VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Hai bài viết sau đám tang hòa thượng Tuệ Sĩ, một của Từ Thức và một của Lê Học Lãnh Vân

 

HOÀ THƯỢNG TUỆ SĨ

 

Trích từ “Từ Thức: Tạp ghi tháng 11”


Nguồn: Fb Song Chi
 2-12-2023 

--

Hoà thượng Tuệ Sĩ viên tịch.

Ít khi một nhà tu ẩn dật, qua đời được nhiều người người nhắc tới như vậy.

Bởi vì trong một xã hội băng hoại, nhân phẩm đổ nát, ít có cơ hội được ca ngợi một người tốt, một tia sáng, một đôi chút hy vọng.

 

 

Nói về một người đáng kính cũng là một nhu cầu. Đó là một cách trấn an cho chính mình: đất nước chưa hoàn toàn bệ rạc, bởi vì còn những người như Tuệ Sỹ. Một cách khuyến khích cho những người còn nước còn tát.

 

 

Ở đây, tôi mạo muội dùng chữ Tuệ Sỹ trống không, như người ta viết về một nhà văn: Nguyễn Du, Nhất Linh. Bởi vì sinh thời, một người nhiều tình cảm, suy tư như ông, chắc muốn viết văn, làm thơ hơn cả.

 

 

Tuệ Sỹ tượng trưng cho tất cả những gì đã mất ở xã hội Việt Nam, nhất là nhân phẩm con người.

 

 

Tuệ Sĩ là một nhà chân tu trong một thời mạt pháp, bên cạnh những hoà thượng, đại đức công an, thuộc kinh Hồ Chủ Tịch hơn kinh Phật. Tuệ Sỹ sống thanh đạm, bên cạnh các thầy chùa quốc doanh lên xe xuống ngựa, vạt núi, xẻ rừng, phá huỷ thiên nhiên để xây những ngôi chùa vĩ đại, kêch cỡm, thô bạo để kinh tài.

 

 

Trong một thời đại hỗn mang, dân lầm lẫn tôn giáo với mê tín, dị đoan, buôn thần bán thánh là chuyện làm ăn thịnh vượng nhất, Tuệ Sỹ là trí thức thứ thiệt giữa một băng đảng nguỵ trí thức. Hoặc bằng cấp giả, hoặc bằng cấp có được nhờ học thuộc lòng, nhưng quay mặt trước thảm trạng xã hội để được yên thân, để khỏi mất đôi chút bổng lộc. ’Sĩ khí rụt rè, gà phải cáo. Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi’, như ngày xưa Trần Tế Xương đã mỉa mai.

 

 

Tuệ Sỹ không đi tu để trốn đời, ông ghé vai lãnh việc chung, như Camus nói: trí thức hay không, người dân nào cũng ở trên thuyền, cũng phải chèo.

 

 

Tuệ Sỹ lãnh án tử hình, không thèm xin khoan hồng, vì cho mình không có tội gì cả, ngoài tội yêu nước, và không có ai đáng để xét xử ông. Một câu ngắn đủ để nói lên thực trạng của công lý.

 

 

Dưới thân thể mảnh mai, gió nhẹ đủ để cuốn bay, khiến người ta nghĩ tới thánh Gandhi, nhà chân tu ấy đương đầu với cả một tập đoàn ma tăng, cứu vãn cho danh dự Phật Giáo Việt Nam trong cơn điên đảo.

 

 

Tuệ Sỹ là một trí thức uyên bác.

Trí thức không nhất thiết phải đi đôi với uyên bác, nhất là ở Việt Nam.

Những sách về Phật Học của thày mở một chân trời mới cho Phật tử, trong khi theo truyền thống “thuật nhi bất trác”, đa số sách vở Việt Nam chỉ lặp đi lặp lại những cái cũ, chỉ đi những lối mòn. Chưa nói đến tác phẩm tràn ngập thị trường của các nhà tu công an.

 

 

Thơ Tuệ Sỹ là những bát nước trong, nhưng bát nước chứa cả vũ trụ. Một nhà chân tu, một trí thức uyên bác, một công dân bất khuất. Một người như vậy tưởng như không thể có ở Việt Nam ngày nay. Nếu có cũng khó sống.

 

 

Thư thày Tuệ Sỹ gởi tăng sinh Huế dưới đây, cách đây trên 20 năm, đáng lẽ phải dán ở mỗi chính điện, mỗi cổng chùa như một lá bùa, để ếm ma tăng khỏi mò vào cửa Phật:

“Một Phật Tử xuất gia, khi cất bước ra đi, là đến phương trời cao rộng, tâm tính và hình hài không theo thế tục, không buông mình chìu theo mọi giá trị hư đốn của thế gian. Người Phật tử không cúi đầu khuất phục trước mọi cường quyền, bạo lực.

Một chút phù danh, một chút thế lợi, một chút an nhàn tự tại, đấy chỉ là những giá trị nhỏ bé và giả nguỵ, mà ngay cả người đời nhiều kẻ còn vất bỏ không tiếc để giữ tròn danh tiết.

Chớ khoa trương bảo vệ chánh pháp mà thực tế chỉ là ôm giữ chùa tháp làm chỗ ẩn núp cho ma vương, là nơi tụ hội cho cặn bã xã hội. Chớ hô hào truyền pháp giảng kinh, thực chất là mượn lời Phật để xu nịnh vua quan, cầu xin một chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua quan bán chức”.

 

***

NGÃ NGUYỆN VÔ CÙNG

Lê Học Lãnh Vân

 Nguồn – mạng Văn Việt 1- 12 - 2023

--

Việc Thầy Tuệ Sỹ viên tịch làm dậy sóng cõi mạng. Lớp lớp sóng Tiếc Thương, sóng Yêu Kính, sóng Từ Bi, sóng Tỉnh Thức…

Vậy thì, sự ra đi của Thầy là một sự kiện văn hóa, một sự kiện văn hóa lớn. Lớn tới độ nó dằn được các ồn ào của những của dư luận xốc nổi thường xảy ra trên công luận tại Việt Nam. Và nó dẫn dắt sự cao khiết, tĩnh lặng, thâm sâu…

Tang lễ thầy Tuệ Sỹ gợi lên nhiều điều tốt đẹp về văn hóa lâu nay bị xã hội rẽ rúng, dập vùi!

Thí dụ về tính khiêm tốn, không gây phiền hà cho xã hội, cho những người chung quanh. Tính khiêm tốn xin lễ tang được tổ chức lặng lẽ, không chiêng trống xập xòe, không xướng tên người và chức tước các đoàn tới viếng, không yêu cầu đền tháp…

Thí dụ về tính trí tuệ và trí huệ. Con người biết khoảng mười ngôn ngữ và đọc thiên kinh vạn quyển kia chỉ dùng năng lực ấy tận hiến cho đời, chẳng hề “khoe khoang nói chuyện trực tiếp bằng tiếng Anh!”. Con người tinh thông đạo pháp và triết học kia lúc nào cũng có nhu cầu được khiêm tốn làm việc, đọc, học…

Thí dụ về tính cao khiết, tôn trọng đạo đức, xem nhẹ vật chất trần gian…

Thí dụ về đởm lược. Bị cầm tù, bị phán xét tử hình, con người vừa qua 40 tuổi năm ấy vẫn khuôn mặt điềm nhiên cùng đôi mắt sáng, sâu… “Chỉ người có tín tâm bất hoại, đức tính dũng mãnh vô úy, luôn tu học nhìn rõ sự tướng chân ngụy mới biết mình đang ở đâu, sẽ về đâu, không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc đời không định hướng…” (tóm tắt ý của thầy Tuệ Sỹ).

Một xã hội đứng trên những giá trị như trên mới phát triển lâu dài!

Tang lễ ấy khiến người ta nhìn và khẳng định lại những điều mình còn mơ hồ. Đúng rồi, những lễ tang cấp này cấp nọ, những ngôi mả xây rất hoành tráng, cầu kỳ trên diện tích đất mênh mông sao mà kệch cỡm quá!

Đúng rồi, những kiểng chùa to thật to tới phải bạt núi phá rừng mà xây, bên trong nghi ngút khói nhang mê tín, chỉ là nơi “ẩn núp cho Ma vương”, là nơi “mượn lời Phật để xu nịnh vua quan, cầu xin một chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua danh bán chức”, lừa gạt chúng sinh gom tiền thiên hạ…

Đúng rồi, những biệt phủ xa hoa, những đại án tham những hàng ngàn tỉ, hàng chục ngàn tỉ và giờ là hàng trăm ngàn tỉ chỉ là hạt cát vô nghĩa trước bậc cao tăng vòi vọi như dáng núi dưới trăng vàng!

Đúng rồi những chức danh tót vời, những phát ngôn rổn rảng càng cho thấy mức độ trí thức và tu tập quá thấp của nhiều khuôn mặt hãnh tiến trong miếu đường!

Đúng rồi, cái dũng xốc nổi của kẻ thất phu đưa xã hội chìm sâu bể khổ, chỉ cái dũng của tri thức và đạo đức mới hướng người ta lên vời vợi trời cao…

Đúng rồi, hình như văn hóa và giáo dục Việt đang lạc đường!

Là người trí thức cầm trách nhiệm cao, lẽ ra nên thấy trong sự ra đi của thầy Tuệ Sỹ cơ hội chấn hưng văn hóa! Việc lòng người hướng về các giá trị cao quý của đời và đạo cho thấy các giá trị truyền thống và văn minh, dù trải bao vùi dập, còn ẩn mình trong xã hội Việt. Đó là “dấu hiệu của nguồn mạch ngầm vẫn luân lưu bất tuyệt trong dòng lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt Nam”, của anh linh tổ tiên. Đó là nguồn lực vô cùng để phát triển người Việt, quốc gia Việt Nam!

Phải chăng nguồn lực vô cùng đó cũng là bệ đứng của ước mong thầy Tuệ Sỹ để lại là NGÃ NGUYỆN VÔ CÙNG…

Ngày 29 tháng 11 năm 2023

 

 

 

 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn