Khái Hưng là loại nhà văn viết khá dễ dàng – dễ dàng
chứ không phải dễ dãi. Tôi cứ hình dung giá kể có ai đó muốn ông viết dăm giòng về bất cứ vấn đề gì, ông cũng
viết được. Đọc các bài tạp văn của Khái Hưng, tôi hiểu tài làm báo cũng tức là tài
quan sát và khả năng ứng biến của ông trước các hiện tượng nẩy sinh trong đời
sống hàng ngày.
Có điều lạ là bài đầu tiên giới thiệu dưới đây lại có
giọng khác hẳn.
Ở đó ông bàn về các vấn đề đến nay vẫn là thời sự.
+Một chút siêu hình cần thiết trong việc nhìn nhận bản chất con người.
+Vai trò của giới thượng lưu trí thức trong sự hình thành cái khí hậu đạo đức của cả xã hội.
– vai trò khai hóa của người Pháp, nó là cú hích căn bản để đưa nước VN trung cổ vào thế giới hiện đại.
Nhiều ý tưởng ngắn gọn trong bài chạm tới những vấn đề lớn mà con người đầu thế kỷ XXI chúng ta cũng đang quan tâm.
Ở đó ông bàn về các vấn đề đến nay vẫn là thời sự.
+Một chút siêu hình cần thiết trong việc nhìn nhận bản chất con người.
+Vai trò của giới thượng lưu trí thức trong sự hình thành cái khí hậu đạo đức của cả xã hội.
– vai trò khai hóa của người Pháp, nó là cú hích căn bản để đưa nước VN trung cổ vào thế giới hiện đại.
Nhiều ý tưởng ngắn gọn trong bài chạm tới những vấn đề lớn mà con người đầu thế kỷ XXI chúng ta cũng đang quan tâm.
Sau cùng một vấn đề lớn của lịch sử cận đại VN , vấn đề mà Phạm Quỳnh đã nêu: Có đồng đẳng mới bình đẳng. Không phải cứ lớn tiếng khoe mình thế nọ thế kia là được. Một cuộc cách mạng chỉ có ý nghĩa khi nó làm thay đổi cả những con người.
Lúc này đây, trong khi nghĩ rằng luôn luôn có thể đọc lại nhiều nhà văn tiền chiến như Khái Hưng để tìm câu trả lời cho các vấn đề hôm nay, thì trong tôi nảy ra cái ao ước đơn sơ, giá kể thời của chúng ta cũng có những nhà văn như thế.
Không, thời nay, chúng ta chỉ có những nhà văn mang đậm cốt cách chiến sĩ viết theo định hướng chỉ đạo từ trên, trong khi phẩm chất cơ bản của nghề văn phải là sự hiểu biết sâu rộng mọi lĩnh vực kể cả các lĩnh vực trừu tượng, nhờ thế định hướng nhân bản của ngòi bút mới có được cái nghĩa thiết yếu nhất của nó.
Lúc này đây, trong khi nghĩ rằng luôn luôn có thể đọc lại nhiều nhà văn tiền chiến như Khái Hưng để tìm câu trả lời cho các vấn đề hôm nay, thì trong tôi nảy ra cái ao ước đơn sơ, giá kể thời của chúng ta cũng có những nhà văn như thế.
Không, thời nay, chúng ta chỉ có những nhà văn mang đậm cốt cách chiến sĩ viết theo định hướng chỉ đạo từ trên, trong khi phẩm chất cơ bản của nghề văn phải là sự hiểu biết sâu rộng mọi lĩnh vực kể cả các lĩnh vực trừu tượng, nhờ thế định hướng nhân bản của ngòi bút mới có được cái nghĩa thiết yếu nhất của nó.
Cuộc đời mới (*)
TINH THẦN
MỚI
Tinh thần mới trong cuộc đời trước tiên là
một vấn đề luân lý.
Vì ở gốc của mọi sự đổi mới phải có một số huấn tắc tối thiểu làm phương
châm cho hành vi về đủ các mặt trí thức và hình thức. Đấy có thể là những yếu tố
của một lý tưởng một chủ nghĩa sẽ phát
trương rõ rệt về sau này, để đưa cá nhân và một xã hội nhất định đến một trạng
thái nhất định.
Cái sức mạnh của lý tưởng dường như thuộc về thần bí , và người ta, một
con vật thần bí – dù những đồ đệ Karl Marx dễ quên điều đó—không phải chỉ để
cho ‘kỹ thuật” đưa dắt.
*
Nên trước khi nói đến một phong trào tân
sinh hoạt để đưa chúng ta đến một cảnh đời tốt hơn dù về mặt nào, cá nhân và xã hội, vật chất
hay tinh thần, tôi muốn nhắc tới cái quan hệ cốt yếu của cái phần tử luân lý và
tín ngưỡng. Chỉ việc đổi hình thể mà cho là mình đã đổi mới thì thật là chẳng dễ
làm! Ta phải đổi tận gốc, từ phía trong ta. Sự đổi bên ngoài chỉ có cái giá trị biểu hiện. Cần nhưng chưa
đủ.
*
Tôi muốn cho chúng ta sâu sắc hơn chút nữa
nhiệt tâm hơn chút nữa và cần nhất là “muốn” được đến tới, được hơn vì nếu ta đã mất đến cả cái lòng muốn thì
còn nói chuyện gì được nữa !
Cười cợt là một lợi khí của kẻ yếu một cách
trả thù kẻ hơn mình và số phận. Nó tỏ một người có “trí” nhưng không phải một
người có “dũng”. Nó có cái năng lực phá hoại rất hay. Nhưng đến cái thời kỳ kiến
thiết ta phải tập có những đức tính tích cực hơn. Thắng được số phận, ta không
cần phải nghĩ cách trả thù nó nữa.
Ta có mong thời kỳ đó mau tới hay tưởng nó đã
tới rồi và ta cũng đổi yếu làm mạnh không chịu an phận nữa, thì hãy tin tưởng đi,
hãy “muốn”!
*
Hãy “muốn”
bỏ cái tâm lý đê hạ đi, nó đã đè trĩu chúng ta từ ngàn xưa tăm tối ! Có đồng đẳng
mới bình đẳng. Tôi muốn hiểu chữ đồng đẳng về nghĩa luân lý hơn là trí thức. Về sự giỏi giang, nhiều đồng bào ta có thể sánh
với bậc “chủ”, nhưng về tâm tính cử chỉ họ vẫn là “tôi tớ”. Cái giỏi của họ không
nâng cao họ và nước họ lên tí nào. Và họ vẫn tự nhận ( ôi mỉa mai! ) là thượng
lưu.
*
Xứ ta cần có một thượng lưu khác cao thượng
và tiết tháo, biết tự trọng và yêu tự do. Một tâm lý “ làm chủ’ không phải là một
tâm lý “làm tôi” .
“ Hỡi
Nathaniel! Ta sẽ dạy người cái thiết tha, cái tâm thành” (**)
Nhưng
chúng ta còn cần một thứ nữa: cái tự trọng! Một thứ nhỏ mọn nhất mà ta vẫn thiếu,
mặc dù mười mấy năm mài đũng quần từ trên ghế sơ học cho tới đại học!
*
Cái mỉa mai đau đớn là khi tôi đọc chương trình
khoa luân lý ở ban cao đẳng tiểu học Pháp
-Việt là thấy có chua trong khoản” Những điều mà người Nam chịu ơn giáo hoá của
người Pháp” điều này: “phẩm cách”
Nghĩa là bản tính của ta là không có phẩm cách.
Chỉ có thế. Và đúng.
Ký bút danh Du Lang
(*) Tên một tiểu
mục
(**) Trích từ một
tác phẩm của A. Gide
XUÔI GIÒNG
Thói
quen là một kết quả của sự lười biếng. Muốn làm khác, nghĩ khác đi, khác mọi
người trước mình, khác mình, nhất là khác mình thì bao giờ mình cũng phải suy
xét, tìm tòi và mạnh bạo quả quyết.
*
Trong
cao lâu Đông Hưng Viên thời nay người ta vẫn còn dùng như thời Xuân Thu, Chiến
Quốc cái bát nắp để pha trà và cái chén không quai để uống nước. Kể ở vùng Sơn Đông,
Trực Lệ, giữa mùa mưa tuyết, gió lạnh, khi những người qua đường rét run lẩy
bẩy, giấu kỹ hai bàn tay trong ống tay áo dầy và rộng, mà ở trong nhà mình dùng
bát nắp kia, chén không quai kia uống nước trà thơm nóng thì hợp thời lắm, vừa
ấm bụng, vừa ấm tay. Và bao giờ cũng hợp thời, dù ở thế kỷ thứ năm trước kỷ
nguyên hay ở thế kỷ thứ ba mươi sau kỷ nguyên.
Nhưng
đem cái bát nắp ấy, cái chén không quai ấy sang xứ nóng này để dùng vào mùa
viêm nhiệt thì thực là một sự lạ lùng của thói quen Á đông. Họ đã dùng, ông cha
họ đã dùng, dùng vì tiện lợi, thì họ cứ dùng theo, dù không tiện lợi. Người Âu
tây cho đó là một biểu thị lòng bài ngoại. Không, đó chỉ là biểu thị sự lười
biếng của trí suy xét.
*
Theo
thói quen, ta cho là tốt, là phải, những cái gì đã có danh là tốt, là phải. Ta
lười biếng không chịu lý luận. Mà ta lười biếng như thế cũng chỉ vì thói quen.
Thói quen luyện tư tưởng ta như luyện cái tay đánh đàn thạo của một ngưòi mù.
*
Nghe
nói người kia có tính vị tha, người này có tính ích kỷ, ta yên trí ngay rằng
người thứ nhất tốt, người thứ hai xấu. Trong đầu ta đã sẵn sàng có một bản
thông kê khai rõ các việc tốt, xấu của loài người, và bản ấy ta đã học thuộc
lòng, nên khi nghe đọc đến một tên, ta bình phẩm ngay được: tốt hay xấu. Còn
suy xét, nghĩ ngợi mà làm gì cho nhọc trí.
*
Vậy
nếu có người bảo ta: ích kỷ là một nết tốt, ta cho ngay rằng người ấy nguỵ biện
mà không thèm chú ý nghe lời bàn cãi của người ta.
Nhưng
ích kỷ vị tất đã không là một nết tốt, hợp nhân đạo.
Nếu
ai cũng ích kỷ, cũng chỉ nghĩ đến mình thì chắc không còn ai phiền nhiễu ai.
Mình không muốn người khác phiền nhiễu mình tức mình cũng không muốn phiền
nhiễu người khác. Mình không làm hại người khác không phải vì mình yêu người ta
mà chỉ vì muốn người ta không làm hại mình. Đó chỉ là lòng ích kỷ.
Bàn
rộng ra, nếu người cha ích kỷ chỉ nghĩ đến mình, thì người con sẽ chóng biết tự
lập. Nếu người con chỉ nghĩ đến mình mà không phụng dưỡng cha mẹ (vả cha mẹ cần
gì con phụng dưỡng vì đã biết ích kỷ để dành tiền dưỡng lão) thì sẽ có đủ thời
giờ để làm được nhiều việc có ích cho xã hội (Tự nhiên việc làm của mình có ích
chứ không phải mình muốn hay định có ích, vì làm một việc có ích cho xã hội,
mình chỉ cốt có cái thú làm việc ấy, nghĩa là mình chỉ ích kỷ, nghĩ đến mình.)
Ngày
nay
số 105, 1938
KHÔNG BIẾT TẾT TRUNG THU
ĐÃ THÀNH TẾT
CỦA TRẺ CON TỪ BAO GIỜ?
Kỳ
thuỷ nó là một tết của thi sĩ, của bọn thi sĩ Minh Hoàng, Lý Bạch đời Đường.
Bọn
ấy, gặp tiết thu êm mát, uống rượu, làm thơ, múa hát, vui thú, say sưa với
tình. Được thế, họ chưa xem là thoả mãn, họ chưa cho là thần tiên. Họ còn ao
ước lên chơi cung trăng, vì thấy trăng sáng và tươi, lẳng lơ và thân mật, trăng
nơi cung quê của ả Hằng mà họ đoán chừng đẹp lắm, đẹp hơn hết cả những gái đẹp
mà họ đã yêu một cách dễ dàng ở trên dương thế.
Nếu
họ sống với thời khoa học toàn thịnh ngày nay, thì họ sẽ mơ ước dùng máy bay,
dùng đạn trái phá, để lên tới cung trăng.
Nhưng
họ sống vào thời văn thơ toàn thịnh đời Đường, nên họ đã tới đích của họ một
cách dễ dàng và giản dị hơn: họ đã cưỡi mộng mà bay lên trời.
Và
khi về họ đã tả hết các thứ con giống mà họ trông thấy, trông thấy trong mộng.
Ngày
nay người ta cũng tả các thứ mà người ta trông thấy trên cung trăng, nhưng người ta tả theo mắt viễn kính.
Viễn
kính hay mộng dễ đã khác gì nhau! Vì chắc đâu viễn kính lại không sai lầm. Các
nhà khoa học liệu có tin những điều tưởng trông thấy trên cung trăng không? Nếu
tin, sao còn mơ màng bắn người lên trên ấy? Vì cứ theo những cuộc nghiên cứu
khoa học thì nhiệt độ ban ngày và ban đêm trên mặt trăng cách xa nhau tới 160
độ (+ 100 và - 60). Đã biết thế, đã biết
trong hoàn cảnh ấy con người không thể sống được, sao còn tìm lên, tìm đưa
người lên cung trăng? Lên để làm gì? Để chết cháy ở trên ấy?
Hoạ
chăng các nhà khoa học không tin những điều mà khoa học đã tưởng tìm thấy.
Vậy
thì Wells và Godart, Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi cũng chỉ là một giống:
giống mơ mộng đa tình. Thi sĩ và nhà khoa học có khác nhau đâu!
*
Nhưng
sao người ta lại lấy cái đêm lên chơi cung trăng của bọn Đường Minh Hoàng làm
một đêm nô đùa cho con trẻ?
Trẻ
con biết thưởng thức gì trăng thu?
Phải
chăng một nhà trào phúng nào đã làm cái việc mỉa mai ấy? Người ấy cho những
mộng đẹp của bọn thi sĩ cao quí trẻ con quá. Và trong cái đêm bọn kia mơ màng
những thú huyền ảo trên tiên, người ấy thì dìm hồn họ xuống đất bằng những
tiếng trống ầm ĩ của lũ trẻ con ồn ào.
Người
ấy có ý bảo bọn thi sĩ cao quý và ích kỷ: Đừng mơ mộng! Đừng tìm cách rời xa mặt đất. Hãy sống trong loài
người, hãy sống với loài người. Hãy hát những nỗi vui- buồn, những tình đau
khổ, những cảnh sung sướng của loài người. Hãy tả túp lều tranh của người đánh
cá còn hơn tả nơi cung quảng của chị Hằng Nga. Hãy ngắm, hãy yêu con trâu, con
bò của người làm ruộng còn hơn là đi tán tụng con thỏ ngọc, con cóc thuỷ tinh
không dính dáng tới đời sống của loài người.
Nhà
trào phúng nghĩ thế và đã làm theo được ý muốn.
Nên
từ đó Trung Thu đã thành một Tết trẻ con dành riêng cho trẻ con.
Ngày nay số 181.
30-9-1939
Vấn đề dùng đại
danh từ
"CHÀNG" VÀ "NÀNG"
Hiện
giờ, để thuật truyện, chép truyện, phần nhiều các văn sĩ, các nhà tiểu thuyết
vẫn dùng hai chữ đại danh từ "chàng" và "nàng", tuy trong
khi chuyện trò họ không nói tới hai tiếng ấy.
Có
người cho chàng và nàng không thiết thực và không thành thực nữa.
Họ nhất định tránh hai chữ ấy. Vì thế trong văn của họ, (theo ý tôi) lủng củng,
lòng thòng những "anh ấy", "chị ấy", "ông ấy",
"bà ấy", "ông ta, bà ta", "người ấy",...
Khoảng
ba, bốn tháng trước khi từ trần, Tản Đà, trong câu chuyện văn chương, có ngỏ
với tôi rằng "chàng" với "nàng" làm cho tiểu thuyết của tôi
có giọng hơi quê. Tôi cảm lòng thẳng thắn của thi sĩ và cùng bạn để cố tìm một
chữ bớt quê thay vào. Rút cục, chúng tôi đều cười xoà.
Sự
thực, trong tản văn của Tản Đà, ta rất ít gặp hai chữ "chàng, nàng";
mà “anh ấy, chị ấy, ông ta, bà ta" ta cũng ít thấy dùng. Thành thử văn tối
nghĩa và khó hiểu quá. Ai đã đọc những truyện Liêu trai do Tản Đà dịch
ra quốc văn chắc phải nhận rõ điều này.
Vả,
chẳng một Tản Đà bỏ đại danh từ. Phần nhiều các văn sĩ trong phái nho học cổ
điển đều có cái lối văn quá vắn tắt, quá gọn gàng y như văn Luận ngữ
vậy. Cứ mở quyển Nam hải dị nhân của
Phan Kế Bính ra đọc, ta sẽ thấy lối văn không đại danh từ nhan nhản khắp các
trang. Đây, không cần lựa chọn, một đoạn kiểu mẫu trích trong truyện Trần
Bình Trọng:
"Năm
Cảnh Hưng thứ nhất (1740), được cử làm giám sát ngự sử, một khi ở kinh về, ngủ
trọ làng Hoàng Xá, huyện Kim Thành, trông thấy một người nằm núp trong đống
củi, bắt ra tra hỏi, thì là tướng giặc tên là quận Gió..."
Không
còn thể khô khan hơn được nữa.
*
Ta
thử kể ra đây tất cả những đại danh từ mới, cũ
"đứng vào hàng thứ ba" theo như văn Pháp các nước bên Âu châu,
xem trong văn chương chữ nào có thể thay cho chữ "chàng" được.
Trước
hết ta hẳn phải nghĩ đến chữ Nó dùng trong khắp nước Nam và trong khắp
các giai cấp ta thấy ngay rằng đó là một tiếng mà người trên dùng để trỏ
người dưới. Cái nghĩa thấp kém của tiếng "nó" khiến tôi ngờ rằng
chữ ấy cỗi rễ ở chữ "nô" (nô lệ, nô tì). Ngày nay người ta nói:
"Thưa ông, thằng ở bỏ nhà đi rồi." Và ngày trước có lẽ người ta nói:
"Nô bỏ nhà đi rồi."
Dần
dần "nô" đã trở nên "nó" và thành một danh từ.
Vậy
nhiên "Nó" khong thể thay "chàng , nàng" được.
Chữ
"Hắn" đã bớt làm hèn kẻ bị nói đến, nhưng vẫn còn có nghĩa khinh miệt.
Ta không thể viết: "Hôm qua tôi gặp thầy giáo cũ của tôi, hắn bảo tôi
rằng..."
Biết
đâu thủa xưa, về đời Hồng Bàng chẳng hạn, "hắn" lại không chỉ là
tiếng đại danh từ thường dùng, như "il, elle, lui" trong Pháp văn, và
"ta, pei" (tha, bỉ) trong văn Trung Hoa. Nhưng từ ngày một người kiểu
cách, hay nịnh hót bày đặt phân biệt gọi "cụ lớn ấy, quan lớn ấy, cụ ấy,
ông ấy, anh ấy, chị ấy, thằng ấy, con ấy," từ ngày mình bắt đầu theo tôn
ty trật tự cả ở cách xưng hô, cả ở trong lời nói, thì nghĩa chữ "hắn"
tự nhiên và dần dần bị hạ thấp mãi xuống cho tới cái nghĩa "khinh
miệt" ngày nay.
Ở
trong Trung (nhất là vùng Thanh Hoá) tiếng "hắn -- tuy không hẳn được đứng
ngang hàng với tiếng il, lui, nhưng người ta dùng đã rộng và bạo hơn ở
ngoài Bắc. Vào Sầm Sơn nghỉ mát, ai không được nghe những câu tương tự như câu
này của chị hàng cá: "Hắn còn ngáp thế mà ông bảo hắn ươn!" Hay câu
này của người coi trại: "Cây này à, trồng hắn rất dễ, hắn mọc đầy ở các bờ
giậu."
Đó
có lẽ là một dấu vết xưa còn lại, và có thể chứng rằng tiếng "hắn"
nguyên trước là một đại danh từ dùng để thay chung người và vật như hệt những
chữ il, elle, lui trong Pháp văn.
Trong
đời Lê, người ta dùng chữ "Nghỉ". Không hiểu sao chữ ấy lại bị
xoá bỏ hẳn, không ai nói và viết nữa. Và nếu không có câu Kiều "Gia tư
nghỉ cũng thường trường bậc trung" thì có lẽ chữ ấy, không còn vết
tích gì trong quốc văn đối với phần đông văn sĩ hiện thời. Và chữ
"nghỉ" trong câu Kiều, người ta cũng vẫn thường đọc là
"nghĩ" mà thôi.
Thiết
tưởng nếu bây giờ chúng ta liều và bạo, thì chúng ta có thể dùng chữ
"nghỉ" ấy thay cho chữ "chàng" và chữ "nàng" được. Vì lâu ngày
không dùng đến, ta không còn biết rằng chữ "nghỉ" có hay không có cái
nghĩa thấp hèn, khinh miệt như chữ "nó" và chữ "hắn". Vậy
ta có thể cứ gán cho nó một nghĩa chung không công không phạt như những chữ il,
elle, lui.
Và
ta sẽ viết những câu văn rất gọng gàng đại khái như thế này:
"Một
ông cụ già chống gậy đi đến. Nghỉ dừng lại ngắm nghía cảnh sông. Bỗng nghỉ thở
dài... Giữa lúc ấy, một chiếc ô tô lộng lẫy đỗ lại bên đường. Từ trên xe một bà
bước xuống; nghỉ đến gần ông lão..."
Thực
là giản tiện cho quốc văn nếu chúng ta bằng lòng dùng chung một chữ ấy để trỏ
già, trẻ, sang, hèn, đàn bà, đàn ông. Nhưng dùng một tiếng, một chữ không còn
có trong tập quán, không phải là việc dễ. Đến những tiếng, những chữ lâu ngày
sai lạc nghĩa đi và đã nhập tịch trong quốc văn với nghĩa sai lạc ấy, người ta
cũng đành chịu nhận và dùng theo những nghĩa sai lạc mà thôi, dù có những nhà
"thông thái" khó tính như ông Nguyễn Triệu Luật muốn sửa chữa lại.
Tập quán, đó là một nhà thông thái trong ngôn ngữ một nước, nhiều khi nhất định
đòi thông thái hơn các nhà ngôn ngữ học. Đấy, tôi đố ông Nguyễn Triệu Luật cãi
được rằng "tử tế" và "lịch sự" không có nghĩa "tử
tế" và "lịch sự" trong văn chương bình dân! Và tôi nói nhỏ với ông Luật câu này: Cũng như
tôi, ông vẫn dùng chữ "tử tế" và chữ "lịch sự" theo nghĩa
tục.
Như
thế đủ tỏ cái sức mạnh của tập quán trong văn chương. Và, với những tập quán,
phong tục phiền phức của ta, khó lòng sau đây chúng ta có thể dùng được một
tiếng, một chữ đại danh từ rộng nghĩa như chữ "il" của người Pháp.
Nói
rằng nước Pháp là một nước dân chủ, bình đẳng, nên cách xưng hô của người Pháp
bình đẳng hơn cách xưng hô của người mình, thì sao ở thế kỷ mười sáu, mười bảy,
dưới quyền độc đoán của vua chúa, những tiếng đại danh từ kia đã có rồi, và vẫn
không bị tiêu diệt dù người ta dùng chung nó để thay ông vua cũng như để thay
một anh tiều phu nghèo hèn hay một cái bút chì, một tờ giấy.
Vậy
thì một ý "tôn ti trật tự" không đủ giảng nghĩa sự khiếm khuyết của
văn chương ta. Tôi chắc chỉ tại thời trước ta chưa có một nền văn chương. Các
cụ ta viết văn Tàu, thì còn cần gì lưu tâm đến sự thiếu đại danh từ trong quốc
văn, một thứ văn bá láp của dân gian. Nếu các cụ cũng băn khoăn, khó chịu, cũng
tìm tòi như chúng ta ngày nay, thì chắc hẳn chữ đại danh từ chung kia chúng ta
đã có rồi.
Vậy
tiếng gì, chữ gì đã có, và đã dùng rộng trong khắp dân gian, không một sức mạnh
nào có thể xoá bỏ hẳn đi được. Và nếu ta không có một đại danh từ trong văn
chương vào loại những chữ il, elle, he, shi, tha, bỉ, chỉ tại ta chưa có
bao giờ. Vì thế tôi ngờ rằng chữ "nghỉ" chỉ là một thổ ngữ dùng riêng
ở một địa phương. Nếu không, sao lại chóng bị người ta quên lãng được!
*
Một
tiếng đại danh từ nữa không bị quên lãng hẳn nhưng không thành được một tiếng
phổ thông. Đó là tiếng "y"
Y
là một chữ Tàu nhập tịch quốc văn đã lâu năm, song vẫn thấy ít dùng, hay chỉ
thấy dùng trong các bản công văn, án văn, dù chữ ấy rất giản dị, và ngắn nhất
trong lối chua bằng quốc ngữ của ta. Có sự đáng tiếc này là bởi ngày xưa các
nhà học thức chỉ dùng tiếng "y" trong câu chuyện văn chương phong nhã
với nhau mà thôi, còn khi nói với bọn vô học, khi nói với đàn bà, tôi tớ lại
vẫn dùng những tiếng "nó" hay "hắn". Vì vậy, tiếng
"y" đã không đựoc phổ thông trong dân gian.
Đó
lại thêm một chứng cớ để tỏ rõ sức mạnh của tập quán trong văn chương.
Hiện
nay đã có nhà văn dùng chữ "y" thay cho chữ "chàng" và cả
chữ "nàng" nữa, nhưng dùng một cách rụt rè, e ngại. Rồi không thấy ai
dùng theo mình, nhà văn lại bỏ "y" mà quay về anh ấy, chị ấy, ông ấy,
bà ấy, nếu không trở lại với chàng và nàng.
"Người ấy", "anh ấy", "chị
ấy", "ông ấy", "bà ấy", không phải là đại danh từ,
cũng như "Cet homme là" , "cette femme là" không phải là
đại danh từ trong Pháp văn. Ta không thể tưởng tượng một trang Pháp văn đầy
những chữ nặng nề "cette femme là, celui là, celle là." Những chữ
"anh ta", "ông ấy", "người ấy", bác ta" cũng
vậy, chỉ làm cho văn Annam thêm nặng nề, trong khi mình đã có sẵn những đại
danh từ rất nhẹ nhàng thanh thoát mà mình không chịu dùng.
Chưa
kể chữ "nghỉ" và chữ "y" mà chúng ta ước sao sẽ được phổ
thông, hiện ta đương sẵn có chữ "chàng" và chữ "nàng", sao
ta không dùng? Nói rằng "chàng" và "nàng" người ta chỉ viết
mà không nói! Nhưng chắc chắn đã có một thời người nói "chàng" và
"nàng" như người ta nói "anh ấy, chị ấy". Ở Mường, một dân
tộc Annam cổ, chữ "nường" hay "nàng" còn dùng trong ngôn
ngữ, điều này đủ chứng thực rằng hai người mình vẫn nói "chàng,
nàng," nói đã từ đời thượng cổ.
Và
biết đâu, ít lâu nữa nếu ta muốn, tiếng "chàng" và tiếng
"nàng" lại không nghe thấy trong câu chuyện.
Vì
sao hai chữ "chàng, nàng" rất giản dị và rất hay ấy lại mất trong
ngôn ngữ của ta? Và mất từ bao giờ? Phải chăng từ thời ta bị Tàu đô hộ và chữ
"nô" tàu biến đổi thành chữ "nó" annam? Hay từ ngày các cụ
đạo mạo thấy chữ "chàng và chữ "nàng" có vẻ lẳng lơ nên không
dùng nữa và cấm cả con gái dùng trong ngôn ngữ? Sự thực thì hai chữ
"chàng" và "nàng" cũng có âu yếm, nhất trong những thơ lục
bát của ta. Nhưng âu yếm không phải là một tội để đến nỗi bị ruồng bỏ. Vả âu
yếm là vì lời văn êm dịu của các thi
nhân, hơn là vì cái nghĩa nội dung, cái giá trị chân thực của hai đại danh từ.
"Chàng"
và "Nàng" chỉ còn một điều bất tiện, là trẻ quá. Nói đến một ông cụ
bảy mươi, ta không thể viết "chàng già yếu" được. Ta vẫn phải dùng
chữ "ông lão" hay "cụ già".
Bởi
lẽ đó, tuy hiện nay phải tạm dùng "chàng, nàng" tôi vẫn ao ước rằng
một ngày kia chữ "y" hay chữ "nghỉ" (có lẽ chữ này hơn vì
chưa có nghĩa khinh miệt) sẽ được kế chân, trong ngôn ngữ và văn chương.
Ngày
nay số 187, 11-11-1939
188, 18-11-1939
HÀ NỘI... 36 PHỐ
PHƯỜNG
Hà
Nội nổi tiếng là một thành phố đẹp, là một viên ngọc quí của Đông Dương. Sự
thực thì chùa Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm quả là một viên kim cương nạm trong ngọc
bích, đặt trên một cái đệm nhung, nhiều màu rực rỡ- tức là những vườn hoa viền
quanh hồ.
Những
vườn hoa của thành phố bao giờ cũng là những kỳ công của các ông đốc lý nối
tiếp nhau đến cai trị các thành phố xinh đẹp này. Mỗi cái một vẻ: vườn hoa bên
đền Quan Thánh sạch sẽ, kháu khỉnh, tô điểm như một cô gái tân thời. Vườn hoa
Robin đài các, sang trọng như một bà hoàng, vườn hoa Paul Bert nền nếp như một
cô đứng tuổi nhưng vẫn còn đỏm dáng...
Riêng
vườn hoa Hàng Than là như một cô xấu số bị bỏ lay bỏ lắt chẳng được thành phố
ngó tới.
Ngày
xưa cô ta già lắm. Mà cũng chẳng ra một cái vườn hoa nữa. Đó là thường chỉ là
nơi tụ họp của các trò vui, những ngày hội Chính trung. Người ta leo cột mỡ ở
đấy. Người ta bịt mắt bắt vịt, bắt dê ở đấy. Người ta chọc thùng, nhảy bị ở
đấy. Sau những ngày hội nô đùa, cái vườn hoa đã cằn cỗi càng răn reo rúm ró
thêm.
Nhưng
một hôm, vào cuối xuân năm ngoái, bỗng người ta để ý săn sóc đến cô gái nạ
dòng. Hằng ngày có tới vài chục phu, vừa đàn ông vừa đàn bà đến cuốc, xới, nạo
bớt đất đi cho vườn hoa đỡ cao, đỡ gù, đỡ lọm khọm.
Rồi
khi đất đã san bằng phẳng, người ta xe những xe cỏ đến để trồng. Người ta chăm
chỉ, cần cù trồng từng cây cỏ một, thứ cỏ mà người ta đã chọn lọc kỹ càng, không
để lẫn vào những loài cỏ xấu.
Tôi
thường đi qua đó và tôi phải cảm động dừng lại ngắm nghía những người đàn bà,
những cô con gái, thong thả, khoan thai giấu gốc cỏ nọ sau gốc cỏ kia xuống một
thứ đất nhỏ và mịn như bột rây. Và bất giác tôi
nghĩ tới hai câu thơ của thi sĩ Yên Đổ:
Trong
nhà ông bày rặt chai,
Ngoài
sân ông trồng toàn cỏ.
Thì
ra trồng cỏ cũng là một việc khó khăn lắm vậy.
Sau
một tuần, cỏ cấy đã kín, chỉ trừ ra những lối đi ngoắt ngéo trong vườn, và các
đầu luống có giáp với đường: ở đấy, người ta trồng những cây xương rồng hoa đỏ,
mục đích cốt để xiên gai vào chân những người qua lại hay vô ý xéo lên cỏ, vô ý
một cách lười viếng, cố nhiên.
Người
ta chỉ còn việc tưới cỏ. Ngày ngày hai buổi người ta cho vòi cao su, phun nước
như mưa bay. Và không cần suy nghĩ cũng đoán được rằng chẳng bao lâu cỏ sẽ tốt
hơn lúa ở ruộng bón phân.
Một
tấm thảm xanh rờn.
Bao
công phu mới có một cảnh êm đềm đẹp đẽ như thế.
Nhưng
lại một hôm người ta vác cuốc, vác xẻng đến, người ta huỳnh huỵch đào những
rãnh theo đường chữ chi chạy qua tấm thảm xanh rờn.
Và
từ đó, để tránh khỏi phải nhảy qua rãnh, người dân thường đi lên cỏ vừa êm, vừa
mát chân, nhất khi lại đi chân không.
Bây
giờ thì chỉ còn những gò đống và những hầm hố. Cỏ bị giày xéo đã chết từng đám,
từng khoảng rộng, thứ cỏ mà người ta đã chọn lọc, mà người ta đã thong thả
khoan thai trồng từng cây một.
"Chiến
tranh!" ý nghĩ ấy không sao không lọt vào đầu óc chúng ta mỗi khi chúng ta
qua nơi vườn hoa bị xẻ.
Chiến
tranh chỉ có một mục đích tàn phá. Và thành phố Hà Nội ta mới theo đuổi công
cuộc phòng thủ, cái cảnh tàn phá - tuy là tàn phá trong hoà bình- đã hiện ra
trước mắt rồi.
Ngày nay số 203, 16-3-1940
Chuyện
xa gần
CÓ NƠI TRÚ ẨN
Hiện
giờ ở các phố Hà Nội, ta thấy nhan nhản treo những tấm biển có vẽ cái tên chỉ
và bốn chữ "Có nơi trú ẩn". Nghĩa là trong lúc biến động dân thành
phố chỉ có việc cứ theo những biển đó, vững chãi mà đi thôi: đến nơi khắc có
chỗ ẩn thân, không lo ngại gì nữa.
Thật
nhà nước rất là chu đáo. Chẳng có gì là bỏ sót, là khuyết điểm nữa. Cái gì cũng
đã bố trí sẵn sàng, xếp đặt cẩn thận, như vậy đỡ cho người ta phải nghĩ ngợi,
mà ai cũng biết rằng nghĩ ngợi rất là mệt nhọc.
Ngày
xưa Kim Trọng tìm chỗ trọ, mừng rỡ đã được một chỗ:
Có cây có lá sẵn
sàng
Có hiên Lãm Thuý
nét vàng chưa phai...
Để
kiếm nơi tình tự với cô Kiều. Bây giờ, cậu Kim Trọng tân thời chắc phải lấy làm
sung sướng khi thấy một toà nhà:
... Có bao có cát
sẵn sàng
"Có nơi trú
ẩn" vững vàng khỏi lo...
Còn
cô Kiều tân thời thì phải đợi lúc cùng đi ẩn dưới đường hầm: con đường đào thì
hẹp, mà lại khuất khúc chữ chi, lại kín đáo bốn bề, thì sự tình tự lại càng dễ
thân mật và gần gụi nữa.
Ký bút danh Thiện
Sĩ, một bút danh của Thạch Lam
Theo người sưu tầm bài này có vẻ của Khái Hưng hơn
Ngày nay số 215 6-7-1940
SẦM SƠN NĂM
NAY
Sầm
Sơn năm nay rất đông, nhưng rất buồn, bãi biển thường lưa thưa người tắm. Những
người đi nghỉ mát mọi năm, năm nay vắng mặt nhiều, vì không sao thuê tranh được
nhà với các ông bá, ông hàn xứ quê, và nhất là các ông cự phú Hà thành. Các ông
ấy ném tiền ra thuê lấy một biệt thự bất cứ nóng hay mát, quý hồ rộng để có thể
chứa chật ních được cả một đại gia đình.
Đường
phố vắng, bãi biển thường vắng. Trái lại, sở bưu chánh thì bao giờ cũng đông
nghịt những người nói và chờ nói điện thoại: họ dò ý kiến ở nhà, họ nhận ý kiến
ở nhà, họ phàn nàn điều này điều khác, họ hỏi thăm tin tức Hà thành. Hình như
họ cần phải một ngày vài lần nói điện thoại về mới có thể sống yên lành được.
"Có sự gì lạ không? - Không à? Ở đây cũng thế...".
Không, ở đây có nhiều sự lắm chứ. Ta thử
ra ngoài bãi biển mà xem: kìa, ba cô Hà thành không xấu, trái lại thế, nhưng
vẫn làm sao ấy, ngồi tắm ở ngay ven làn nước để té lên mình làn bọt vàng bám
vào cát. Đứng trên bờ, cách đó vài ba bước, hai bà lão cầm áo bông cho con
cháu, luôn miệng kêu gào hổn hển: "Đừng ra nữa, tắm ở đấy thôi!" Kìa,
mấy cô khách lai và khách không lai để nguyên cả quần áo lót xuống bì bõm dưới
nước mặn. Lại kia, năm, sáu cô trùm kín trong áo bông dài như rét mướt lắm, rón
rén đến bên làn nước nhìn trước nhìn sau như sợ người ta trông trộm tấm thân
ngọc ngà, rồi khi thấy vắng người qua lại, vứt áo bông xuống cát, chạy vội náu
mình xuống nước biển. Những hạng tắm biển ấy mọi năm không có. Nhưng năm nay
nghỉ mát và tắm biển là việc phụ. Việc chính chỉ là việc đến Sầm Sơn.
Ngày nay số 215, 6-7-1940
ĐI ĐÂU MÀ VỘI?
Người
Hà Nội, thế mà lại dễ tin, dễ sợ mà cũng vội vàng hấp tấp quá. Những
phương pháp của nhà nước chỉ là những phương pháp đề phòng, - nhà cầm quyền bao
giờ cũng phải liệu trước -- thế mà lòng dân đã nhốn nháo. Người ta nghiêng tai
nghe những tin đồn đại dị kỳ ở đâu đâu, không căn cứ, ấy thế là hốt hoảng và lo
sợ. Thôi thì nhà nào nhà ấy dọn đi hết về quê, mang cả những thứ hết sức cồng
kềnh: nào sập gụ, tủ chè, án thư, trưòng kỷ, bình hương, ống phóng. Chừng ấy
thứ áp tải trên đường nhựa, trên xe hoả, ô tô. Người đi gặp người đến, ai nấy
trông khổ sở và lo âu. Để làm gì? Để rồi mấy hôm nay lại lục tục khuân ra, cũng
khó nhọc và khổ sở như thế.
Mấy
hôm phiên chợ Đồng Xuân đều rất đông người: người ta tranh nhau mua để trữ. Có
người mua hai trăm bạc gạo tám, có người mua ngót một chục bạc tương. Gạo,
muối, và vừng một ngày ba bốn giá. Thế rồi mấy hôm sau chợ vắng ngắt, họp chưa
đến 3 giờ chiều đã tan. Người nhà quê không dám đem các thực phẩm ra bán nữa.
Tình
thế ấy chỉ làm tăng các giá hàng, và chỉ khổ cho những nhà nghèo, vừa sốt ruột
chạy tiền vừa chịu mua giá đắt. Nhất là nhà nào đông con, thì sự lo lắng lại
càng tăng nữa. Sữa đắt lên tới chín hào, một đồng một hộp, gạo nhiều lúc không
có mà mua. Nhưng cái bà có hai trăm bạc gạo tám kia, tưởng có thể đủ nuôi sống
được mình trong thời loạn lạc ư? Một kết quả chắc chắn hơn hết, - và cũng đáng
buồn cười - là số gạo ấy chẳng bao lâu đã thành ra mốc, chỉ còn có cách là đổ
đi.
Rút
lại, chỉ có những người nghèo là vẫn vững tâm; họ bình thản và ung dung lắm; họ
không sợ thua thiệt hay mất mát cái gì, vì lẽ rất giản dị rằng họ chẳng có gì
để mà mất.
BÁN HÀNG TĂNG GIÁ
Hàng
ngày, trên các báo, vẫn thấy đăng tin nhiều nhà buôn bán hàng tăng quá cái giá
nhà nước đã định, bị phạt tiền. Sự trừng phạt ấy là cần và đích đáng để trừ khử
bớt các bọn đầu cơ, lợi dụng thời thế và sự họ có tiền, để bắt chẹt những người
mua, phần đông là những người nghèo khó, hoặc những người mà số lương có hạn.
Tuy
vậy, chúng ta vẫn thấy nhiều nhà hàng bán quá giá. Nếu người mua chỉ trả bằng
giá đã định, thì họ không bán. Ở một vài nơi ít hàng, chẳng lẽ lại vì một vài
xu phải tìm kiếm mua ở chỗ xa khác, hoặc vì cần dùng phải mua ngay. Đối với
những nhà buôn ấy, chỉ có sự bắt phạt luôn luôn là có thể khiến cho họ đổi ý.
Chúng tôi mong nhà chức trách sẽ chú ý và làm việc ráo riết hơn nữa, hoặc khiến
cho mọi người biết rằng bổn phận của người mua gặp giá hàng cao là phải trình
báo ngay các nhà chức trách để truy tố.
T.S.
Ngày nay số 216, 13-7-1940