NĂM BẢY CHỤC NĂM TRƯỚC: CHẲNG AI ĐƯỢC LÀ CHÍNH MÌNH
Trong một lần gặp gỡ đầu 2016, nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu có kể với tôi là ở nhiều xí nghiệp do người nước ngoài làm chủ hiện nay, có nhiều thợ mới.
Họ là những người nông dân bỏ làng ra tỉnh để làm ăn. Nhưng cách sống cách suy nghĩ của họ thì hoàn toàn là của những người nông dân đi làm thuê lang bạt.
Họ không được đào tạo đầy đủ.
Họ không có đồng lương hợp lý. Họ xa gia đình và sống trong một hoàn cảnh tạm bợ.
Họ luôn nghĩ rằng mình chỉ làm cho qua một thời gian, kiếm ít vốn để sinh sống và sau này sẵn sàng quay trở về làng quê nơi đã xuất phát.
Nguyễn Thị Hậu và các đồng nghiệp của chị -- dân xã hội học - cho rằng đó không phải là những người công nhân theo đúng nghĩa của nó.
Phần tôi trong những năm 1960 tôi thường hay gặp gỡ với nhà văn Võ Huy Tâm, tác giả cuốn tiểu thuyết Vùng mỏ mà tất cả các học sinh Việt Nam đều phải biết dù không mấy người yêu thích.
Anh Tâm đúng là một công nhân thật.
Anh kể với tôi, chỉ có công nhân thời nay thì mới ăn cắp, còn người công nhân thời Pháp thuộc không bao giờ ăn cắp vì nếu ăn cắp họ lập tức bị sa thải liền.
Vậy có thể nói là cái mà chúng ta hay xác định về nhau rằng là người thành phần nọ thành phần kia, hóa ra toàn chuyện áng chừng. Con người bây giờ như một câu thơ của Hồ Xuân Hương tả các nhà sư, "chẳng phải tàu chẳng phải ta" tạp nham hỗn hào thật khó xác định.
Khoảng năm chục năm trước, tôi có lần ngồi với nhà thơ Hoàng Hưng. Vốn cùng là dân học sinh Hà Nội, chúng tôi thử rút kinh nghiệm về quãng đời mài đũng quần trên ghế nhà trường và thử tính xem xã hội muốn mình thế nào, từ đó gọi xã hội hôm nay là gì.
Chắc là nghiền ngẫm đã lâu, anh Hưng bảo tôi, hãy tạm gọi nó là xã hội thích không được.
Mình đã hỏi nhiều người -- anh Hưng nói tiếp - tất cả những thằng học khá chúng mình đều có cảm tưởng là cả lớp không thích , nếu không muốn nói là ghen ghét đố kỵ. Vì đây là một xã hội cá mè một lứa, mình mà nổi lên là gây phiền cho nhiều người. Nhưng các anh học kém cũng không được yên. Phát hiện ra cậu nào thuộc dạng học sinh cá biệt thày chủ nhiệm cũng chỉ thị cho bọn học giỏi phải kèm anh ta bằng được, không để một ai dưới trung bình. Anh không có quyền kém cũng như những anh khác không có quyền giỏi. Thế chẳng phải thích không được là gì.
VÀ THỜI NAY
NHỮNG CUỘC “LẬP NGHIỆP” NGOẠN MỤC
Mới học cấp II (phổ thông cơ sở), bọn học sinh Chu Văn An những năm 1960 trở về trước chúng tôi đã được huy động đi dạy Bình dân học vụ. Nhà ở Thụy Khuê nên tôi được giao dạy ở khu vực làng Hồ (Yên Thái), chuyên làm giấy. Tuần hai buổi, thứ hai thứ năm, tôi theo xe điện lên Bưởi rồi cuốc bộ vào mãi cuối xóm, dưới ánh đèn dầu dạy cho một bác thợ seo.
Trí thức hóa công nông – đã từng có một khẩu hiệu như thế. Nói nôm na là thời ấy, người ta không được dốt.
Ngày nay tôi vẫn bị cách nghĩ đó ám ảnh, và thấy nó có vẻ đúng nhưng lại thấy rõ là nó đã lạc hậu. Nhìn những anh em làm lao động chân tay, chẳng hạn mấy bạn trẻ công tác bảo vệ ở chung cư mình đang sống – các anh em này khi rỗi rãi chỉ chơi game --, tôi đã mấy lần định bảo họ sao không theo học một chương trình nào đó, nhưng lại thôi ngay. Đấy cũng là lúc tôi buồn rầu nhận ra cái điều đơn giản rằng nay đã sang một thời khác. “Thời nay tử tế mới khó chứ lười biếng dốt nát tha hồ không ai chê trách, tương tự như cờ bạc rượu chè nhậu nhẹt đang được khuyến khích!” - ai đó đã nói với tôi như thế và tôi không cãi lại được.
Điều này đúng với cả các em đang cắp sách đến trường. Quyền được dốt của học trò ngày nay được thực thi nghiêm túc hơn nhiều so với các thế hệ trước. Em có kém cỏi đến mấy, các thầy các cô cũng chẳng quan ngại. Thang điểm ngày càng hạ, vả chăng đã có các lớp học thêm, và đường dây chạy bằng cấp ...- cả một cơ chế hình thành bảo đảm cho những bạn trẻ -- trong đó đặc biệt nổi lên một số lười học nhưng lại khôn ngoan giỏi giang trong việc xoay sở kiếm chác -- yên chí vào đời lập nghiệp. Họ được khuyến khích và dần dần đóng vai trò rường cột xã hội. Nhớ lại thời đi học chắc có lúc họ nghĩ giá kể mình gắng sức học giỏi theo nghĩa trường ốc thì chắc chẳng được như thế này.
Thế còn những học sinh học giỏi thời nay thì sao? Câu chuyện năm chục năm trước tôi với anh Hoàng Hưng bàn nhau nay đã trở thành lạc hậu. Xã hội đang khuyến khích những người trí thức giỏi giang theo cái nghĩa riêng mà chỉ thời nay mới có:
1/ trở thành gà chọi để mang khoe, biến thành cây cảnh để chứng tỏ tiềm năng trí tuệ của địa phương cũng như cả cộng đồng.
2/ được trao vài vai quan trọng trong bộ máy quan liêu, việc này khiến nhiều nhà chuyên môn giỏi ngày nay chỉ còn cái mã và nếu trong quá trình quan liêu hóa này họ có tha hóa biến chất thì cũng không ai tước bỏ cái vai chuyên môn hôm qua của họ. Họ đã trở thành một thứ bản thể mới, xa lạ với những lý tưởng trong sáng mà họ noi theo khi mới bước vào đời. Nhưng nhìn lại từ lúc còn hàn vi thì phải nói cái quyền được giỏi của họ vẫn được bảo đảm đấy chứ?
Có phải lớp trí thức chân chính đang dần dần tuyệt chủng? Suy trước tính sau, tôi vẫn chỉ thấy có một câu trả lời là gần như thế. Không phải ai thời nay cũng đi theo con đường tha hóa, nhưng theo thiển ý của tôi sức đề kháng ở mỗi người ngày càng yếu ớt. Thỉnh thoảng trên các trang mạng tôi cũng đọc được vài tin về các trí thức trẻ Trung quốc . Nhiều người trong họ du học Anh Mỹ trở về lúc đầu trong lòng cũng còn đầy lý tưởng, nhưng rồi, trên đường tiến thân và lo hạnh phúc gia đình, họ cũng nhanh chóng gia nhập vào bộ máy chuyên chế và tham nhũng. Trở thành chính mình lúc này đồng nghĩa với đầu hàng.