VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Chiều nịnh nhau và chiều nịnh chính mình

(minh họa: Khều)
(TBKTSG)

- Trẻ đang học tiểu học thôi cũng đã giỏi bắt bài nhau lắm rồi. Một lần tôi nghe hai anh em nhà nọ cùng khoe với mẹ rằng học bạ của mình toàn điểm tốt. Nhưng thằng anh nói ngay về thằng em: - Điểm của cô nó quá rẻ, không tin được đâu, mẹ ạ.

Đến trẻ còn biết nhìn nhận cái gọi là thực chất của chúng đến đâu. Ấy vậy mà người đời thường làm ngược lại. Chiều nịnh nhau, khen nhau vô tội vạ đã trở thành một cách sống không chỉ lan tràn trong nhà trường mà còn phổ biến trong toàn xã hội.
Những khu phố nhếch nhác bẩn thỉu, dân chạy ra đường cãi nhau chửi nhau loạn xị, song vẫn cho chăng ngang đường cái biển to đùng “Khu phố văn hóa”.
Những cơ quan xí nghiệp nhà nước làm ăn bê bết song từ trên xuống dưới người nào cũng được khen thưởng.
Giám đốc ký bằng khen thưởng thật nhiều để chứng tỏ dưới sự lãnh đạo của mình, đơn vị đã ăn nên làm ra.
Sự chiều nịnh xuất hiện ở bất cứ chỗ nào người ta khinh rẻ con người, dùng lối xoa đầu trẻ con để đối xử, kích thích vào tâm lý nông nổi của người đời và tạo nên một sự phồn vinh giả tạo.
Đâu chục năm trước, tự nhiên Bộ Giáo dục nước mình có quyết định những ai lâu nay vẫn kêu phó tiến sĩ nay là tiến sĩ, còn các tiến sĩ cũ kêu bằng tiến sĩ khoa học. Thoạt đầu mọi người bảo nhau thôi cũng là một cách động viên nhau làm thế mạnh khi đối ngoại, tức để chứng tỏ trong chiến tranh nền giáo dục nước mình vẫn phát triển và về mặt con người, ta thừa khả năng nói chuyện ngang hàng với thế giới. Ít lâu sau mới nhận ra các ông ấy làm thế để tự mình công kênh mình lên, báo cáo là có thành tích, đồng thời che giấu sự bất tài bất lực trong việc tổ chức cho được một nền giáo dục hiện đại.
Nhìn vào báo chí, người ta thấy ngay những tin tức xuôi chiều nghe đến đâu mát lòng mát ruột đến đấy. Những câu chuyện thô tục khơi mào cho những tiếng cười rẻ tiền. Những cuộc đố vui đánh vào tâm lý ăn may của công chúng. Tỷ lệ những trang báo loại này quá lớn, tất cả cốt làm xì hơi bớt nỗi bức xúc dồn tụ trong lòng người, mà cũng để dân làm báo khỏi cất công vất vả lặn lội đi viết về những vấn đề nhức nhối của đời sống, nhọc nhằn mà lại nguy hiểm.
Trong một chuyện tiếu lâm Nga đầu thế kỷ trước, tôi đọc được đoạn đối thoại giữa hai ông cháu nhà nọ.
- Cháu ạ, có mấy anh ở sở đo đạc mới về đo lại con đường từ làng mình lên huyện. Họ mang lại một món quà quý hóa quá!
- Sao thế ông?
- Hồi trước đường lên huyện vẫn bảo là những 7 dặm. Nay các anh ấy đo lại hóa ra chỉ có 5 dặm. Thế chẳng phải nhờ các anh mà đường lên huyện đỡ được 2 dặm là gì!
Một trong những ý nghĩa của mẩu chuyện nhỏ này là, không cần biết thực hư ra sao, ở những xứ sở lạc hậu, con người chỉ cần những cái danh hão đã đủ vui lắm rồi. Có lẽ đấy là lý do sâu xa khiến cho ở những nơi ấy, ngón võ chiều nịnh vẫn được áp dụng rộng rãi.
Riêng ở xứ ta thì có cảm tưởng nó đã ngấm vào cách sống cách nghĩ của mỗi người bình thường, trở thành một phong cách thời đại.
Trong nhà đóng cửa bảo nhau hơn kém cũng xong, nhưng đứng khách quan mà nhìn, hình ảnh chúng ta như thế nào? Cũng có những người, qua tiếp xúc với thiên hạ, được thực tế mở mắt, cắn răng học hỏi để thực sự bằng người. Nhưng khá nhiều người không học hỏi được, tức không hội nhập được, xoay ra tự cho phép làm đủ thứ bậy bạ. Từ chỗ tự cao tự đại, người ta đi đến chỗ đánh mất hết lòng tự trọng, buông thả mình cho ma quỷ chi phối. Từ thái cực nọ sang thái cực kia, song trước sau vẫn con người ấy, sản phẩm ấy của thời đại.
Tôi đã rất đắn đo khi phải viết ra điều sau đây, nhưng nhiều tài liệu đọc được khiến tôi không thể nghĩ khác. Đó là sự mất uy tín của người mình trước bè bạn và các đối tác chung sống. Giao thiệp với một thế giới khôn ngoan tỉnh táo, nhiều khi chúng ta còn đắm chìm trong quá khứ và tự trình diện như một cộng đồng chẳng hiểu gì mình, chẳng hiểu gì về người, hết khoe mẽ lại xin xỏ và thường rất dễ bị ăn quả lừa. Trong khi tự mình làm không đủ nuôi mình, vẫn đắm mình trong cái ảo tưởng là mình ghê gớm lắm, cứ ngồi yên không cần làm, rồi mai đây cái gì cũng có, ta đâu có thua kém thế giới.
Bệnh tự chiều nịnh còn có một tác hại khác là làm cho con người hôm nay trở nên kiêu ngạo kỳ lạ so với ông cha. Khi ngoái lại các thời đại cũ, nhiều người không sao hiểu nổi mọi nỗ lực làm người của các thế hệ đi trước, mà chỉ chăm chăm với ý nghĩ xưa không bằng nay, miệng nói biết ơn nhưng trong bụng vênh váo tự phụ, thương hại người xưa.
 thesaigontimes
Thứ Năm,  26/8/2010

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn