VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nguyễn Huy Thiệp và việc "đưa khái niệm nhà văn trở về với mặt đất"


 Đọc tập phê bình-tiểu luận" Giăng lưới bắt chim" của Nguyễn Huy Thiệp (2008).
 “Một người sáng tác phải coi lý luận phê bình như sự tự ý thức của anh ta”, Nguyễn Huy Thiệp từng tự nhủ như vậy và đã làm như vậy. Dù rằng cái phần tự ý thức của tác giả còn nhiều lầm lẫn và nói chung còn là chật hẹp so với lý luận như nó phải có, song một số bài viết in trong "Giăng lưới bắt chim" có góp phần thức tỉnh nhiều người: đối với văn học mà chúng ta tưởng đã quá quen, đã đến lúc cần phải nghĩ khác.

 Xuất phát từ tâm huyết
Trong giới cầm bút Việt Nam thế kỷ 20, ít thấy ai có bước vào nghề kỳ lạ như tác giả Tướng về hưu. Thoắt cái ông được tôn vinh, rồi thoắt một cái bị nếm những đòn sát thủ hiểm ác, người yếu bóng vía chắc đã không trụ nổi. Không phải ngẫu nhiên những bài gọi bằng lý luận hay nhất của Nguyễn Huy Thiệp ra đời vào mấy năm 1988 -1992. Tôi ngờ rằng trong những ngày ấy, lý luận đã trở thành bạn bầu của ông. Nó giúp ông kiểm tra lại sự trong sạch của mình mà cũng đồng thời là cái neo giúp ông giữ lấy niềm tin để tiếp tục sống và viết. 
Khoảng đầu 2004, khi trong sáng tác có sự khó khăn, Nguyễn Huy Thiệp lại trở về với lý luận. Loạt bài này cũng gây ra bao khó chịu. Song khi đưa vào sách, nhà văn chỉ lược bỏ mấy câu "nặng tay", ngoài ra vẫn kiên trì những ý tưởng chính. Bởi dường như ông đã lấy cả mười mấy năm cầm bút ra để bảo đảm.

 Một sự phá cách
Cho đến nay, với nhiều bạn đọc và một số đồng nghiệp, sự có mặt của văn xuôi Nguyễn Huy Thiệp vẫn là một cái gì “khạc không ra nuốt không vào”. Đọc thì có đọc, trong bụng thậm chí là say mê nữa, nhưng vẫn không muốn chính thức công nhận. Bởi so với thứ văn họ quen đọc và cái họ vẫn viết thì Nguyễn Huy Thiệp là cả một sự phá cách. Không đi theo những nền nếp cũ. Liều lĩnh. Cực đoan. Rất nhiều điều người khác chỉ thì thào nói vụng nói trộm thì ông nói buột ra, và đã nói là không hối hận.
Nhưng đó cũng chính là nhân tố làm nên chỗ mới của Nguyễn Huy Thiệp, kể cả trong các tiểu luận.
“Trừ đôi ba người thực sự xuất chúng, còn nhìn chung văn chương của các cụ ta ngày xưa và những nhà văn hiện đại ngày nay, so với các dân tộc khác, phải thừa nhận là kém cỏi” (tr. 33). Theo tập quán thông thường, những ý nghĩ như thế không ai dám viết trên mặt giấy. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp đã viết, và nếu như không đồng ý hoàn toàn thì nhiều người đã bắt đầu thấy sự có lý của nó.
“Văn học (hôm nay - V.T.N. chú) luôn né tránh một vấn đề nan giải khó nói nhất trong xã hội: không phải khó khăn kinh tế, không phải sex, không phải là tình cảm với chiến tranh... Nó là vấn đề nhân tính. Văn học Việt Nam gần đây mất đi khả năng tưởng tượng, lãng mạn, mơ mộng và nhiệt huyết sống. Nó trở nên thực dụng ê chề lọc lõi oái oăm đôi khi đểu cáng” (tr. 272 ). “Văn học giá trị bao giờ cũng đề cao nhân tính. Một xã hội không có những tác phẩm văn học hay, không có những tác phẩm có giá trị, nghĩa là nhân tính ở đấy đang bị xói mòn đang bị mất dần đi. Trách nhiệm đó không phải chỉ ở một người nào mà nó ở toàn xã hội” (tr. 284). Vượt lên khá xa ngay cả với những lời chỉ trích nhăng nhít mà đầy ác ý, những nhận xét như thế làm nhức nhối lòng người và đặt ra những vấn đề nghiêm chỉnh bậc nhất cho việc xây dựng đời sống tinh thần hiện nay.

Đưa khái niệm nhà văn trở về với mặt đất
Không ít nhà văn ở ta tự coi mình là những đấng siêu phàm, là lương tâm của đất nước và trong những ngày tháng này đang lao động cật lực để phục vụ xã hội giáo hoá nhân dân! Tác giả Tướng về hưu đưa ra cách hiểu thực tế hơn. Những khi bàn về người làm nghề, những chữ xuất hiện dưới ngòi bút ông thường là: sơ xuất, nhầm lẫn, sự bắt chước lố bịch, vị kỷ, hư đốn, đểu cáng, bất lương - toàn những “đức tính” khiến người ta ghê ghê. Một lần khác ông nói toẹt ra: “Khoảng hơn chục năm trở lại đây trở lại đây ở Việt Nam không có những nhà văn có phong độ khí phách lớn. Đến ngay cả nỗi buồn cũng không phải là nỗi buồn lớn” (nếu lấy lại bản in trên báo thì người ta nhớ là ông còn nói đến tình trạng điên điên khùng khùng, chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn…). Nghe cũng dễ sốc nhưng chỉ cần tự hỏi “Làm sao mà người ta có thể nói được sự thật về xã hội trong khi sự thật về chính cái giới của mình thì lảng tránh?” sẽ thấy Nguyễn Huy Thiệp có lý.
Không phải vì chán nản trước tình trạng bê bết của nhiều đồng nghiệp mà ở nhà văn này mất đi niềm tin thiêng liêng vào sứ mệnh ngòi bút. “Nhà văn là gì? Chẳng là gì cả. Nó chỉ là một linh hồn nhỏ đầy lỗi lầm và luôn tìm cách sám hối vượt khỏi lỗi lầm ấy. Nó là con vật nhạy cảm hết sức đáng thương với các thói xấu của cả bầy đoàn. Nó viết không phải vì nó, nó viết để cả bầy đoàn rút ra từ đấy một lợi ích công cộng, một lợi ích văn hoá”. Cái tha thiết muốn vượt lên trên chính mình thường trực ở tác giả Tướng về hưu đã là yếu tố cứu vãn lại tất cả.


Chỗ giống người của kẻ khác người
Đôi khi Nguyễn Huy Thiệp cũng viết phê bình. Có những bài như Hiện tượng Vi Thuỳ Linh, ở đó ông cắt nghĩa được hiện tượng thơ trẻ hiện nay trên cơ sở một nét tâm lý xã hội đang phổ biến. Ngoài ra, nó còn cho thấy ông xa lạ với một thái độ mị dân, lấy tuổi trẻ ra để doạ người khác. Tuy nhiên, nếu trong khi nhìn chung nghề văn, vượt lên trên mớ kiến thức chắp vá, Nguyễn Huy Thiệp vẫn đàng hoàng sáng suốt thì, khi viết về từng đồng nghiệp, trong phần lớn trường hợp, ông tỏ ra khá tầm thường và tuỳ tiện.Viết như đang lè nhè giữa một đám chén chú chén anh nào đó. Viết để lấy lòng mọi người. Viết để trả nợ. Viết để ra vẻ bề trên, ban phát cho các đàn em... Hình như ông quên mất mình là một nhà văn kiểu mới, nhà văn công dân, đứng ra đối thoại với cả xã hội. 
Với một tâm lý làng xã đã ăn vào tận xương tuỷ, nhà văn mình thường chỉ có những mối quan hệ chật hẹp và dễ sống theo lối kéo bè kéo cánh với nhau. Cái điều Nguyễn Huy Thiệp đã cảm thấy chán mọi người thì chính ông không thoát ra nổi. Ở đây không thể nói là đáng tiếc mà là đáng sợ, vì sức mạnh của hoàn cảnh đã khống chế không trừ một ai, kể cả những người thông minh nhất.

Đặt mình vào dòng chảy thời đại
Đọc Giăng lưới bắt chim, trước tiên tôi nhớ Nguyễn Công Hoan với cách nghĩ thực dụng và những nhận xét kiểu “trong giới không thiếu những người cầm bút nửa đời nửa đoạn” hoặc “có một dạo, người ta sợ những người là nghề cầm bút như sợ… hủi” (Xem Đời viết văn của tôi). 
Tôi cũng nhớ tới Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu hồi các ông còn trẻ và đầy khao khát về nghề. Đủ điều sâu sắc từng đươc các ông nghĩ và nói ở chỗ riêng tư, tuy chỉ nói đâu để đấy, nói xong nhiều khi lại dặn bọn tôi là đừng có bép xép.
Với Nguyễn Huy Thiệp, từ nay sự phân thân (hoặc nói nôm na là tính hai mặt) không còn là định mệnh cho nghề văn ở Việt Nam, như một số người thường tự biện hộ.
Nhưng đọc Giăng lưới bắt chim tôi còn nhớ tới nhà văn Trung Quốc Vương Sóc. Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê tổng hợp bao nhiêu vấn đề. Tác giả chê văn học Trung quốc đương thời, ngán văn chương đại chúng. Và ông lật tẩy cả những tượng đài của văn chương hiện đại, bảo họ là giả dối vụ lợi. Ở Trung Quốc Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê đã gây ra tranh cãi. Còn ở Việt Nam, người ta lặng lẽ đọc nó với bao thích thú, vừa sung sướng được gặp các ý tưởng mình thường nghĩ, vừa không sợ tội vạ gì.
Tôi nghĩ Nguyễn Huy Thiệp cần cho chúng ta một phần là ở chỗ đó: ông nối nghề văn ở ta với nghề văn ở cả các xứ sở khác. Trong khi mang nặng cốt cách bản địa, các sáng tác cũng như tiểu luận phê bình của ông đã là một bằng chứng để những ai vốn ngần ngại trước con đường hội nhập có thể yên tâm. Bởi chỉ cần trung thực với chính mình, thì thế giới chẳng xa lạ với ta mà ta cũng chẳng xa lạ với ai cả.

Nguyên là bài Giăng lưới bắt ... lý luận
đã đưa trên blog này ngày 26-8-2008


Mới hơn Cũ hơn