I.
Lối sản xuất hàng loạt
- Người
trong này làm ăn khiếp thật. Viết cũng khiếp!
- Sao
thế?
- Vào
nhà một cây bút thời danh hồi trước, giờ di tản theo Mỹ, thấy ở phòng làm việc
một quang cảnh rất lạ: mười máy chữ sắp hàng giăng giăng. Mười tác phẩm đang
viết dở, viết lách cứ như là làm cặp, làm giấy, bằng nhau chăn chắn, cái nào
cũng như cái nào, giá kể đóng hộp được, thì không còn làm sao mà phân biệt nổi
nữa.
Câu
chuyện trên đây, tôi nghe được từ tháng 5.1975. Giữa Sài Gòn hoa lệ, hàng hoá ê
hề, chúng tôi sớm nhận ra sách vở cũng là một thứ hàng hoá. Cũng bày bán la
liệt. Cũng màu sắc loè loẹt, mà lại đơn điệu, giống nhau, lẫn vào nhau, rất khó
phân biệt. Dù rằng câu chuyện thuật lại trên đây, không phải hoàn toàn chính
xác với nghĩa của từng chữ, song nếu hiểu theo nghĩa khái quát
một chút, thì đúng như vậy. Có sự sản xuất hàng loạt tác phẩm. Có lối viết,
lối "hành hạ máy chữ" ghê gớm, như chạy đua theo thời gian, như để
đuổi bắt một điều gì đấy ở phía trước dù sau một thời gian nghĩ lại, thì chẳng
có mục đích nào khác, ngoài… đồng tiền.
Kể làm
sao hết "tên tuổi" của những người viết truyện nhật báo ở Sài Gòn
truớc đây. Từ những giọng văn thật thà đơn giản, đến những cây bút kiêu kỳ, bay
bướm, đài các. Từ những kẻ sở trường về văn, về truyện, tới những người trước
đó làm việc ở một ngành sản xuất có vẻ tuỳ hứng bất thường là thơ… Tóm lại là hầu
như phần lớn các "văn sĩ thời danh" ở Sài Gòn trước đây đều tham gia
đội ngũ "những người viết truyện nhật trình". Gọi họ là "tài
giỏi" thì sao bằng nhận xét đích danh là họ đã làm ăn khá dễ dãi, chiều
theo thị hiếu, làm xói mòn khẩu vị người đọc về rất nhiều phương diện. Trong
những ngành kinh tế, sự sản xuất hàng loạt phải được khuyến khích, nhưng ở văn
chương thì thật là không thể tha thứ. Trong số lớn trường hợp, nó chỉ đẻ ra
"những đứa con" giống nhau như lột, chúng chen chúc nhau, lẫn lộn với
nhau, tới mức chính những kẻ đẻ ra chúng cũng không nhớ cả thẩy là bao nhiêu
nữa.
Thử
hình dung ra mấy khâu trong công việc "sản xuất văn chương" trên đây:
- Thứ
nhất là điều tra thị hiếu, điều tra thị trường. Phác thử xem lúc này người đọc
đang thích đọc gì? Với nếp sinh hoạt vật chất hiện nay, thì sinh hoạt tinh thần
sẽ có những nhu cầu gì? Viết loại truyện gì sẽ ăn khách?
- Thứ
hai: sản xuất thử, sản xuất chào hàng, đồng thời dùng quảng cáo (bao gồm các
phương tiện thông tin hiện đại, các nguồn báo chí, phát thanh…) để lăng xê
mốt, kích thích và mời gọi người đọc, người xem.
- Thứ
ba: sản xuất theo quy trình đã được nghiên cứu, có tham chiếu nhu cầu người
đọc. Và bây giờ mới thật sản xuất hàng loạt, sản xuất thật nhanh, để làm nên một hiện
tượng, tạo ra một thứ thời trang thật sự.
Và cũng phải sản xuất thật nhanh, thật nhiều, để tới tấp đổ về người đọc, làm cho người ta đón nhận, không kịp phản ứng chi hết, phải vơ cho vội, đọc cho xong.
Và cũng phải sản xuất thật nhanh, thật nhiều, để tới tấp đổ về người đọc, làm cho người ta đón nhận, không kịp phản ứng chi hết, phải vơ cho vội, đọc cho xong.
Nếu
chậm, nếu để cho người đọc nhẩn nha suy nghĩ trên tác phẩm ấy ư? Một là sẽ bộc
lộ các thứ nhược điểm của mình. Hai là bị các đối thủ cạnh tranh, có những món
thời trang khác ăn mất khách.
Những
ví dụ về sự sản xuất hàng loạt không sao nêu hết. Mai Thảo với những truyện
tình không thể nào gọi cách nào khác hơn là "rẻ tiền". Duyên Anh với
loạt truyện viết cho trẻ em mà nhân vật trở đi trở lại nhiều lần là Trần Đại. Những
"quái kiệt" nổi tiếng khác trong văn giới: Tuý Hồng, Thuỵ Vũ. Cuối
cùng "văn chương công nghiệp" được hoàn thành với những cái tên Dung
Sài Gòn, Nguyên yêu, Đạt cô đơn, loại sách về Hít-le, về thế chiến thứ hai và
về các nữ hoàng dâm dật. Dễ thương vừa ăn khách, có ngay Dễ ghét
bổ sung. Nối tiếp sau Bày con trai, dĩ nhiên có Bày con gái, đối
nhau chan chát. Và cứ đà ấy mà "thừa thắng xông lên" thì không biết
người ta còn sản xuất ra những gì, nhưng cam đoan các "sê - ri" mỗi
ngày một dài, một nhiều tập hơn. Chợ trời văn chương đã là một lĩnh vực chứng
minh đầy đủ quy luật giá trị trong chế độ tư bản: sản xuất chỉ làm được việc
lấp đầy chỗ trống mà chính nó tạo ra một cách
cố ý.
2.
Những sản phẩm của quảng cáo
Có thể
nói cuốn sách từng làm sôi nổi dư luận Sài Gòn một thời, cuốn Làm thế nào để
bán một tổng thống, là một tác phẩm rao giảng quyền uy của quảng cáo trong
xã hội tư bản hiện đại. Rải rác, có thể ghi nhận được một vài câu thú vị:
Trong nửa đầu thế kỷ XX, cái khuôn cũ kỹ về
người anh hùng đã bể ra từng mảnh. Người ta đã tạo ra một khuôn mới, để cho mẫu
người mới có thể bán được. Những anh hùng hiện đại có thể được sản xuất ra hàng
loạt và tung ra thị trường một cách dễ dàng. Trong thực tế, những nét tính làm
cho một người (đàn ông hay đàn bà) được ca ngợi, trên quy mô quốc gia, cho
chúng ta thấy sự không mới của con người.
- Nó
(quảng cáo) đặt lại vấn đề về quan niệm chân lý của chúng ta... Hình thức thay
thế nội dung, trở thành nội dung. Phương tiện trở thành cứu cánh nội tại.
…
Khi nghe người ta đã làm áp - phe cả trong chính trị, đã coi nguyên thủ một nước,
cũng như một món hàng cần phải lo liệu bán cho trót lọt, thì chuyện buôn bán
văn chương, dùng quảng cáo để chỉ đạo thị trường văn chương, cũng là chuyện dễ
hiểu. Mỗi ngày, người ta lại tìm thêm được những liệu pháp mới để bán sách.
Nhìn cung
cách làm ăn một thời của những người thuộc nhóm Sáng tạo người có kinh nghiệm văn học dễ thấy ở đây cách kết bè kéo
cánh thành phe nhóm, thao túng dư luận, và đưa nhau… lên tận mây xanh của thời
tiền chiến. Người nọ suy tôn người kia. Cả nhóm là những nhân vật mở đường của
lịch sử văn học một thời. Trong khi Nguyễn Sĩ Tế, Trần Thanh Hiệp ca ngợi Thanh
Tâm Tuyền, Thanh Tâm Tuyền cũng không tiếc lời khen thơ Tô Thuỳ Yên, và Mai
Thảo thì trân trọng xác định ý chí tiên phong của.. cả bọn.
In
sách, giới thiệu trên báo, mang thơ phổ nhạc đại khái đây là cách họ lăng xê
một số, gọi là tên tuổi mới. Lập tức, một người xưa nay ít được biết tiếng, vụt
trở thành thời danh, đi đến đâu cũng thấy có người nhắc đến tên tuổi. Cố nhiên,
ở đây có vấn đề thuộc về cái thị hiếu chung, cái gu của công chúng, họ
dễ dàng chạy theo mốt, sẵn sàng thích nhà văn nọ, nhà thơ kia để làm le,
làm phách, dù trong thâm tâm họ chẳng hiểu gì cả. Và càng những triết gia điên
chữ, cuồng chữ, càng những nhà thơ ấm dầu, lập dị, họ càng thú vị.
Nói như tác giả Làm thế nào để bán một tổng
thống:
Trong địa hạt quảng cáo, những vấn đề gai góc
không phải do sự thiếu liêm sỉ của những người gạt gẫm chúng ta, mà do sự thích
thú của chúng ta muốn bị gạt.
Tuy
nhiên, những mánh khoé trên đây khi vào tay bọn con buôn văn hoá, mới thật sự
phát huy hết ma lực của nó. Đó là thời kỳ Lệ Hằng nổi lên "chói lọi" một
hai tháng lại ra một cuốn tiểu thuyết vài trăm trang, in rất trang trọng. Là
thời kỳ của Dung Sài gòn, Võ Hà Anh, Thu híppi v.v… In thật nhiều, thật đẹp,
sách ra thật dồn dập, phối hợp các ngành báo chí, phát thanh mở những chiến
dịch tuyên truyền, rốt cuộc các món hàng văn hoá đã được quảng cáo lăng - xê
cũng thành một thứ hàng rất thông dụng, đến tay nhiều bạn đọc trẻ tuổi, ngự trị
trong nhiều tủ sách gia đình, đánh dấu sự nghiệp văn chương thì ít, mà chứng
nghiệm cho sức mạnh của quảng cáo thì nhiều hơn. Quảng cáo đã thật sự chi phối
dư luận, tạo ra nhu cầu rộng ở thị trường, và dọn đường không phải cho những
tác phẩm hay, mà là những tác phẩm người ta đã bỏ vốn kinh doanh và cần kiếm
lời.
Bây giờ
thì chính các phe nhóm văn chương cũng phải bàng hoàng vì… hậu sinh khả uý,
những con buôn văn hóa đã giỏi hơn các nhà văn. Kênh kiệu, đài các, khinh bạc
như Mai Thảo, cũng chưa thể nghĩ ra lối chào khách như tự xưng là những Nguyễn Yêu,
Đạt cô đơn, và đề ở bìa sau mấy chữ Đạt cô đơn là ai ? thật to. Viết khoẻ như Duyên Anh cũng chưa bao
giờ làm nên một chiến dịch lớn, như người ta đã làm với Lệ Hằng và đang định
làm với Đỗ Thị Khôi Nguyên. Bề ngoài, họ lên tiếng mạt sát những kẻ hậu sinh
kia là… "quảng cáo"? Nhưng mạt sát đấy mà lại bắt chước đấy: cách làm
ăn "công nghiệp" kia cũng đã lan sang giới cầm bút hạng trên, vốn có
một thời đầy mộng ước. Trên Văn, trên
Vấn đề, cũng như trên Khởi hành, đã bao nhiêu "đứa con
hoang" của Mai Thảo được quảng cáo theo lối như vậy? Và bao nhiêu tác phẩm
của Tuý Hồng và Thanh Nam, của Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Xuân Hoàng… tất cả, gần
như tất cả, còn có lối quảng cáo nào khác? Không làm ra mô - đéc, thì làm ra vẻ
điên loạn, kỳ dị. Đó là trường hợp của mấy người, những Bùi Giáng, Phạm Công
Thiện, những "nhà thơ", "nhà triết học" hũ nút, hoặc Nguyễn
Hữu Hiệu cuồng chữ về sau.
Tóm
lại, cả trong lối khoa trương "không biết ngượng" nhưng lại vẫn là
lặt nhặt, "cò con" của từng người viết, cho tới cách tồn tại chỉ bằng
quảng cáo, duy nhất nhờ quảng cáo, chúng ta bắt gặp một hiện tượng mới trong
sinh hoạt tinh thần: văn chương hoàn toàn trở thành hàng hoá, hơn nữa, một thứ
hàng công nghiệp, hàng chợ trời, chạy theo thời trang và sống khỏe bằng sự đắp
đổi thời trang. Qua một số trích dẫn ở trên, chúng ta đã thấy chiêu thức chủ
yếu của những kẻ làm quảng cáo: bề ngoài mơn trớn, vuốt ve thị hiếu công chúng,
bề trong là một thái độ khinh rẻ con người, lợi dụng con người. Nghiên cứu tình
hình thị trường văn nghệ Sài Gòn trước đây, chúng ta thường bắt gặp những
"cơn lốc", những vụ "bùng nổ" của thị hiếu: đột nhiên trong
một thời gian nào đó, rất nhiều người lao mình săn đuổi cuốn sách này, tập nhạc
kia. Nào đâu có phải sự ham thích văn chương lành mạnh? Không, chẳng qua đó chỉ
là những dấu hiệu chứng tỏ tình trạng triền miên khủng hoảng của một xã hội.
Trong cái bế tắc chung về mọi mặt đời sống, văn chương đã thật sự bị biến thành
vật hy sinh rẻ rúng.
3.
Rẻ, dễ làm, chiều khách hay là những đặc điểm của hàng hoá văn chương
Chợ
trời văn chương có những đặc điểm riêng ví như, nó rất chiều người. Nó chạy
theo những thị hiếu tầm thường của người đọc. Vậy mà nó lại khá giống nhau, nó
đơn điệu đến như là… vô tính. Cho nên, thật giả khó phân, sau một món hàng ăn
khách, rất nhiều thứ hàng giả dược sản xuất hàng loạt.
Những
đẵn mía được tiện từng khẩu nhỏ vừa miệng người ăn. Những trái cóc gọt vỏ, có
sọc que tay cầm cho sạch. Những bộ quần áo nhiều màu sặc sỡ lơi lả mời chào. Đó
là kỹ nghệ phục vụ. Khai thác bằng mọi cách các mặt thị hiếu ở con người, tìm
cách tô vẽ rồi chiều theo những thích thú, cái đó đã trở thành phong cách sống
ngự trị cả một xã hội. Thì dĩ nhiên, nó cũng trở thành cái phong cách của văn
chương.
Và đó
chính là bi kịch của văn hoá trong xã hội tư bản chủ nghĩa hôm nay nói chung.
Đến cái xã hội tao loạn, hỗn hào ở miền Nam trước ngày giải phóng, nó lại
hiện ra, vừa hài hước, vừa bi thảm không kém đâu hết.
Như
trên đã nói, vào những năm 56-60 có những kẻ còn hy vọng ở một nền nghệ thuật
có vai trò nhận thức, chứng nghiệm cho một thời đại. Đây đó, còn đuợc nhắc tới
một thứ lý luận chống lại thứ nghệ thuật "chiều lòng người, non nớt, giả
tạo" và khao khát một ngày có thể "nắm chắc sự thật của con người thế
hệ", xác nhận "sự đắc thắng
của trí thức, trí tuệ con người thế hệ trước đời sống, trước sự vật". Khốn
nỗi, chính kẻ hô hào một thứ nghệ thuật như vậy lại đi đầu trong việc sản xuất
ra một thứ nghệ thuật đề cao buông thả, khơi gợi dục tính cùng những bản năng
thấp kém với thứ bút pháp văn chương ve vuốt, chiều đãi thị hiếu hạ đẳng. Rốt
cuộc, thứ nghệ thuật "đánh dấu rực rỡ sự đi qua, sự có mặt, tác động
ghê gớm của con người trước xã hội, trước sự vật" lại là những sản
phẩm kiểu như Mười đêm ngà ngọc, Để tưởng nhớ mùi hương, Sống chỉ một lần!…
Cả
những ngòi bút chống cộng như Võ Phiến cũng phải hoà mình theo cơn lốc dục
tình, và trong nhiều truyện ngắn, tạp bút tạp luận (ký Võ Phiến) nhiều mẩu tin
tức thời sự (ký tên Trang Tiên, Thu Thuỷ), chúng ta bắt gặp một sự pha phách
những chữ nghĩa ý tưởng của tính dục đôi khi rất lố. Còn nói chi đến các cây
bút mới vào nghề. Đất chật, người đông - muốn tìm được chỗ len chân họ phải đi
xa hơn trong việc chiều người, chài khách. Có khi họ cố ý làm ra vẻ trâng tráo,
miễn sao gây được sự chú ý. Một người như Lệ Hằng đã có lúc thú nhận: viết để
trả thù đời, để trút tất cả những hằn học từng phải chịu dựng hàng ngày lên mặt
giấy. Khi tìm ra được cái kế để sinh nhai - tức viết thật khiêu khích, thật mùi
mẫn- thì con người nạn nhân hôm trước đã tự mình biến thành tội phạm, góp thêm
một giai điệu trong bản nhạc điên loạn.
Rút
lại, dù không kể những Dung Sài Gòn, Thu híp-py, hãy tính từ Mai Thảo, Võ Phiến
tới Lệ Hằng, Trần Thị Ng H. đã thấy một xu thế chung. Của cải văn chương làm ra
có vẻ nhiều, nhưng thật ra cùng theo một kiểu, bị hướng dẫn bởi một thứ mốt
nhất định. Chúng vừa sặc sỡ, lại vừa đơn điệu, và ngày càng trở nên giống nhau.
Cộng với lối sản xuất hàng loạt, văn phẩm càng ngày càng mất đi phần cá tính sâu đậm của từng người viết. Vào quãng
1974 đầu 1975, người ta đã nói tới những trường hợp người đọc cầm đến quyển
sách như một thứ đồ vật, nghĩa là không cần biết tên tác giả là ai, sách ai thì
cũng vậy, mua để đọc trong chốc lát, rồi liệng đi. Quả thật, cái gọi là tác
phẩm văn chương cũng giống những sản phẩm không tên, không nhãn hiệu, không
giấy bọc - những sản phẩm tự do mà người ta thấy bán đầy ở các chợ trời. Thật
giả khó phân. Sau một món hàng ăn khách, rất nhiều hàng giả được sản xuất tiếp
tục.
Làm sao
khác được, đấy là cái lô gích tất yếu, cái đích phải tới đối với thứ lý luận
nghệ thuật chối bỏ lương tri, không chịu công nhận chức năng phản ánh đời sống,
chức năng giáo dục của văn học nghệ thuật. Khi người ta đã xem đồ dùng như một
thứ ký hiệu, và mua xe theo mốt, may sắm để giải thoát một ẩn ức khó chịu… thì
cố nhiên, sách vở chỉ có thể đóng vai trò rẻ rúng hơn: một thứ đồ dùng trong
chốc lát, một cách đùa chơi, một vật trang hoàng cho vui mắt. Chưa bao giờ Sài
Gòn lại lắm những "văn nhân" "thi sĩ", như trong thời kỳ
văn chương trở thành hàng hoá tiêu thụ này.
4. Văn chương mới, kiểu "nhà văn" mới
Về
chính bản thân những người viết, người làm ra các sản phẩm văn chương, trên đây
chúng ta cũng đã nói tới một số khía cạnh. Nhà văn đẻ ra tác phẩm, nhưng tác
phẩm lại làm nên nhà văn. Từ nguyên lý đó mà suy, có thể hình dung ra sự hình
thành lẫn số phận cả một lớp người viết, đám nhân công chủ yếu sản xuất ra các
sản phẩm nói trên. Không một kẻ nào giải thoát cho nổi, guồng máy thương mại đã
quay lạt mềm buộc chặt, dù có giãy giụa mấy người ta vẫn bị cuốn hút vào đó. Sự
biến cải đến dần dần, đến lúc nhìn lại mình, thì đã hoàn toàn thay đổi.
Mối
quan hệ giữa người cầm bút và tác phẩm bị tha hoá. Những tập bài mà người ta
giao cho các báo hàng ngày nào phải là nơi gửi gắm tâm sự riêng tư? Không, đó
chỉ là một thứ hàng làm theo đơn đặt sẵn, hơn nữa, thứ hàng người ta nhắm mắt
làm cho qua chuyện, để kiếm sống, khi làm xong, tự mình cũng thấy không ra làm
sao, ngán ngẩm đến mức không muốn nhìn thấy mặt mũi nó nữa. Gọi là của mình đó,
mà như của ai và thực sự đã là của những ai khác. Những kẻ làm nghề phát hành,
tác quyền nắm đến năm, sáu mươi phần trăm, những kẻ đó mới thật sự là chủ nhân
của cả nền văn chương. Trong con mắt họ, giới cầm bút chỉ là loại làm thuê viết
mướn, một thứ nhân công rẻ mạt. Sự nhẫn nại của người cầm bút lúc này chỉ là
nhẫn nại làm theo những yêu cầu có sẵn. Giá rẻ mạt, nhưng hàng cần nhiều, nên
càng cần phải viết, để kiếm sống. Và vì sự nhạt nhẽo của những sản phẩm đã làm
ra như vậy, người ta lại càng phải "làm tới,", để góp nhiều cái nhạt
làm nên một ấn tượng đậm, lấy nghề viết làm sinh kế lâu dài.
Mối
quan hệ giữa những người viết cũng không tránh khỏi tính cách thương mại. Đại
khái, đó là mối quan hệ của những kẻ cùng làm công cho một ông chủ, phải tìm
cách hất cẳng nhau mới sống nổi.
Những người theo dõi tình hình chợ trời chữ
nghĩa hôm qua, có thể tìm đủ thí dụ: hoặc là cái quảng cáo sau đây, từng làm
cho Văn Quang điếng người:
Bạn đã từng say mê đọc
nhà văn quân đội Văn Quang. Bạn đã nô sức chờ xem phim Chân trời tím
phỏng theo tác phẩm của Văn Quang. Đầu tháng lương này bỏ ra 300 để đọc người
đã dạy Văn Quang viết: Thế Phong!
Hoặc là
mối tình nghĩa của những người cộng tác với Nguyễn Đình Vượng. Khi ông chủ còn
hấp hối, cả Mai Thảo lẫn Nguyễn Xuân Hoàng cùng nặng lời thề thốt là sẽ đứng
bên nhau, duy trì tờ Văn suốt đời.
Nhưng chỉ đâu hơn tháng sau, Mai Thảo đã ném Nguyễn Xuân Hoàng ra khỏi cửa và
còn gây chuyện với một người mà Mai Thảo đã loại từ trước là Trần Phong Giao.
Bao nhiêu lá thư ngỏ. Bao nhiêu vụ kiện nhau. Rồi chuyện cùng tranh nhau dịch
một tác giả nước ngoài đang ăn khách. Rồi chuyện đạo văn, ăn cắp tài liệu
nghiên cứu ở miền Bắc. Mặc dù tỏ vẻ khinh thường các thứ giải thưởng, người ta
vẫn ngấm ngầm gian lận trong các kỳ làm giải thưởng, để xoay lấy tí lưng vốn…
Những mối quan hệ "tuyệt vời"
này, thỉnh thoảng lại được đưa ra ánh sáng, mang lên sách báo, đến nỗi người ta
ghê sợ về tình trạng sống của giới cầm bút, một người lâu ngày mới về miền Nam,
như ông Trần Văn Khê, về Sài Gòn năm 1974, đã có lần phải kêu lên như vậy.
Đến
đây, mới thấy hết ý nghĩa thật sự của mấy chữ "tự do" mà những người
cầm bút ở Sài Gòn từng nhắc đi nhắc lại. Không, bề ngoài thì hình như họ không
bị ràng buộc gì hết, họ chỉ bị chi phối bởi một thứ: đồng tiền. Nhưng chỉ cần
như thế đã đủ lắm rồi, vì dụng ý của kẻ chi tiền cho cả xã hội miền Nam
này là như thế nào, thì còn ai không biết.
So với
hồi còn ở vùng tạm chiếm Hà Nội, dưới ách quân đội viễn chinh Pháp, thì ông chủ
mới lúc này khá lịch sự, tế nhị, không mấy khi ra lệnh trực tiếp, không cấm
đoán này nọ, lại còn khuyến khích làm ăn tự do nữa. Nhưng sau độ năm năm, mười
năm nhìn lại mà xem, sao tất cả đều không ra khỏi một xu thế chung? Sao có một
sợi dây ràng buộc nghiệt ngã, mà càng ngày người ta càng thấy nó thắt chặt? May
lắm, người ta chỉ còn được cái tiếng tự do hão, mà sự thật là "tự do"
ảo tưởng, lảng tránh, "tự do" trong địa ngục. May lắm, người ta chỉ
còn tự biện hộ được bằng cách nhìn vào chung quanh: Trông xem, có phải một mình
tôi đâu?
Khi
nhận ra rằng cả guồng máy xã hội đã chạy, trong cái guồng máy ấy gần như các
đồng nghiệp không ai là không góp mặt, thì cũng là lúc người ta có thể xoa tay
bằng lòng với mình. Mô tả cái tình trạng thương mại của văn chương Sài Gòn hôm
qua, cũng là bước đầu để giúp cho chúng
ta hiểu sự hoành hành, phát triển chủ nghĩa hư vô là chủ đề chúng tôi sẽ đề cập
trong một bài viết tiếp.
Viết
lần đầu 1976. Sửa lại
1980