VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Giữ cho học sinh cảm giác thiêng liêng của ngày khai giảng


Nhân ngày khai giảng, bạn Quý Hiên ở báo Thanh niên đã gợi ý để tôi có dịp suy nghĩ về một số vấn đề giáo dục hiện nay. Một phần bài trả lời phỏng vấn này đã đưa trên báo.
 Sau đây là bản đầy đủ.
Những suy nghĩ trong bài này bắt nguồn từ bài viết của tôi Mấy cảm nhận về sự khác biệt giữa giáo dục miền Nam và giáo dục miền Bắc  đưa trên blog này ngày 10-12-2014. Hy vọng rằng nhân ngày khai giảng bài viết cũ của tôi có thêm những bạn đọc mới. 


          Theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, khai giảng nên chỉ duy trì phần lễ, và ngắn gọn, không chỉ để kết thúc trước khi học sinh kịp chán mà còn để bớt đi sự ồn ào dung tục.
        
  Nhớ về những ngày lễ khai giảng trong ký ức tuổi thơ mình, ông Vương Trí Nhàn chia sẻ:
          Tôi học cấp II (trung học cơ sở) từ 1955 tớí 1958 và cấp III (trung học phổ thông) 1958-1961 đều ở trường Chu Văn An Hà Nội. Hồi ấy ngày khai giảng diễn ra với đầy đủ ý nghĩa của từ “khai giảng”, nghĩa là sau một thời gian nghỉ hè chúng tôi đến gặp lại các bạn,  gặp lại thầy cô và bắt đầu cảm nhận được không khí của một năm học. Vì thế cảm thấy rất hào hứng. Nhà tôi hồi ấy ở đường Thụy Khuê, trong một xóm toàn người dân lao động lam lũ nên nhà cửa cũng bình thường. Vì thế khi bước chân vào ngôi trường do người Pháp xây cây xanh rợp trời với những dãy nhà cao tầng khang trang, lũ trẻ chúng tôi  cảm thấy như được bước chân vào một thế giới khác.
       Thời gian làm cho mọi thứ đều khác dần đi, và như tôi nhìn nhận cách làm giáo dục hiện nay của ta ở mọi cấp đã khác đi nhiều cách tổ chức những buổi khai giảng cũng khác. Không biết tôi có hàm hồ không nhưng quả thật cứ cảm thấy bản chất nền giáo dục của mình là ồn ào phô trương vì thế ngày khai trường cũng mang tính chất đó.
Xin hỏi ngay ông tại sao lại có tình trạng đó?
       Nguyên tắc lớn của chúng ta là nhà trường phải nhịp bước cùng xã hội, và hoạt động giáo dục cũng là một ngành nó giống như thương trường hay giới kinh doanh.  Nguyên tắc ấy không sai tất cả nhưng lại được hiểu một cách quá máy móc và thô thiển nên hóa ra  làm hỏng giáo dục. Khi tìm hiểu nét đặc thù của nghề dạy học thời trước, tôi thấy hồi ấy người ta quan niệm có những người  không bao giờ nên bước lên bục giảng. Nhất là trong quản lý giáo dục, có những người tài ba giỏi giang ở các ngành khác, nhưng không nên đưa về quản lý giáo dục. Điều đó hiện nay nói ra coi như phạm quy. Nay cũng là lúc giáo dục  không còn hệ thống những giá trị riêng của mình. Nhưng thôi chuyện  này dài lắm, không thể nói hết ở đây được.
Quay trở lại câu chuyện ta nói từ đầu, tôi chỉ  muốn nói ngày khai giảng hôm nay không phải dành cho giáo viên và học sinh. Nó được làm cốt để biểu dương uy thế của nhà trường. Thời tôi đi học trường sở còn ít lắm, không có chuyện mỗi nhà trường phụ thuộc quá cụ thể vào chính quyền địa phương. Ngày nay ngày khai giảng chủ yếu là lo làm theo những khuôn mẫu mà địa phương  quản lý trường đã quy định. Giáo dục đã không còn cái quyền được là mình, tôi nhắc lại.
        Nói riêng về ngày khai giảng, tại sao ông lại đi tới những ý tưởng ở trên đã nói?
 Mấy hôm nay, quan sát việc chuẩn bị khai giảng của một trường gần nhà (ở TP Hồ Chí Minh – PV), tôi nhận thấy người ta phải huy động học sinh đến trường để chuẩn bị cho khai giảng qua nhiều ồn ào lộn xộn và cũng mất quá nhiều thời gian. Tôi biết một điều là “cái gì quá nhiều” đều gây phản cảm. Người ta đặt ra yêu cầu quá cao, quá cầu kỳ đối với ngày lễ sắp tới. Người ta quá xem trọng việc phô diễn “năng lực” tổ chức sự kiện của mình thông qua một lễ khai trường, đại để phải làm sao cho trang trọng, cho khí thế… Vậy là sinh ra đủ các tiết mục. Nào là tập các nghi thức, nào là tập chào hỏi đón tiếp quan khách, rồi đủ các thể loại diễn văn và lại còn văn nghệ nữa chứ.
Theo quan niệm của ngành giáo dục thì một cuộc khai giảng phải có cả phần lễ lẫn phần hội. Và cả hai phần đó đều phải được làm một cách hoàn hảo...
 Giờ tôi mới biết ý đó. Nếu thế thì quan niệm của tôi hoàn toàn ngược lại. Tôi muốn trong buổi sáng khai giảng chỉ nên làm phần lễ thôi, đừng làm phần hội. Như cách mà chúng ta làm hiện nay phần lễ dông dài đã đành, mà phần hội cũng rất lích kích, tốn kém thời gian chuẩn bị của học sinh, mà cũng có ra gì đâu!
Nhưng theo quan niệm của lãnh đạo ngành GD-ĐT, để ngày khai giảng trở thành sự kiện dành cho chính học sinh thì phần hội mới là quan trọng…
 Nếu có một buổi liên hoan chào mừng ngày khai giảng thì tổ chức vào lúc khác, chẳng hạn vào một buổi tối sau đó. Đừng trộn lẫn hai cái đó, khiến cho cái nào cũng dang dở. Làm ngắn lại để khỏi biến ngày khai giảng thành một ngày thách thức sự chịu đựng của học sinh. Thật ra các em cũng háo hức lắm. Các em rất cố gắng để chú ý, nhưng mà làm sao chú ý lâu được khi ở lứa tuổi đó! Chẳng thế mà tiết học chỉ có 35 – 45 phút thôi. Giờ còn đang là đầu thu. Bắt các em ngồi ngoài sân nắng nôi như thế, bàn ghế không có, lại còn phải ngồi đều tăm tắp như thế, chịu sao nổi! Lại cả buổi văn nghệ nữa, trong khi các em biết thừa là nó có ra làm sao đâu, chỉ xem để mà cười giễu!  
 Theo tôi, nếu nói có cái gì các em cần nhất ở ngày khai giảng, thì  nó chính là cái cảm giác thiêng liêng của một sự bắt đầu. Cái thiêng liêng đó mất đi rất nhanh, không ai duy trì được lâu. Chúng ta cần giúp các em giữ gìn cái cảm giác thiêng liêng đó trước khi nó bị những phản cảm đánh bật. Tất nhiên đấy là mong muốn tối đa thôi, chứ toàn bộ cuộc sống giờ mất thiêng đủ thứ, trong mọi mối quan hệ. Ví dụ địa điểm xây trường ngày nay thường là ngay giữa phố xá ồn ào, đông người qua lại, nó không có một không gian đủ rộng và đủ độ tĩnh lặng cần thiết để giúp học sinh cả học kiến thức lẫn học làm người. Các em phải chen chúc nhau mà vào trường, chen chúc nhau trên một chỗ ngồi. Trách gì trường học khi mà ngay cả Văn Miếu mình cũng có giữ được sự tôn nghiêm đâu!
Nhưng ngày nay người ta cho rằng nhà trường là môi trường vui vẻ, nơi tạo nên sự phấn chấn, hứng khởi cho mỗi học sinh?
Cái vui vẻ đích thực phải được diễn ra trong một đời sống quân bình hợp lý. Cuộc sống hôm nay quá nhiều tiếng cười quá nhiều niềm vui, song đứng ngoài nhìn thì xã hội chỉ là một đám đông ồn ào, niềm vui ấy quá  xô bồ, dung tục. Tìm lại  cảm giác thiêng liêng là việc  rất khó,  nhưng trong lúc chưa làm được, tối thiểu hãy nên nghĩ tới nó. Và hãy bắt đầu từ những chuyện quá quen mà ta vẫn làm. Tôi biết nhiều trường hiện nay bắt đầu năm học mới trước, rồi mới làm lễ khai giảng. Những buổi học ấy sẽ chán như nhai cơm nguội.  Học sinh thừa biết lúc này chỉ là học chiếu lệ. Mà khi ngày khai giảng tới thì các em lại dửng dưng. Thành thử nên bắt buộc các trường chỉ tổ chức  việc học sau ngày khai giảng. Nói cách khác, ngày khai giảng  phải là ngày đầu tiên của năm học.
Chốt lại đề nghị của ông là gì?
Tôi cũng đã đủ già để hiểu rằng  thay đổi được một nếp sống là rất khó, nên cũng không dám đề đạt điều nọ điều kia làm gì. Tôi chỉ muốn nói với các vị phụ trách khai giảng một điều là hãy thử bắt đầu nghĩ chuyện làm khác cái cách mà từ nhiều năm nay ta vẫn làm. Trong lúc chưa khác được, thì hãy cố gắng làm thật ngắn gọn để đỡ lộ ra những nhược điểm vốn có. Trong buổi lễ khai giảng từ hiệu trưởng, giáo viên đến các vị khách, mỗi người hãy nói những điều cảm thấy cần nói và do chính mình nghĩ ra, chứ không phải nói lại những câu những chữ vẫn viết trong các báo cáo hoặc các nghị quyết. Làm như thế mới là tôn trọng học sinh.
Cảm ơn ông Vương Trí Nhàn!

Quý Hiên (thực hiện)
Mới hơn Cũ hơn