VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký văn nghệ 1990 (phần cuối)

 25/9
Lê Minh Khuê kể: Ngọc Tú bảo là Như Trang đang đứng ra lập ban liên lạc các nhà văn nữ, nhưng Khuê đã trả lời:
- Em không tham gia đâu, chị không biết chị Trang là dân thương nghiệp à.
Cách đây ít lâu Như Trang đã có một bài điểm qua lực lượng sáng tác nữ, trong đó tự khen mình không tiếc lời.
Có vẻ như trong xã hội bây giờ, ai thích trình bày ra ban bệ nọ kia, ấy là người có thể dùng cái tổ chức ấy làm một việc gì đấy.

 Bà Bảo ở văn phòng Hội bảo sao vợ chồng ông Hữu Mai thì được cả hai, cái gì cũng giỏi, ông Hữu Mai quen từ người thợ chữa ống nước, người bán bia ở ngoài cổng Hội.
Còn vợ chồng ông Nguyên Ngọc thì chả biết gì cả, chồng đi đâu đó, mang về được sáu trăm ngàn, vợ ra chợ bị móc túi mất ba trăm.
Tôi chợt nghĩ loại như Hữu Mai có cái chất của cường hào, các ông chủ thực sự ở nông thôn. Lý trưởng chánh tổng trương tuần gì cũng nằm trong tay các ông ấy cả.
Ân kể ông Vũ Tú Nam có bài trên tạp chí Cộng Sản rất xấu, cho là văn nghệ bây giờ chửi công nông là không được.

Hồi  tháng trước Vũ Tú Nam có bài chê Phạm Thị Hoài là không biết tiếng Việt, đáng nhẽ hậu thế, thì lại viết hậu bối, Phạm Thị Hoài cứ thắc mắc mãi, không hiểu sao chú Nam lạ thế.

Một bữa, chính Dương Tường đưa tôi xem bài viết của Phạm Thị Hoài, nhắc lại ý ông Nguyễn Đình Thi nói ở báo Nhân Dân - bây giờ anh em trẻ buồn cười lắm, toàn nói Kant thành Níetzsche. Hoài cãi lại :
1. Nếu chúng tôi dốt, đó là lỗi tại các anh
2. Vả chăng chắc đâu chúng tôi đã dốt. Nhỡ các anh chỉ chép sách của Tây ra thì sao. Những cuốn mà người ta gọi là sách triết học của anh viết trước 1945 là thuộc loại nào?
Các anh bảo chúng tôi không phân biệt Kant với Níetzsche. Nhưng tôi chỉ sợ các anh không phân biệt nổi Mác với Lênin.
Bài đã gửi đến báo Văn nghệ. Dĩ nhiên là không đăng. Nhưng xem ra cũng có cái vui.

Báo Nhân Dân liên tiếp đăng nhiều bài truy lùng đổi mới.
- Bài Hoàng Nhân (số ra 23/9) chửi Sông Hương là tại sao kỷ  niệm sinh nhật Hồ Chủ tịch mà lại đăng Nguyễn Huy Thiệp viết về Nguyễn Thái Học.
- Bài Trần Thanh Đạm (số 30/9) chê Nguyên Ngọc là viết không ai hiểu gì cả và cho rằng Nguyên Ngọc không làm lý luận được.
Cái lối chĩa mãi vào Nguyên Ngọc như vậy hình như đã quá lộ liễu, nhưng đấy là sự quyết liệt của Nguyễn Đình Thi.

Đọc lại những tài liệu liên quan đến tạp chí Novyi mir của A.Tvardovski. Tình cảnh y như bên mình. Ông này cũng bị một lũ quan chức đồng nghiệp – các Ủy viên Ban chấp hành và Tổng biên tập mấy tờ tạp chí khác, cùng ký vào đơn gửi lên trên đòi cách chức. Mất tự do đến mức trắng trợn.  Dốt nát. Cuộc sống đảo lộn hết cả.
Bao giờ các bên  đấu đá cũng nhân danh cách mạng.
Đất Quảng số 5-6/1990 có bài của Lữ Phương nói rất hay về cái chủ nghĩa xã hội tưởng tượng của chúng ta.

30/9
Báo Văn nghệ đăng bài Phương Lựu, chưa chi đã lấy Trung quốc để doạ Việt Nam, đe nẹt Việt Nam (trong khi đó, những đổi mới của Trung quốc sau 1976 thì hồi đó ta không hề giới thiệu và bây giờ, Trần Đình Sử giới thiệu thì Phương Lựu bảo là cũ rồi).
Nhớ Sử có lần nói về Phương Lựu như sau: Phương Lựu đọc ông A, bảo ông A được cái này hỏng cái này. Rồi đọc ông B, bảo ông B được cái kia và hỏng cái kia. Kết hợp cả hai cái được của A và B lại, thì  thành ra Phương Lựu.

4/10
 Nghe nói tờ Tác phẩm mới của Hội mỗi tháng lỗ khoảng một triệu. Vậy mà người ta vẫn cứ nhơn nhơn ra cả một  lượt, từ Vũ Tú Nam tới Ngọc Tú.
Vấn đề ở đây là gì? Là có một sự cách biệt giữa cái mà nhà nước đưa ra, và cái yêu cầu của dân bây giờ.
Một lý do báo ế. Đội ngũ làm báo -- nhất là của miền Bắc-- quá bệt, không có nghề, thấy dân Sài Gòn nó nhoai ra cũng muốn nhoai, nhưng không biết làm sao được.
Nhớ nhận xét của anh dân du lịch nước ngoài đến Hà Nội: Những người phục vụ khách sạn ở đây đã thay đổi, họ muốn làm vui lòng khách lắm, nhưng lại không biết cách.
Cả cái nước  này hôm nay không biết cách sống, cách làm việc.
Giữa trình độ sống thấp và định hướng sai, có một mối tương quan. Phương Tây trình độ nó đã khá, mà định hướng sai còn chết. Huống chi là ở đây trình độ sống thấp, rất thấp nữa. Cả hai phối hợp sẽ kéo người ta lại. Có lẽ chỉ ở văn học VN mới có tình trạng chưa kịp đổi mới thì đã chửi bới đổi mới và nói rằng hôm qua mới thế đủ rồi. Và không phải riêng một bộ phận nào mới quay lại cái cũ mà toàn xã hội, từ trên xuống dưới, từ kẻ có quyền lợi, đến người dân thường, họ quen bị lừa dối, và cũng quen lười biếng.

19/10
A.Môravia chết,  một tờ báo nào đó viết ông rất giỏi trong việc diễn tả sự suy sụp tinh thần của con người trong thiên kỉ này.
Câu nói hay quá. Giá được nói leo, tôi sẽ bảo mình muốn viết về cái hoang tàn của đời sống tinh thần con người hiện nay.
Trước cách mạng dân trí cũng nghèo hèn, cái “chất” chính của xứ này là một cái gì yếu đuối lả lượt kiểu đàn bà.
Rồi cách mạng không ngờ thắng lợi, cách mạng như một sự dậy non. Cách mạng mang lại cho sự tàn ác sự phá phách một ý nghĩa. Cách mạng kích thích sự thù oán. Cách mạng vỗ về nâng đỡ cái tầm thường kém cỏi. Và bây giờ cách mạng hứa hẹn một lối sống trưởng giả được tô vẽ, được hợp thức hóa.

Nghe nói Nguyễn Thụy Kha có một bài viết khá hay về Nguyễn Khải, ai  đó bảo đọc thấy Nguyễn Khải lon ton trong mắt tác giả. Tôi tự nhiên nao lòng, tự nhủ sẽ viết về một Nguyễn Khải của mình, qua Nguyễn Khải thấy chân dung tinh thần của con người hiện nay.

Anh Ngọc nhà thơ khái quát: Hậu Thủy hử có cái hay là nói rằng bọn làm loạn thật ra thằng nào cũng  chỉ thèm được quy hàng.
Đấy chính là tình trạng của đám đổi mới bất đắc dĩ, đổi mới theo đuôi ở mình bây giờ.

        12/10
        Gặp Nguyễn Đăng Mạnh.
-- Anh có đọc cái gì mới?
-- Không đọc mấy. Trừ Cỏ lau là tập truyện mới thoát ra thành tiếng nói nghệ thuật, còn nói chung những cái khác vẫn là kêu gào, kể cả Đám cưới không có giấy giá thú cũng kêu gào.
- Bọn Thỉnh chắc phải van vỉ nhờ lắm thì anh mới viết cho bài Nguyễn Tuân.
- Thì vào tận đây đề nghị. Ngay bây giờ, mụ Thiếu Mai vẫn nhắn ra gặp mụ luôn.
- Nhưng nó lại cho anh một vố khi đăng bài  về chương trình cải cách giáo dục.
- Đúng, cái này thì rất mất dạy. Lâu nay, mình cứ tưởng là khu vực giáo dục yên. Thế mà chúng nó vẫn chọc vào. Chúng nó còn viết thư lên cấp trên nữa. Bọn mình phải họp để đối phó. Được cái ông Hoàng Tuệ cũng vững. Sau khi bài đăng ra, Nguyễn Khắc Phi đã có bài trả lời rất hay, nhưng Hữu Thỉnh nhất định không đăng.

Nhân có vợ ông Mạnh vào, kể chuyện là dạo này ở trường dạy, chị cũng không chơi với vợ Duật nữa, và nhiều giáo viên cũng ghét Duật.
Nhàn: Kỳ này tôi mất bạn nhiều lắm.
Mạnh: Đúng thế, bây giờ thật ngại phải bắt tay những người mà xưa kia mình kính trọng và giá kể được họ tặng sách thì thú vị lắm. Như Huy Cận chẳng hạn. Hay như Bùi Hiển.
Có lần Nguyễn Đăng Mạnh dự đoán nếu Nguyễn Tuân còn sống, chắc sẽ ủng hộ cái mới; còn nếu Xuân Diệu sống ông lại ngồi mà bám lấy chút uy danh cũ.
Nhân đó Mạnh khái quát:
- Văn nghệ sĩ là cái anh nhạy cảm nhất, tinh vi nhất nhưng khi giở mặt cũng là cái anh đểu giả, mất dạy, bảo thủ nhất.
--Anh sẽ viết lại lịch sử văn học 30-45?
- Viết chứ. Sẽ nêu bật ý nghĩ của mình trong quá trình hiện đại hoá văn học, và sự hình thành một lớp trí thức theo kiểu phương Tây.
- Trước cách mạng, người ta có trọng văn nghệ sĩ  lắm không?
- Thời ấy ai có bằng cấp là được trọng. Văn nghệ sĩ như Tự lực văn đoàn được trọng. Nguyễn Tuân cũng được trọng, vì ông có học thực sự, biết sự thực. Còn cánh Tân Dân không ai coi ra gì. Nên họ mới tức. Đám ma Vũ Trọng Phụng phải làm to thế cốt cũng để cho đỡ tức. Hay như đám Tô Hoài, Nam Cao, sở dĩ họ rất khoái cách mạng, vì cách mạng mang lại cho họ cái địa vị mà họ chưa có.
 Nguyễn Đăng Mạnh nói về tình hình văn học bây giờ.
- Dạo này các ông ấy cố tìm cách hạ bệ một vài người uy thế văn học, uy thế khoa học, như hồi đấu tranh Nhân văn Giai phẩm, nhắc đi nhắc lại một vài lỗi nhỏ về tiếng Pháp của Trương Tửu để bảo rằng Trương Tửu dốt.
- Các ông ấy đang khép lại.
- Chẳng những khép lại, mà còn muốn chặt chẽ hơn hôm qua. Bố bây giờ cố ý quát to hơn, nghiêm hơn. Nhưng con cái nó đâu có nghe.
Trần Đình Sử nhận xét, bọn Văn nghệ bây giờ dưới sự lãnh đạo của Hữu Thỉnh còn kém cỏi và vô trách nhiệm hơn báo Văn nghệ hồi Đào Vũ nữa. Nhưng bọn nó không biết sợ. Nhìn sang thấy Nhân Dân chủ nhật còn đi xa hơn nó nhiều.
Tôi thì tôi nghĩ:
- Qua đợt đổi mới này, lại thấy thực tế là không thể đổi mới  được và  sẽ không có đổi mới  gì cả. Bóng tối còn đầy, người của hôm qua còn đầy, tự bọn họ làm nên đời sống văn học, bọn họ tự bít đường thay đổi, chứ chưa nói đến cấp trên và Nomenklaktura – bọn thư lại mới.
Chợt nhớ cái bài của tôi in trên Văn Nghệ  hai năm trước  Bước đi không thể đảo ngược. Hồi ấy tôi còn ngây thơ quá và đến nay vẫn ngây thơ tiếp.

Một bài có tính tổng hợp cao trên Nhân Dân ngày 10/10:
- Có những kẻ hồi trước theo cách mạng, nay xu thời cãi lại.
- Những thày dùi về kinh tế đã bớt đi, nay toàn thày dùi về văn hoá nhằm kích động mọi người và mua chút uy tín còm.
- Trí thức ta, nhờ cách mạng mà mở mày mở mặt ra được, nay lại giở giọng.
- Kẻ sĩ không có lối kêu khổ. Mà phải gắn với nhân dân, vì một tương lai xa.
- Không được đổ lỗi cho cách mạng, không được trút tất cả những nóng lạnh trong thói đời lên đầu chính quyền.
- Không học lại tư sản.

Tôi có thể cãi lại từng điểm.
- Cách mạng ngày hôm nay đâu có phải là cách mạng hôm qua. Thành ra trách người không bằng trách mình. Đúng là hôm qua người ta đã tự nguyện, nhưng trong đời sống phải cho người ta cái quyền nghĩ lại cả mọi thứ. Nhớ có lần chính Nguyễn Tuân cũng đã nói với tôi rằng ngay từ đầu mà cách mạng đã thế này thì làm gì có ai theo. Thành ra với việc anh cố gò người ta vào cái cũ hóa ra một sự áp đặt, một sự lừa dối.
 Về lớp trí thức cũ. Hỏng đi nhiều lắm. Rất nhiều tính cách cao quý cũ nay hèn hạ đi, trở thành ăn bám. Tên tuổi rạng rỡ hơn, nhưng thực chất là  hèn hạ đi. Mà càng tầm thường càng được các ông ấy đưa lên. Vì người có lỗi rất sợ không được dùng nữa. Bây giờ bảo nói gì họ cũng nói mà.
Với những người thuộc thế hệ bọn tôi. Tôi không tin rằng chúng tôi chỉ có thế này. Trong một nền giáo dục khác, hẳn chúng tôi nên người hơn nhiều.
Còn họ kể công là bao nhiêu con em dân ăn mày dân móc cống thành trí thức ư? Liệu có thể nói đám mới được đào tạo đó là trí thức thực sự?
Lại như việc họ dạy chúng tôi là phải tử vì đạo. Nhưng họ có đứng đắn đâu. Họ đầu têu việc phá rào làm bậy. Họ tha hồ đục khoét. Và cái dốt lên ngôi,  cái dốt chi phối xã hội.
Thời nào thói đời cũng đen bạc. Nhưng chỉ thời này, mới đen bạc  trắng trợn như vậy. Con người mất hết chỗ để hy vọng. Con người không còn tin tưởng gì ở nhân quần và chính mình. Tất cả nhắm mắt nói theo yêu cầu, nói một đằng làm một nẻo.
Đến bây giờ nước mình vẫn theo chủ nghĩa biệt lập, vẫn muốn tách mình ra khỏi thế giới chung, những kẻ chưa bao giờ đọc Níetzsche và Camus một dòng vẫn to mồm chửi các triết gia ấy là thế nọ thế kia.
Đấy là tình cảnh  của đời sống tinh thần của nước tôi lúc này.
Có ảo tưởng lắm, thì mới hy vọng sẽ có thay đổi .
Điều làm tôi chạnh lòng là thật ra, những ý nghĩ mà bài báo trên nói, cũng đã được một người mà trước đây tôi rất kính trọng như Nguyễn Khải  tin tưởng và tự hào là đã nói ra, chẳng qua Nguyễn Khải nói ra một cách khéo léo khôn ngoan hơn nên lọt tai mọi người thôi.
 Về căn bản Nguyễn Khải không nghĩ khác họ.
Nguyễn Khải thường tâm sự rằng đã rất khôn ngoan, khi không cho in các bài viết phê bình của mình thành một tập riêng.
Tôi không tin một nhà văn có quyền viết phê bình một cách vô trách nhiệm, viết phê bình chỉ để che giấu ý nghĩ thực của mình.
Chính trong sáng tác của Nguyễn Khải, những tư tưởng xấu xa (hãnh tiến xu thời tự coi mình là tất cả v.v.) cũng nhuấn thấm vào từng câu từng chữ.

Có mấy tin buồn.
Tờ Cửa biển của Hải Phòng bị cảnh cáo và doạ dẫm vì cho in những bài viết không đúng với chức năng đã đăng ký.
Tờ Đất Quảng bị Tỉnh uỷ làm phiền đủ thứ. Có một số báo, ngoài bìa vẽ hình con trâu đi, cạnh đó là một em bé đang thổi sáo. Thế là tỉnh uỷ đập bàn.  Các anh thâm lắm. Các anh bảo đảng là con trâu già, còn văn nghệ các anh như thằng bé thổi sáo, đàn gẩy tai trâu, phí cả công.
Thanh Quế và Thái Bá Lợi phải bảo nhau. Thế thì báo chỉ nên in ảnh các vị trong tỉnh uỷ và… tiểu thuyết Lê Khâm, thơ Triều Dương, lý luận Hồ Hoàng Thanh v.v..
Cuối năm ngoái, cuốn Miền hoang tưởng của Xuân Khánh được in ra, với một bút danh khác.
Nghe nói, báo Công an Quảng Nam Đà Nẵng có bài chửi bới quyển sách rất dữ; biên tập viên bị khai trừ khỏi đảng, giám đốc xuất bản bị mất chức.
Lại Nguyên Ân có một bài viết mang tên Phê bình độc thoại và những nạn nhân của nó.  Không biết đọc ở đâu hay chỉ nghe hóng mà Bùi Việt Sĩ  lại  bảo những bài kiểu này chỉ có thể gửi sang Paris in ở báo của Việt kiều.
Nghe Hách nói, đài Tiếng nói Hoa Kỳ  bắt đầu có mục văn nghệ chống đối ở Hà Nội. Một tay tiến sĩ nào đó  đi Nam Tư về, nói rằng ở bên này, họ hỏi thăm nhiều về Dương Thu Hương. Các anh phải ủng hộ lãnh tụ tinh thần của các anh chứ, họ nói vậy.

25/10
Nghe  Ý Nhi kể, Trà ra cuốn Lý luận và văn học, bán khá chạy. Trong không khí lộn xộn của ngày hôm nay, Trà trở thành tượng trưng của một sự phải chăng mà người ta chấp nhận được. Trà có cái vị trí riêng của mình. Ân không hiểu điều đó, nên nghe nói là sách của Trà ra, bán được, liền doạ "để mình in của mình xem ra sao". Tôi thì tôi nghĩ rằng vai của Trà khác, vai của tôi khác.

Đỗ Chu đi Đông Âu về (đi thăm con). Nghe nói Chu có viết một báo cáo lên cấp trên, nói rằng không nên đi vào con đường như Đông Âu, nếu vạn nhất xảy ra cái đó, thì dân thương sẽ treo cổ những người cộng sản hết thôi.
Báo cáo dày 200 trang và được gửi lên Ban Bí thư.
Hách bình luận: Chu lại muốn làm chính trị đây mà.
Ngô Thảo đã cãi nhau với Đỗ Chu hôm đám ma ông Bùi Huy Phồn

8/11
 Một người như ông Hữu Mai, hẹn tôi đúng 8h30, không tới, lúc gần 9 giờ mới tới, lại ráo hoảnh:
- Không, mình đúng giờ lắm, hẹn Nhàn đúng 9 giờ mà!
Lại nhớ câu chuyện của Phạm Thị Hoài. Hoài nói với nhiều người, và viết cả trên báo, rằng Hữu Mai từng hứa danh dự là bận sau sẽ đưa Hoài vào danh sách kết nạp Hội.
Bây giờ ông Hữu Mai đi đâu cũng cãi lại:
- Làm gì có chuyện hứa danh dự ấy.
Ông Mai tự nhận ông viết như người vẽ tranh có mẫu và truyện ông không lẫn với người khác. Tôi đã đưa câu đó vào phỏng vấn, sau ông ta lại xoá đi. Lúc nào ông cũng nói nhân hậu, và khoe rằng nhìn ra được cái nhân hậu ở người khác. Một cây bút tiêu biểu cho kiểu nhà văn chiến sĩ: công thức, nhạt nhẽo mà lại quan trọng hoá, tự đặt mình vào vĩnh viễn, tự cho mình là hơn đời. Sản phẩm của chất tuyên huấn, chất dạy đời,  tin rằng mình đáng làm mẫu cho người khác.
Nhưng ông Vũ Tú Nam thì có khác gì mấy?
Nghe nói Ma Văn Kháng được mời đi Pháp vì bên ấy nó dịch Mưa mùa hạ của ông (?). Cũng không biết đâu mà kiểm tra loại tin này bây giờ.
Phạm Thị Hoài đã chạy được đi Pháp. Từ lâu tôi đã dự đoán Hoài nhập cuộc một cách đầy ý thức.

Tên một cuốn sách mới in ở Madrit:
Sự đầu hàng cái chết của người trí thức: trường hợp Iu. Olesa
Ôlesa là một nhà văn có tài, sau đầu hàng. Nhưng ông chỉ viết những bài tự phê phán, chứ không viết nữa. Cuối đời ông quay ra chuyển thể  Dostoievski cho các nhà hát, sống trong trầm lặng, niềm vui hàng ngày là ngồi ghi lại những chiêm nghiệm về nghề văn qua cuốn Không ngày nào không viết mấy dòng.
Đối với tôi, điều thú vị và sẽ là món nợ phải trả, là viết về mối quan hệ đó - quan hệ với cách mạng - của hàng loạt nhà văn Việt Nam.
Nguyễn Tuân hay là cuộc đi tìm chỗ đứng. Tô Hoài hay là sự lươn khươn lúc đi với văn học nói mình là cách mạng, lúc đi với cách mạng nói mình là nhà văn. Xuân Diệu - người vợ lẽ chịu nép một bề, cốt để tồn tại. Nguyễn Đình Thi - hay là chuyện quan trường văn nghệ; ông quan giết chết dần người nghệ sĩ trong cái xác người sinh viên muốn lập thân. Tế Hanh - một thứ dây leo, Nguyễn Xuân Sanh ăn bám. Bùi Hiển – tiến trình đi ngược chiều lịch sử, sự trở lại của cái địa phương ngớ ngẩn. Hữu Mai, Hồ Phương - những cán bộ tuyên huấn tưởng có thể đẻ ra một thứ văn chương mới.
Riêng trường hợp Nguyễn Khải cách tồn tại của Nguyễn Khải: bắt đầu bằng sự căm giận cá nhân; luôn luôn sắc sảo, chạm vào khuôn khổ mà không bao giờ mắc nạn vì không bao giờ ra ngoài khuôn khổ; viết cho mọi người chứ không phải cho chính mình; rất phù hợp với cách mạng trong cái vẻ ngoài thích tìm tòi thích đặt vấn đề. Công thức tóm tắt là một ngòi bút phức tạp trong cái giới hạn của sự đơn giản.

9/11
Chu thấy tôi ở Hội Nhà văn liền gọi vào đây mày, nhưng tôi cười rồi lảng.
Bằng Việt ngơ ngác. Dạo này ông có đi đâu không hay vẫn ở đấy? Nghe như Bằng Việt hỏi về chỗ ở, và lúc về, tôi mới nhớ ra là Bằng Việt hỏi về cơ quan.
Không muốn sang chơi với Phương Lựu nữa, nhất là sau những bài  ông ấy phát biểu ở báo Nhân Dân, nói rằng nay có một bộ phận đáng gọi là văn nghệ lật đổ. Nói về nhau như thế thì còn sống với nhau thế nào được nữa.
Nghĩ đi nghĩ lại, vẫn chỉ thấy có một con đường đi để tồn tại: sự đơn độc. Đơn độc để có thể nghĩ về mọi việc theo kiểu của mình.
Đơn độc nghĩa là chịu ngồi đọc, đọc lại sách cổ đọc lại những cuốn sách khó gậm. Đơn độc để thêm cho cuộc sống một ít trí tuệ, vốn là cái hôm qua tôi đã có, nhưng bao nhiêu cũng là không đủ. Càng trí tuệ sẽ càng dễ sống hơn, tôi tin thế.
Đơn độc nghĩa là dám yêu cầu cao với mình, cố viết ra những điều mình cảm thấy vừa lòng, chứ không phải chạy theo những thứ danh lợi mà chính mình xa lạ.

6/12
 Về sự gian dối của con người, Nguyên Ngọc kể:
- Lúc say thì lão Kim Lân, lão ấy mới nói thật. Lão ấy bảo tất cả cái hỏng của nền văn nghệ này là do Trường Chinh cả.  Kim Lân  biết Trường Chinh từ hồi văn hóa cứu quốc mà.
- Còn thằng Chu, ở ngoài nó nói với mình chủ nghĩa xã hội hỏng hết rồi. Lúc họp thì nó lại tố Nguyên Ngọc thế nọ thế kia.

Nhàn: Hữu Mai, Huy Phương không đáng nói, chính trường hợp Nguyễn Khải mới đáng để suy nghĩ.
Nguyên Ngọc:  Khải nó biết hết, nhưng nó không vượt được. Nó chỉ quen làm việc với chính quyền mà không biết được nhân dân.
 Nhưng trường hợp mà tôi lạ nhất trong chấp hành Hội nhà văn khoá này là  Vũ Tú Nam. Mình tưởng ông Nam khá hơn kia đấy.

20/12
Một dấu hiệu của thời nay là các tổ chức nước ngoài  trực tiếp đưa ra lờì  mới với  các nhà văn mà họ cho là đáng chú ý.
Nhưng họ cũng không thể lờ ngay giới quan chức đi được. Suốt thời chiến tranh, giới quan chức tranh chấp nhau nhiều khi cũng chỉ vì những quyền lợi từ nước ngoài mang lại. Nay miếng bánh đã to hơn, họ quyết không để lọt vào tay những kẻ dưới quyền họ.

Bên Pháp họ mời một danh sách 8 người lãnh đạo của Hội Nhà văn và 4 người họ gọi đích danh: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Phía lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam định hoãn, chỉ xin đi 6 ngươì (Vũ Tú Nam, Hữu Mai, Ngọc Tú gì đấy) và cho hai người ngoài  quan chức là  Hoàng Phủ Ngọc Tường, Phạm Thị Hoài.
Nhưng cấp trên (Ban bí thư) không chịu. Đâu cuối cùng chỉ còn có Vũ Tú Nam.
Nhìn vào nhân vật tạm thời là số một của Hội hôm nay, thấy văn học đã thay đổi bản chất từ 45. Trước đây, và xưa nay, văn học là bùng nổ, là khao khát, là đi ngược lại quyền lực, đi ngược đám đông để tìm một cõi đơn độc, mà hóa ra lại là nơi gặp gỡ của lòng người. Bây giờ văn học là che giấu, xoa dịu; là một đám ồn ào, kém cỏi, nói leo, và cứ nhơn nhơn  tự đắc.

       Ân kể với tôi  rằng ông Hạnh rất kêu một bài của Ngô Thảo trên tạp chí Tư tưởng và văn hoá và bảo đó là một sự đầu hàng. Tôi tìm đọc và cũng thấy thế. Mà đó lại là một con người luôn luôn chê chúng tôi là hèn!
     Có một cách nói, người ở phía bên này hay nói. Nói rằng là cần miêu tả sự thật nhưng sự thật nào kia. Theo họ có sự thật riêng của các giai cấp, cũng như có đạo đức riêng, đạo đức XHCN, nó khác đạo đức tư bản. Cách đặt vấn đề như thế là nguồn gốc của mọi tùy tiện…
     Trong bài viết của mình Ngô Thảo cũng lại nói tới cái sự thật nào kia kỳ cục đó!

25/12
Một số nhận xét của Nguyễn Quân về văn nghệ hiện thời:
- Báo chí đang ở thời kỳ sau văn hóa thể thao, thời kỳ văn hóa cắt dán, cứ bê nguyên của nước ngoài vào nước mình là thành.
- Sự chú ý của người ta tới các tổ chức văn nghệ nhà nước ngày càng ít đi.

 Tôi muốn bổ sung một khía cạnh khác. Bây giờ chẳng ai bàn tán về Ban văn hóa văn nghệ của ông Trần Trọng Tân như trước đây, người ta đã bàn về Ban thời ông Xuân Trường nữa. Bây giờ khác. Các ông to khi cần cho người của mình xộc thẳng xuống Hội. Mà ý đồ của trên thì đã được chính các tổ chức của nhà văn là Hội  “quán triệt sâu sắc” lắm rồi. Cấp trung gian không quan trọng như hôm qua nữa. 
Mới hơn Cũ hơn