VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Bởi một tầm nhìn quá hẹp

Có hai điều làm chúng tôi ngạc nhiên khi đi trên nhiều con đường Trung Quốc mạn gần Việt Nam. Thứ nhất mặc dù chỉ là một thứ đường biên giới, nhiều khi thuộc loại vùng sâu vùng xa, song tất cả được làm theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Mặt đường phẳng lỳ, dải phân cách rõ ràng. Đường xa nhà dân, mà cũng không có các đường cắt ngang. Cần cắt ngang đều dùng cầu vượt. Các loại cống thoát nước chắc chắn. Các loại biển báo đầy đủ, ghi bằng tiếng Anh đàng hoàng. Và thứ hai, điều này hơi khó tin hơn: đường rất vắng. Khi tôi hỏi thì được chính những người dân thường trả lời giản dị rằng có phải làm đường chỉ cho ngày hôm nay đâu, dăm bảy năm nữa lại đông bây giờ. Dẫu sao trên những con đường thênh thang 6 làn rộng rãi, mà có khi vài trăm mét mới gặp một xe đi ngược, một người Việt như tôi vẫn không kìm được ngạc nhiên. Bởi chỉ cần nhớ lại những con đường ở xứ mình thì biết. Chỗ nào cũng xúm xít những người. Luôn luôn người tham gia giao thông có cảm giác “hạnh phúc là một cái chăn quá hẹp”, muốn đi được thì phải chen lấn xô đẩy, thấy chỗ hở ra không chiếm, là người khác chiếm mất. Ngay cả con đường Thăng Long Nội Bài từng là niềm tự hào của người Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Cũng đã bắt đầu gợi cảm giác chật chội chen chúc của một đoạn đường phố huyện ngày phiên chợ. Hơn hai chục năm đã trôi qua, song tôi còn nhớ như in cái cảm tưởng khi lần đầu đi trên đoạn đường này: sao mà đường rộng thế. Với chiếc xe máy mới mua một vài năm trước đó, lúc nào tôi cũng tự dặn phải đi chậm thôi. Ghi lại cái cảm giác ấy ở mình là để thông cảm với những người làm quy hoạch giao thông: họ cũng không ngờ giao thông phát triển như hiện nay. Nhiều người dân vừa xây nhà xong được vài năm thì đã phải tính chuyện phá ra xây lại. Vì lúc đầu chỉ cảm thấy cần một cái nhà ở tạm; sau mới biết khái niệm về cái nhà bây giờ đã khác nhiều so với ngày xưa. Nhiều con đường ở ta vừa mở đã biết ngay cần phải mở tiếp nhưng khốn nỗi lúc này nhà dân đã quây hết chung quanh rồi không lấy đâu ra tiền đền bù nữa. “Các đập nước ở tỉnh X. đang trong tình trạng đụng đâu vỡ đấy”. Khi đọc một tin như vậy, chúng ta thường chỉ nghĩ đến tham nhũng hoặc ăn cắp nguyên vật liệu. Nhưng tôi biết, có khi lý do đơn giản hơn. Lúc làm đập, người ta chỉ dám chi một số tiền rất nhỏ. Một nồi sợ tốn bốn nồi không xong, các cụ xưa đã biết thế, mà có mấy ai tránh nổi cái bệnh nhìn hẹp. Một người bà con của tôi đang sống ở Pháp kể rằng, già rồi cũng muốn về Việt Nam sống. Không gì bằng sống ở quê hương đất Tổ, đó là lẽ đương nhiên, một lý do cao quý. Nhưng cũng phải nói thật, nay là lúc làm ăn ở trong nước được khuyến khích, tiền kiếm dễ. Thế nhưng tại sao cứ thấy ngại, không sao quyết định nổi. Ông tự hỏi và thấy lý do khá đơn giản. Một chỉ sợ ốm không có được sự chăm sóc cần thiết và một nữa con cái lớn lên đi học quá dễ hư. Riêng về y tế, ông không chỉ lo cơ sở vật chất kém, trình độ thầy thuốc loàng xoàng mà cái chính là ông thấy người trong nước chữa bệnh lạ lắm. Y bác sỹ chỉ lo chữa cái phần hiện trạng, cốt sao bệnh nhân ngắt cơn, còn bệnh lâu dài không cần biết. Ngược lại, nhiều người vừa ốm là sốt ruột chạy đi khám thuốc đắt bao nhiêu cũng chữa, miễn sao khỏi ngay, còn như dùng loại thuốc này sẽ có hại sao không cần biết. Tức cũng là một quan niệm sơ sài thiển cận về sức khỏe đang chi phối, nó khiến nhiều người lúc nào cũng khỏe mà thật ra sức khỏe ngày một suy giảm. Trong phạm vi công việc của một cá nhân, quyền lợi của một gia đình, người ta có cạn nghĩ một tí cũng không sao. Nhưng đối với đại sự quốc gia, tầm nhìn hẹp là cả một tai họa. Phải mạnh miệng mà nói với nhau như thế khi nghĩ về điều thứ hai mà người bà con của tôi lo lắng: Tình trạng giáo dục hiện thời. Có một hồi ta tưởng cốt sao con cái được cái tiếng có đi học là đủ. Khéo bảo nhau một tí là xong, muốn giáo sư thì phong hết lên là giáo sư, muốn tiến sỹ thì cấp cho nhau bằng tiến sỹ. Có ai lo lắng về chất lượng con người trong tương lai đâu. Sở dĩ cái ngành đào tạo con người ở ta rơi vào khủng hoảng như hiện nay cũng vì lối nhìn hẹp hòi thiển cận chi phối. Chúng ta sẽ lấy đâu nghị lực và quyết tâm để thay đổi nó, nếu thiếu đi tầm nhìn xa rộng về một đất nước thời toàn cầu hóa năm chục năm sau, một trăm năm sau?! Người đại biểu nhân dân, 21/5/2007.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn