Thấy cần đọc Lịch sử triều Mạc của Đinh Khắc Thuần (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 2001) vì hai lý do:
Một, nó là luận văn tiến sĩ ở Pháp, chứ không phải được công nhận trong nước; và hai, nghe nói nó rất ca ngợi nhà Mạc chứ không phải lên án như phần lớn sách giáo khoa về lịch sử từ thời tôi học cấp hai 40 năm trước cho tới hôm nay.
Một, nó là luận văn tiến sĩ ở Pháp, chứ không phải được công nhận trong nước; và hai, nghe nói nó rất ca ngợi nhà Mạc chứ không phải lên án như phần lớn sách giáo khoa về lịch sử từ thời tôi học cấp hai 40 năm trước cho tới hôm nay.
Lý do thôi thúc tôi là ở ta những ý nghĩ “ngược chiều gió thổi”, ngược với thói quen của đám đông thường rất khó xuất hiện. Nay ở sử học nó đã xuất hiện, đã được chính thống công nhận, ắt không phải chuyện vừa.
Đọc xong thì thấy cuốn sách đáng gọi là một công trình khoa học. Nó có luận điểm mới, cách khai thác tài liệu mới. Cuốn sách cũng soi rọi cho tôi thấy thêm một khía cạnh tính cách Việt.
Đau khổ vì những tệ nạn xã hội mà con người gây ra cho nhau hôm nay, những người như tôi thường bi quan khi nghĩ về những nguyên nhân sâu xa đã khiến nó - cái tình trạng hỗn hào ly loạn trong lòng người - cắm rễ sâu vào đời sống cộng đồng trong quá khứ.
Lâu nay chúng tôi chỉ được dạy là có nhiều trang quá khứ oai hùng. Thế còn những thời mà trong đó con người sống tử tế, những thời đó có không và là những thời nào?
Đây là mấy dòng Đại Việt sử ký toàn thư miêu tả nhà Mạc mà cuốn Lịch sử triều Mạc trích lại: “trong nhiều năm đường sá không nhặt của rơi, cửa ngoài không đóng, thường được mùa to, trong nước tạm yên”. (Sách Lịch sử triều Mạc, trang 229)
Lẽ ra phải có nhiều người đi vào nghiên cứu một thời thanh bình như vậy. Nhân đây nghĩ chung về cách làm sử của người mình hôm nay.
Chỉ nghiên cứu ông cha đánh giặc và khởi nghĩa chống phong kiến mà không nghiên cứu ông cha cày ruộng, khai phá đất đai, mở đường, xây dựng đô thị - nói như ngày nay là làm kinh tế và ổn định xã hội.
Chỉ nghiên cứu những cuộc kháng chiến mà không nghiên cứu tình hình các xã hội hậu chiến.
Chỉ nghiên cứu phong trào chống ngoại xâm mà không hề nghiên cứu dân ta, đồng thời với việc chống đối đến cùng đó, đã học hỏi những người từ xa đến để trưởng thành lên như thế nào.
Chỉ thích dạy trẻ về những thời đại hào hùng mà không dạy về những thời con người ta trở nên tử tế.
Theo Pháp luật TPHCM - 25/07/2010