VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nỗi đau, nỗi sợ (hai phiếm luận ngắn)

 

1/ Những nỗi đau của thời nay

--

Nghề nghiệp buộc tôi luôn luôn phải trở lại với văn chương quá khứ. Qua các trang sách đã đọc, tôi hiểu con người thời nào cũng có những nỗi đau khổ lớn lao. Song, nếu được so sánh, tôi vẫn cảm thấy so với họ, con người thời nay đau đớn gấp bội.

Đau đớn không phải do “trời xanh” hay “con tạo” gây ra, mà đơn giản do cái xu thế chi phối cả xã hội lôi cuốn người ta, đau khổ do người nọ gây ra cho người kia, hoặc suy đến cùng là do chính mỗi người tự chuốc lấy. Cuộc sống trần trần trong ánh ngày đấy mà như trong cơn mê, và thỉnh thoảng người ta tỉnh ra thì cũng lập tức biết rằng tất cả đã muộn, tình thế vô phương cứu chữa.

Trong mục Trà dư tửu hậu trên Thời báo kinh tế Sài Gòn số 10-2008, tôi đã kể về một cô giáo trẻ chạy trốn khỏi nghề dạy học. Cô không đương nổi nỗi đau mà nhiều thầy giáo có lương tâm bây giờ phải gánh chịu: không có được lớp học trò tử tế để có thể yêu thương tin tưởng, cống hiến hết mình cho nghề.

Những nỗi đau tương tự như thế diễn ra hàng ngày đến mức người ta đâm ra dạn dày không muốn nghĩ tới. Lớp người năm nay sáu mươi, bảy mươi tuổi chúng tôi thỉnh thoảng lại có những buổi họp lớp.

Một kết luận khiến nhiều người sững sờ: kẻ thành công trong đường đời (giàu hơn và có địa vị xã hội cao hơn) nhiều khi không phải là người giỏi giang mà đơn giản chỉ là những kẻ liều lĩnh hơn, dám làm... láo hơn.

Trở thành công chức nhà nước, chúng tôi thèm được làm việc trong những cơ quan mà người đứng đầu thạo việc hơn mình, để rồi khốn khổ thay, đó là ao ước không mấy người đạt được. Nhưng thôi, những nỗi đau đó xem ra còn có vẻ “sang trọng” quá. Có nhiều nỗi đau cụ thể hơn, đời thường hơn. Chẳng hạn bạn hãy tìm đến một gia đình nào đó có đứa con bị nghiện hút.

Bây giờ cuộc mưu sinh quá lôi cuốn, đến mức nhiều người nhắm mắt bỏ qua, con hư mặc kệ, hàng ngày nhẫn nại mở tủ cung cấp cho con tiền bạc tiêu xài. Bản thân thì lấy sự chi tiêu tốn kém cho con làm cái cớ để bước sâu thêm vào vòng tham nhũng hoặc buôn gian bán lận, cốt bòn rút được của cải của thiên hạ và lấy đó làm điều hãnh diện.

Song, bên cạnh những người mê muội vẫn còn những người tỉnh táo hơn và tấn bi kịch tinh thần của họ bắt đầu từ sự tỉnh táo đó.

Sau những cố gắng tuyệt vọng để cứu vớt đứa con hư và tìm cách đưa nó về con đường chính đáng, nhiều gia đình rơi vào bất lực và tuyệt vọng.

Đến nước ấy, người ta chỉ có cách từ con, rồi lo chạy chọt để tống con vào trại cai nghiện và thầm mong mỏi một điều ngược đời: mong cho đứa con rứt ruột của mình chết đi càng sớm càng tốt.

Vâng, đúng thế vậy!

Hãy hình dung cái cảnh những bậc cha mẹ mặt lạnh như tiền đến đón đứa con mang đi mai táng, xem như thoát được một gánh nặng và một nỗi nhục nhã. Chẳng phải đó là tình cảnh phi nhân văn nhân đạo, tức trái với tính bản thiện của con người, những tình thế xưa nay chưa từng có mà chỉ ngày nay mới có?

Hàng ngày báo chí loan tin bao nhiêu kiểu giết người mà tôi không muốn kể ra ở đây vì thấy quá kinh dị. Chỉ nói một ca nhẹ hơn, một cháu bé trong cơn điên thèm chơi game, bóp cổ bà già hàng xóm lấy tiền.

Tôi ngờ là trong số những người thân của cháu nhỏ này, một lúc nào đó, trong đầu óc sẽ quẩn lên câu hỏi, con mình hay cháu mình có còn là người nữa không. Nỗi đau của những người đó - khi mơ hồ dự đoán tương lai của đứa trẻ - chắc chắn là một nỗi đau vô bờ.

Một người mẹ có hai con có mặt trong chiến tranh. Đứa lớn không trở về, nhưng tấm bằng liệt sĩ mang lại cho bà sự kính trọng của họ hàng và xóm giềng.

Đứa em thì ngược lại, trở về với một tâm hồn lạnh giá. Gã tự dành cho mình cái quyền hư hỏng phá phách làm càn để bù lại bao nhiêu gian khổ đã hủy hoại gã trong những năm tuổi trẻ. Không nghiện hút, chỉ cần rượu chè, cờ bạc đề đóm thôi, gã cũng đã thành một hiện thân của bệ rạc và tha hóa.

Trong cơn buồn bã bất lực, có lúc bà mẹ chép miệng: “Thà nó cứ chết đi như thằng anh, tôi nghĩ lại thấy đỡ vô phúc hơn là quay trở về hành hạ tôi như thế này”!

Trong cái câu than thở bồng bột cất lên ấy, tôi nghe ra một tiếng khóc thống thiết.

Hạnh phúc cuối cùng của con người xưa nay là tình yêu cuộc sống, thấy rằng cuộc sống có ý nghĩa.

Chỉ nhờ có được điều hy vọng tự nhiên đó mà con người vượt lên được bao nhiêu thách thức gặp phải trên đường đời.

Nay cái ý nghĩa lớn lao đó nhiều người không tìm thấy. Tương lai trở nên vô vọng. Cuộc sống chỉ còn chuồi đi theo thói quen. Tự mình chứng kiến sự hư hỏng của mình và những người thân của mình - hỏi có nỗi đau khổ nào hơn, và về mặt này, những lớp người tiền bối làm sao có thể so sánh với nhiều người chúng tôi hôm nay được!

***

2/Những nỗi sợ thông thường

--

Với một người già như tôi, những ngày nghỉ kéo dài do lễ lạt thường lại gây ra sự lúng túng, chẳng biết làm gì, chẳng biết đi đâu, mà quan trọng hơn là nếp sống thường ngày bị xâm hại. Nhìn ra chung quanh, tôi thấy trừ một số có điều kiện và biết tổ chức, còn với phần lớn những người còn nghèo – là đa số trong xã hội –, sau những ngày nghỉ được sử dụng bừa bãi con người lại sống khó khăn hơn. Nhìn rộng ra, tôi muốn nói tới những nỗi sợ nho nhỏ, kín đáo, ít ai để ý, nhưng nó là chuyện hàng ngày chứ không chỉ trong những ngày nghỉ.


Ở mục Thời sự và suy nghĩ trong một số báo Tuổi Trẻ 1/2012 tôi đọc ra một lời nhắn nhủ “Đừng để lễ hội thành nỗi sợ”. Mấy năm đã qua, vẫn cứ nhớ mãi.

Lâu nay báo chí thường chỉ nói tới những nỗi sợ có liên quan đến bạo lực. Còn lễ hội ư, một sinh hoạt văn hóa cơ mà, sao lại có nỗi sợ len vào đây? Nhưng chỉ cần nhớ lại mấy lần đi hội thấy cảnh xô đẩy nhau cầu cúng, chen chúc mua bán nham nhở hưởng thụ, thấy nhà báo nói cũng có lý.…

Báo Nông Thôn Ngày Nay một số cuối 2011 dẫn một ý kiến phát biểu trong Quốc hội: “Đừng để người dân ra đường là sợ”. Chắc không chỉ muốn nói tới các tai nạn giao thông đang rình rập, mà còn là chuyện cướp giật, chuyện móc túi.

Trên đà liên tưởng, tôi chợt nhận ra trong đời sống còn vô số nỗi sợ thông thường khác, những nỗi sợ này có sắc thái trung tính nên có vẻ như rất phổ biến.

Buổi sáng sợ đi làm vì không dễ gì vượt qua đám đông chen chúc trên đường.

Đến sở sợ gặp không khí chơi bời xả láng đến mức thấy mọi cố gắng bản thân thành vô nghĩa.

Có việc gặp cơ quan công quyền, sợ mọi sự hạch sách vô lý. Hồi 19 tuổi, trong một lần đến làm giấy tờ để chuyển hộ khẩu từ Hà Nội vào trường Đại học Sư phạm Vinh, tôi bị một người cậy quyền cậy thế quát thét, ức đến mức phải ra ngoài khóc một hồi, rồi mới quay vào nhẫn nhục chờ ông ta giải quyết tiếp.

Đang ngồi trong căn phòng khách sạn chợt thấy tiếng loa phường mắc trên cột điện chõ ngay vào cửa sổ, nghĩ có lẽ đến chết không cách gì thoát nổi những tiếng loa này.

Đi họp phụ huynh cho con chợt phát hiện cô giáo là người kém cỏi lại ham thành tích, sợ không biết cô giáo – và nền giáo dục này nói chung – còn dẫn con mình tới chỗ nào.

Một người bạn già của tôi bảo rằng tuy ốm đau luôn đấy nhưng rất sợ phải đi khám bệnh.

Không chỉ vì sợ lối làm việc quan liêu, mà đơn giản sợ lại chạm mặt mấy ông cùng cảnh về hưu, rỗi rãi tháng nào cũng vào khám cốt lấy ít thuốc hạng bét, về bán đi thêm tiền tiêu vặt.

Sợ hãi len ngay cả vào trong những chuyện tình cảm riêng tư. Đây là hai câu thơ của Nguyễn Duy, tả nỗi khổ thời bao cấp nghèo đói:

Vợ chồng ngủ với nhau như vụng trộm

Không nỗi sợ nào bằng nỗi sợ có con

Lại có những nỗi sợ mà thực ra không đáng sợ một chút nào cả, chỉ vì chúng ta “thần hồn nát thần tính” nên sinh ra một chút hoảng loạn.

Đoạn cuối Chuyện kể năm hai ngàn của Bùi Ngọc Tấn có một chi tiết lạ. Nhân vật chính ở tù ra đến xin đi làm. Ông cán bộ nhà máy biết rằng anh này xưa nay vốn rất tốt, nên vui vẻ ký nhận ngay. Nhưng vừa ký xong thì một nỗi sợ mơ hồ cứ bám riết lấy ông.

Ông cứ phải la lên thật to rằng ta không làm điều gì xấu cả.

La không phải cho ai nghe mà là để chính ông nghe.

Người mãn hạn tù trở về tức là có mọi quyền công dân bình thường, ấy thế mà sao lớp người chúng tôi vẫn gờn gợn thế nào mỗi khi tiếp xúc với họ. Tại sao lại có nỗi sợ kỳ cục vậy? Cái này ai đã sống ở miền Bắc trước 1975 mới hiểu được.

Đó là chuyện miền Bắc. Còn đây là chuyện miền Nam, đúng hơn là chuyện người Bắc khi vào Nam.

Một ông anh họ tôi trước 1975 là chuyên viên dân sự. Sau 1975, bị gọi đi cải tạo, vài tháng được về. Ông chỉ kể thấy thương những người quản giáo, do hai ấn tượng chính.

Một là, mấy người này sống quá đạm bạc, nhưng không biết cách thay đổi cuộc sống của mình. Có trong tay cả một đội ngũ chuyên viên khoa học tài năng mà chẳng biết tổ chức lại, dùng họ làm ra sản phẩm để cải thiện cuộc sống của mình.

Hai là, lúc nào cũng sợ mình sai.

Mỗi khi lên lớp chính trị cho các học viên, có người lắp ba lắp lắp, có người nói như đồng thuộc, nhưng họ đều giống nhau ở chỗ cố nói cho đúng những gì cấp trên bảo phải nói, chỉ sợ buột miệng ra những lời không đúng chính sách mà chung quanh phát hiện ra thì sẽ vạ to.

Người có quyền mà lại sợ vì không biết cái quyền đó có thực không và đâu là giới hạn của mình.

 

 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn