VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Dân nhập cư Nga đầu thế kỷ XX, dưới con mắt một nhà văn Pháp

 Sáng thứ bảy 17/10 /2015  tại 9B, Phạm Ngọc Thạch, Q.3 TPHCM đã diễn ra buổi CÀ PHÊ GẶP GỠ & ĐỐI THOẠI, “cà phê” với TS Phạm Văn Quang, giảng viên khoa ngữ văn trường ĐH Khoa học xã hội và nhan văn TP. HCM , chủ đề: “Suy tư về thời kỳ hiện tại”.
Tôi không có điều kiện để dự buổi tọa đàm này, nhưng được một bạn trẻ có mặt cho biết, một trong những điều diễn giả quan tâm là mối liên hệ giữa sự thay đổi trong địa điểm cư trú song song với  sự thay đổi trong tư duy con người hiện đại.
Trong thư mời mà tôi nhận được, còn có đoạn viết mở ra một viễn cảnh rộng rãi hơn:
Thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ chúng ta chứng kiến một thế giới chuyển di chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Chúng ta coi đó như là đặc trưng của xã hội thời kỳ hiện tại, và thân phận con người thường trực bị đặt nằm bên lề của những cơ cấu thiết chế chính thống, để bước vào trải nghiệm một hành trình lưu lạc. Như vậy, bên cạnh những đặc trưng khác như hiện tượng hủy truyền thống, hiện tượng bùng phát của toàn cầu hóa và tiêu thụ, thì tình trạng lưu vong-dịch chuyển góp phần phác họa bức tranh tổng thể của xã hội nhân loại thời kỳ hiện tại.

Vấn đề thật quá thú vị, không phải nó chỉ có liên hệ tới cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu bắt đầu từ tháng 10 vừa qua, mà xem ra còn liên hệ với các vấn đề thuyền nhân VN sau 1975 và lùi về xa nữa,  các cuộc di dân từ Đông Âu và Nga sang các nước Tây Âu đầu thế ký XX.
Trước mắt tôi nhận ra những gợi ý của  nó liên quan tới một chủ đề mà lâu nay văn học thế giới hiện đại đã đặt ra: chính là nhìn vào nhóm người di cư, người ta có thể nhận ra đặc điểm của cái cộng đồng lớn mà họ đã từ bỏ, cái dân tộc mà mãi mãi họ là một bộ phận.
Có một cách để hiểu về một giống cây là mang nó trồng vào một vùng đất mới, với điều kiện sống và trước tiên là điều kiện khí hậu mới.
 Với các dân tộc cũng vậy. Trong lịch sử, không ai có ý thức làm chuyện này, không mấy ai chủ động làm việc di cư chỉ để hiểu mình như thế nào; nhưng khi hiện tượng đã từng xảy ra, tại sao ta không nắm lấy nó mà nghiên cứu.
Tôi đã có lần may mắn chạm tới đề tài này khi biên soạn và viết lời giới thiệu cho cuốn tiểu thuyết Đêm của những ông hoàng do nhà văn Ngô Quân Miện dịch.
 Lần ấy, một cách ngẫu nhiên, tập bản thảo này rơi vào tay tôi.  Hình như sách là do  dịch giả tự động gửi tới nhà xuất bản Hội nhà văn từ lâu. Nhưng vì là "lai cảo", chứ không phải sách do  biên tập viên lên kế hoạch, nên nó bị ghẻ lạnh.
Trong lúc thiếu bản thảo, tôi tình cờ đọc và thấy được, nên đề nghị cho in. Để thêm sức thuyết phục cho cuốn sách, tôi nhận lấy cái việc là tìm hiểu thêm về các vấn đề đặt ra qua cuốn sách, từ đó phát biểu vài cảm nghĩ của một người độc giả Việt.
Bài viết sau đây bạn đọc sẽ đọc đã hình thành như thế.
Hôm nay đây, giới thiệu nó với các bạn trên mạng, tôi chỉ muốn đề đạt thêm một vài ý nhỏ :
-- lâu nay ngành dịch ở ta vận hành khá đỏng đảnh và tùy tiện. Nghe nói ở nước ngoài đang có những cuốn sách này nọ mới nổi tiếng, mới được lăng-xê, ta liền tìm dịch cốt để tạo ra cảm tưởng chúng ta cũng đang bám sát văn học nước ngoài, nhất là văn học phương Tây.  
-- nay lối làm việc ngẫu hứng này cần phải thay bằng sự nghiên cứu lâu dài, mà trước tiên là nghiên cứu các vấn đề của xã hội ta, từ đó đặt hàng cho bộ phận dịch. Công tác nghiên cứu và giới thiệu văn học nước ngoài phải bao hàm không chỉ những tác phẩm  có liên quan tới tình hình trước mắt mà cả kho tàng tác phẩm lâu đời của họ, những tác phẩm của họ ngày hôm qua mà với ta nay vẫn là mới.
-- nếu như đặt vấn đề một cách toàn diện như vậy, ta sẽ tránh được lối làm việc một cách chụp giật, đồng thời có cách xử lý đúng với những tác phẩm dã dịch. Những tác phẩm dịch kém dịch ẩu cần phải làm lại. Còn những dịch phẩm tốt cần phải tái bản để giúp cho các bạn đọc trẻ tuổi có cơ hội tiếp cận với chúng.


                                                  QUÁ KHỨ KHÔNG DỄ TỪ BỎ


Lời giới thiệu viết cho cuốn Đêm của những ông hoàng
Nxb Hội nhà văn,2003     

http://songhuong.vn/module,product/detail,cat/file,detail/type_id,1/alias,joseph-kessel/index.html 



I
   Helen ( tên gốc là Elena Borisovna ) --  một cô gái Nga dòng dõi quý tộc -- theo gia đình lưu vong trôi nổi trên đất Pháp đầu thế kỷ XX, ở đó cô cùng với người chị tạm thời  trú chân  trong một nhà trọ nghèo và phải làm những con búp bê để kiếm ít tiền mọn rau cháo qua ngày. Nhưng cuộc đời vẫn chưa buông tha họ. 
Chỗ chị em Helen sinh sống cũng là khu vực tá túc của rất nhiều người Nga nhập cư và bởi vậy các cô gái không thể không can dự vào nhiều sinh hoạt cùng các đồng bào vốn cũng trong cảnh lưu lạc. 
Kết quả các cô bị  bật ra khỏi cái nơi trú ngụ yên lành để lao vào một trường đời quay cuồng hỗn loạn hơn. Người chị  đi làm tại một bệnh viện. Còn Helen nhẫn nhục đi hát ở một quán ruợu. Trong cảnh cơ nhỡ, cô phải vượt lên trên bao thách thức, kể cả có những lúc phải cựa quậy phá phách tàn tệ. Song vẫn không thoát khỏi kiếp làm thuê, không thoát khỏi lầm lạc. Cho đến lúc được một đồng hương khác - một mugic Nga nhờ chăm chỉ làm ăn có tiền cứu  chuộc - , ông này hứa  đưa cô đi về những miền đất lạ châu Phi. Đời Helen từ ấy mới như được làm lại.      
      Trên đây là mấy câu tóm tắt cuốn truyện Đêm của những ông hoàng(1927), tác giả J. Kessel (1898-1979), mà tôi đọc được qua bản dịch của Ngô Quân Miện.
     Nói cho đúng ra, giữa vô vàn nhà văn lớn của thế giới hiện đại  thì tác giả J. Kessel  mặc dù có cái danh khá to là viện sĩ Viện hàn lâm Pháp, song cũng chỉ là một tên tuổi tạm gọi là thường thường bậc trung. Các sách giáo khoa văn học không dành cho ông những chương riêng. Các bộ từ điển văn học chỉ nhắc tới ông một cách sơ sài.
     Vả chăng, nếu có nói về ông, người ta thường  kể ra những cuốn sách khác như Phi hành đoàn như Gió cát... chứ ít người nhắc tới Đêm của những ông hoàng. 
      Mặc dầu vậy, tôi vẫn nghĩ rằng đây là một tiểu thuyết  hay, đáng được những bạn đọc Việt Nam đang bận rộn để công tìm đọc, ít ra là trên hai phương diện: thứ nhất, nó giúp  cho chúng ta hiểu thêm về dân tộc Nga và những con người Nga vốn có một mối quan hệ với người Việt Nam trong lịch sử ngót một thế kỷ nay. Và thứ hai, nó mở ra cho  chúng ta một cơ hội để  hình dung thân phận của những người nhập cư vốn là một hiện tượng lớn trong thế giới đầy xáo trộn  như thế giới hiện  đại; hiện tượng này cũng để lại một dấu ấn rõ rệt trong đời sống văn hoá của thế kỷ XX với ý nghĩa nó tạo ra những mảng sáng tác có sắc thái hỗn hợp kỳ lạ, vui  buồn hoà trộn, hào hứng  bi thảm xen kẽ cạnh nhau, theo những dạng thức  trước nay chưa ai hình dung được.
 
II
    Nói kỳ lạ thì dân tộc nào trên thế giới cũng kỳ lạ song người Nga có lẽ là một trong những dân tộc kỳ lạ bậc nhất. Cuộc sống chìm sâu trong giá rét. Con người chìm sâu trong đời sống nội tâm. Tính cách pha trộn nửa Âu nửa Á nửa văn minh nửa hoang dại. Luôn luôn mơ t­ưởng vư­ơn ra với thế giới hiện đại với ánh sáng như­ng lại  luôn bị cái quá khứ trung cổ níu kéo... Mà làm sao khác được, cái quá khứ ấy lại có vẻ đẹp đẽ hào hùng riêng vẻ kiêu hãnh riêng. Nếu xem người Nga như một variant (tạm dịch là một biến thể, một kiểu tồn tại ) của nhân loại, thì  variant này quá sắc nét  và đầy ấn tượng, nó là một ví dụ tốt giúp cho người ta hiểu những cái hay cái dở của con người, bất kể là người của dân tộc nào.
      Charles De Gaulle, một trong những nhân vật lớn của lich sử Pháp thế kỷ XX, người có thể coi như hiện thân của chủ nghĩa dân tộc Pháp,  từng có lần viết : Chỉ có các dân tộc và các cá nhân là vĩnh viễn tồn tại. Ý ông muốn nói những đặc tính làm nên một dân tộc là một cái gì rất bền vững. Được hình thành trong những điều kiện cụ thể, mỗi dân tộc cũng như mỗi con người thường có những nét độc  đáo kỳ dị mà một lần hình thành thì sẽ không gì làm cho phai nhạt, tức không sao sửa chữa nổi. Bởi vậy nhìn vào khoa học xã hội trên thế giới hiện nay, người ta thấy ngoài những  bộ môn cụ thể (lịch sử, địa lý dân tộc học xã hội học tâm lý học v..v..) lại còn có lối nghiên cứu tổng hợp về từng dân tộc tạo nên những ngành kiểu như Ấn độ học, Trung quốc học, Nga học...
     Có thể là những liên tưởng  đã kéo tôi đi quá xa, song thú thực là  đọc Đêm của những ông hoàng tôi cứ loay hoay trở lại với những ý tưởng nói trên, bởi lẽ ở đây, con người Nga  được Kessel khắc hoạ rõ nét quá, và có thể xem như những tài liệu bổ ích cho những ai muốn hiểu người Nga và  đi vào môn Nga học chúng ta vừa nói. Những ông bác sĩ quen sống với những tư tưởng cao xa phải đi lái xe độ nhật. Những ông ký giả loại xoàng lo in báo xong thì đi bán rong, ấn những tờ báo tiếng Nga mình viết vào tay các đồng bào cũng nghèo như mình. Các cô gái di-gan mặc những bộ váy áo sặc sỡ đi hát ở các cửa hàng và nhận chuốc rượu cho khách lấy tiền thưởng. Những ông hoàng ăn tiêu theo kiểu bốc giời, đến lúc thất thế chuyên đi gác cửa hoặc bưng bê thức ăn  song vẫn giữ lối xài sang, sẵn sàng xỉa ra đồng tiền cuối cùng để chi cho bữa tiệc vui còn như ngày mai sống thế nào không cần biết. Cộng đồng lưu vong nào thì cũng có rất nhiều kiếp người xiêu vẹo như vậy, nhưng hình như  với người Nga, trong hoàn cảnh sống trên đất Pháp  và có được chút  tự do thảm hại, những mẫu người ấy trở nên hoàn chỉnh hơn bao giờ hết.
   Và ra chất Nga, đúng tính cách Nga nhất là trường hợp nhân vật Helen.
   Sẵn một trái tim nhân hậu song cô gái này lại bị bao thành kiến chi phối. Dễ bị kích động. Không biết tính toán. Tự trọng một cách quá mức. Vội vã hứa hôn với một thanh niên đau ốm trong khi chả hiểu  gì mà chỉ vì thương hại cậu bé. Cam tâm để cho một ông hoàng hết thời chiếm đoạt chỉ vì tìm thấy trong người kỵ sĩ ấy một hình ảnh hào hùng, và mặc dầu không yêu thậm chí biết hết tính cách thô lỗ của anh ta, nhưng  khi đối tác bị tai nạn thì nhận lấy việc cứu giúp. Luôn luôn sáng suốt nhưng cũng luôn luôn sai lầm và dễ dàng trượt dài trong những cơn bốc đồng ngẫu nhiên... Helen là thế, dù có tâm hồn, lại có tài nữa, nhưng hình như cô không biết sống. Cô gợi cho  người ta cảm giác  kỳ cục, mọi hành động và trước tiên là cách suy nghĩ của cô vừa bất ngờ như không ai có thể đoán trước, lại vừa hoàn toàn phù hợp với con người cô, cái dòng máu Nga mà cô mang trong mình, chính những đau khổ mà cô tự chuốc lấy kia đã là nguồn gốc tạo nên sức sống kỳ lạ mà có lẽ chỉ những người phụ nữ Nga mới có.
    Ở đây, đọc Kessel mà tôi như được trở lại với những trang sách của Tolstoi, của Dostoievski; trong một nhân vật như Helen tôi như bắt gặp cả Natasa trong Chiến tranh và hoà bình lẫn Sonia trong Tội ác và trừng phạt, Nastasia Filippovna trong Chàng ngốc... Những nét tính cách Nga  mà các bậc thày cổ điển đã dày công khắc hoạ như một lần nữa được tái tạo qua ngòi bút của Kessel, và chính trong một hoàn cảnh có vẻ như không điển hình, cái phần tinh chất trong tính cách ấy  lại  có dịp bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết.

III
        Cái hoàn cảnh thoạt nhìn có vẻ như không điển hình, nhưng lại là điều kiện tốt nhất để các nhân vật bộc lộ tính cách ở đây, chính là hoàn cảnh lưu vong mà họ đang sống.
      .... Có những cuốn sách chỉ được nghe kể mà sao mình cứ  phải nhớ mãi về nó và thầm ao ước có ngày được đọc nó. Phố mèo câu cá  của nhà văn Roumani với tôi, là một trong những cuốn như thế.
        Lần đầu tiên tôi được nghe nói về tác phẩm này là qua nhà văn Tô Hoài. Nhân nói về bậc đàn anh Vũ Bằng, Tô Hoài  kể rằng hồi mới viết văn ông thường được Vũ Bằng cho mượn sách để đọc, trong đó có cuốn Phố mèo câu cá La rue du chat qui pêche của Yolland Foldes )
Theo Tô Hoài, câu chuyện về đám vua chúa và cả dân nghèo Roumani sang sống ở Pháp sao mà gần gũi, thật trên trời dưới biển đủ vẻ mà  rút lại cũng trớ trêu nhơm nhếch như mọi kiếp người.
       Không uống mà say, tôi cũng bị lây những  ám ảnh tương tự  :
      Người Đông Âu sang sống ở Pháp. Người châu Phi sang sống ở Anh. Trên đất Đức có cả một bộ phận cư dân người Thổ Nhĩ Kỳ. Còn người Trung Hoa thì có mặt trên khắp thế giới từ vùng Đông Nam Á vốn cách chính quốc không bao xa tới những vùng xa xôi mãi bên châu Mỹ. Từ lâu rồi trên thế giới này đã tồn tại một nhân loại gồm những bầu đoàn thê tử từ giã mảnh đất chôn rau cắt rốn để đến với những chân trời xa lạ,  và chính trong khi nhìn vào cái nhân loại bị bứt ra khỏi mảnh đất của mình này, mỗi người bình thường có thể tìm thấy bao nhiêu vấn đề liên quan, thậm chí có thể nói là  chỉ tới họ  --- những người lưu vong --, cảm giác về kiếp người  mới  bộc lộ hết chất ám ảnh của nó.
       Người ta càng thấy rõ điều này hơn khi đọc Nazim Hikmet (nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ một thời gian dài lưu vong ở Liên xô, người từng viết  câu thơ nổi tiếng Lưu đày là một nghề rất khổ ), hoặc khi đọc hàng loạt  nhà văn Nga  khác từ Henry Troayat,  Nabokov, tới I.Brodski,  A. Makin cũng như xem  những bộ phim Trung quốc có chiếu trên màn ảnh truyền hình Việt Nam mấy năm trước 2000, kiểu như  Người Bắc Kinh ở Nữu Ước, Đi sang châu Âu.
     Và bây giờ đến Đêm của những ông hoàng.
     Hoá ra từ thực tế của  đám dân lưu vong, người ta có thể khai thác nhiều chủ đề khác nhau :
      Sự lang thang  phiêu bạt như là một định mệnh của con người.
      Sự xa lạ, cái cảm giác của người không tìm thấy mối liên hệ với hoàn cảnh chung quanh, mà  chỉ thấy mình buộc phải sống. 
      Nói như Marcel Proust  “Tôi đến thế giới này như người nước ngoài và  rời khỏi nó cũng như người nước ngoài “  (câu nói cô đọng này của tác giả Đi tìm thời gian đã mất  được chính A. Makin, nhà văn Nga lưu vong sưu tầm và trích dẫn trở lại)
      Rồi sự thích ứng. 
      Một điều bất cứ ai,  dù chưa dấn thân vào kiếp sống nơi đất khách quê người, cũng có thể dự đoán được, ấy là  sự mưu sinh ở đây cực kỳ khốn khó.
     Bị dứt ra khỏi mảnh đất quen thuộc cũng có nghĩa là con người rơi xuống bùn đen. Nơi ăn nơi ở thảm hại. Miếng ăn là chuyện phải lo hàng ngày. Để tồn tại người ta không có quyền từ chối bất cứ việc gì  và thường khi để có đồng bạc những người cao sang cảnh vẻ cũng  phải làm những công việc mạt hạng nhất. 
      Thích ứng ở đây cũng là một biến thể của cái câu mà nhân vật Pavel Korsaguin  trong Thép đã tôi thế đấy từng tự  nhủ “Hãy biết sống ngay cả khi cuộc đời trở nên không thể chịu được nữa!"
      Sau vấn đề miếng cơm manh áo, cái sự tồn tại hay không tồn tại kể ra còn bộc lộ qua nhiều khía cạnh khác trong tâm lý của dân lưu vong, mà trực tiếp nhất là quá trình  hoà nhập của họ với con người và xã hội mà họ mới tới. 
     Trong một tài liệu nghiên cứu về những người nhập cư, tôi đọc được một nhận xét có vẻ nghịch lý nhưng suy cho cùng lại rất chính xác, đó là khi phải đến sống ở những miền đất xa lạ thì sự thích nghi về văn hoá còn khó hơn cả sự thích nghi về ngôn ngữ.  So với sự kiếm sống thì yêu cầu thích  ứng ở đây còn cao hơn một bậc.
      Có điều, chính trong hoàn cảnh phải vật lộn để thích ứng ấy, con người có dịp tự chứng tỏ bản lĩnh làm người của. 
      Vượt lên trên sự hư hỏng buông trôi, ở nhiều người  bắt đầu nảy sinh  niềm kiêu hãnh chính đáng: không gì bẻ gãy được họ.

IV
        Trong phạm vi của một cuốn tiểu thuyết vài trăm trang, cố nhiên câu chuyện được Kessel kể không thể trải ra quá rộng. 
        Trong Đêm của những ông hoàng, các nhân vật người Nga mới chân ướt chân ráo tới Pháp,  tức còn đang trong hoàn cảnh những thích ứng ban đầu, nên họ cứ  phải vón cục lai với nhau để vừa trông nhau kiếm sống, vừa tìm cách an ủi nhau, chia sẻ với nhau  những kỷ niệm cũ vốn không dễ mà quên.
       Thế nhưng, nhờ ở chỗ biết phác hoạ lại cái hoàn cảnh ấy một  cách  sinh động,  cuốn sách lại làm nổi lên một chủ đề khác: đó là sự gắn bó của con người ta với quá khứ. Thật vậy trường hợp của những Chuvalov, Fedor, Stephane... nói ở đây chỉ chứng tỏ một điều, dù đi đến chân trời góc bể nào thì người ta vẫn thuộc về cái cộng đồng mà người ta đã sinh ra. Sau khi  từ bỏ nền văn hoá từ đó mà mình đã lớn lên, mỗi cá nhân  càng thấy thật ra mình đã gắn bó với nó bằng muôn vàn sợi dây vô hình. Nó đã là một bộ phận của con người mình. 
      Ở đây trí nhớ vừa là niềm vui vừa làm phiền người ta, quá khứ vừa là điều tự hào, vừa là thứ muốn quên đi, để rồi biết ngay rằng không thể quên nổi. 
      Vậy thì, với nhiều người, hình như việc sinh ra ở đâu là cả  một sự kiện lớn trên đời, mỗi chúng ta không chỉ thuộc về mình mà còn luôn luôn thuộc về một thế giới khác trong đó mình và dòng giống mình  là một bộ phận.
     Như trên đã ghi nhận, điều đập mạnh vào ấn tượng một người đọc như tôi khi đọc  Đêm của những ông hoàng ấy là cái chất Nga kỳ lạ của tác phẩm. Và điều này lại hai lần kỳ lạ nếu biết rằng nhà văn J. Kessel sinh ra và lớn lên không phải ở Nga.
     Phải chăng chỉ còn có cách giải thích chính trong hoàn cảnh sống xa quê hương,  con người ta lại có dịp trở về với cái cội nguồn dân tộc của mình một cách sâu sắc hơn bao giờ hết ?
      Trên con đường trở thành công dân thế giới, phải chăng những dữ kiện về cội nguồn không níu kéo người ta song vẫn luôn luôn là những nhân tố cần tính tới?
      Phải chăng đó cũng chính là cái sức hấp dẫn mạnh mẽ và lý do tồn tại của những tác phẩm văn học viết về dân lưu vong vốn đi thành một mạch riêng và dường như nhìn vào nền văn học nào cũng có thể  bắt gặp?  


Để hiểu thêm về Phố mèo câu cá
các bạn có thể đọc thêm bài viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường ở địa chỉ: 
 http://www.lebadang.org/Items/ItemDetail.aspx?AutoID=184&CateID=274                                                                      
Mới hơn Cũ hơn