Nhất Linh có mặt, có sự đóng góp khá quan trọng; chủ trương một tạp chí, phát hiện một số tác giả có tài v.v... (cũng như thế, có thể bảo Vũ Hoàng Chương không thuộc thế hệ thi sĩ 54-73, nhưng trong một tuyển tập thi ca 54-73, e rằng khó bề bỏ qua các tác phẩm của họ Vũ )
Về Hoàng Ngọc Tuân, Y Uyên v.v.... địa vị và thành tích của họ không quan trọng bằng các vị trên đây, nhưng chắc chắn có phần quan trọng hơn một số các vị được chọn trong tuyển tập.
Ấy là chuyện thiếu sót. Ngoài ra, có lẽ cũng có chuyện thừa thãi nữa. Một số các vị được chọn vốn là những tài năng được kính nể trong các địa hạt thi ca, khảo luận, phê bình v.v.... Đưa họ vào một tuyển tập truyện, họ bị thất thế và thiệt thòi trong một địa hạt xa lạ...
*
Đối với công trình chắt chiu dành cho quê hương chung ta, người chủ trương xuất bản Sóng đã có sự đóng xứng đáng. Bây giờ, ước mong có được sự góp ý của giới phê bình, giới cầm bút nói chung để công trình được hoàn thiện. Bởi vì công việc còn đang tiếp tục tiến hành: nhà xuất bản đã nói đến việc tái bản, việc phiên dịch ra ngoại ngữ v.v...


Mới hơn Cũ hơn