VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Xuân Diệu -- Một vài kỷ niệm về yêu thơ Tản Đà

 

Tôi sẽ là người bội bạc nếu tôi quên cả một thời tuổi nhỏ, thời tôi đã yêu, đã mê thơ của thi sĩ Tản Đà. Người ta có thể đổi thay, tuổi tráng niên không còn những cái thích của ngày thơ dại cũng như tấm lòng không ở mãi trong một tình yêu. Nhưng ta không quên, kỷ niệm còn đây để nhắc tôi cái hương xưa cửa những mơ mộng ban đầu.

 

Tôi bắt đầu yêu thơ, năm học lớp nhất. Đã mười năm… lòng trẻ con hé mở ngập ngừng, yêu đương một cách vô tâm như hứng một làn gió. Tôi đến chơi nhà một bạn nhỏ, người bạn nhỏ khoe với tôi có một chồng báo Hữu Thanh. Lúc ấy Hữu Thanh đã chết rồi, nhưng tôi có biết gì về năm tháng đâu! Đối với tôi Hữu Thanh là những quyển sách mới. Tôi mượn và xem từng số một, và thấy yêu quốc văn, tôi riêng yêu thơ, và tôi đặc biệt yêu thơ Tản Đà.

 

Tôi dần dần đọc hết những bài thơ trong tập báo cũ, tôi chép vào quyển sổ con, có cảm giác mơ hồ như hứng lấy một bóng trăng thanh. Tuổi nhỏ không khó tính, lòng tôi thuở ấy đương cần một nhịp ru nhè nhẹ khêu gợi cho tôi mơ mộng vẩn vơ vần thơ trong trẻo của Tản Đà đã phơ phất thổi qua lòng tôi, và cho tôi mờ mờ hiểu rằng người thi sĩ là lạ, khác khác, không phải những người quen biết tôi gặp.

 

Từ lúc yêu thơ - năm tôi mười ba tuổi - gặp bài thơ nào, đăng ở đâu tôi cũng đọc, nhưng càng xem tôi càng thấy cái tài đặc biệt cuả Tản Đà. Những bài thơ đạo mạo, hoặc sâu thẳm, nhưng bao giờ cũng khô khan, nhạt nhẽo đăng ở Nam Phong thì sao bì được những câu ca bay bổng của Nguyễn Khắc Hiếu đăng ở Hữu Thanh!

 

Dần dần sự yêu của tôi thành một cái mê. Tôi cho rằng câu nào của Tản Đà cũng hay, bài nào cũng khả ái, tôi nhặt chép từng đoạn thơ con.

 

Tôi ước ao được có nhiều thơ của Tản Đà mà đọc, nhưng ngoài những bài thơ tôi gặp ở Hữu Thanh, tôi không còn biết tìm đâu. Thuở 1929, thì những văn thơ của Tản Đà xuất bản đã lâu, bán đã hết cả, tôi chỉ biết là thi sĩ có những tập Khối Tình Con thứ nhất và thứ hai, Giấc mộng con, Khối tình…

 

Tôi không nhớ bài nào xem trước, bài nào xem sau, ký ức tôi không giữ lại một thứ tự rõ ràng. Tôi chỉ nhớ cái sướng của tôi khi đọc những bài Hỏi gió, Thăm mả cũ, Bầu trời, - những câu ca dao phóng khoáng, những điệu từ khúc xinh xắn, và ở bài nào cũng có cái duyên của Tản Đà.

 

Trong năm sáu năm trời, từ lúc thi sơ học đến lúc thi Thành chung, thơ Tản Đà nuôi lòng yêu thơ của tôi. Chung quanh Tản Đà, những người khác làm những bài thơ không một chút rung động. Thơ mới chưa ra đời, thơ cũ lặp lại những câu sáo, tình yêu của tôi đi đến Tản Đà như đi đến người thi sĩ độc nhất của Việt Nam.

 

An Nam tạp chí tái bản, tôi là một độc giả rất trung thành, lòng tôi mến phục nhà thi sĩ đã thành một sự mẩn mê. Tôi chờ đón tạp chí An Nam, để xem những câu thơ Nguyễn Khắc Hiếu. Lúc này nhà thi sĩ đã ít làm thơ, nhưng cũng đủ thỏa lòng tôi khát khao.

 

Tôi phục Tản Đà cách dùng chữ tinh xảo, cái mẹo luật ly kỳ, và một âm nhạc chảy trôi, bay bướm. Tôi xiết bao khoái trá, khi xem câu hứng bút của Tản Đà:

         Năm xưa chơi ở Dương Qùy

Trắng phau ngựa trắng, xanh rì rừng xanh

Nhất là mấy câu Ngày xuân tương tư:

Sương mù mặt đất, người theo mộng

Nhạn lảng chân trời, kẻ đợi thơ.

và những câu thoát dịch thơ Tàu:

            Một đêm hoa nở cành mai

Trước song chợt đến, nhỡ người nhớ thương.

 

 

Trong lớp học tôi, có một người bạn nữa cùng thích thơ Tản Đà. Chúng tôi thành một đầu đề cho chúng bạn đùa cợt. Tôi và người bạn vô cùng võ vẽ làm thơ, chúng tôi ở trong thời kỳ bắt chước, và cố nhiên chúng tôi chỉ học theo Tản Đà mà chúng tôi tôn làm thầy. Thơ chúng tôi cũng na ná giống thơ Tản Đà, nhất là thơ của tôi, giỏi ăn cắp lối dùng chữ, lối chuyển câu của Nguyễn Khắc Hiếu.

 

 

Những giờ học quốc văn, tôi đã thuộc đoạn phú tự do ở sau bài Đánh bạc. Tôi thấy những vần giản dị, êm ngọt, đọc nghe lanh lảnh bên tai:

Thử trèo bức tường đổ, trông quãng đường xa

Mồ con, mả lớn, chỗ năm chỗ ba

Chẳng quan thì dân, chẳng trẻ thì già.

Trước cũng người cả, bây giờ đều ma…

 

 

Tản Đà thư cục lại lập. Thề non nước lại ra đời. Với lòng tôi thuở ấy, còn gì dịu dàng hơn những câu:

Nước non nặng một lời thề

Nước đi đi mãi không về cùng non

Non cao những ngóng cùng trông

Suối khô giọt lệ, chờ mong tháng ngày

Non xanh đã biết hay chưa?

Nước đi ra biển lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn.

 

 

Khối tình tái bản, yêu thơ, tôi yêu lây đến văn. Văn Tản Đà, tôi thấy là những câu thơ phú tự do có vần, có nhịp.

 

Tôi thán phục những câu nói về cái sầu lẩn quất: Sầu không có mối, cắt sao cho dứt, sầu không có khối, đập sao cho tan.

 

Tôi yêu những câu: Chàng Lưu Lang trở lại động Thiên Thai, hoa đào nước suối, “đất Nam Sở đỉnh chung người đội gạo, bến Tầm Dương trăng ước chiếu thuyền con”.

 

Đến Khối tình con thứ ba ra đời. Đó là tập thơ cuối cùng của thi sĩ. Tôi thưởng thức đoạn đầu bài Cảm thu vì bao nhiêu câu thơ đặc sắc rải rác trong tập thơ Giấc mộng con thứ ba, hưởng một điệu từ khúc ở cuối sách, xinh và trong:

Non xanh xanh, nước xanh xanh

Nước non như vẽ bức tranh tình

Non nước tan tành, giọt lệ tràn năm canh.

 

Nhưng không được bao lâu, An Nam tạp chí lại đình bản.

 

Tôi ngong ngóng đợi chờ. Mãi sau khi tạp chí lại ra, lần này là lần cuối, tôi vồn vã nắm lấy tờ báo. Lòng tuổi trẻ dễ dàng bao nhiêu, nỗi vui sướng không cần đắn đo, và cái say mê rất là chung thủy.

 

Tôi chờ, tôi đợi An Nam tạp chí, tôi đến hiệu sách đón mua. Nhưng lần này, báo của thi sĩ ra không thể kể đến kỳ hạn. Một tháng phải ra hai kỳ, mà thực ra một tháng có một kỳ, hay hai tháng có một kỳ.

 

 Làm cho tôi đến ngày đầu tháng và giữa tháng trốn trường ra phố, thăm hỏi không thôi. Tôi đến luôn một hiệu sách, hỏi họ vồn vập, dường như bắt họ chịu trách nhiệm về sự trễ tràng.

 

 Rồi sau khi mong mỏi bao lâu, đột nhiên một số An Nam lại ra, và tôi lại được một bữa tiệc, vội rọc số báo, tìm thơ Tản Đà. Có khi chỉ được ít ỏi mấy dòng mà hứng thơ của thi sĩ ngó chừng đã cạn. Tuy vậy, tôi vẫn yêu, tôi vẫn mê.

 

 

Nhưng một lần kia An Nam tạp chí ra chậm quá chừng, chậm vô cùng, chậm không thể tưởng tượng được: Tạp chí không ra nữa.

Và từ đó bắt đầu ngấm ngầm một cuộc đổi thay vô tình trong tâm hồn tôi. Tuổi nhỏ dần dần thành tuổi trẻ, tôi thay quan niệm, thay xu hướng, lòng tôi cũng chuyển đi từng ngày, từng tháng một.

 

Tình yêu người cũng còn thay đổi nữa là tình yêu thơ. Trái tim chúng ta không phản trắc bao giờ, nhưng cái tự nhiên nguôi quên theo một con đường khó cưỡng.

 

Càng lớn, tôi càng cần sự tha thiết, sự mãnh liệt mà tôi không thấy trong thơ Tản Đà. Cái thích hôm nay không giống cái thích ngày trước và một ngày mai lại không còn cái thích hôm nay. Nhưng tình yêu đi, kỷ niệm ở, mỗi lần nhớ lại tuổi nhỏ, tôi biết ơn Tản Đà thi sĩ, người đã gởi hồn thơ trong tâm hồn tôi.

 

Cả một trời thơ ngây của tôi đã nhuần thấm cái vẩn vơ, cái mộng của người trích tiên, tôi đã có một cớ để người yêu đến mê say. Tôi đã được mến phục một cái tài hoa, một cái tình nhẹ nhàng trong trẻo.

 

Có lẽ bây giờ tôi không yêu mến nữa, nhưng xưa kia tôi đã mến yêu đằm thắm, sự đổi thay không phải là sự phũ phàng nên hôm kia, sau khi đưa nhà thi sĩ đến nơi ở cuối cùng tôi trở về bâng khuâng thấy trong kỉ niệm lại phất phơ một hơi gió hiền hòa như hơi gió trên đường buổi chiều vĩnh biệt.

 

Thời trẻ thơ lại về phảng phất với những câu thơ hồn hậu của thi nhân, những câu thơ mát thoảng, hợp với lòng yêu trăng gió của tuổi thanh niên. Nhưng không biết với ai, thì thế nào, nhưng đối với tôi thì thi sĩ Tản Đà còn ở trong ký ức tôi, ở một nơi dịu dàng mà thảnh thơi, và đọc lại thơ Tản Đà tức là tôi đọc lại thời thơ ấu. (*)

Xuân Diệu

 

(*)Tạp chí Tao đàn 1939. Số đặc biệt về Tản Đà

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn