Bài đã in trên blog này 21-4-2009, nhan đề XUÂN SÁCH hay là một đặc sản văn chương,
Những nét sinh hoạt của những người cầm bút thời nay đã được nhiều người trình bày lại một cách tự nhiên, trong số này giỏi nhất phải kể Tô Hoài. Ông biết gỡ đi phần hào quang chói lọi mà người ta hay lấy ra để lãng mạn hóa các nhà văn. Ông làm cho cái nghề gọi là sáng tạo này gần gũi với đời thường. Chỉ ông mới dám đưa Nguyễn Tuân vượt ra ngoài cái thiêng liêng giả tạo ngả sang làm dáng, để trở về với những chuyện mè nheo hàng ngày, dù vẫn không vì thế mà làm mất đi vẻ đáng yêu đáng kính của cụ Nguyễn. Từ trường hợp Nguyễn Văn Bổng, Tô Hoài làm nổi tính chất nghiệp dư của một nền văn học. Chút thoáng điên điên khùng khùng của Võ Huy Tâm mà ông nói tới được người ta tin, vì bắt nguồn từ những quan sát thực và mở đường cho sự cắt nghĩa vận mệnh ngắn ngủi của nhà văn này. Những trang chân dung Trọng Hứa cho ta thấy trong mỗi con người còn bao nhiêu mày nét khía cạnh vừa chân thành đáng yêu vừa nhởn nhơ phù phiếm.
Tôi học theo cách làm của Tô Hoài khi viết về một người thầy như Nhị Ca, một người bạn như Nghiêm Đa Văn.
Ở buổi hoàng hôn của cuộc đời, tôi lại nghĩ nhiều về Xuân Sách.
Xuân Sách là một đặc sản kỳ lạ của giới cầm bút HN những năm chống Mỹ và vài chục năm tiếp sau. Người nổi tiếng trong giới xưa nay là người có tác phẩm, hoặc các quan chức. Xuân Sách không có cả hai cái đó, chỉ có một ít bài thơ chân dung, bằng giọng đùa bỡn trêu chọc nói về hàng loạt nhà văn đương thời.Vậy mà người ta luôn phải nhớ đến ông. Chỉ vì ông biết gây cười ? Không hẳn, những giai thoại mua vui một cách nông nổi, không thể có sức sống dai dẳng như vậy. Giữa đám đông chúng sinh, chỉ cần đọc lên vài dòng chân dung ông viết là không thiếu kẻ bị hút hồn. Các nhà văn vốn có thói quen ích kỷ tự nhiên bị chạm nọc. Người ngoài cuộc nghe rồi vẫn muốn nghe lại.
Nhiều khi nói tới một người cụ thể nào đó, thực ra Xuân Sách đang nói tới cả giới, nói tới những kiếp người khác nhau trong giới.Và từ những người cầm bút, trong một mức độ nào đó, nhà thơ gợi ra cho ta liên tưởng tới những người ở các giới khác.
Không phải tất cả mà chỉ một số nhỏ coi như thành công. Nhưng trong trường hợp thành công, các chân dung ấy đã vẽ ra một hình ảnh khắc hoạ được một tính cách, ghi nhận một lẽ đời, từ đó nhắc nhở người ta một vấn đề nào đó của cuộc sống.
Thay cho hai chữ tài năng, ta nên nói tới khái niệm: những cách tồn tại trong văn học.
Theo tiêu chuẩn này thì Xuân Sách đã tìm thấy mình thật: Tồn tại như một người viết về đồng nghiệp, thấy mỗi đồng nghiệp là một kiếp người “nghiêm chỉnh một cách rầu rĩ”.
Những năm chiến tranh, tôi đã sống với con người này trong một cơ quan theo cái nghĩa 24/24. Tức là làm việc và nghỉ ngơi trong cùng một doanh trại. Có thể ghé vào phòng nhau bất cứ lúc nào. Gần như suốt ngày trông thấy mặt nhau. Từ sau 1975, tuy Bắc Nam mỗi người một nơi, song vẫn hay nghĩ tới nhau. Trước nhiều hiện tượng của đời sống văn nghệ, tôi vẫn thường tự hỏi trong trường hợp này Xuân Sách nghĩ như thế nào nhỉ.
Đúng là ba chục năm cuối đời ông đã thay đổi, không còn nguyên vẹn Xuân Sách mà tôi từng biết ngày xưa. Nhưng những tư tưởng chính của ông thì đã hình thành từ những năm chiến tranh, cái đường cái mạch phát triển của ông vẫn có sự tiếp nối với thuở ban đầu mà tôi biết.
Qua ông tôi muốn ít chuyện đời thường của giới văn chương.
Từ truyền khẩu đến truyền thần
Tất cả những bài viết về Xuân Sách mươi năm gần đây đều nhắc tới những bài thơ được in trong tập Chân dung nhà văn. Đến nỗi khi thấy một tờ báo nọ trong thông báo về cái chết của ông mà bỏ qua chi tiết này, một tờ báo khác đã phải lên tiếng thắc mắc.
Vậy thơ chân dung là gì ? Và đóng góp của Xuân Sách trong thơ chân dung là gì ?
Việc mang tên tuổi, tính nết và công việc của các đồng nghiệp ra mà chế giễu vốn là một thú vui có ở mọi nghề. Sự đời lắm vẻ, mỗi chúng ta dù có cố gắng đến mấy cũng chẳng bao giờ vừa lòng với nó. Huống chi lại còn bao nhiêu bực bội khó chịu nảy sinh hàng ngày, nếu như không có nụ cười thì sống sao nổi!
Mà các đối tượng mình hiểu sâu nhất để rồi dễ mang ra cười cợt nhất, và giá có cười quá to, cười sỗ sàng một chút, cũng dễ được tha thứ nhất, ấy vẫn là các đồng nghiệp. Giá như ai có để công sưu tầm, chắc sẽ làm thành những bộ sách lý thú, đại loại nụ cười viên chức, nụ cười nghề y, nụ cười nhà giáo.
Thế nhưng nói chung nhiều người vẫn thường có cảm giác rằng sự đùa bỡn chế giễu nhau trong giới cầm bút là phổ biến hơn. Tại sao?
Một là ở đây người ta dễ nhận xét nhau đau hơn, ác hơn, điểm huyệt đích đáng hơn; và hai là một đôi khi, nó lại được đưa lên mặt giấy, và dù in chữ nhỏ, in vào chỗ khuất đến mấy, mọi người đều tìm đọc - báo ngày hôm nay đã vậy mà báo ngày xưa cũng vậy.
Có lần tôi đã chép được một loạt thơ chân dung kiểu này trên báo Ngày nay xuân 1940.
Vào thuở đang thịnh, Tự lực Văn đoàn của các nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng... nổi lên như một tổ chức văn học đầy uy tín tới mức họ thường xuyên đùa giỡn trước mặt mọi người, “xoa đầu’ anh em trong giới. Nhân một số báo xuân, Lê Ta (Thế Lữ) cùng Tú Mỡ mở mục Minh niên giáng bút, mượn lời một bà già khăn chầu áo ngự để “phán” về các đồng nghiệp... Theo chính Lê Ta và Tú Mỡ nhấn mạnh thì trong “lời phán” này” có những chữ, hoặc những nghĩa, hoặc những ý tứ có liên quan đến tên tuổi, đến tâm tính hay công việc của từng người”. Bởi vậy, mặc dù không chỉ đích danh, song đọc lời “phán”, mọi người ai cũng đoán ra ngay người được “phán”.
Dưới đây là một ít câu Minh niên giáng bút.
Tam Lang
Tưởng người cùng xóm văn chương
Học đòi lại muốn theo phường kéo xe
Nhưng thân phục phịch nặng nề
Kéo xe chẳng nổi quay về kéo... văn
Lê Văn Trương
Nói năng hùng dũng hơn người
Khôn vì xuôi ngược đã mười năm xưa
Đầu làng sức mạnh có thừa
Vỗ vào ngực thét: tôi thờ trái tim
Lưu Trọng Lư
Cái tên này cũng đáng ngờ
Ấy bình hương khói hay lừa nặng cân
Làm thơ giàu điệu nghèo vần
Ra đời với bác sơn nhân độ nào
Lan Khai
Tên đâu trái ngược lạ đời
Là hoa mà lại có mùi... chẳng thơm
Tài trông anh Mán phi gươm
Chú Mèo lãng mạn, cô Mường ngâm thơ
Lan Khai
Tên là Lan ở trên đời
Chẳng thơm hẳn đã có mùi khai khai
Viết văn kể chuyện dông dài
Ở trên mạn ngược làm vui đường rừng
Các vần thơ này đã sử dụng được những gì liên quan đến tên tuổi và tên các tác phẩm của người được nói tới.
Tuy nhiên đó mới là điều kiện tối thiểu. Nếu chỉ dừng lại ở một vài chi tiết hóm hỉnh đọc lên nghe cũng vui vui thì chúng ta chưa thể thích được hoặc chỉ là cái thích nông nổi. Đây cũng là chỗ dừng của Minh niên giáng bút.
Trong đời sống văn học Hà Nội nửa sau thế kỷ XX, số chân dung viết linh tinh cũng nhiều vô kể. Trên nguyên tắc thì thời nay ai cũng bảo là hoan nghênh người khác phê bình góp ý kiến cho mình. Nhưng trong thực tế mỗi người là một khối cá nhân thô cứng không gì thâm nhập nổi. Có thể là tôi cũng biết khuyết điểm của tôi đấy. Nhưng xin các anh kệ tôi, mặc cho tôi lừa cấp trên và lừa mọi người.
Không được đưa ra công khai, những nhận xét về nhau biến thành những lời xầm xì ở chỗ riêng tư, thành những giai thoại đồn thổi rộng rãi, rồi đúc lại thành thơ chân dung. Trong số này, có nhiều cái là do nhân tiện mà viết, làm cho vui, chả ai coi là việc nghiêm chỉnh. Tuy nhiên cũng có một số ít đạt tới mức sâu sắc với nghĩa truyền thần được đối tượng, điểm trúng huyệt họ, bóc mẽ lật tẩy được cái gì mà họ muốn che giấu.
Lấy một ví dụ. Khi người lẫn với ma -- nói như chữ của Tô Hoài -- thì việc gọi ra chất ma ở kẻ khác là cả một điều an ủi.
Viết về Nguyễn Tuân
Một mắt lư đồng một mắt cua
Chém treo ngành toàn chém a dua
Hà Nội đánh Mỹ giỏi, thua bác
Cả đời ăn phở chẳng cần mua...
Hay đấy chứ! Và không hiếm đâu!
Nhưng chưa ai làm công việc thu thập đánh giá các bài thơ chân dung này cả.
So với những người đương thời có thể nói Xuân Sách đi xa hơn cả với nghĩa làm được nhiều và nhất là có những chân dung có ý nghĩa xã hội rộng rãi.
Thử làm một so sánh. Cùng viết về Nguyễn Tuân, của Lê Ta và Tú Mỡ
Nghe vang theo bóng một thời
Tên này thực biết vâng lời người trên
Bây giờ gần gụi ả phiền
Hỏi han câu chuyện ngọn đèn dầu ta.
của Xuân Sách
Vang bóng một thời đâu dễ quên
Sông Đà cũng muốn đẩy thuyền lên
Chén rượu tình rừng cay đắng lắm
Tờ hoa lại chuốc lệ ưu phiền
Cùng viết về Nguyễn Công Hoan, của Lê Ta và Tú Mỡ
Rằng tên thì thực là vui
Nụ cười thoang thoảng có mùi ngang ngang
Vai hề to tiếng hý trường
Ở trong động quỷ là phường ranh ma
Của Xuân Sách
Bác kép Tư Bền rõ khéo vui
Trời còn chưa sáng bác nhầm thôi
Bới tung đống rác nên trời phạt
Trời phạt chưa xong bác đã cười
Sinh ra để nói về các đồng nghiệp
Xuân Sách người thấp, dáng đi chắc chắn. Mắt sáng, trán cao, đầu nặng như ẩn chứa một cái gì không thoát ra được. Hình ảnh tôi nhớ nhất về anh -- từ đây trở xuống xin phép gọi Xuân Sách là anh-- khi cùng sống ở 4 Lý Nam Đế, là những lúc nhà thơ tập trung suy nghĩ. Chuẩn bị cho trang viết, trầm ngâm đi lại, như bị thu hút hoàn toàn vào một điều gì đó? Hay những lúc ấy anh đang bí? Có thể lắm. Nhưng không sao. Khi đã nghĩ kỹ rồi, Xuân Sách viết rất nhanh, bản thảo sạch sẽ tươm tất, mà theo anh kể, chỉ thua có Phù Thăng.
Có một số người động ngồi viết là vất vả như đi cày , trước mặt giấy tờ ngổn ngang, cái gạt tàn thuốc lá cao có ngọn. Xuân Sách thì ngược lại, phòng văn sạch sẽ trống trơn. Có lúc chúng tôi nói đùa, ông này viết như ăn vụng, tắc lẻm một cái là xong.
Hồi Văn nghệ quân đội sơ tán ở Thạch Thất Hà Tây, Xuân Thiều và Nguyễn Minh Châu ở nhờ nhà một cụ già là cụ Quàng. Ông cụ có cái tính chung của người mình là hay để ý vặt. Chắc là nhiều lần trong khi dọn dẹp, ông cụ đã ngắm nghía trang viết của hai nhà văn khoác áo lính. Một lần cụ đột ngột tung ra một câu khái quát, khiến chúng tôi khi nhắc lại, cùng cười lăn cười lộn:
-- Văn bác Châu không bằng văn bác Thiều. Văn bác Châu hay dập xóa. Văn bác Thiều sạch sẽ hơn, đọc được ngay.
So với Xuân Thiều bản thảo Xuân Sách lại còn suôn sẻ hơn. Nó là dấu ấn của một người tự tin và cũng dễ bằng lòng với mình.
Đều đặn, chân phương, biết thân biết phận, nhưng lại có chút gì đó hơi hèn hèn thế nào … đấy là tinh thần toát ra qua nét chữ ở cuốn sách khổ nhỏ Chân dung nhà văn đã in.( Thông thường bản thảo đưa xuống nhà in là qua đánh máy; lần này Xuân Sách đã viết trực tiếp rồi chuyển cho Lữ Huy Nguyên.)
Phần lớn các nhà văn công tác ở tạp chí Văn Nghệ quân đội sinh năm 1930. Đặt bên những người này Xuân Sách chỉ kém hơn có hai ba tuổi.
Nhưng sao so với họ, tôi cứ cảm thấy anh lép vế rõ rệt. Phần thì tại anh về sau, tức là mãi 1960 mới gia nhập tập thể này, mà đó là lúc tất cả đã định vị.
Và cái chính là anh thiếu một tuổi trẻ oai hùng.
18 tuổi Hồ Phương có Thư nhà, 22 tuổi Nguyên Ngọc có Đất nước đứng lên, 27 tuổi Nguyễn Khải có Mùa lạc. Xuân Sách thì sao? Lớp trẻ về sau nhắc tới anh, bảo đã có đọc Đội du kích thiếu niên Đình Bảng ( in lần đầu 1971) của anh từ nhỏ. Nhưng tôi biết hồi 1971, các đồng nghiệp trong cơ quan chẳng ai nói một câu nào về cuốn sách đó cả. Mà lúc đó anh cũng sắp sửa sang tuổi 40.
Xuân Sách hiểu điều đó. Khi bị người ta lãng quên, anh không đòi hỏi. Nói chung anh có lối sống bình thản của người gọi là biết thân biết phận, không lồng bồng mơ tưởng hão hiền. Cái nhìn đằm hơn về thế sự. Sự thông cảm dễ dàng với những cái tầm thường. Khả năng đơn độc trên con đường mình chọn cho riêng mình …
Về sau này khi đã nổi tiếng, niềm kiêu hãnh ở Xuân Sách nhiều khi có trở thành quá đáng, nhưng tôi biết nó chẳng qua chỉ là phản ứng tự nhiên của người đã ngụp lặn trong sự vô danh quá lâu, mà lại thừa thông minh để biết rằng thực ra có những lĩnh vực mình chẳng kém gì người đời.
Xuân Sách những năm ấy gợi cảm giác một người yên lặng làm những công việc bình thường, nó là những việc bếp núc của một cơ quan báo chí thời chiến.
Trong chiến tranh, các nhà văn ở Văn nghệ quân đội năm ấy có sự phân hóa. Đội cận vệ đỏ, những Hữu Mai Hồ Phương Nguyễn Khải Nguyễn Minh Châu càng viết càng ăn nhập với tình hình. Lúc nào cũng có bao nhiêu đề tài đặt ra cho họ. Đi viết vừa nổi tiếng lại vừa có thu nhập cho gia đình – không ai nói ra nhưng ai cũng biết vậy.
Ừ thì cho rằng hồi ấy người ta nghĩ đến tiền một cách chừng mực không thành ám ảnh như bây giờ. Nhưng có đồng ra đồng vào rủng rỉnh vẫn hơn chứ?!
Lại còn cái chuyện con gà tức nhau tiếng gáy, ai mà không biết.
Cắn răng mà viết, mặt dày mà viết, viết được là có tất cả! Giữa thời trang sách lên ngôi, không ai muốn ngồi tổ chức các trang báo, đọc và chữa chạy các bài lai cảo, nói gọn lại là làm biên tập nữa. Bởi làm biên tập nghĩa là ngồi lo việc chung, vinh quang người khác hưởng, công lao mình thì chả ai biết.
Bấy giờ ban phụ trách phải trông chờ vào lớp sau, tức mấy người viết trẻ hơn và cũng phải nói thực, là ít tài hơn.
Dường như sinh ra để làm việc này, Xuân Sách đặc biệt nổi lên ở mấy khía cạnh. Một là đa di năng gì cũng làm được; hai là tương đối biết người biết của, biết điều trong giao thiệp và không đến nỗi quá cứng trong quan niệm.
Xuân Sách đó, những năm cuối chiến tranh, trở thành cánh tay mặt của chủ nhiệm Vũ Cao. Hơn nhau chục tuổi, một già một trẻ làm với nhau hợp đến nỗi sau này khi được gọi ra nắm Nhà xuất bản Hà Nội( 1980) thì Vũ Cao kéo Xuân Sách ra làm phó. Mà đến lúc Vũ Cao về hưu thì Xuân Sách cũng vào luôn trong Bà Rịa Vũng Tàu, để trụ lại ở đó cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Tại sao Xuân Sách thích ứng với cái vai trò bắt gôn ở tờ báo như vậy? Trước khi chuyển về Văn nghệ quân đội, anh đã công tác ở một đoàn văn công. Nhiều tài lẻ. Làm thơ viết văn món gì cũng biết. Làm cả những việc mà người khác không muốn làm. Và có thể làm nhiều việc cùng một lúc.
Từ khoảng 1971 trở đi, anh đã là một tượng trưng của cái đời thường ở Văn nghệ quân đội.
Những năm chiến tranh, không khí xã hội lúc nào cũng căng như dây đàn, mà kỷ luật tuyên truyền rất ngặt nghèo. Đi đâu về, muốn hiểu chung về tình hình cơ quan, có chỉ thị mới gì cấp trên mới truyền xuống ai sắp được phân công đi viết về đâu ai viết cái gì cấp trên không bằng lòng -- tất cả những thông tin quan trọng mà lại không chính thức ấy -- phải hỏi anh. Cả chuyện chính trị nữa. Chiến trường lính tráng đang đánh giặc ra sao. Rồi ai hục hặc với ai, có đám hủ hóa nào mới bị phát giác... chả có cái gì mà anh không biết.
Thú vị nhất là, với từng cá nhân, sự đánh giá của Xuân Sách là đáng tin cậy. Không chỉ thông minh sắc sảo hơn người, anh còn tổng kết được cái phần tinh túy trong ý của người khác từ đó làm nên ý kiến của mình. Và cách tổng kết của anh thì gọn gàng, có pha một chút thậm xưng, như những bức biếm họa mà người ta thấy ở báo chí văn chương nước ngoài. Thứ đặc sản của anh bắt nguồn từ cách sống cách nghĩ mà không cần cố gắng anh cũng đã tự hình thành cho mình.
Xin kể một chuyện liên quan đến tài nhìn người của Xuân Sách .
Hết khôn dồn sang dại, lúc tán chuyện, thỉnh thoảng chúng tôi thử ngồi sắp người cho một số vị trí trong cơ quan. Xuân Sách có lần hứng khởi đầu têu:
-- Nếu làm chủ nhiệm, cần kiện toàn lại toà soạn. Trước tiên là phải lấy bằng được một ban trị sự cho vững. Phân công như sau:
Hồ Phương cho đi lái xe (Nguyễn Khải đế ngay: Đúng quá vừa lái, vừa huýt sáo ầm ĩ).
Ông Khải lắm mồm cho đi phát hành.
Hữu Mai cẩn thận cho giữ dấu.
Từ Bích Hoàng cho giữ kho .
Một người vâng dạ, đáng làm người công vụ, như một thứ bõ già: Thanh Tịnh.
Nấu bếp: Nhị Ca
Xuân Thiều làm trưởng ban trị sự
Mọi người cười lăn. Xuân Thiều: Yên chí, mình sẽ rất rộng rãi với các cậu.
Một lần khác anh dựng lên mấy cặp biên tập và bình luận
Cặp 1: Chủ nhiệm Thanh Tịnh. Thơ Xuân Miễn. Văn Vũ Sắc. Lý luận Trần Cư -- Suốt ngày bàn chuyện cổ lỗ như đám quan viên trong làng.
Cặp 2: Chủ nhiệm Hữu Mai. Văn Xuân Thiều. Thơ Hồ Khải Đại. Lý luận Đại Đồng -- Suốt ngày bàn chuyện đấu đá.
Cặp 3: Chủ nhiệm Hồ Phương. Văn Mộng Lục. Thơ Xuân Thiêm. Lý luận Nhị Ca -- Suốt ngày bàn chuyện mua cái gì, đi ăn uống ở chỗ nào.
Cặp 4: Chủ nhiệm Nguyễn Minh Châu. Văn Đỗ Chu. Thơ Lưu Quang Vũ. Lý luận Vương Trí Nhàn .Thì độ mấy hôm cả bọn bị gọi lên kiểm điểm .
Ai cũng nhận Xuân Sách giỏi phân tích người – trong nghiên cứu gọi là “loại hình hoá” người -- từ đó ghép người thành bộ và chỉ ra cả tương lai của những cơ cấu đó.
Việc “giữ gôn”ở báo tưởng như rất bận mà lại nhởn nhơ không đâu vào đâu. Xuân Sách là vậy , khách nào cũng tiếp , bài vở chỉ đọc một lượt là biết có dùng được hay không. Sẵn sàng xà vào các đám tán róc. Thế mà việc gì cũng xong.
Người vợ đầu cùng sống với anh lúc đó là chị Thẩm. Tháng đôi lần thấy Xuân Sách xách cặp về phố Thắng với gia đình. Thưa hơn một chút, chị Thẩm và bọn trẻ con kéo xuống cơ quan. Ra chợ Bắc Qua hoặc chợ Hòe Nhai về, đóng cửa lại nấu nướng bằng bếp điện.
Sau bữa ăn trẻ con xuống nhà chơi. Những buổi chiều, trên cái sân xi măng dưới bóng mấy cây đại, gần nửa dân sống ở cơ quan “ họp chợ”, tức là tập hợp lại trao đổi thông tin, ai đi đâu có chuyện gì lạ kể hết, rồi trêu ghẹo đùa bỡn với nhau.
Cháu là Ngô Thị Vân Hoài
Con ông Xuân Sách
Ngồi lê đôi mách
Cháu cô Xuân Quỳnh
Nghiên cứu phê bình
Cháu cô Minh Mẫn
Lẩm cà lẩm cẩm
Cháu chú Thanh Tâm
Cám hấp cám hâm
Cháu chú Minh Tước
Để sau quên trước
Cháu chú Minh Châu
Không đâu vào đâu
Cháu cô Hồng Điệp
Lòng gang dạ thép
Cháu chú Văn Thảo Nguyên
Ăn nói huyên thiên
Cháu chú Phạm Tiến Duật
Bài vè đó là cái mầm là bản nháp của một công việc anh theo đuổi mấy năm sau. Sự tìm thấy mình có chút gì đó ngẫu nhiên, gặp đâu hay đấy – dẫu sao còn hơn là cuộc đời qua đi mà không để lại dấu vết .
Những gương mặt khác nhau của một thế hệ
Trên biển lớn lênh đênh sóng nước
Ngoảnh đầu về xóm mới khuất xa
Cỏ non nay chắc đã già
Buồn tênh lại giở thư nhà ra xem
Như Xuân Sách đã kể, bài thơ chân dung thực thụ đầu tiên là bài viết về Hồ Phương. Nhà văn này là một thứ ngọn cờ trong văn học thời kỳ đầu chiến tranh, một giá trị của thời chiến. Nhưng ngay lúc ấy, nhiều người đã sớm nhận ra ở ông có sự phù phiếm của một người làm hàng. Đặt Hồ Phương vào giữa các nhà văn cùng lứa, người ta đọc ra nỗi thất vọng đến sớm của những người tưởng như thành đạt, song lại sớm rơi vào bế tắc, bế tắc vô nghĩa ngay trong sự trơn tru thành đạt. Xuân Sách dựa chắc vào những cái đó mà khái quát cái tình thế nghề nghiệp của cả một lớp người.
Chung quanh Hồ Phương có một chuyện vặt nữa mà cả cơ quan truyền tụng, đó là thói quen làm việc vội vội vàng vàng băm băm bổ bổ (Vũ Cao cũng có lần nói đùa là cái ông này sáng sáng vừa nhá bánh mì vừa viết lia lịa!), làm lấy được, bất cần chất lượng. Người khác còn mất công đi lại, Hồ Phương chỉ láng tráng vào B 5 gặp nhân vật một chút đã có ngay được Kan Lịch, hoặc vào khoảng 1966-67 không cần ra đảo như Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Khải, chỉ nghe một cán bộ Cồn Cỏ là Trần Đăng Khoa kể lại, mà cũng viết được một cuốn Chúng tôi chiến đấu ở Cồn Cỏ.
Chất hãnh tiến của Hồ Phương sẽ được Xuân Sách ghi lại trong một bài khác, anh không đưa vào tập
Thuyền đã ghé bến quen Cồn Cỏ
Nhằm quân thù anh nổ súng ran
Dưới cờ của Đảng vinh quang
Kan Lịch ơi hãy nhịp nhàng tiến lên
Tính tính tính tang tang tang tiền
(Nhằm thẳng quân thù mà bắn là tên một truyện ký của Hồ Phương viết về Nguyễn Viết Xuân, còn Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng là tên một hồi ký của tướng Song Hào, Hồ Phương ghi )
Theo hướng này Xuân Sách đã viết hai bài về Hữu Mai, cũng là một thứ chân dung sắc sảo:
Hỏng đôi mắt đâu phải là mất hết
Khi trong lòng còn hồi ức Điện Biên
Có đồng đội anh sợ gì cái chết
Cao điểm cuối cùng quyết chí xông lên
Ơn Đảng Bác chắp cho đôi cánh
Phía trước là mặt trận rồi phải đánh
Dải đất hẹp này không một đứa ngóc đầu lên
Ôi những tháng năm không thể nào quên
Hai bài tập hợp gần hết tên các tác phẩm của Hữu Mai, và điều quan trọng hơn là bắt được cái chất lý trí cả quyết đầy tham vọng của nhà văn này. Đây là một điều không ai ở nhà 4 Lý Nam Đế lạ gì. Một mặt ai cũng chia sẻ, ai cũng khâm phục -- nói cho cùng đây là đặc điểm chung của cả thế hệ, chẳng qua đến Hữu Mai nó bộc lộ rõ hơn. Nhưng mặt khác nhiều người cứ thoáng cảm thấy ngài ngại. Liệu cái đó có làm nên giá trị văn học bền vững?!
Sau những bài viết về Hồ Phương và Hữu Mai, có vẻ như Xuân Sách đã tìm được hướng đi và giọng điệu. Anh dần dần hướng tới những người khác. Cùng với Nguyễn Khải Nguyễn Minh Châu, hàng ngày Xuân Sách đã theo dõi hình ảnh các đồng nghiệp với một nụ cười kín đáo. Và sau nụ cười đó, có cả sự cảm phục lẫn sự nghi ngại.
Đọc lại những đoạn “giáng bút” in trên Ngày nay 1940, người ta thấy Lê Ta và Tú Mỡ thường thất bại trong hai trường hợp :
Thứ nhất nhẹ tay với người nhà tức là các nhân vật Tự lực Văn đoàn. Trong văn thơ châm biếm, đã nhẹ tay, đã hiền lành, thì bao giờ cũng khó hay. Đây là những đoạn giáng bút làm nhàm, kém cỏi
Khái Hưng
Khá đem góp tiếng trên đầu
Ý mầu ai hiểu cơ mầu được đây
Hư không nào có ai hay
Ưng điêu chắp nối đổi thay khôn lường
Hoàng Đạo
Trong hàng lớn nhỏ từ xưa
Ra đời lại chọn đúng giờ xấu xa
Tinh khôn nay đổi lại giờ
Tâm tâm niệm niệm ấy là người hay
Cả hai đoạn này, chỉ dùng những biện pháp mang tính cách tiểu xảo, như tả Khái Hưng, dùng lối chiết tự, ghép chữ, tả Hoàng Đạo, nhắc tới lý do có liên quan đến hai bút danh Tứ Ly và Hoàng Đạo - nên cả hai đều lủng củng, lại nhạt.
Thứ hai, ngược với sự nhạt là trường hợp những bài thơ mang tính cách tư thù cá nhân xách mé thô lỗ. Khi tả về các nhân vật mà Tự lực Văn đoàn, từng có lần va vấp... lời thơ Minh niên giáng bút có phần chớt nhả, và đi gần tới xúc phạm.
Vũ Trọng Can
Gan to, gan nặng lạ lùng
Bởi vì trong óc hẳn không có gì
Thế mà cũng dám ti toe
Nói năng viết viếc để loè tài hoa.
Ngô Tất Tố
Gặp khi tắt lửa tối đèn
Mập mờ tài trắng hay đen hỡi tài
Vì ta phát giác ra ngoài
Mười năm hương lửa cũng hoài luống công
Ngọc Giao
Tên này mới quý làm sao
Còn văn thì chẳng bún nào mềm hơn
Tài năng nhũn nhẽo như lươn
Xui chàng yêu ả, chị hờn với anh.
...
Đọc những đoạn “giáng bút” này, người ta có thể hiểu tại sao đương thời, Tự lực Văn đoàn bị một số người trong giới văn chương căm ghét: họ không công bằng. Và đôi khi họ tỏ thái độ bề trên - là điều tối kỵ trong quan hệ với các đồng nghiệp.
Xuân Sách cũng không xa lạ với vết xe đổ đó. Cái dễ dãi tầm thường thấy ở nhiều nơi như trong chân dung Nguyễn Khải, còn phần chọc ghẹo lảm nhảm xoa đầu đồng nghiệp thấy ở các bài viết về Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Đỗ Chu...
Giữa Nguyễn Khải và Xuân Sách có một mối giao tình kỳ lạ.
Nguyễn Khải năm đó sau Tầm nhìn xa, Hãy đi xa hơn nữa, Họ sống và chiến đấu trở thành cây bút số một của Văn Nghệ quân đội, tên tuổi nổi như cồn. Uy danh biến thành chức vụ, trong khi những Hữu Mai Hồ Phương chỉ là hội viên bình thường, ngay thành viên Ban chấp hành Hội nhà văn cũng chưa phải, thì vừa bắt đầu chiến tranh Nguyễn Khải được bổ sung vào hạt nhân lãnh đạo, tức thường vụ Ban chấp hành Hội.
Chỉ riêng điều đó đã khiến cho mọi người vừa chơi với Nguyễn Khải vừa ngại. Trong sự bơ vơ của mình, Nguyễn Khải tìm thấy ở Xuân Sách một người đối thoại lý tưởng.
Vốn thạo nghề, không phải Nguyễn Khải không biết thực chất những sáng tác của Xuân Sách hồi ấy. Có lần tác giả Mùa lạc nói riêng với tôi :
--Những tay viết lầm lầm rồi lúc nào đó, nó sẽ lên, không chừng nó sẽ thành nhà văn chân chính, như Xuân Thiều. Còn có những loại cứ bồng bênh suốt đời, mà không làm được việc gì, như Xuân Sách, loại này không bao giờ thành nhà văn cả.
Nhưng Nguyễn Khải là một tính cách rất mềm mại, ở chỗ bản thân không có quyền lợi gì thì anh hiện ra rất đáng yêu, khen ai mà không làm mất ở mình chút gì, thì anh hào phóng ra mặt. Đi với ai cũng hợp, đi với ai anh cũng phát hiện ngay chỗ tương đồng giữa mình với người đó, dần dà tìm ra cách để gần gũi và khai thác đối tượng, cốt sao có lợi cho việc sáng tác.
Theo cách nghĩ này, nghĩa là với mục đích thực dụng, Nguyễn Khải xưa nay chưa hề ngán ai bao giờ cả.
Có cái may là về phần mình, trong khi cũng thông minh và thạo đời, Xuân Sách lại chẳng bao giờ tính chuyện ngang hàng Nguyễn Khải. Mà còn cảm thấy may mắn, mà còn tri ân, cả ở chỗ riêng tư lẫn trước mặt mọi người. Chỉ riêng điều đó đã khiến tác giả Xung đột bằng lòng lắm rồi.
Bị ràng buộc bởi cái lệ “ làm đĩ chín phương cũng phải để một phương lấy chồng ”, đoạn Xuân Sách viết về Nguyễn Khải không đạt tới một chân dung khái quát. May lắm nó chỉ gợi ý cho thấy một khía cạnh của nhiều người viết văn, là hùng hổ vậy, nhưng lại nhát và quá nhiều toan tính cá nhân khi cầm bút.
Trong kho hàng của Xuân Sách có một loại riêng được truyền tụng rất nhiều, là những chân dung Xuân Thiều, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn, Lê Lựu ….. Mỗi khi đọc lên, sự khoái khẩu tới với người ta, một sự khoái khẩu kiểu truyện cười dân gian, rất dễ lây lan. Nhưng tôi không muốn chép lại ở đây. Người được nói tới không thú vị gì mà người viết là Xuân Sách thật ra cũng chỉ có cái thú tầm thường là được dịp tỏ ý khinh đời chế nhạo được xoa đầu người khác.
Xoàng nhất trong loạt bài này là mấy câu viết về Nguyễn Minh Châu.
Ban đầu bài viết có giọng khinh mạn ra mặt Cửa sông cất tiếng chào đời -- Đã ti toe những vùng trời khác nhau --/Dấu chân người lính in mau --Thằng này không trước thì sau cũng tù.
Điều này liên quan đến thói ghen ăn tức ở mà người ta thấy không hiếm trong giới và mặc dầu rất thông minh, Xuân Sách cũng không ra thoát.
Tài năng trong văn học là một khái niệm quá rộng. Bảo một người như Xuân Sách không có tài cũng không phải. Trong Xuân Sách có chất gì đó của những ông đồ tân thời, chữ Hán biết một ít, chữ tây biết một ít, văn học cổ truyện nôm dân gian khá sành mà những tác phẩm chính của Tự lực văn đoàn cũng đã đọc qua. Sự hiểu biết và chất lượng sáng tác của họ hợp với những làng quê, những phố huyện, nó cũng là rất thích hợp cho yêu cầu tuyên truyền của những năm tháng chiến tranh.
Nhưng so với cái mặt bằng của Văn nghệ quân đội những năm ấy thì Xuân Sách thuộc về một cái gì hơi thấp.
Một mặt chúng tôi biết rằng thứ sáng tác văn thơ của anh rất cần cho báo. Nhưng mặt khác thì nhiều người vẫn cứ không bằng lòng, khi thấy ở Xuân Sách chỉ là sự dễ dãi trong lao động nghệ thuật.
Người khó chịu nhất với cái phương diện này của Xuân Sách là Nguyễn Minh Châu. Hai nhà văn vốn coi như cùng trang lứa. Cả hai cùng về cơ quan sau lớp Hữu Mai Hồ Phương và cho tới đầu chiến tranh chưa có gì nổi bật nên dễ hiẻu nhau. Mọi việc chỉ khác đi khi Nguyễn Minh Châu cho in Cửa sông mà Xuân Sách thì chưa có cuốn nào ra hồn.
Kế đó, cuối 1967, họ cùng được cử đi chiến trường B5, đợt đánh Khe Sanh. Trong lúc Nguyễn Minh Châu lẳng lặng viết yiêủ thuyết Dấu chân người lính ( mãi đầu 1972 mới in xong và thành một cuốn loại trội nhất trong số các tác phẩm viết về chiến tranh ), thì Xuân Sách chỉ có tập thơ Trong lửa đạn, tập truyện Đêm ra trận, cả hai in ra ngay sau đợt đi và sau này không ai còn nhớ tới chúng. Sự tách tốp bắt đầu từ đấy.
Không cần ở lâu lắm cũng có thể nhận ra sự đối lập giữa Nguyễn Minh Châu và Xuân Sách. Một bên linh động sắc sảo trong văn mà ngoài đời lại khờ khạo, vật vờ theo kiểu lên đồng. Một bên như ma xó chuyện gì cũng biết, nhưng khi viết thì bao nhiêu thông minh lại biến đâu hết. Và trong cuộc sống, nếu một bên lúc nào cũng đặt ra cho mình những mục đích cao để vươn tới – giá có thất bại cũng vươn tới, thì một bên lại khôn ngoan giấu đi cái kém, không bao giờ lố bịch cả, nhưng cũng không bao giờ gây ra bất ngờ.
Cả hai những năm đó là một đối tượng để mọi người trong cơ quan bàn bạc.
Một lần Hữu Mai cười cười nói với tôi.
--Bây giờ Xuân Sách của các ông như con gà đẻ lang ấy, đẻ bụi đẻ bờ khắp cả mọi nơi.
Trong lời giễu của Hữu Mai có hàm cái ý chê Xuân Sách viết nhiều viết ẩu.
Nhiều người khác cũng nói vậy. Xuân Sách trở về thường xuyên trong câu chuyện hàng ngày giữa tôi với Nguyễn Minh Châu. Từ Xuân Sách chúng tôi nhận ra một kiểu người viết.
-- Nó là một kiểu văn tài đấy! Ban đầu tác giả Dấu chân người lính còn nói bằng một giọng dè dặt.
Rồi khi nghe tôi thắc mắc tỏ vẻ chưa chịu với lối nói lửng lơ lảng tránh thì Nguyễn Minh Châu mới nói thật. Trường hợp Xuân Sách được anh đối chiếu với quan niệm chung về người viết văn:
-- Người ta, nhất là người viết, có những mặt phải điếc đi một ít, thì mới hòng viết được. Đằng này cái thằng Xuân Sách này cái gì cũng hay, chuyện gì cũng thạo, gái cũng giỏi, chính trị cũng tinh vi, thế thì đầu óc đâu mà viết nữa.
Vì đây chỉ là chuyện phiếm một loại trà dư tửu hậu, nên tôi tự cho phép mình nghĩ gì nói nấy. Tôi nêu một nhận xét có phần vu vơ:
-- Nói chuyện với ông Sách, nhiều khi rất thích, nhưng nhiều khi rất ngấy. Cứ như miếng thịt ôi, không biết dùng vào việc gì nữa.
-- Ừ có lý! Sách nó thông minh, nhưng là sự thông minh tiếp nhận, chứ không phải sự thông minh phát ra.
-- Nhiều khi đứng trước những chuyện lôi thôi, ông ấy tảng lờ như không thèm để ý. Người ta khen thế là có bản lĩnh. Nhưng tôi thấy bản lĩnh một người viết văn phải là cái phần này: cái phần hướng về phía trước.
- Có cái chết là tất cả cánh Văn nghệ quân đội bây giờ, cả ông Cao, ông Hoàng, ông Ngữ, đều là mắc chung cái bệnh như vậy cả.
Những lời đàm tiếu này, Xuân Sách biết hết. Và trong thâm tâm công nhận nữa. Nhưng vẫn có gì ấm ức. Dù thừa hiểu vị trí của Nguyễn Minh Châu trên văn đàn, nhưng vì tự ái nên vẫn không chịu nó bộc lộ thành những dòng miêu tả Nguyễn Minh Châu như trên. Về sau đoạn viết về anh Châu mà tôi dẫn ở trên có sửa lại, nhưng vẫn không hay.
Nếu những bài viết về Nguyễn Minh Châu hoặc Đỗ Chu cho thấy thơ chân dung nhiều khi chỉ là một thứ đùa của Xuân Sách-- kể cả đùa nhả đùa nhảm -- thì bên cạnh đấy, lại có những bài đầy tính chất chiêm nghiệm. Đó là các bài về Thanh Tịnh, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật.
Trong Thanh Tịnh, Xuân Sách bắt đầu chỉ ra nỗi buồn nói chung của kiếp người “ bao năm ngậm ngải tìm trầm-- Giã từ quê mẹ xa dòng Hương Giang…”
Hình ảnh Chính Hữu dưới mắt Xuân Sách, có cả hai bình diện, cái phần tiềm năng trong con người và cái phần phôi pha trôi nổi theo cuộc đời. Tiềm năng thứ nhất là là tài thơ. Nhưng lại còn tiềm năng thứ hai, đó là thói quen sống và làm việc theo yêu cầu của xã hội, làm cả những việc có vẻ mình không thích, nhưng vẫn rất mẫn cán rất kỹ càng, rồi trở thành người phụ trách công tác văn nghệ một cách rất tự nhiên. Cả hai tiềm năng đều ngang nhau, chứ không cái nào lớn hơn cái nào.
Bảo rằng với Chính Hữu, chiếc ghế quan trường giết chết thơ thực ra là nói oan. Không làm quan thì Chính Hữu vẫn có lối viết gò thắt và dừng lại ở một đời thơ mỏng mảnh cằn cỗi.
Song dẫu sao bài thơ cũng ghi được tình thế dở dang “ dở quan chức dở nghệ sĩ” của một số người cầm bút thời nay.
Từ bắt đầu chiến tranh, anh em ở Văn nghệ quân đội chúng tôi năm ấy đã có dịp theo dõi quá trình đến với thơ của Phạm Tiến Duật, hiểu cả những bước đi chập chững đầu tiên tới giai đoạn thơ một chặng đường đạt tới sự công nhận của cả xã hội. Khi viết về Phạm Tiến Duật, Xuân Sách không rơi vào bông phèng đuà bỡn mà có cái nhìn bao quát về mối quan hệ giữa nhà thơ và thời đại, cụ thể là tác động của chiến tranh tới số phận người viết văn. Người ta chỉ hay nói về chiến tranh như một hoàn cảnh thuận lợi để các nhà văn lâp nghiệp. Xuân Sách nói ngược lại tức là nêu cả mặt thuận lẫn mặt nghịch. “ Đời đã tưởng bay lên vầng trăng – Lại rơi xuống chiếc xe không kính – Ra thế giữa chiến trường – Nghe tiếng bom cũng mạnh.. Viết như thế vào lúc tên tuổi Phạm Tiên Duật đang lên như diều, là cả một sự tiên tri, mà chỉ nhờ vào việc tiếp thu nhận xét của những Nguyễn Khải Nguyễn Minh Châu, Xuân Sách mới đạt tới.
Thuộc loại hay nhất của thơ chân dung phải kể mấy câu Xuân Sách viết về Nguyễn Ngọc Tấn. Những bi đát của cuộc đời. Cái bất lực của người cầm bút. Bao nhiêu điều hàng ngày ai cũng nghĩ mà không ai nói ra thì Xuân Sách đã nói
Trăng sáng riêng soi một mặt người
Mối tình đôi bạn cách phương trời
Ước mơ của đất, anh về đất
Im lặng mà không cứu nổi đời
Đặt mấy câu này bên cạnh các đoạn chân dung trên, tôi rút ra nhận xét nhà văn VN hình như chỉ có hai khuôn mặt là bi thảm và hài hước, mà phần nhiều bi đát ngay trong cái vẻ buồn cười của mình, còn số bi thảm thực sự, bi kịch với nghĩa cao cả của khái niệm thì hơi ít.
Một bước tự nhận thức của cả giới cầm bút
Nếu qua mảng chân dung vừa dẫn ở trên, Xuân Sách chủ yếu làm nổi lên cái nhiệt tình và liều lĩnh, tham vọng và thất thường, bền bỉ và hãnh tiến của thế hệ cùng tuổi với mình thì đến lúc viết về lớp già tức các cây bút đã trưởng thành từ trước 1945, anh lại cho thấy một xã hội dân sự trong văn chương ở đó hiện ra đủ mọi mặt người, mọi kiểu tồn tại.
Ở đây chúng ta bắt gặp những nhân cách đa dạng và ổn định. Họ là Ngô Tất Tố thấu hiểu đủ mọi chuyện làng chuyện nước. Là Nguyễn Công Hoan như anh kép Tư Bền bới tung đống rác xưa và nay. Là Nam Cao tả sâu vào thời mình mà là tả sự bất lực và chống đối tuyệt vọng của con người mọi thời đại. Là Kim Lân “ Phận mình xấu xí cũng vì miếng ăn”
Mang lại cho Xuân Sách uy tín và được truyền tụng nhiều nhất là hai bài anh tả Hoài Thanh Chế Lan Viên.
Thời nào đến giờ, đám người hay chữ chỉ là đám quan chờ, thì sự nịnh nọt có gì là lạ. Cũng như mọi sự tàn ác, trong nghề ghen tị chèn ép nhau, bán đứng lẫn nhau ; cũng như thói chống đối vặt; cũng như lối vênh vang làm dáng khoe mẽ mẹ hát con khen hay... người đời có cái gì thì người cầm bút trong xã hội hiện đại có cả. Có điều, một thời gian dài chúng ta lại cứ lờ đi coi như không có. Bởi vậy, những bài đánh vỗ mặt-- những bài mang tính cách lật tẩy, dám nói to lên những điều mà người khác đã nghĩ về các nhân vật kia, mà chưa có dịp nói -- như các bài tả Hoài Thanh Chế Lan Viên nói trên, dễ được người ta kháo nhau truyền tay nhau và xem như một phát hiện.
Thế nhưng nếu chỉ có thế thì các chân dung nhà văn của Xuân Sách dù có sức lưu truyền mạnh tức thời cũng không thể có sức sống dai dẳng.
Tôi cho rằng trong một số trường hợp, người viết chân dung có chạm tới một cái gì sâu sắc hơn.
Ở trên tôi đã dẫn ra những bài hay nhất Xuân Sách viết về các đồng nghiệp cùng cơ quan. Trong số này có một bài thường bị bỏ qua song tôi lại thấy đáng để ý. Thơ ông tang tính tang tình -- Cây đa bến nước mái đình vườn dâu -- Thân ông mấy lượt lấm đầu -- Miếng mồi danh lợi mắc câu vẫn thèm. Đáng để ý vì tuy thất bại trong việc nói riêng về một người đấy ( người đó không nổi, không đủ sức trở thành một điển hình để người ta nhớ ) nhưng bài này lại phác ra một thứ chân dung nhóm. Tang tính tang tình , một tí làng quê, một tí chinh chiến.... Những cái viết ra loanh quanh . Nhạt nhẽo tầm thường mòn sáo. Nhiều người chúng tôi là thế .
Cách viết này – mà trước tiên là cách nhìn này --đến khi hướng tới các nhà văn lứa trước và nói chung là các nhà văn “dân sự” mới thật phát huy hiệu quả.
Nhiều người vào với nghề chỉ với một ít năng khiếu bước đầu , khi thứ năng khiếu đó mòn cạn thì xảy ra bao bi hài kịch . Người ta có làm được một cái gì đấy, nhưng còn lâu mới gọi là đến cái đich của mình “ Anh đã đứng trước biển – Cù lao tràm kia rồi—Nhưng khoảng cách còn lại—Xa vời lắm anh ơi . Nhiều người lúng túng như người đàn bà ngồi đan sợi dọc thì rối sợi ngang thì trùng. Thậm chí đây đó có người khi rời bỏ cơ sở để ăn lương ngồi viết thì “ hoá ra thằng ngẩn ngơ ‘ lúc nào không biết . Cứ thế mà cuộc sống mòn tiếp tục.
Nhìn chung lại trong cái thế giới phù phiếm này, thực ra bao của giả. Cái chuyện lạc đường vào Hội nhà văn nào chỉ là số phận của riêng ai. Người ta mất tăm sau những cuốn sách ngẫu nhiên ra đời Bốn mươi tuổi mới vào đời--/Ăn đòn hội chợ tơi bời xác xơ--?Giữa hai trận tuyên ngu ngơ-- Trong lòng Hà Nội bây giờ ở đâu.
Nhưng ở đời mấy ai chịu công nhận là mình lạc đường , mình bất tài. Người ta tiếp tục làm ra những thứ vô bổ và bằng lòng với mọi thứ danh vị hão. Luôn luôn xuất hiện cả những kẻ “ nằm vạ ‘ trước cửa Hội lẫn những kẻ kêu làng phá đám như Chí Phèo xưa. Có thể là anh không định thế, tôi biết. Nhưng hoàn cảnh đã đẩy anh đến tình thế đó , xin anh ráng chịu !
Đi đến cùng trong triết lý, nhiều lần Xuân Sách gọi ra sự vô nghĩa lý của kiếp người cầm bút. Một cuộc đời hanh thông tròn trặn êm đẹp như đời thơ Tế Hanh rút lại cũng là ngao ngán buồn phiền “ Quá tuổi hoa niên đã bạc đầu – Tình còn dang dở tận Hàng Châu – Khúc ca mới hát sao buồn thế -- Hai nửa yêu thương một nửa sầu”
Gãy đứt nửa vời nó là cái gì đi xuống trong số phận nhiều người, để rồi quanh quẩn không thoát khỏi bơ vơ đơn độc. Đi bước nữa rồi đi bước nữa – Phấn son mưa nắng đã tàn phai—Cái kiếp đào chèo là vậy đó –Đêm tàn bạn cũ chẳng còn ai (bài về Nguyễn Thế Phương )
Oai hùng nào cũng có lúc chấm dứt, sự mở đường nào cũng có lúc dừng lại, cuộc đời tự do nào rồi rút lại cũng là chết trong tù túng, đó là ý nghĩa của bài về Thế Lữ : Với tiếng sáo Thiên Thai dìu dặt—Mở ra dòng Thơ mới cho đời—Bỏ rừng già về vườn Bách Thú – Con hổ buồn lặng lẽ trút tàn hơi.
Đôi khi lại là những bâng khuâng trước một cái gì phôi pha theo thời gian và nỗi bơ vơ thường trực Ấy bức tranh quê đẹp một thời – Má hồng đến quá nửa pha phôi – Bên sông vải chín mùa tu hú—Khắc khoải kêu chi suốt môt đời ( bài về Anh Thơ)
Những bài viết về Thế Lữ, Tế Hanh, Anh Thơ...mở ra một khía cạnh mới của Xuân Sách. Giai đoạn đầu khi viết về lớp người như mình, ở cùng cơ quan với mình, Xuân Sách may lắm mới chỉ nói được con người của cái thời chúng ta đang sống. Khi đi vào cả lớp nhà văn kỳ cựu bên Hội, Xuân Sách đã chạm tới cả những vui buồn của bao kiếp người cầm bút.
Nhà văn là những con người người nhất với nghĩa cuộc đời thật mong manh và những mong mỏi bao giờ cũng nằm ngoài tầm tay với.
Có một câu hỏi tôi thường được nghe khi đọc các bài thơ chân dung văn nghệ sĩ bên Hội mà Xuân Sách đã viết:
--Tại sao chỉ ở 4 Lý Nam Đế mà Xuân Sách thạo chuyện bên 65 Nguyễn Du như vậy?
Để trả lời câu hỏi này chỉ có cách trở về với Nguyễn Khải. Cái cầu nối đời sống anh em Văn nghệ quân đội lúc ấy với đời sống văn học bên Hội mà Xuân Sách nói ở đây vẫn là Nguyễn Khải. Hồi ấy Nguyễn Khải ở khu tập thể ngoài bãi Phúc Xá. Một hai lần trong một tuần, Nguyễn Khải đạp xe xuống 65 Nguyễn Du và trên đường về nhà riêng, anh thường rẽ vào 4 Lý Nam Đế để trò chuyện với chúng tôi. Về một buổi họp thường vụ, các thủ lĩnh Hội bàn bạc ý kiến ra sao. Về một chuyến đi các địa phương cần hình thành ngay. Về một đoàn nhà văn nước ngoài sắp vào … Và quan trọng nhất Nguyễn Khải kể về những chỉ đạo của cấp trên với Hội, chỗ này khen chỗ kia chê, chỗ đe nẹt chì chiết... cùng là cách tiếp nhận những chỉ thị ấy của đám người cầm bút đương thời. Văn nghệ lạ lắm, văn nghệ chả là gì cả nhưng trong chiến tranh đây lại là chỗ luôn luôn được quan tâm, bởi hình như nó là cái mạch đập tinh thần của con người, nó là hàn thử biểu của xã hội, và một khi là một người viết thời nay, người ta không được bỏ qua điều gì cả.
Cái cách kể của Nguyễn Khải là cách nháp của một nhà văn sau khi đi thực tế. Trong lời kể ấy, chân dung các nhà văn hiện lên rõ mồn một. Ông Nguyễn Tuân vun quén quanh mình một huyền thoại. Ông Nguyễn Đình Thi trong lúc chờ làm việc lớn, sống một cuộc đời công chức và ham chơi. Ông Hoàng Trung Thông bắt đầu cảm thấy thế nào là bất lực nên hay say rượu. Ông Tô Hoài lên rừng như một cách đi trốn, chân bước đi xa mà lòng để cả ở Hà Nội … Bao giờ thì tính cách những người trong cuộc và nhất là sự vận động của tính cách ấy cũng được Nguyễn Khải làm nổi.
Trong hồi ký Cát bụi chân ai,Tô Hoài từng tự nhủ văn nghệ nói là quan trọng thế thôi, chứ thực ra là một cái gì có cũng được mà không cũng được.
Tinh thần cái sinh hoạt bên Hội mà Nguyễn Khải kể với Xuân sách cũng là như vậy.
Mấy năm 1960-63 ít nhiều có tạo nên một không khí sáng tác hào hứng. Có cảm tưởng là một không khí phục hưng của một thời thịnh trị. Thế nhưng chiến tranh đã nhanh chóng kéo người ta trở lại với thực tế. Chiến tranh cần tới sự có mặt của văn nghệ, đưa văn nghệ lên đỉnh cao, nhưng cũng tiêu hủy sức lực của người ta một cách nhanh nhất, và sớm để lại một sự thất vọng ngấm ngầm.
Tôi nhớ một kết luận mà Nguyễn Khải trở đi trở lại. Đằng sau lời kể về một cảnh chợ chiều bao giờ cũng là một khái quát chung về thân phận, và cái ám ảnh dai dẳng về thời gian trong số phận cá nhân: “Thế mà cả một kiếp người đã đi qua! Sau này nhớ lại chỉ cần mấy chữ “ một thời chiến tranh “, thế là xong!”
Thỉnh thoảng người ta cũng thoáng nhếch mép cười vì những nhố nhăng, nhưng sau tiếng cười là nỗi buồn thấm thía.
Ngay từ lúc ấy , cuộc chiến đã khiến người ta cảm thấy nó kéo quá dài. Tưởng như không khía cạnh nào của giới văn nghệ lại không có dịp bộc lộ...
Kẻ cầm bút ở ta thường bị lý tưởng hóa, tức gán cho vai trò ông thần ông thánh. Việc này có giải phóng ở họ ít sức lực, nhưng tai hại ở chỗ làm cho họ không còn là mình.Trong khi bị buộc phải đóng vai cao thượng, nhiều người lái cuộc sống mình đi theo hướng giả tạo.
Cũng may mà đời sống hiện đại góp phần hóa giải cái huyền thoại đó. Bản thân giới nghệ sĩ có sự tỉnh táo trở lại.
Khoảng 1972 có một sinh hoạt khá thú vị bên Hội. Cấp trên định làm một cuộc khen thưởng -- nối vào cái giải thưởng !954-55-- liền cho mọi người ngồi tính với nhau xem trong 27 năm từ 1955 tới 1972, có ai nổi hơn cả ai nổi lên hơn cả .
Nguyễn Khải về kể với tôi và tôi ghi lại trong sổ tay, cả về ý nghĩa của giải thưởng lẫn những đánh giá cụ thể :
*Không, phen này cũng là lúc để mình có thể học tập về lâu về dài được. Không phải là chuyện đùa đâu. Người ta cũng có ý thức về công việc của người ta lắm. Ví dụ như có tập văn xuôi của ông Quang Dũng chẳng hạn. Phen này không biết chừng được giải đấy. Nhiều ông sách ra sách vào tới tấp như ông Tô Hoài, bây giờ người ta đang lưỡng lự, chẳng biết chọn quyển nào cả. Ông Hồ Phương, tổ trưởng tổ văn ư, - mo phú hết. Trong khi đó, một cái thằng lơ láo ở đâu nó cắp chiếu đến, như Nguyễn Minh Châu, thì hai quyển sách của nó lại cứ lù lù ra đấy, chẳng ai gạt được.
* Chính tôi nhiều lúc tôi còn "mặt trận" hơn ai hết. Chứ các ông ấy làm việc đúng là các ông ngự sử! Nxb Văn học nó cậy nó là Nxb có uy tín nhất, đưa ra một bản đề nghị. Nguyễn Huy Tưởng- Không, chỉ biểu dương Sống mãi với thủ đô. Tô Hoài không, chỉ biểu dương Miền Tây. Nguyễn Đình Thi chỉ có Vỡ bờ tập 1, mà cũng còn phân vân giữa giải thưởng và biểu dương. Còn như Nguyễn Tuân: Sông Đà -- biểu dương.
- Nguyễn Tuân phải xem lại thế nào chứ? Tôi (Nguyễn Khải ) nói.
- Thế nào thì thế, cứ tưởng ở tác phẩm ông ấy cậy ông ấy là nhà văn lớn, ông ấy mang cả sổ tay của ông ấy ra, văn chương toàn tài liệu nghe báo cáo cả. Có phải là cứ thế mà thành văn chương đâu.
* Về Nguyễn Công Hoan, tôi đưa ra Hỗn canh Hỗn cư. Các ông ấy cười. Chỉ viết tên Nguyễn Công Hoan, rồi để một dấu hỏi to tướng ở đấy, để cho ban chung khảo. Phen này là bương hết. Hồ Phương Kan Lịch không, may ra cái Cỏ non còn có tính chất văn học. Nguyễn Ngọc Tấn, những truyện ngắn viết hồi ở ngoài này bỏ đi cả. Người chết, người đi chiến trường, những cái ấy để ra ngoài hết. Đây chỉ xét về mặt văn học. Những truyện của ông Tấn, toàn li - rích (trữ tình) , đứng sao được. Nguyễn Kiên, Trong làng với Đồng tháng 5 ư, sổ tất. Bà Vũ Thị Thường còn giả hơn ông Nguyễn Kiên nữa kia, nhưng là nhà văn nữ duy nhất được nói tới. Huy Cận có quyển Đất nở hoa, nhưng chả ai biết nói thế nào thêm nữa, vì nó cũng chỉ đến vậy mà thôi.
Mỗi nhà xuất bản giới thiệu một ít sách đến cho Ban giải thưởng. Hôm qua đi họp, thì nhắc đến Nxb Lao động. Trước đây, ông Nguyên Hồng đã tuyên bố: thôi, tôi là người phát thưởng cho những quyển về đề tài công nhân đó, tôi đề nghị thôi thôi. Giờ thì càng đọc vào càng thấy ông ta có lý.
* Đúng là có nhiều mặt, các ông ấy cũng bạc nhược. Nhưng cũng có rất nhiều mặt, các ông ấy cũng sáng suốt lắm nghĩa là ghê lắm chứ không vừa đâu. Đây ông xem, như quyển Quang Dũng. Chính mồm ông Chế Lan Viên nói ra với tôi, chứ không phải ai.
... Buồn cười, hôm nọ, có ông mới bảo: Bây giờ hỏi lại cấp trên xem có phải là có thể đặt các quyển hồi ký ra ngoài không. Ông Chế Lan Viên cho ngay một câu : Thôi, thôi, cái gì mà cấp trên đã nói rồi, thì ta cứ thế mà làm. Đừng hỏi lại nữa. Hỏi lại, trên lại thay đổi ý kiến, có phải mình phiền không. Mà ai bảo đảm rằng ý kiến không thay đổi?
.....
Không phải tất cả những đánh giá trên đây là đúng, tôi ghi lại ở đây chỉ để nhấn mạnh trong hoàn cảnh trì trệ của hậu phương, người ta có dịp tỉnh táo nhìn lại chính mình. Bề ngoài thất thường , khi bàn bạc về nhau có cả sự đùa bỡn đưa nhau lên mây xanh và giáng nhau xuống bùn đen. Nhưng đó chỉ là bên ngoài. Cuối cùng là hiểu nhau và hiểu chung về nghề. Chỉ cái đó mới còn lại. Tìm tới một sự suy nghĩ đúng đắn về nghề cũng như về mình là khao khát thường trực của những nghệ sĩ chân chính.
May mắn của Xuân Sách và của một người mới học nghề như tôi là mấy năm ấy sớm tiếp nhận được sự tỉnh táo của cả những đầu óc thông minh nhất . Nói quá lên một chút , Khi phác hoạ chân dung, Xuân Sách chỉ là công cụ của lịch sử. Cái chính là lúc này trình độ tự ý thức của người cầm bút đã tiếp thêm sức nghĩ cho những ai muốn nghĩ.
Người ta quan tâm đến thơ Xuân Sách cũng là do những lý do đó.
Sổ tay tôi khoảng 1972 còn ghi :
Tết, ngồi với ông Hoàng Trung Nho, Hân ( Phan Hồng Giang). Nhân có người muốn dò thêm về lực lượng người viết ở 4 Lý Nam Đế, Nguyễn Khải tự nhiên buột miệng kể ra việc Xuân Sách làm thơ chân dung. Đâu như ông bảo: Không, bên tôi, người mà giỏi nhất phải là ông Xuân Sách. Đó mới là người thông minh hơn hết thảy, chứ chúng tôi thì không phải đâu.
Và Nguyễn Khải đọc thơ chân dung.
Về sau Nguyễn Khải giải thích thêm: Mục đích của tôi là để cho họ ( dân bên Hội ) biết mình không chỉ viết được nhiều, đi chiến trường giỏi, mà còn cũng thông minh và đáo để nữa.
Giống như một thứ cò mồi, tôi – vẫn lời Khải -- phải lấy tôi nói trước. Rồi đến ông Hồ Phương, ông Hữu Mai... Không chỉ nói người ngoài mà người nhà với nhau cũng sâu cay ra trò, ngụ ý của tôi là vậy. Ông Tế Hanh, ông Hoàng Trung Nho, rồi Phan Hồng Giang, Bùi Bình Thi nhộn nhạo cả lên.Ví như về tác giả Xung kích,Vỡ bờ. Hân: Đúng chất ông này là bắng nhắng, cái gì cũng dúng vào, mà chẳng làm gì giỏi. Bài về Nguyên Hồng: Con hồ già uống rượu giả vờ say -- điểm huyệt rất trúng, sự giả vờ của ông già có tiếng là tâm huyết cần được phơi bày cho mọi người biết. Về ông Chế Lan Viên thì chưa hay lắm. Chưa nói được bản chất nói xuôi nói ngược thế nào cũng hay của ông ấy.Về ông Huy Cận, cái vẻ thoả mãn thì không ai cãi hộ nổi rồi.
(Một dịp khác )Nxb Quân đội nhân dân họp mặt mời các nhà văn bên Hội đến. Lại đọc. Tô Hoài “Xuân Sách không làm được về mình đâu. Mình cũng hơi khó nắm đấy “.Nguyễn Khải : “Tôi chỉ xin đọc anh nghe câu đầu tiên-- Dế mèn lưu lạc mười năm.” Ông Tô Hoài giật mình ngay. Nguyễn Đình Thi lúc đầu có vẻ thạo nghề “Ờ đọc xem, các nước người ta vãn có lối viết anecdot thế này. Đến khi nghe đọc bài về mình xong lại nghiêm nét mặt “ Thơ này có lợi cho ai nhỉ “.
Về sau ông Thi vớt vát: “Chúng ta đều rất thông minh cả. Nhưng có thông minh nhỏ, có thông minh lớn. Phải phấn đấu để có những thông minh lớn cơ “.
Xuân Sách về kể: “Họ cũng phải thấy là cánh mình sống với nhau, cởi mở, có thể nói với nhau khá nhiều ý. Thế là được!”
Không phải để bảo mọi nhận xét trên đây đều đúng hết tôi muốn lưu ý những chi tiết này, chỉ để thấy sở dĩ thơ Xuân Sách ra đời được vì nó hình thành đúng vào lúc giới nhà văn có nhu cầu nhận thức về mình.
Chung quanh sự phản ứng trước thơ chân dung còn một việc nữa đáng nói.
Những người từng sống kỹ với đời sống văn học mấy năm 1992-1994 chắc nhớ một điều là khi được in lại thành tập, tập sách độc đáo này của Xuân Sách vấp ngay phải một luồng dư luận công kích ra mặt. Một số anh em định làm đơn kiện tác giả vì đã xúc phạm họ . Chuyện từ đùa bỡn đã sang nghiêm chỉnh .
Về sau khi sự việc đã qua, tôi ngồi thử phân tích thì thấy chính những bài dở tức là những bài thuần tuý đùa bỡn lại làm hại ngòi bút nhà thơ phúng thích. Trước các đồng nghiệp mà Xuân Sách coi là loàng xoàng, anh tỏ ý coi thường ra mặt. Anh mang những chuyện lặt vặt của người ta ra để nói. Bất kỳ một người bình thường nào đó đã không chịu được, nói chi là những người đã thành danh như Xuân Thiều như Đỗ Chu...Xuân Sách lĩnh đủ những sự căm ghét vì lý do đó.
Khi Xuân Sách có sự nhìn nhận nghiêm chỉnh thì lại khác. Như là trường hợp Xuân Diệu. Xuân Sách kể sau khi nghe mấy câu“Chao ôi ngói mới nhà không mới – Riêng còn chẳng có có chi chung” Xuân Diệu không phản ứng mà còn thú vị khen là người viết những dòng này sẽ bất tử. Có thể tin được chi tiết đó vì trước hết tác giả Thơ thơ là người từng trải. Việc trong giới xầm xì bàn về nhau, dãn đến loại thơ như Xuân Sách với ông không lạ. Hơn thế nữa phải nhận ở chỗ riêng tư, Xuân Diệu khá sòng phẳng. Ông hoàn toàn hiểu cái yếu của mình. Trong khi tả cái thăng trầm biến đổi của ngòi bút từng viết Thơ thơ,Xuân Sách đã đặt Xuân Diệu vào cái mạch lớn của cuộc đời . Tri kỷ là thế chứ còn gì nữa , dù là chỉ tri kỷ trong một trường hợp duy nhất !
Trở lại với bài Hoài Thanh. Như đã nói ở trên chỉ thấy bài thơ nói về sự xu nịnh là không đủ. Cảm tưởng về cái khả năng “ cận nhân tình’’ của Xuân Sách là ở đoạn cuối Bình thơ đến thuở bạc đầu –Vẫn không thể tất một câu nhân tình –giật mình mình lại thương mình – tàn canh tỉnh rượu bóng hình cũng tan. Giọng thơ buồn bã ở đây, cả cái đau xót, cả một thoáng hư vô “bóng hình cũng tan” ở đây, cho thấy Xuân Sách với Hoài Thanh còn một sự kính trọng. Bởi thấy bài thơ hé ra một thực tế : sau khi đóng trọn cái vai được giao, Hoài Thanh còn một con người khác. Thấy thương mình và xót xa cho bao kiếp người như mình và hiểu rằng bởi đã dấn sâu vào bùn lầy rồi, không chừng mình chẳng còn gì Có cảm tưởng Xuân Sách từ mình mà suy ra người khác, không chỉ viết về Hoài Thanh mà còn viết chung về những kiếp người tha hoá.
Một trong những bài hay nhất có sức khái quát nhất là bài viết về Hoàng Trung Thông.
Đường chúng ta đi trong gió lửa
Còn ước mơ chi những cánh buồm
Từ thuở tóc xanh đi vỡ đất
Bạc đầu sỏi đá chửa thành cơm
Lần đầu nghe chính miệng Xuân Sách đọc bài này, tôi đã nghĩ nó sẽ sống lâu lắm. Bởi tôi cảm nghe trong đó nhà thơ chỉ nhân cá nhân Hoàng Trung Thông để nói về một lớp người làm văn nghệ đương thời. Quyết tâm ư, chí khí ư, người ta rót vào tai nhau rằng chỉ cần có thế là trở thành bất tử và quả thật sự quyết tâm ấy có mang lại một cái gì đó, mang lại những tên tuổi và cả một thời văn nghệ. Nhưng thử tách ra, thử lùi lại thử đặt mình vào toàn cảnh lịch sử, chúng ta thấy gì ? Chúng ta sẽ thấy cái còn lại nhiều khi chỉ là bất lực thất bại.
Học theo cách làm của nước ngoài, gần đây đã có người đề nghị lúc nào đó ở ta xã hội sẽ tính chuyện xây dựng hẳn một nghĩa tranh dành riêng cho các nhà văn. Hẳn còn lâu cái đề nghị đó mới được thực hiện. Nhất là giá có ai hỏi rằng chúng ta đã có đủ một lớp nhà văn cơ bản đáng quan tâm như thế hay chưa thì tôi cũng sẽ không ngần ngại nói chưa.
Nhưng giả sử có một nghĩa trang như thế, tôi muốn đề nghị mang mấy câu Xuân Sách viết về Hoàng Trung Thông ra đặt ở ngoài cổng.
Được đặt một hai dòng chữ của mình ở những nơi danh thắng những địa điểm lịch sử là vinh dự mà người xưa nào ở phương Đông cũng mong mỏi. Tôi nghĩ rằng Xuân Sách thừa biết điều đó, nên với đề nghị của tôi chắc ở dưới suối vàng anh không phản đối.
Sự hình thành một huyền thoại mới
Từ quá trình sáng tác của Xuân Sách, tôi đã thử liên hệ với đời sống văn nghệ, những mẫu người viết một thời. Nhưng bản thân số phận người viết Xuân Sách cũng là một nhân vật mà tôi muốn kể tiếp. Sau đây là một ít chuyện vặt và những suy nghĩ rút ra từ đó.
Ngoài thơ tứ tuyệt các nhà văn cũng thường cũng “chơi nhau” bằng câu đối.
Về Tú Mỡ và Khái Hưng
--Dưới bóng tre xanh Tú Mỡ buông câu dòng nước ngược
Dọc đường gió bụi Khái Hưng đứng bán gánh hàng hoa
Về Vân Đài và Đoàn Phú Tứ
--Thanh lịch Vân Đài, thanh lịch.. kịch
Ngã ba Phú Tứ, ngã ba.. hoa
Về Thanh Tịnh
-- Thanh thanh thanh, thanh tú thanh giường thanh thiếu nữ
Tịnh tịnh tịnh, tịnh sừng tịnh mỏ tịnh nam mô
Và về Xuân Sách
-- Xuân đâu nữa 40, con 3 đứa, sao 3 ngôi, khôn dại dại khôn, khôn cũng nó, dại cũng nó
-Sách gì cũng năm bảy, thơ một thể, văn một thể, đức tài tài đức, tài nơi mình, đức nơi mình
Đôi câu đối này Xuân Thiều làm năm 1972. Nó đã phác ra đầy đủ con người gia cảnh tác giả thơ chân dung. Sao ba ngôi chỉ quân hàm thượng úy mà Xuân Sách mang trên vai ( Hữu Mai Hồ Phương lúc này đã đeo quân hàm thiếu tá ). Và tên ba đứa con chính là những chữ làm nên bút danh Lê Hoài Đăng.
Từ Xuân Sách lúc này có thể nhận ra dấu ấn một nếp sống thời chiến ổn định ở hậu phương Hà Nội trước 1975. Ổn định hay trì trệ thì cũng vậy. Trừ bom đạn , một chiến trường ở xa và những người đi người về , còn tất cả như đứng nguyên , năm nay giống năm ngoái. Sự trì trệ này là bao trùm nên tự nhiên là đi từ đời sống sang sáng tác. Những tờ báo ra những số giống nhau, bài vở na ná như nhau. Những nhà văn hàng đầu cũng thấy bí, lặp lại mình, chán mình. Chỉ có các cây bút công chức là thấy hợp. Chất công chức trong Xuân Sách cũng được dịp “phát huy’. Các nhà xuất bản cần những cuốn sách tả chiến trường cho đèm đẹp một chút ? Thì , như trên đã kể, Xuân Sách có tập truỵện Đêm ra trận tập thơ Trong lửa đạn. Phong trào văn học cần những tác phẩm viết cho thiếu nhi, nhất là cái phần tham gia chiến tranh của thiếu nhi? Thì Xuân Sách có Đội du kích thiếu niên Đình Bảng, Mặt trời quê hương...Tôi xin phép không kể ra đây hết mọi sự trung bình thấp lè tè dang dở... của nhiều tác phẩm đương thời. Nhưng làm thế nào được, cùng đường rồi hết cách rồi. Sự đầu hàng cam chịu bao gồm cả cách nghĩ. Một cách rất bản năng Xuân Sách đã tìm ra cho mình cách tồn tại lý tưởng . Một mặt anh thừa hiểu những cái mình viết ra chả là gì cả ( anh viết rất vội, chỉ cốt được in, chứ không gửi gắm tâm huyết gì ). Mặt khác anh vẫn không giấu được một nỗi vênh vang ngấm ngầm. Ta đã có sách in, ta cũng chả kém gì đời. Sự trâng tráo , giá anh thấy ở ai sẽ cười giễu ngay, thì lại trở thành cách xử thế chủ yếu của anh. Dường như sau trang viết của Xuân Sách lúc này là cái cười khẩy, giữa sự dày công lao tâm khổ tứ của các anh với sự phẩy tay viết xong của tôi, thua đươc có là bao?
Chạm mặt nhau trong cơ quan, mấy năm ấy, tôi luôn luôn bắt gặp một Xuân Sách lưỡng phân. Lúc là người nhũn nhặn biết điều, lam lũ làm ăn ; lúc khác là kẻ ra cái điều hơn người, kiêu ngạo vô lối. Lúc cam chịu nhẫn nhục, lúc lại lồng lộn như con ngựa bất kham. Vừa đục nước béo cò tranh thủ làm ăn kiếm chác, vừa ngả sang hư vô thấy mọi thứ hão huyền. Và anh lại muốn xoa đầu thiên hạ , muốn cười thầm, muốn lắc đầu làm một cái án tử hình cho những kẻ gặp thời kẻ quá may mắn, muốn có một quân tẩy xóa bỏ tất cả.
Trong số những ấn tượng lớn nhất về Xuân Sách tôi nhớ tới cái bĩu môi khinh đời của anh khi nghe những bản báo cáo về công trạng sáng tạo và phẩm cách của đám người làm nghề. Anh nắm bắt rất nhanh cái hãnh tiến ở người này, cái lặng lẽ sung sướng đếm tiền của người kia. Mọi thành tựu dưới mắt anh như đều hiện ra với cái vẻ vô nghĩa của nó. Cuối năm 1973, nhân dịp tổ sáng tác của Hồ Phương tổng kết, Xuân Sách cũng ném ra cách tổng kết của mình
Tổ sáng tác, tổ sáng tác
Tác phẩm ùn ra như đống rác
Dấu chân người lính chửa in xong
Đã viết Ký sự hai bờ đác
Ông chủ tịch huyện cưỡi xe tăng
Thằng nào không tránh thì mất xác
Tôi ngẩng mặt lên nhìn Vùng trời
Mây trắng xếp đầy như xếp bạc
Một mình anh hùng Lê Mã Lương
Đánh cho lữ dù 3 tan tác
Thôi đành trở lại Thôn ven đường
Kiếm lấy cái gì mà gỡ gạc
Con gà động ổ nhà bên
Cục, cục tác, cục cục tác.
Trong tiếng Việt có một từ gọi là khôn. Người khôn thông thường được hiểu không phải là người uyên bác về kiến thức hoặc giỏi giang về nghề nghiệp mà chủ yếu là người giỏi thích ứng, trong phạm vi hạn hẹp của tài năng và trình độ của mình vẫn biết cách kiếm lợi cho bản thân làm nổi bản thân khiến người ta phải chấp nhận, lắm khi không yêu không phục nhưng cũng phải chấp nhận.
Làm sao mà một người sáng tác không có gì đặc biệt như Xuân Sách tạo đươc một ấn tượng khiến người ta luôn phải nhắc đến anh – đấy là cái khôn của anh.
Nguyễn Minh Châu ví von: Xuân Sách lúc này như chất dầu nhờn chỗ nào cũng chảy vào được, đâu cũng có mặt.
Mặc! Xuân Sách vẫn sống và viết một cách kiên trì với những lý lẽ riêng của mình. Có lần anh nói với Nguyễn Minh Châu:
-- Anh đừng vênh mặt với chúng tôi! Tại trời cho anh nhiều hơn chúng tôi chứ đâu anh có cần cố gắng! Vậy thì với tư cách nhà văn, lẽ ra anh phải thông cảm với đám chúng sinh bất hạnh mới phải! Cũng nên sớm học tập cách kính trọng bọn không nổi tiếng đi thì vừa. Vì trong cái bọn không nổi tiếng ấy, khối tay, về mặt thông minh và bản lĩnh, nó còn bằng mấy anh đấy!
Dường như Xuân Sách không chỉ nói với thiên hạ mà thường xuyên nói với chính mình như vậy. Sự tự tin làm cho anh đứng vững, lại cũng là nhân tố khiến anh tìm cách huy động hết vốn liếng của mình cho cuộc chơi. Một lần nào đó anh bảo tôi:
-- Ông xem còn cửa nào mà tôi không thử vào không?
Nghe mà sững sờ! Trong khi tưởng là dong chơi Xuân Sách vẫn lẩn mẩn làm cuộc phiêu lưu nho nhỏ. Ở những khu vực người khác bỏ qua anh lại gặt hái được một ít thành tựu. Trên tinh thần tự khẳng định như vậy, Xuân Sách có lần khắc họa chân dung mình một cách phô trương
- Cô giáo làng tôi đẻ sòn sòn
Một đêm ra trận được nghìn con
Thiếu nhi Đình Bảng nô ầm ĩ
Du kích Bạch Đằng hát véo von
Đường ra mặt trận chân chẳng mỏi
Lối vào lửa đạn bước không mòn
Mặt trời rạng rỡ quê hương mới
Vang khắp xa gần một tiếng khôn
Còn nhớ khi lần đầu nghe đọc bài này, Nguyễn Minh Châu cho luôn một chùy “Như là một bản báo công ấy “. Nguyễn Khải thì nhân đó nói chung về cả con người bạn mình : “Thế mà cũng đòi khôn!”
Dường như thấy tự khen như thế quá lố, nên Xuân Sách có chữa như sau
Cô giáo làng tôi đã chết rồi
Một đêm ra trận đất bom vùi
Xót xa Đình Bảng người chồng goá
Đau đớn Bạch Đằng lũ trẻ côi
Đường ra mặt trận gân cốt rão
Lối vào lửa đạn tóc da mồi
Mặt trời ảm đạm quê hương cũ
Khôn dại trần gian để tiếng cười
(tôi ghi theo bản chép trong sổ, so với bản in sau này câu cuối có khác. Câu cuối về sau là Ở một cung đường rách tả tơi )
Chê thì có chê, tuy nhiên âm điệu chủ yếu vẫn là khoe, khoe một cách kín đáo.Dao sắc không gọt được chuôi—người ta lại chỉ có thể kêu lên như vậy.
Tận hưởng lộc trời
Tuy chỉ in ra có một lần, nhưng thơ chân dung thực sự tồn tại theo lối truyền khẩu. Mà khi truyền khẩu thì nó trở nên một thứ tập mờ không có hình thù rõ rệt, bị giải thích tuỳ tiện, có lúc trở thành một thứ bí truyền, khiến người ta vừa đọc vừa giải đoán. Chẳng hạn đây là những lời ca tụng thơ chân dung. “Hình như trong đó sừng sững đến cả trăm gương mặt. Tập thơ đặc tả những gương mặt quen thuộc, nhàu nát như thể sách giáo khoa. Những thế hệ bầy đàn như chúng tôi chính là đã lớn lên trong cái vầng hào quang giáo khoa chói lọi ấy”.
Nên nhớ là Xuân Sách làm tập này ban đầu chỉ để đùa, chả có lớp lang quy hoạch gì. Có một vài bài làm chỉ để lấp chỗ trống. Có bài làm theo đơn đặt hàng,. Một nhà văn thấy phải có mặt trong tập thơ này của Xuân Sách thì mới nên người nên chèo kéo ông mời mọc ông, rồi thì Xuân Sách cũng chiều đời mà làm thôi chứ chả hề mang vào đấy chút chủ kiến nào cả.
Còn về nghệ thuật loạt thơ cũng trong tình trạng xôi đỗ, bài hay bài dở, khá nhiều bài chặt chẽ ( nhất là mấy bài làm theo thể tứ tuyệt ) nhưng nhiều hơn là những bài vần điệu xộc xệch, tác giả viết vội viết vàng cho qua, và trong khi thưởng thức người ta chỉ mải để ý xem nó dùng để chơi xỏ ai, ra đòn có ác không, chứ không đếm xỉa tới nghệ thuật.
Song khi đã mê rồi còn ai tỉnh nữa. Hơn nữa từ yêu thơ, người ta chuyển sang yêu người, cái bước đi phi lô-gich ấy đã đến với cuộc đời bao người, lại đến với Xuân Sách.
Từ sau 1980, cuộc sống trong nghề của anh có bước rẽ ngoặt. Không chỉ chuyển về các cơ quan văn nghệ dân sự, mà cái chính là từ nay anh trở thành một bộ phận của sinh hoạt văn học ở cả bề nổi cũng như bề chìm của nó. Trong giới, cái tên Xuân Sách nổi lên như một người thạo đời thạo việc. Khoảng 1989-90, Dương Thu Hương còn sinh hoạt với Hội nhà văn, và nhiều lần được nhăm nhe vào chấp hành hội. Trước Đại hội nhà văn cuối 1989, Dương Thu Hương nói với nhiều người:
-- Tôi mà trúng vào Ban chấp hành thì thả nào tôi xin Đại hội để nhường cho Xuân Sách. Dương Thu Hương tin khả năng ứng phó và hiểu nghề, hiểu giới viết văn của Xuân Sách sẽ giúp cho việc điều hành hoạt động của Hội.
Ngoài những người bạn cũ, bắt đầu có bao nhiêu người viết khác, chỉ đọc chân dung mà cảm thấy Xuân sách như người quen của mình. Các đám nhậu trở nên sang trọng hơn nếu mời được Xuân Sách đến dự. Người ta chẳng những thấy đây là một tác giả sành sỏi thạo đời mà còn tin chắc rằng anh là một người một người viết có bao điều chưa bộc lộ, có cái bề sâu thăm thẳm chưa kịp nói ra. Cơn sóng ngấm ngầm sùng bái đã đẩy tác giả của những bài thơ đùa bỡn này lên thành một bậc trí giả, một cây bút uyên bác thông kim bác cổ. Cách nghĩ thâm thúy của người Tàu được vận dụng để cắt nghĩa. Trong số các danh hiệu được đặt bên cạnh anh có những chữ thuộc loại thiêng liêng nhất mà dưới áp lực của văn hóa Trung Hoa, mọi người đều dùng một cách tự nguyện. Nào một ẩn sĩ cô đơn, một nhân giả, một chân kẻ sĩ, một cây cổ thụ. Có mặt trong một bữa rượu, anh được mô tả “có cái gì giống Khuất Nguyên ngày trước. Cả cuộc đời say, đủ các kiểu say, chỉ có mình ông tỉnh...” “ Ông chính là người mà thời gian đã kịp “nấu” thành... cao, một thứ “cao” giống như cao hổ cốt.”
Dễ dàng đoán ra tâm trạng nao đã khiến người ta có sự qúa đáng trong những lời khen tặng như vậy. Ngoài đời nhiều giá trị giả quá, mà không ai phá tung ra được, nên thấy ở Xuân Sách có chút gì thực, là người ta khen không tiếc lời. Xã hôi tốt xấu nhập nhèm, mà tìm trong dư luận công khai chẳng thấy gì nên người ta mù quáng tin vào những lời đồn thổi. Xã hội quá nhiều người sống cứ nhô ra, làm nổi mình lên, nên thấy ai có vẻ bình lặng một chút, người ta gán cho đủ thứ phẩm chất.
Câu thơ Xuân Sách viết về Chính Hữu Anh thành đồng chí tự bao giờ ? lúc này có thể đổi thành anh thành huyền thoại tự bao giờ.
Và tôi hiểu rằng, khốn khổ, Xuân Sách cũng tham gia vào cái việc tạo ra huyền thoại cho chính mình. Anh muốn bù lại những năm bị thiệt thòi, bị quên lãng.
Ở các làng xóm xưa có những nho sĩ chuyên làm vè. Cái gì họ cũng biết một tí. Về kiến thức, chân trời của họ là những cuốn sử sách và triết lý bên Tàu Nhưng cái chân trời ấy xa quá thăm thẳm nên khi đến với mỗi người thì nó chỉ còn là những mảnh tan nát rời vụn mỗi người nhặt một mảnh mỗi kiểu. Xuân Sách cũng không ra thoát khỏi tình trạng chung. Nhưng như thế kể đã đủ lắm.
Ngoàì một chút “thâm như người Tàu” , loại trí thức nông thôn mà Xuân Sách đại diện lại còn chỗ mạnh của người trí thức bình dân . Lơ lửng sống giữa nông thôn, họ như ma xó, tức là không cần đi đâu mà chuyện gì trong cái “ hương đảng tiểu triều đình” cũng không qua khỏi mắt. Tầm hiểu biết của họ bao quát từ những vụ việc bê bối trong làng xóm tới các kiểu tính cách con người, những mối quan hệ lằng nhằng phức tạp. Với năng khiếu thiên về phúng thích (==châm biếm mỉa mai), những người làm vè nhậy với những gì cũ càng, héo hon, tan nát. Vượt quá lên nữa, đôi khi họ chạm tới cả sự vô nghĩa của kiếp người lẫn sự bất lực của cái cao sang cái tốt đẹp.
Xuân Sách là một con người như thế còn sót lại. Xuân Sách mang cái nếp nghĩ ấy nghĩ về làng văn. Ta biết rằng cuối đời Xuân Sách dặn người thân khi chết đưa mình về làng. Tôi nhìn nhận việc này như một lời thú nhận. Người ấy biết thân biết phận .
Sáng tác của Xuân Sách từ 1980 cũng theo đà này mà thay đổi về sau cũng đậm hơn sắc thái nhân văn
Làm vua mà cũng chán -- Bỏ đi theo mây ngàn -- Một nước cờ Yên Tử --Làm bận lòng thế gian ( bài Yên Tử )
Đừng rót nữa tôi không sành rượu -- Uống không say thì uống làm gì -- Vui chẳng thêm, buồn không quên được-- Cứ như thừa từ cái mặt thừa đi -- Cứ như thừa trong cõi đời náo nhiệt -- Hay hớm gì nhìn gan ruột người ta -- Giữa thời buổi cạnh tranh quyết liệt-- Cứ tỉnh quoeo lắm lúc cũng phiền hà... ( bài Rượu).
Tôi về tới bến sông xưa--/ Hút tàn điếu thuốc mà chưa gọi đò-- Nhìn theo ngọn khói vu vơ-- Nhớ thương thì có đợi chờ thì không -- Buồn ai thả lại giữa dòng-- Cho tôi mang lấy nặng lòng chiều nay-- Hư hao một thoáng heo may-- Sương nhòa mặt đất mây bay cuối trời-- Cất lên một tiếng đò ơ-- Nhỏ nhoi như giọt mưa rơi giữa đồng. ( bài Bến quê).
Trong các hồi ức có liên quan tới nhà số 4 Lý Nam Đế, tôi đã kể những buổi họp mặt ngẫu nhiên ở đó các nhà văn chúng tôi sống thật cuộc sống của mình. “ Giao ban “ với nhau về những tin tức mới thu thập được. Đọc được cái gì hay kể lại. Có chuyện gì bực bội kể lại . Bao nhiêu những tình cảm suy nghĩ mà mỗi người vừa trải nghiệm có dịp bộc lộ. Thành thử ở đó mỗi nhà văn cũng có dịp hiện ra với tính cách có thật của mình. Hữu Mai với bộ dạng kín kín hở hở muốn chứng minh rằng mình quen biết nhiều vị cấp trên, được dự vào nhiều việc quan trọng. Xuân Thiều còn nhiều chất của người cán bộ cơ sở, thực thà đơn giản, trong khi Hải Hồ ranh vặt, Nhị Ca hư vô, Mai Ngữ chẳng còn tin ở việc gì tử tế trên đời...Trong số này tôi nhớ hơn cả là Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu. Người thứ nhất sôi nổi hào hứng không chỉ từng trải sự đời mà còn giỏi bình luận biết chớp ngay được những chi tiết người khác vừa kể biến ngay thành tài liệu riêng, và điều quan trọng hơn là cái gì cũng chấp nhận chuyện gì cũng thấy có lý. Còn người thứ hai bề ngoài như một người thừa, thỉnh thoảng chêm vào một câu chẳng đâu vào đâu hoặc nhếch mép cười một mình, song thật ra ngấm ngầm thu góp tất cả, để rồi mai kia trong buổi nói chuyện riêng sẽ thủ thỉ với tôi về những chiêm nghiệm và sau cùng đưa những gì tâm huyết vào trang sách.
Người thứ ba tôi phải nhớ là Xuân Sách. Anh có cả đặc điểm của hai người trên. Với sự thông minh hiếm có, gần như chuyện gì anh cũng có thể tham gia được, chuyện bên ta hay bên Tàu cũng chen vào được. Cũng có lúc chẳng qua là nói vuốt đuôi nhạt nhẽo, song có khi lại là sự tiên cảm sâu sắc kỳ lạ. Ngay hồi ấy, tức là giữa lúc cách mạng văn hoá bên Trung Hoa bộc lộ tính cách cực đoan kỳ dị của nó, Xuân Sách có lúc đã dự đoán đúng. Anh bảo không chừng thứ tai hoạ này lại là một lời cảnh tỉnh, sau cơn dằn vặt này xã hội Trung Hoa sẽ trưởng thành vượt bậc. Đây là kết quả của một đầu óc có nhặt được ít mảnh vụn lấy từ những Đông Chu Chiến quốc sách, Tam quốc, Thuỷ hử. Còn cách bộc lộ của Xuân Sách thì đại khái thường gồm mấy bước thế này. Thoạt đầu, giữa đám đông anh cũng chỉ dửng dưng lơ láo như một người thừa. Làm sao mà thi thố tài năng được với những cái mồm lợi hại khác? Vả chăng còn để mọi người có ngón gì trổ hết ra đã chứ. Rồi cái gì phải đến sẽ đến. Khi câu chuyện đã tàn, phần lớn mọi người ra về cả, anh thường còn cùng một vài người khác nán lại tiêu hoá câu chuyện. Và Xuân Sách là người tiêu hoá nhanh nhất , có cách giải thích độc đáo nhất khiến những ai kiên trì ở lại cùng anh sẽ không mấy khi phải hối hận. Mà về cách biểu hiện, đã bốc lên thì Xuân Sách của chúng tôi cũng bồng bột lắm. Cũng có lúc anh đỏ mặt tía tai như cãi nhau với ai đó. Lại cũng có lúc đang ngồi anh phải đứng lên vung chân múa tay như đang diễn thuyết trước đám đông , và diễn xong lăn ra cười, tự mình thưởng thức cái sự bình luận sâu sắc của mình.
Tôi nghĩ sự có mặt của Xuân Sách, cái vai Xuân Sách đóng trong những buổi nói chuyện trên đây cũng mang bóng dáng cách tồn tại của Xuân Sách nói chung. Những vần thơ chân dung của anh, sự có mặt của anh trong giới văn nghệ mà trên đây tôi thử miêu tả nuôi trong đầu óc tôi một cảm tưởng về sự đa dạng của tài năng trong giới văn nghệ , nhất là văn nghệ trong hoàn cảnh của Hà Nội lúc đó. Miễn làm sao mỗi chúng ta tìm được cái vai của mình, thứ đặc sản của mình, thì rồi không bao giờ thiệt, thiên hạ sẽ biết hết, cuộc đời này công bằng trong cái lý lớn lao của nó.
Tên cũ
Đã in trong Phê bình và tiểu luận,2009