VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Về cách miêu tả hoa sen và lý do để yêu hoa


I/
Bài viết sau đây được anh Trần Đình Sử đưa ra trên FB của mình ngày 30-8 :
KHUYẾT ĐIỂM CỦA BÀI THƠ TRONG ĐẦM GÌ ĐẸP BẰNG SEN

Bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen được dạy trong nhà trương phổ thông, không ai là không thuộc. Tranh luận xung quanh bài thơ này có nhiều. Nay tôi muốn nêu một ý, có thể là mới. Sen có một đặc điểm khó quên, đó là mùi hương đặc biệt, thơm cả hoa, cả hạt, mứt sen, chè sen vẫn ngạt ngào một mùi thanh tao, quý phái. Ấy vậy mà bài thơ chỉ khen Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng, tức khen màu sắc. Câu cuối lại khen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Khen như thế chẳng khác nào thấy một cô gái đẹp mà chỉ khen cô ấy ăn mặc chỉnh tề, ngoan ngoãn, không khen sắc đẹp là cái hiếm có nhất. Vì sao tác giả bài thơ lại mù điếc về mùi thơm như vậy? Đó là do quan điểm ý thức hệ. Anh ta chỉ biết phân biệt với bùn thôi, chứ không quan tâm đến hoa.Ý thức hệ xưa nay đã làm hỏng bao nhiêu thiên tính của con người.”

Tôi thì tôi thấy, chính câu thứ tư “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” đã nói về mùi thơm của hoa. Không cần nói thẳng về sự vật hoặc miêu tả nó mà chỉ cần nói về sự trống vắng của nó, rồi tùy người đọc liên tưởng -- tôi nhớ đó là một bút pháp quen thuộc của hội họa Trung Hoa; mỹ học cổ điển phương Đông có cả một thuật ngữ để chỉ bút pháp này, tiếc là tôi không nhớ để nói ra ở đây. Nhưng có phần chắc đây là chuyện của mỹ học chứ không phải chuyện ý thức hệ.
Việc miêu tả mùi hương vốn là một chuyện khó. Trong văn học Pháp, Ch. Baudelaire (1821-1867) được ghi nhận như một người biết phân tích một cách tế nhị các cảm giác khác nhau, cả xúc giác lẫn vị giác. Chịu ảnh hưởng của thơ tượng trưng Pháp, mấy nhà thơ thời tiền chiến từng mon men tới lĩnh vực này. Huy Cận viết trong bài “Đi giữa đường thơm Trong không gian hương với màu hòa hợp để ... lảng tránh.
Còn Xuân Diệu trong bài “Vì sao?” tặng Đoàn Phú Tứ thì thú nhận:
Ai đem phân chất một mùi hương
Hay bản cẩm ca? tôi chỉ thương
Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc
Như thuyền ngư phủ lạc trong sương

Khi dành cả ba câu đầu vào việc miêu tả sắc hoa mà chỉ dành cho việc tả hương sen vào câu cuối, người viết đoạn ca dao trên cũng chỉ ...làm theo thông lệ từ xưa tới nay.

II/
Khi đọc hai chữ khuyết điểm trong đầu đề bài viết lúc 7h36 nói trên của anh Sử, người viết mấy dòng này thoáng có một liên tưởng tội lỗi xin thú thực ở đây: tôi có cảm tưởng nhà giáo đang làm công việc chấm bài, phê vào bài của học sinh.
Nhưng, chỉ gần 9 giờ sau tức lúc 16h14, tuyệt vời thay, tôi được đọc bài viết bổ sung rõ là dấu hiệu của một cây bút nghiên cứu văn học thâm hậu.
CỘI NGUỒN CỦA BÀI CA DAO TRONG ĐẦM GÌ ĐẸP BẰNG SEN
Cội nguồn của bài thơ này là tư tưởng của Chu Hi, bậc đại nho đời Tống. Trong bài Ái liên thuyết, ông viết như sau:
Hoa các cây cỏ mọc ở dưới nước, ở trên cạn, các giống đáng ưa thích thì thật nhiều. Đào Uyên Minh thời Tấn chỉ thích cúc. Từ thời Đường tới nay người đời rất thích mẫu đơn. Tôi chỉ thích sen mọc ở trong bùn, mà không vấy bùn. Tuy ngã trên nước trong, gợn nước lăn tăn mà không có dáng nũng nịu, ẻo lả. Thân cây giữa thông suốt mà đứng sừng sững, không rậm cành rậm lá. Hương càng xa càng mát. Thẳng thắn uy nghi, đứng xa thưởng ngoạn chứ không đứng gần được. Tôi cho cúc là hoa ẩn dật, mẫu đơn là hoa phú quý, sen là hoa quân tử. Mới hay yêu cúc, sau ông Đào, không thấy nói đến tên ai. Cùng với tôi yêu sen thì có ai. Mẫu đơn thì ai cũng yêu.

Và anh Sử viết thêm lời bình:
Đây là bài tản văn rất đẹp, nhẹ nhàng, uyên bác, sâu sắc. Tuy nhiên tác gỉa đứng trên lập trường nhà nho mà yêu sen, ví sen với người quân tử, đem tiêu chí của người quân tử mà tả cây sen, nào uy nghi, cứng cỏi, không đứng gần được. Bài ca dao có thể do một ông đồ nho nào đó, do yêu bài văn mà diễn ra, nhưng thô thiển hơn, tuy cũng một lập trường đề cao sen quân tử. Như thế cốt lõi của nó là tư tưởng nho giáo của Chu Hi. Nhà thơ Phùng Quán có lí của ông ấy. Nhưng chúng ta vẫn yêu sen, không phải vì sen là biểu tượng của quân tử, mà sen là loài hoa quý, được coi là biểu tượng trong đạo Phật, biểu tượng của Việt. Cho nên cần có bài viết mới về hoa sen.
Từ việc miêu tả hoa sen, câu chuyện đến đây đã chuyển thành tại sao yêu hoa sen.
Tôi không dám nghĩ tới chuyện viết một bài văn khác về hoa sen, nhưng giả sử -- trong muôn một -- có ai viết được một bài hoàn hảo tương tự thì cũng yêu cả hai chứ không vì bài này mà bỏ bài khác.
Tôi chỉ cảm ơn anh Sử là qua đây, hiểu thêm một khía cạnh của đạo Nho mà có lẽ ai đó đã viết ở đâu đó chỉ vì mình xao nhãng nên bỏ qua.
Các nhà nho xưa không yêu những cái gì tự nhiên như nhiên trời cho sẵn như vậy. Họ nghiêng về những vẻ đẹp vượt lên cái thông thường, những vẻ đẹp do phấn đấu mà có. Những cuộc vượt lên nghịch cảnh này càng khắc nghiệt thì vẻ đẹp càng cao quý.
Trong cuốn “Hán văn giáo khoa thư của Võ Như Nguyện và Nguyễn Hồng Giao tập II do Trung tâm học liệu của Bộ giáo dục in ở Sài Gòn 1972, tôi tìm thấy một bài cũng nói về hoa.
Bài viết mang tên Cúc hoa tán này không thấy ghi rõ tác giả là ai, nhưng cũng nêu lên cái lý do yêu hoa của người xưa tương tự như Chu Hy.
Trong bài, có đoạn “Cúc sở dĩ dược yêu quý vì sinh vào mùa thu.” Nếu biết là mùa thu ở phía bắc Trung quốc đã lạnh lắm rồi, ta mới hiểu tại sao tác giả viết “giậu gió buốt mà hoa vẫn xinh tươi mơn mởn có dáng vẻ độc lập không cậy dựa chi ai”.
Bài viết kết lại cũng với ý ấy “ Hoa cúc [cũng] nhân mùa thu mà phô vẻ đẹp lạnh. Thảo nào Đào Uyên Minh yêu hoa cúc cũng phải”.
Mới hơn Cũ hơn