VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

nhật ký văn nghệ 1969 (IV)


“VỠ BỜ” II  DƯỚI MẮT ANH EM TẠP CHÍ
Ông Thi, ông Tô Hoài sang bên này nói chuyện. Tôi là cái loại không được dự.
        Sau này, NgMChâu nói lại, nghe cái lúc Tô Hoài lão ấy nói thì mới biết lão ấy khôn. Nhưng mà thằng viết cứ như thế thì không viết được. Toàn nghĩ chuyện lẩn với lách.
- Câu ông ấy nói tôi nhớ nhất chỉ là nghề văn là nghề biết huy động sức mình một cách đúng đắn nhất.
NgĐThi cho in Vỡ bờ trên Hà Nội mới. Lâu nay, tờ báo này mới lại có vẻ đắt khách như thế. NgKhải giải thích đúng là lâu nay toàn thấy những đánh nhau giết nhau, người cứ cứng đơ đơ ra, bây giờ lại thấy nói chuyện yêu nhau, tự tử, thì thả nào người ta chả thích.
Có cái chuyện Phượng chết. Người ta nói đùa với nhau, thế này thì sẽ thấy một đám biểu tình trước Hội nhà văn. Phải trả lại sự sống cho chị Phượng - Nguyễn Đình Thi là tên giết người!  Nhớ lại  một chuyện tương tự trong tiểu thuyết cổ điển, Khải dựng lên một chuyện vậy. Rồi Khải kể, đến bà vợ tôi, lâu nay có thèm đọc cái gì bao giờ đâu, thế mà bây giờ cũng đọc. Thế là Châu tương cho một câu, đúng thật, ai cũng nhận ra trong đám biểu tình ấy có vợ lão Khải. Cái câu Nguyễn Đình Thi là tên giết người! là của bà ấy đấy.
Đến một bữa cơm mấy hôm sau, mới thấy NgV Phú thông báo: Phương không chết, đang được cứu đấy... NgMChâu ra vẻ thạo đời, mình đã bảo kiểu tiểu thuyết của ông Thi phải thế mà. Có mỗi nhân vật mồi mà chết nữa thì còn gì. Cái thằng Khải nó chẳng xem ma gì, nó cứ nói hoáng thế !
Cái băn khoăn nhất, là ông Thi viết thế nào đây? Ng Khải nói tiếp:
- Cái ông này giỏi thật, bận bao nhiêu việc mà vẫn viết thế đấy, cứng không? Phen này các ông nhà mình không kêu bận nữa nhé! Ông ấy còn có chân trong Uỷ ban Văn hoá do ông Đồng làm trưởng ban nữa đấy.  Lúc đầu phân công Tố Hữu chủ trì, nhưng về sau thế nào, lại ông Đồng phải làm. Chuẩn bị ý kiến cho những loại ấy thì không có lơ mơ được.
Rồi buông một nhận xét:
- Cái ông này ông ấy viết, mình cứ cảm thấy khít khìn khịt, nghĩa là hiểu biết vừa đúng như ông ấy có.
Mai Ngữ phụ họa:
- Viết cứ như thợ nề chăng dây xây tường ấy, cứ theo dây mà xây thôi .
Sau khi bảo rằng nhân vật ông Thi đờ đẫn như thằng ma làm, tác giả muốn dắt đi đâu thì dắt, NgM Châu nói về cách viết trong Vỡ bờ:
- Viết cứ như người chạy mưa ấy, cái gì cũng loáng thoáng, chạy mưa thì ai biết quần áo thế nào... Giá kể ông bỏ bớt những đoạn nông dân với lại cách mạng đi, còn toàn Phượng thôi có khi còn đọc được.
Tôi thích cách ví von của Châu quá:
- Nhưng vẫn là người chạy mưa thôi.
Rồi mỗi người ngồi đấy còn thêm một câu nữa:
- Cái chất Văn học của ông ấy hơi ít...
- Nhưng mà ông ấy có lối viết riêng của ông ấy đây. Có cái chất dung dị...
 - Dung dị đồng nghĩa với sơ lược.
- Ông ấy đặt kế hoạch ra: tuần này, phải viết được chương thứ mấy, tuần kia phải viết đến chương thứ mấy. Xong hết !
Đến Khải:
- Nhưng mà quan niệm tiểu thuyết như của ông Thi, ông Nguyên Hồng là quan niệm cũ rồi. Toàn là sự kiện năm tháng, cứ thế mà kéo, nhân vật thì người nào cũng nói như người nào. Thế thì là kiểu gì? Tiểu thuyết  bây giờ nó phải có cái ý thật rõ mới được. Viết như ông ấy tôi đếch sợ.
Trước kia, đã nhiều lần người ta bàn về hai quyển Vào lửa Mặt trận trên cao của Ng Đ Thi. Khải từng bảo ông ấy cứ viết tiểu luận với lại làm thơ thì không sao. Đằng này ông ấy lại đi viết hai quyển kia thì mình không sợ. Châu biện hộ tất nhiên, bây giờ mới thấy để chuẩn bị cho Vỡ bờ tiếp tục  ông ấy phải làm thế. Lúc ấy mà không tung hai quyển kia ra, thì bây giờ không chết à ? Trong lúc người ta đánh Mỹ, anh toàn nói những chuyện đâu đâu ấy !
Ngày nào NgM Châu cũng tìm Hà Nội mới để đọc Vỡ bờ. Tưởng là ông ta  mê lắm, nhưng một hôm tôi cầm quyển sách qua phòng báo thì ông ấy gọi lại.
- Vào đây, vào đây tôi chỉ cho ông xem. Này, cái đoạn một nhân vật đọc một bài thơ trên báo Cứu quốc mà giác ngộ... Xì... Hoá ra cũng một duộc cả. Trước kia cứ tưởng ông ấy viết tiểu thuyết bằng tay trái của ông ấy thôi. Hoá ra tay phải rồi. Đến bây giờ cũng tay phải nốt.

NG KHẢI NÓI VỀ HỘI
Trong lớp kháng chiến,  Ng Khải là người duy nhất  lọt vào thường vụ Hội. Có thể dự đoán đấy là do gợi ý từ cấp trên chứ các vị  thường vụ cũ cũng chẳng quý ông này lắm. Có cái gì họ cứ bàn riêng với nhau và ném cái nhìn về phía Khải, ngụ ý cu cậu cứ như anh Trạch Văn Đoành mới ở bên Ba di về, chả đâu vào đâu cả.
... Thỉnh thoảng, Khải lại xì ra ít chuyện các ông ấy nói về nhau. Ví dụ như bây giờ ông Mai, ông Nguyễn Công Hoan thì chả làm gì nữa rồi. May ra chỉ còn Thi, Tô Hoài. Nói riêng với Khải, bao giờ Thi cũng bảo Tô Hoài đuối lắm. Không nói được cái chung. Và văn viết sai mẹo cả. Còn Tô Hoài chê văn Nguyễn Đình Thi là văn học trò. “Nói chung văn của mình bây giờ, cổ quá”, câu ấy của Tô Hoài là ám chỉ Thi đấy. Nhưng mà chả cứ ông Thi,   -- Khải nói tiếp -- cái ông Tô Hoài ấy, văn chương cứ như người chạm trổ, suốt đời thi thút, thì thụt, thì không hiểu thế nào mà ra văn chương được. Hầu như ông ta làm việc theo giờ giấc, theo cái lối thủ công. Hầu như ông ta rất ít cố gắng đi vào cái hướng hiện đại, mặc dù ông ta hiểu biết nhiều. Bởi vì -- Khải không nói ra nhưng người nghe  phải hiểu -  như văn Khải mới là hiện đại.
Cũng có khi Ng  Khải nói nghiêm chỉnh. Nhân chuyện Bằng Việt, định xin chuyển từ Viện luật sang báo Văn nghệ,  Khải bảo sang thì tốt thôi, nhưng tôi khuyên ông là có lẽ cứ ở bên kia thì hơn. Tôi sở dĩ mấy lâu nay còn sống được là bởi vì tôi cứ ở bên tạp chí thôi, thỉnh thoảng tôi sang chơi, động có chuyện là tôi chuồn thẳng.
      Rồi Khải nói tiếp:
- Bây giờ tình hình các hội ở ngoài còn đang nhốn nháo lắm, đến các ông đầu còn nhốn nháo thay đổi nữa là ở dưới. Giá kể ông đang ở Hải Phòng, Quảng Ninh cơ thì bảo nên về ngay TW . Nhưng đã ở đây rồi, quen biết cả, muốn họp đâu thì họp, cần gì nữa. Còn cứ ở cơ quan cũ sắp xếp công việc để có thời gian thì rồi cũng được Hội cho giấy giới thiệu đi thực tế chỗ nọ chỗ kia. Bây giờ người ta đang cần người đi thay quá ấy chứ... Có chí thì chả sợ. Độ vài bốn năm nữa, ra tập thơ nữa rồi hãy về.
- ...
- Nói thật như tôi ấy mà, đứng được hơn 10 năm trong nghề, cũng đã là tốt lắm rồi. Phải cẩn thận chứ. Tình hình gay lắm, mấy hôm vừa rồi viết cái Đường trong mây, có những nhân vật thích lắm, có mấy chương thử giải thích tâm lý của người ta những ngày đầu chiến tranh, vậy mà mang đọc cho mấy ông, ông nào cũng kêu. Rồi chính tôi cũng sợ. Bây giờ mình mà không biết giữ mình, khó lắm, rồi bao nhiêu thù oán từ lâu nhân lúc mình có phốt họ mới lôi ra cả thể.
 Hôm nọ ông Tố Hữu ông ấy bảo tôi rằng chuẩn bị về mà gánh công tác tổ chức thay thế mấy ông cũ. Nhưng tôi tự bảo về làm gì? Mình nghĩ bụng ở ngoài, cứ viết tốt là được, tác phẩm hay sẽ được quần chúng mến ngay thôi. Như ông Tịnh nhà này này, dứt khoát ra ngoài thì không bằng ông Tế Hanh rồi. Khốn nạn, làm thằng nhà văn mà không viết được thì có ra cái gì, lúc nào cũng sợ bị người ta di chuyển. Cái ông Trọng Hứa đấy, lúc nào cũng nhăn nhó, cứ y như quả ba lông, nay chỗ này mai chỗ khác. Khi nào tôi không viết được nữa, tôi về biên tập, tôi về Hội muốn làm gì cũng được. Bây giờ hãy cứ ở đây, thấy cái gì sai là nói liền, chẳng ai làm gi tôi sốt.

QUANH TỜ TẠP CHÍ MỚI
Tạp chí Tác phẩm mới của Hội nhà văn xuất bản. Chuẩn bị mãi mà lúc ra cũng không lấy gì làm ấn tượng lắm. Đăng một bài thơ của Sỹ Hồng, mà chính tôi khi làm ét cho Nhị Ca biên tập phần thơ đã không chọn. Khải kể tôi cũng không hiểu ông Chế Lan Viên bây giờ thế nào nữa, ông ấy cứ khen nức nở những bài mà có lần tự tay tôi loại đi rồi.
 Bằng Việt nhìn ra vấn đề thế hệ:
- Mình đã nói từ rất lâu rồi, mình chỉ viết cho thế hệ mình xem thôi mà. Mình không  sực được thơ ông ấy, thì một phản đề rất đơn giản là các ông ấy cũng không sực được thơ mình nữa.
Khải vẫn trở lại ý cũ:
- Tôi ở báo tôi biết, các ông ấy vẫn chiếm nhiều nhất trên báo, nhưng thực tế thì đổ cả rồi. Ông Xuân Diệu thì chết từ mấy năm trước, ông Chế Lan Viên cũng đang chết dần dần trong lòng người đọc. Gần đây, đi đâu cũng thấy người ta kêu Chế Lan Viên.
Nói về khen chê của các ông ấy, lắm lúc tôi cũng không hiểu sao cả. Chế Lan Viên khen mãi những Một bàn chân của Lữ Giang. Ai đó từng bảo ông nào cũng chỉ thích những thứ mình không có. Tô Hoài không thể nào chịu được Lưu Quang Vũ, còn ông Khương Hữu Dụng thì mới, mới, mới nữa.
        Lâu nay, Khải đã bảo bọn ở ngoài nó tinh lắm. Vậy mà  Tô Hoài sẽ viết bài khen Hồ Phương trên Tác phẩm mới về quyển  Kan Lịch. Với Tô Hoài có thể nói Kan Lịch là một thứ Đất nước đứng lên đấy.
Những ngày này họ sống thế nào, thực hay giả, họ đã mòn đi cả rồi, hay sự thực là họ vẫn sống động hơn như thế?

CÂU CHUYỆN TRẺ GIÀ 
NgM Châu vừa viết xong bài tiểu luận Nói chuyện với một bạn đọc định đưa Tác phẩm mới . Đúng là một thứ “truyện ngắn tiểu luận”, giống như kiểu  Trước đèn  đọc Ngô Tất Tố của Nguyễn Tuân từng in trên tạp chí Văn nghệ từ hồi 1961-1962. Nhưng rồi thấy Tác phẩm mới có những bài về Người tốt việc tốt, thì ông ta lại dụt. Phải  xem lại thôi, bốc quá, Châu tự nhủ.
- Giữa lúc ngưòi ta giả, mà mình thật quá thì mình thành hấp chứ gì?
 Xuân Quỳnh kể chuyện, Quỳnh vừa được gọi đến dự cuộc đón tiếp hai nhà văn Liên xô. Cho toàn những đàn bà con gái ra tiếp. Bà Anh Thơ chưa đến đã lấy các thứ quà chiến tranh ra tặng. Đây lược máy bay. Đây mảnh thư nọ thư kia, khiến tay Marian Tkasov chạy cuống lên gác để lấy các thứ biếu lại. Lúc nói chuyện thì họ bảo cái gì cũng gật gù các đồng chí nói cho chúng tôi suy nghĩ, nghiên cứu, còn chính mình chẳng đặt được vấn đề gì cho nó cả. Một câu làm XQ giận nhất là cái câu của bà Anh Thơ:
- Ở nước tôi ai bây giờ cũng tươi trẻ cả. Thơ của chị Hằng Phương cũng trẻ như thơ của  Xuân Quỳnh.
 Quỳnh bình thêm:
-  Nói thế thì mất cả thể diện. Bao nhiêu năm nay mà thơ vẫn giống nhau. Thế thì còn cái chó gì nữa!
Chán văn nghệ, thì chủ yếu là thấy chán các ông lớn tuổi, không hiểu các ông ấy thế nào, nhưng cứ nắm hết các tờ báo thế thì bọn trẻ cũng chịu.  Tôi nghe Hà Minh Đức kể lại chuyện một hôm Lê Đình Kỵ nhờ Hà Minh Đức nói chuyện với Xuân Diệu – với tư cách trực tờ TPM, rằng Kỵ nó muốn viết về Xuân Quỳnh.
- Cái cậu Kỵ này chẳng bao giờ có mức độ gì cả. Cái độ vài phân thì cậu ấy tính ra hàng mét. Hoa dọc chiến hào đã có chị Anh Thơ viết đấy rồi, còn cần gì nữa.
Một người như thế “bắt gôn” phê bình, tất nhiên sẽ hạn chế những bài của anh em trẻ. Nghe đâu cái hôm họp phê bình ở NXB, Xuân Diệu còn bảo mười năm nữa những Khái Vinh, Mai Liên cũng không ra được một quyển sách phê bình như Xuân Diệu.
Trước kia, tôi cứ  nghĩ sang thời cách mạng, tất cả đang trẻ lại làm gì có người bảo thủ ? Bây giờ quả thật đã có người bảo thủ đấy. Ai già vẫn già. Làm sao mà đến lúc mình già, mình không rơi vào cái tình trạng như thế.
Đang thời buổi của những điều nhảm nhí! Thường đầu cứ rối tung cả lên vì bao nhiêu những người mà tôi gặp. Trước hình dung họ một đường nay họ một nẻo. Biết rằng đúng phải như thế, mà vẫn ngạc nhiên.
Vũ thì chán tất cả:
- Tao thấy bây giờ chỉ có gái và ăn là sướng nhất. Không ăn thì không hòng làm cái gì.
            -- ...
- Ngày trước tao ước ao thèm nghe đủ chuyện, bây giờ toàn chuyện đáng xấu hổ cả. Dạo ấy tao ngây thơ thế không biết. Bây giờ đi nói chuyện với con Uyên hay là ngồi chơi với thằng Định nhà tao còn hơn.
Mới hơn Cũ hơn