VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Hồ Trung Tú - Lời kết viết cho cuốn "Có 500 năm như thế"

 

Chép theo Fb Tú Trung Hồ (Hồ Trung Tú) 23-1-2023
---
Trên Fb đang có cuộc trao đổi về nguồn gốc giọng Quảng Nam mà Hồ Trung Tú - viết trong cuốn "Có 500 năm như thế". Về ngôn ngữ học tôi không rõ. Riêng tôi thấy quan niệm về sự hình thành bản sắc dân tộc và tiếp nhận văn hóa mà tác giả trình bày trong Lời kết rất đáng ghi nhận. Vậy xin phép đưa vào đây. VTN

--

NHỮNG DÒNG ĐỂ KẾT THÚC.
Vâng, ở Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn còn nguyên đó những làng người Chàm trăm phần trăm cho dù họ mang họ gì đi nữa.
Chỉ một ký ức bị đánh mất và ngôn ngữ là khác thôi.
Số làng còn lại thì sự hòa huyết là chiếm tuyệt đại đa số.
Như vậy tính về lượng, bằng cách gì đi nữa thì các yếu tố Chàm vẫn cứ chiếm tỷ trọng lớn trong máu huyết người Quảng Nam.
Tiếc thay người ta vô tình, và cả cố tình lãng quên điều ấy.

Mà đâu phải chỉ chuyện huyết thống, cái di sản họ để lại trong tâm hồn người Quảng Nam, người Đàng Trong xem ra đâu phải là nhỏ.
Những làn điệu dân ca Khu Năm buồn hiu hắt: “Chi mà tệ tệ rứa chàng, chi mà bạc bạc rứa chàng” thấm đẫm sự nhẫn nhịn ấy đầy ắp trong các bài dân ca Khu Năm.
Những ông chồng Việt nhiều trách nhiệm với cộng đồng, có chức tước hẳn đã để các bà vợ Chàm hát ru con bằng những lời buồn nẫu ruột ấy.

Nhạc sĩ Trần Hồng, người lăn lộn cả một đời với dân ca Khu Năm đã phải thừa nhận rằng, dân ca Khu Năm chính là dân ca Chăm, không thể khác.

Không cần phải có sự học hành hoặc kiến thức về âm nhạc chúng ta cũng có thể thấy dân ca Khu Năm là một thế giới khác, nó không xuất phát từ đồng bằng Bắc Bộ, cũng không phải thoát thai từ Khu Bốn cũ, mà là một thế giới nào đó vừa dữ dội lại vừa dịu dàng, thô ráp mà cũng tinh tế.

Và nhất là cảm nhận thấy nó buồn hiu hắt, điều rất xa lạ với “tính tình hung hãn” như được chép trong “Dư địa chí”.

Và rõ ràng là những giai điệu này xa lạ với người phía Bắc đèo Ngang.

Mà đâu phải chỉ chuyện Quảng Nam, cả cái xứ Đàng Trong đến tận Sài Gòn rồi Cà Mau kia nữa, tất cả đều xuất phát từ sự giao hòa chủng tộc và văn hóa ấy.

Mở mang đất phương Nam là hoàn toàn của người Đàng Trong, mà lịch sử Đàng Trong thì bắt đầu bằng 300 năm hỗn cư không chính phủ (trước khi Nguyễn Hoàng vào) của vùng đất thuộc lưu vực sông Thu Bồn. Nó hình thành tính cách, trong đó có giọng nói, của cả một xứ Đàng Trong cho đến bây giờ.

Với lịch sử, chỉ có thêm chứ xin đừng bớt, chỉ có vơ vào chứ xin đừng đẩy ra. Bao nhiêu số phận, bao nhiêu con người đã sống, đã yêu thương và đấu tranh trải dài hàng ngàn năm qua nhưng rồi chỉ để lại thưa thớt đâu đó những câu ghi chép trong lịch sử không phải của mình, trong những nhận xét không thiện cảm, và cả trong sự miệt thị khôn nguôi của một xã hội vốn được trang bị một cái nhìn khác, lối sống khác, nhân sinh quan khác.


Họ đã giằng dai, giữ gìn từng mẩu bản sắc của cha ông trong sự thua kém ấy. Chỉ có thể trả lời cho sự thành công đó chính là nhờ vào số lượng đông đúc mà họ đã ở lại.


Thế nhưng 143 năm dưới các triều vua Nguyễn đã khiến họ đã phải từ bỏ tất cả, vì lý do gì chúng ta vẫn chưa thể biết tường tận , chỉ còn lại phảng phất đâu đó trong tính cách người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên một nét văn hóa, tính cách bất chợt lộ ra, nhiều khi xa lạ như một người nước ngoài, khó nhọc diễn đạt ý tưởng, thô mộc trong ứng xử, chỉ lấy sự chân thành để bù đắp, lấy sự quyết liệt để thay thế cho sự tinh tế thị thành.
*
Vâng, thực sự chúng ta đã có 500 năm như thế, trước đây tôi chỉ đồ chừng rằng chỉ có 300 năm của một cuộc cộng cư (1306-1602) nhưng sau khi nhìn kỹ vào những tư liệu hiếm hoi có được chúng tôi đã phải nhìn nhận lại quãng thời gian đó. 500 năm là dài hay ngắn?

Câu hỏi rõ ràng là vô duyên này vẫn cứ buộc phải đặt ra để nhấn mạnh về sự hình dung cần thiết về độ dài thời gian “mờ mờ nhân ảnh ấy”.

Sau khi bản in lần thứ nhất công bố, có nhà nghiên cứu sâu sắc về lịch sử Đàng Trong vẫn cứ đặt ra câu hỏi trong một hội thảo quan trọng về văn hóa Đàng Trong: “Có xảy ra sự kỳ thị không khi người Việt vào vùng đất này”.

Câu hỏi này thoạt nghe thì hay, cần được bỏ công trả lời, thế nhưng đó là một câu hỏi phi phân kỳ, câu hỏi của cách nhìn cũ, 500 năm dồn lại một kỳ, một thế hệ, một đời người là xong. Với cái nhìn phân kỳ chúng ta thấy chắc chắn có lúc sự kỳ thị là người Chàm với người Việt, có lúc thì ngược lại, có lúc thì cộng cư hòa hiếu, có lúc thì quan lại cai trị là người Việt nhưng văn hóa chủ đạo lại là của người Chàm.

Cái cách mà chúng hiểu về chữ “kỳ thị” đó thực ra chỉ hình thành dưới thời các vua Nguyễn, câu văn tá thổ (lễ cúng thuê đất đầu năm của cư dân Quảng Nam) nhắc đến người Chàm như một sự kỳ thị “Lồi, Lạc, Chàm, Chợ, Mọi, Rợ, Man, Di, Ngung, Man Nương... ” chúng tôi chắc chắn chỉ hình thành dưới thời các vua Nguyễn khi người Chàm, văn hóa Chăm đã thực sự lùi bước ở Quảng Nam. Bằng chứng là trước khi Gia Long lên ngôi ta có được bức tranh trong sách của Barrow cho thấy cộng đồng người ở Đà Nẵng người Chăm được tôn trọng, các quan lại ngực đeo thẻ bài vẫn cùng vui cùng chơi với họ mà họ thì không ngại ngần gì chuyện ăn vận của mình không giống người Việt. (Xem ảnh)


Những bằng chứng thật ít nhưng may mắn là nó có được sự thuyết phục ở tính logic khá cao.


Giả sử, nếu như bây giờ chúng ta có được một đoạn phim nào đó được quay vào năm 1402 mô tả những cuộc tàn sát người Chăm trong một trận đánh nào đó, hoặc mô tả cuộc di dân mạnh mẽ đông đúc dưới thời nhà Hồ vào đất Quảng Nam nay thì bản thân tư liệu này cũng chỉ có giá trị ở không gian đó, lúc đó chứ ở không gian khác, thời gian khác thì có thể mọi chuyện đã không phải như vậy.

Ví dụ được nhiều người dùng là thành phần những lưu dân vào Nam, theo nhiều chỗ trong Sử Ký Toàn Thư thì nhiều tội nhân bị lưu đày vào Quảng Nam hoặc Thăng Hoa và từ đây rút ra tính cách của người Quảng.

Theo chúng tôi kết luận này là vội vàng, đơn giản vì số lượng người bị lưu đày này chắc chắn là không đáng kể so với những lưu dân ra đi vì mất mùa, đói kém hoặc dịch bệnh. Hơn nữa, những tội nhân xét cho cùng cũng là người bình thường, chỉ vì trong những hoàn cảnh đặc biệt mà phạm tội, nếu quy đó là thuộc tính tất nhiên thì có lẽ hẳn đã có công trình tâm lý học riêng về lĩnh vực này.


Vì vậy việc dùng tư liệu bao giờ cũng hạn chế nhất là khi ta xét đến những quãng thời gian dài. Những gì xảy ra năm 1306 sẽ rất khác với những gì xảy ra vào năm 1471 cũng như sẽ rất khác với những gì xảy ra ở Đà Nẵng khi Barrow cho thuyền cập bến Nam Ô ở vịnh Đà Nẵng năm 1793. Tương tự như vậy, những gì xảy ra ở vùng Bắc Thu Bồn cũng sẽ rất khác với những gì xảy ra ở Nam Thu Bồn hoặc với Bình Định, Phú Yên; những gì xảy ra ở đồng bằng ven biển cũng sẽ rất khác với những gì xảy ra ở miền núi trung du.


Có một thời nhiều người đặt nhiều hy vọng vào các bản “Bắc địa tấu từ” tương truyền là do các vị quan vào Nam viết báo cáo gởi ra Bắc, trong đó kể chuyện dành đất, tranh đất với người Chàm bằng cách thi xây dựng tháp, người Việt dựng tháp bằng tre bồi giấy, người Chàm dựng tháp bằng gạch nên thua và phải bỏ lên núi.

Những văn bản này nếu có thật và cho dù hoàn toàn đáng tin cậy về mặt tư liệu, như đoạn phim giả sử nọ, thì câu chuyện đó liệu có xảy ra trên tất cả xứ Đàng Trong? Và quan trọng hơn, điều gì xảy ra sau đó nữa, có phải họ, người Chàm đã bỏ chạy đi cả hay họ không bỏ đi đâu cả, vẫn ở lại và truyền cho người Việt di dân vào Nam cái nếp ăn nếp ở, mà có lúc thực sự đã văn minh hơn, giàu có, phong phú hơn những người ra đi từ những làng quê nghèo, phục trang phần nhiều là khố và nón mê.


Vì vậy kết luận có thể rút ra là cái chúng ta cần là một góc nhìn khả tín để tiếp cận với sự thật chứ không phải là những tư liệu đủ tin cậy hay bất cứ bằng chứng nào cho dù hay và chính xác đến đâu.
Đã một thời gian dài chúng ta bằng lòng và kính trọng công lao của ông bà tổ tiên khi đọc thấy những dòng này trong gia phả: “Tiền hiền khai canh, hậu hiền khai cư... các ngài đến vùng đất này chiêu dân lập ấp...” mà không thử đặt câu hỏi rằng người dân nào đang ở đó cho các ngài ấy chiêu dân mộ đinh để lập làng, lập xã?


Bản thân những câu văn tôn xưng ấy không có lỗi, lỗi chăng là chúng ta chỉ biết nhìn vào đó, thấy lịch sử qua những câu văn như vậy, lịch sử được hình dung từ những câu văn tôn xưng ấy mà quên đi sự dịch chuyển, sự vận động của những cộng đồng dân cư bên dưới, không được ghi chép lại, nhưng chính họ, chính sự dịch chuyển và va chạm ấy đã tạo nên văn hóa, tạo nên cái hình hài bản sắc của người Quảng Nam hôm nay nói riêng và người Đàng Trong, người Việt nói chung.


Chúng ta thường nói nhân dân làm nên lịch sử nhưng hình như chúng ta đã làm ngược lại, dồn hết kính trọng cho các cá nhân !
Và đây, tìm hiểu sự dịch chuyển, sự vận động, giao thoa của các tộc người, của các cộng đồng dân cư, của các nền văn hóa, trong lịch sử, mới chính là điều chúng ta cần hướng tới trong cuộc hành trình không đơn giản: hiểu đúng bản sắc.


Cũng vậy, ở miền Trung sự hình thành bản sắc đã diễn ra muộn hơn nhưng chính nhờ vậy nó lại cho ta một hình dung về sự hình thành bản sắc dân tộc Việt trong quá trình vận động, va chạm của các tộc người, của các nền văn hóa khác nhau.
Sự tự hào về nền văn hóa Việt không ngăn cản ta tự hào với bất cứ gốc gác nào đã góp phần tạo nên cái văn hóa đó.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn