VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký văn nghệ 1969 (II)

ĐỖ CHU với RÁNG ĐỎ,   TIẾNG VANG CỦA RỪNG, TRONG TẦM SÚNG 
Chu viết xong Ráng đỏ gửi Nguyễn Khải để in Tác phẩm mới. Tô Hoài bảo lâu lắm mới có một truyện vừa hay như thế. Khải nói với Chu:
- Lạ quá mày giống y như tao. Bây giờ mày ở vào cái giai đoạn rất hiếm hoi trong đời người viết, những giai đoạn loại này thường qua đi rất chóng thôi. Tao, tao cũng chỉ được có 2 lần, một lần cũng 25 tuổi như mày. Đấy là cái giai đoạn mà viết bất cứ cái gì cũng đường được. Phải tranh thủ mà viết đi, bỏ qua mọi thứ vớ vẩn nó ngăn cản công việc, kể cả con gái nữa, nếu cần cũng phải bỏ đi...

 Chu tâm sự với tôi: 
-- Lắm lúc cũng thấy văn chương chả ra sao cả, nói thật với mày cái Tiếng vang của rừng đoạn cuối tao chỉ viết có một lần, thế mà các ông ấy đã khen lấy khen để, tao ngượng quá. Thế thì còn phải cố đếch gì nữa.
Ng Khải nghe thế bảo nhưng mà chưa ai dám chê thằng Chu là nó viết ẩu cả. Không phải là cứ ngồi kỳ cạch rồi nó ra. Những cái viết độ một, hai ngày thế này mà xong,  chính ra mới gọi là truyện vừa đấy.
Chu:
- Tao cố viết một cái gì đấy, làm sang cho tạp chí chúng mày, chứ lâu nay nó bếch rếch quá. Cái Ráng đỏ này, cái Chuyện mùa hạ, với cái Trong tầm súng nữa - đủ một tập truyện vừa rồi đấy. Mấy cái kia làm cho NXB Thanh niên. Mỗi tập có một vấn đề của nó. Tập Thanh Niên chủ yếu là chuyện bọn cao xạ bây giờ. Tập truyện vừa kia thì hơn. Trong những năm này, người ta đã đứng vững bằng cách gì? Các thử thách chia đều cho mọi người. Mỗi người kiểu riêng, nhưng mà họ đều đứng vững. Vậy thì tại sao, phải giải thích cho được.



Vương Trí Nhàn binh nhất (1966 - 1967) và chuẩn úy chuyên nghiệp (1970)

 CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI VIẾT TRẺ  Ở CÁC ĐƠN VỊ 
     Chu nói tiếp về quan hệ mình với đơn vị:
    -- Các ông phụ trách Tuyên huấn rồi cũng hiểu hết thôi, thấy thằng này cũng tích cực làm việc chứ không phải chơi đâu, chỉ mỗi cái tội làm việc không giờ giấc gì cả. Có ông thương, còn dặn mày không ăn cơm thì mày phải báo chứ, cuối tháng xuống quản lý mà lấy tiền.
      Có ông bảo cố mua lấy cái áo bông cho nó ấm. Tao nói luôn tôi có 2 m đây rồi, ông cho tôi 1,2 m nữa nào... Ông kia phải cho đấy. Mua xong cứ mặc thôi. Một ông thủ trưởng trung tá đứng chơi, lại nói chuyện với ông ấy luôn, mới mua được cái áo bông ấm quá anh ạ. Ông ấy không nói gì.
Nghĩ thằng nào ấm ớ nói xem, mắng cho nó bỏ mẹ. Nhưng chả thằng nào dám nói tao cả.
Mỗi lời bình tán của Chu bay giờ đều được anh em trong tạp chí coi là đáng thưởng thức. Đỗ Chu có lần vui mồm bảo phải biết nghe ông Châu nói chuyện mới được. Nhiều khi lúc đầu rất nhạt. Có khi chờ cả ngày mới được một câu hay. Cũng giống như con lật đật, bất chợt nó mới toe lên được một tiếng, thế là xong việc cả ngày.
 Nửa đùa nửa thật, NgKhải nói câu cuối trước khi vỗ đít bỏ đi:  
--Thôi tao lạy mày, mày đừng nói gì về tao cho tao yên thân một tí.
 Nhưng những lời đồn thổi về sinh hoạt bê trễ của Chu thì vẫn đồn đến tạp chí.
 Ông Hữu  Mai vốn quen với Phòng không không quân, nên  ngồi  góp ý kiến cho Đỗ Chu:
-- Cậu phải sống cẩn thận hơn. Không phải đối phó đâu, mà là xem thực bụng mình thế nào.
Đỗ Chu:
-- Đã mấy lần rồi, kể em cũng liều thật đấy. Một là ông ấy kéo em về làm sử. Em bảo đồng chí giao nhiệm vụ thì tôi chấp hành chứ tôi không thích làm sử đâu. Hôm nọ ông ấy đã giao phụ trách tờ tin văn nghệ quần chúng không chịu rồi, bây giờ lại việc này nữa, nhưng mà không nhận được thật. Ông ấy rử mình, Chu cố lên đi, rồi năm 1969 năm nay Chu phải phấn đấu vào Đảng nữa. Thế là tôi nói luôn, tôi đề nghị anh cho tôi phấn đấu lâu dài...
Đến thế thì Hữu Mai đành chịu.
- Đáng nhẽ mình phải để lúc khác cơ, nhưng nghĩ là tình anh em, mình mới bảo Chu như thế... Thế thôi, thế thôi... Chu cứ bình tĩnh.
Sau Chu kể tiếp với tôi:
- Mình biết thừa là mình thuộc kế hoạch quý 5 rồi, năm nay có được đâu, ông ấy nói thế chỉ tổ cho mình chán. Tôi đề nghị chúng ta làm việc với nhau cho sòng phẳng, việc tôi phấn đấu cứ phấn đấu, anh giao cho thì cứ giao chứ đặt ra kế hoạch thế này, không được, anh em đâm ngượng không dám nhìn nhau nữa. Thế là ông ấy thôi ngay.
Việc thứ hai. Có cậu Kỷ làm sử ở đây, bây giờ xuống đơn vị. Đi bộ đội từ 1953 đến bây giờ. Chỉ khuyết điểm mỗi tí vớ vẩn mà không được vào Đảng, vẫn thượng sĩ. Xuống đơn vị thì lại khá, vào Đảng ngay, còn đang chuẩn bị lên tí thiếu uý nữa, cho nên gọi lên đây mà nó vẫn thích xuống. Thế mà các ông vẫn không đánh giá đúng nó. Ở đây thì ỏn thót. Kỷ ở đây rồi chủ nhật Kỷ về nhà. Kỷ chưa có xe đạp phải không. Rồi phải thu xếp chứ, nhưng bây giờ Kỷ hãy dùng cái xe đạp công cái đã. Cứ y như là mua chuộc nó vậy... Trong khi đó thì lại bảo với đơn vị nó rằng như thế là cố cho Kỷ lắm rồi đấy, phải từ từ thôi, kết quả là chỗ ngồi của nó ở Sư đoàn -- làm một thứ bảo tàng gì đấy -- bị súp... Tao mới nói với nó các ông ấy không đánh giá đúng mày thì mày cứ về đi. Thằng này lúc họp tổ Đảng lại bảo là Đỗ Chu xui, kết quả là làm khó dễ cho công tác tổ chức...
...
NgKhải nghe xong  cảnh cáo:
-- Như vậy rồi nó cũng hiểu rằng mình là người có trình độ, cho nên mình cứ bỡn cợt nó mãi thì không được. Sự đối phó, có thể là cách sống hai mặt, lúc đầu như một thủ đoạn phối hợp cho xong, sau biến thành một thói quen thì nguy hiểm lắm.
 NgMChâu:
-- Chính không phải là anh em cán bộ chính trị mà anh em văn nghệ cũng đã bắt đầu nói thằng Chu. Hôm nọ, như thằng Kiên sang đây cũng nói thế.
 Tôi chỉ biết nói mấy câu vuốt đuôi với Chu. Tao gặp đã nhiều người, cũng có người ghê gớm bằng mấy, có người cũng có thơ in, sách in, nhưng ai người ta cũng còn có chỗ lo. Mày chả biết lo cái gì. Chả biết sợ ai, không hiểu rồi mày ra làm sao.

LƯU QUANG VŨ
Lâu lắm Lưu Quang Vũ mới lại lên chơi. Tôi bảo ngay mày phải bỏ cái lối giả dối ấy đi mới được, lên đây cứ chú chú cháu cháu, còn ra làm sao nữa. Cứ y như hai người giữ miếng nhau vậy. Vũ phải nhận là đến đâu bây giờ  nó cũng phải quanh co đối phó. Rồi Vũ kể chuyện mình:
- Thằng Chu bị kêu về tư tưởng đấy. Tao thì người ta chỉ coi là tác phong thôi, thanh niên Hà Nội mà. Với lại trẻ con. Ngoài ra không ai nói gì cả.
  Nhiều lúc tao cũng liều, chỉ cần xin phép là đi chơi được ngay, nhưng mà chán là đi luôn, không xin, thế thôi. Vừa rồi ở đơn vị nó làm rất dữ, nó đi kiểm tra từng thằng một. Thằng nào quần ống dưới 20mm nó bắt chữa lại hết. Phái đoàn kiểm ta, do ông Chủ nhiệm chính trị dẫn đầu. Nhưng đến chỗ tao, ông ấy lại lờ đi. Cái thằng này, cứ để yên cho nó thì hơn, càng khắt khe với nó, nó lại càng lung tung. Bây giờ kiểm tra quần áo là nó lại thửa toàn những thứ ông tuýp về không biết chừng!



        -- Giờ nó coi mày như là thằng Chí Phèo, không ai nó thèm dây.
-- Lâu không thấy xin về Hà Nội, nó lại giục, hay là nó kiếm lý do công việc gì đấy, để cho mình đi.
 Có lần tao mới bịa ra một chuyện. Tao báo với mấy thằng lính chung quanh, chúng mày có biết không, tao là con cụ Hồ đấy. Thằng CTV gọi lên. Mình biết rằng cậu nói đùa thôi, nhưng mà thế không nên.
Khi nghe kể lại, Ng MChâu bảo như thế là nó còn tử tế lắm đấy!
Đi với Vũ, tôi còn một lần sợ hết hồn. Ngay trên đường, Vũ nói huyên thiên những chuyện phạm thượng mà tôi cũng không dám ghi ra ở đây nữa. Chỉ nhớ nét mặt lạ lùng soi mói của mấy gã đi đường.
- Sao thằng Chu nó bảo mày nộp đơn xin ra Quân Đội?
- Nộp đơn đâu, thì cũng nói cho được việc. Bực quá, tao mới bảo chúng nó rằng như vậy, là tôi phục vụ cũng đã đủ cho các anh. Tôi làm phiền các anh mà các anh cũng làm phiền tôi nữa, nói thật là như thế. Hay là các anh cho tôi ra. Tuy vậy, tao cũng thấy đi bộ đội là có lợi.
- Lợi chứ, vào bộ đội mình thấy được những cái tốt nhất trong chế độ bây giờ. Lại còn có lúc phải ra nước ngoài nữa.
- Ra nước ngoài thì cần quá rồi. Đi đéo đâu cũng tốt chỉ trừ đừng có vào tù. Đi bộ đội rồi thì cũng coi như là vào tù chứ còn gì...
- Lắm lúc tôi thấy bọn Không quân  nuôi các ông thì cũng quá là trái ngược. Không Quân hiện đại mà thơ ông lúc nào cũng tép cũng tôm, quả mơ quả khế. Không Quân phải thật là kỷ luật chứa sao nổi một tay phá bĩnh vô kỷ luật hạng nặng như là ông!
- Thì đúng như thế. Mà lúc nào cũng phải báo cáo lên trên rằng mình đã tiến bộ đấy nhé. Căn bản thằng ấy là tốt, gia đình bố là cán bộ, mẹ là Đảng viên, chẳng nhẽ các anh không giáo dục được hay sao ? 
Hôm nọ tao đến Phòng Chính Trị quân chủng, khối ông cứ giả vờ vào lấy cái nọ cái kia, nhưng mà kỳ thực là để xem mặt mình. Tao nghĩ lúc bấy giờ mà oà lên một tíếng là các ông phát khiếp.
Nói thế chứ căn bản các ông phải không được nghe những lời đồn đại mới được... Không nghe, tự khắc mình trở thành thằng ngoan. Ở trong đơn vị, hiền lành nhé, nói với ai cũng hết sức thận trong nhé, một điều anh, hai điều anh, nói với con gái thì quy định là đồng chí, nhưng lại gọi chị... Thế thì còn đéo gì hơn nữa.
...
Dẫu sao đến VNQĐ, Vũ  hơi ngượng. Tháng  4/67, được về nhà một tháng sửa tập thơ, cu cậu làm luôn một lèo 3 tháng. Rồi đầu năm nay, giả là  ngã, phải đi bệnh viện, để ở lại Hà Nội.
 Vũ nhận xét về VNQĐ:
-- Nghĩ các ông ấy bây giờ như các ông phán ấy, ông Châu đánh bi-a thì ông Ngữ đứng ra cửa ngó nghiêng. Ông Ngữ đánh thì ông Châu nhìn đi chỗ khác, chả thèm xem. Lại cái ông Nhị Ca nữa. Chắc ông ấy cũng buồn, ngày trước tao đến ông ấy là chú chú cháu cháu, nhờ chú xem hộ cái nọ, sửa hộ cái kia. Bây giờ đến chỉ chong chóng rồi chạy vào chơi với mày thôi. Lúc nãy ông ấy nhìn tao, con mắt đúng là như thế đấy.
... Chúng tôi đi với nhau, những con đường Hà Nội toàn bàng trơ trụi, nhưng hàng cây cơm nguội ủ rũ. Mùa rét mà được những ngày nồm nồm như thế đi dạo còn gì thú vị hơn. Vũ buồn một cách chân thành mà nói rằng từ ngày chiến tranh phá hoại đến bây giờ, xa nhất thì nó mới được đi đến Vĩnh Phúc.
- Vào khu 4 kỳ này rồi tao sẽ ra thơ cho mày xem. Khi nào tao viết được cái gì tao biết lắm chứ. Nhất định là sẽ có thơ về Hà Nội. Hà Nội mà chưa ai tả được như thế bao giờ, trong thơ ấy. Nói chung những người như thằng Bằng nó thế nào, đã ra thơ nó hết, tao ra tập này chưa phải là tất cả tao đâu, mà mới là phần tao chơi bời thôi.
  
NGUYỄN MINH CHÂU VÀ CĂN PHÒNG MỚI Ở KHU CÔNG TRƯỜNG 800 
Ở cái cơ quan mà tôi mới về gần một năm này, tất cả mọi người đều dị dạng đều đặc biêt, đều có gì quá khổ. Nguyên những chuyện về họ, hàng ngày, tôi thấy không bao giờ chán. Như vậy làm thế nào bây giờ đây?
Không lúc nào ở đây người ta không làm việc. Ông Châu kể, về với con, lắm lúc con đòi kể chuyện, ông ấy phải bịa ra để kể cho nó. Nghĩ giá kể mình mang những chuyện ấy viết ra, có lẽ cũng còn khá hơn truyện của thằng Sách, Châu nói thêm. Nhiều lúc con bỏ cả xem chiếu bóng ngoài bãi để ở nhà nghe bố kể chuyện. Từ hồi vợ chuyển từ Hải Phòng lên Hà Nội đến nay, ông ta vẫn chưa chịu đi cắt phiếu gạo, bây giờ vẫn không được về Hà Nội đong gạo, cứ phải đến xin tận trên sở họ chiếu cố. Cứ nghĩ sắp tới phải bỏ hàng tháng quay về để giải quyết các việc là rụt ngay cổ lại.
- Mình đeo cái đài đến, trông oai lắm, mặc dù giá nó bắt mở thì mình đéo biết thế nào vì đài hỏng rồi. Chờ mãi không được, mình phải bỏ đồng hai ra, làm một chục bánh rán mang vào, ra vẻ ngồi chờ ăn bánh rồi mời nó ăn luôn... Nó giúp mình ghê lắm, cho ngay cái giấy giới thiệu. Không đề rõ tên cửa hàng, để tuỳ mình đến đâu điều tra là mua được thì mua cơ mà.
... Làm nhà văn lắm lúc cũng sướng. Mình với vợ mình dọn đến cái công trường 800 ấy. Vợ chưa biết nếp tẻ thế nào vào ngay cái phòng đầu. Vừa gặp một thằng bạn, thằng này nói chuyện với một ông Trung tá ở đây, thế là ông ấy cười. Nguyễn Mính Châu viết văn hả? Thế thì sang đây, sang đây. Ông ấy lấy cho mình một cái kìm xe đạp, tháo các thứ dây rợ ra. Cái buồng thứ ba lại có cả một cái hiên, để củi nước được.
Nhưng mà cái khu ấy bây giờ thì bẩn thật. Chỗ này mấy thằng lính hậu cần ở, chỗ kia mấy cô văn công đi phục vụ lẻ về léo nhéo. Chó rất dị dạng, con nào cũng như đười ươi cả.  Cả khu như một thằng mặc quần áo tây, cổ khô la, mũ cát két rất đang hoàng mà lại chân đất, chân vọc trong bùn...
 THÂN PHẬN VĂN NGHỆ
Lại nói chuyện quan niệm và mong mỏi sáng tác. Cuối năm họp cơ quan, có cái mục phát biểu về các chủ trương, chính sách của cục đối với văn nghệ.
Hồ Phương: Đừng tưởng ở ngoài nhà xuất bản Văn học nó đối với ta là dễ đâu, nó lại có cái khó khác chứ !
Xuân Thiều: Nhưng mà vẫn nhiều cái khó chịu. Viết về bộ đội mà cứ cho anh em gọi nhau mày tao chí tớ là không được với các ông ấy. Mưa cũng thế, không được tả mưa buồn, mà lại tả mưa tưng bừng trên những nhành lá non tươi kia.
Không biết ai nói rằng giá bây giờ có một nhà xuất bản dành riêng anh em viết văn quân đội thì hay quá. Nguyễn Minh Châu gạt đi ngay.
- Tôi cho rằng thế này cũng đã là may lắm rồi. Chứ lại tình trạng viết cái gì cũng phải đưa nhà xuất bản ấy in thì mới bỏ mẹ.

NgMChâu tự hào đúng là có nhiều điểm mình nói với nhau hàng ngày nghĩ ra không chừng sẽ có lúc được việc trong một trang viết nào đó. Châu kể hôm nọ mình nói với Phan Nhân một câu, sao đó về phải ghi vào nhật ký. "Quân đội xây dựng từ hoà bình chán, thì cũng là để đánh nhau trong thời chiến này. Còn văn nghệ mình, thời chiến cứ chuẩn bị đi, sau này sẽ ra tác phẩm, tiếc gì mà tiếc.”
Và  Châu  bảo nhiều lúc chỉ ngồi ghi nhật ký là thấy thích.
Nhưng như thế tức công nhận  tình hình văn nghệ hiện nay là khó, loại như NMC là lạc lõng. Mà  thực như thế, không thể nào khác được.
NgMChâu lại kể cảm tưởng sau một lần vào hội trường Ba Đình xem xiếc, gặp rất nhiều cán bộ Quân sự đi xem. Mình tưởng tượng bọn này có thể nghiến băng tất cả những thằng như chúng mình, nếu thằng nào dám liều lĩnh đi ngược dòng chúng nó chứ chơi à? Một thằng bạn cũ, lâu ngày không gặp nhau, mình mới hỏi nó mấy câu về sinh hoạt mọi thứ bây giờ. Mặc dù nó đối với mình vẫn rất tốt, nhưng trong câu trả lời vẫn có cái gì như là cần đề phòng ấy...
Chu thì kể chuyện ở một khẩu đội, một thằng lính mới được một con sáo rất đẹp, nó huấn luyện cho con sáo ấy biết nói. Cứ đánh xong là trong khói đạn, con sáo thành mối quan tâm của cả bọn. Không biết hôm nay sáo thế nào rồi. Rơi máy bay nhé, rơi máy bay nhé - Con sáo hót lên bốn tiếng và người ta gán cho nó một nội dung như thế. Đến hôm trận địa bị địch giã bom vào mà lại không bắn trúng của nó cái nào, cả bọn im lặng, không ai chú ý đến con sáo ấy nữa. Bỗng nhiên con sáo từ đâu lại mò về. Rơi máy bay  nhé - Rơi máy bay  nhé. Lại hót. Một thằng lính - có lẽ là cái thằng nuôi con sáo từ lúc từ lúc mới đẻ không biết chừng - ức quá, nó mới quật cho một phát, con sáo chết tươi ngay.
 Tôi nghĩ văn nghệ của mình cũng phải như thế, cũng phải cẩn thận, không có lại hoá ra con sáo kia hót hỉnh lung tung hết cả lên một cách vô duyên vô vị thì chả còn gì buồn hơn, mà rồi chả ai người ta thèm ngó ngàng tới nữa cơ.
Mới hơn Cũ hơn