Trong truyện ngắn Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp (viết khoảng năm 1988), có một cảnh liên quan đến Tết
Trước đó, ngay từ đầu truyện, tác giả đã viết: “Cô Sinh về làm dâu nhà lão Kiền đã mấy năm nay. Khi về, cô mang theo bốn bộ quần áo mỏng, một áo dạ mặc rét, hai áo len, một vỏ chăn hoa, bốn cái xoong nhôm, một cái xoong bột, một cái phích hai lít rưỡi, một cái chậu tắm, một tá khăn bông, tóm lại là một đống tiền, nói như bà mẹ cô Sinh làm nghề buôn gạo ở chợ Xanh”.
Ở các đoạn sau, mỗi khi nói tới một nhân vật, Nguyễn Huy Thiệp thường kèm theo một hai chữ, nói rõ mối quan hệ của người ấy với đồng tiền.
Cách kiếm tiền của con người trong truyện khá trầy trật, nhiều khi bằng con đường lừa lọc. Tình thế “không có vua” làm biến dạng mọi nhân cách!
Trong số những biến động ghê gớm mà chiến tranh và cách mạng mang lại nơi tâm lý mỗi người bình thường mấy chục năm qua, có một điểm này: Người ta nhiều lúc cảm thấy như chẳng cần gì. Chẳng cần của cải, chẳng cần tiện nghi. Sống thế nào cũng được.
Rồi những năm ấy qua đi, nay thì ngược lại. Từ chỗ xem thường đồng tiền, nay cả xã hội quay ra khao khát nó, sùng bái nó. Nhiều người tự nhủ miễn là có tiền, còn làm thế nào, bẩn thỉu hay sạch sẽ, không cần biết.
Ở những xã hội phát triển bình thường, người ta lấy lao động để đổi lấy tiền. Các giá trị ổn định. Và con người được chuyên môn hóa với nghĩa yên tâm làm giỏi cái nghề của mình, rồi sẽ thu nhập tương xứng.
Từ chiến tranh bước ra, từ xã hội nông thôn lên xã hội đô thị, con người Việt Nam hôm nay quan hệ với đồng tiền thật khuất khúc. Tại sao người này kiếm tiền dễ vậy, còn người khác lại quá khó khăn? Nghĩ mãi mà chẳng cắt nghĩa nổi.
Điều chắc chắn là có quá nhiều sự bất chính. Cùng là đồng tiền mà giá trị mỗi lúc một khác. Sự thiêng liêng của cuộc sống mà đồng tiền góp phần duy trì bị đánh mất.
Một nhà đầu tư nước ngoài nhận xét rằng không ít chuyên gia trẻ Việt nam hình như quá dễ dàng trong việc chuyển nghề, đâu được trả cao hơn là họ đổi sở ngay. Ý người ta muốn nói con đường kiếm tiền chân chính bị chối bỏ và quan niệm về việc làm người của một bộ phận giới trẻ đang có vấn đề.
Có điều, đó không phải là bệnh riêng của lớp trẻ. Gặp nhiều người bây giờ, không dễ xác định nghề họ đang làm. Nhiều khi dư luận đánh giá một người giỏi hay kém chỉ là trông vào số tài sản người đó có. Biết thế là sai nhưng ngày càng ít ai dám đi ngược lại cách nghĩ phổ biến nói trên.
Một ông bạn tôi vừa về quê ra Hà Nội, kể rằng các đám hiếu hỉ ở nông thôn hiện nay vung tiền rất thoải mái, có người vét túi cả vốc tiền 50.000 đồng ném xuống áo quan. Việc hơi lạ, nhưng cái xu hướng mà nó biểu thị thì có thật.
Có thể nghĩ lan man về việc này. Riêng tôi thấy sống lại cái cảm tưởng về sự thiêng liêng bị đánh mất.
Bỗng dưng nhớ tới nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Về già, con trai đã đi xa, băn khoăn lớn nhất của lão là làm sao bảo quản ít của cải sẵn có. Tài sản không nhiều nhặn gì, bao gồm một ít đất, một ít tiền và một con chó.
Nghĩ quanh nghĩ quẩn rồi lão đi đến một cách xử sự mà người đời ngày nay hẳn nghĩ rằng quá kỳ cục, là bán con chó, gom tiền lại gửi tất cả cho người khác giữ và chọn lấy sự ra đi tự nguyện. Từ Lão Hạc, chúng ta đã thấy nhiều mặt cuộc sống của người Việt đầu thế kỷ 20, trong đó có cách ứng xử của con người với tiền tài.
Sau một đời lầm lũi, người thời ấy cũng có một ít của cải nào đó. So với mong mỏi của mỗi cá nhân, số này là chưa đủ nhưng con người lúc ấy biết sống trong cam chịu, không oán trách ai. Họ tin họ đáng được như thế và đối xử với nó hết sức nghiêm túc.
Toàn bộ thiên truyện Lão Hạc xây dựng trên cái trục chính: Lão thà chết để giữ tiền cho con, vì lão tin rằng đồng tiền ấy có thể có ích cho con mình. Đồng tiền với lão vẫn là cái gì đó thiêng liêng, thiêng liêng hơn cả cuộc sống chính lão.
Cái niềm tin ấy với người đời hôm nay dường như quá xa lạ. Ta và lão Hạc, ai xứng là người hơn? Tôi tự hỏi mà chưa biết trả lời thế nào cho phải!
nld.com.vn - 15-02-2010