Bài của Sông Hàn được giới thiệu là thành viên nhóm Cổ sử - Từ nguyên, đưa trên mạng BBC 14 tháng 2 2022
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-60367979
NGUỒN H
Lý Thái Tổ dời đô về thành Đại La năm 1010, đổi tên thành Thăng Long
----
Các cuộc thảo luận
lâu nay ở Việt Nam thường cố tìm khác biệt với Hán khiến người Việt Nam quên
đi rằng nét đặc sắc văn hóa của họ là sự hỗn dung, đón nhận mọi ảnh hưởng trên
tuyến đường thương mại Đông Nam Á để cấu trúc nên người Việt Nam hôm nay.
--
Mấy chục năm về trước,
một nhà nghiên cứu Phương Tây có nói với GS. Trần Quốc Vượng: "Tri thức
Trung Hoa là một khối khổng lồ (giant block) người Việt Nam các ông chỉ véo
được vài mảng". (1)
Tìm kiếm bản sắc Việt
Nam là một hành trình đầy ưu tư và sóng gió. GS. Trần Quốc Vượng cho rằng:
"Việt Nam vừa là context Đông Nam Á, vừa là context Đông Bắc Á". Và
ngay lập tức có người đáp lại: Tôi không chơi với ông vừa là thế này, vừa là
thế kia.
--
BÓC HẾT CÁI
VĂN HÓA HÁN
TA CÒN LẠI
GÌ?
Bóc hết cái vỏ văn hóa
Hán thì ta còn lại gì? Phải chăng đó là cốt lõi Việt Nam?
Hay cái gì để khẳng
định rằng người Việt Nam ta khác với người Quảng Đông? Cái gì làm nên context
Đông Nam Á của người Việt Nam như lời GS. Trần Quốc Vượng?
Tôi có người bạn là
Giáo sư Đại học Paris 6. Tết về bên bữa cơm đón chào năm mới, bạn có hỏi:
"Làm sao mà chúng ta luôn bị nhầm là China? Cứ thấy đầu đen thì họ gọi ta
là người China".
Đối diện câu hỏi của
bạn, tôi chịu không tìm ra câu trả lời.
Tôi thấy cái gì mình
cũng na ná như là một 'anh Tàu con'. Từ đồ lễ tết với hoa đào, phong bao lì xì,
từ cái chữ Phúc dán ngược đến vải thiều, kẹo xìu, hoa gạo, bánh bao xíu báo. Từ
văn hiến ngàn năm gắn liền với Hán tự đến những tiêu chuẩn làm người … tử tế
(nào là nhân, lễ, nghĩa, hiếu, trí, tín).
Tôi chịu không tìm cho
ra cái chất phi Hán trong chính mình. Cái nhãn tiền như vậy, thật sự làm cho
tôi một người Dân tộc chủ nghĩa khó mà chấp nhận cho nổi. Dứt khoát phải tìm
cho ra mình là người Việt Nam, mình khác với anh Trung Quốc.
NGUỒN
HÌNH ẢNH,MARKA
'Khung cảnh hồ nước tạo
cho chùa Trấn Quốc sự hấp dẫn", theo trang web wanderlust
--
Nhưng tìm trong cổ sử,
vẫn lại thấy vóc dáng Đường tông - Tống tổ trong văn chương Hoàng gia Lý Trần.
Một phong cách đặc sệt Trung Hoa trong văn học chữ Hán Lý - Trần.
Ngàn năm trước từ
"Thiên Đô Chiếu", vị Hoàng đế vĩ đại khai sinh ra vương triều Lý - Lý
Thái Tổ đã dẫn tích Thương, Chu ra để… chỉ trích "Đinh, Lê nhị thị".
"Phạt Tống lộ bố
văn" của Lý Thường Kiệt, cũng là đem ngày Nghiêu tháng Thuấn ra để chiêu
dụ dân Tống.
Đến như "Dụ Chư
Tì Tướng Hịch Văn" của Hưng Đạo Vương thì rặt toàn thấy anh hùng Hán -
Đường, Tống, Nguyên.
Và còn rất rất nhiều
nữa.
Vậy anh hùng xứ Nam ta
đâu? Mà các bậc như Lý Tổ, Thường Kiệt, Hưng Đạo Vương không đưa vào? Nguyên
nhân đó bởi đâu?
Và tôi tự hỏi: bỏ hết
đi các giá trị văn hóa Hán ta còn lại gì? Bỏ hết đi Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín
cùng mọi cung cách Nho gia, ta còn lại gì? Nền tảng nào sẽ là cái bệ đỡ văn hóa
- tinh thần của người Việt khi bỏ đi cái cốt cách Hán nhân như vậy? Câu hỏi rõ
ràng là quá khó cho cả những người cấp tiến nhất!
--
TÌM VỀ BỐI
CẢNH ĐÔNG NAM Á
Nào phải chỉ riêng tôi
hay ông bạn đang là Giáo sư Đại học Paris 6 băn khoăn không tìm ra nỗi ta khác
Trung Quốc.
GS. Trần Quốc Vượng
đã… rất rất thông minh khi cho rằng: Việt Nam vừa là thế này, vừa là thế kia.
Và rằng tùy từng thời điểm mà context Đông Nam Á mạnh hơn, hay context Đông Bắc
Á mạnh hơn.
Mười mấy năm trước,
trong chuyến điền dã tại Phú Yên tức Champa một thuở nhìn những làng xóm vùng
ven Tuy Hòa với mái tranh được bao phủ bởi rặng tre xanh và cánh đồng vàng óng,
tôi bất giác nhớ làng quê Bắc Bộ.
Nhưng thế lại phát
sinh ra câu hỏi: Làng ấy là phiên bản copy từ Bắc Bộ đã theo chân những người
Việt vào đây lập làng lập ấp? Hay nhiều làng Bắc Bộ là phiên bản từ dấu chân
Chăm ra Bắc?
Suốt ngàn năm qua theo
những ghi chép của "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư" có tới 10 vạn người Chăm
ra Bắc. Họ được quân vương Đại Việt cho nhận bộ khúc (tức người trong làng
xóm), lập làng lấy tên Cham (2). Họ đặc biệt giỏi trong nghề trồng lúa nước,
dẫn thủy nhập điền, đào giếng, dệt lụa.
Phải nói có hàng trăm
làng Chăm trên vùng đất Bắc Bộ.
Và giếng Chăm cũng có
mặt ở rất nhiều nhiều nơi. Ngay cái giếng cổ làng Diềm nơi tổ nghề Quan Họ cũng
có cấu trúc Cham rõ ràng sắc nét. Ngay kinh thành Thăng Long cũng có dấu ấn
Chăm.
NGUỒN
HÌNH ẢNH,ẢNH DO TÁC GIẢ CUNG CẤP
Giếng Ngọc làng Diềm -
Viêm Xá, Bắc Ninh - với bốn khúc gỗ lim đóng đáy
--
TS. Nguyễn Tiến Đông
cho rằng "Đại Việt lấy nguồn cảm hứng từ phương Nam, từ Chămpa để tạo nên
một đối trọng với phương Bắc, một diện mạo mới cố gắng tách khỏi sự ràng buộc
trong văn hóa từ phương Bắc". (3).
Nhưng nói những chuyện
ấy e rằng quá là vĩ mô. Vậy thì ta lấy cái mô thức gia đình thân thuộc gần gũi để
mà làm minh chứng.
G.Giran trong
"Groyances religieuses des Annammites" cho rằng: "Chỗ khác nhau
cơ bản nhất giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa Trung Hoa là ứng xử với Mẹ và
Vợ".
Mô thức chung của gia
đình Việt Nam là chồng trị vì vợ quản lý. Cái thực quyền trong gia đình (tế bào
của xã hội) chính là nằm trong tay người Phụ nữ chứ không phải là Đức ông
chồng.
Cái miếng ăn thường
nhật của ta như lúa Chiêm, nước mắm thì đó là thành phần của bối cảnh (context)
Đông Nam Á.
Phải chăng đó là nét
khác biệt giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Hoa (Hoàng Hà)? Nhưng - vẫn
lại nhưng - những nét này có thể lại đền từ những cộng đồng như Cham (Nam Đảo)
hay Tày Thái (Tai - Kadai). Mà người Kinh Việt vì những biến động của lịch sử
mà tiếp nhận?
--
ĐẤT VIỆT
BAO DUNG
VÀ HỖN DUNG
VĂN HÓA TRONG LÒNG KINH-VIỆT
Người Việt ta nay có
lúa Chiêm, nước mắm, nhưng cũng giỏi làm tương, làm đậu phụ những đặc sản từ
Trung Hoa. Thế là thấy rõ ngay trong cái bữa ăn người Việt cũng hòa trộn hỗn
dung cả hai bối cảnh Trung Hoa và Đông Nam Á.
Vậy thì ta sẽ tiếp tục
tìm sâu hơn nữa. Từ cái thuở những tiền đề của văn hóa Đông Sơn cách đây 2.800
- 3.500 năm. Từ cái ngày mà văn hóa Hán chưa ập vào vùng đất nay là Châu thổ
sông Hồng và suốt ngàn năm Trung Đại ta tự hào là Trung Châu.
Ai đã trồng lúa đất
này, ai tạo làng và ai tạo nên văn hóa Đông Sơn - nền văn hóa mà người Việt ta
thiết tha tự hào? Là nền văn hóa mà mấy chục năm qua chúng ta đinh chắc đấy là
tổ tiên người Việt ta.
Nhưng như GS. Lương
Ninh từng nói ngay trong văn hóa Đồng Đậu cũng có thể có cả các yếu tố Môn cổ,
Tày Thái (Tai - Kadai) và Nam Đảo (4).
Bởi vì thật rõ ràng
những người Nam Đảo, sau là Tai Kadai mới là bậc thầy của nghề trồng lúa nước.
Ta lại dõi tiếp. Thật
kỳ lạ trong văn hóa Đông Sơn vô vàn hiện vật khảo cổ học mang phong cách Xuân
Thu - Chiến quốc. Từ Chuông, kiếm, dao, nạo v.v... và v.v... (5).
NGUỒN
HÌNH ẢNH,KIEU MAILY
Đồ dùng trong sinh hoạt
của người Chăm ở Việt Nam ngày nay
--
À ra thế từ 3.500 năm
trước, từ thủa những ruộng lúa nước xuất hiện trên vùng châu thổ sông Hồng, đất
này đã đón nhận rất nhiều luồng di cư. Tất cả những cái đó hòa trộn lại, châu
thổ sông Hồng là men xúc tác để người Vietic (hay Môn cổ), người Tai - Kadai
hay người Nam Đảo cùng sinh sống, cùng an cư và cùng hạnh phúc.
Tiếp nối sự bao dung
của vùng đất nay là Việt Nam. Cả ngàn năm trung đại ta sẽ thấy những dòng người
di cư vào Việt Nam. Cái văn hóa Đại La tiền thân văn hóa Thăng Long chẳng phải
là do Cao Biền tạo dựng đó sao (6)? Kênh Cao Biền (Đàm Bồng Cổ Vận Hà - 潭蓬古运河) vẫn còn đó như là
chứng tích một thời các dòng di cư từ Mân, Quảng vào châu thổ sông Hồng.
Vậy thì cái đặc sắc
văn hóa Việt Nam phải chăng là sự hỗn dung Văn hóa. Trên ngã ba đường của Thế
giới, trên tuyến đường thương mại kết nối Trung Hoa và Ấn Độ, tổ tiên chúng ta
đã đón nhận mọi luồng văn hóa để cấu trúc nên Đại Việt, cấu trúc nên người Việt
Nam hôm nay.
Trong sự bao dung của
vùng đất phía Đông bán đảo Trung Ấn này những giá trị dù Hán, dù Ấn, Tai -
Kadai, Nam Đảo đều đã và đang có không gian cho riêng mình và đóng góp vô vàn
vào văn hóa Việt Nam.
Và tôi nhận ra mình đã
cố chứng minh sự tự hào sai lầm rằng ta khác Trung Hoa.
Trong khi niềm tự hào
chân thật là đất này bao dung. Văn hóa Kinh Việt là sự bao dung sẵn sàng tiếp
nhận và biến đổi chứ không phải là sự chia tách vật lý rạch ròi hay cố công tìm
kiếm một ảo giác… ta khác Trung Quốc.
Chú thích:
1. GS. Trần Quốc Vượng - Trường Đại học KHXH và Nhân Văn: Ghi
chú về những tương đồng và dị biệt về những giá trị văn hóa Đông Á giữa Việt
Nam và các nước Đông Á khác.
2. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên: "Đại Việt Sử Ký
Toàn Thư", kỷ nhà Lý - Lý Thái Tông chép: Nhà vua "xuống chiếu cho
các tù binh đều được nhận người cùng bộ tộc, cho ở từ trấn Vĩnh Khang đến Đăng
Châu (nay là Quy Hóa), đặt hương ấp phỏng tên gọi cũ của Chiêm Thành".
3. TS. Nguyễn Tiến Đông: "Yếu tố văn hóa Cham Pa ở kinh đô
Đại Việt và vùng phụ cận" (Báo "Tia Sáng" ngày 2/8/2020).
4. GS. Lương Ninh - Trung tâm KHXH và NV Quốc gia: "Sự
thiên di và hình thành những nhóm cư dân ở Đông Nam Á lục địa".
5. Wei Weiyan, Shiung Chung‐Ching - Viet Khe Burial 2:
"Identifying the Exotic Bronze Wares and Assessing Cultural Contact
between the Dong Son and Yue Cultures".
6. "Đại Việt sử ký Toàn thư" chép: "Cao Biền giữ
phủ xưng vương, đắp La Thành vòng quanh 1.982 trượng lẻ 5 thước, thân thành cao
2 trượng 6 thước, chân thành rộng 2 trượng 5 thước, bốn mặt thành đắp các nữ
tường nhỏ trên bốn mặt thành cao 5 thước 5 tấc, lầu nhìn giặc 55 sở, cửa ống
sáu sở, cừ nước 3 sở, đường bộ 34 sở. Lại đắp con đê vòng quanh dài 2.125
trượng 8 thước; cao 1 trượng 5 thước; chân rộng 2 trượng, cùng làm nhà cửa hơn
40 vạn gian".