NHỮNG TRANG SỔ TAY CỦA NGUYỄN MINH CHÂU
Tác giả Cửa sông có một cuốn sổ ghi hàng ngày bằng giấy pơluya mỏng, chữ rất đều. Tôi mượn xem và chép lại một đoạn:
I.
Con đường băng qua cánh rừng mà ta đang mở, dưới bom đạn.... Có hàng ngàn người làm. Toàn là những người còn trẻ, con trai, con gái . Trong ánh đuốc, trong ánh pháo sáng, trong bóng đêm, chỉ thấp thoáng, nhấp nhô.
Mỗi người đi mở đường mang trong đời mình một vận mệnh, một niềm mơ ước.
Có người từ quê đi, có người lang bạt, tới đây.
- Có người chết vì bom, mồ nằm bên đường.
- Có anh phụ trách chửi mắng anh chị em như phu
- Có cô gái chửa hoang phải điều về tổ làm đá.
- Có anh đào ngũ về làng.
- Có lũ, mưa. Có sốt rét và có người chết vì sốt rét.
- Có những đêm liên hoan.
- Có người yêu nhau - có đêm trăng.
- Có đêm chị em đốt đuốc đi tìm xác bạn vừa bị hổ vồ.
- Có anh cưỡng bức một cô công nhân đẹp nhất đội.
Từ trong cảnh đó, con đường cứ mở ra, vươn ra, và xe ra, người ra. Con đường ra tiền tuyến đã gần mở .
Họ lại kéo đi. Vẫn những con người ấy, lại mở một con đường khác. Ôi, đấy là điều mọi người chúng ta đều có biết, mà chưa nói ra, viết ra được.
II
Trong cuộc chiến đó để giành lại đất nước với kẻ thù bên ngoài 20 năm nay, ta rèn cho dân tộc ta biết bao nhiều đức tính tốt đẹp như lòng dũng cảm, sự xả thân vì sự nghiệp của Tổ Quốc... Nhưng bên cạnh đó, 20 năm nay, ta không có thì giờ để nhìn ta một cách thật kỹ lưỡng. Phải chăng bên cạnh những đức tính tốt đẹp, thì tính cơ hội, nịnh nọt, tham lam, ích kỷ, phản trắc, vụ lợi, vốn được ẩn kín và đã có lúc ngấm ngầm phát triển đến mức gần như lộ liễu ? Bây giờ ta phải chiến đấu cho quyền sống của cả dân tộc. Sau này ta phải chiến đấu cho quyền sống của từng con người, làm sao cho con người ngày một tốt đẹp. Chính cuộc chiến đấu ấy mới lâu dài.
III
Cơ sở của sáng tác văn học không phải là chính trị mà là triết học, những câu hỏi thiết yếu nhất, da diết nhất của con người.
Nhà văn? Xét cho cùng, người đọc đương thời và đời sau đánh giá anh ta, đánh giá những trang sách của anh ta, khen hay chê, là căn cứ vào người ta có tìm thấy được hay không trên trang sách ấy tấm lòng ưu ái đối với cuộc đời, sự quan tâm ít hay nhiều của anh tới vận mệnh của con người, tới niềm hạnh phúc hay nỗi đau khổ của họ. Niềm suy nghĩ ấy phải được chan hoà trong từng dòng viết, trở thành một sự khắc khoải dày vò anh, không cho anh sống được yên mà phải viết, phải chiến đấu bằng ngòi bút.
Người anh hùng lớn nhất là người anh hùng chưa bao giờ được tuyên dương cả. Con người vĩ đại nhất là con người bình thường đang đi giữa con số hàng triệu, những người dân cõng binh sĩ trên mình trong bùn đất mồ hôi và máu trong những nỗi hy sinh âm thầm, những điều suy nghĩ âm thầm. Họ gánh vác những hy sinh mà cuộc chiến tranh ái quốc đòi hỏi trong 20 năm nay không một lời kêu ca, không đòi hỏi trả bằng sự hưởng thụ, cả những tấm bằng khen tượng trưng cho danh dự chính trị nhất thời.
Ở trong đám quần chúng ấy, có anh hùng ca của cuộc đời, có bi kịch của cuộc đời. Mà sở dĩ có anh hùng ca, vì có bi kịch.
Nguyễn Du có một tài năng lớn nhưng ta chưa ca tụng hết mức rằng Nguyễn Du có một tấm lòng lớn đã viết nên văn thập loại chúng sinh. Đây là tình thương con người rất lớn. Bao giờ xưa và nay thì có thập loại chúng sinh, đều có những con người bình thường của xã hội. Và nỗi không may cùng đức hạnh sáng người của họ như những viên ngọc bị phủ lấp. Bây giờ cũng cần những bài văn chiêu hồn nhưng Nguyễn Du chỉ biết gợi lên nỗi bất hạnh mà chưa viết anh hùng ca. Những trang sách ngày nay phải viết tiếp từ trong hy sinh và bất công, từ trong bùn đen và máu đập từ trong mất mát và đau khổ, từ cuộc chiến đấu dài 20 năm, từ đó một đất nước tự do nẩy sinh. Hãy biết ơn những người anh hùng vô danh đã dựng lên nó. Tác phẩm Việt Nam phải là một tấm bia khắc diện mạo của những người quần chúng chưa bao giờ được tuyên dương được vẽ lên một cách đầy đủ. Đây là những người binh sĩ còn sống hay đã mất và bố mẹ họ con họ đều đang đứng bên họ trong cuộc chiến đấu hôm nay.
MẤY CUỘC HỌP Ở TẠP CHÍ
Toàn thể các anh trong Tạp chí bàn về quan điểm của những người viết hiện nay. Nhị Ca cho rằng biểu hiện những cái ngày nay dứt khoát là khó hay rồi (chiến đấu sao cụ thể bằng những chuyện vợ con gia đình hết sức thiết thực). Xuân Thiều cho rằng không hiểu sao thường thấy bực bực khi viết, khó chịu không phải những ông ở trên, mà là một số cán bộ dưới lớp biên tập mới học nghề. Nói hơi có hiện tượng gì tiêu cực một tí là các ông ấy xoá đi (giá Lêvintan còn sống, ông ta cũng bị ghép vào tội coi thường quần chúng sớm. Sao lại chỉ vẽ có phong cảnh?). Xuân Sách lại dẽ dàng, cái chuyện thấy khó viết là chuyện băn khoăn đời của mỗi người viết. Nó là cái băn khoăn để lớn lên. Minh Châu thì nói thực hơn. Bây giờ lo về cách viết nhiều hơn là lo về cái mà mình suy nghiệm, thiết tha, định viết. Và lối viết tiện nhất là đi vào những cái gì có chất thơ, ngọt ngào, dễ thương, dễ thông cảm.
Nhà phê bình văn học Nhị Ca - khoảng 1968 - 1969
Khi tổng kết, Vũ Cao nói những đồng chí cấp trên chỉ mong sao tạp chí lành mạnh, các đồng chí sống trong sạch, và viết ngày một hay hơn. Tuy vậy, cái điều thực tế là Chủ nghĩa xã hội hết sức phức tạp, tình hình cán bộ hết sức phức tạp. Đối với mỗi người, chúng ta phải luôn luôn đặt lại những vấn đề cơ bản về lý tưởng, về chủ nghĩa xã hội...
Có một lần NgMChâu bảo riêng với tôi:
- Tình hình gay lắm đấy, có lúc mình chán hết cả việc viết lách, chỉ muốn ngồi nói chuyện cho nó sướng. Nhìn chung hiện nay, về quan điểm văn nghệ chỉ có mình đứng riêng ra một góc, còn tất cả những bọn khác nó vẫn vào cánh với nhau, nó chưa đánh mình đấy thôi, nó đánh mình thì mình chết. Trước tình hình đó, đáng nhẽ phải bảo nhau đưa ra một cái gì đó có tính chất chỉ đạo thống nhất, đằng này nay khen cái này mai khen cái kia lộn tùng bậy hết cả lên, người ta không hiểu sao cả, bỏ hết trận địa đây sau này rồi chỉ có chết... Có mấy ông chịu trách nhiệm về mặt đường lối, ông Chính Hữu, ông Vũ Cao, đáng nhẽ phải trả lời dứt khoát một số câu hỏi chính yếu, đằng này các ông ấy lại cố lờ đi, nhưng mà lờ thế nào được.... Hôm nọ mình đã đì Chính Hữu một trận rồi. Cuối cùng ông ấy phải bảo: “Rất khó mà thay đổi được quan niệm của những người đương thời”.
... Lại một lần khác, họp những người viết phê bình cho tạp chí. Ông Thiệu, giám đốc Thư viện bảo tạp chí đăng nhiều bài hay, ví dụ bài đọc thơ Sóng Hồng, bài Hòn đất, nhưng lại có những bài chung chung, không thiết thực, ví dụ bài đọc tập truyện Phù sa, bài Mấy ý nghĩ về 4 năm thơ (cả hai bài này đều của Vương Trí Nhàn)
Có một sự đánh giá nào đấy về thơ bộ đội mới là cần thiết, việc gì lại dây vào những chuyện chung chung ở bên ngoài. Có bao giờ bộ đội đọc những quyển sách ấy đâu.
Ngay trong buổi họp, lập tức ông Cao – lúc này đang là Đảng ủy viên Tổng cục - lại phải có ý kiến. Có một chuyện tôi phải báo cáo cho rõ. Tức là không có một nền văn nghệ nào là nền văn nghệ bộ đội -- Tất cả phải tập trung vào việc xây dựng nền văn nghệ chung, đóng góp vào nền văn nghệ chung. Một mặt, chúng ta phải chiếu cố những vấn đề bộ đội. Nhưng mặt khác, có những vấn đề bộ đội ta phải phát biểu ý kiến với văn nghệ bên ngoài. Nếu ta không làm chuyện đó thì không được, chính là các đồng chí ở trên cũng mong ta làm chuyện đó...
Lúc ấy, Phan Hồng Giang ngoảnh lại bảo tôi: “Về VNQĐ, sợ nhất những ông này đây. Nói như ông ấy thì thực dụng hết, bố ai còn dám viết gì nữa”.
Trang viết năm 1969
MỘT ÍT CHUYỆN BÊN HỘI
Ng Khải đi họp BCH Hội nhà văn về. Ông ta lại kể chuyện kỹ về Chế Lan Viên.
- Ông ấy bây giờ ghê lắm. Bạ ai cũng chọc được. Loại như Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài đành nhịn.
Chế Lan Viên nói về Hoàng Trung Thông, cái ông này ông ấy không làm cái gì mà cứ thấy to lên, ngày một to lên. Nhân bàn về tờ tạp chí mới, ông mới đặt vấn đề về Đặng Thai Mai. Có người muốn mời cụ đứng tên đầu tạp chí nó oai, có người lại bảo thôi để cụ ấy bên Viện. Chế Lan Viên cho một câu, cụ ấy bây giờ thì như giời ấy. Giời ở khắp mọi nơi, ở đâu mà chẳng có giời, nhưng đố ai biết giời làm gì. Nhân việc ông Xuân Diệu kèo nhèo về sách in, rằng tập của ông ấy với tập của Huy Cận cùng gửi đến, mà tập của Huy Cận thì in năm nay ti- ra 6000, tập của ông ấy thì sang năm mới in, mà 2000 thôi... thế là ông Viên khái quát:
- Người ta cứ bảo rằng tôi say, mà ông Xuân Diệu tỉnh. Ông Xuân Diệu tỉnh nhưng ông ấy nói cái riêng, còn tôi say tôi lại nói cái chung.
Chế Lan Viên cũng nói gì đấy về trường hợp ông Khải.
- Ông này ông ấy cứ ra từng cuốn một. Một, một cộng với một vẫn là một chứ không phải là ba đâu..
Mọi khi ông Khải công phẫn mấy rồi cũng lại xuôi chiều như mọi người, nhưng lần này nổi hung lên:
- Ở đây không ai nói ông thì tôi phải nói vậy. Ông thì tôi công nhận ông có nhiều đóng góp với phong trào, nhưng nếu vì thế mà nói rằng ông là số một ở đây thì không được. Ông khuynh loát tất cả mọi người, bạ ai ông cũng mang ra chế giễu, bài bác. (Ông Chế xin nói, ông Khải im, ông để tôi nói đã!) Có mặt anh em đây, ai cũng biết rằng ông cũng có những chỗ keo bẩn, không kém gì mọi người. Anh em không ai muốn mang chuyện đó ra thôi -- Không ai nói thì tôi phải nói vậy.
Khải kể tiếp đấy, cứ thế thì ông ấy lại sợ, ông ấy lại im thôi. Cứ phải nói tuột ra, cứ phải chơi chính sách thật thô bạo, cứ như tôi với ông Hải Hồ này này. Ông ấy trêu vào mình thì ông ấy thiệt, cũng như mình trêu thằng Đỗ Chu bây giờ để nó chửi vung lên thì mình thiệt.
Tôi nhớ đến nét mặt của Nguyễn Khải cái lúc mà ông ta nghiêm trang. Người ta lại có thể khôn ngoan đến thế ư? Lại có thể lạnh lùng tàn ác đến thế ư ?
Ở bên cạnh Khải, không bao giờ tôi cảm thấy ông ấy hết chuyện để nói, hết những điều đang say mê và suy nghĩ trong lòng.
Chỉ cần ông ta xem Anna Karênina về là ông ấy có thể kể với bộ phim ấy rất kỹ lưỡng về bộ phim ấy, chỗ nào thực, chỗ nào giả -- Và tôi hiểu rằng những cái sự tự tin rành rọt đó gần như không bao giờ tôi có được!
MỖI NGƯỜI MỖI VIỆC
Ngày 15/1, với tư cách người giữ thư viện của tạp chí, tôi đi họp ở Thư viện Quân đội. Lâu nay đã thấy ở đây có ông Thấu hơi lằng nhằng. Ông ta nhất định không phát cho tạp chí những sách mà ông ta đã phát hiện ra là có vấn đề ít chút. Khó chịu với loại máy móc như thế. Nhớ một lần, tôi đi mua sách ngoại văn ở kho 24 Hai Bà Trưng. Tay Đức, một người giao sách ở đấy thôi, hằm hằm nhìn vào mắt tôi.
- Các anh mua cái này đã thông qua Tuyên giáo chưa? Sách xấu đấy, cứ bảo là làm sao mà vẫn ra ngoài, chỉ có các anh mượn lẫn nhau thôi chứ gì nữa. Anh có biết A. Maurois này là thế nào không ? Người gì thì người, cứ đọc lắm sách xấu vào, rồi cũng như mạch nước bẩn ấy, nó thấm dần vào, thấm dần vào, ngày một ngày hai, ai mà biết được...
Bây giờ lại đến cái ông TVQĐ này nữa – tôi có cảm tưởng người ta càng phát hiện thêm những sách có vẻ cần phải cấm, thì người ta càng như là có công lao.
Từ ngày mới về VNQĐ, tôi đã được nhắc: nói năng gì thì cũng phải cẩn thận, nhất là mấy ông bên phòng kia, không phải cái gì họ cũng giống như mình cả. Ví dụ quan niệm lâu nay về vấn đề thể loại. Trợ lý Đại Đồng xuống các lớp ở các binh chủng vẫn cứ giảng phải tranh thủ viết người thực việc thực, coi đó là tất cả những gì có được ở một nền văn học. Nhân vụ gần đây về Cái gốc, Lâm Quang Ngọc bảo thẳng các anh ở Quân Đội nhân dân có vẻ đánh đòn hội chợ tợn, đánh tranh thù mà lại. Bây giờ thì tôi có dịp rõ cả:
- Báo cáo các đồng chí, hôm nay chúng tôi cũng báo cáo để rõ thêm là phòng Văn nghệ chúng tôi phải đảm đương những vấn đề chính mà các đồng chí vẫn bàn đấy. Ơ... Ví dụ như là nắm tình hình ra đời các sách báo, đọc qua, có gì phát hiện lên trên rồi làm các công tác về mặt đối ngoại... Khó khăn thì nhiều lắm, nhưng khó nhất vẫn là vấn đề quan điểm. Tôi thì phải làm cái việc phát biểu một số điểm. Nói thực với các đồng chí, toàn trên chỉ thị cả, chỉ thị cho đọc Cái gốc, chỉ thị cho đọc Vấn đề ông chủ nhiệm rồi báo cáo lại. Lúc ra viện Văn học chẳng hạn, rủ Xuân Miễn thì ông ấy không đi, một mình mình với một đồng chí giáo viên ở ngoài, nhưng mà lại nghe tiếng anh em xì xào: “Thằng Đại Đồng nó làm cái gì mà nó phát ngôn thay cho anh em làm Văn Nghệ trong Quân đội. Có những quyển truyện, về nguyên tắc thì chỉ có tôi đọc thôi, cả các đồng chí giáo viên huấn luyện, đồng chí Phác Văn, đồng chí Minh Mẫn cũng không được đọc. Tôi vừa có ý định ra trao đổi với một đồng chí viết trong quân đội - thế mà hôm sau, đã thấy ý kiến đó bay ra đến ngoài rồi. Cho nên vấn đề đầu tiên cần thống nhất với nhau là vấn đề quan điểm. Còn về việc phân công chức trách, tôi đề nghị trong số chúng ta ngồi đây, chúng ta họp với nhau thành một ban là ban gác sách, chúng ta chia nhau ra mà làm. Bây giờ ngồi một chỗ mà giảng giải với nhau về cái nọ cái kia kể cũng hơi khó, chúng ta cứ trao đổi với nhau rồi dần dần sẽ nâng cao được trình độ. Mà việc này cũng phải phối hợp với bên ngoài nữa. Có những quyển lần đầu mình đọc, mình nghe vui vui không sao cả, đọc thưởng thức mà lại. Sau phải nghiên cứu vào câu vào chữ thì mới ra được vấn đề. Có những quyển phải nhờ những cơ quan có trách nhiệm họ điều tra tác giả, xem tác giả thuộc về những phe nào, nhóm nào, như là dò luồng cá đi ấy.
Một mặt chúng ta phải gác sách xấu, nhưng mặt khác chúng ta phải khơi nguồn cho những sách tốt phát triển, xuống với quần chúng. Theo tôi thì vừa rồi bộ đội mình làm thế là tốt, nhưng bên ngoài họ lại dễ cho mình là khắt khe, họ đang rình xem mình có gì sơ hở là họ chụp xuống, đồng thời thử xem xem, những sách mình xuất bản, nó thể hiện cả cái phương hướng chiến đấu của mình, ví dụ như phương hướng người thực việc thực, cái đó dễ bị dìm lắm... Gần đây, bên xuất bản QĐND có quyển Vì nước vì dân, ghi lại những gương tốt trong bộ đội mình, thế mà chưa thấy báo nào giới thiệu cả.
... Họp xong, tôi bảo với các ông ở nhà ra lâu nay mình nói năng tùy tiện quá. Và từ đây mới bắt đầu hiểu thế nào là cơ quan mình đang sống.
Quả thật, hôm ấy tôi ngồi với toàn những loại người lòng gang dạ sắt. Một ông ở báo QĐND – tên là Hoàn thì phải. Mặt dài lưng còng, đầu nghiêng le lé nhìn những tờ giấy, trông hệt một người công chức mẫn cán. Ông làm việc ở tổ tư liệu bên báo. Lúc thấy Thư viện nhắc tới một số cuốn sách đề nghị hạn chế lưu hành, ông mới khe khẽ kêu lên. Thế hả? Thế mà bấy lâu nay chúng tôi không biết, nghĩa là cứ cho mượn tràn đi. Các ông phóng viên, xuống đơn vị về, mượn hàng mươi lăm quyển sách, cứ thế rồi đọc thôi mà... Tính ra là con số hàng nghìn ấy chứ, các ông ấy có đọc riêng đâu, lại còn nhét cho vợ con nữa chứ... Người cho mượn sách cấp thấp hơn, những người kia thì cấp cao, khó quá...
... Nghe ông nói tôi mới hiểu các phóng viên báo QĐND phải sống khổ như thế nào. Thì còn gì là nhà báo nữa.
Một ông nữa ở nhà xuất bản Quân đội, trông hoạt bát nhanh nhẹn. Ông này ra vẻ thực lực: “Chúng tôi có phòng kiểm tra nội dung, có 10 người. Tất cả các ấn phẩm các nơi muốn ra đời được thì phải có giấy chúng tôi cho phép, có xem kỹ thấy ổn thì chúng tôi mới cho. Thế nhưng bây giờ họ cũng có thể ngoại giao xin được giấy ở địa phương chẳng hạn, thế là mình chịu. Nhưng đến nơi mà chúng tôi thấy, chúng tôi có quyền tịch thu và làm lơ mơ là không được đâu.
Các nhà xuất bản có biếu nhau, bao giờ chúng tôi cũng có đủ sách, rất sớm. Chúng tôi lại còn liên hệ với bên phát hành sách bên ngoài, họ kiểm mấy chục năm nay rồi, họ có kinh nghiệm, cho nên không cái gì qua họ được (Ai đó tương ra một câu nói nửa đùa nửa thật: Cái kéo của họ sắc rồi mà lại, càng lâu càng sắc)
Làm ăn bây giờ cứ chặt còn hơn chậm. Có bài thơ gì về Cồn cỏ của Vũ Quần Phương lúc đầu cũng có ý kiến định đưa vào, nhưng đọc kỹ lại thôi, chẳng đưa vào làm gì, phiền phức lắm.
...
Gây cho tôi đầy đủ cảm giác nhất là một ông ở Phòng giáo dục - ông này người Khu 4, mặt đen, môi trề, nhìn không hiểu vui hay buồn. Ông ta ngồi với vẻ đăm đăm lo lắng một nỗi lo canh cánh bên lòng không làm sao mà thoải mái được. Sách bây giờ vào nhiều quá. Ở mạn Yên Bái, Trung Quốc, họ vứt cho mình hàng đống. Nhiều thứ người vào bộ đội, gia đình gửi cho nữa chứ. Cái tôi lo nhất không phải ở trên này mà là ở dưới ấy cơ, ông bảo vậy.
Cái này thì tôi cũng nghe mang máng. Có những cô ở Hải Phòng đi TNXP, khám sức khoẻ mới biết người xăm mình kinh rợn. Một trung đoàn ở Hải Phòng, lúc đầu có độ 100, sau đến 200 người xăm mình như thế. Em họ tôi thằng Giao kể chuyện có lần đơn vị chúng nó phổ biến với nhau bài hát vàng “Làm trai đời lính em ơi đừng buồn” mãi rồi đơn vị mới biết. Ông CV đại đội ngù ngờ, phải DV - Chính trị viên tiểu đoàn - mới biết.
Nhưng mà làm thế nào, làm thế nào, mỗi người đều có lý của mình, người lính có lý của họ mà cấp trên lại có lý riêng ... Làm thế nào dung hòa ? Đến đây, tôi không dám nghĩ tiếp nữa. Khi về nói lại với Vũ Cao thì anh bảo rằng này biết thế nhưng đừng mang những chuyện đi họp đó kể với bọn Xuân Quỳnh Bằng Việt đấy nhé.