VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Buôn bán & Văn hóa

Trong bài báo Vụ tai tiếng lớn nhất về ngoại thương Việt Nam giữa thế kỷ XVIII, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân từng thuật lại nhận xét của một người Pháp khi đem hàng đến bán ở Việt Nam (chủ yếu lúc ấy là ở Đàng Trong). Trong nhật ký của mình, Pièrre Poivre - tên người Pháp - than thở: - Muốn vào đất nước này làm ăn thì phải mang theo nhiều lễ vật. Người xứ Đàng Trong nghèo, quan lại ở vương phủ vụ lợi. Ngay chúa cũng tham lam nên quan lại cũng đua theo. - Tôi chẳng còn biết tin cậy ai hết. Chung quanh chỉ thấy toàn bọn trộm cắp. - Điều làm tôi bối rối khi phải thương lượng với người ở đây là chẳng bao giờ họ nói một lời chân thật. Hôm nay đồng ý, mai đã chối từ. Họ hứa rồi lại rũ bỏ lời hứa, chẳng chút e ngại. Họ kéo cà kê công việc cốt kiếm lợi... Càng cho nhiều, họ càng vòi. Giá kể hồi đang còn phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm, trước những lời chê bai thẳng thừng kiểu ấy, người ta dễ nghĩ chẳng qua đó là sự vu cáo hèn hạ của bọn thực dân, chúng thường viện đủ cớ này cớ nọ để xâm lược nước ta. (Lúc ấy, thậm chí không ai tính chuyện để những nhận xét kiểu ấy lọt ra trên mặt báo). May thay, nay là lúc hoàn cảnh đã khác. Nhiều người có thể đồng tình với Nguyễn Văn Xuân khi ông không dừng lại ở từng lời từng chữ mà chỉ lưu ý tới tinh thần căn bản toát ra qua những nhận xét nói trên. Bằng một giọng điềm đạm, ông bảo "tiên trách kỷ hậu trách nhân" "mà trong lẽ phải có người có ta"..., phải chăng có những điều đáng ngẫm nghĩ sâu xa đối với những ai muốn lấy lịch sử làm bài học và phải học những gì khi mở cuộc ngoại thương. Lâu nay, khi bàn đến di sản văn hóa của dân tộc, thông thường người ta nghĩ đến Hồ Gươm - chùa Một Cột, khu lăng tẩm Huế, chùa Thiên Mụ, chùa Vĩnh Nghiêm... tóm lại là những di sản vật chất. Song, trong nghĩa đầy đủ của nó, di sản văn hóa còn bao gồm cả di sản tinh thần như thói quen sống, sinh hoạt, lời ăn tiếng nói, cách quan hệ trong làng ngoài nước và các loại hình ứng xử xã hội khác. Hình thành đôi khi tự phát, song đã hình thành rồi, chúng trở nên một thứ ký ức tập thể, có sức lưu truyền qua nhiều thế hệ. Có người sẽ bảo: nói gì lạ thế, buôn bán đâu có phải là văn hóa. Nếu hiểu văn hóa theo nghĩa hẹp, thì văn hóa và buôn bán là hai lĩnh vực hết sức xa lạ. Nhưng nếu hiểu văn hóa theo nghĩa rộng (như Đào Duy Anh hiểu trong Việt Nam văn hóa sử cương, 1938) thì buôn bán (thương mại) là thuộc về kinh tế sinh hoạt, một trong ba bộ phận chính của văn hóa (hai bộ phận kia là xã hội sinh hoạt và trí thức sinh hoạt). Qua buôn bán, trước tiên là buôn bán trong nước, người ta thấy trình độ chủ động của một cộng đồng xã hội trong việc tự điều chỉnh các sản phẩm làm ra. Trong việc buôn bán với nước ngoài, vai trò chi phối của văn hóa càng rõ. Ở đây thấy rất rõ trình độ tổ chức của xã hội, ý niệm chung của từng cộng đồng trong xã hội về giàu nghèo, về sự công bằng. Nhất là ở đây, người ta có dịp bộc lộ tự ý thức về chính mình cũng như ý niệm của cộng đồng về những kẻ khác. Ai cũng biết văn hóa là một cái gì lâu bền. Trong văn hóa, muốn thay đổi mọi chuyện phải có thời gian. Có một lý do nữa, để chúng ta có thể nói chắc rằng những thói quen buôn bán cũng là văn hóa: đến nay dưới nhiều biến dạng khác nhau, chúng vẫn tồn tại và sức sống của chúng phải nhận là khá dai dẳng. Chỉ cần đọc các bài báo phanh phui vài vụ làm ăn và nhất là nghe dân trong giới kháo nhau, cũng có thể thấy cách buôn bán của ta hôm nay không thiếu chuyện kỳ cục. Một mặt, không ít nhà buôn ở ta vụng về kém cỏi, tham vặt, lại dễ bị lừa. Mặt khác, với các đối tác làm ăn đứng đắn, thì còn phải rất lâu, qua sự nỗ lực trên nhiều phương diện, trước tiên là trên phương diện nhận thức, chúng ta mới thật sự trở thành những bạn hàng đáng tin cậy. Thế có nghĩa là chuyện “buôn bán không thành văn hóa” ở ta là một thứ định mệnh, dân ta không bao giờ bỏ nổi cái nếp cũ?! Không hẳn! Xưa, cha ông cứ làm mà các cụ không biết rằng có người nghĩ thế này thế khác về mình. Nay là lúc sự giao lưu trên thế giới được mở ra rộng rãi, không phải chỉ hàng hóa được trao đổi mà những nhận xét về nhau cũng được trao đổi. Miễn chúng ta không tự lừa mình, mà thẳng thắn nhìn vào sự thực, chúng ta sẽ nghe được mọi nhận xét đã có và có thể có. Miễn là chúng ta muốn giao lưu buôn bán một cách lâu dài, thì với một sự nhạy cảm có thừa, người Việt sẽ tự nhận diện chính xác để rồi cải thiện được hình ảnh của chính mình. Là cái lâu bền, nhưng văn hóa - ở đây là những di sản vô hình - cũng là cái thay đổi được, nếu người ta biết phục thiện, nghĩa là mang vào mọi hoạt động một chút lý tính cần thiết. "Người đại biểu Nhân Dân"2007

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn