VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thử nghĩ khác đi về sự một số vấn đề trong lịch sử dân tộc

 Nhiều nhận thức khoa học được hình thành trong lịch sử thường chỉ đúng với một giai đoạn nào đó, sau đó người ta sẽ tìm cách vượt qua. Tuy nhiên trong giai đoạn đương thời ít nhất là nhận thức đó đã giúp người ta giải thích nhiều sự kiện có liên quan.

Tôi đã phân vân rất nhiều khi tìm lại cổ sử Việt Nam và tìm thấy nhiều điều khác những điều tôi đã được dạy từ hồi tiểu học, cũng khác với sử học đương thời. Oái oăm ở  chỗ mặc dầu đã cố từ chối cuối cùng tôi vẫn phải nhận đấy là những tài liệu có giá trị  khoa học và có thể tin được. Trước thời Bắc thuộc, chưa có dân tộc Việt Nam lại càng chưa có nước Việt. Và chính những người Hán có mặt trên phần lãnh thổ này từ nhiều nguồn khác nhau vị trí khác nhau đã là những nhân vật chính trong lịch sử của mảnh đất này. Nói như ông Nguyễn Gia Kiểng trong bài “Việt Nam đã hình thành như thế nào?” đã nói: “điều mà chúng ta thường gọi là lịch sử dựng nước thực ra chỉ là sự hình thành chậm chạp của một quyền lực thống trị địa phương trong tay một thiểu số rất nhỏ gồm những người từ phương Bắc tới và những người địa phương đã hấp thụ văn hóa Hán.” (mời xem lại Fb của tôi ngày 3-7-2022)

Sở dĩ tôi tin những lời đó vì nó đúng, với nghĩa vì nó giúp tôi giải thích nhiều vấn đề lớn trong lịch sử Việt Nam. Ví dụ như câu chuyện văn hóa Việt Nam thường được miêu tả như một thứ second-hand của văn hóa Trung Hoa. Lại như những ví dụ về những xung đột vùng miền của người Việt, một điều nhà sử học Mỹ K.W.Taylor đã khẳng định mà chúng ta thì rất phản đối. Đơn giản lắm, vì người Hán cai trị nước ta đâu có như một địa phương thống nhất mà họ ít nhất chia làm ba quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam; mỗi quận này do một viên Thái Thú hoặc Thứ sử hoặc Tiết Độ Sứ cầm đầu, các viên quan cai trị này không chịu trách nhiệm gì với nhau mà chỉ chịu trách nhiệm với triều đình tại Bắc Kinh và sự thực là họ luôn luôn mâu thuẫn lẫn nhau, họ huy động các thuộc hạ và dân địa phương dưới quyền thôn tính lẫn nhau. Cũng một sự thực là trình độ phát triển mỗi quận mỗi vùng một khác, mỗi khu vực gần như có một kiểu văn hóa riêng, kiểu cư trú riêng, kiểu sinh hoạt riêng và trước tiên là có một bộ phận người Hán mới du nhập; những người Hán này từ những địa phương khác nhau ở Trung Quốc, họ có mưu đồ lập ra một xứ sở có màu sắc riêng. Âý là không kể một quận như quận Nhật Nam luôn luôn ở trong tình thế biến đổi và sau này đã du nhập thêm vùng đất của người Chăm và người Khơ-me trở thành vùng Nam Trung Bộ và miền Nam Bộ ngày nay. 

---------------- 

PHỤ LỤC I

--

Để nói về những xung đột vùng miền và những con người hoặc nói khác đi là sự khó hòa hợp giữa người Việt với nhau – tình trạng này có một phần do sự chín không đều ở đủ các dạng thức --, xin thêm hai tài liệu

1/Tài liệu thứ nhất

-- Đọc “Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia”, thấy lời tâu của quan chức lo quan hệ với nhà Mạc là Mao Bá Ôn tâu lên vua Minh như sau:

Hạ thần xét về nước Nam, từ thời Hán thời Tấn đến nay, tuy xưng là nội phụ, nhưng vì thói tục di liêu khí độc lam chướng không thích nghi với Trung quốc.

Vả lại nước ấy cứ vài năm một lần loạn lạc, mà đã loạn lạc thì kéo bè kết đảng, đánh giết lẫn nhau, phải qua mấy năm mới yên.

Ngày trước Trương Phụ dùng hơn mười vạn quân đánh dẹp mà cũng chỉ đặt được quận huyện trong mấy năm. Sau đó chúng liên tiếp làm phản và rút cuộc lại trở về man di. Đó là một chứng nghiệm rất rõ ràng.

Nay cân nhắc sự lợi hại thiệt hơn thời trước, thấy không gì bằng cứ để nước ấy là ngoại bang mà không nhập vào Trung quốc và chỉ nên dùng người di trị người di.

Thế mới ổn thỏa và tiện lợi (sđd , tr 58 ).

*

2/Tài liệu thứ hai là một văn bản hiện đại hơn - đoạn trích cuộc phỏng vấn giữa tạp chí Đức Việt và đạo diễn Trần Văn Thủy: "Cái cảm giác đè nặng bên trong tôi là vô vọng về dân tộc Việt". Bài đăng trên báo Đoàn Kết (của Việt kiều tại Pháp) số 10-90. 

HỎI

Anh đi khắp nơi như vậy, chứng kiến cuộc sống của người Đức, Pháp, Bỉ hoặc Anh, ý..., điều gì làm anh xao động nhất? 

TRẢ LỜI

-Cái cảm giác đè nặng bên trong tôi là vô vọng về dân tộc Việt. Tôi nói điều này thì cũng không đúng lắm, có thể là thất lễ và mất lòng nhiều người, nhưng nó là sự thật.

Tôi xin nói, thật lòng như thế này: Khi còn ở trong nước, tôi cứ nghĩ các khuyết tật mà xã hội Việt Nam có, thí dụ quan liêu, cửa quyền, bắt người khác giống mình, áp đặt ý kiến, là do cơ chế của một thứ "chủ nghĩa Xã Hội".

Sau này ra ngoài, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, nhất là những báo chí của phe chống cộng đủ thứ, tôi thấy không ít chuyện kinh hoàng. Ai mà không giống mình thì dằn mặt, đánh hoặc bắn.

Thế tôi mới ngỡ rằng cái bệnh hiếp đáp nhau, dẫm đạp lên nhau, bắt người khác phải phục tùng mình, phải chăng là chứng bệnh của dân tộc Việt Nam.

Nếu như đó là bệnh của một chế độ chính trị thì có thể sửa được. Khi nó không còn hiện diện hoặc thay đổi thì những điều xấu ấy mất đi.

Nhưng nếu đó là những khuyết tật của dân tộc thì thật là điều đau đớn vô cùng.

Nếu chỉ tính từ thế kỷ XV với sự xuất hiện của nhân vật Nguyễn Trãi, đến nay có thể nói qua gần năm thế kỷ, có nhiều chuyện gần như ta phải làm lại từ đầu.

Đè nặng lên tôi nhất vẫn là cái cảm giác dân tộc mình khó mà khá lên được, khó lòng đuổi kịp các nước, dù là những nước trung bình trên thế giới. Đó là sự thật, ai càng yêu nước càng buồn nhiều. 

***

Còn có thể dẫn ra nhiều ý tương tự những điều vừa dẫn ở trên. Chúng ta rất khó quen với ý tưởng xứ sở ta tuy liền lặn nhưng lại bao gồm những mảnh ghép của những nhóm dân cư khác nhau và trong gần ngàn năm trên đường tiến hóa lại chín không đều. Nhưng đó đang được nhiều người tìm cách chứng minh là một sự thực

 …………….

 PHỤ LỤC II

  Còn sau đây là một mấy đoạn suy nghĩ của tôi nhằm giải thích tại sao lịch sử VN cận đại đã chứng kiến nhiều thay đổi nhưng ta vẫn là một xứ sở chậm tiến.

 SỰ TỪ CHỐI LIÊN TỤC

VỚI MỌI TƯ TƯỞNG PHƯƠNG TÂY

--

Trong vụ GS Chu Hảo, nhiều người thắc mắc tại sao cấp trên lại phê phán ông về hoạt động của nhà xuất bản Tri Thức.

Là một người đã làm công tác xuất bản và ít nhiều có hoạt động trong lĩnh vực sách vở khoa học xã hội, tôi không lấy làm lạ. Câu chuyện từ chối các tài liệu nghiên cứu từ phương tây vốn có từ lâu lắm.

Sinh thời nhà thơ Tố Hữu từng cho rằng về khoa học tự nhiên ta có thể kém chứ khoa học xã hội thì ta không chịu một ai. Thậm chí theo cách nói của Tố Hữu ta còn có thể đi dạy cho các nước khác nữa.

Trong giới khoa học xã hội nhiều người lứa tuổi tôi hẳn biết nhà dân tộc học Từ Chi từng mang vạ vì ở nơi sơ tán mà để hết tâm trí ngồi đọc Nhiệt Đới Buồn của Claude Lévi-Strauss.. Có lần một phó ban tuyên giáo hình như là ông Hà Huy Giáp đến thăm nơi sơ tán của cơ quan phát hiện ra việc này của Từ Chi. Sau đó ông liền bị chi bộ quần cho một trận. Kinh nghiệm của Từ Chi là không nên làm việc ở cơ quan mình có chuyên môn mà nên làm ở một nơi chung chung khác, sẽ dễ ẩn mình để tự do nghiên cứu hơn.

Trước đó thời Liên Xô theo chúng ta là sa vào chủ nghĩa xét lại, sách vở khoa học xã hội cũng bị cấm đoán như vậy. Cũng may là các sinh viên Việt Nam sang Liên Xô học thường cũng không biết rộng ra ngoài phạm vi nhà trường dạy mình, mà chỉ tiếp thu cái phần bảo thủ trong các tài liệu của Xô Viết, nên ở đây không xảy ra những bi kịch đáng kể lắm. Chỉ có một lần nhà nghiên cứu điện ảnh Mai Luân nhắc lại một luận điểm của ông thầy Nga về khả năng ‘phá vỡ logic cuộc sống’ thì lập tức bị nhà mác – xít cổ điển Trường Chinh phê phán cho một trận, thế là cạch hẳn.

PGS Đặng Anh Đào tôi quen vốn làm công việc nghiên cứu văn học phương Tây, nhưng rất am hiểu văn học Việt Nam từ những năm tám mươi có chuyển sang viết về văn học đương thời, sau đã trở thành một thành viên Hội nhà văn. Chị Đào có lần nhận xét về ông Hữu Thỉnh phụ trách Hội nhà văn chúng tôi, sao ông này có quan điểm rất lạ, người Pháp người ta cho sách thì chỉ nhận sách cổ điển, còn sách hiện đại thế kỷ XX thì nhất định không nhận. Tôi phải nói ngay với chị Đào rằng cái lối này đã có từ thời của nhà văn kiêm nhà trí thức số một của giới văn nghệ thời ta là ông Nguyễn Đình Thi. Hồi chống Mỹ, Pháp họ vẫn cho Hội nhà văn sách rất đều. Ông Thi nhận nhưng giao cho bà Huệ giữ thư viện – cũng tức là vợ nhà văn Bùi Hiển -- cất kín trên gác, chỉ khi có lệnh của ông Thi bà Huệ mới được phép cho mượn. Nói tóm lại, cái xu hướng tự cách ly hẳn với thiên hạ, cái đó vốn là chủ trương của những người phụ trách mãi bên trên, và đã kéo dài lâu quá, gây nên bao nhiêu tật bệnh.

Từ sau 1986, sự tiếp nhận tư tưởng khoa học xã hội phương tây được sự tiếp nhận kinh tế hỗ trợ nên khộng khỏi tạo áp lực khiến cấp trên có phần bắt buộc phải có cái nhìn cởi mở hơn. Nhiều quyển sách quan trọng của khoa học xã hội Mỹ Anh Pháp Đức...được giới thiệu để dịch ở ngay cơ quan xuất bản chính thức của nhà nước. Bộ phận quản lý không dễ từ chối, nhưng vẫn tìm ra cách đối phó riêng. Chỉ cho in ra những gì ta đã phần nào kiểm soát được. Thông thường chỉ cho in với số lượng rất ít và có khi in xong không giới thiệu rộng rãi cất ngay vào kho để hạn chế phổ biến. Các tác phẩm động chạm đến các vấn đề cụ thể của Việt nam càng được soi xét kĩ lưỡng, có nhiều quyển, những đoạn quan trọng thì bị đục bỏ hoặc bị giải thích lại theo ý muốn chủ quan của cơ quan xuất bản Việt Nam.

Mặc dầu vậy, ở các cơ sở xuất bản của các nganh nghề và các địa phương, những người làm công việc giới thiệu các tài liệu khoa học xã hội nước ngoài vào Việt Nam vẫn tìm cách len lỏi để có thể đưa được những tác phẩm mà họ thấy là cần thiết cho đất nước trên con đường gia nhập vào thế giới hiện đại. Việc này hết sức khó khăn và dễ gây ra tai vạ, phải mưu mẹo lắm mới có thể đưa ra được những gì mình muốn.

Trong tình hình ấy, việc nhà xuất bản Tri Thức in ra được hàng loạt sách khoa học xã hội có giá trị cổ điển, hoặc cập nhật những tài liệu mới nhất gây ra tranh cãi ở nước ngoài, nhất là cho dịch được những tác phẩm sát sao với tình hình Việt Nam, với nhu cầu đổi mới của Việt Nam - phải nói là một hiện tượng hiếm hoi.

Chúng ta cần ghi nhận ở đây, những cởi mở và quả quyết của GS Chu Hảo được sự đồng tình ủng hộ của tri thức trong và ngoài nước, nên mới đạt nhiều thành tựu như vậy.

Cái tinh thần sáng tạo của nhà xuất bản Tri Thức sẽ được bộ phận tinh hoa trong trí thức cả nước tiếp tục, và dù bất cứ hoàn cảnh nào thì nó cũng không thể bị đảo ngược.


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn