VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Một ít kỷ niệm trên con đường tìm đọc và viết về văn học miền Nam 1954- 1975

Ở Hà Nội trước sau 1975, sách báo Sài Gòn không những hiếm mà còn coi như quốc cấm, chỉ một số cán bộ nghiên cứu được cấp trên coi là có kinh nghiệm trong đấu tranh ta địch và vững vàng về chính trị mới được đọc.
Thành thử lúc đầu tôi mò mẫm vào đây, ngoài thói thường thích tìm trái cấm , thì cũng chỉ dừng lại ở nhu cầu tự học của bản thân, chứ không mấy khi tính chuyện có thể viết gì đó về bộ phận văn học này.
 Nhưng nghề đời anh em mới vào nghề thường thế, không đọc thì cố tìm đọc, đọc rồi thì lại táy máy muốn viết.
  Sau này tôi mới hiểu như thế là  tự đặt mình vào thế khó.
 Viết như mọi người thì không thể.
  Mà viết như mình nghĩ thì không được in.
 Nhưng hồi đó tôi mới ngoài ba mươi tuổi nên còn hăng hái lắm.
Trong mấy tháng nửa cuối 1976, hoàn cảnh lại càng như thúc tôi phải viết. Hoàn cảnh đó là sau 30-4, báo chí cũ ở Sài Gòn cũ dẹp hết, thay vào đó là các báo  từ trên R về trong đó có thanh thế hơn cả là  hai tờ Sài gòn giải phóng, Văn Nghệ giải phóng.
 Bài vở thiếu. Có hai cách khắc phục. Một là huy động hết công suất đám nhà văn nhà thơ đã mệt mỏi với chiến tranh. Hai là hạ thật thấp chất lượng. Dở mấy cũng in, miễn là không sai chính trị.
Vậy mà vẫn không đủ.
Một ví dụ về việc báo chí hồi ấy phá bỏ mọi nguyên tắc để có bài là trường hợp thơ Lưu Quang Vũ. Khoảng 1971, sau vụ thoái ngũ, Vũ không được in. Tới 1974, thì nhân bài Vòng trắng vòng đen, thơ  Phạm Tiến Duật mới làm cũng  bị các báo khước  từ.
 Thế là hai nhà thơ thuộc loại xuất sắc bậc nhất của Hà  Nội thời chiến đều bị treo giò.
 Duật thì nhân vụ dẫn Nguyễn Đình Thi vào tận B1, luồn lách qua khỏi cái đận này rất nhanh.
Vũ bí hơn nhiều. Sau khi Xuân Quỳnh và Vũ  lấy nhau, có nhiều bài thơ của Vũ phải lấy luôn tên của Quỳnh mới được in trên báo Văn Nghệ, nhưng mọi việc còn dè dặt lắm, vì giới viết văn Hà Nội như cái làng nhỏ, chuyện một nhà mọi nhà khác đều biết.
Từ sau 30-4, lệnh ấy coi như không có.
Vũ thả cửa viết cho các báo, nhờ thế cả gia đình sống tạm đủ. Tiếp đó Vũ sẽ  về làm tạp chí  Sân khấu của Xuân Trình và chuyển hẳn sang viết kịch.
Quay trở lại việc của tôi. Ở Hà Nội, bọn tôi đang chỉ là cây bút hạng hai, năm viết một hai bài cho báo Văn Nghệ đã khá rồi. Nay ở Sài Gòn , anh Lê Quang Trang phụ trách phần phê bình và tin tức văn nghệ của Văn Nghệ giải phóng bảo tôi viết gì thì viết. Tôi thích lắm nhưng vì vốn viết chậm, nên cũng chỉ làm được có vài bài trong đó có bài về văn học xô viết những năm chiến tranh và mấy mẩu nhỏ linh tinh khác.
 Trong lúc bơ vơ, nỗi ham muốn viết về văn học Sài Gòn lại thức dạy.
Tôi tính cho mình theo mấy bước. Trước tiên , viết như mình biết, giữa lúc này mà đề cao mấy ông thì không được rồi.  Nhưng cũng phải tránh xa cái lối phê phán rằng đó là văn chương “phản động”, là “những trang viết lầm lạc về tư tưởng của bọn biệt kích văn nghệ.”
 Còn cách nào bây giờ?
May quá chính sự phong phú của văn nghệ Sài Gòn mấy năm 1972-74 cho tôi một lối thoát.
 Nếu ở Hà Nội, tôi chỉ đọc Bách khoaVăn thì lúc cuối 1976 tôi còn được đọc rộng ra Vấn đề, Thời Tập , Khởi hành. Và quan trọng hơn, nếu ở Hà Nội tôi chỉ đọc cái phần sáng tác tương đối nghiêm chỉnh với nghĩa luận đề thì khi lúc này giữa đất Sài Gòn tôi hiểu cái thực tế  đời sống văn học hơn.
Còn nhớ khi vào gặp gỡ một số gia đình trí thức, không nhớ rõ là ai nhưng đúng là có một  người đã nói với bọn tôi:
-- Ở Sài Gòn này người ta không trọng giới văn chương lắm đâu!
 Người nói chỉ nói kiểu tạt ngang. Nhưng tôi thì cứ nhớ mãi. Chúng tôi phải cái tội hay quan trọng hóa văn nghệ. Nay bài học vỡ lòng là vậy. Thì viết.
 Trước 1975,  trên  các tuần báo tạp chí chuyên về văn chương  ra ở Sài Gòn tờ nào cũng luôn có các bài kiểm điểm tình hình văn nghệ. Vì đây là chỗ trong nghề người ta nói với nhau – chứ không phải là diễn đàn để uốn nắn chỉ đạo nhau -- nên chê cũng không quá mà tự khen cũng không quá như dân Hà Nội bọn tôi.
Từ các bài vở loại này, tôi tìm ra chủ đề và sớm bắt tay vào  bài  viết đầu tiên gần bốn ngàn chữ là bài Tính cách thương mại của nền văn chương Sài Gòn trước giải phóng.
Lúc cầm bài anh Lê Quang Trang chỉ đổi hai chữ thương mại thành chợ trời, rồi cho in luôn.
 Qua mấy năm sau, về Hà Nội, các vấn đề  của văn học Sài Gòn còn tiếp tục ám ảnh tôi. Lúc này tôi chọn một thể tài khác có tính chất nghiên cứu hơn. Trước sau tôi viết được hai bài nữa một là Chiến tranh hàng hóa văn chương và một bài nữa phác hoạ về chủ nghĩa hư vô trong văn chương Sài Gòn trước giải phóng, mang tên Hành động trong tuyệt vọng.
“Dẫu sao thì so với cái giọng chung , mình còn nhẹ nhàng chán – tôi tự nhủ vậy “ và, dù mang đến Tạp chí Văn học của Viện Văn, chỉ nhận được những cái lắc đầu, song vẫn  hy vọng rằng có lúc được in.        
Khoảng 2007- 2009, khi mới về hưu, tôi được Hội nhà văn VN cho tiền để in một tuyển tập của riêng mình. Tiền rót qua nhà xuất bản chứ tôi không được cầm. Cũng chỉ là số tiền mọn, đủ in có 500 bản, nhưng đã là sướng lắm rồi!
Tôi đã  nhân đây xem lại các bài viết của mình và chia các bài chọn lọc này thành bảy cụm nhỏ, trong đó ban đầu có cả một cụm mang tên Văn học SG trước 1975, gồm ba bài vừa nói ở trên, cộng với các bài tôi viết về sau.
Nhưng rồi tự tôi thấy phải bỏ phần này đi. Lý do chính là vì tôi thấy cả cụm còn chênh vênh quá. Ba bài tôi viết khoảng 1975-1980 ấy làm lộ rõ cái phần lạc hậu so với tình hình  nghiên cứu nói chung cũng như so với chính nhận thức của tôi.
Tuy có ý thức rằng mình phải viết khác mọi người song nhìn kỹ, hóa ra hồi ấy tôi vẫn khó lòng thoát khỏi không khí chung của cả giới.
Cái giọng của tôi lúc ấy vẫn là giọng của kẻ tiểu nhân đắc thắng, chỉ biết nhìn văn học miền Nam trong thế bế tắc và tìm cách vạch vòi những chỗ bất cập, hơn là đặt mình vào địa vị của các đối tượng  được nói tới, rồi ghi nhận những đóng góp của họ trong lịch sử văn học dân tộc.
Mặt khác, có một số chi tiết tôi tìm hiểu không kỹ, chỉ nghe thoáng đã viết, mà không kiểm tra lại -- rõ nhất là cái đoạn tôi nói về quan hệ giữa các nhà văn với nhau. 
Sẵn thiên kiến của người Hà Nội thì gán ghép cho người Sài Gòn như vậy. 
Trong cách sử dụng chữ nghĩa, đôi khi tôi đã chẳng khác là bao so với những đồng nghiệp được giao cho nhiệm vụ chuyên môn đánh văn học miền Nam mà trong thâm tâm, tôi thấy xa lạ.
Ngoài ra cũng phải nhận hồi ấy cả trong cuộc đời lẫn trong  văn chương, quan niệm của bọn tôi còn mang nặng tính cách trung cổ, với văn nghệ chỉ huy đã quá ngán, nhưng nói tới tính cách thương mại thường là không cần ai bảo đã tự nguyện toát ra cái ý chê bai.  
Chúng tôi đâu biết rồi từ sau 1975, văn học cả nước cũng chuyển sang một thứ văn hóa đại chúng học mót phần hiện đại phương Tây. Học không xong, mà lối làm ăn kiểu con buôn chạy vặt diễn ra còn tệ hại hơn .
Tóm lại mấy bài này nhiều cái dở quá.  Chỉ là cái thứ để đọc một thời chứ không phải thứ sau này đọc lại. Nay muốn in vào sách tất  phải sửa  mà tâm thế của tôi lúc này chưa theo kịp.
Đó  là những suy nghĩ đã chi phối tôi cho tới 2007 .
Từ thuở tôi viết được mấy bài báo ấy tới nay đã gần bốn chục năm.
 Quá trình nghiên cứu về văn học Sài Gòn được khởi động khá sôi nổi ở cả  trong nước cũng như ở hải ngoại. Chỉ hiềm một nỗi theo tôi nó vẫn chưa đạt tới cái quy mô cũng như chiều kích cần thiết.
Ở Sài Gòn, nó bị khuôn vào cái khung phê phán chẳng mềm đi bao nhiêu sau mấy chục năm.
Ở Hà Nội, cậy thế  “trung ương"  "con cả”, mọi người có mạnh bạo hơn, nhưng lại không có ai thực hiểu biết để đặt ra các vấn đề văn học Hai mươi năm ấy ( 1954-1975),  như tầm vóc của nó phải có.
Để lại ấn tượng rõ nhất trong tôi là một số bạn trẻ, trong sự bế tắc của  việc viết lách, chỉ muốn tìm tới một số đóng góp nghệ thuật của các bậc đàn anh, thế thôi.
Như tôi có viết trong một bài báo trên blog này 12-2014, bài Nhân một cuộc hội thảo về văn học miền Nam 1954-75 , ngay ở hải ngoại, việc tổng kết này vẫn còn lúng túng lắm.
Một điều thấy rất rõ là căn bệnh của nghiên cứu văn học ở trong nước với ở hải ngoại lại có chỗ giống nhau một cách bất ngờ. 
Cả hai thường mải đi vào định giá hiện tượng đơn lẻ nhà văn A. thế này, nhà văn B.thế kia..., hơn là phân tích toàn bộ  đời sống văn học trong cái xu thế mà nó phải vận động theo. 
Việc thiếu khả năng bao quát để đặt sự việc trong hoàn cảnh lịch sử  khiến cho nghiên cứu và sáng tác văn học trở thành câu chuyện riêng của mấy người làm nghề hơn là vấn đề của cả xã hội.
Dù viết về văn học miền bắc hay miền nam, chúng ta thường chọn chỗ dễ để làm. Các cây bút phê bình thành công nhất thường lấy điểm ở phần đi vào các cá nhân, các phong cách.  Còn phần đặc tính chung của  cả nền văn học  bị lướt bỏ rất nhanh.
Trong hoàn cảnh ấy, tôi có những suy tính khác và nẩy ra ý công bố lại những bài mà mình đã viết gần bốn chục năm trước.
Ít ra thì trong loạt ba bài ấy, tôi đã muốn chỉ ra một vài luồng lạch chung văn học đã men theo; đã đặt văn học trong cái thời mà nó ra đời; đã sơ bộ nhìn nó  như là sự nối tiếp của văn học tiền chiến ; và đã bước đầu đi tìm một cái xu thế tư tưởng nó ngấm ngầm chi phối con người VN trong chiến tranh và  để lại ảnh hưởng  cho tới thời nay.
Trong phạm vi những gì đưa lên blog, nghĩa là một dạng đưa để tham khảo,  tôi nghĩ các ý kiến của tôi sau đây không chừng vẫn sẽ là những gợi ý cho các bạn khác, còn những  thiếu sót của nó thì chắc các bạn cũng lượng tình tha thứ.  Biết đâu nhờ đưa ra công khai tôi sẽ dễ thấy hơn thực chất của các vấn đề đã nêu, rồi chờ có dịp thì sửa lại và phát triển tiếp.


Xem bài tiếp TÍNH CÁCH THƯƠNG MẠI CỦA NỀN VĂN CHƯƠNG SÀI GÒN
TRUỚC GIẢI PHÓNG .
Mới hơn Cũ hơn