ĐI GẶP THỦ TƯỚNG
Tự nhiên, toà soạn và phòng Văn nghệ của ông Chính Hữu rộn rập lên một tí. Cô Minh Mẫn cứ tưởng là họ đi dự hội diễn công binh. Hoá ra không phải. Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp tất cả những anh em đã từng đi B ra.
Về sau, NgMChâu kể với tôi.
- Nói ra thì ông lại nói với thằng Chu, nhưng mà quả thật hôm qua tôi xấu hổ quá. Giữa bao nhiêu thằng văn nghệ đấy, ông Hồ Phương nhà này đứng lên, chúng tôi đã đi thế này, chúng tôi đã đi thế kia, chúng tôi đã viết Kan Lịch, để rồi tặng Thủ tướng một quyển... hé hé hé... Khổ, tôi trông những thằng ĐHCẩm, thằng Chính Hữu ngồi đấy mà tôi thộn cả mặt.
- Dân làm văn nghệ, chỉ có bọn hoạ là còn có tí học vấn. Những thằng làm nhạc cũng bắng nhắng lắm, dở hết chỗ nói.
- Nhưng mà ông Phạm Văn Đồng thì quý lắm, hiểu lắm. Ông cầm cái kẹo lên, ông ấy bảo cái kẹo này, nó có thể to, có thể nhỏ, có thể có mùi sôcôla, mùi sữa, nhưng nó không ngọt nữa thì không phải là kẹo. Các đồng chí làm nghệ thuật cũng vậy, tư tưởng có thể là 80%, 90%, nhưng nghệ thuật thì phải 100%, 100% mà không đủ thì không gọi là nghệ thuật được.
- Làm sao mà những người làm ở xuất bản lại phát hành có thể đánh giá đúng các đồng chí được. Đó phải là việc của quần chúng chứ. Các đồng chí phải học đi, không học thì không làm ăn gì được đâu.
Châu bảo tôi:
- Tôi đã định không đi, nhưng sau tôi thấy không đi không tiện, lại đi thôi.
Rồi chỉ vào quân hàm:
- Ông xem tôi đã phải chuẩn bị suốt từ trưa đến giờ.
- Người ta chuẩn bị cả một đời người. Ông có từ trưa đến giờ là lười đấy chứ.
- Tôi xem đây là một lời ông khen tôi thôi.
...
Một ngày sau, vẫn Châu:
- Tôi ngồi tôi nghĩ bây giờ mà Thủ tướng gọi riêng mình lên thôi, mình sẽ kể cho Thủ tướng nghe. Để chuẩn bị lên, mình đã phải viết trước những điều mình nói ra thế nào, ông cấp trên của mình thông qua như thế nào, rồi đến ông cấp trên của cấp trên mình thông qua như thế nào, cuối cùng nó còn lại những cái gì. Đồng chí nghĩ về cái đó thế nào.
- Thế đồng chí nghĩ về cái đó thế nào? Thủ tướng sẽ hỏi lại mình nghĩ thế! Châu nói tiếp. Quả thật ở một nước như nước mình, một người nghệ sĩ đứng trước một ông lãnh đạo cứ như con chuột đứng trước con voi.
Rồi chúng tôi lại ngồi nói về tư cách của một người viết văn.
Đang ngồi dở một tờ báo QĐND ra, NgMChâu thấy bài của Xuân Miễn.
- Cứ ông ổng thế này còn hơn người tắc tị như ông Chính Hữu.
Tôi phản đối luôn.
- Không, không phải. Một người không phải là có tài năng lắm, thì anh làm ít thì người ta còn thấy anh biết rằng anh không thật có tài, anh phải cố gắng. Và mỗi bài là một cố gắng. Đằng nay anh cứ ông ổng tuôn ra, tức là anh chẳng biết điều...
Vương Trí Nhàn và Xuân Sách
Hôm sau, ông Châu bảo:
- Ông nói thế thằng Sách nó giận đấy. Nhưng mà phải thế chứ. Đăng những cái cẩn thận tức là anh còn tôn trọng tờ báo của anh, tôn trọng bạn đọc. Cái thằng Sách này ấy mà, nó chưa viết nó đã nghĩ đến chuyện in. Truyện của nó bao giờ cũng trôi, người ta không chê được nó điểm gì, nhưng người ta cũng không khen nó điểm gì được. Lắm lúc mình chê thằng Duật hay ông Khải bởi vì mình còn có chỗ mà chê, vì nó còn có nét mặt.
- Đã một lần tôi bảo thẳng ông ấy. “Trông anh nhiều lúc, chả biết tình cảm của anh thế nào cả. Không biết rằng anh vui hay anh buồn”. Còn về tư cách thằng viết, hôm qua kể chuyện NXB Giải phóng, tôi mới hỏi ai là giám đốc, đăng kí nhận bài thế nào, ông ấy hý hửng lắm. NXB Giải phóng in đẹp, giấy tốt, ti-ra cao. Không cần chất lượng lắm, mà lại hậu hĩ nhé. Tôi nghĩ bụng, khốn khổ cái thằng viết mà chưa chi đã nghĩ đến chuyện không cần chất lượng với lại tiền trả hậu hĩ thì còn sống thế nào được nữa.
Tôi đã nói đúng điều mình nghĩ: người viết bao giờ cũng phải tự khó tính, tự không bằng lòng với mình. Cái chuyện văn học nó khắc nghiệt lắm, 10 năm trước người ta cho ông Lưu Trùng Dương vào sách, chứ năm nay những bài như thế báo tôi nhận được hàng đống. Sở dĩ văn chương ông Hữu Mai, Hồ Phương bây giờ chán, là vì ông ấy viết đúng như ông ấy từng viết mười năm trước đây. Tự các ông ấy có nghề nghiệp hơn, nhưng mà vẫn cứ là không kịp so với tình hình chung.
- Lắm lúc tôi không hiểu tại sao ông Phương với ông Mai chơi được với nhau. Ông Mai có vẻ cẩn thận, làm ăn lịch sự đối đãi tử tế lắm kia mà.
- Cũng thế cả thôi, tất nhiên một phần vì các ông ấy trước cùng ở đơn vị sau nữa vì văn chương họ ở vào cái độ chừng như nhau. Thực ra, ông Phương chỉ có hơi lỗ mãng hơn, mà ông Hữu Mai thì lịch sự hơn, nhưng để ý mà xem, câu chuyện của họ chỉ là đổi xe đổi đài, với lại ông Giáp thế này, ông Dũng thế kia.
- Nghĩa là nói như ông Khải, cũng là một thứ làm dáng nốt.
BUỔI GẶP CUỐI NĂM GIỮA HAI TỜ VĂN NGHỆ
Báo Văn nghệ cử một đoàn đại biểu đến thăm VNQĐ chúng tôi. Vũ Tú Nam gọi điện cho Vũ Cao. Trưởng ban trị sự Doãn Trung bảo lại chỉ chết tôi thôi, cứ đi ba chục người thì tôi bỏ mẹ. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy.
Những câu chuyện ban đầu còn hơi nhạt. Ông Hồ Phương đùa dai nhanh nhách, ông Khải hỏi thăm Xuân Quỳnh, ông Hoàng Trung Thông lưu ý là xưa nay không bao giờ nghi ngờ về khả năng hậu cần của bộ đội. Rồi do sự gợi ý của Vũ Cao, Hồ Phương buông lửng một câu mà lúc đầu chính tôi không hiểu:
- Tôi vẫn còn hồ nghi về lý do báo Văn nghệ sang bên này đấy nhá.
Hoàng Trung Thông nửa nạc nửa mỡ:
- Hôm nay chúng tôi sang một phần cũng là để tạ tội vì trong năm chúng tôi đã trót đăng bài Cái gốc
Tức thì ông Khải:
- Ông Hoàng Trung Thông nói thế, chính tôi cũng không biết rằng ông nói thật hay nói giả nữa.
... Lại một lúc nữa, ông Hoàng Trung Thông uống rượu vào, càng nói xa xả. Ông nói rằng ở đây có một người tỉnh táo nhất, tên đã đã tỉnh táo rồi, tức là bà Minh Mẫn. Ông chế giễu Ngô Linh Ngọc:
-- Trong một bài thơ chữ Hán ông này lại nói Quỳnh hoa. Tôi mới bảo chữ Quỳnh đây là tên cô Xuân Quỳnh ở báo tôi thôi, chữ Hán người ta phải nói đàm hoa mới là hoa quỳnh.
Lại NgKhải:
- Cái ông Thông này, cứ càng say tôi mới lại thấy ông ta là thật...
HTThông mặt cứ tái đi, trăn trở mà chưa tìm được câu trả lời, đúng hơn, chỉ lẩm bẩm những câu nhàn nhạt. Phó Tổng biên tập Cẩm Thạnh lo lắm, Nhị Ca cứ lén lấy thêm rượu rồi rót cho ông Thông, là bà lại gạt đi. Vũ Tú Nam bảo công nhận anh Hoàng Trung Thông là một nhà thơ đúng đắn. Hoàng Trung Thông công nhận Vũ Tú Nam là một chính uỷ của chúng tôi. Anh em ở ngoài đùa vào. NgKhải lại kể chuyện vừa rồi, ông gửi cái đoạn trích Đường trong mây sang mà báo Văn nghệ trả lại, chính Cẩm Thạnh trả lại kèm theo cái câu xã giao, đồng chí thông cảm cho. “Bà không trả thì tôi cũng định lấy về” mình định trả lời cũng như thế, nhưng thôi, Khải kể tiếp, nhưng đến khi đưa sang NXB Văn học thì họ lại hỏi có cái đoạn nào báo Văn nghệ không đăng cơ mà. Thế là mình nghĩ bụng giá kể chả gửi nữa cho xong. Ai cũng hiểu ý Khải muốn nhân dịp này tố Văn Nghệ ăn ở với anh em không ra sao, nhưng bên kia họ cũng khôn lắm chỉ yên lặng.
Mãi rồi cuối cùng, trong một mạch chuyện nào đó bỗng nhiên ai vụt ra cái ý Khải đúng là một chính uỷ sắc sảo, HTThông mới phản công:
- Ừ, thì ông Khải làm chính uỷ, rồi ông ấy làm chủ nhiệm báo, ông ấy mà làm chủ nhiệm báo thì ông ấy chỉ đăng của ông ấy thôi, ông ấy không đăng của ai nữa....
Tất cả mọi người cười ồ lên. Vũ Tú Nam sung sướng:
- Trọng tài tuyên bố đây là một quả rơ ve không tiền khoáng hậu.
Vừa lúc đến đoạn kết thúc, mọi người lục tục ra về.
NHỮNG CUỘC “TIỂU KẾT”
NHỮNG LỜI TÂM HUYẾT CỦA XUÂN DIỆU VÀ NGUYỄN TUÂN
Ngày tết, bao nhiêu là thứ họp. Riêng tôi, dự ba buổi. Thơ ở Hội, thơ ở báo Văn nghệ, và phê bình ở báo Văn nghệ.
Họp thơ ở Hội, Chế Lan Viên nhân danh trưởng tiểu ban thơ khơi mào cho mọi người nói. Chúng ta làm việc đã thấm thía gì so với những người ở ngành khác. Văn nghệ của ta bây giờ vẫn được các đồng chí nước ngoài, ví dụ các đồng chí Đức cho là chưa vượt quá Bình Ngô đại cáo đâu.
Người ta nói lên những băn khoăn về thơ hiện nay. Chừng như có một cái gì đó đang chững lại. Thơ anh em trẻ thế nào? Rất khó nói một cách chính xác chỗ nào là mới, chỗ nào là cũ. Cần phải ào đi trong công việc chứ. Nhưng mà bao nhiêu là khó khăn. Vũ Quần Phương nói tôi làm câu thơ về mưa bão Đã hai cơn lụt lớn, lại một lần bão to - thế là người ta không đăng, anh định nói lụt gì đây, bão gì đây? VQP bảo tôi muốn các anh hiểu cho, có phải thật là cần có những đề phòng như thế?
Lời phát biểu của VQP chìm đi, người ta lảng ngay sang những đề tài muôn đời để tưởng như mọi chuyện đều ổn thoả cả! Nhưng gạt đi cái phần sự thực, mà chỉ bàn về kỹ thuật khi làm những cái gọi là "thơ suy nghĩ" với "thơ tình cảm", thì còn có ý nghĩa gì nữa! Chế Lan Viên và Xuân Diệu thường đôi co với nhau. Xuân Diệu gây sự, trường thơ của tôi khác trường thơ của anh Chế Lan Viên khác. Nhưng Chế Lan Viên thì cứ gạt đi, không, tôi làm gì có đường lối riêng. Về thơ chúng ta chung đường lối thôi.
Ở báo Văn nghệ, hai ông ấy không đến họp. Mà có lẽ chỉ có một ông thì cũng chán, phải có hai. Hai phong cách sừng sững trong thơ, trong quan niệm và phê bình về thơ . Tưởng như thiếu đi một người, đời sống văn nghệ sẽ rất buồn.
Báo Văn nghệ chỉ bàn một lúc về những vấn đề lại còn ít cao thượng hơn. Một ông kể về cái khổ của những người làm báo. Chuyên nghiệp thì cho rằng các anh chỉ in những phong trào, ở cơ sở thì cho rằng toàn đăng thơ chuyên nghiệp. Về mặt báo chỉ phải nhận rằng từng người “giữ gôn” tạo ra những phong cách khác nhau. Sự thật là báo lúc thì mới quá, lúc thì cũ quá, đến khổ.
Ở cuộc họp phê bình, Xuân Diệu cũng dự. Hoàng Ngọc Hiến (Đại học sư phạm Vinh) khái quát:
- Anh Hoàng Trung Thông nói rằng chúng ta đã phát triển những quan điểm của Đảng trong các bài tiểu luận. Tôi nghĩ rằng anh Thông nói lịch sự thế thôi, chúng ta chưa phát triển được gì cả, chúng ta mới làm công việc minh hoạ, mà lại minh hoạt rất tồi, các vấn đề quan điểm các đồng chí lãnh tụ đã nêu lên. Đáng nhẽ chỉ coi những quan điểm đó là khởi điểm, thì chúng ta lại coi đó là những điểm cần đi tới.
Hoàng Ngọc Hiến còn nói thêm:
-- Các cuộc họp phê bình bây giờ thường chỉ có các nhà văn về hưu tham dự .Tôi rất kính trọng các nhà văn về hưu, nhưng tôi lại càng kính trọng các nhà văn đang ở trong cuộc.
Xuân Diệu chính là người ở trong cuộc chứ còn gì nữa? Ngồi bên cạnh Hoài Thanh, Xuân Diệu phát biểu:
- Người đời từ 25 tuổi trở lên đều biết rằng thực tế có phần công khai và có phần bí mật của nó. Chúng ta ngồi đây, công khai toàn nói những chuyện rất nhiệt tình, rất hăng, nhưng trong bụng thì lại đang nghĩ rằng không biết Viện văn học ai lên, bài của mình ra sao... Tôi căm thù chế độ cũ vì nó làm cho người ta xấu xa, tôi lại càng căm thù chế độ cũ vì nó để lại cái dối trá mãi tận bây giờ. Những người sáng tác là những người sản xuất, những người phê bình làm nhiệm vụ khơi mở thị trường. Người sáng tác người ta dễ xấu, nhưng còn có phần thật của nó; người phê bình xấu thì khổ cho mọi người khác lắm. Người ta huyênh hoang vừa chôn được người nọ, chôn được người kia. Sao mà lại có thể chôn nhau dễ dàng như thế được? Chúng ta từng có thành tích chôn anh Lê Đình Kỵ, mà có chôn được anh ấy đâu. Chao ôi, bây giờ các anh lại đang làm bia. Những người sáng tác chân chính ta cần gì bia của các anh. Bia gì ghê bằng bia trên núi. Chỉ sợ sau này thằng bé con đi qua nó hỏi bố nó, tên ai kia hả bố.... Trời ơi, xấu lắm. Ngay về chuyện già với trẻ nữa. Những người như tôi, năm nay trên 50 tuổi rồi, không có thì giờ mà làm những chuyện xấu nữa. Người già phải nghĩ chuyện tốt cho mình thì vừa. Đừng tưởng rằng mình được giao cho quyền hành gì thì bám lấy quyền đó đâu. Đến cả lãnh tụ cũng chẳng bám lấy quyền mãi được. Như cái ông lù lù bên kia kìa, làm bia cho cả thiên hạ cười. Anh có thể làm được 10 năm, chứ đến năm 11 thì người ta hạ anh xuống. Tốt nhất là anh cố làm ăn chân phương...
Cuối năm ngoái, trong kỳ họp phê bình, Xuân Diệu chỉ phát biểu ngắn, đại ý cái làm cho các anh bị người ta quên lãng là các anh không thật; phải nói thật thôi, tự nhiên người ta nghe các anh ngay. Năm nay, có lẽ là do hưng phấn từ mấy câu của Hoàng Ngọc Hiến Xuân Diệu mới lại đưa ra một khái quát về giới phê bình đến vậy .
Tôi không được và có lẽ cũng không phải đi họp nhiều, nhưng luôn luôn cảm thấy những điều mà người ta bàn trong hội nghị cứ chểnh mảng làm sao ấy. Chả ai nghe ai cả. Sự thực thì bàn toàn những chuyện là cái phần vỏ ở ngoài -- bên trong, đằng sau, nó là những chuyện phức tạp hơn, thì không ai động trệ đến -- và thực ra không sao động trệ đến được.
Trong những chuyện mà Đỗ Chu và Nguyễn Minh Châu kể lại về buổi họp văn ở nhà xuất bản Văn học, nhớ nhất là chuyện về Nguyễn Tuân. Ông vừa bị cướp mất cuốn Tôi đọc, do đó từ 1960 tới nay chỉ có Sông Đà được in. Ngồi một góc với quyển Cát lầy (của Thanh Tâm Tuyền – in ở Sài Gòn ) trong tay, cuối buổi ông mới phát biểu:
- Ngày xưa có dăm bẩy nhà xuất bản thì tôi không in chỗ này tôi quẳng chỗ khác. Bây giờ chỉ có một nhà này thôi, chúng tôi không thể chân trong chân ngoài. Chúng tôi phải lo lắng chăm bẫm cho nó chứ. Tôi cũng không phải là người lười phát biểu bằng tác phẩm lắm, thế mà các anh xem chín năm nay, tôi không có tác phẩm nào. Các anh phải nói rõ ra, các anh là người có quyền xuất bản hay các anh chỉ đã đọc thuê cho người khác.
... Về sau, Ng MChâu còn kể, ông Tuân nói một câu cũng tội cho ông ấy: “Mà nhắc đến văn học Việt Nam là không thể không nhắc đến tôi”. Tới đó, NgMChâu tỏ ý đồng tình, đúng như thế chứ còn gì nữa, rồi nói thêm .
-- Mình như cái ông Tuân ấy, mình viết thư hẳn lên trên ông Đồng mình xin gặp, chứ ai lại làm thế, đau quá đi ấy chứ. Khổ, đến cái tuổi các ông ấy, tuổi chỉ ngồi mà viết ra mới phải.
Chính sau này, ông Châu cũng công nhận như bài bút ký Đèn điện Hà Nội... thì ông Tuân viết hay thật. Lúc bấy giờ là ông ta viết trên lập trường của nhân dân đấy.
Lần nào đi về, ông Châu cũng nói rằng thực là vô bổ, nên bớt những cuộc họp ấy đi thì vừa.