Những xúc động thường trực
“Người ta làm thơ như thế nào?”. Đã
nhiều lần, trong tôi nảy ra cái câu hỏi có vẻ tò mò vậy, mà chưa dám hỏi một
ai, vì nhiều lần cứ định hỏi là mọi người tìm cách lảng. May mà Xuân Quỳnh
không lảng tránh thẳng thừng. Để giúp tôi “mục sở thị”, bên cạnh bài thơ, chị
cho xem những quyển vở đã ghi chi chít những chữ là chữ: Chị đã nháp bài thơ ra
văn xuôi trước khi hoàn chỉnh nó và cho nó một khuôn mặt cố định trên trang
giấy.
- Lúc viết những dòng này, tôi như
người phát cuồng. Cứ phải ghi bằng hết những ý nghĩ đang ào ào kéo đến trong
đầu không cần vần vèo gì vội. Còn sắp xếp lại, đặt vần, tôi làm sau, việc ấy
đơn giản hơn.
Ngừng một lát, dường như để nhớ lại
một chuyện gì đấy, Xuân Quỳnh kể thêm:
- Hôm nọ có người hỏi tôi có hay
thuộc thơ mình không. Quả thật, có khi tôi quên chứ không phải cái gì cũng
thuộc đâu. Nhưng những bài thơ mà tôi thích thì bao giờ tôi cũng nhớ, nhớ cái
tâm trạng nó chi phối mình, khi làm bài thơ ấy...
- Nghĩa là sự làm thơ ăn ở những xúc
động?
- Người khác thế nào, tôi không
biết. Với lại, ông còn lạ gì những xúc động ẩm ương của những nhân vật ấm đầu,
khi viết tưởng mê man run rẩy lắm mà bài thơ vẫn nhạt như nước ốc. Nhưng đúng
là bản thân tôi, lúc viết, như là bị ám ảnh, phải viết ra bằng được mới thôi.
Còn hình thức thơ bốn chữ hay thơ tám chữ, chuyện ấy sẽ đến sau. Làm thơ mà có
mỗi cái vần bắt không xong, thì còn tính chuyện viết lách làm quái gì nữa.
Nói đến đây, Xuân Quỳnh cười xoà,
bảo tôi cất các thứ tài liệu chị cho mượn vào túi, rồi lảng sang chuyện
khác.
Mạch thơ hồn hậu
Thời xưa, tương truyền có những nhà
thơ xuất khẩu thành chương, những người buộc phải làm thơ về một đề tài nào đó
trong một thời hạn nào đó, và danh bất hư truyền, bao giờ cũng viết nên những
bài thơ đọc được.
Gạt đi lối bắt vần ép chữ gò
gẫm kiểu mấy chàng hay chữ làm thơ con cóc, thì đúng là có những người sinh ra
để làm thơ, và các bài thơ được hình thành một cách xuất thần, nghĩa là thật dễ
dàng, như có ai ốp đồng vào tay vậy. Kiểu như thơ Hồ Xuân Hương:
- Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn
ngơ
- Một đàn thằng ngọng đứng xem
chuông
Thơ Tú Xương:
- Sông kia rày đã nên đồng...
Ở đây tôi không dám nói trong những
người làm thơ hiện nay, ai sẽ còn lại với văn học, sáng tác của ai có giá trị
lâu dài. Nhưng nếu như cần nêu lên một người hình như rất gần với thơ, sinh ra
để làm thơ, thì người đó là Xuân Quỳnh.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng
Mạnh có lần bảo tôi:
- Thơ Xuân Quỳnh tự nhiên, như đã
gọi là phụ nữ thì phải sinh con đẻ cái vậy.
Sau khi đọc xong bài Sóng,
đăng trên báo Văn Nghệ - đầu 1968, nhà thơ Vũ Cao cũng có tâm sự, đúng
kiểu đồng nghiệp vẫn nhìn nhau:
- Bài này Quỳnh nó viết bợm thật.
Nghĩa là đọc xong, tự nhiên mình cũng có ý nghĩ là phải viết, viết một cái gì cho
ra trò một chút, cho nó phải nể.
Những ý kiến tương tự như thế - khen
thơ Xuân Quỳnh dễ đọc, khen thơ làm tự nhiên mà thuyết phục - khá nhiều.
Thì ra, bên cạnh việc nhắc nhở nhau
lao động kiên nhẫn, bền bỉ, chúng ta còn đều thống nhất ở một điểm nữa: vẻ đẹp
cao quý nhất trong văn học phải là vẻ đẹp tự nhiên. Nó không có quyền mang dấu
ấn những gắng gỏi gò gẫm nơi tác giả, dù khi viết, tác giả đã phải lao tâm khổ
tứ rất nhiều. Nhà văn phải làm chủ cảm hứng của mình, phải biết “thai nghén”,
chuẩn bị, lại phải mau mắn thông minh khi “sinh nở”. Nhiều người thành công cho
biết càng kéo dài thời gian viết, tác phẩm càng dễ nhạt.
Theo sự quy định của hoàn cảnh
Ấn tượng về một cái gì tự nhiên càng
rõ rệt hơn khi người ta nhìn vào con đường Xuân Quỳnh đã qua để đến với văn
học.
Có một chi tiết tiểu sử nhiều người
đã biết, ấy là trước khi làm thơ, Xuân Quỳnh là một diễn viên múa. Khi nghĩ đến
nghề này, nhiều người tỏ ý coi thường và quả thật họ có lý riêng: ở Việt Nam,
nghệ thuật múa chưa được nâng lên thành một hoạt động tinh thần mà chỉ dừng lại
thuần tuý ở một sự khéo léo bản năng. Trường hợp của Xuân Quỳnh cũng không ra
ngoài cái quy luật chung đó. ở tuổi mười bốn, thấy có thông báo tuyển văn công
liền thử vào thi xem sao và từ khi thi vào đến khi chia tay chẳng qua một
trường lớp nào cả.
Nhưng nghĩ lại thì con đường mà Xuân
Quỳnh đến với thơ so với hồi đến với múa đâu có khác?! Cũng như nhiều bạn bè
cùng lứa, người làm thơ này đã làm cái nghề mình có năng khiếu theo kiểu tự
nhiên thích, thấy mọi người làm thì cũng thử làm xem sao, và lấy số lượng thơ
được công bố để đo tính tài năng của mình; năng nhặt chặt bị, sau những bài
đăng báo thì tính chuyện dồn thơ lại thành tập. Nếu cần nói tới một ám ảnh
thường trực thì đấy là ám ảnh có tác phẩm được in, hay nói rộng ra, được nói to
lên trước mọi người, được xuất hiện trước công chúng; ngoài ra những vấn đề như
thơ là gì, thơ có thể thay đổi như thế nào xem như chuyện trừu tượng xa
vời, không việc gì phải băn khoăn cả. Mỗi cá nhân hãy tự khẳng định đi! Còn cái
cách để tự khẳng định thì trông vào những người đi trước! Chẳng hạn, một quy
trình làm việc quen thuộc của các nhà thơ lúc này là đi thực tế rồi về có ngay
sáng tác kịp thời, quy trình này được Xuân Quỳnh tiếp nhận một cách tự nguyện.
Nhiều lần lên rừng xuống biển. Nhiều lần về các vùng nông thôn Thái Bình, Hưng
Yên. Riêng hai năm 1969-1970 lặn lội vào vùng đất lửa Quảng Bình hàng tháng
trời. Đi đâu trở về nhà thơ cũng có được những sáng tác mới, chúng mang được
cái nhìn riêng về những vùng đất mà trước đó chị hầu như chưa quen biết. Bởi ở
đâu chị cũng có được cái nhìn riêng, đồng thời tìm ra sự gần gũi giữa mình với
hoàn cảnh. “Người làm thơ mang tâm hồn trang trải khắp khung cảnh, con người và
sáng tác ra đời là một sự đan dệt tự nhiên giữa chủ quan và khách quan” - qua
Xuân Quỳnh, một công thức quen thuộc của sáng tác như thế được ứng nghiệm và
chứng minh một cách đầy thuyết phục. Xin nhắc lại rằng cái sự tự nhiên này
không phải riêng của Xuân Quỳnh mà của cả hàng loạt bạn bè đồng nghiệp. Mỗi thế
hệ chỉ có được cái vai trò riêng mà lịch sử giao phó cho họ.
Kể ra cũng có những hành động mà
Xuân Quỳnh đã kiên trì theo đuổi để sống với thơ và hơn thế nữa như là chống
lại số mệnh. Một thiệt thòi cho chị và cho nhiều bạn làm thơ cùng tuổi là không
biết ngoại ngữ. Đau lắm thèm lắm, đành theo những lớp học thêm. Nhưng ở Hà Nội
của chúng tôi những năm ấy, giá có biết tiếng sẵn cũng không có sách mà đọc,
việc giao tiếp với nước ngoài bị hạn chế đến mức tối đa thì làm sao mà học
được? Tôi nhớ có một dạo đi đâu trong túi xách của Xuân Quỳnh cũng có tập bài
tiếng Pháp, ngoài ra không thể nhớ hết bao nhiêu lớp chị đã theo học. Bởi lẽ
học ít kết quả nên các lớp đó cũng teo dần và ai muốn học lại theo những lớp
mới, cả đời đi học mà cũng cả đời chưa thể gọi là biết ngoại ngữ để dùng trong
công việc.
Rộng hơn câu chuyện ngoại ngữ, Xuân
Quỳnh còn không có may mắn được học hết phổ thông mà đi công tác, tức là đi
kiếm ăn sớm, và về sau gặp nhiều khó khăn trong việc tự học. Trong khi một số
nhà thơ khác cũng xuất thân tương tự nhưng hồn nhiên vào đời rồi chai lỳ đi,
chẳng thiết đọc nữa, chẳng những thế quay ra hoặc ngấm ngầm hoặc lớn tiếng tự
hào về sự không cần học của mình thì ngược lại Xuân Quỳnh lấy làm tiếc cho mình
một cách chân thành. Thành thử có một điều khiến tôi cảm động, ấy là, trong khá
đông những người bạn viết văn của tôi, thì đây là một trong vài ba người biết
cho sự cần thiết của nghề phê bình văn học mà tôi theo đuổi. Bao giờ nghe tôi
kể rằng vừa đọc được một quyển sách hay, nét mặt chị cũng thoáng qua một nét
buồn như ân hận rằng lẽ ra mình cũng phải đọc chính quyển sách đó. Thế nhưng
cuộc sống xô đẩy rồi cũng phải quen dần và vẻ lam lũ đã là một phong cách ôm
trùm chi phối cuộc sống cũng như công việc viết lách.
Không viết thì phí mất!
Hồi trước 1954, ngôi nhà 96 phố Huế
vốn là một khách sạn (đâu tên cụ thể là Hotel Lục quốc thì phải). Được
cái tiện là ở đó có nhiều loại phòng to nhỏ khác nhau. Bởi vậy, khi trở thành
khu tập thể của Hội liên hiệp văn học nghệ thuật, nơi đây có đủ cả những phòng
khá to 25-30 mét vuông chia cho các cán bộ phụ trách hoặc những gia đình đông
con, lại có những phòng toen hoẻn 9-10 mét vuông chia cho những hộ ít người
hoặc các cán bộ lương thấp.
Vào khoảng đầu 1968, Xuân Quỳnh và
gia đình bốn người (cả chồng con lẫn bà mẹ chồng) được chia hai căn phòng nhỏ
như thế ở hai tầng khác nhau. Và một trong hai căn phòng ấy - cái ở tầng ba chứ
không phải cái ở tầng tư - kiêm luôn mấy việc: phòng ăn, phòng ngủ, phòng tiếp
khách. Thời chống Mỹ mọi người nghèo lắm, các gia đình làm gì có ti-vi với đủ
loại phương tiện giải trí như bây giờ. Suốt ngày chạy vạy đong cho được cân mì
hoặc mua cho được lạng thịt và lo hết việc cơ quan trở về đã đủ mệt rồi, cánh
cán bộ nhà nước nhiều buổi tối không nghe đài cũng chỉ ngồi dông dài tán chuyện
thời sự, cuộc sống uể oải cầm chừng lây ngay cả vào đám người làm nghề sáng
tạo, thành thử thấy ai làm được cái gì cho ra tấm ra món cũng thấy quý. Một lần
sau khi được tác giả đọc cho nghe một bài thơ đáng gọi là hay, mà chỉ vừa nghe
nói là định viết vào tối hôm trước, tôi hỏi lại Xuân Quỳnh:
- Bà làm vào lúc nào thế này?
- Hôm qua tiễn các ông về, rồi buông
màn cho thằng cu xong, tôi mới lấy giấy bút ra, lúc kê lên đầu gối lúc bò ra
sàn mà viết. Gần sáng mới chợp mắt được một lúc.
- Sao tự nhiên lại hăng hái thế?
- Sống từ sáng đến chiều vớ vẩn rồi
lúc bắt đầu quay về với thơ chỉ nghĩ “không viết thì phí mất!”. Thế là lại phải
cố mà viết bằng được. Chỉ sợ bao nhiêu nỗ lực của mình chẳng đi đến đâu chỉ sản
sinh ra được những bài thơ dở, khiến người đọc người ta dửng dưng thì cũng buồn
lắm.
Trước tiên là viết cho mình
Hẳn ai cũng biết mối quan hệ giữa
thơ và cuộc sống hàng ngày của người làm ra những bài thơ ấy là một trong những
khâu thiết cốt đối với nghề thơ. Thế nhưng từ chỗ biết vậy đến chỗ có cách xử
lý đúng mức là cả một chuyện rắc rối và nhiều người chỉ nhờ may mắn mà đến được
với con đường đúng đắn. Xuân Quỳnh chính là một trong những người đó.
Chẳng hạn, chúng ta đều biết những
địa danh được nói tới trong một sáng tác (tên một con sông, một dãy núi), vốn
không phải là một cái gì quan trọng. Trong một bài thơ tình, xã Bảo Ninh hay xã
Quang Phú, núi Cánh Diều hay núi Mây Bay thì cũng thế. Không thiếu gì người,
không đến biên giới bao giờ vẫn sẵn sàng đề dưới bài thơ phục vụ kịp thời của
mình mấy chữ: “Biên giới Tây Nam ngày...” cốt để đăng báo. Hoặc lịch sử
thơ ca còn ghi lại không ít trường hợp những bài thơ xuất hiện vì cớ này song
lại được tác giả lái sang một ý nghĩa đâu đâu mà bài thơ vẫn đọc được.
Nhưng Xuân Quỳnh sống theo một niềm
tin khác, và một hành động mang tính tiểu xảo như vậy bị chị coi là gian manh,
không thể chấp nhận được. Trước khi đưa ra bài thơ để mọi người cùng đọc và hy
vọng rằng nó cần thiết cho họ, chị đến với thơ để nói về mình. Nhìn vào con
người và sự vật chung quanh, chị thấy có bản thân ở bên trong và đấy là cái hích
đầu tiên buộc chị cầm bút. Những người có quen riêng tác giả Gió Lào cát
trắng đều biết chị có thói quen diễn tả tâm trạng của mình qua thơ đúng đến
từng khía cạnh tưởng là nhỏ nhặt. Mỗi bài thơ ra đời, đều có cái lý lịch của
nó. Nó chỉ ra đời với những nguyên cớ cụ thể mà người viết muốn đặt vào nó, gửi
gắm tâm sự của mình trong nó. Nếu chắp các bài thơ đó lại, người ta có thể có
cả cuộc đời Quỳnh. Đấy không phải là một sự khoe khoang hay láu cá nào hết.
Xuân Quỳnh buộc phải viết vậy, hàng ngày, chị đã nghĩ bằng thơ, sống bằng thơ,
dùng thơ để tự hiểu mình. Lúc làm xong bài thơ cũng là lúc nhà thơ thấy lòng
vợi đi ít nhiều, vì những dòng chữ kia như biết chia sẻ với tác giả của nó, cả
những vui sướng cực độ, lẫn những đau đớn đến xé ruột xé lòng. Một lần nào đó
chị tự hào bảo riêng với tôi:
- Nói được niềm vui nỗi khổ của
chính mình, tôi cảm thấy có cái sung sướng không mấy ai có! Như người khác
không được yêu mà mình được yêu, như người khác chỉ biết im lặng mà mình biết
nói, và nói lên được thành tiếng, hỏi không vui sao được?
Nhạy cảm: ưu thế và tai vạ
Có một bài thơ Xuân Quỳnh viết mang
tên Con yêu mẹ, ở đó khi kể lại cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con, tác giả
ghi lại mấy câu vui vui của đứa trẻ, nào là Con yêu mẹ bằng trời xanh / Rộng
lắm không bao giờ hết, rồi vân vi đủ thứ, và kết lại bằng câu Con yêu mẹ
bằng con dế. Một ý tưởng đột ngột mà người ta chỉ bắt gặp ở trẻ con!
Cái cách đùa cợt của đứa trẻ mà nhà
thơ ghi lại trong câu thơ ấy thực ra rất gần với cách nghĩ của chính Xuân Quỳnh
hàng ngày. Trước mắt anh chị em cùng cơ quan hoặc là hàng xóm láng giềng, nhà
thơ thường hiện ra như một con người hồn nhiên cởi mở. Chị bắt chước cách nói
của người nọ, nhại những ý nghĩ buồn cười của người kia. Nhiều khi cùng chứng
kiến một khung cảnh, chưa ai cười được thì con người nhạy cảm ấy đã nghĩ ra cớ
để cười. Đi đến đâu là chị mang theo đến đấy sự vui vẻ, chẳng cần dụng công chị
cũng kéo được mọi người bỏ công bỏ việc ngồi nghe.
Đó là nhờ cái tài ăn nói bẩm sinh:
dù thuật chuyện mình hay chuyện người thì chị cũng biết làm bật lên cái khía
cạnh hài hước của nó, và mang lại cho nó một vẻ sinh động. Thậm chí còn có thể
nói có một con người văn xuôi trong cách nhìn đời của nhà thi sĩ.
Trong đời sống cũng như trong sáng
tác, một sự nhạy cảm như thế là rất cần thiết. Nếu như nó lại được dắt dẫn bởi
một lý trí sáng suốt thì sẽ có thể dẫn người ta đi rất xa. Song có một điều
ngược lại mà ít ai biết: nó cũng có thể là nguồn tai hoạ và khi đó da càng
mỏng càng đau, kẻ nhạy cảm có nghĩa là kẻ chuốc lấy nhiều xót xa ê chề hơn
người khác. Khốn thay đó lại là chỗ yếu không thể khắc phục của Xuân Quỳnh! Sắc
sảo khi bàn tính hộ người song trong việc mưu cầu hạnh phúc riêng thì con người
ấy thường vụng dại. Đọc thơ của chị, nhất là thơ tình một hồi, chúng ta thấy
hiện lên hình ảnh của một người yêu rất nhiều mà nhận lại chả bao nhiêu, đơn
độc đi trong cuộc đời, và lúc nào cũng cảm thấy phía trước là bất hạnh, là bão
tố.
Ở trên tôi đã kể lúc cao hứng lên,
Xuân Quỳnh từng tự hào vì nỗi được nói to lên giữa cuộc đời im lặng. Thế nhưng,
những lúc vất vả quá - vất vả với nghĩa bế tắc, dằn vặt, vất vả về mặt tinh
thần - Xuân Quỳnh lại quay ra mát mẻ:
- Thỉnh thoảng có người, thấy mình
khổ quá, mà vẫn làm được thơ, tỏ ý an ủi: “Bà cứ ráng chịu, rồi chắc có thơ
hay”, tôi đã trả lời thẳng thừng: “Tôi sẵn sàng từ bỏ hết những bài thơ kia đi,
miễn là tôi khỏi khổ!”.
Khao khát và lầm lỡ
Trong cơn say sưa bộc bạch, nữ sĩ Trùng
Dương khi trả lời một cuộc phỏng vấn
trên bán nguyệt san Văn ra ở Sài Gòn khoảng 1973 từng tự nhận: “Nếu
còn tin tưởng ở Thượng đế, tôi sẽ cám ơn Người đã ban cho tôi một cuộc sống gồm
có những dịp lầm lỡ, cộng thêm với một chút hơi nhiều lý trí, cộng thêm với một
chút hơi nhiều lòng tham vọng và ý chí ngạo mạn”.
Tuy ở một phương trời khác, nhưng
Xuân Quỳnh có thể hoàn toàn chia sẻ với những tâm sự kiểu đó: Cái chính là ở
con người này có quá nhiều tham vọng. Những chùm hoa dại trên núi Hoàng Liên
nói lên những ước ao bình thường nhất mà vẫn không thành. Con đê biển tượng
trưng cho sự chịu đựng, tức một sự hy sinh kể ra cũng cần thiết, nhưng lại tước
đi của người ta biết bao mơ ước! Dù biết rằng những hạn chế ấy là không tránh
khỏi, song trong lòng người làm thơ vẫn dậy lên những khao khát thay đổi. Có
cảm tưởng với Xuân Quỳnh sự ham sống là một bản năng thường trực và càng không
được thoả mãn càng thèm muốn. Ngay trong những ngày sống hạnh phúc, con người
đó vẫn cảm thấy là phải mau tận hưởng, nếu không, nó sẽ qua đi rất nhanh. Cuộc
sống vì thế bao giờ cũng căng lên như những sợi dây đàn, người ngoài nhìn vào
thấy sợ hãi thay cho người trong cuộc, nhưng lại hiểu rằng đó là cội nguồn của
sáng tạo.
Giữa đám bạn bè cùng nghề, người thi
sĩ này thường tự nhủ: “Đối với người sáng tác, không gì sợ bằng sự nghèo nàn.
Nghèo trong cảm xúc nhận xét thì không thể tha thứ được”. Trong đời sống hàng
ngày cũng như trong sáng tác, không chịu được cái gì trung bình nhợt nhạt. Yêu hay
ghét, đều phải hết lòng. Thà thái quá còn hơn bất cập. Và bởi lẽ xúc cảm là cụ
thể, là của từng giây phút một, nên chúng thường xuyên thay đổi, một sự thay
đổi đột ngột khiến người ngoài nhìn thấy chóng mặt.
Một người bạn của Quỳnh lúc trẻ là
Bằng Việt đã diễn tả rất hay lối cảm xúc đó của tác giả Gió Lào cát trắng.
Bài thơ Người cùng đi một đường chỉ có cái phụ đề “Gửi một người làm thơ
cùng lứa tuổi” nhưng ai đọc cũng có thể đoán ngay là đề tặng Xuân Quỳnh:
Lại con đường đỏ rực dưới cây xanh
Đi như lao, như lửa cháy trong mình
Nhịp thơ bạn bỗng bồi hồi mạch đập
Những sườn dốc, rồi những cua vòng
gấp
Băng trong đời, như bạn đã từng quen
...
Vẫn đó - gió Lào cát trắng trong thơ
Những thượng nguồn sông, buồn vui
bất chợt
Như lòng bạn, lũ trào dâng đột ngột
Cuốn mình đi, đắp những bãi bờ xa
Về phần mình, tôi nhớ những ứng xử
của Xuân Quỳnh trong đời sống hàng ngày, nét mặt bồn chồn của chị khi chị gặp
một người này, khi mong được tham gia một chuyến đi kia, hoặc nỗi sung sướng và
thái độ trân trọng, quý hoá, khi được cầm trên tay một cuốn sách mà từ lâu đã
nghe tiếng. Có thể nói đấy là những lúc con người ấy biết sống hết từng phút
giây một! Sự thiếu nhẫn nại toát ra ở cái run rẩy của giọng nói. Vẻ sốt sắng
hiện lên trên nét mặt. Tham lam quá đi, mà sự tham lam ở đây lại lộ liễu quá đi
- người ta có thể nhận thấy như thế, và chính Xuân Quỳnh cũng đã cảm thấy như
thế. Nhưng bởi lẽ, nỗi ham muốn đã lên đến cực độ, lại hiểu rằng, vì thơ, vì
sáng tác, sự ham muốn của mình là không vụ lợi (nghĩa là người ta cũng dễ tha
thứ), nên Xuân Quỳnh vẫn sống vậy. Một cách sống luôn luôn mang lại những sung
sướng, và đau khổ hơn người. Câu chuyện sau đây minh chứng cho điều đó: Nhà thơ
có một người chị là Đông Mai hiện đang dạy học ở thành phố Hồ Chí Minh. Một
lần, người viết bài này từ Hà Nội vào SG, tới thăm chị Mai.
- Thế nào cậu, dạo này ngoài đó,
Quỳnh nó sống thế nào? Vui hay buồn?
Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi
trả lời:
- Em gái chị là một người đặc biệt,
nên vui cũng vui hơn người khác mà buồn cũng buồn hơn người khác, làm sao trả
lời cho rành rọt được.
Khi nghe kể lại như vậy, Xuân Quỳnh
chỉ cười, không phản đối. Chắc trong thâm tâm Quỳnh nghĩ: “Đúng là giời đày
mình, nhưng có thế, mình mới viết được”.
Ảo tưởng dai dẳng
Từ khi cho in những bài thơ đầu
tiên, cho tới giữa năm 1988, sửa soạn tập thơ cuối cùng, Xuân Quỳnh đã có một
chặng đường thơ khoảng một phần tư thế kỷ. Nhìn vào thơ, thấy con đường con
người này đi khá thông thoáng: cứ đều đều vài ba năm lại có một tập thơ ra đời.
Trong khi nhiều người bạn cùng lứa đã bỏ cuộc, nhiều người già đi, cũ đi, tự
lặp lại mình trong thơ thì trên đại thể thơ Xuân Quỳnh vẫn giữ được cái duyên
riêng, và có được cái hơi trẻ trung, tươi tắn. Chẳng những thơ bầu bạn với Xuân
Quỳnh, thơ còn nâng cao con người nhà thơ lên. Qua thơ, người ta bắt gặp một
Xuân Quỳnh hào phóng, nồng nhiệt, tha thiết với cuộc sống.
Tuy nhiên cũng từ đây cách suy nghĩ
của Xuân Quỳnh có một khía cạnh mà từ lâu tôi đã muốn coi như một nhược điểm,
ấy là chủ quan, chủ quan đến mức quá tự tin. Biển quen theo những quy luật
của mình, một câu thơ như vậy buột ra trong một bài thơ viết về biển, và
những người có quen biết đều hiểu rằng đó là lúc nhà thơ nói về bản thân song
đều lo lắng hộ: những ngạo nghễ kiêu hãnh kiểu ấy nó có phần phỉnh nịnh tuổi
trẻ nên lại càng khó gạt bỏ.
- Một tình yêu như thế vẫn y nguyên
- Chỉ còn lại một màu hoa rất trắng
- Đất qua rồi những yêu thương
Có chăng lời hát vẫn còn mà
thôi
- Thời gian của ta không bao giờ mất
Không gì khác đó chính là những ảo
tưởng. Những ảo tưởng trong thơ nhưng cũng là ảo tưởng trong đời sống. Những ảo
tưởng này vốn không chỉ là của riêng của Xuân Quỳnh mà là của hàng loạt người
cùng tuổi, song nếu ở ngoài đời người ta chỉ nói vậy thôi rồi người ta vẫn thực
dụng vẫn kiếm chác, thì nhà thơ của chúng ta sống với nó một cách chân thành,
đấy chính là đầu mối của nhiều bi kịch mà chị sẽ phải đón nhận.
Trong
số những bài thơ mang ảo tưởng của Xuân Quỳnh, tôi nhớ hơn cả đến một bài mang
tên Có một thời như thế nhà thơ cho in vào đầu 1985. Cái thời nói ở đây
là quá khứ của mỗi chúng ta. Tác giả đã bắt rất trúng cái thần của nó khi miêu
tả nó trong sáng, nó đẹp theo kiểu mơ ước viển vông niềm vui thơ dại
hoặc luôn hy vọng để rồi luôn thất vọng, tôi đã buồn đã khóc những không đâu...
Ngoảnh lại cái thời đó, nhà thơ thấy mình đã thay đổi: mái tóc xanh bắt đầu pha
sợi bạc. Cùng cảm hứng về sự già đi của bản thân là suy nghĩ chung về sự chuyển
biến của đời sống Tôi biết chắc mùa xuân rồi cũng hết/ hôm nay non mai cỏ sẽ
già. Và sau hết nhà thơ kêu gọi mọi người không tự mê hoặc mình bằng quá
khứ mà hãy hướng về cuộc sống trước mắt:
Quá khứ đáng yêu quá khứ
đáng tôn thờ
Nhưng không phải là điều em ao
ước
Có điều trong
lúc tỉnh táo như vậy tác giả vẫn để chen vào hai câu thơ nói về mình một cách
ảo tưởng:
Em biết quên những chuyện
đáng quên
Và biết nhớ những điều em phải
nhớ
Khi nghe tôi biện luận: “Người mà
làm chủ được hoàn toàn tình cảm của mình như vậy thì chỉ còn là cái máy”, nhà
thơ chỉ cười xoà, song tôi biết trong thâm tâm chị hiểu “rằng quen mất nết đi
rồi”, làm sao mà vượt lên khỏi cái chương trình mà thời đại đã đặt vào
mình cho được.
Những gì còn lại
Thời
gian vốn có sức ám ảnh với tâm trí nhà thơ này. Ngay từ khi mới trên hai mươi
bắt tay làm những bài thơ đầu tiên về tình yêu trong bài Chồi biếc, chị
đã viết đại ý mình chỉ là một phần tử nhỏ nhoi trong dòng người vô tận và tự
nhủ sẽ có lúc hết phiên để nhường cuộc đời đẹp đẽ này cho những cặp tình yêu
khác. Vào khoảng những năm tám mươi, tức khi đã bước sang tuổi bốn mươi, thì
cảm giác ấy càng nẩy nở thường trực. Bài Hoa cúc láy đi láy lại nỗi đau
xót âm thầmkhi tự thấy mình không còn được như hôm qua:
- Bao mùa thu hoa vẫn vàng
như thế
Chỉ em là khác với em xưa
.....
- Bao ngày tháng đi về trên
mái tóc
Chỉ em là khác với em thôi
Cũng từ đây trong thơ đã len vào
những giai điệu khác:
- Đường tít tắp mà ngày đang xế bóng
Mệt mỏi chăng hỡi người bạn đồng
hành?
Sự mệt mỏi ấy trước tiên là đến từ
phía cuộc sống, những lo toan chợ búa gia đình chồng con mà càng những năm gần
đây, với Xuân Quỳnh, càng là một gánh nặng. Nhưng có thể là còn từ phía sáng
tác nữa chăng? Tôi nhớ những lần trò chuyện, khi nào nghe tôi kể có đọc thêm
được quyển này quyển kia, là y như Xuân Quỳnh có vẻ buồn hẳn đi. Hình như một
người nhạy cảm như chị một lúc nào đó, đã mang máng nhận ra rằng trong thơ mình
đã đi đến cùng trên con đường đã chọn, mà đi tìm những nẻo lối mới thì chưa
biết ở đằng nào. Những đòi hỏi học thêm, đọc thêm, những đòi hỏi tìm sự bồi bổ
của văn hoá nói chung, đến tuổi này càng thấy bức thiết, mà sức lực đâu được
như xưa, thời gian còn lại rất ít. Cái bi hài kịch mà mình nhìn nhận thấy ở
không ít bè bạn - bi hài kịch của những người được một hai cuốn sách đầu, đã
trở thành nhà thơ nhà văn rồi, thì sống lêu têu vạ vật chả còn viết được cái gì
nên hồn - cái bi hài kịch ấy, lúc nào cũng có thể đến với mình chăng? Nếu thế
thì buồn, thì mỏi mệt cũng là điều khó tránh.
Còn nhớ khoảng 1985-1986, thỉnh
thoảng tôi lại nghe Xuân Quỳnh thở ra những điều ngán ngẩm:
- Dạo này tôi rất chán. Nhà cửa chật
chội, nóng nảy, bận bịu...
Tôi cũng hùa theo:
- Đời sống khổ quá, có lúc tôi đã tự
nhủ: Chết đi, cũng chả có gì phải tiếc.
- Tiếc thì không tiếc, nhưng nghĩ có
lúc cuộc sống này không có mình nữa cũng buồn.
Đến đó, câu chuyện của chúng tôi
chuyển sang một hướng khác. Nhưng ra về, mà tôi cứ nghĩ vân vi mãi, chẳng lẽ
người kêu rằng chán đời, chán làm thơ đó, lại là Xuân Quỳnh? Bởi những tập sách
còn kia, giở trang nào ra chẳng bắt gặp một con người thèm yêu, thèm sống, và
một trong những bài thơ hay nhất của người đó mang tên Nếu ngày mai em không
làm thơ nữa:
- Và trời xanh xin trả cho vô tận
Trời không xanh trong đáy mắt em
xanh
Và trong em không thể còn anh
Nếu ngày mai em không làm thơ nữa.
Điều gì đã xảy ra với người làm thơ
đó và những người cùng lứa khác? Lâu nay, cứ tưởng mình và bạn bè mình còn trẻ,
nay hoá ra ở ngưỡng cửa của tuổi năm mươi rồi, những điều lúc trẻ, tưởng là xa
lạ, sự sống, cái chết là điều phải bàn rồi. Đã đến lúc mình có thể chết rồi
chăng? Hay chết cũng chưa thể là một sự giải thoát đích thực, để chuẩn bị cho
một cái chết xứng đáng phải tiếp tục sống nữa, sống mãnh liệt hơn. Chưa kịp bàn
thêm với nhau thì Xuân Quỳnh đã đi xa rồi, và giờ đây, đối với tôi, chỉ còn có
cách tiếp tục tìm câu trả lời ở những dòng thơ người bạn đó đã viết.
Viết khoảng 1988-93
Đã in Cây bút đời người -2002