VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Khái Hưng - các bài phê bình điểm sách xem kịch, in trên Ngày nay 1937-1940, Chủ nhật 1940


                       Giờ đây các báo Phong hóa Ngày nay bản điện tử đã được đưa rộng rãi trên các trang mạng nổi tiếng. Nhưng tôi thiết nghĩ  vẫn cần có những người trích ra từ các trang báo đó những bài được coi là có giá trị của riêng tác giả nào đó hoặc xếp theo chủ đề nào đó. Chúng tôi giới thiệu dưới đây mấy bài  của Khái Hưng mà chúng tôi chụp được ở các Thư viện mấy chục năm về trước. Mong sẽ có ích cho các bạn có nhu cầu nghiên cứu.


     Không chỉ là cây bút chuyên về tiểu thuyết, và truyện ngắn Khái Hưng còn là một nhà báo  có nghề, một nhà hoạt động văn học đầy tâm huyết.
                                                                                          
Diễn kịch (*)
I.Không một tiếng vang 
Tôi đã ví ông Đoàn Phú Tứ với Musset, kịch sĩ, chẳng lẽ tôi lại không ví ông Vũ Trọng Phụng, kịch sĩ, với ai?
Tôi toan ví ông ấy với Henry Becque, song lại sợ ông ấy giận, vì Đàn quạ (Les corbeaux) của Henry Becque tuy cũng tả một cảnh gia đình sa sút, bị bóc lột sau khi người cha qua đời, nhưng trong vở kịch Pháp không có những đoạn văn diễn thuyết dài dằng dặc để chửi đời chơi, chửi luật pháp chơi như trong vở Annam. Lại nữa, vở kịch của ông Phụng thê thảm (và nhất là thảm) hơn nhiều, u ám hơn nhiều, lụi xụi hơn nhiều...
Vậy tôi chỉ có thể ví ông Vũ Trọng Phụng kịch sĩ với ông Vũ Trọng Phụng phóng sự gia và tiểu thuyết gia mà thôi. Ông Phụng đã giữ được "duy nhất" trong cái trọng lượng văn chương của ông.
Thực vậy, khi vào trại con gái lính tây, khi vào đám bài bạc, khi len lỏi vào nhà lục xì, khi đi theo Thị Mịch, khi đứng ngắm bà "Đoan" cũng như khi lẻn vào gia đình ông lão loà, ông Vũ Trọng Phụng vẫn chỉ nhìn thấy những cái mà ông tha thiết muốn nhìn, thấy những cái khốn nạn, đê hèn, bẩn thỉu của người đời. Rồi ông tức tối, rồi ông lên tiếng nguyền rủa, nhiếc móc. Những lúc đó, ông Phụng chẳng khác gì một người đàn bà mất gà đứng réo tam, tứ đại những kẻ cắp vô danh trong xã hội.
Về văn pháp thì ông Vũ Trọng Phụng kịch sĩ... cổ điển lắm, nghĩa là theo rất đúng luật tam nhất của kịch cổ điển. Kể cũng đã công phu. Trong ba cái đồng sự, đồng thời, đồng địa, có lẽ cái đồng địa của ông đáng khen hơn cả: cái cảnh độc nhất của vở kịch đã tôn vở kịch lên, tôn phần thê thảm, và cũng tôn cả phần buồn tẻ. Nhất là cái chõng với người ốm nằm khạc nhổ nôn oẹ trong suốt ba hồi, làm cho thính giả cứ rờn rợn, ghê sợ và ghê tởm nữa.
II. Mua dây mà buộc lấy mình
Không một tiếng vang thê thảm bao nhiêu, thì Mua dây mà buộc lấy mình vui vẻ bấy nhiêu.
Vở hoạt kê đoản kịch ấy khiến tôi nhớ tới vở Les fourberies de Scapin của Molière. Nhưng nó annam biết bao! Phải, bắt chước thì cứ bắt chước, quí hồ giữ toàn vẹn tính cách annam.
Hồi thứ nhất lý thú quá, mà diễn khéo quá. Hồi thứ ba làm cho thính giả tức cười vỡ bụng. Giá hồi thứ hai đừng bị bác thầy bói kéo dài một cách... lạc đầu đề thì vở kịch Mua giây mà buộc lấy mình sẽ rất đáng là "một tiếng vang" (hay tiếng cười vang cũng thế) sau Không một tiếng vang của ông Vũ Trọng Phụng.
Vở kịch đã khá, người diễn lại cũng ra vẻ có tài, nhất là vai ông bạn già và vai cô Thoa. Còn cái vai thầy tướng, thầy bói kể riêng ra thì cũng không xoàng, nhưng đã làm ngang mất câu truyện có duyên.
Ngày nay số 54, 13-4-1937
(*)Diễn kịch là tên mục đặt ở đầu trang báo, ở đây có nghĩa một loại bình luận sân khấu  (tất cả  chú thích có dấu * là của VTN )                       
                  
                      TIỂU THUYẾT THỨ MẤY?
Tiểu thuyết thứ hai, tiểu thuyết thứ ba, tiểu thuyết thứ tư, tiểu thuyết thứ năm, tiểu thuyết thứ sáu, tiểu thuyết thứ bảy, tiểu thuyết chủ nhật, v.v.
Nếu một tuần lễ có mười ngày thì thế nào cũng đã có tiểu thuyết thứ tám, thứ chín, thứ mười rồi.
Đó là một kết quả của chế độ báo chí xứ này: ra báo phải xin phép.
Nếu ông muốn chắc chắn xin được phép làm chủ một tờ báo, không những ông cần phải là người trung thành với chính phủ, mà mục đích tôn chỉ tờ báo của ông cũng cần phải rõ rệt là một tờ báo... hiền lành.
Mà còn gì hiền lành cho bằng một tờ báo chuyên dùng tiểu thuyết?
Chắc ông Vũ Đình Long nghĩ thế khi ông ta xin phép ra "tiểu thuyết thứ bảy".
Có lẽ ông ta còn nghĩ khác nữa: chẳng hạn ông ta biết người mình ham đọc tiểu thuyết.
Với lại ông ta làm việc nhà nước, và bận quá không trông nom chu đáo được toà soạn. Ra một tờ báo tôn chỉ rắc rối, nhỡ các ông bỉnh bút hăng hái quá thì có khi nguy hiểm đến chức nghiệp của ông ta, chứ đừng nói nguy hiểm đến túi tiền vội.
Ông Vũ Đình Long có lẽ nghĩ thế. Song những người theo gương ông thì hẳn không nghĩ thế. Họ chỉ cốt ra báo, ra làm chủ một tờ báo.
Họ liền lấy ngay cái tên giản dị "Tiểu thuyết... chủ nhật". Chẳng lẽ chính phủ đã cho phép Tiểu Thuyết thứ bảy, lại không cho phép Tiểu Thuyết chủ nhật?
Y như rằng thế. Họ được phép.
Rồi ông hay bà thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu v.v... cứ theo mãi cái mưa hay ho ấy: xin ra báo tiểu thuyết.
Những người chậm chạp thấy hết "thứ" rồi đành chịu... không được làm chủ một tờ báo tiểu thuyết nữa.
Nhưng nay thử có người mạnh bạo xin phép xuất bản tờ báo "Tiểu thuyết xanh" xem. Nếu được phép mà sẽ được phép -- thì chỉ  tháng sau sẽ có báo tiểu thuyết đủ các màu ra đời: tiểu thuyết vàng, tiểu thuyết đỏ, tiểu thuyết tím, tiểu thuyết đen, tiểu thuyết xám, tiểu thuyết nâu, tiểu thuyết trắng...
Tôi lại xin mách các ông muốn làm chủ báo thứ tiểu thuyết lấy tên hoa. Thí dụ: tiểu thuyết hồng, tiểu thuyết cúc... tiểu thuyết sen, tiểu thuyết bìm bìm.
Rồi khi nào các báo chánh trị, xã hội theo nhau bị đóng cửa ráo, nước ta sẽ còn toàn báo tiểu thuyết. Vì thiết tưởng chả ai đóng cửa báo tiểu thuyết làm gì.
Nhưng khi nào báo chí được tự do, thì các báo tiểu thuyết kia lại bị đóng cửa lấy, vì sẽ chẳng có ai đọc.
Nhưng báo chí tự do bao giờ mới có, cho nước mình thoát cái nạn có toàn những tờ báo không tôn chỉ rõ rệt?
Nhị Linh
Ngày nay 9-5-1937



                    MỘT THI SĨ CHÀM - CHẾ LAN VIÊN

Một hôm tôi đọc trong báo Tràng An một bài phê bình thơ Chế Lan Viên với những đoạn thơ của tác giả trích ở tập Điêu tàn.
Tôi rùng mình, và cảm động vì tôi thấy ở trong thơ hết cả cái đau đớn, cái thảm sầu, cái ghê sợ của một nòi giống sắp tuyệt diệt, và tự biết mình sắp tuyệt diệt: giống Chiêm Thành.
Tôi tưởng ngay tới vua Chế Bồng Nga, một vua Chàm oanh liệt thời xưa: Hẳn ông Chế Lan Viên  thuộc dòng dõi vua ấy.
Những bài thơ sau đây, ông Chế Lan Viên gửi cho tôi từ lâu, nhưng tôi tưởng đã in thành sách, nên không đăng. Mãi sau này nhận được thư tác giả mới biết rằng thơ ấy trích ở tập Điêu tàn mà thi sĩ mới sắp xuất bản thôi.
Nước xưa, ngày nay còn sót một nhà thi sĩ có tài để khóc những hồn chôn vùi trong đêm tối. Ta hãy lắng tai, ta hãy lắng cả tinh thần mà nghe. Ta hãy cố quên tính tự kiêu, lòng tàn ác của tiền nhân. Ta hãy rỏ một giọt lên lên trái tim khô, dịu tay xoa cái đầu lâu trắng mà nghĩ đến... Tương Lai"...(*)
*Sau  chapeau trên , báo đăng một số bài thơ của CLV

      Ngày nay số  75, 5-9-1937


Diễn kịch
Kim tiền
Kịch một khai từ và bốn hồi của Vi Huyền Đắc, diễn tối 19-2  tại nhà hát thành phố Hải Phòng.
Trong bài tuyên bố kết quả các giải thưởng Tự lực văn đoàn, chúng tôi đã có nói tới những cái hay và những khuyết điểm của kịch Kim Tiền.
Đây tôi chỉ ghi chép những cảm tưởng riêng của tôi về vở kịch, đem phô diễn trên sân khấu.
Trên sân khấu, điều tôi nhận thấy rõ rệt hơn khi đọc là kịch Kim Tiền bắt đầu bằng một tiếng sét, và kết liễu bằng một tiếng sét. Giữa hai tiếng sét ấy có ba tiếng sấm, hay  đúng hơn, một tràng sấm kéo dài âm ỷ, đều đều, thỉnh thoảng lại định vang lên.
Ông đồ Trần Thiết Chung, mê mải theo nghề văn không biết từ năm nào, từ thời nào. Bạn ông đồ, vợ ông đồ bắt đầu khuyên can ông cũng không biết từ năm nào, từ thời nào. Chỉ biết sau một tiếng khóc của vợ, ông đồ quyết chí làm giàu: Mấy phút trước, ông ta vẫn còn quả quyết sống trong cảnh nghèo, bỏ ngoài tai những lời thuyết lý của ông bạn Cự Lợi, và quả quyết châm đóm đốt cái ngân phiếu ba nghìn bạc của ông  này nữa. Thế mà bà đồ chỉ khóc một tiếng đủ khiến ông đồ thay đổi hẳn tâm tính. Tiếng khóc ấy thực là một tiếng sét dữ dội.
Thế rồi mười lăm sau, ông đồ trở nên nhà triệu phú Trần Thiết Chung. Điều đó chẳng có chi lạ, vì sau hồi khai từ, khán giả đã đoán biết rồi.
Trong ba hồi nhất, nhì, ba, tác giả "tả" cái sức mạnh của kim tiền. Mà vì nghĩ đến nó quá, "thuyết lý" nó nhiều quá  nên tác giả quên bẵng đi rằng mình ở sân khấu, và khiến kịch đi chậm lại, uể oải nữa, để chở bùng mạnh lên một tiếng ở hồi chót.
*
Tác giả có thể tự bênh vực rằng chủ ý mình trong kịch Kim Tiền là nêu cái sức mạnh của kim tiền. Tác giả đã làm xong việc ấy, thì vở kịch không có gì đáng chê.
Thực vậy, kim tiền mạnh lắm. Nó muốn gì được nấy. Nó đổi được cả tính tình con người. Vì một người ghét nó như ông đồ Thiết Chung, sau có một thời gian ngắn ngủi đã trở nên yêu mến nó, đem thân và hồn ra tận tuỵ hầu hạ, vâng theo nó. Có lẽ trước kia ông ta cũng chỉ vì tức mà định làm giầu, chỉ cốt làm giàu để tỏ cho mọi người biết rằng làm giàu dễ hơn viết văn. Thế thôi. Nhưng một khi ông ta đã lọt vào trong bàn tay sắt của "kim tiền" rồi, thì ông thấy khó lòng cựa cậy để tìm thoát ra ngoài được. Đến nỗi vì nó mà ông ta khổ sở, vì nó mà vợ ông ta khổ sở, vì nó mà con ông ta khổ sở, rồi vì nó mà ông ta bị giết.
Tác giả quả đã tới mục đích của mình. Mà được thế là vì ông Vi Huyền Đắc có tài về cách mô tả nhân vật. Những vai kịch của ông rất hoạt động và thực nữa, nhất là các vai chính, vai Trần Thiết Chung, vai bà Ba, vai bà Cả.
Đã thế, ông lại không bị những người đóng trò làm giảm giá trị vở kịch. Điều đó, - một điều hiếm có trong làng kịch Annam, -  là nhờ ở nghệ thuật và thông minh của các ông Lê Đại Thanh (Thiết Chung), Lê Văn Hoan (Cự Lợi) và các cô Minh Tâm (bà Cả), An Bình (bà Ba), và nhất là nhờ về con mắt mực thước của nhà dàn kịch Thế Lữ.
Ông Lê Đại Thanh có cái dáng điệu bình tĩnh, quả quyết của người tay trắng trở nên giàu có. Trong khi mắng con, gắt vợ, ông vẫn bình tĩnh mà bầy hết lý thuyết của ông ra, cũng như trong khi bàn việc làm ăn với bà Ba. Ở hồi cuối, ông đã tỏ được hết cái can đảm của Thiết Chung: Thợ làm reo đốt, phá, bà Ba cuống quít sợ hãi mà ông vẫn không vội vàng, không rối trí, đứng yên lặng tra đạn vào súng lục sau khi đã gọi điện thoại báo cho ông đồn biết việc làm loạn của thợ mỏ.
Cô An Bình đã lột được hết cái khéo léo, thớ lợ sâu cay của một người vợ lẽ gian giảo. Lại được cái giọng của cô (chẳng hiểu trời cho cô cái giọng ấy hay là cô đã tự tạo nó ra), sao mà nó tự nhiên thế! Có người chê nó the thé, nhưng nếu nó không the thé thì nó đã chẳng tự nhiên. Trong hồi cuối, cô An Bình hơi kém sút, mà kém sút là vì bị vai Thiết Chung trội quá lấn át đi.
 Ngày nay 27-2-1938

                                  
        Phê bình văn chương
Một mình trong đêm tối
                                                               Tiểu thuyết của Vũ Bằng
Tôi sung sướng mỗi khi được đọc một tác phẩm lọt ra ngoài khuôn sáo. Cố nhiên tôi nói văn chương Annam hiện thời.
"Thà dở. Nhưng đừng tầm thường, đừng sáo!"
Tôi vẫn tự nhủ thế.
Và tôi chắc ông Vũ Bằng cũng đã tự nhủ thế, khi ông viết cuốn tiểu thuyết Một mình trong đêm tối.
Một mình trong đêm tối có nhiều đoạn rất dở, nhưng tầm thường thì nó không phải là một tác phẩm tầm thường. Thực cũng là một sự an ủi cho làng văn chúng ta đương bị những sự nhạt nhẽo, kiểu cách, vô vị, lấn sâu mãi.
Kể về cốt truyện thì Một mình trong đêm tối rất tầm thường. Nhưng cái tầm thường khó chịu không bao giờ ở cốt truyện. Nó chỉ ở tư tưởng, ở cách viết, ở nghệ thuật.
Phải, còn gì tầm thường bằng chuyện một thầy ký mê gái rồi "thụt két", rồi sống cái đời buồn tẻ với người vợ phải lòng trai.
Trong câu chuyện tầm thường như thế, ông Vũ Bằng đã cho ta biết một tâm hồn chán nản, ốm yếu, nhu nhược, dâm đãng, ngây thơ, ngộ nghĩnh. Và bên cạnh tâm hồn ấy, một tâm hồn trái ngược, vui vẻ, yêu vật chất, khao khát dục tình, thèm muốn hư danh cũng ngộ nghĩnh chẳng kém.
Hai vai chính ấy hoạt động trong một xã hội phóng lãng, giả dối, một xã hội mà ông Vũ Bằng khinh bỉ, thù ghét.
Và đối với cả loài người, ông Vũ Bằng cũng không có một chút cảm tình gì.  Ông cho con người chỉ là một con vật dâm dật, đê tiện. Mục đích của nó ở đời là tìm cách được sống thoả mãn. Vì thế trong cái xã hội ông tả ra không một người nào bình thường hết. Bà tham, bà phán, bà đốc, bà huyện, bà phủ, cô đỡ, ông chỉ họp những nhân vật ấy của ông lại để họ nói chuyện tình, những chuyện tục tĩu, bẩn thỉu, để họ kể xấu những thằng chồng "bất lực về đủ các phương diện", để họ chơi bời cơ bạc với "những thằng đàn ông, những thằng tình nhân khoẻ mạnh và thô bỉ”.
Cái xã hội ấy ông Vũ Bằng đã nhận xét thực sự mà tả ra hay ông chỉ tả theo sức tưởng tượng của một khối óc ghét nhân loại. Muốn trả lời câu hỏi ấy, ta chớ nên căn cứ vào câu đề tựa của tác giả: "cuốn sách này, nếu có nghệ thuật thì nghệ thuật ấy cũng do ở sự thực mà ra vậy". Vì dẫu tác giả thành thực khi viết câu này, sự thành thực cũng không thể là sự thực được.
Câu ấy nếu đúng thì có lẽ chỉ đúng hai phần ba, đúng ở đoạn đầu khi tác giả vạch cái tâm trạng một thầy ký nhà buôn biển thủ tiền quỹ, và ở đoạn cuối khi tác giả vẽ cái cảnh gia đình bất hoà, chồng nghiện thuốc phiện, vợ ham mê cờ bạc và phải lòng trai.
Còn ở đoạn giữa, ở đoạn tả cái xã hội trưởng giả, thì tôi thấy ông Vũ Bằng ngây thơ qua, và vì thế, tôi không tin rằng đó là tất cả  sự thực như lời ông đã công bố.
Thực sao được cái bức tranh một cuộc mạt chược của tác giả. Vì, chơi mạt chược, ông Vũ Bằng ạ, người ta "không quăng giấy bạc vào chỗ nào mà người canh ti  chỉ" (ông án và Trâm canh ti)
Lại điều này nữa càng không thực: Trâm vào buồng ngủ cụ tổng đốc họ Hồ để lo cho Phượng, người tình của nàng, một chức tri châu. Nhưng khốn nỗi ông tổng đốc họ Hồ làm thế nào mà cất nhắc Phượng một viên thư ký nhà buôn, lên chức tri châu được? Tôi vẫn yên trí rằng Trâm đã hy sinh uổng mất ít trinh tiết cho cụ tổng đốc già hom hem kia. Nhưng không, Phượng được bổ tri châu thực, thế mới chết chứ, và thế mới vô lý chứ!
Đã hết vô lý đâu: Hải "thụt két" để chơi cá ngựa. May sao chàng được nghìn bạc. Chàng liền trả ông chủ đâu chừng ba trăm, rồi bỏ việc về ở với Trâm. Nhưng hãy hỏi: Hải nghèo, tiền công tháng tháng hơn ba chục chỉ đủ ăn tiêu. Thế thì nay với bảy trăm được cá ngựa, chàng làm thế nào mà sống với người yêu một đời trưởng giả? Chàng làm thế nào mà mỗi lúc đưa được cho người yêu những món tiền hai, ba trăm để đua chơi cờ bạc với các bà tham, bà phán, bà đốc, bà phủ, bà huyện?
Thật ông Vũ Bằng ngây thơ quá. Và tôi chắc ông còn ít tuổi lắm. Ông chưa từng trải cuộc đời, mà lại cứ muốn tả những cảnh đời khe khắt, gay go thì tránh sao được những khuyết điểm trong sự nhận xét hồ đồ.(1)
Giá ông chỉ tả những điều ông biết, những cái ông trông thấy! Đấy! Ông coi, cái cảnh đua ngựa, đánh cá ngựa của ông hoạt động biết bao! Mà thực biết bao!
Vậy tôi khuyên ông nên đọc lại bài tựa của ông:
" Tôi muốn nó (văn) thành thực... Tôi muốn nó là cái gương chiếu sự thực và chỉ toàn sự thực".
Và ước ao rằng ông đã muốn thì rồi sẽ được, thì rồi phải được.

[1] Còn Chuyện cái va ly rất hay, tôi đã được đọc một lần ở một tiểu thuyết Pháp văn. Nay tôi lại được đọc ở Một mình trong đêm tối. Tôi mong rằng sự gặp gỡ ấy là một sự ngẫu nhiên. Nếu quả thực thấy một câu chuyện hay ông muốn viết lại thì đó là một điều nhà văn nên tránh: Một cái hay lỏi của người không bao giờ làm tăng đựơc giá trị tác phẩm của mình lên
       Ngày nay số 100, 6-3-1938

CÁC BÁO PHÊ BÌNH ĐỢI CHỜ (*)*) 
Đợi chờ là tên một tập truyện ngắn của Khái Hưng, NXB Đời nay, 1939 .  Đây là bài viết về Khái Hưng mà chúng tôi cho là  giúp hiểu thêm Khái Hưng trong đời sống văn học đương thời

. Trong Điếu thuốc lá tác giả sợ con mắt mù, đeo cặp kính đen của ông  Cửu Thầy là phải lắm, vì tác giả đã phạm cái tội để ngược điếu thuốc lá cho ông Cửu Thầy bỏng môi. Cái tội ấy tuy không nặng bằng tội của Cain, nhưng cũng như Cain, tác giả đã tưởng con mắt ông Cửu Thầy đuổi theo mình. Đó là hết cả sự rùng rợn và ngây thơ của truyện: tác giả hồi đó còn là một cậu bé con, một cậu bé dí dỏm, xét cuộc đời một cách thật thà và tưởng tượng theo lối trẻ.
Rồi đến Đồng xu, một cảnh của Gavroche! Tất cả tài sản của mình chỉ có một đồng xu mà đi ném phăng vào một nhà giầu, cái ấy mới ngông! Cái ngông của kẻ cơ nhỡ mà ít khi người ta để ý tới, nên người ta dễ làm cho họ tủi nhục. Còn cái việc lại trèo vào nhặt chỉ là một sự phản động thôi, một sự phản động bị dạ dày xui khiến, một hiện tượng về sinh lý học! Thật  là một truyện rất an ủi cho những người túng thiếu, vì cái ý nghĩa sâu xa về đường xã hội của nó.
... Đọc những truyện ngắn của Khái Hưng tôi nhận thấy sự quan sát của ông bây giờ đã rất chu đáo; người đọc có thể tưởng những người và việc dưới ngòi bút ông đều là thật cả. Thật thế, khi một nhà văn đã cảm cuộc đời một cách sâu sắc rồi mới tưởng tượng, những điều tưởng tượng của nhà văn ấy bao giờ cũng thiết thực và thiết tha. Anatole France đã nói: "tất cả các ý kiến, chúng ta đều nhờ giác quan mà có, nên tưởng tượng không phải là sáng tạo mà là thu thập các ý kiến lại..." Vậy quan sát cho được chắc chắn không phải dễ. Có nhiều nhà văn đã nổi tiếng mà vẫn không thoát được sự khuyết điểm về đường quan sát...
                                            (Revue Franco - Annamite
                                           In lại ở Ngày nay số 156 ra 8-4-1939     

                                         CÂU CHUYỆN HÀNG TUẦN
Tôi đã đọc Người mẹ của Pearl Buck.
Tiểu thuyết ấy nếu dịch ra quốc văn sẽ có ảnh hưởng, tôi chưa nói về xã hội, nhưng về văn chương hiện tại của ta nhiều lắm.
Đại ý cuốn tiểu thuyết tóm tắt:
Người Mẹ ấy là một người nhà quê Tầu khoẻ mạnh, hiền lành ở trong một túp nhà với một người chồng cũng khoẻ mạnh, thật thà nhưng nhẹ dạ và thích chơi bời hơn làm việc, tuy chàng vẫn cùng vợ làm việc rất chăm chỉ. Vợ chồng lấy nhau trong ba năm sinh được ba đứa con: một trai, một gái, rồi một trai út. Người mẹ yêu hồn nhiên, và thụ thai dễ dàng như loài vật, mỗi lần xuân tới. Và cũng như loài vật người mẹ mến con, bênh vực con. Phải thêm vào cái gia đình ấy một bà mẹ loà, bà mẹ chồng mà nàng dâu săn sóc một cách siêng năng và chu đáo, và một con trâu cái mà mỗi tối sợ mất trộm, người mẹ dắt buộc vào chân giường cùng với những lợn, gà vịt, ngỗng.
Gia đình ấy ở vào một xóm lơ thơ, trong một thung lũng nhỏ hẹp. Người trong xóm đều có họ với nhau hoặc xa hoặc gần. Láng giềng người mẹ là vợ chồng người anh họ, tính tình chất phác, và có lòng tốt thích giúp đỡ bà con.
Ta nhận thấy điều này: trong truyện không có một tên riêng nào. Tác giả chỉ gọi trống không "người mẹ, người mẹ già, người chồng, người anh họ, người chị họ, thằng con cả, đứa con gái" cho chí "ả đàn bà goá" lắm mồm lắm miệng, "anh thu thóc thuế" trai lơ của ông chủ ruộng.
Gia đình người mẹ đang sống yên lành thì một hôm xảy ra một việc phi thường: người chống bắt vợ lấy hết tiền để dành may cho mình bằng được một cái áo màu xanh da trời rồi bỏ nhà đi thẳng.
Người mẹ dằn lòng chờ đợi, lập mưu vờ nhận được thư và tiền của chồng gửi về để che mắt người hàng xóm. Nhưng đợi mãi, một năm, hai, ba, bốn, năm năm vẫn bặt tin chồng. Mà bẩm sinh đa dục, đa dục một cách hồn nhiên như các loài lành mạnh, nàng đã qua biết bao ngày khổ sở mỗi khi mùa xuân tới, mùa xuân ấm áp mang đầy nhựa đến cho các búp cây và đầy nhiệt tình đến cho người vật. Nhưng nàng vẫn làm việc, làm việc bằng hai người, vì con nàng còn nhỏ giúp nàng chẳng được như chồng. Nàng làm việc để nuôi gia đình và nhất là để cố quên ngọn lửa trong tim đương bùng cháy.
Trong khi ấy thì anh chàng thu thóc thuế biết tình cảnh cô đơn của nàng, giở hết khôn khéo để cám dỗ nàng.
Và hai năm sau nàng xiêu lòng. Rồi thụ thai, rồi đoạ thai. Biết bao ngày khổ sở hối hận. Từ đó những sự chẳng lành xảy ra cho gia đình nàng, nàng đều tin là quả báo.
Nhưng người mẹ vẫn can đảm sống, tha thiết yêu các con và hết lòng chăm nom mẹ chồng.
Rồi nàng làm ma cho mẹ chồng, cưới vợ cho con lớn, một người vợ tính tình khác hẳn nàng, vì "có máu lạnh như loài rắn" -- lời nàng phàn nàn, khi nhận thấy con dâu cưới về năm năm vẫn không thụ thai.
Người con gái thứ hai của nàng mù, mà mù là tội ở nàng, nàng tin thế. Người ấy bị anh và chị dâu ghét nên người mẹ tìm gả chồng, vì sợ sau khi mình chết không còn ai bênh vực. Nhưng quá hấp tấp -- bao giờ nàng cũng hấp tấp và muốn cái gì là đùng đùng làm ngay- nàng gả con vào nơi khốn khó, đần độn và tàn ác. Hôm nàng cùng con trai út đến thăm con gái thì vừa gặp lúc con từ trần vì không chịu được nặng nhọc.
Còn người trai út? Nó giống hệt chồng nàng, cũng đẹp trai và thích chơi bời. Người con ấy ra tỉnh kiếm ăn rồi theo vào đảng cộng sản. – “một thứ ăn cướp tối tân", lời bọn dân quê chất phác, sợ hãi.
Người ấy bị bắt quả tang đi phát truyền đơn và bị kết án tử hình cùng với một sóc hai mươi người.
Người mẹ định bỏ hết tiền bán hết ruộng chạy chọt cho con thoát chết nhưng, lời viên cai ngục, nếu giầu sang người ta mới bõ cứu, chứ nghèo khó thì ai dại gì mà dính đáng vào. Thế là người con út chết.
Người mẹ về xóm ngồi phủ phục xuống một cái mả bên đường mà khóc, khóc thê thảm, khóc mãi tới tốt mịt cho nước mắt trào ra hết, khóc đến nghẹn ngực nàng làm cho uất ức không thở được.
Nhưng lúc đó người con đến báo tin vợ đẻ con trai. Người mẹ quên cả khổ chạy thẳng về nhà bế cháu giơ lên sung sướng cười bảo chị họ:
" Vậy thì tội tôi cũng không đến nỗi nào vì tôi có cháu trai rồi đây này."
Tiểu thuyết giản dị như một đời sống của một người nhà quê Á đông.
Mà không có chuyện nữa. Cái đời một người mẹ Tàu chỉ từ từ lần ra trước mắt ta.
Đó là tất cả một quan niệm về tiểu thuyết.
Tiểu thuyết phải gần đời, phải là đời với những lúc sướng lúc khổ, phải có những cái nhỏ nhen, tầm thường, cao thượng của đời, phải có những cái đáng thương, những cái buồn cười, những cái bực tức.
Nếu phải một nhà văn "xã hội" Annam mình viết truyện "người mẹ" thì hẳn đã đổ hết lên đầu người đàn bà những cái nhục nhã, khốn nạn mà tác giả có thể tưởng tượng ra được. Nào bị hiếp, bị tù, chồng bị quan đánh, cường hào ức hiếp, mẹ bị đuổi, con bị bán, không còn một thứ tội ác nào của nhân loại mà tác giả có thể quên thuật ra, tả ra, tả ra với những màu hết sức đen xạm.
Có biết đâu rằng vì thế mà nhân vật trong tiểu thuyết của họ sẽ trở nên những kẻ can đảm bị ngược đãi, những kẻ hy sinh cho một lý tưởng, một tôn giáo (des martyrs) và sẽ không gợi lòng trắc ẩn của ta nữa. Ta thấy họ giống như những nhân vật kỳ dị trong các kịch cổ.
Mà tiểu thuyết thì không phải là bi kịch, cũng không phải là hài bi kịch.
Tiểu thuyết chỉ là tiểu thuyết, chỉ là đời.
    Ngày nay số 180 23-9-1939

Diễn kịch
Ông Ký Cóp
                                                           Hài kịch ba hồi diễn tại Nhà Hát Lớn
                                                                                Hà Nội, tối 19-11-1939
Tôi quen nhiều ông ký Cóp. Và, xin thú thực, một lần tôi đã vô tình đóng vai ông ký Cóp, đóng vai ấy trên sân khấu đời chứ không phải trên sân khấu nhà hát như Thế Lữ. Tôi cũng không biết rằng làm thế là đã đóng vai ông ký Cóp trước khi "ông ký Cóp" của ông Vi Huyền Đắc ra đời.
Đây, câu chuyện của tôi:
Tôi có một người bạn thích ả đào, mê ả đào, hơn nữa, có một cô tình nhân ả đào. Nhưng vợ bạn tôi ghen lạ lùng và dữ lạ lùng. Thành thử chàng Thúc không năng được lui tới chốn bình khang để tình tự với ả Thuý Kiều.
Một hôm tôi nhận được thư của bạn, một bức thư vắn tắt: "Anh làm ơn thân đến mời tôi đi ăn cơm chiều nay."
Tôi làm theo bạn. Quả nhiên, vợ bạn tôi vui vẻ để chồng đi với tôi, lại kèm thêm một câu rất làm hân hạnh cho tôi: "Đi với ông thì tha hồ!"
Sau tôi mới vỡ lẽ: Thấy vợ thường khen tôi đứng đắn và không chơi bời, ông bạn tôi liền lợi dụng cái đứng đắn của tôi để đến với tình nhân. Từ đó, thỉnh thoảng tôi lại phải mời bạn đi ăn, đi chơi hay đi bắn.
Hạng ông ký Cóp như thế, ở nước nào cũng có.
Những "ông ký Cóp" của Vi Huyền Đắc thì thực annam. Cái tính vị tha "lạ lùng" của "ông ký Cóp" chỉ người Annam mới có. Ông làm tiêu biểu cho hạng người mà câu phương ngôn "Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng" đã tả được rõ rệt.
Việc nhà, ông ký Cóp nhác đến nỗi biết tin vợ ba buồn tình bỏ đi lấy một người cảnh sát, ông ta không những dửng dưng mà còn mừng rằng: "Nghe đâu nhờ trời cũng khá". Còn số con hiện có bao nhiêu ông cũng chẳng nhớ nữa. Mà nhớ làm gì, chúng nó có thân thì chúng nó lo.
Nhưng việc người, việc nhà bạn, ông ta nghĩ đến chu đáo quá. Ông ta ra Hòn Gai ở nhà bạn luôn hai tháng để trang trải công việc gia đình cho bạn, xong xuôi êm ả rồi mới về.
Nhận được điện tín của "bác phán", ông ta tất tả đến ngay. Gia đình "bác phán" thực là rắc rối. Bác có vợ lẽ giấu một nơi; con trai bác mê một cô gái, và con gái bác yêu một văn sĩ. Nhưng bà phán lại không muốn có dâu làm cô giáo, có rể làm văn sĩ và nhất là không muốn chồng có vợ lẽ. Ông ký Cóp sẽ đem tài ra mà thu xếp mọi việc đâu vào đấy.
Cốt truyện là thế. Cốt truyện chỉ có thế... Và ta có thể nói vở kịch là một tấn, một trò hoạt kê (une farce). Nhưng tâm lý các vai, thực biết bao, sâu sắc biết bao, annam biết bao, đã nâng vở hoạt kê lên hàng những vở kịch tả phong tục và tính nết.
Vở kịch có giá trị ấy lại được một ban tài tử thận trọng nghề kịch, hiểu thấu thẩm mỹ thuật đem ra diễn. Tôi nghe thấy một người khen ban kịch Thế Lữ:
- Bà phán rõ ra bà phán, ông phán già rõ ra ông phán già, ông ký Cóp rõ ra ông ky Cóp.
Lời khen hơi thực thà, nhưng chả còn bài bình phẩm nào đúng hơn.
Nhưng cũng nên bàn tiếp một điều này: người mình hiểu kịch một cách sơ sài, thường cho kịch với đời là một, và bắt ở trên sân khấu, các vai phải cử động, ăn nói như ở thực tế. Đến nỗi có người chê trên mâm cơm của gia đình ông phán không có cơm thực và thức ăn thực.
Không, kịch không phải là đời. Hay phải là đời phóng to ra, làm rõ hơn ra theo khoa mỹ thuật, để khán giả dễ nhận thấy. Nếu kịch là đời thì chỉ việc cho một ông Lý Toét lên sân khấu đóng vai Lý Toét là vở kịch hoàn toàn. Nhưng không. Một ông Lý Toét thục thụ lên sân khấu không bao giờ lý toét bằng một nghệ sĩ thông minh đóng vai Lý Toét.
Tôi xin thuật lại một đoạn trong truyện Comédiene của Somerset Maugham:
Một nữ tài tử nổi danh đóng một vai ghen, vì tình nhân tệ bạc. Chính lúc ấy nữ tài tử đương ở vào cùng một tình cảnh, nên chẳng cần "đóng", vai của mình cũng thực rồi. Vì thế mà lúc khóc, nữ tài tử khóc thực, lúc cấu xé đập phá cũng cấu xé đập phá thực. Và vì thế nàng được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh.
Chồng nàng là chủ rạp hát và cũng là một tài tử chính trong ban kịch. Sau buổi diễn lại lần thứ ba, chàng bảo vợ:
- Mình cần phải nghỉ ít lâu, vì không bao giờ tôi thấy mình dở như mấy buổi diễn gần đây. Thế không phải là đóng kịch, thế là mình sống cái đời thường với những tính tình thực của mình chứ không phải mình đóng kịch. Đóng kịch là phải tự kiềm chế được mình, để chỉ là một nghệ sĩ.
Câu chuyện trên đây tặng cô Song Kim, ông Linh Tâm và nhất là Thế Lữ, mà tôi thấy lúc nào cũng biết tự kiềm chế mình.
T.B- Buổi diễn kịch có giá trị ấy, ngoài công giới thiệu tác phẩm mới của một soạn giả có tài, còn cho ta được thưởng thức những bài hát êm ái của ông Lê Thương nhưng điều cảm động vì diễn tả một chứ văn chương ly tao nhất của tâm hồn.
Giọng hát mềm mại của ông Lê Thương được một tay danh cầm hoạ đàn theo. Ông Trần Đình Khuê một nhạc sư ai cũng yêu tài, đã làm nổi tình cảm của ông Lê Thương trong những ngón đàn ý tứ và đằm thắm.
       Ngày nay số 138, 26-11-1939.

                               ĐƯỜNG THI

TỨ DẠ THU CA
Tràng An nhất phiến nguyệt.
Vạn hộ đảo y thanh.
Thu phong xuy bất tận.
Tổng thị Ngọc quan tình.
Hà nhật bình Hồ lỗ,
Lương nhân bãi vĩễn chinh
Bạch Cư Dị*
Diễn nôm:
Mảnh trăng soi xuống Tràng An:
Nhà ai đập áo tiếng ran trong ngoài.
Gió thu hiu hắt thổi hoài,
Nhớ ai, ai nhớ con người Ngọc quan.
Bao giờ lửa tắt giặc tan,
Cho chồng tôi khỏi dậm ngàn xa xôi.
*Thật ra đây là thơ của Lý Bạch. Có thể hiểu là thời Khái Hưng dịch bài này, sách TQ sang VN chưa nhiều, và sang theo lối ngẫu nhiên có ai qua bên ấy mua về, tác giả  dịch theo trí nhớ hoặc một bản chép tay nào đó.

ẢI NGOẠI KHÚC
Ẩm mã độ thu thuỷ,
Thuỷ hàn phong tự dao.
Bình sa nhật vi một,
                Ảm ảm kiến Lâm Thao.
Tích nhật Tràng thành chiến.
Hàm ngôn ý khí cao,
Hoàng trần túc kim cổ,
Bạch cốt loạn bồng cao.
Vương Xương Linh
Diễn nôm:
Dòng thu, vó ngựa bơi qua
Nước đương giá lạnh, gió là mũi dao.
Cát vàng dưới mặt trời cao,
Nhìn ra đã thấy Lâm Thao mờ mờ .
Tràng thành trận đánh ngày xưa,
Kể trong ý khí ai thua ai nào!
Nhưng nay dưới cỏ bồng cao,
Cát vùi xương trắng, ai nào còn đâu.

 Ký bút danh Trần Lang ( dịch
Ngày nay số 214, 29-6-40
    


Nhìn qua văn chương Việt Nam
Thời Hồng Bàng và Thục, chắc chắn nước ta chưa có văn chương. Hoặc giả chỉ có những câu ca, câu vè mà người ta truyền khẩu cho nhau như ngày nay trong dân Mèo, dân Mán: Người mình chưa có những dấu hiệu, chưa có một thứ chữ riêng để ghi chép lời nói mà giữ lại về sau.
Đến thời nhà Triệu, nghĩa là gần như một thời Bắc thuộc, vì Triệu Đà là một người Tàu, thì có lẽ đã có người Annam viết văn, văn Tàu, nhưng chắc còn viết dở lắm, chẳng hạn như khi người Pháp mới sang đây, những người mình tấp tểnh viết văn Pháp vậy. Trong thời Bắc thuộc thứ nhất cũng vậy. Sang thời Bắc thuộc thứ hai và thứ ba, trong khoảng gần nghìn năm đô hộ tất phải có nhiều người viết thạo Hán văn, tỷ như Lý Cầm và Lý Tiến, hai nhà văn Việt Nam mà người Tàu đã nói đến trong sử ký văn chương của họ. Song thiết tưởng hai người này viết văn Tàu cũng không hơn gì hai ông Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Duy Khiêm viết văn Pháp ngày nay. Và không thể vì thế mà bảo rằng nước mình thời ấy đã có văn chương được.
Ba triều Đinh, Lê (tiền Lê), Lý mới dựng nước, chỉ đủ sức chống với Tàu ở phía Bắc, với Chiêm Thành ở phía Nam, để cố giữ vững nền độc lập. Còn thì giờ đâu mà nghĩ tới văn chương.
Dưới triều Trần, một triều đã mãnh liệt đánh lui quân Mông Cổ sang xâm lược, những người cầm đầu việc nước - Thủ Độ là một - cho rằng muốn độc lập mãi mãi thì không những phải thoát ly cái ách đô hộ vật chất của Tàu, mà còn phải thoát ly cả cái ách đô hộ tinh thần của họ nữa. Vì thế mà Thủ Độ tổ chức lại làng Việt Nam theo ý riêng một người Việt Nam, chứ không theo cách tổ chức của người Tàu mà các triều trước vẫn giữ nguyên như cũ. Và vì thế, Hàn Thuyên (thế kỷ thứ XIII) sáng tác ra một thứ chữ Việt Nam, chữ nôm, để ghi lấy tiếng mẹ đẻ, để chép những câu ca dao rất phong phú trong dân gian. Từ đó mới thực nhóm lên một nền văn chương Việt Nam và các nhà văn trong nước mới bắt đầu viết quốc văn, trong những giờ nhàn rỗi.
Thực vậy, sau Hàn Thuyên, ta thấy xuất hiện ngay Nguyễn Sĩ Cố, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu (cũng dưới triều vua Trần Anh Tôn, cuối thế kỷ XIII). Các nhà văn ấy đều có viết chơi văn nôm, tuy vẫn dùng văn Hán trong những công việc quan trọng. Mà điều đó là lỗi tại nhà Trần: đã dám mạnh bạo cải cách mọi việc trong nước thì sao không dám mạnh bạo hơn chút nữa, mà bắt dân gian dùng toàn chữ nôm như sáu trăm năm sau vua Quang Trung Nguyễn Huệ? Nhưng thiết tưởng, thời bấy giờ dân gian còn đương thích, đương sính văn Tàu đã dùng trong hơn một nghìn năm,  thì cũng khó lòng bắt ngay được họ theo dùng hẳn văn nôm.
Dẫu sao bắt đầu từ nhà Trần, văn chương trong nước đã có hẳn hai dòng, song song chảy ngang nhau chứ không phải mỗi dòng chảy một phía trái ngược: dòng bình dân với văn nôm và dòng cao quý với văn Hán. Nhiều khi hai dòng trộn nước, vì các nhà giỏi Hán văn đều có tài văn nôm.
Sang triều Lê thì văn nôm đã được nâng cao. Vì một bậc khai quốc công thần (Nguyễn Trãi) đã dùng chữ nôm để viết hẳn một tập thơ dài, tập Gia Huấn ca; và một vị hoàng đế đã lưu lại cho chúng ta nhiều bài thơ nôm có giá trị. Hơn thế, vị hoàng đế ấy (vua Lê Thánh Tôn) lại còn lập nên một tao đàn, họp với những nhà văn hào trong nước để cùng nhau làm văn nôm chơi. Một thế kỷ sau, một ông trạng (Nguyễn Bỉnh Khiêm) chỉ dùng chữ Hán để đỗ trạng nguyên, còn văn thơ thì viết hầu toàn bằng văn nôm. Có lẽ trạng là bậc tiên tri, biết sau này người Việt sẽ không viết văn Hán nữa chăng? Nhờ thế mà trạng để lại cho chúng ta một tài sản văn chương bất hủ (Bạch vân thi tập).
Nhưng phải chờ đến cuối triều Lê và sang đầu triều Nguyễn, nghĩa là một trăm năm sau nữa nước ta mới thấy xuất hiện các nhà văn trứ danh, với những văn phẩm kiệt tác.
Cuối thế kỷ thứ XVIII, bà Đoàn Thị Điểm dịch tập thơ chữ Hán Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn sang quốc văn. Tác phẩm của bà nổi tiếng ngay trong dân gian. Và cái tên Đặng Trần Côn nay còn được chúng ta nhắc nhỏm là nhờ về tập thơ dịch trác tuyệt của bà.
Cùng thời với bà Đoàn Thị Điểm có cô Hồ Xuân Hương (Thời ấy, trong văn giới có lẽ âm thịnh chăng?) Thơ bảy chữ tám câu thì đến Xuân Hương là tuyệt đích. Người ta có cảm tưởng đó là ngọn núi Hy Mã Lạp Sơn Việt Nam, không một ai sau này sẽ có thể trèo tới được. Cả các danh nho của ta cũng công nhận thế. Tôi nhớ ngày tôi còn đi học, ông nghè Nghiêm Xuân Quảng có bảo tôi: Về thơ tám câu bảy chữ của ta thì Xuân Hương chiếm bậc nhất. Bậc nhì không có ai, bậc ba không có ai, bậc tư mới đến Yên Đổ.
Trong thời ấy còn phải kể tên hai thi sĩ nữa: Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều và Chiêu Lỳ Phạm Thái.
Ôn Như Hầu viết văn Hán rất nhiều. Nhưng nay người ta chỉ còn nói đến một tác phẩm văn nôm - tập Cung Oán Ngâm Khúc - một tập thơ ai oán và sâu sắc: chỉ tiếc còn dùng nhiều chữ nho quá.
Phạm Thái tức Phạm Phụng (1757-1793) mà người ta thường gọi ông là Chiêu Lỳ, lưu lại tập Sơ kính tân trang và nhiều văn thơ có giá trị. Đó là thi sĩ lãng mạn thứ nhất của ta, nếu ta có thể đem chữ lãng mạn gán cho nhà sư cách mệnh trẻ tuổi hay uống rượu làm thơ tình ấy.
Thế kỷ thứ XIX của ta, thế kỷ lãng mạn trong văn chương Âu châu, bắt đầu bằng một kiệt tác, có thể nói một tác phẩm có giá trị nhất của nước ta. Đó là quyển Kim Vân Kiều dài hơn ba nghìn câu thơ điêu luyện, mà ngày nay vẫn có người dám ngờ là một tập thơ dịch ở chữ Hán. Không, đó là một sáng tác dựa vào một đoản thiên tầm thường của người Tàu mà viết ra. Mãi sau này người Tàu thấy quyển Kiều hay mới đem dịch lại sang chữ Hán, dịch một cách vụng về, thiếu nghệ thuật.
Thế kỷ này có thể gọi được là thế kỷ phục hưng của văn chương Việt Nam. Sau Nguyễn Du, các nhà văn trong nước đều đua nhau dùng chữ Việt vì thấy đó là một thứ chứ phong phú chẳng kém chữ nho.
Vì thế những văn hào Việt Nam ngày một nhiều, mà dưới đây tôi chỉ xin ghi tên để một lần sau, sẽ có dịp nói riêng đến từng người: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Tuy Lý Vương, Ngô Điền, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Đình Tân, bà Thanh Quan, Dương Khuê, Dương Lâm, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương, v.v...
    Báo Chủ nhật 19-10-1940

Kỳ tới - mấy bài tạp văn Khái Hưng viết trên Ngày nay






Mới hơn Cũ hơn