VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tôi nhìn lại tôi - tự truyện kỳ 1 - Hai vùng ngoại ô


Wikipedia

Tự truyện cũng khác biệt với hồi ký tuy ít nhiều rất khó có thể tìm một ranh giới tuyệt đối cho thể loại: nếu tác giả tự truyện thường tập trung vào quá trình hình thành và lịch sử thế giới nội tâm của mình trong sự tương tác với thế giới bên ngoài, thì hồi ký thường lưu ý trước hết đến thế giới bên ngoài ấy, với những con người, cảnh quan đã được tác giả tiếp xúc, nếm trải.


Pamuk

Bên trong tôi lúc đó có một nỗi tò mò khôn nguôi, một khao khát dẫn dắt bởi niềm hy vọng, khao khát đọc, khao khát học, song đồng thời tôi lại cảm thấy đời tôi thiêu thiếu cái gì đó, rằng tôi sẽ không có khả năng sống như những người khác

 ***

Trước 1954 Đại Yên là một làng nhỏ nằm ở phía Tây bắc thành phố. Từ Bách Thảo đi lên, qua làng hoa Ngọc Hà rồi qua Hữu Tiệp nữa mới tới. Làng chuyên về bán cây thuốc. Các bà các chị trong làng nhiều người có cửa hàng nhỏ ở chợ Bắc Qua. Hàng ngày các bà đi bộ gần một cây số từ làng lên Đường Thành rồi lại đi bộ vài trăm mét nữa qua ngõ nhỏ Thụy Khuê tới cổng sở xe điện là lên tàu xuôi Quan Thánh xuống Đồng Xuân. Ban ngày không khí trong làng vắng vẻ, nhất là quãng cánh đồng trồng các loại rau, trải rộng đến tận chân tường nhà máy bia Ô Mền - nay là nhà máy bia Hà Nội.

Đây chính là nơi gia đình tôi, sau chuyến tản cư lên Mỏ Thổ Bắc Giang cuối 1947 tới hè 1948 thì quay trở lại hồi cư về Hà Nội. Lên Mỏ Thổ do vất vả quá trong việc kiếm sống mẹ tôi đã qua đời tại xóm miền núi hiu hắt đó. Chịu không được cảnh tản cư lạ nước lạ cái, bố tôi dẫn chị tôi và tôi kéo về vùng tề, và theo gia đình ông bác tạm ở nhờ trên mấy túp lều nằm giữa cánh đồng trồng rau Đại Yên.

Thời gian mẹ tôi ốm nặng cũng là thời gian tôi bị bệnh đậu mùa hành hạ. Và ở tuổi lên bốn khi mẹ tôi chết thì tôi mới qua khỏi, nhưng trong tình trạng ngơ ngẩn quên cả cách cầm đũa cầm bát, cách mời mọi người trước lúc ăn cơm. Khuôn mặt rỗ khá nặng (mặt rỗ như tổ ong bầu cái răng khấp khểnh như cầu rửa chôn– ca dao) ám ảnh suốt đời tôi. Tôi cảm thấy mình vụng về xấu xí không bao giờ có thể so sánh với những con người bình thường. 

Họ Vương chỉ là một họ rất nhỏ ở làng Đông Hồ Bắc Ninh. Từ trước 1945, ông nội tôi đã dẫn một phần gia đình từ quê ra làng Yên Thái (tục gọi là làng Bưởi) làm ăn. Khi tính việc cung cấp nguyên liệu cụ thể là giấy làm tranh cho cả làng quả là ông nội tôi có đầu óc buôn bán một điều thường thiếu ở người Việt. Tới lúc qua đời ông được chôn cất ngay ở ven hồ Tây và sau vài chục năm thì bị sóng đánh mất trôi cả mồ mả. Khu đất mà gia đình tôi mua được trước 45 nằm sâu mãi trong làng Bưởi nên ông bố tôi trong cảnh gà trống nuôi con khi hồi cư quyết định không quay về vùng đất cũ ấy mà đến Đại Yên ở tạm. Ở đó ông làm nghề cắt tóc, ngày ngày xách hòm tông đơ dao kéo đi dong khắp các làng nhỏ trong vùng. Bà chị tôi mới hơn mười tuổi đã phải đi làm thuê làm mướn cho các nhà trồng rau rồi sau đó tới tuổi mười bốn thì nhận một gánh hàng tam phong bóng đèn do ông bác họ cung cấp đi bán rong, đi khắp vùng ngoại ô phía bắc đôi khi xuống cả vùng nội thành. Tuổi trẻ của tôi không đáng để gọi là cuộc sống vì lúc ấy tôi gần như hoàn toàn đơn độc. 

Về Hà Nội được vài năm thì ông bố tôi gặp gỡ người mẹ kế của tôi mà bố vẫn không cho gọi là dì và bắt tôi gọi là mợ. Quê bà ở làng Lã Từ Sơn tục gọi là Lã rượu. Bà là người từ nhỏ cũng rất khổ, hình như phải xa gia đình làm con nuôi cho một người trên phố, lúc gặp bố tôi thì đang làm nghề nấu rượu . Việc buôn bán cũng không làm cho bà khôn ngoan lên được bao nhiêu. Bà cư xử với tôi hết sức nhạt nhẽo khiến con người cô độc của tôi ngày càng phát triển.

Khi nhớ lại tuổi niên thiếu bất hạnh của mình, thường tôi chỉ oán trách là do hoàn cảnh lúc bấy giờ quá ư khắc nghiệt. Nào tôi có hiểu gì về sự cần thiết của kháng chiến. Tôi chỉ cảm thấy là đang trong cảnh yên ấm thì gia đình rơi tõm vào sự bơ vơ bất lực.  Cảm giác đó sẽ trở lại với tôi một lần nữa trong thời gian đầu cuộc chống Mỹ. Một lần đi qua Sông Hồng vì hoảng loạn trước bom đạn, ông bố tôi đã trở nên hoàn toàn khiếp nhược; ông không dám tính chuyện làm ăn kiếm sống mà phó mặc mọi chuyện gia đình cho bà mẹ kế của tôi để nằm bẹp một chỗ. Vậy là tôi có lý do để nghĩ rằng cả bố và mẹ của tôi đều là những nạn nhân chiến tranh và bản thân tôi có lý do để oán trách chiến tranh.

Trong khi làm nghề cắt tóc rong khu vực Đại Yên Ngọc Hà cho tới Bưởi, bố tôi thỉnh thoảng cũng vớ được dịp may mắn, đó là những khi các đơn vị người Pháp sau thời gian trận mạc quay về đóng quân dọc Đường Thành và họ cần phải cắt tóc sang sửa quần áo nghỉ ngơi. Nhưng may đấy cũng là tai vạ đấy. Một lần bố tôi bị bắt, do bị nghi ngờ là có làm việc gì đó có hại cho đơn vị nhà binh người Pháp, và mặc dù vô tội nhưng cũng phải đến nửa tháng thì  mới được tha.

Tình hình đó thúc đẩy bố tôi bỏ nghề cắt tóc rong mà lo kiếm một địa điểm cắt tóc cố định. Việc chuyển khỏi làng Đại Yên là một bước đi tự nhiên.

Từ lâu trong khi làm ăn ở trên làng Bưởi thì gia đình ông nội tôi vẫn có quan hệ tốt với vùng Thụy Khuê quãng giữa nhà máy da và sở xe điện cũ. Ông bố tôi đã từng có thời gian theo học tại một cụ nhiêu trong xóm Ổi (sau là ngõ 105) làng Thụy.  So với Đại Yên thì Thụy Khuê là một khu vực tấp nập hơn hẳn, tuy vậy tới đầu những năm 1950s, khu đất của ông thầy của bố tôi vẫn còn là một mảnh đất hoang vắng. Cụ nhiêu xưa đã mất, cụ bà sống trong cảnh cô đơn một mình nuôi hai đứa cháu sớm mồ côi bố và mẹ thì đi lấy chồng khác. Bố tôi nói khó với cụ bà cho gia đình tôi thuê tạm với giá rất “hữu hảo” một mảnh đất khoảng hai trăm mét vuông. Sau khi vay được tiền của một người quen cũ ở phố Nguyễn Gia Thiều, bố tôi thuê dựng lên một căn nhà lá hướng nam, nhà có giếng nước, cổng ngõ hẳn hoi. Trước đó hồi ở Đại Yên bọn tôi thực ra chỉ là ở thuê một túp lều giữa đồng. Bởi vậy tôi còn nhớ khi căn nhà đơn sơ ở xóm Ổi được dựng lên, bố tôi cảm thấy như được đổi đời. Khi nhà gần xong, một hôm chập tối có con đom đóm tự đâu không biết lượn đi lượn lại trong nhà, bố tôi bảo rằng đó là hương hồn của mẹ tôi về thăm lại và mừng cho bố con tôi.

 Việc dựng nhà dựng cửa ngày ấy tuy đã mất đi khá nhiều tinh thần  của nền văn hóa dân gian pha chút ảnh hưởng Nho giáo song còn rất nghiêm cẩn, chỉ làm nhà tranh vách đất nhưng bố tôi chuân bị kỹ càng thuê người mua tre về ngâm vài tháng trước và khi dựng chọn được những người thợ cất nhà rất chuyên nghiệp. Tôi còn nhớ là sau khi nhà dựng xong những người thợ đó còn cho gác lên phía gần mái nhà một tấm thước chắc chắn đã dùng làm chuẩn trong khi làm nhà, ý họ muốn là sau này tốp thợ nào tính chuyện sử nhà sẽ có căn cứ mà làm việc. Cuộc sống ở Thụy Khuê dã vào nhịp ngoại ô đàng hoàng chứ không còn là cảnh chạy loạn hồi cư như ở Đại Yên nữa  

Tuy chỉ là hai phía tả hữu của con đê mà chúng tôi hồi trước gọi là Đường Thành và nay gọi là Hoàng Hoa Thám – song Đại Yên và Thụy Khuê là hai vùng đất khác hẳn nhau.

Đại Yên từ năm 1948 đến 1952 mà tôi đã sống là một miền quê vắng vẻ. Do không có một con đường lớn nào đi qua, nên làng giống như một xóm núi bị bỏ quên. Đường làng vắng vẻ. Ngay trước đình làng là một cái giếng nước cũ, loại giếng đất người ta có thể lội xuống để vục nước vào thùng lấy về ăn, và bọn trẻ con chúng tôi thường bị dọa là trong cái giếng nước ấy có con nam nam, trẻ con vô ý là bị con nam nam ấy lôi tuột xuống giếng. Cổng làng gồm hai trụ xây lớn tướng, cạnh đấy là nơi đặt chiếc xe hòm để đưa các người chết về bãi tha ma. Thẳng từ cổng làng trở vào chỉ có một cửa hàng nho nhỏ của nhà ông Lý Đầm chuyên bán các loại mắm muối và tạp hóa. Ngay đấy cũng là nơi họp chợ của làng, chiều chiều các nhà trao đổi các mặt hàng lá cây làm thuốc để hôm sau mang xuống chợ trung tâm để bán. Đại khái tôi chỉ nhớ như thế vì hồi ấy tôi còn nhỏ quá, chỉ nem nép ở túp lều lọt thỏm giữa cánh đồng trồng rau mà chưa bao giờ đi hết các khu vực trong làng.

Còn như Thụy Khuê thì khác. Thụy Khuê có con đường tàu điện đi qua, một đường lên chợ Bưởi, một trong năm sáu chợ lớn nhất của cả Hà Nội mà chị tôi đi bán hàng thường không bao giờ bỏ qua: Chợ Bưởi, chợ Vẽ, chợ Mơ, chợ Hà Đông…

Thụy Khuê thú vị nhất đối với tôi là ở chỗ làng có một phía giáp ra hồ Tây. Từ ngõ 105 của tôi phóc qua đường tàu điện sang bên kia đường là đình Cổ Lê, một cái bến phía nam Hồ Tây để dân làng Thụy ra rửa ráy vo gạo, gánh nước, giặt rũ, còn bọn tôi thì tha hồ bơi lội và câu các loại cá nhép. Tôi nhớ nhất là những buổi đi câu thầu dầu, ăn nổi ngay trên mặt nước, cũng như câu cá bống không có cần lưỡi mà giật được từng chùm cá nhỏ nhờ những con giun buộc vào sợi dây đầu cần. Khi đã 12 13, có lần tôi đi câu cá bống mang ra chợ bán đủ tiền xuôi tàu điện xuống chợ Đồng Xuân khu vực Hàng Buồm Hàng Đường Hàng Chiếu, xem phim Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài.

Đền Cố Lê nằm ngay cạnh hồ là một khu thờ cúng cũ nát, nhưng cũng đủ để chứa các đoàn cải lương nho nhỏ thực tế là những gánh hát rong, thỉnh thoảng về diễn cho chúng tôi xem. Tôi thích nhất là vừa được xem ban ngày, các diễn viên tập luyện thế nào, thì tối tối lại được thấy họ tái diễn trên sân khấu dưới ánh đèn và tạo nên một hiệu quả khác hẳn.

Dọc phố Thụy Khuê hồi ấy, quãng trước Sở xe điện, tôi thấy đủ mặt hàng: hàng phở (hai hàng cách nhau vài nhà một là phở Chuông và một, phở Minh Tiến), hàng giặt là, hàng thợ may, hiệu ảnh. Ngay ngoài cổng một tòa nhà lớn gọi là nhà Nhật Trương, ông bố tôi cũng dọn dẹp để mở ra một quán cắt tóc nho nhỏ đặt tên là quán Đông Mỹ. Hai chữ Đông Mỹ này được ông cẩn thận lấy sơn viết trên bảng gỗ bằng cả hai thứ chữ là chữ Hán và chữ Quốc ngữ.

Có một địa điểm ở Thụy Khuê mà khi ở tuổi 12 – 13 hàng ngày tôi thường phải theo lệnh gia đình lai vãng một hai lần, đó là chợ Thụy gồm các cửa hàng nho nhỏ như mấy phản thịt lợn, các loại hàng rau, tôm cá và có cả một quán ăn bình dân mà sau này một thầy giáo dạy toán của tôi hồi lớp sáu trường Chu Văn An là thầy Trị người miền trong, hàng ngày đến đấy ăn.

Thú vị nhất đối với tôi là có dịp được theo gia đình xuôi tàu điện, qua sở trồng hoa và ươm cây (tiếng Tây bồi gọi là La Pho), qua đền Quán Thánh, xuống một trạm chính của con đường xe điện từ Bưởi đến Bạch Mai là Chợ Đồng Xuân.

Theo đoạn xe điện này, người dân làng Thụy của tôi thường tỏa xuống ba sáu phố phường, bán các loại xôi ngô xôi xéo cùng các loại khoai sắn luộc.

Khi nghĩ về Thụy Khuê, tôi nhớ tới một khu ngoại ô điển hình, ở đó không còn là làng quê nữa nhưng cũng không phải là phố xá với cửa hàng cửa họ to lớn, giàu có. Có lẽ vì thế mà làng Thụy hay cũng gọi là phố Thụy Khuê của tôi đứng ngoài mọi biến động của thời cuộc.

 Sau 10/10/54, trong khi ở Đại Yên, Ngọc Hà có thể nghiệm một chút gọi là không khí cải cách ruộng đất,để tìm địa chủ, trong khi phố xá quanh chợ Đồng Xuân phải học tập để cải tạo tư sản thì vùng Thụy Khuê của tôi yên lặng làm công việc buôn bán nho nhỏ của mình. Trong các bản lý lịch phải khai khi theo học ở trường trung học sau năm 54, ban đầu tôi thường khai là dân nghèo thành thị, mãi về sau do ông bố tôi bỏ nghề cắt tóc, quay về làm ở nhà máy da Thụy Khuê, thì tôi cũng khôn khéo mà khai rằng mình thuộc thành phần giai cấp công nhân.



Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn