VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thiên nhiên điêu đứng...


(TBKTSG) - So với những đoạn đường Trường Sơn thì con đường chúng tôi đi hôm ấy từ Phú Thọ qua Thanh Sơn về Trung Hà không phải là xấu, và đất bụi chưa lấy gì làm nhiều. Nhưng đoạn đường trong liên tưởng là thuộc thời chiến tranh, còn hôm nay chúng tôi đi trên con đường thời bình.


Bởi vậy tôi nghĩ mình có quyền sốt sáy không yên, và cả một chút xót xa, khi nhìn những cây nhỏ lúp xúp bên đường. Lá nào lá nấy phủ đầy bụi, bụi dày đặc; nhiều chỗ một vài giọt mưa xuân để lại những vết loang lổ chỉ tố thêm cho người ta biết rằng không phải một mà là nhiều lớp bụi đã chồng lên nhau, để xóa đi màu xanh và làm cho không một cây nào còn là cây nữa.

Đến cả cây cối thiên nhiên cũng vì người mà phải sống vạ vật thế này ư? - nhiều sự liên tưởng dồn dập kéo đến trong tâm trí tôi. Có lúc nghĩ đến những hàng cây bị biến thành chỗ treo hàng hóa nhiều vỉa hè Hà Nội. Lại có lúc nghĩ đến một mẩu tin trên báo về giống tê giác. Trong khi ở Malaysia, tê giác đẻ rất đều kỳ thì ở một vườn quốc gia Việt Nam, giống này tịt đẻ, chỉ vì người ta vừa làm một con đường băng qua khu rừng nó sống.

Nhưng thiên nhiên không phải chỉ khổ lây với người.

Tệ hại hơn, trong nhiều trường hợp khác, nó còn là đối tượng bị chúng ta hủy hoại.

Ở nhiều nước trên thế giới, người ta cấm đánh bắt cá nhỏ, ai trót câu được mà không thả chúng về nguồn sẽ bị phạt nặng. Còn ở ta, ngay giữa Hà Nội, ngoài sông Hồng, người ta dùng cả điện ắc quy để diệt cá.

Trong Nam Hoa kinh, một triết gia nhiều chất hư vô là Trang Tử từng nêu ra một nhận xét, những cây gỗ vô dụng có cái lợi, không ai thích đẵn nó, vì thế nó sống mãi, trong khi những cây hữu dụng lại sớm bị nhăm nhe khai thác.

Cây cối ở ta đang làm chứng cho nhận xét đó của Trang Tử. Mấy năm trước đã có chuyện mấy cây sưa trong công viên nhà nước bị chặt bán. Còn đây là chuyện ở Quảng Bình dịp Tết Canh Dần vừa qua: hàng loạt cây bên các ngân hàng và các tiệm vàng bị tàn phá. Vì người ta tin rằng cây ở đó có mang theo lộc. Thật đúng là “cháy thành vạ lây”. Bỗng dưng tàn đời không có lý do nào cả.

Động vật hoang dã cũng nếm đủ nỗi khổ đúng theo kiểu mà Trang Tử đã cảnh báo. Chỉ vì thịt chúng ngon, lạ, các bộ phận của chúng là những vị thuốc chữa bệnh, mà các loài vật tuyệt vời đó bị săn đuổi đến cạn kiệt.

Riêng loài gấu ở ta lại còn rơi vào cái bi kịch thê thảm là bị hành hình dần dà theo nhịp điệu của cái cưa cùn. Bị nuôi trong hoàn cảnh giả tạo, hơn nữa luôn luôn bị rút mật một cách tàn bạo, không biết bao nhiêu chú gấu lực lưỡng biến thành một giống lờ đờ chậm chạp, kéo lê cuộc đời sống dở chết dở. Còn sống đó mà chúng không còn là mình, đến nỗi khi có người đến giải thoát thì không thể trở về rừng tìm lại cuộc sống bình thường được nữa.

Giở trang tin các mạng dễ dàng tìm thấy tin những con hổ ở Hà Nội bị bức tử.

Một người nước ngoài nhiều lần đi dọc từ Nam ra Bắc bảo rằng các bạn có thấy không, nhiều ngọn núi đá của các bạn ven đường một mạn từ Ninh Bình đến Hà Nam đang vẹt đi mòn đi, một số đang biến mất.

Rồi đến cả sông nữa. Chẳng phải là nhiều con sông của chúng ta đang bị xúc phạm, kể từ làm bẩn đến gây ô nhiễm, và trước khi được tuyên bố như Thị Vải (tên một bài báo trên SGTT 5-12-2009 Thị Vải là dòng sông đã chết) thì chúng đang trở nên thân tàn ma dại?!

Vâng, trước khi được chính thức khai tử, tôi đoán hẳn Thị Vải đã trải qua tình trạng sống lê lết trong bệnh tật. Sông bốc mùi dơ. Sắc nước ngả màu. Tôm cá trong lòng nổi lềnh bềnh vì hóa chất độc hại. Tức là một tình trạng sống dở chết dở của loài gấu mà trên đây tôi vừa nói. Và đến ngày hôm nay con sông chết vẫn nằm đó. Liệu đến bao giờ người ta mới quên nổi? Chắc không bao giờ!

Rồi với các thế hệ sau, thời của chúng ta sẽ được ghi nhận như là thời của những con bạc triệu đô, vụ PMU18… Và thời có những con sông chết như sông Thị Vải!

Hiếm khi thấy báo chí ta đưa tin về cuộc sống của một ngọn núi, một con sông. Bởi vậy cái tin Thị Vải đã chết dẫu sao cũng là một đặc ân. Chỉ lạ một nỗi là cái tin đau đớn đó không gây nên chút dư ba nào cả. Người ta chỉ nhắc đến nó khi đặt vấn đề bồi thường. Ngoài ra, chả thấy ai viết về chính cái chết của sông lấy ít dòng cảm động.

Tôi nói điều này từ góc độ một người làm công tác văn học.

Trong văn chương ta, sông là sức sống, sông là vẻ đẹp. “Đẹp đẽ thay tiếng hát của dòng sông”. Mở đầu tùy bút Sông Đà, Nguyễn Tuân từng đưa lên làm đề từ câu thơ đó của W.Whitman. “Đầu xuân gió mát tựa hè - Nở bung hoa gạo bốn bề trăng xuân - Sông là người đẹp khỏa thân - Non xanh mơn mởn bước gần bước xa…”. Huy Cận đã viết như thế trong một bài thơ làm hồi miền Bắc một thời thịnh trị trước chiến tranh.

Lúc này đây, những người còn nhớ đến Thị Vải và những con sông đang chết đang cần đến những lời thiết tha tương tự của các thi sĩ. Liệu có ai đáp lại không?
 thesaigontimes Thứ Năm,4/3/2010

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn