Đêm 30 Tết Tân Hợi (1971), về công tác ở một đơn vị bộ đội và đón giao thừa giữa rừng Quảng Bình, tôi chỉ còn tìm thấy niềm an ủi ở một bếp lửa.
Từ khoảng mười giờ đêm trở đi, không biết làm gì
mà cũng không thể ngủ nổi, tôi và mấy anh lính Hà Nội nghĩ ra cách giết thời gian là ngồi đun nước.
Nghĩa là đun đầy một cặp lồng cho sôi lên sùng sục, rồi đổ đi. Lại một cặp lồng
khác. Cố nhiên chẳng để làm gì, nhưng bù lại, tôi thấy vui vui. Và có điều lạ
là nhiều năm sau, sống những cái tết bình thường khác bên gia đình, vợ con, tôi
vẫn nhớ Tết năm 1971 ấy như một thời khắc đẹp trong đời mình.
Có lẽ
là trong sự đơn sơ của tình thế, tôi như được đối mặt với những gì thuộc về vẻ bao la huyền bí của thiên nhiên. Và một bếp lửa, nó thuộc loại dấu hiệu đẹp nhất nói về sự có mặt của con người trên mặt đất. “Đưa người ta trở
về sống trọn vẹn trong cái trong trắng tinh khôi của dĩ vãng” - phải chăng có
thể xem đấy là một trong những định nghĩa đơn giản nhất về Tết mà ngày nay đã
bị quên lãng?
Nông thôn và Tết
Do
tính chất ước lệ của nó, văn chương cổ điển Việt Nam không có điều kiện mô tả
trực tiếp những nét đẹp của sinh hoạt dân tộc. Phải đợi đến thế kỷ XX, dưới ảnh
hưởng của văn hoá phương Tây, ngòi bút các nhà văn mới hướng vào việc tả thực
và trong văn thơ người ta bắt đầu thấy hiện lên những bức tranh của đời sống,
trong đó có cảnh Tết.
Nhưng, từ rất sớm, đã thấy bộc lộ một xu hướng, ấy là
những cảnh Tết đầm ấm nhất, tươi đẹp nhất thường khi là Tết ở nông thôn (như
trong thơ Nguyễn Bính, thơ Đoàn Văn Cừ).
Còn tết thành thị lại mang sắc thái bẽ
bàng, trớ trêu (trong một số truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, hoặc
trong tuỳ bút Một chuyến đi của Nguyễn Tuân).
Tại sao lại có tình trạng
đó? Tôi có suy nghĩ và thấy Tết là một cách sống lại dĩ vãng. Mà trong đời sống
một dân tộc, nông thôn bao giờ cũng mang rõ dấu vết của dĩ vãng hơn cả. Nói
cách khác, Tết tự trong bản chất của nó, là gắn với nông thôn. Nó xuất phát từ
nông thôn và chỉ hiện ra với đầy đủ vẻ đẹp trong môi trường nông thôn. Thí dụ
như câu chuyện chung quanh cái bánh chưng. Thời buổi đói kém qua đi, mấy ai bây
giờ nhớ tới bánh chưng với vẻ thèm thuồng tối thiểu. Chính các cụ xưa cũng đã
khái quát: “Dửng dừng dưng như bánh chưng ngày tết”. Nghĩ lại thì hoá ra
cái thú bánh chưng không phải ở chuyện ăn, mà là chuyện chuẩn bị. Đãi đỗ, vo
gạo, rồi rửa lá. Nhất là gói thì càng vui. Còn cái thú của việc ngồi canh bánh
chưng thì đã được Nguyễn Bính nhắc tới từ hơn sáu chục năm trước.
Trời đen như
thể tối ba mươi
Diễm trốn nhà sang
để gặp tôi
Hai chúng tôi ngồi
trên đệm rạ
Lắng
nghe nồi bánh rộn ràng sôi.
Nên đón Tết như thế nào?
Trong trường kỳ lịch sử, với tư cách một lễ hội đặc
biệt, cố nhiên Tết còn được người xưa giải thích theo những cách khác nhau. Tết
để tưởng nhớ công ơn tổ tiên. Tết để có dịp gia đình sum họp. Đến ngày nay, dịp
đầu năm này tiếp tục khoác thêm nhiều ý nghĩa mới: tết, ấy là dịp tổng kết mừng
công. Là thời gian nghỉ ngơi trước khi bước vào một chu kỳ công việc mới v.v...
Thế
nhưng, căn cứ vào cách tổ chức Tết từ cổ các cụ truyền lại và lắng nghe tâm trí
mình mỗi dịp Tết đến, thì phải nói ở đây nhu cầu trở về với quá khứ vẫn là cái
cảm giác bao trùm. Và nét tâm lý ấy di truyền từ thế hệ nọ sang thế hệ kia, đến
mức chỉ mơ hồ cảm thấy những dấu hiệu của nó, lòng dạ chúng ta đã xốn xang.
Khốn
nỗi, xã hội ngày mỗi trở nên hiện đại, có nghĩa là càng ngày, niềm khao khát
trở lại ngày xưa càng khó thực hiện.
Trước 1945, ở Hà Nội, nhiều gia đình có
cái lệ là Tết đến đóng cửa, giao cho bọn thằng nhỏ trông nhà, để mọi người cùng
kéo về quê ăn Tết.
Ngày nay, những chuyến đi thú vị ấy trở nên quá diệu vợi,
không mấy ai dám tính chuyện rắc rối ấy nữa.
Và để bù vào cái khoảng trống vắng
vừa mở ra, một số người xoay ra tổ chức Tết thật linh đình. Tết trở thành một
thời điểm thuận tiện, tiến hành các thủ tục ngoại giao, biếu sếp cái này, thết
đãi bạn cũ món kia. Tết đóng vai trò một sàn diễn lý tưởng để người ta khoe
giàu, khoe của. Nói chung, vừa là tết trưng diện, vừa là tết hưởng thụ.
Nói
những chuyện này để thấy hoá ra có được một cái Tết như ta vẫn thầm mong đợi,
quả là chuyện khó, trong mỗi đời người hoạ chăng chỉ có một hai cái Tết mà mãi
về sau ta còn thấy nhớ. Để những cái Tết ấy đến sớm và còn tiếp tục đến, ta hãy
tự chuẩn bị bằng cách bảo nhỏ với nhau, một là từ bỏ hẳn ý tưởng coi Tết là một
dịp đua đả bon chen, khoe khoang tị nạnh và hai là trong khi thực hiện những
tập tục xưa với lòng thành kính, hãy cố gắng mang vào đấy những suy nghĩ riêng,
tức không dừng lại ở những cách giải thích sẵn có mà tự lắng nghe để tìm ra ở
Tết những ý vị mới.
Chắc chắn nhờ thế, dịp Tết sẽ bớt nhàm chán,
và ra giêng người ta sẽ không phải nghĩ về nó với một sự than tiếc ngẩn ngơ
rằng vừa trải qua một chuỗi ngày dông dài vô bổ.
Đã in Nhân nào quả ấy 2003