VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Giới thiệu tạp chí NGHIÊN CỨU HUẾ

Nhân tập mới nhất,tập7, phát hành 7/2010
 NGHIÊN CỨU HUẾ, món quà tặng bất ngờ
Bài viết năm 2002 trên TT& VH

Thành phố của sông Hương núi ngự trên đường tự tìm lại chính mình qua các công trình nghiên cứu đáng gọi là có chất lượng khoa học
Nghiên cứu tìm hiểu quê hương đang là công việc được khởi động một cách hào hứng ở nhiều địa phương. Tuy nhiên cũng phải nói ngay là các bài báo và cuốn sách loại này thường có phần xốp nhẹ. Chúng được biên soạn một cách vội vã và theo một cách thức đơn giản.
 Tình yêu — ở đây là tình yêu của các soạn giả đối với mảnh đất mình đang sống — nồng nhiệt song nông nổi.
     Cách hiểu về một vùng văn hoá thì khá chật hẹp.
     Truyền thống lịch sử hay được nói tới nhưng không được quan niệm một cách cụ thể. Bóng dáng của ngày hôm nay che lấp tất cả quá khứ. Tưởng rằng lớn lên trên mảnh đất quê hương thì sẽ hiểu nó hơn ai hết, người ta không giấu giếm nổi cái ý muốn áp đặt những kiến thức thô lậu cho người đọc.Việc sử dụng quá nhiều những lời lẽ hoa mỹ khiến cho các bài viết và các tập sách mang nặng tính cách khoe khoang mà thiếu sức thuyết phục.
     Đặt trong cái nền chung ấy, bộ sách Nghiên cứu Huế ( đã ra đến tập thứ ba ) muốn trình ra một phương hướng nghiên cứu có nhiều phần khác.
     Công trình ra đời dưới hình thức sách, song lại na ná như một tạp chí bởi sẽ liên tục có nhiều số, mỗi số có nhiều loại bài khác nhau. Đối tượng được mang ra xem xét một cách thận trọng. Lịch sử được đối thoại chứ không phải được gán cho những ý nghĩa có sẵn. Dường như các soạn giả muốn nói chính các ông cũng đang mày mò tìm kiếm cũng đang muốn bằng mọi cách, hiểu thêm về Huế của mình.
     Chung quanh ý niệm “thế nào là một vùng đất văn hoá ?”, tuy không định nghĩa rõ, song nội dung các bài nghiên cứu cũng như các tư liệu được công bố cho thấy những người chủ trì tập sách có một quan niệm rộng rãi mà lại chắc chắn.
       Có bài nói về nhà Huế chợ Huế bên cạnh đó là bài về cầu Huế,chùa Huế, rừng du ngoạn ở Huế …Có bài nói tới cây Baobap ( một loại cây thuộc họ gạo nhưng hoa trắng nở vào mùa hè ) duy nhất trong thành phố. Có bài mang một cái tên đơn giản Sông Hương có cái tên ấy tự bao giờ ? Khá nhiều bài nói về cách sống của người Huế trong đó có những bài nói về từng con người cụ thể, kể cả những nhân vật có tên trong lịch sử như Trần Quý Cáp Nguyễn Văn Tường Đặng Văn Ngữ … lẫn những nhân vật được truyền tụng trong dân gian như Cậu cả Hót.
      Những ai từng đọc Quê mẹ của Thanh Tịnh hẳn còn nhớ thiên truyện Con ông Hoàng trong đó khắc hoạ loại nhân vật quý tộc thất thế mà không bao giờ từ bỏ nổi cái chất đài các của mình ( Thơ Nguyễn Bính : Loanh quanh xóm vắng đường gần — ấy ai làm dáng phi tần với ai ).
      Cậu cả Hót là một nhân vật có cái chất riêng đó của Huế. Có thể nói đây là cả một tính cách mà người thuộc Huế hiểu Huế thường truyền tụng và nay rất cần được ghi chép. Một khi loại ghi chép này được tiếp tục, Nghiên cứu Huế sẽ hứa hẹn nhiều trang sách thú vị.
     Nếu như nét đặc sắc của văn hoá Huế là ở tính chất cung đình, cái vẻ quý tộc hầu như ẻo lả yếu ớt song lại hiếm hoi của nó thì lịch sử hình thành của Huế lại đi liền với lịch sử triều Nguyễn, một trong những giai đoạn phát triển rực rỡ nhất mà cũng bi thảm nhất của xã hội nước ta trước khi bước vào lịch sử hiện đại.
     Nhưng lâu nay văn hoá Việt nam thường được đồng nhất với văn hoá bình dân, cái chất quý tộc kia bị lảng tránh coi như không có, còn lịch sử thế kỷ XIX thì bị thành kiến nặng nề và do đó làm nghèo đi rất nhiều.
    May thay ở cái chỗ mà một số nhà viết sử thuộc biên chế nhà nước hôm nay thấy ngán,  thì các tác giả Nghiên cứu Huế không ngán. Ngay từ tên gọi một số bài viết đã nói rõ cái phần nội dung được nghiên cứu nghiêm túc trong đó : Danh và hiệu của các vua nhà Nguyễn, Quốc sử quán triều Nguyễn,Vấn đề tài sản trong luật pháp hôn nhân và gia đình dưới triều Nguyễn
      Có thể nói đây là một phương hướng khai thác đúng đắn nó mở ra cho việc nghiên cứu Huế một trường hoạt động rộng rãi.
       Vua quan nhà Nguyễn cũng là người Việt, lịch sử nhà Nguyễn cũng là một phần lịch sử Việt Nam, làm sao mà đánh bài lờ mãi được ?
       Ở trên chúng tôi đã nói qua về các tập sách nghiên cứu về từng vùng đất đang được biên soạn.
        Một trong những khía cạnh non kém không thể khắc phục của một số bài viết trong loại sách đó là ở chỗ tác giả của chúng vô tình hay hữu ý tách rời địa phương được nghiên cứu khỏi cái mạch chung của văn hoá cả nước, và lầm tưởng rằng làm thế là đề cao được văn hoá của địa phương mình, có biết đâu lại khiến cho các bài viết ấy có tính chất tỉnh lẻ rõ rệt.
        Nghiên cứu Huế chọn cách làm khác. Khái niệm về nghệ thuật trị quốc ở Việt Nam, Xứ đàng trong vào thế kỷ XVII và XVIII : một mô hình khác của Việt Nam, Bối cảnh lịch sử Việt nam khi người Pháp đến, Về một nguyên nhân làm suy thoái đất nước vào giữa thế kỷ XI X.., đấy là tên gọi một loạt bài nghiên cứu khá công phu được in chúng đã nói rõ quan niệm của những người làm sách : Đặt Huế trong cái mạch chung của cả nước. Một cơ sở phương pháp luận hợp lý đã mang lại cho Nghiên cứu Huế một lượng bạn đọc tối đa mà nó có thể có.
     Với tinh thần khoa học nghiêm túc, nhóm biên soạn đã để công sưu tầm được những tài liệu phải nói là qúy hiếm. Đáng nói ngay ở đây là hai loại :
    Đầu tiên là những tài liệu người xưa viết bằng chữ Hán. Lâu nay tôi cứ nghĩ các cụ xưa ít chịu viết hồi ký, nay với Nghiên cứu Huế ba tạp đầu, tôi đã có trong tay Lý lịch sự vụ lẫn Khúc tiêu đồng. Cuốn trước là của một quận công thời đầu thế kỷ XIX, công lao đóng góp từng được ghi trong Đại Nam chính biên liệt truyện. Cuốn sau là một thứ nhớ gì ghi nấy của một viên quan nhỏ sống đến những năm sáu mươi gần đây, nhiều tài liệu ghi được mang ý nghĩa xã hội học đáng quý.
     Thứ nữa là các tài liệu của người nước ngoài bao gồm từ Nhật ký gặp vua xứ đàng trong của một nhà buôn Anh thế kỷ XVIII, hồi ký của một trung uý hải quân Hoa kỳ đến Việt nam đầu thế kỷ XIX … cho tới các công trình nghiên cứ về Việt Nam của J. Che sneux, D. Marr … hoặc của một giáo sư người Việt từng dạy ở Đại học Paris là Nguyễn Thế Anh.
      Cũng theo cái mạch này, cuối các tập  đã in còn có in thêm Thư tịch chú giải lịch sử VN qua các tạp chí của trường Viễn Đông Bác cổ ( giai đoạn 1901-1970 ) của Hội nghiên cứu Đông Dương ( giai đoạn 1865-1970 ) và qua các tạp chí France Asie ( giai đoạn 1946-1970 ).
      Hôm nay Nghiên cứu Huế mới được in ra, song hình như nó đã được chuẩn bị một cách công phu từ nhiều năm trước,  và xem qua cách biên soạn thì công việc còn được triển khai lâu dài. Chẳng những trong từng bài vở cụ thể mà cả trong quan niệm chung toát ra qua các bài vở ấy, bộ sách như muốn đạt tới vẻ đẹp cổ điển, nó là cả một sự thách thức đối với tình hình nghiên cứu vốn khá luộm thuộm hiện nay. Bởi sự thách thức đó đến từ một nơi lâu nay ít ai nghĩ là có thế mạnh về khoa học nên có thể nói đấy lại là một bất ngờ đầy thú vị mà Huế và người đất Huế dành cho chúng ta.
Nghiên cứu Huế ấn phẩm của Trung tâm nghiên cứu Huế, Nguyễn Hữu Châu Phan chịu trách nhiệm xuất bản đồng thời là người đứng đầu Hội đồng biên tập. Mỗi số từ 330 đến 380 trang khổ lớn. Tập một đã in tháng 6—1999 ; tập hai, tháng 2-2001 ; tập ba tháng 12 – 2001.
 

GHI CHÚ 30-8-2010
Tôi viết bài trên vào năm 2002, khi Huế mới ra tập 3. Tới nay, NCH đã ra đến tập 7. Tập này, tôi có may mắn được nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan gửi tặng kèm theo tập 6 tôi còn thiếu , nên xin có mấy giòng viết thêm.
Về nội dung bao quát, hai tập mới ( đều trên 400 trang khổ to ) vẫn giữ được cái mạch chung mà NCH chủ trương từ đầu.
Các bài Làng xã đối diện chính phủ: diễn tiến của quan hệ trung ương -- địa phương tại VN cho đến năm 1945 của Nguyễn Thế Anh, Mối quan hệ làng nước ở VN vào thế kỷ 19: về trường hợp làng Tơ, một ngôi làng nhỏ ở châu thổ sông Hồng của John Kleinen sẽ góp phần vào việc tìm hiểu làng xã, một chủ đề mà giới sử học VN âm thầm theo đuổi.
Từ tập 2, NHCP đã có bài Bối cảnh lịch sử VN khi người Pháp đến. Đến số 4&5, ông có Thiết lập cơ cấu cai trị đầu tiên của Pháp tại VN: giai đoạn súy phủ 1861--1879. Nay ông cho in Bối cảnh lịch sử VN giai đoạn 1558 đến 1802. Phân tranh và thống nhất một chuyên luận khá dày dặn ( tính khổ giấy 19.26,5 đã hơn 100 trang thì khổ 13.19 phải gần gấp đôi?).
Tôi có cảm tưởng là mình được làm quen với một cách làm sử khác nhiều so với cách làm của các sử gia trước nay tôi vẫn được đọc. Cảm tưởng đó nẩy sinh một phần có lẽ là vì khi viết các công trình này, NHCP dựa vào nhiều nguồn tài liệu mà đọc các sách sử khác người ta không bao giờ thấy. Có lẽ đây là những sưu tập riêng trong gia đình NHCP, như ông đã tiết lộ một phần với báo chí chăng?
Với các bạn có nhu cầu tìm mua NGHIÊN CỨU HUẾ , Xin liên lạc TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU HUẾ Địa chỉ 18 Nguyễn Huệ -- Huế Điện thoại 054.3 825.277 -- 0986 78 99 73 Email: chauphan_2007@yahoo.com.vn chau.phan@dng.vnn.vn ( ghi theo tr. 2 NCH tập 7 )

Ở phần Ký và hồi ký, từ tập V, NCH cho in Huế những năm 1876-1877—Nhật ký hành trình của J.L.Dutruil De Rhins, đến tập 6 và 7 tiếp tục. Tác giả cuốn sách này là một thuyền trưởng tiểu pháo hạm mà Pháp “tặng” cho VN theo hiệp ước 1874. Cứ như các phần tôi đọc được thì cuốn sách in ra ở Paris từ 1879 này vượt hơn hẳn so với nhiều cuốn sách khác cùng thể tài, cả về khối lượng chữ nghĩa viết ra, lẫn độ tinh tế và chất khái quát trong các nhận xét cụ thể. Nó có ích không chỉ với người nghiên cứu Huế mà còn cả với những ai muốn tìm hiểu con người và xã hội VN cuối thế kỷ XIX .

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn